Án Tử Một Tình Yêu - The Death Of A Love

Chương 10



Tôi căm thù tên tử tù năm đó. Tôi quyền rủa hắn dù hắn đã về thế giới bên kia. Dường như tâm hồn tôi chưa được giải thoát, luôn có nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Tôi chọn học ngành Y, điều trị tâm lí cho phạm nhân cũng vì muốn chứng kiến cảnh những tên tử tù giết người phải đón nhận sự trừng phạt.

Quá khứ tàn khốc đó tôi luôn giữ kín trong lòng. Và thật kỳ lạ khi tôi lại kể tất cả cho cô nghe. Tôi không rõ mình muốn gì cho việc làm này, nhưng tôi biết mình thật sự cần phải giãi bày. Tôi xin lỗi về sự đường đột ấy.

Trong thâm tâm, tôi vẫn mong được tiếp tục đọc những dòng nhật kí cô viết.

Nếu sự tò mò của tôi khiến cô khó chịu thì tôi hứa sẽ không bao giờ hỏi cô lí do vì sao cô giết người. Ai cũng có quyền giữ lấy cho riêng mình những bí mật.

Bác sĩ Văn."

Hạ bức thư xuống, Du ngồi yên lặng trong một thoáng, ánh mắt vô định hướng ra bên ngoài màn đêm đen đặc quánh. Du vừa đọc xong những lời tâm sự day dứt từ một quá khứ chưa thể ngủ yên bởi nỗi ám ảnh của tuổi thơ.

Ngạc nhiên làm sao khi có người lại giãi bày, chia sẻ điều bí mật giấu kín suốt bao nhiêu năm qua với Du, kẻ sắp lãnh án tử. Du nhắm mắt lại, hình dung cảnh Văn phải khó khăn thế nào mới viết nên bức thư này. Có lẽ khi người ta đủ dũng cảm để đối diện với vết thương lòng thì cũng là lúc họ mong muốn được giải thoát.

Trăng tròn, sáng vằng vặc.

*****

Vân Du đang theo quản giáo Ngà đến phòng thăm. Đây là lần thăm tù thứ hai của Ông Thạch và bé Oanh. Mỗi tháng phạm nhân chỉ được gặp thân nhân một lần. Du đã rất sốt ruột chờ đến lần thăm tiếp theo này. Vừa chào cán bộ là Du bước vội vào phòng. Vẫn như lần trước, bé Oanh hớn hở chạy vù đến ôm chầm lấy cổ mẹ. Du ôm siết thân thể nhỏ bé, áp mặt vào cổ con, vội vã ngửi lấy mùi thơm thân thuộc.

Du chỉ ôm con gái được một chốc rồi buông ra, đến bên bàn ngồi xuống. Bé Oanh leo tót lên ghế ngồi bên cạnh ông ngoại, thút thít hỏi mẹ Du vẫn chưa được về nhà? Du cố gắng mỉm cười, lại tiếp tục nói dối, sẽ nhanh thôi con gái! Bé Oanh lắc đầu nguầy nguậy, đôi tay nhỏ liên tục quệt nước mắt. Trước cảnh con khóc, Du bặm môi kìm nén tiếng thổn thức trong lồng ngực. Đã lỡ một lần nói dối con, giờ cô chỉ biết im lặng.

Thấy Du ngồi buồn quá, ông Thạch đỡ lời thay con gái khi nói với bé Oanh:

- Con đừng vòi vĩnh, mẹ sẽ buồn đó. Một thời gian nữa mẹ sẽ về nhà, nên con phải ngoan mới được. Nghe lời ông, nghen.

Hết nhìn ông ngoại rồi lại nhìn qua mẹ, bé Oanh đành ngừng khóc, tự nhủ phải làm một đứa trẻ ngoan để mẹ vui. Nó liền đưa ngón tay út ra, đòi mẹ ngoéo tay hứa là sẽ nhanh nhanh trở về nhà. Du trông đôi mắt hột nhãn kia bừng sáng, trong veo, lòng chẳng nỡ hứa một lời hứa mà mình không thể thực hiện. Du khẽ khàng nắm lấy ngón tay con, lắc nhẹ. Nước mắt chảy ngược vào lòng.

