Anh Chàng Bé Con
Chương 25
Bốn năm đại học của tôi kết thúc. Tôi đã học được nhiều điều, đạt được nhiều thứ, tiếc nuối cũng không ít. Nhưng điều khiến tôi tiếc nhất là Hoa Ngọc Linh. Có những lúc, em ở bên tôi rất gần, nhiều khi, em lại xa cách như thể muốn chấm dứt mối quan hệ với tôi. Sau tất cả, tôi vẫn không thể có em. Em từng hứa sẽ nói lý do tại sao từ chối tình cảm của tôi, song có lẽ em đã quên lời hứa ấy. Sau ngày tốt nghiệp, tôi và Linh không gặp mặt nhau nữa, chỉ chat qua facebook và hầu như loanh quanh mấy chuyện việc làm. Chủ đề việc làm là thứ kéo dài câu chuyện chứ không có tính gắn kết. Vì nói quá nhiều chuyện đó, những cuộc chat giữa hai đứa dần nhàm chán. Tôi ngừng trả lời tin nhắn của em, luôn tỏ ra bận rộn hoặc mệt mỏi. Sau hai tháng, chúng tôi ngừng liên lạc với nhau. Như vậy cũng tốt, cho cả tôi, cho cả Linh. Một cuộc sống mới đang tới, sẽ chẳng hay ho gì nếu tôi cứ nghĩ về em và em phải duy trì mối quan hệ khó xử này. Bạn hỏi tôi buồn hay không, tôi trả lời rằng: có. Nhưng buồn tới mấy, tôi vẫn phải quên Linh vì cuộc sống chẳng chờ đợi ai cả. Có điều, trái tim tôi vẫn cứ lạc mất trên bầu trời, và tôi cảm giác mình sẽ không bao giờ tìm thấy nó nữa. So sánh giữa hai thời điểm đỗ đại học và tốt nghiệp đại học, nhận thức của tôi đã thay đổi. Còn nhớ khi nhận được giấy báo đỗ, tôi mừng như điên, nghĩ rằng mọi thứ đã an bài. Nhưng lúc cầm tấm bằng rời trường đại học, tôi chợt hiểu cuộc sống vừa mới bắt đầu. Tôi bước vào một ngôi trường mới, nơi ấy không có giáo viên, không có bạn học, cũng chẳng có ông bảo vệ hỏi thẻ sinh viên hay nhắc nhở cắm thùng. Nó có tên là “trường đời”. Ngôi trường tiếp nhận mọi đứa sinh viên vừa ra trường và ngay lập tức ném bài kiểm tra đầu tiên vào mặt chúng nó: tìm việc. Mọi thằng sinh viên đều nói tốt nghiệp xong sẽ vui chơi thỏa thích. Thực sự thì hầu hết đều khẩn trương tìm việc, chỉ một số ít là nói thật. Tôi là một trong những thằng nói thật, nhưng không sớm thì muộn, tôi sẽ phải lao đầu vào bài thi đầu tiên của trường đời. Bố mẹ tôi chỉ là những con người bình thường, quan hệ xã hội tuy có nhưng hầu hết lại chẳng thể giúp tôi tìm việc. Dù sao, tôi vốn là đứa không đòi hỏi, trước nay luôn tự làm việc một mình nên đây chẳng phải chuyện gì to tát. Tôi muốn tự tìm đường bằng bàn tay mình, hơn là ai đó vạch sẵn cho mà đi. Nhưng bạn nên biết, khi tự mình tìm đường, bàn tay bạn sẽ rớm máu vì bị gai đâm, vì ngã, vì đôi lúc phải che đi gương mặt tủi nhục. Tôi là một trong số ít những thằng không đi tìm việc ngay mà vui chơi cho bõ những ngày tháng điên đầu với đồ án thi cử. Nhưng mang tiếng là vui chơi chứ suốt thời gian đó, tôi đi tìm công việc phù hợp với niềm đam mê vẽ của mình. Trong thời buổi Internet phát triển, tìm được một công việc không khó, nhưng có được công việc ấy hay không lại là vấn đề. Tôi chuyên vẽ mảng tranh fantasy và muốn tham gia một studio game nào đó, tôi biết rằng chỉ ở đó, khả năng của mình mới được phát huy. Tôi muốn trở thành một họa sĩ như Yoshitaka Amano – người chuyên vẽ tạo hình nhân vật cho dòng game Final Fantasy. Nhưng ở xứ sở này, nó, thứ ước mơ đó, quả thực quá viển vông. Tôi tìm được studio game của người Việt song khi liên hệ, họ nói đã nghỉ từ lâu. Vốn của họ quá ít ỏi, họ bỏ nhiều công sức nhưng cuối cùng chẳng thu được mấy đồng lãi. Cũng khó cho họ, khi mà con người ở xứ sở này vẫn thích dùng chùa, vẫn giữ định kiến rằng làm game chỉ là trò vô bổ (tất nhiên không phải chỉ riêng Việt Nam). Tôi đành bỏ dở ước mơ và hy vọng một ngày nào đó, mọi thứ sẽ thay đổi – một hy vọng hơi mong manh.Tạm gác ước mơ làm game, tôi bèn thử sức ở lĩnh vực vẽ truyện tranh. Đây không hẳn là lựa chọn mà tôi thực sự nhắm tới nhưng nếu làm, tôi có thể làm tốt. Hồi đại học, tôi vẽ khá nhiều truyện tranh ngắn và được dân tình hưởng ứng nhiệt liệt, chủ đề thì… bạn biết đấy, chắc chắn là đánh đấm và viễn tưởng rồi. Những người