All You Need Is Kill

Chương 1-6: Binh nhất Kiriya (6)



Dịch giả: Maththunder

Tôi đang đứng ngay trước cánh cửa ngăn cách căn cứ với thế giới bên ngoài. Gã bảo vệ kiểm tra ID của tôi nhướn mày đầy nghi hoặc.

Do bọn Hoa Kỳ tới, căn cứ lại có thêm một tầng bảo vệ nữa. Mặc dù Cảnh vệ Nhật Bản đã phụ trách bảo vệ an ninh căn cứ nhưng để bảo đảm cân bằng quyền lực, họ không được phép can thiệp vào bất kỳ sự vụ gì dưới sự bảo hộ của Hoa Kỳ. May mà tụi bảo vệ của Hoa Kỳ chẳng hứng thú gì với người không phải người của họ.

Nếu không có giấy phép từ phòng chỉ huy, Keiji Kiriya không được phép ra khỏi căn cứ. Nhưng tụi lính Mỹ cứ ra vào tùy tiện, và tất cả những việc chúng cần làm là quẹt thẻ ID. Mọi người dùng chung một cổng, nên nếu tôi gặp một gã bảo vệ người Mỹ, hắn ta có thể để tôi qua, chẳng thèm hỏi lấy một câu. Tất cả những gì chúng quan tâm là ngăn những kẻ quấy rối tới gần Lực lượng Đặc nhiệm cục cưng của họ. Một tay lính mới muốn nghỉ không phép thì họ chẳng thèm để vào mắt đâu.

Gã bảo vệ hẳn ít khi thấy thẻ ID Nhật Bản, vì gã nhìn chằm chằm vào cái của tôi một hồi lâu. Cỗ máy kiểm tra thẻ ID chỉ ghi lại những người đi qua cổng. Không cần phải hoảng sợ. Chẳng có lý do gì họ lại sửa lại hệ thống ngay trước ngày tiến công, phải không? Cơ bụng của tôi căng lên. Gã bảo vệ hết nhìn tôi rồi lại nhìn cái thẻ, so sánh bức ảnh mờ câm in trên đó với mặt của tôi.

Vết thương trên thái dương tôi đau nhói. Gã y sĩ băng bó cho tôi tại trạm xá khâu cho tôi ba mũi mà chẳng thèm tiêm lấy một mũi thuốc tê. Giờ từng cơn đau đớn cứ như những tia sét đánh thẳng xuống cơ thể tôi. Xương khớp tại đầu gối tôi kêu cót két.

Tôi giờ chỉ có tay không. Tôi bỏ quên dao, đồ ấm và tiền dưới gối. Nếu tôi mang chúng theo, tôi có thể cho hắn ăn một đòn khóa khớp và –– mà có hối tiếc giờ cũng chẳng ích gì. Tôi ưỡn thẳng lưng lên. Phải bình tĩnh lại. Nếu hắn ta nhìn mày, mày phải nhìn lại.

Ngáp một cái, tay bảo vệ ấn cái nút để mở cửa. Cánh cửa hướng tới tự do kẽo kẹt mở ra.

Tôi từ từ quay lại nhìn trong khi lao qua vạch kẻ màu vàng. Ở đó, từ xa xa, là sân huấn luyện. Gió biển rì rào, hòa lẫn với khung cảnh đại dương, cuốn qua khoảng sân phía trước cổng vào. Bên kia hàng rào, những quân nhân bé tí như con kiến đang tập thể hình như trong bức tranh thu nhỏ. Họ đều là những người lính đã cùng ăn uống, cùng huấn luyện cùng tôi. Họ đều là những người bạn của tôi tại tiểu đội #17. Tôi nuốt xuống nỗi thương cảm tắc nghẹn trong cổ họng. Tôi bước đi, không vội vã, cơn gió ẩm phà vào người tôi. Cứ đi cho tới khi gã bảo vệ không nhìn thấy mày nữa. Đừng chạy. Thêm một chút thôi. Rẽ tại góc đường. Tôi bứt tốc lao đi.

Một khi bắt đầu chạy, tôi không dừng lại.