- Mẹ thấy bức hình con vẽ có đẹp hông ạ?

- Ừ đẹp lắm, mà thư con viết gửi mẹ sao sai chính tả nhiều vậy?

- Vì con hông nhớ hết mặt chữ mẹ Du ơi.

- Bé Oanh lười học bảng chữ cái hả? Lúc trước mẹ dặn thế nào, con phải chăm chỉ học chứ. Có gì không biết, con hỏi ông ngoại nha chưa.

Bé Oanh xị mặt vì bị mẹ mắng, chỉ biết gật đầu đáp dạ nhỏ xíu.

Ông Thạch chờ hai mẹ con nói chuyện xong, mới cất giọng hỏi Du:

- Anh chàng bác sĩ tên Đồng Văn đang điều trị cho con ấy, dạo này có hỏi con cái gì về chuyện hồi trước không?

Du nhìn cha với vẻ khó hiểu, ông Thạch đắn đo vài giây rồi tiếp:

- Hai tuần trước, anh ta đến tận nhà mình để hỏi cha về chuyện lúc trước của con với mẹ kế, và chuyện sáu năm con bỏ nhà đi.

- Thế cha đã nói những gì?

- Con yên tâm, cha không có nói gì nhiều cả, về chuyện con với mẹ Nhuệ...

Ông Thạch hơi ngập ngừng khi nhắc đến tên bà Nhuệ, bởi bắt gặp đôi mắt lạnh lẽo và u uất của Du. Chính ông là người hiểu rõ nhất mối bất hòa giữa con gái với vợ lớn đến dường nào, cũng như những việc mà người đàn bà ấy đã gây ra cho Du, khiến cuộc đời cô hoàn toàn thay đổi. Chất giọng Du trở nên vô cảm:

- Tốt nhất là cha nên im lặng, đừng nói những điều không nên nói.

- Con đừng lo, cha biết mà. Vả lại, anh ta chắc sẽ không đến nữa đâu vì chẳng tìm hiểu được gì. Nhưng con cũng đừng trách người ta, âu là vì quan tâm thôi.

- Tôi hiểu, cha không cần lo.

Chẳng hiểu sao, ông Thạch cảm giác Du đã bớt cộc cằn với mình hơn lần trước, tuy ánh mắt vẫn hờ hững lắm nhưng thái độ lẫn lời nói hình như nhẹ nhàng hơn. Điều đó khiến ông lấy làm mừng lắm. Bao nhiêu năm bị con gái căm ghét, ông khổ sở biết bao. Giờ đây có một chút hi vọng le lói, lòng ông dấy lên niềm mong mỏi. Liệu, ngày nào đấy Du sẽ thứ tha cho người cha như ông?

- Du à, tha thứ cho cha nghen con...?

Câu hỏi não lòng cất lên làm Du không khỏi ngạc nhiên, chậm rãi quay qua.

Du thấy một gương mặt già nua khắc khổ mang cái nhìn đau đáu đang hướng vào mình với nỗi niềm xót xa. Từng nếp nhăn trên mặt ông Thạch co rúm lại khiến Du cứ ngỡ đây là người cha đáng thương bị con gái hắt hủi. Du lặng im, biết trả lời thế nào khi lòng chưa thật sự nguôi ngoai nỗi đau trong từng ấy năm. Người cha đó là thủ phạm gián tiếp hại cuộc đời cô thành ra thế này. Đau càng nhiều, càng không dễ dàng tha thứ.

Du không đáp lại sự chờ đợi của cha, mà dặn dò bé Oanh vài lời trước lúc buổi thăm kết thúc. Ngay cả khi đứng dậy rời khỏi phòng, Du vẫn chẳng ngoái nhìn ông Thạch một lần. Nhưng lúc đi theo quản giáo Ngà, Du cứ nghe văng vẳng trên từng bước chân nặng trĩu của mình, cùng câu hỏi tha thiết ban nãy:

- Du à, tha thứ cho cha nghen con...?

