A Đào

Chương 13: Trấn Hồi Long



A Đào chậm rãi đẩy chiếc xe ba gác bằng gỗ đến khu chợ phía tây của trấn Hồi Long, trên xe đặt một cái lồng hấp lớn hai tầng, đang tỏa ra hơi nóng, bên trong là bánh hoa quế chưng.

Trấn Hồi Long không quá lớn, được xây men theo sông Kỳ Thủy, một khúc sông nhỏ chảy từ thành Tây Linh đến thành Đông Hồ, tập trung gần một trăm hộ gia đình. Phía đông là nơi cư dân sinh sống, phía tây là chợ, qua lại chỉ mất mười lăm phút.

A Đào đi tới chỗ bán quen thuộc, ôm cái bàn gỗ nhỏ trên xe xuống rồi đặt lồng hấp ở trên.

Chỗ góc bàn là một chồng lá chuối tây đã rửa sạch sẽ và cắt nhỏ, đây là do nàng vào rừng cây gần bờ sông cắt về, dùng cái này bọc bánh, chẳng những tiết kiệm được tiền mua giấy dầu mà còn có mùi thơm dìu dịu.

Mới đầu trong chợ còn khá ít người, lác đác mấy bóng dáng, toàn là những người bán hàng rong đang bày hàng hóa, con đường dài vắng tanh, chỉ có tiếng thì thầm. Dần dần, khi sắc trời bắt đầu sáng lên, tia nắng vàng nhạt chiếu rọi, bên ngoài trấn bỗng ùa vào thật nhiều người.

Hàng rau, hàng thịt, hàng son phấn, kim chỉ, được bày bán từ đầu hẻm đến cuối hẻm.

Cuối tháng 10, đông còn chưa tới, dù thời tiết không quá lạnh, nhưng màn sương mù vẩn đục và những cơn mưa dầm liên miên của ngày thu đã biến mất.

Nắng tan, mây trắng bao phủ bầu trời xanh, xung quanh càng thêm sáng ngời và yên tĩnh.

Không biết chủ của một tiệm nào đó ở góc đường thét to chào hàng, khu chợ thoáng chốc náo nhiệt lên.

Xung quanh chỗ của A Đào đã tụ tập bốn năm người đến mua bánh hoa quế, nàng xốc nắp lên, gói bánh, lấy tiền, thối tiền, động tác nhanh nhẹn và rập khuôn.

Giống như không cần nghĩ quá nhiều, là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Hơi nóng trong lồng hấp bốc lên, huân nóng làn da nứt nẻ trên mặt nàng, mang đến cảm giác tê dại.

Hôm nay buôn bán tốt hơn lần trước, có lẽ vì thời tiết ngày càng lạnh, mọi người càng muốn mua những chiếc bánh nóng để làm ấm bụng, chưa đến giờ Tỵ A Đào đã bán xong chiếc bánh cuối cùng trong lồng hấp.

A Đào bắt đầu dọn bàn chuẩn bị về nhà.

Thím Phan bán thịt ở bên cạnh đang mở hộp đựng đồ ăn sáng mình mang tới, giương mắt thấy vóc dáng nhỏ nhắn của A Đào đang vất vả nâng lồng hấp, vội vàng đứng dậy đi qua giúp, hỏi: “Ngươi định về sao?”

A Đào cảm kích gật đầu.

Mấy tháng nay ở đây bán bánh, nàng đã dần quen biết những người xung quanh, mỉm cười nói tạm biệt với bọn họ rồi cẩn thận đẩy xe hòa vào đám đông ở trước.

“Làm ơn nhường đường.” Giọng nói mềm nhẹ nhắc nhở đám người đang xô đẩy chen lấn, ai ngờ bánh xe kẹt vào khe rãnh trên mặt đường, thân xe lắc lư, cái nắp trên lồng hấp bỗng nghiêng theo, rơi xuống đất rồi lăn xa, nàng vội vàng dừng xe đuổi theo.