Căn cứ cách mười lăm cây số với quận Tateyama, một quận vui chơi giải trí gần đó. Dù cho tôi có chạy vòng vèo thì cũng chỉ kéo dãn ra tối đa là hai mươi cây số. Một khi tôi ở đó, tôi có thể thay quần áo và tiếp tế những thứ tôi cần. Tôi không thể mạo hiểm lên tàu điện hay đi đường quốc lộ, nhưng một khi tôi tới Thành phố Chiba thì tôi sẽ tự do. Cả quân đội lẫn cảnh sát đều không mọc rễ tới cái thế giới ngầm vốn là khu thương mại sầm uất nhưng nay đã thành khu ổ chuột kia.

Còn khoảng tám tiếng nữa là tới cuộc họp của Sư đoàn 1830. Đó hẳn sẽ là lúc họ nhận ra tôi nghỉ không phép. Tôi không rõ họ có điều xe ô tô đi đuổi theo tôi hay không, nhưng trước màn trời nhá nhem,tôi sẽ trở thành một khuôn mặt bình thường đến không thể bình thường hơn trong đám động thôi. Tôi vẫn nhớ buổi huấn luyện tại chân núi Phú Sĩ. Sáu mươi cây số trang bị đầy đủ đi diễu hành. Băng qua Boso Peninsula trong nửa ngày không phải là vấn đề to tát. Cái lúc mà trận chiến ngày mai nổ ra, tôi sẽ xa rời cái chuỗi ngày lặp đi lặp lại và kết thúc bằng cái chết kinh hoàng kia.

Mặt trời leo lên cao, tắm cả người tôi trong ánh nắng vàng ấm áp. Những khẩu súng tự động cỡ nòng năm mươi bảy li được che vải bạt thiết lập cách bờ đê khoảng trăm mét. Những tấm chắn thép tại bệ đặt súng đóng từng tầng gỉ sét màu nâu đỏ. Những khẩu súng đó được đặt suốt dọc bờ biển khi lũ Mimic lên tới đất liền.

Hồi tôi còn bé, lần đầu tiên nhìn thấy súng, tôi nghĩ chúng là thứ ngầu nhất quả đất. Lớp sơn đen phủ bên ngoài thép lạnh truyền cho tôi cảm giác tự tin không giấy mực nào tả được. Giờ khi tôi nhìn thấy chiến trường thực sự, tôi hoàn toàn hiểu được rằng những vũ khí hoành tráng kia chẳng thể đầy lùi những đợt tấn công của lũ Mimic. Những khẩu súng đó di chuyển như những con khủng long. Chúng chẳng có hy vọng bắn trúng nổi một con Mimic. Thật buồn cười.

Những khẩu súng đó vẫn được nhân viên tới bảo trì một tuần một lần. Bọn quan chức thích tiêu xài phung phí mà.

Có lẽ loài người sẽ thua.

Cái suy nghĩ đó đột nhiên nảy ra trong tôi, nhưng tôi lại chẳng thể giũ bỏ nó đi được

***

Khi tôi kể cho bố mẹ tôi sẽ đi lính, họ muốn tôi làm lính canh phòng bờ biển. Họ nói tôi vẫn có cơ hội chiến đấu mà không phải ra chiến trường. Rằng tôi sẽ đảm nhận vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thành phố nơi người dân sống và làm việc.

Nhưng tôi không muốn chiến đấu với Mimic để bảo vệ nhân loại. Tôi đã thấy cảnh đó chán chê trên màn ảnh rồi. Dù cho có đem não tôi mổ xẻ ra cũng đừng hòng tìm thấy được chút khát vọng vĩ đại nào như là bảo vệ loài người. Thứ có thể tìm thấy được có chăng chỉ là một bức tranh ghép hình rối bòng bong mà bạn đừng hòng giải được. Dưới cả núi mảnh ghép kia có gì đó không khớp. Nó khiến tôi thật khó chịu.

Tôi yếu đuối. Tôi còn không thể khiến cho người phụ nữ tôi yêu ––cô nàng thủ thư–– để tôi vào mắt. Tôi nghĩ xu thế mạnh mẽ của chiến tranh có thể thay đổi bản thân tôi, tôi luyện bản thân tôi thành thứ gì đó hữu dụng. Chắc là tôi đã tự lừa bản thân rằng mình sẽ tìm thấy mảnh ghép còn thiếu để hoàn thành Keiji Kiriya trên chiến trường. Nhưng tôi chưa từng muốn trở thành một người hùng, được người người ngưỡng mộ. Chưa từng trong đời luôn. Cùng lắm thì tôi sẽ chỉ chém gió với vài người bạn rằng tôi sẽ là người có thể làm gì đó cho thế giới này, để lại được chút dấu ấn, dù là nhỏ nhoi, chỉ thế là đủ.