Mái đầu Du cúi thấp, từng sợi tóc tém bay xòa khỏa lấp gương mặt u buồn.

*****

Đồng Văn đã nghĩ hẳn vì bức thư kể về quá khứ của mình mà buổi trị liệu hôm nay mới mang một bầu không khí lặng lẽ đến tẻ nhạt. Ngồi đối diện nhau gần mười lăm phút rồi nhưng chẳng ai nói gì, ngay cả âm thanh thở ra của họ cũng tan loãng vào không gian trống trãi nơi đây.

Văn khó lòng đoán được Du đang suy nghĩ gì sau khi đọc bức thư dài ấy. Có lẽ với cô là khá đột ngột. Văn không muốn Du tưởng rằng, anh kể cô nghe về quá khứ mà mình cố chôn giấu chỉ vì mục đích ép buộc cô phải nói ra hết bí mật cất giấu trong lòng. Văn muốn hiểu Du hơn, nhưng nếu điều ấy làm cô khó xử thì anh chẳng cần nữa. Sau cái ngày Văn gửi thư, Du vẫn không viết nhật kí.

Cuối cùng sự tĩnh lặng cũng bị phá vỡ khi Du chợt lên tiếng:

- Tôi cảm thấy vui khi nhận được bức thư của bác sĩ.

- Tôi chỉ sợ cô thấy khó chịu. - Văn nhìn một điểm vô định trên bàn.

- Không đâu, tôi còn muốn cảm ơn bác sĩ.

- Về điều gì?

- Vì đã tin tưởng tôi.

Văn đưa mắt nhìn Du, một vẻ mặt điềm tĩnh và chân thành. Chính thế, lòng Văn nhẹ đi hệt vừa trút bỏ một tảng đá nặng nề. Anh nhận ra mình đã không sai lầm. Nhiều năm dài, Văn chưa lần nào tâm sự với ai thành thật như vậy. Và càng không ngờ, người mà mình sẵn sàng nói ra lại là một nữ tù. Văn thở ra một luồng khí chất chứa nhiều tâm sự:

- Thú thật khi viết bức thư đó, tôi thấy nguôi ngoai phần nào. Mong rằng thời gian tới tôi có thể ngủ ngon.

Lặng thinh nhìn dáng vẻ mỏi mệt vì đang phải chịu đựng ấy, Du hỏi:

- Bác sĩ vẫn dùng thuốc an thần mỗi đêm?

- Không đến nỗi mỗi đêm, nhưng tần suất cũng nhiều hơn trước.

- Bác sĩ chưa hết bị ám ảnh?

- Điều đó khó lắm. Đêm về, tôi không thể không nghĩ về chuyện năm đó. Từng giờ từng phút, tôi chưa tha thứ được...

- Bác sĩ chưa tha thứ cho ai?

- Kẻ đã giết mẹ tôi.

Tự dưng Du lắc đầu, lại hỏi một câu:

- Có đúng không? Điều bác sĩ chưa bao giờ tha thứ đó là gì? Là quá khứ? Là tên tử tù năm xưa? Hay... chính là bản thân bác sĩ?

Bất động nhìn Du, Văn lại cảm nhận cái đau cồn cào trỗi dậy, bụng quặn thắt.

Văn bất giác thấy buồn cười, phải rồi, suy cho cùng kẻ mà anh không thể tha thứ lại là mình. Đứa con vô tình gây nên cái chết đau thương cho người mẹ. Văn nhìn xuống hai bàn tay để mở, chúng đang run lên. Kỳ thật, Văn như nhìn vào quá khứ, có lớp khói sương mờ mịt giăng lối khắp đầu óc anh. Nhưng rồi đột nhiên, một bàn tay dịu dàng áp nhẹ lên đôi tay run rẩy của Văn, y hệt tia sáng le lói xua tan sương mù để giải cứu đứa trẻ đang cố thoát khỏi tuyệt vọng.