Thím Phan nhanh chóng tiến lên giữ thân xe giúp nàng. Bà ấy ở phía sau nhìn dáng vẻ chật vật của A Đào, nhịn không được chậc lưỡi, bĩu môi nói với người xung quanh, “Nữ nhân này thật đáng thương.”

“Đúng vậy.” Có người lặng lẽ phụ họa: “Chạy nạn tới, trượng phu lại chết sớm.”

Thím Phan thở dài một hơi, tỏ vẻ rất đồng tình, “Sao nàng có thể sống sót khi không còn trượng phu nhỉ?”

Lời này cũng khơi dậy lòng thương hại của đám người đang đứng vây xem.

Ngay lập tức, những câu thương xót, đồng cảm thỉnh thoảng vang lên trong khu chợ ồn ào. Tiếc là A Đào đã đi khá xa, mấy lời này còn chưa truyền vào tai thì đã biến mất.

A Đào thật vất vả mới về đến nhà, mở cửa lớn, đẩy xe ba gác tới một góc sân.

Trong nhà có nuôi một con chó cỏ tên A Tài, lúc nàng đẩy xe vào trong hẻm, nó vui mừng đến nỗi sắp cào hư cửa phòng, nó moi ống quần của A Đào, ra sức vẫy vẫy cái đuôi nhỏ, kêu ô ô làm nũng.

Thấy nó nhiệt tình như vậy, A Đào đành cúi xuống ôm nó lên, sờ cái đầu đầy lông của nó, cười nói: “Đói bụng hả, chúng ta đi nấu một chén mì nhé.”

Múc ra nửa chén bỏ xuống đất, A Đào ngồi trên thềm đá dịu dàng nhìn nó ăn.

Đây chỉ là một con chó con màu vàng nâu mới vài tháng tuổi, vốn là chó hoang lang thang khắp chợ xin ăn, cả ngày bị người khác xua đuổi, A Đào thấy nó đáng thương liền lấy bánh hoa quế đút nó ăn vài lần, không nghĩ tới nó lại lặng lẽ đi theo nàng về nhà.

Ai cũng nói nuôi một con chó tự nguyện theo mình về nhà sẽ mang đến tài phú, nhưng A Đào không nghĩ vậy, nàng chỉ thấy sợ và cô đơn khi một mình, có nó làm bạn cũng là chuyện tốt, huống hồ A Tài vừa hoạt bát đáng yêu vừa hiểu tính người, mang đến chút sức sống cho căn nhà lạnh băng này

A Đào đếm số tiền hôm nay kiếm được, trừ tiền thuê nhà tháng này, vẫn còn dư một xâu tiền, nàng vui vẻ cất xâu tiền vào chiếc hộp nhỏ dưới gầm giường, tích góp được kha khá rồi, nhiêu đây cũng đủ nuôi sống nàng.

Có tiếng gõ cửa vang lên.

Mở cửa, bên ngoài là một nam tử da ngăm đen, thân hình vạm vỡ, khi nhếch miệng trên mặt sẽ hiện ra mấy nếp nhăn, trong tay cầm con cá, thấy A Đào liền đưa cho nàng, “Mới câu được hồi sáng, còn tươi lắm, mau cầm đi, hầm canh cá mà uống.”

A Đào bám vào khung cửa, cười khách sáo, không có ý định để người nọ vào nhà.

“Cảm ơn Lưu đại ca, ta đã ăn cơm rồi, huynh hãy mang về đi.”

Nam tử tiến lên một bước, dường như không nghe thấy sự từ chối trong lời nói của nàng, cộc lốc nhét cá vào tay nàng, “Vậy để tối ăn.” Thân cá trơn trượt và lạnh lẽo đụng vào mu bàn tay, làm nàng vô thức rụt tay lại.