hâm mộ nói tôi vẽ chuyên nghiệp, có nét riêng, hoàn toàn khác so với truyện tranh nước ngoài và họ nói tôi nên xuất bản. Cũng thời điểm ấy, người ta nói nhiều về việc thị trường truyện tranh bị nước ngoài chiếm lĩnh và các nhà xuất bản cần tác phẩm của người Việt. Tôi nghĩ mình có cơ hội. Tôi là người Việt, tôi trẻ, tôi khỏe, tôi thừa năng lượng và tự tin mình sẽ thay đổi được định kiến của người đọc.Tôi đã mang tác phẩm của mình tới nhà xuất bản, đã nghĩ những người kiểm duyệt sẽ khen ngợi tôi như ở trên mạng. Nhưng cuộc sống ảo khác đời thực. Không có lời khen nào dành cho tôi cả. Họ nhận bản thảo của tôi và để đó đợi bán giấy vụn, hoặc tống vào sọt rác – tôi nghĩ vậy. Không một câu trả lời hay tin nhắn đáp lại, dù tôi ghi chú số điện thoại lẫn email bên ngoài bản thảo, ghi rõ to luôn! Tôi chẳng nhớ mình gửi bản thảo đi bao nhiêu nơi, nhưng chắc là nhiều hơn mười đầu ngón tay. Tới đầu tháng thứ hai, nhà xuất bản thứ mười một gửi email trả lời và tôi khá vui mừng. Cho đến khi đọc nội dung email, sự vui mừng trong tôi tụt về không, con số 0 tròn trĩnh:“Chúng tôi đã xem bản thảo của bạn. Hiện tại nhà xuất bản chưa có kế hoạch gì cho thể loại truyện tranh này, hẹn gặp bạn lần khác.”.Người trả lời kiểu này sẽ chẳng mong đợi hẹn gặp bạn lần thứ hai. Lúc đó, trong đầu tôi nảy sinh sự đả kích vô cùng lớn. Trong suốt sự nghiệp vẽ, tôi chưa từng gặp tình huống tác phẩm của mình bị người khác ngó lơ như vậy. Ngay cả những gã vẽ giỏi nhất trên diễn đàn đều nói tôi sẽ phát triển và tiến xa hơn nữa, vậy tại sao nhà xuất bản lại thờ ơ? Tôi nghĩ mình không gặp may.Nhưng bức email nọ chưa phải điều tồi tệ nhất. Chuyện tồi tệ nhất xảy ra sau đó một tuần, khi tôi mang bản thảo tới nhà xuất bản thứ mười hai. Người kiểm duyệt của nhà xuất bản xem bản thảo ngay tại chỗ và… gửi trả ngay tại chỗ. Đó là một người phụ nữ với gương mặt không còn trẻ nhưng cũng chưa già, đôi mắt của cô ta trơ trơ tựa tấm nhựa bóng láng, hầu như không còn nhựa sống và cạn kiệt những khao khát. Cô ta nói với tôi:-Nói chung em về vẽ kiểu truyện khác đi. Mấy truyện thể loại này xuất bản ra không ai xem đâu! -Thể loại khác là thể loại thế nào hả chị?Người kiểm duyệt trả lời ráo hoảnh:-Cái đó em phải tự nghĩ thôi. Ở đây bọn chị chỉ nhập truyện nước ngoài thôi chứ không xuất bản truyện Việt Nam em ạ.Tôi nói:-Nhưng em có thể vẽ được mà chị? Em vẽ ở trên diễn đàn và nhiều người nói truyện của em rất tốt mà!Người kiểm duyệt cười:-Ôi dào ơi em ơi! Ngoài đời thực chẳng ăn ai nữa là trên mạng. Em có chắc vẽ truyện này xong em sẽ cạnh tranh được với truyện nước ngoài không? Tốt nhất là về tập vẽ lại đi em ạ, mấy đứa họa sĩ như em, chị thấy nhiều rồi. Chị nói thật nhé, truyện của em xuất bản ra không ai muốn mua đâu. Tôi cười. Cười vì buồn, cười vì bị sỉ nhục. Nực cười vì cô ta nói với tôi “tập vẽ lại” như thể tôi là đứa trẻ nít đang tập tọe tô màu. Nực cười bởi chính bản thảo này vài năm trước là thứ tạo dựng nên tên tuổi của tôi trên diễn đàn. Nực cười vì đầu truyện của nhà xuất bản này chỉ toàn những thứ truyện tình cảm sến súa với nét vẽ hời hợt, sai tỉ lệ, sai luôn cả bố cục. Tôi không có ý phán xét, do người kiểm duyệt nói đến chuyện chuyên môn nên tôi sẽ nói về chuyên môn. Nhưng dù tôi nói thế nào đi chăng nữa, mọi chuyện vẫn không thay đổi. Tôi, kẻ tự tin có thể làm mọi thứ đã tới mười hai nhà xuất bản và cả mười hai lần đều thất bại. Sau cùng, tôi tìm được một nhóm khoảng ba người chuyên vẽ và thiết kế cho các trang web. Ngày nay, trang web mọc lên như nấm, nhu cầu thiết kế cũng tăng cao, nhất là các web giải trí hoặc kinh doanh. Phần việc của bọn tôi là trang trí trang web sao cho bắt mắt, phần code thì do bên khác lo. Nghe thì oai vậy chứ người ta trả tiền khá bèo bọt, khoảng gần một triệu rưỡi, ba thằng chia nhau; cả ba lại đang tuổi ăn tiêu yêu phập, thêm đồng tiền mất giá nên năm lít bay hơi trong bảy ngày là chuyện thường