- Chết là dấu chấm hết cho tất cả. Mẹ bác sĩ hay tên tử tù đó đã không còn vướng bận gì nữa, kể từ mười lăm năm trước. Người không buông bỏ quá khứ chỉ còn bác sĩ thôi.

Giọng nói của Du rất nhẹ, hơn cả gió thoảng qua. Văn ngồi yên, nhìn chăm chú đôi tay mình được ủ trọn trong một đôi tay khác, ấm áp hơn. Rồi Văn khẽ khàng nhắm mắt lại và gục đầu xuống bàn, tâm hồn bỗng chốc thanh thản hơn.

Trước mặt Du không còn là anh chàng bác sĩ Đồng Văn mang nỗi đau âm ỉ nữa mà là hình bóng của một cậu bé mười ba tuổi năm đó đang chìm vào giấc ngủ an nhiên. Du cũng nhắm mắt lắng nghe tiếng thức tỉnh trong tâm hồn, và có lẽ không chỉ riêng Văn mà chính cô cũng vừa nhận được sự cứu rỗi.

*****

Con Muội không ngờ là nhỏ Dung tình địch lại chấp nhận vào tù gặp mình. Lúc viết bức thư kia, nó nghĩ nhỏ Dung chẳng đời nào đồng ý dễ dàng như vậy. Cũng có thể nhỏ sẽ xé cái tờ giấy được gửi bởi chính kẻ đã đánh mình đến nông nỗi này. Ấy thế đùng một cái, nó nghe quản giáo Ngà báo có cô gái tên Dung vô thăm. Nó có chút ngỡ ngàng.

Trên đường đi, con Muội liên tục nghĩ, bản thân sẽ nói gì nếu hai bên giáp mặt nhau? Dù mục đích muốn nhỏ Dung vô đây là để mình cúi đầu xin lỗi, nhưng nó vẫn lo lắng. Vì từ trước đến giờ, nó đâu biết nói xin lỗi. Và nhỏ Dung cũng chưa chắc là người dễ tha thứ. Nén tiếng thở dài trong lòng, con Muội lầm lũi đi, bất giác thấy chân nặng như chì.

Nhỏ Dung đã khỏe nhiều rồi, dĩ nhiên là tốt hơn cái lúc bị khiêng vô bệnh viện mấy tháng trước, nhưng cánh tay phải vẫn còn bó bột. Đó là hậu quả sau khi bị con Muội dùng dao chém một nhát. Lúc bước vào phòng, trông thấy nhỏ Dung đang ngồi yên lặng thì tự dưng con Muội hồi hộp và một nỗi khó chịu cứ cồn cào.

Đôi chân đi thật chậm, con Muội mong cho khoảng cách giữa hai người cứ dài mãi, dài mãi để không phải đối mặt nhau. Cuối cùng thì nó cũng đã đến bên bàn thăm, và ngồi xuống ghế. Nhỏ Dung mặt tĩnh lặng, nhìn đối phương với đôi mắt xa xăm. Con Muội tần ngần một chốc rồi hỏi câu lạ lùng, nghe cứ nhứ hai đứa là bạn thân lâu năm mới gặp lại:

- Dung dạo này khỏe không?

Nhỏ Dung giương mắt nhìn chằm chằm, đứa con gái đêm đó đánh mình thương tích đầy người vừa mới hỏi một câu như vậy à? Tiếp đến, nhỏ cười khỉnh:

- Mày gọi tao nghe nhẹ nhàng dữ! Tao với mày đâu phải bạn bè.

Giọng nhỏ Dung nghe lạnh băng, nhưng chưa đến nỗi đay nghiến hay mỉa mai. Con Muội chẳng biết đáp sao nên lặng thinh. Hai đứa đâu phải bạn bè, chỉ qua một thằng con trai bắt cá hai tay mà chúng mới biết mặt nhau. Rồi cũng vì thằng đó mà hai đứa đánh ghen mấy chập. Nghĩ cũng hài, đời bây giờ người ta đối tốt với nhau thì khó nhưng trở thành kẻ thù thì dễ, dù chỉ là những người xa lạ.