Nàng lại muốn từ chối, nhưng nam tử lại quá thành khẩn, cứ như nàng không nhận, hắn sẽ không bỏ qua vậy, A Đào hết cách, đành đưa tay nhận lấy, “Cảm ơn, lần sau đừng đưa nữa, đồ huynh vất vả kiếm được, chớ để tôi được lời mãi.”

Nam tử khoát tay, chẳng hề để ý nói: “Cái này không là gì cả, không đáng nói, ta đang giăng lưới bắt tôm cua trên sông, nếu có thể bắt được một hai cân, lại cho ngươi một chút ăn thử.” Nói xong hắn lui ra sau hai bước, phất tay rồi nhanh chóng rời đi.

A Đào cười khổ nhìn con cá, đóng cửa lại, mang con cá vào nhà đặt trong cái niêu đất, niêu nhỏ mà cá lại to, nửa cái đuôi lòi ra ngoài, khiến A Tài giơ móng vuốt nhỏ khều chơi.

Nam tử kia tên Lưu Tứ, là người goá vợ, thê tử qua đời nhiều năm nhưng không tái hôn, rõ ràng là một người có tình có nghĩa. Hắn dựng sạp bán cá trong chợ, ngẫu nhiên cũng tới sạp hàng của A Đào, thường xuyên qua lại liền quen biết, không giúp nàng đẩy xe thì cũng là đưa chút đồ ăn đến.

Mới đầu A Đào rất biết ơn hắn, chỉ coi hắn là một người tốt bụng thích giúp đỡ người khác. Nhưng qua năm lần bảy lượt, nàng mới biết ý định của hắn, tự nhiên thái độ cũng cẩn thận hơn.

Hắn goá vợ, nàng là quả phụ, qua lại quá nhiều dễ bị chỉ trích, muốn yên ổn sống ở trấn Hồi Long, nàng phải tuân thủ lễ tiết nghiêm ngặt hơn, ở lỳ trong nhà mới tốt.

A Đào cầm rổ thêu, ngồi trong sân xe chỉ luồn kim, chuyên chú thêu thùa, ngón tay nhẹ nhàng hạ xuống, một đóa hoa mai đỏ tươi nổi bật trên tấm lụa trắng.

Nhành hoa của cây mai là rườm rà và khó thêu nhất, nhưng không làm khó được nàng, trong số những cô nương cùng tuổi, tài nghệ may vá của nàng nổi trội hơn cả, không chỉ nổi tiếng ở thôn Thanh Bạc mà ngay cả người ở thôn lân cận cũng biết đến.

Nhưng hồi ấy, chút tài nghệ này không mang lại lợi ích gì cho cuộc sống của nàng.

Ven bức tường có một cây ngô đồng, lá đã rụng hết, chỉ còn lại mấy chạc cây gầy khô trơ trọi lào xào theo gió, thỉnh thoảng có con quạ đen đậu trên đó, kêu hai tiếng rồi vỗ cánh bay đi.

Cây cối ở trấn Hồi Long rất ít, mùa thu, lá rụng đầy đất không dễ dọn sạch, đa phần sẽ bị người ta chặt đi làm củi đốt. A Đào không muốn chặt, vì trên chạc cây có một cái tổ của chim hỉ thước, hẳn là chúng nó đã bay đến một chỗ ấm áp tránh đông rồi, nếu vì một chút lợi lộc mà tùy ý phá huỷ nhà của người khác, nhỡ mùa xuân chúng nó trở về thì thế nào?

Cây ngô đồng này làm nàng nhớ đến cây tùng xanh bất hạnh trước nhà ân công.

Cũng không biết ân công bây giờ ra sao, còn ở trên núi hay đã rời đi?

Chuyện nàng không từ mà biệt có làm hắn bất mãn không, hắn có hối hận khi cứu một kẻ vô ơn như nàng không?

Nhưng khi ấy nàng đang ở trong tình cảnh tuyệt vọng, sao có thể bình tĩnh cân nhắc đến chuyện đó?