tình. Mà đơn hàng cũng hẻo, hàng tháng được hai đơn đặt hàng là giỏi lắm. Thực sự, nhóm của tôi không tệ nếu so với các nhóm thiết kế tự do khác, nhưng sau một thời gian, tôi bỏ. Tôi bỏ không phải vì chê tiền ít, chê khó khăn mà vì thái độ của hai gã trong nhóm. Mỗi lần đi café trà đá, bọn họ luôn chém gió tung trời về chuyện vẽ vời. Ngồi trà đá café, ai cũng thích chém gió, kể cả tôi. Vấn đề ở chỗ hai bố trẻ này luôn coi mình là nhất, là khác biệt so với đám đông và tất cả người khác chỉ là rác rưởi. Tôi nằm trong số rác rưởi ấy. Hai gã luôn miệng chê bai những tác phẩm của tôi và cho rằng chúng chẳng có “chất”. Tháng trước, tôi làm một đơn hàng mà khách rất vừa ý, hai gã nghĩ tôi gặp may:-Thi thoảng gặp khách dễ thôi ông ạ! Mấy tháng trước tao làm ba đơn hàng, chỉ ngồi một buổi vẽ vẽ là kiếm ba triệu ngon lành! Rồi gã thứ hai tiếp lời:-Mày nghĩ mày vẽ lâu á? Tao đi vẽ kiếm tiền lâu rồi nhé! So ra thì hơn mày nhiều đấy, đừng tưởng bở!Giọng điệu cả hai gã khá hằn học, như thể tôi đã làm điều gì đấy khiến họ phật ý. Thực sự tôi chưa từng khoe khoang cái gì quá trớn, ngoài việc tự giới thiệu rằng mình đạt giải thưởng vẽ khi muốn gia nhập nhóm. Làm việc với đám người này gần ba tháng, tôi chỉ toàn nhận được những lời chỉ trích và dạy bảo thay vì khích lệ. Sau khoảng thời gian đó, tôi rời đi, phần vì tự ái, phần vì chán nản. Tôi đã nghĩ những người trẻ tuổi sẽ dễ làm việc với nhau, sẽ dễ cảm thông cho nhau hơn, nhưng tôi đã lầm. Tuổi tác không phải vấn đề, suy nghĩ mới là vấn đề. Lận đận với chuyện vẽ, tôi buộc phải quay lại với tấm bằng tài chính – ngân hàng. Người ta nói “tam thập nhi lập” và tôi chỉ còn bảy năm nữa để phấn đấu. Nói “chỉ còn” bởi thời gian sẽ trôi rất nhanh nếu bạn không để ý; bởi tuổi tác của bố mẹ không đợi tôi, các cụ không thể nuôi báo cô tôi mãi; bởi xã hội này có quá nhiều người thích soi mói chuyện riêng tư của người khác, họ sẽ cười nhạo bố mẹ tôi nếu tôi là thằng ba mươi tuổi lông bông không nghề nghiệp. Một lần nữa, vì sợ hãi, vì thể diện, tôi lao vào vòng xoáy tìm việc. Tìm việc chưa bao giờ dễ dàng. Tôi nộp hồ sơ như máy bay ném bom rải thảm nhưng không chỗ nào đánh tiếng. Thời buổi kinh tế lao dốc, ngân hàng sa thải nhân viên như cửa đập xả lũ, còn tôi như con cá bơi ngược dòng lũ. Bi hài là trong dòng lũ đó có hàng ngàn con cá khác như tôi, chúng xô đẩy, quẫy đạp, chèn ép nhau để leo lên. Cá chép vượt vũ môn, bề ngoài câu chuyện thật đẹp nhưng mấy ai biết phía dưới dòng nước, bao nhiêu con cá đã chết vì kiệt sức? He he, lảm nhảm vậy thôi, dù sao thì câu chuyện của anh chàng đi tìm việc không có sự chết chóc nào cả. Ngoại trừ việc mua hồ sơ hơi tốn, một bộ hồ sơ mười nghìn, mười bộ cộng lại đủ tiền ba bát tái gầu chứ chả đùa! He he!Kiên trì nửa tháng nộp đơn xin việc, rốt cục có một ngân hàng lớn gọi tôi. Trước ngày đi thi, tôi tham khảo rất kỹ kinh nghiệm trả lời phỏng vấn, các đề thi ngành ngân hàng. Nói chung là đồng chí Tùng Teo Tóp chuẩn bị đầy đủ súng ống đạn dược trong ngày ra trận. Ngân hàng tuyển người qua hai vòng: thi viết và phỏng vấn. Thi viết giờ đa số đều làm bài trắc nghiệm trên máy tính, trừ những ngân hàng nhà nước hay trung ương. Chuyện bi hài là tôi trượt ngay tại vòng thi viết, không phải đề bài khó mà vì một lý do hết sức vớ vẩn: thời gian. Do quá ham lấy điểm những câu khó, tôi quên không ấn nút “Gửi” phía cuối bài làm. Thời gian làm bài hết, toàn bộ câu trả lời của tôi bị xóa khỏi hệ thống. Tôi đã cố vớt vát bằng cách điền lại nhưng không thể, máy tính chỉ biết xóa và nhận. Nó xóa bài của tôi, tôi bị loại. Tôi không thể biện bạch cho thất bại này, chỉ biết tự chửi “Ngu Vật Con Lợn, Tùng ạ, ngu Vật Con Lợn!”