Và nhìn xem nó dẫn tôi tới đâu này.

Nửa năm huấn luyện đã làm gì được cho tôi? Giờ tôi sở hữu một mớ kĩ năng gần như rách việc trong trận chiến thực sự và cơ bụng sáu múi. Tôi vẫn cứ yếu, và trái đất vẫn cứ quay. Bố, mẹ, con xin lỗi. Mất quá nhiều thời gian con mới nhận ra điều hiển nhiên này. Tiếc là con đã phải chạy trốn khỏi quân đội trước khi con nhận ra điều đó.

***

Bãi biển ngập cát vàng. Lính phòng vệ bờ biển hẳn đã bận rộn sơ tán nơi này suốt sáu tháng qua.

Sau gần một tiếng chạy bộ, tôi cũng tới được mép bờ đê. Tôi đã chạy được tám cây số, tức là một nửa quãng đường tới Tateyama. Chiếc áo sơ mi màu cát giờ đen kịt và nhễu nhại mồ hôi. Băng sơ cứu buộc trên đầu tôi giờ đã bắt đầu lỏng. Một cơn gió biển nhẹ thổi qua –– xua tan cái bức bối do những cơn gió nồm thổi vào căn cứ –– mơn trớn đằng sau cổ tôi. Nếu không phải vì mấy khẩu súng máy, những đạo cụ vốn chỉ có trong mấy bộ anime cũ xưa được đem vào thực tế, đây hẳn sẽ là một khung cảnh khu nghỉ dưỡng nhiệt đới hết sức nên thơ.

Bãi biển giờ rải rác bao nhiêu là pháo hoa đã dùng rồi –– cái loại pháo mà bạn gom chúng lại rồi phóng bằng một cái ống nhựa ấy. Chẳng ai điên khùng tới mức tới gần một doanh trại quân sự để bắn pháo hoa cả. Đây hẳn là tàn dư do mấy tên khốn muốn cảnh báo cho tụi Mimic biết về cuộc tấn công trên Boso Peninsula. Có một số nhà hoạt động xã hội phi chiến tranh luôn thuyết phục người ta rằng Mimic là những sinh vật trí tuệ cao, và họ chỉ đang cố mở một đường dây liên lạc kết nối với chúng. Dân chủ thế đấy!

Do hiện tượng nóng lên toàn cầu, cả một đường bờ biển này luôn nằm dưới mực nước biển khi thủy triều lên. Khi trời chập choạng, những cái ống chết tiệt này sẽ bị nước biển cuốn đi và bị lãng quên. Sẽ không còn ai biết đến nó nữa. Tôi đá vào một cái ống chảy nhựa mạnh hết sức có thể.

“Chà, ai đây ta? Một quân nhân?”

Tôi quay người lại.

Cũng lâu rồi tôi chưa được nghe tiếng Nhật. Tôi đã quá nhập tâm và không để ý có người đã tới sau lưng tôi.

Hai thân hình, một ông già và một cô bé đứng trên đê. Làn da của ông cụ vàng cứ như dưa muối. Trên tay phải ông ấy cầm một cái đinh ba như trong những câu chuyện thần thoại. Ông cầm đinh ba làm gì thế? Cô bé –– có vẻ như đang học tiểu học –– siết chặt lấy tay ông cụ. Lấp ló trốn sau chân ông, cô bé nhìn tôi với vẻ bình tĩnh từ bên dưới chiếc mũ rơm. Khuôn mặt ẩn bên dưới cái mũ thật quá trắng với người thường xuyên bị ánh mặt trời thiêu đốt.

“Trông cháu lạ mặt ghê hen.”

“Cháu từ căn cứ Tuyến Flower.” Chết tiệt! Lại lưỡi nhanh hơn óc rồi.

“À.”

“Sao, ừm, hai người lại tới đây?”

“Biển có cá mòa. Cả nhà đều đã tới Tokyo rồi.”