Nhận ra con Muội đang khó xử, nhỏ Dung cũng thôi nói cạnh khóe. Dù sao nhỏ đến đây không phải để chì chiết đối phương mà chỉ muốn coi thử, đứa con gái ương bướng bất cần đó sẽ xin lỗi mình thế nào. Liệu, con Muội có chấp nhận cúi đầu? Mà ngay cả việc nhận được bức thư đầy thành tâm từ con Muội đã khiến nhỏ Dung kinh ngạc rồi. Nên nhỏ nghĩ phải vào xem sao.

- Mẹ mày ngày nào cũng đến nhà tao xin tao tha thứ cho mày. Dĩ nhiên tao đâu có chịu. Ba mẹ tao mắng nhiếc đủ thứ mà mẹ mày vẫn kiên trì đến hoài. Dần dà, tự nhiên tao cũng thấy tội bả. Mày thật tốt phước! Có mẹ thương như thế lại bỏ đi theo giang hồ.

Con Muội vẫn cúi đầu khi nghe nhỏ Dung kể lại, sống mũi bất giác cay cay.

- Lúc nghe tin mẹ mày bị xe đụng chết, tao bất ngờ lắm. Nói thật, nếu không vì bà ấy thì tao chẳng muốn vô đây thăm mày làm gì.

- Xin lỗi...

Nhỏ Dung ngừng lại khi thình lình nghe hai từ đó phát ra từ con Muội. Nhỏ tự nhủ mình có nghe lầm chăng? Còn con Muội cứ cúi đầu, mái tóc dài phủ xòa phía trước che hết mặt mũi nên nhỏ không biết có phải chính cái miệng ấy vừa nói hai tiếng xin lỗi. Nhỏ Dung liền hỏi lại:

- Mày vừa nói cái gì?

Con Muội từ từ đứng dậy với mái đầu vẫn cúi, nói rành rọt:

- Muội xin lỗi Dung! Thật sự xin lỗi!

Lần này thì nhỏ Dung biết mình không hề nghe lầm. Là thật! Ừ, đứa con gái đứng trước mặt đang thành khẩn xin lỗi bằng chất giọng hơi nghẹn, đã vậy còn chẳng dám ngước lên. Nhỏ im lặng chốc lát, cảm giác vừa có cơn mưa dịu mát tưới xuống tâm hồn vẫn còn nhen nhúm sự tức giận và căm ghét. Nhỏ Dung lại nhớ đến mẹ con Muội, vẫn dáng vẻ cúi người nặng nề như thể luôn mang trên lưng một nỗi khổ đau không dứt.

- Bác sĩ bảo cánh tay này của tao khó cử động giống như trước.

- Xin lỗi! Xin lỗi! Hãy tha thứ cho Muội!

Nước mắt rơi tí tách xuống bàn, con Muội liên tục cúi đầu. Nhỏ Dung vẫn mang nét mặt bình lặng, không nói sẽ tha thứ nhưng cũng không nói là sẽ không tha thứ. Nhỏ cứ ngồi nhìn con Muội, lòng tự hỏi: Vì một thằng con trai chả ra gì mà một đứa mang thương tật còn một đứa thì tù tội, đáng không?

Vân Du thấy con Muội trở về buồng giam mà mặt thất thần, mắt đỏ hoe hơi sưng, liền đoán là nó vừa khóc xong. Đã xảy ra chuyện gì ư? Sao bảo đi gặp người ta xin lỗi mà lại khóc? Hay đối phương chỉ trích mắng nhiếc gì nó?