.Sau sự cố đáng tiếc ấy, tôi tiếp tục gửi hồ sơ đi khắp nơi. Ở nhà, thấy tôi hơn ba tháng rồi vẫn lông bông, các cụ liên tục ca cẩm, thỉnh thoảng lại đưa ra ví dụ về những thằng bằng tuổi tôi đang sở hữu công ăn việc làm ổn định. Không phải “con người ta” nữa, mấy thằng này có tên có tuổi hẳn hoi. Nào thằng A nhà bà B, nào con X nhà bà Y, vân vân và vân vân. Thấy người ta thành đạt sớm, tôi cũng nóng ruột khôn tả, khổ nỗi vẫn chưa công ty nào gọi tôi. Sang tháng thứ tư, một công ty tài chính tư nhân gọi tôi đi phỏng vấn – chính là công ty mà tôi đang làm hiện tại. Nó không phải là một công ty hoành tráng, cũng không có cao ốc hay văn phòng lung linh như phim ảnh. Nhưng ở nơi đây, tôi nhận được những bài học đầu tiên của trường đời, bắt đầu từ vụ phỏng vấn. Hôm đó, như bao thằng lần đầu đi phỏng vấn khác, tôi chải đầu tóc gọn gàng, khoác lên mình áo sơ mi, quần âu, giày tây và dĩ nhiên là đóng thùng. Còn người phỏng vấn là một người đàn ông, chính là sếp của tôi hiện tại. Ngày đầu tiên ấy, cuộc đối thoại giữa tôi và sếp như vầy:-Em học ở trường… ra hả, vậy có hiểu tín dụng là gì không?-Vâng. Theo em hiểu tín dụng là thế nọ rồi thế chai, bla bla bla… Nói chung, sếp hỏi tôi vài câu về kiến thức ngành tín dụng và tôi đều trả lời được. Tuy nhiên, có một câu hỏi mà tôi không hề được dạy:-Được rồi, vậy em đến công ty này với mục đích gì?Tôi hơi ngập ngừng. Mấy câu hỏi kiểu này như muốn móc họng người được hỏi. Sau cùng, tôi trả lời:-Em muốn học hỏi thêm kinh nghiệm với cả tiếp thu kiến thức ở đây. Em còn trẻ nên có nhiều điều cần phải học. Sếp nhếch mép cười:-Thế tức là nếu em thu nhặt đủ kinh nghiệm rồi thì sẽ rời khỏi công ty đúng không?Tôi vội vàng nói:-Ơ… không phải thế, em cũng muốn cống hiến cho công ty nữa.-Vậy nếu công ty trả lương thấp hơn so với những chỗ khác, em muốn cống hiến nữa không?Tất nhiên là tôi sẽ biến ngay và khẩn trương. Nhưng với một thằng sinh viên mới ra trường và ôm ấp bao nhiêu hoài bão, câu trả lời đó chân thực đến mức khi nói ra sẽ cảm thấy lợm giọng. Tôi bối rối và không biết trả lời thế nào cho phải. Nhìn thái độ của tôi, sếp mỉm cười như người thợ săn vừa bắn hạ một con chim non mới ra ràng:-Ở đây bọn anh không cần cống hiến, bọn anh cần em mang hồ sơ về đây. Hai tháng đầu không có hồ sơ, em có thể đi chỗ khác để cống hiến. Em viết trong đơn xin việc là có thể giao tiếp và soạn thảo văn bản bằng tiếng Anh, ở đây bọn anh hướng tới đối tượng khách hàng người Việt, không phải người nước ngoài, trừ phi người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam. Em cũng viết là mình có thể làm việc nhóm tốt, đúng không? Ở đây bọn anh thường cho nhân viên đi phát tờ rơi quảng cáo, có thể ở nội thành, có thể ở các tỉnh khác và thường là các nhân viên phải tự túc phương tiện đi lại. Hoặc nếu cảm thấy việc phát tờ rơi quá mệt nhọc thì có thể chuyển sang gọi điện thoại, mỗi ngày sáu mươi số. Đừng lo thiếu, vì bọn anh có bộ phận chuyên khai thác số điện thoại cho em gọi. Tổng quan công việc là như thế, em làm được chứ?Một đống mưa bão tát vào mặt khiến tôi bừng tỉnh. Đây là cuộc sống thực, không phải những bức tranh đầy mộng mơ. Công việc đang ở trước mắt, tuy khó khăn nhưng lại là điểm bấu víu duy nhất cho tôi. Tôi cần bám lấy nó để thoát khỏi vũng bùn thất nghiệp, dù cái điểm tựa đó lởm chởm và gai góc. Tôi đáp lời:-Em làm được. Vậy là bốn tháng sau tốt nghiệp, tôi bắt đầu đi làm.Tôi không mất quá nhiều thời gian để hiểu sản phẩm và quy trình làm hồ sơ của công ty. Tôi cũng được học về cách xử lý những hồ sơ khó, nhưng áp dụng chúng vào thực tế là chuyện khác. Việc đầu tiên tôi làm là tư vấn cho khách hàng qua điện thoại. Một danh sách gần ba mươi số điện thoại và phải gọi hết trong một ngày. Thực sự thì chẳng có ai rảnh mà kiểm tra nhân viên có tư vấn hay không nhưng các nhân viên (bao gồm tôi) đều cố gắng gọi cho bằng hết. Bởi lẽ nếu không gọi, cơ hội sẽ qua đi và rơi vào tay người khác. Ba mươi số điện thoại, nghe thì nhiều nhưng chúng chỉ là cơ hội. Trong ba mươi số, có số không thể liên lạc, có số không nhấc máy trả lời. Ba mươi số, may lắm đào ra được năm người đang có ý muốn vay