Nàng chật vật bò xuống vách đá kia, đi bộ suốt hai canh giờ, khi dừng chân ở bình nguyên, lòng vẫn còn nghi ngờ đây chỉ là một giấc mộng, vì hai chân cứng ngắc mà thoáng bỡ ngỡ, nàng đứng tại chỗ nghỉ ngơi một lúc, cho đến khi có tiếng chó sủa truyền đến, lúc này mới hoảng hốt chạy nhanh ra khỏi ngọn núi.

Nàng chỉ nhớ mang máng lời ân công nói, ra khỏi đây, đi thêm một trăm dặm nữa là tới thành Đông Hồ, chỉ cần đi về hướng bắc là được.

Tuy nhiên, những vì tinh tú sáng rực và vầng trăng trong vắt trên trời kia lại không giúp được nàng, nàng không thể phân biệt đông nam tây bắc, lang thang trên đường lớn một hồi lâu, đành phải núp dưới con mương ven đường chờ tới sáng.

Rốt cuộc, trên đường lớn bắt đầu có người đi ngang qua, tất cả đều vội vàng, từ nam chí bắc chẳng biết đi đâu, nơi nào. A Đào vốn định hỏi đường, nhưng lại không dám, sau lần bị đám thổ phỉ bắt cóc, nàng luôn sợ sẽ gặp phải người xấu.

Đang do dự, A Đào bỗng chú ý đến một ông lão đẩy xe ba gác, trên xe hàng hóa rất nhiều, chắc là người bán rong định vào thành, nàng liền lặng lẽ đi theo.

Nhưng bước chân của ông lão hơi lạ, đi rất chậm, lúc đến một con dốc, nhất thời không giữ được cân bằng, cả xe và người đều lật nghiêng.

A Đào không đành lòng, vội chạy tới nâng ông lão dậy, vốn định đưa ông lão qua ven đường nghỉ ngơi, ai ngờ ông lão lại liên tục chỉ vào chân mình.

Tuy lúc này trời còn mờ, nhưng phía sau ngọn núi lớn như nghiên mực kia đã hiện ra một mảng đỏ rực, nàng nhìn khắp nơi định tìm một người đến giúp, nhưng người qua đường vừa thấy cảnh này, đều trốn rất xa, chỉ sợ chuốc hoạ vào thân.

Hết cách, nàng chỉ phải đỡ ông lão ngồi lên xe ba gác, dựa theo chỉ dẫn của ông ấy, căng người đẩy đi.

Cứ thế nàng tới trấn nhỏ này, dốc lòng chiếu cố ông lão một thời gian. Tuy ở một mình, nhưng cuộc sống không quá bần hàn, ông ấy có hai gian nhà và một tay nghề để mưu sinh.

Để báo đáp ơn cứu mạng của A Đào, ông ấy cho A Đào ở gian nhà nhỏ đối diện nhà mình, còn đưa đồ đạc làm bánh cho nàng, mỗi tháng chỉ cần nàng đưa chút tiền thuê là được.

A Đào quả thực vui mừng quá đỗi, ai nói sơn cùng thủy tận sẽ không gặp chuyện tốt đâu, xem ra ông trời vẫn nghe thấy lời thỉnh cầu của nàng, cho nàng một lối thoát.

Ngoài cửa có người gõ kẽng đồng, thét to, “Kẹo mè đây.”

Đông đông đông… âm thanh kỳ ảo và dồn dập, đánh thức A Đào đang mắc kẹt trong hồi ức.

Nàng ngẩng đầu lên, hít sâu một hơi, yên lặng nghe, tiếng rao đã bay tới chỗ rẽ của con hẻm nhỏ, càng ngày càng xa. Nàng đứng dậy, buông kim chỉ xuống, bước tới kéo cửa lớn ra, nhỏ giọng hô, “Lão bá, bán cho ta hai viên kẹo mè đi.”

Đồ ngọt sẽ khiến tâm trạng người ta vui vẻ.
Chương trước Chương tiếp
Loading...