“Thế đội bảo vệ bờ biển đâu?”

“Từ khi ông cháu tui vớt được cái con nớ là mọi chuyện thay đổi á. Tại răng ư, bọn họ đi hết rồi. Nếu mà quân đội giải quyết được tụi cá lù đù hộ mọi người thì người dân sẽ dễ thở hơn đó.”

“Vâng.” Cá lù đù (một loài cá biết kêu) là từ địa phương cho Mimic. Bình thường thì người dân hiếm khi được thấy tận mắt một con Mimic. Cùng lắm thì họ chỉ lượm được một cái xác thối rữa chỏng chơ trên bờ biển, hoặc một con bị mắc kẹt trong lưới đánh cá và chết. Nhưng do lớp cát đen bị nước biển rửa trôi hết nên tất cả những gì còn lại chỉ là một cái vỏ trống rỗng. Chính vì vậy mà rất nhiều người tưởng Mimic là loài lưỡng cư lột da.

Tôi chỉ hiểu được tầm 70% những gì ông già nói, nhưng thế là đủ để biết rằng Đội bảo vệ Bờ biển đã rút khỏi khu vực. Thất bại của chúng tôi tại Okinawa hẳn là nghiêm trọng hơn tôi nghĩ nhiều. Nghiêm trọng tới mức phải liên quân lại và rút xuống tuyến Uchibo. Mọi người đều được bố trí nhân sự lại, tập trung tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp.

Ông cụ mỉm cười và gật đầu. Cô bé nhìn ông với đôi mắt to tròn mở lớn, cứ như ngạc nhiên lắm ấy. Ông cụ đã đặt rất nhiều hy vọng lên những chiến sĩ UDF tại Căn cứ Tuyến Flower. Dù tôi đi lính không phải là để bảo vệ ông cụ hay những người khác, thế nhưng tôi vẫn thấy khó chịu trong người.

“Con có thuốc hông, con trai? Từ khi quân đội rời đi ông đã không được sờ tới nó rồi.”

“Xin lỗi. Cháu không hút.”

“Ồ hông sao.” Ông cụ nhìn về biển khơi.

Trong Lực lượng Bộ binh Vũ trang không nhiều người nghiện thuốc lắm. Có lẽ là do bạn không thể hút thuốc giữa chiến trường, cái lúc bạn cần chúng nhất.

Tôi cứ yên lặng đứng đó. Tôi không muốn làm ra hay nói ra chuyện gì nhảm nhí cả. Tôi không thể để ông cụ biết tôi đào ngũ được. Họ bắn chết những kẻ đào ngũ. Trốn thoát khỏi lũ Mimic chỉ để bị quân đội giết chết cũng chẳng hay ho gì.

Cô bé kéo kéo tay ông cụ.

“Cháu tui nhanh chán lắm. Nhưng mà con bé tinh mắt lắm đó nghen. Nếu mà là con trai thì con bé đã là một ngư dân tuyệt vời rồi đó.”

“Vâng.”

“Ông phải đi là vì thứ này. Ông nỏ khi mô thấy cái chi giống như ri hết á. Ông phải chạy ra khỏi nhà càng nhanh càng tốt, rồi thì gặp cháu ở chỗ ni. Cái ni là cái chi? Có liên quan chi tới tụi cá lù đù hông?” Ông cụ dơ tay lên.

Mắt tôi dõi theo hướng những ngón tay ông cụ chỉ tới. Nước đã chuyển thành màu xanh lá. Không phải cái màu xanh lục bảo bạn hay thấy tại những bờ biển ở vài hòn đảo trên Nam Thái Bình Dương mà là một màu xanh sủi bọt đục ngầu, cứ như thể một chiếc tàu chở hàng chở đầy kem vị trà xanh bị mắc cạn và đổ hết ra vịnh vậy. Một con cá chết trôi lềnh bềnh trên sóng, nổi những lốm đốm bạc.

Tôi biết màu xanh đó. Tôi đã từng nhìn thấy nó trên màn hình trong lúc huấn luyện. Mimic ăn đất, giống như con giun đất vậy. Nhưng không giống như giun đất, đất sau khi qua ruột nó và thải ra thì trở thành chất độc đối với sinh vật khác. Vùng đất bị lũ Mimic ăn chết dần và trở thành sa mạc. Nước biển thì chuyển thành màu xanh nhờ nhờ như sữa.

“Hổng có giống thủy triều ông hay thấy chi hết.”

Một tiếng hét chói tai vang vọng giữa không trung. Da đầu tôi run lên trước âm thanh quen thuộc.

Lông mày vẫn đang nhíu lại, cái đầu của ông cụ bay lên không và vẽ thành hình vòng cung. Những mảnh thịt vụn từ hàm và cổ nhuộm đỏ chiếc mũ rơm của cô bé. Cô bé vẫn chưa nhận ra chuyện gì đã xảy ra. Một mũi giáo lao ra từ bên trong cơ thể con Mimic với vận tốc một ngàn hai trăm mét trên giây. Hộp sọ của ông cụ bay ra còn trước cả khi âm thanh xé gió của mũi giáo kịp truyền vào tai chúng tôi. Cô bé từ từ ngẩng đầ lên.

Lại một mũi giáo nữa xé không lao tới. Trước khi đôi mắt to tròn và đen láy kia kịp nhìn thấy cảnh ông mình đã chết thì ngọn giáo đã đâm xuyên qua cô bé, không chút từ bi mà cũng chẳng thù hằn.

Cơ thể nhỏ bé kia bị xé tan nát.

Trước quán tính từ cú đâm, cái xác không đầu của ông cụ chao đảo. Một nửa cơ thể ông giờ nhuộm một màu đỏ thẫm. Chiếc mũ rơm quay mòng mòng trong gió. Cơ thể tôi giật nảy lên. Tôi không tài nào di chuyển được.

Một cái xác sưng phồng của một con ếch lềnh bềnh trên mép mặt nước.

Bờ biển này chắc chắn là nằm trong phạm vi phòng ngự của UDF. Tôi chưa từng nghe thấy báo cáo nào nói có con tàu tuần tra nào bị chìm cả. Căn cứ nơi tiền tuyến vẫn sừng sững tại đó. Không thể nào có Mimic ở đây được. Hai cái xác nằm bên cạnh tôi đây có khi còn bật dậy mà tranh cãi nếu họ có thể. Nhưng họ đã chết rồi, chết ngay trước mắt tôi. Và tôi, hy vọng duy nhất của họ đã đào ngũ khỏi đơn vị quân sự duy nhất tại khu vực này có thể ngăn chặn được cuộc xâm lăng.

Tôi chẳng có vũ khí. Dao, súng, Chiến giáp –– chúng đều ở chỗ căn cứ cả rồi. Khi tôi băng qua cánh cổng một giờ trước, tôi đã để lại hy vọng duy nhất để phòng ngự lại sau lưng. Ba mươi mét để tới ụ súng 57mm gần nhất. Vẫn có thể chạy lại được. Tôi biết cách bắn súng, nhưng còn cái lớp bạt phủ bên trên nữa. Tôi sẽ chẳng bao giờ có đủ thời gian để gỡ nó xuống. Gắn thẻ ID vào trong khe, nhập mật khẩu, nạp một dây đạn dài ba mươi cây số, gỡ cái khóa cổ ra nếu không nòng súng sẽ không chịu di động và thế thì tôi không thể nhắm, nhảy lên ghế ngồi, túm lấy tay cầm rỉ sét –– chết tiệt. Bắn đi, mẹ kiếp! Bắn!

Tôi biết sức mạnh của lũ Mimic. Chúng còn nặng hơn gấp mấy lần so với một tay lính Chiến giáp vũ trang đầy đủ. Về kết cấu thì chúng tương đối giống loài sao biển. Bộ xương trong nằm ở ngay dưới da, và cần những viên đạn xuyên giáp 50mm hoặc mạnh hơn thế nữa để đâm thủng nó. Chúng lăn qua người bạn như chiếc máy cắt cỏ lăn qua ụ đất ấy.

“Khốn kiếp.”

Ngọn giáo đầu tiên đâm xuyên qua đùi tôi.

Cái thứ hai khoét một vết thương đằng sau lưng.

Tôi chẳng còn thời gian để để ý tới cái thứ ba khi mà còn phải cố ngăn cho nội tạng không trào ngược lên cổ.

Tôi ngã xuống.
Chương trước Chương tiếp
Loading...