song vào một ngày đẹp trời nào đấy, tất cả họ sẽ hủy ý định này. Thời gian đầu, tôi đã gọi gần một trăm số điện thoại nhưng chẳng ai thực sự muốn vay hết. Họ hỏi số tiền được vay, họ hỏi lãi suất, họ hỏi thời gian giải ngân và cuối cùng, họ chẳng liên lạc với tôi nữa. Hai tuần làm việc đầu tiên, tôi chẳng kiếm được khách hàng nào cả. Tới tuần thứ ba, trong một buổi chiều nắng gắt và uể oải, tôi bỗng vớ ngay được một khách hàng đầu tiên. Anh ta có công việc tốt, lương lậu ổn định, đang cần tiền cưới vợ và quan trọng hơn, anh ta “hoàn hảo”. Hoàn hảo ở đây nghĩa là anh ta đáp ứng mọi yêu cầu trong vấn đề tín dụng, không cần phải chỉnh sửa điều gì. Hiểu nôm na là một hồ sơ tín dụng có khoảng mười đề mục quan trọng, không phải khách hàng nào cũng thỏa mãn cả mười, hầu hết phải chỉnh đi sửa lại. Vị khách hàng đầu tiên của tôi là người hoàn hảo như thế. Anh ta dễ tính, đưa giấy tờ cho tôi đúng hạn, hơi phân vân về lãi suất nhưng vẫn gật đầu muốn vay. Tôi chỉ cần điền mọi thông số vào hồ sơ và nộp lên cấp trên, xong chuyện! Khách hàng vay được bao nhiêu tiền, tôi sẽ hưởng 2% hoa hồng từ số ấy. Tháng đầu tiên không hoàn hảo, nhưng cũng không tệ. Có lương rồi! – Phải, tôi đã nghĩ thế.Nhưng có một vấn đề tôi hoàn toàn không tính tới, đó là bố mẹ của khách hàng. Khi bộ phận thẩm định gọi tới, bố mẹ anh ta trả lời rằng anh ta không sống ở hộ khẩu mà đang sống ở nơi khác. Khốn nạn ở chỗ anh ta sống ở nơi đó chưa nổi một năm, trong khi hồ sơ tín dụng yêu cầu khách hàng phải cư trú hơn một năm mới cho vay. Tôi biết anh ta không ở trong hộ khẩu và đã dặn rằng cứ trả lời mình ở đó. Tuy nhiên, tôi lại không tính đến chuyện bố mẹ ảnh quá thật thà. Thế là xong, vị khách hàng đầu tiên, bản hợp đồng đầu tiên, tất cả đều đi tong. Điều khiến tôi bực mình là sếp chẳng hề nhắc nhở chuyện người nhà khách hàng, dù chính sếp quản lý từng bộ hồ sơ. Điều thứ hai, những nhân viên cũ cũng không hề hé môi khi tôi hỏi về quy trình thẩm định khách hàng; họ cứ nói “đầy đủ rồi”, “không phải lo”. Kết quả từ hai điều trên là trong tháng làm việc đầu tiên, tôi không có lương, không có thưởng, mặt đần thối như bị ai tát. Nhưng tôi không đổ lỗi cho người khác quá nhiều. Tôi tự xem xét bản thân, tự thấy mình còn quá nhiều điều thiếu sót. Trầm mình trong thế giới máy tính quá lâu, tôi nhận ra kỹ năng giao tiếp của mình dở tệ. Nếu nói năng tốt hơn, tôi đã tìm được nhiều khách hàng hơn, thay vì chỉ một người duy nhất. Nếu đọc kỹ những kiến thức về sản phẩm, tôi đã hiểu hơn về quy trình thẩm định. Nếu chịu khó hỏi người đi trước, tôi đã không phạm sai lầm. Nhưng biết trước chữ “nếu” thì ai cũng giàu từ lâu rồi.Công ty của tôi tuyển dễ nhưng thải loại khá nhiều, phần đông là nhân viên tự bỏ vì không chịu nổi áp lực. Những người vào cùng đợt thi tuyển với tôi bỏ đi quá nửa. Họ không nghĩ có ngày mình phải năn nỉ khách hàng, phải đi phát tờ rơi – cái công việc mà thằng sinh viên ngân hàng nào cũng khinh thường. Không nản trước thất bại và nhờ bản tính hiếu thắng, sang tháng thứ hai, tôi vẫn tiếp tục làm việc. Theo luật, tháng thứ hai mà không có hồ sơ, nhân viên sẽ bị sa thải. Nửa tháng đầu chưa có khách, tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Vũng bùn thất nghiệp đang vươn tay mời gọi tôi xuống chơi cùng. Con mẹ nó! Không được nản! – Tôi tự nhủ. Lần này, rút ra bài học về tư vấn qua điện thoại, tôi nói nhiều hơn với những người đang có nhu cầu, bỏ qua nhanh những người chỉ hỏi cho có nhưng không quên để lại số điện thoại của mình cho họ. Đừng bao giờ đánh giá thấp chuyện rơi vãi số điện thoại khắp nơi, bởi một lúc nào đấy, có thể họ sẽ cần mình. Tôi cũng hăng hái tham gia vào việc đi phát tờ rơi – thứ công việc mà tôi từng khinh thường và té ra việc này đem lại nguồn khách hàng lớn hơn tôi tưởng. Tôi đi khắp thành phố, tới những khu công nghiệp, đi tới những tỉnh thành xa xôi hơn. Đây cũng không phải công việc nhẹ nhàng gì, phát tờ rơi ngày thời tiết bình thường còn đỡ, đụng hôm nắng đổ lửa hay mưa rào thì bách nhục. Nhưng vì trẻ, vì khỏe, vì có nhiệt huyết và vì nguy cơ bị đuổi việc nên tôi không ngại. Tiếp xúc nhiều loại người, tôi dần hiểu được cách nói chuyện, biết nên nói với ai và nên bỏ qua ai. Tôi nhận ra có rất nhiều trường hợp mà chẳng thứ kiến thức sách vở nào dạy, phải tự mình lần tìm, vấp ngã và tự học lấy. Sau nửa tháng đầy cố gắng, cuối cùng tôi cũng kiếm được một khách hàng. Hồ sơ của người đó không đẹp lắm và tôi phải chỉnh sửa đôi chút. Tôi dặn dò khách kỹ hơn, theo dõi sát sao hơn, để ý từng chi tiết nhỏ nhất. Sau vài ngày, hồ sơ giải ngân và tôi hoàn thành chỉ tiêu. Tôi thở phào nhẹ nhõm: vậy là mình chưa bị đuổi. Nhận được tháng lương đầu tiên, tôi đã mua một ít đồ ăn về nhà cho các cụ và bữa cơm hôm ấy vui hơn thường lệ - một chút an ủi cho những ngày vất vả. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Ở công ty, một số nhân viên cũ – những kẻ đi trước làm hồ sơ láo quá nhiều và chiếm đoạt tiền của khách hàng một cách bất hợp pháp. Có trường hợp nhân viên lập hồ sơ ảo, thuê người trả lời bộ phận thẩm định, ôm hàng trăm triệu rồi bỏ trốn. Do vậy, sang tháng thứ ba, công ty đặt ra nhiều điều luật khó khăn hơn khiến bọn nhân viên mới vốn khổ càng thêm khổ. Giờ đây, gần như mọi khách đều thiếu chỗ này một tí, thiếu chỗ kia một tí, tôi phải tìm cách chỉnh sửa lại sao cho phù hợp điều lệ tín dụng. Nhưng chính mấy thứ tí ti kiểu đấy lại ngăn trở tôi. Ở mọi tổ chức tín dụng hay ngân hàng, người ta đều yêu cầu khách hàng phải có điện thoại bàn. Nhưng rất nhiều khách hàng không chịu hiểu hoặc đơn giản là vì ngại, họ không lắp điện thoại, đồng nghĩa với việc hồ sơ không thể chạy. Có một gã khách hàng của tôi sở hữu bảng lương ổn, công việc ổn, hộ khẩu ổn nốt, chỉ thiếu mỗi điện thoại bàn. Tôi năn nỉ gã lắp điện thoại nhưng gã không nghe, chỉ nói:-Công ty em làm khó anh quá! Anh người thật việc thật chứ đâu phải lừa đảo gì đâu nhỉ? Chỗ em làm ăn thế chỉ mất khách thôi! Anh đi vay nhiều chỗ mà chưa thấy chỗ nào rắc rối như em đấy! Thôi nhé, anh nghỉ!Những lúc như thế, tôi chỉ biết cười mếu. Mếu vì mất hợp đồng, cười vì thằng cha nói láo. Nhờ công ty kiểm tra hệ thống CIC, tôi biết gã chưa từng vay nợ ở đâu. Nghe gã trả lời thế, tôi chỉ biết chửi thầm “không lắp điện thoại thì mày đi vay cái căng củ cọt”, nhưng ngoài mặt vẫn nhã nhặn trả lời:-Vâng, em biết rồi anh ạ, hẹn gặp anh dịp khác.Chuyện điện thoại là một phần nhỏ trong số những rắc rối. Có những khách hàng ngoài mặt nói không thiếu tiền hoặc nếu thiếu có đầy người sẵn sàng cho vay mượn, nhưng khi tôi làm hồ sơ, ngày nào cũng gọi điện hỏi xem đã giải ngân hay chưa. Tôi nhiều lần suýt mất kiên nhẫn với loại người này. Ở xứ Việt, bệnh sĩ ngấm vào máu con người ta, khiến họ dù đi nhờ vả nhưng vẫn thích đứng cửa trên. Khách hàng kiểu đó, tôi không bao giờ muốn gặp lại. Tôi còn đụng lắm chuyện bi hài khác như hủy hợp đồng vay chỉ vì… sợ vợ. Đó là một ông khách hàng trung niên, nói chuyện với cấp dưới kiểu thét ra lửa. Hồ sơ của ổng khá tốt, tôi hầu như không phải chỉnh sửa gì, chỉ đợi ổng lên ký vào hợp đồng giải ngân. Song ngay trước ngày ký hợp đồng, ổng gọi cho tôi, giọng thỏ thẻ:-Em ơi cho anh ngừng vay nhé. Ừ… tại vợ anh nó biết rồi. Anh xin lỗi vậy, để lần khác nhé!Tôi từng cứu nhiều hồ sơ chết trong hệ thống, nhưng riêng hồ sơ chết kiểu này, tôi chỉ biết cười trong nuối tiếc. Còn rất nhiều chuyện bực mình hay hài hước nữa mà một gã nhân viên tín dụng như tôi gặp phải. Nhưng tựu chung, sau một thời gian, tôi thích làm việc với khách hàng nữ hơn. Có thể họ không thực sự hiểu tín dụng như cánh đàn ông, nhưng họ dễ hợp tác hơn, dễ nói chuyện hơn và đáp ứng yêu cầu tín dụng tốt hơn so với cánh đàn ông mang quá nhiều cái tôi trong người. Không dễ chịu cho phái mày râu, nhưng đó là sự thực. Tuy nhiên, những chuyện kể trên