Vừa chờ con Muội ngồi xuống là chị Giảo đã hỏi han. Con Muội lắc đầu quệt nước mắt, lồng ngực thổn thức. Chị vuốt nhẹ lưng nó, khuyên có gì cứ nói ra cho nhẹ lòng. Kìm nén hồi lâu, con Muội quay qua với hai hàng nước mắt:

- Tay nhỏ Dung bị em chém, chắc không lành lại như cũ nữa.

Chị Giảo kêu lên mèn ơi, rồi hỏi nó có nói xin lỗi chưa. Con Muội nấc lên:

- Xin lỗi thì sao, cũng đâu được gì hả chị! Việc đã xảy ra, hai tiếng xin lỗi chỉ càng làm đôi bên thêm đau thôi...

Bên cạnh Du lặng im, chỉ bỗng nghĩ lời con Muội sao mà đúng quá. Ở chỗ, chuyện đã xảy ra rồi thì có nói ngàn lời xin lỗi cũng vô ích.

Buổi chiều hôm nay, sau giờ lao động các phạm nhân nữ kéo đến phòng đọc sách. Ngoài công việc, đây có lẽ là điều mà Trại giam muốn khuyến khích phạm nhân làm. Còn có chuyện gì ý nghĩa hơn chuyện đọc một cuốn sách hay. Để thuận lợi, mỗi phân trại đều có thư viện riêng và phạm nhân có thể đăng ký mượn sách mang về buồng giam đọc.

Du đưa mắt nhìn những kệ sách, cũ có, đã làm mới lại cũng có. Một căn phòng không quá lớn lại chứa khá nhiều những cuốn sách đủ mọi thể loại. Cái nhìn của Du từ ngạc nhiên rồi chuyển qua tò mò và thích thú. Hồi trước khi còn đi học, Du cũng mê sách, mê đọc. Cứ hàng tuần có ngày rảnh rỗi là cô vùi mặt vào mấy con chữ. Nhưng kể từ năm mười sáu tuổi đó, Du không còn cái thú vui này nữa. Nghỉ học, một mình bươn trải để nuôi con thơ, khi đó việc đọc sách đối với Du là một điều rất lạ lẫm lẫn xa xỉ.

Khi cái nghèo bủa vây, đồng tiền không có thì người ta còn tha thiết gì với chữ nghĩa? Cả chuyện nhàn rỗi ngồi trong góc đọc sách, nhâm nhi tách trà ư?

Chị Giảo đứng bên cạnh, mắt cứ dính chặt vô mấy kệ sách, dường như thích lắm. Chị bảo, mình ở làng biết ít chữ nghĩa, có mấy khi cầm một cuốn sách mà đọc đâu nên hỏi sao giờ nhìn thấy sách mà không hiếu kỳ. Chị nói ở đây nhiều sách quá, chẳng biết đọc cuốn nào. Trong lúc chị loay hoay bên kệ sách tôn giáo thì Du lại đi sang kệ tiểu thuyết.

Lướt tay qua những tiểu thuyết kinh điển nước ngoài, Du thấy có nhiều cuốn sách nổi tiếng như "Bay trên tổ chim cúc cu", "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" hay "Không gia đình". Lướt xuống phía dưới, Du bắt gặp cuốn tiểu thuyết "Hoàng tử bé". Một vài giây lưỡng lự vì bản thân không chắc mình có thời gian để đọc hay không, nhưng rồi sau cùng cô đã lấy cuốn sách đó ra khỏi kệ. Du nghĩ buổi tối sau khi viết nhật kí xong mình vẫn có thể dành ít thời gian để đọc hết.

Chị Giảo vẫn đang tìm sách, Du cầm cuốn tiểu thuyết Hoàng tử bé đến bên chiếc bàn gần cửa sổ và ngồi xuống. Cuốn sách nói về thế giới trẻ em, và rằng, khi chúng ta trở thành người lớn thì chúng ta bắt đầu thay đổi. Chiều nay với ngọn gió rất khẽ, bên ô cửa cùng vài tia nắng sắp tắt, Du đã được trở về bên những trang giấy.
Chương trước Chương tiếp
Loading...