chưa thấm tháp gì so với chuyện chạy chỉ tiêu. Mỗi tháng, từng nhân viên phải chạy đủ số lượng hồ sơ, đồng thời chấm công đầy đủ. Dậy sớm đi làm chấm công thì dễ, chạy đủ hồ sơ mới khó. Có tháng gần dịp ngày lễ hay Tết, tôi kiếm được khá nhiều khách hàng vì đúng thời điểm nhu cầu tăng cao. Nhưng ra Tết, tôi chẳng kiếm nổi ai. Người ta còn mải rượu bia, tiêu hóa thức ăn ngày Tết, lấy đâu thời gian quan tâm chuyện vay nợ? Vậy là tôi phải đi làm thêm nhiều mảng khác như chuyển hồ sơ làm thẻ tín dụng, bắt mối vay thế chấp (mảng tôi đang làm là vay tín chấp), vân vân. Ít nhất tôi vẫn dễ thở so với nhân viên tín dụng bên ngân hàng vì không phải làm phần huy động vốn. Gã bạn thời đại học của tôi làm việc bên ngân hàng lớn, lương khá hơn tôi, công việc ổn định hơn nhưng áp lực lớn hơn. Lúc nào tôi gọi điện cũng nghe thấy giọng gã hơi gấp gáp, như thể đang vướng phải một mớ rắc rối. Gặp tôi, gã luôn ca cẩm chuyện huy động. “Đan Mạch, cứ một tháng đòi 2 tỷ, làm thế đ… nào được hả mày?” – Gã nói. Người ta kháo nhau làm nghề ngân hàng là thời thượng, là nhiều tiền. Người ta nói thế bởi họ được nghe thế, đồn nhau thế chứ chẳng mấy ai hiểu rõ. Áp lực chỉ tiêu khiến tôi bực mình. Nó như cái vòng kìm kẹp muốn bóp nát tôi ra thành từng mảnh. Lúc nhận lương, tôi nhận ra đồng lương chỉ đủ nuôi mình bữa trưa, xăng xe và điện thoại, chứ muốn ăn muốn chơi thì phải… xin tiền mẹ. Cái Đan Mạch! – Tôi chửi. Một ngày hai mươi tư tiếng, không tiếng nào tôi không chửi. Tôi nhận ra từ lúc đi làm, mình chửi thề nhiều hơn và lời lẽ cay độc hơn, như thể đang nhắm đến một ai đấy. Nhưng mình chửi mình nghe, tinh thần của tôi chẳng khá khẩm chút nào. Mỗi tối, tôi nghĩ ngày mai xử lý hồ sơ ra sao, kiếm khách hàng mới ở đâu, làm sao để hoàn thành chỉ tiêu… tổ mẹ nó cái chỉ tiêu! Có lúc để chạy chỉ tiêu, tôi kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng dù kiếm được ít hay nhiều, tôi đã thay đổi. Khuôn mặt tôi lúc gặp gỡ khách hàng tươi rói bao nhiêu, về nhà lại lầm lầm lì lì bấy nhiêu. Mẹ nhận ra sự thay đổi của tôi, bà nói:-Sao lúc nào về nhà mày cũng thở dài thế nhỉ? Nhìn chán cả người! Tao nghe mà sốt ruột lắm! Về nhà không nói với bố với mẹ câu nào cả!Và đến chính tôi cũng không nhận ra mình. Mỗi lần soi gương mặc quần áo, tôi nhận ra khuôn mặt mình khác trước. Nó đen hẳn đi vì dãi nắng, cái miệng hay cười thuở nào giờ khép chặt, đôi mắt luôn gườm gườm vì mãi chưa đến ngày cuối tuần để nghỉ xả hơi. Cục cằn và giả tạo – đó chính là hình ảnh của tôi. Tại sao tôi lại thành ra thế này? Bốn năm đại học qua đi, cuộc sống thay đổi nhiều. Tiền ngày càng mất giá, cầm năm chục nghìn ra đường nhoằng cái ăn trưa với café là hết. Xăng chỉ nhăm nhe chực tăng và không bao giờ giảm, như thể cái nhà máy lọc dầu Dung Quất đang ngoác mồm cười hô hố vào mặt toàn thể người đi xe máy (tôi đã từng đề cập cái nhà máy này hồi đầu cấp 3) trên đất Việt Nam. Yahoo! dần đi vào dĩ vãng, chẳng mấy ai dùng nó nữa mà chuyển qua facebook. Những hàng net trở nên nhàm chán hơn bao giờ hết dù trò chơi ngày một nhiều. Tivi ngày càng nhảm nhí vì những con người đứng trước máy quay luôn cố nở nụ cười giả tạo, khóc lóc giả tạo nốt và luôn nói điều không thật. Tivi nhảm, báo chí mạng nhảm theo khi ngày nào cũng đập vào mặt hàng chục bộ ngực, hàng trăm cô nàng hot girl từ dưới đất mọc lên, giết người cướp của các kiểu con đà điểu. Thông tin nhiều như nước, nhưng chúng chảy trái chiều nhau trong cùng một dòng sông. Tôi, kẻ đứng giữa dòng sông ấy không biết nên tin điều gì hay tin ai. Một cảm giác bàng quan lớn dần trong tôi, để rồi sau một thời gian, tôi thường tự nhủ: “kệ mẹ người ta, mình còn sống, còn vui là tốt, việc đếch phải quan tâm đến ai?”. Trong một thoáng, tôi chợt nhận ra suy nghĩ của mình đã thay đổi. Trước đây tôi chưa từng bàng quan như thế. Đâu rồi thằng Tùng Teo Tóp luôn lạc quan? Đâu rồi thằng ôn cấp 3 ném đá ra Hồ Tây và nói rằng mình sẽ theo đuổi ước mơ đến cùng? Tôi đã nghĩ chuyện cầm bút vẽ nhưng không thể. Tôi ngại vì chuyện không hay trên diễn đàn, ngại vì gặp những con người luôn chê bai, ngại vì sợ nghe lại câu nói “về học vẽ lại đi em”. Tôi ngại vì đó chỉ là giấc mơ thời trẻ con. Có vẻ tôi đã lớn và thằng bé con ngày xưa trong tôi đã chạy đi đâu mất. Không còn thằng bé ấy, mỗi tối tôi lại tự hỏi tại sao người ta kiếm nhiều tiền hơn mình, rồi nghĩ thằng bỏ mẹ X sao có tiền mua Iphone nhỉ, thằng Y được ông già nó nhét vào cơ quan, con Z vớ được thằng chồng giàu có. Để sau đó, tôi lại không thể ngủ nổi vì những câu hỏi về tương lai. Mình sẽ giàu có hơn chăng? Hay mình sẽ mãi là thằng chạy việc, chạy ăn từng bữa thế này? Hay mình nhảy việc đi chỗ khác? Nhưng chỗ khác không nhận mình thì sao? Hàng trăm câu hỏi quấy nhiễu tôi, chúng lôi tôi dậy và hét vào mặt tôi: tuổi 23, mày đã có gì chưa? Và điều đó làm tôi khóc. Tuổi 23, tôi chẳng có gì. Bạn đã nhìn thấy thằng con trai khóc bao giờ chưa? Khóc vì thất tình thì chắc ai cũng thấy, nhưng khóc vì những điều không – phải – thất – tình thì không phải ai cũng biết. Bởi những lúc như vậy, thằng con trai sẽ tìm một chỗ riêng tư nhất và khóc một mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ thằng Choác sẽ có ngày khóc lóc. Thật! Mới tưởng tượng ra thôi đã thấy hài hước. Nó ra trường với tấm bằng khá, bố mẹ có điều kiện xin cho nó một chỗ làm tốt, đỡ phải nhọc nhằn như tôi. Nhưng sau bốn tháng rồi nửa năm, khi tôi đang bạc mặt ngoài đường đi phát tờ rơi, nó vẫn ngồi nhà. Cho đến hôm uống rượu ở nhà thằng Xoạch, không biết vì rượu ngon hay vì quá nhiều tâm sự, nó khóc như mưa trút. Vặt Cọng Lông! – Tôi và thằng Xoạch ngớ mặt ra nhìn nó và hỏi tại sao, nó mới bắt đầu kể:-Ông bà già tao lúc bảo vào chỗ này, lúc bảo vào chỗ kia. Tao không biết đằng nào mà lần! Tao đi nộp hồ sơ chỗ khác thì chửi tao ngu, bảo mấy chỗ ấy không ổn định! Mà lần nào về nhà, ông bà già cũng chửi, bảo con người ta thế nọ con người ta thế kia. Mày không biết đâu, nửa năm rồi, ngày nào tao cũng bị ăn chửi. Tháng ba mươi ngày chửi cả ba mươi ngày, tao chịu thế nào được?! Mà mấy chỗ ông bà già xin có phải dễ đâu? Con cháu người ta nó vào hết rồi, chen chân không được, lại quay ra chửi tao học ngu nên không có bằng giỏi, không xin được chỗ tốt! Thế cái ĐM tao đang làm gì đây hả?Lời nói của nó dĩ nhiên không nắn nót như thế và tôi đã giản lược hoặc thay đổi vô số lời lẽ chửi tục. Nhưng tổng quan là vậy, tuổi 23 của thằng Choác không hề dễ chịu. Nó chưa thoát khỏi vũng bùn thất nghiệp, thậm chí còn bị kéo xuống sâu hơn vì gia đình. Thằng Xoạch cũng lâm vào vấn đề tương tự. Nó tốt nghiệp nhưng không muốn theo ngành học mà đi theo nghề nhiếp ảnh. Nó mất rất nhiều thời gian để thuyết phục gia đình cho nó sống với cái nghề mà nó chọn. Nó biết những khó khăn mà mình sẽ trải qua, biết những rủi ro sẽ gặp phải. Nó vạch ra kế hoạch làm việc hẳn hoi và cố gắng làm theo. Nhưng kế hoạch tốt không có nghĩa là mọi thứ đều ổn. Luôn có những vấn đề phát sinh và thằng Xoạch không thể xử lý hết. Nó không sụt sùi như thằng Choác, nhưng những lúc ngà ngà say, nó lại tỏ ra buồn đời:-Tao đếch biết thế nào nữa. Giờ đi chụp với làm thêm cũng chưa đủ ăn, mấy năm tới không biết thế nào… Có khi tao vào trong nam, làm ăn ngoài này với mấy thằng khách đòi hỏi rõ nhiều! Hậy! Đập Muỗi, nó muốn bộ ảnh lung linh như người mẫu mà diễn thì cứng đơ như ma nơ canh, bố tao cũng chẳng chụp lung linh được! Nghề của thằng Xoạch tiếng thì sang chứ để sống với nghề không phải chuyện dễ. Tuổi 23 của nó chưa bao giờ ngừng hỏi về tương lai, về bản thân mình. Đó thực sự là quãng thời gian khó khăn. Đi làm hơn nửa năm, tôi đã có nguồn khách hàng ổn định hơn, quen việc hơn. Nhưng điều đó không làm tôi vui. Tôi biết rằng đây không phải con người mình. Giấy, bút vẽ, màu và tưởng tượng – đó mới là tôi, là con người tôi muốn sống. Phiền rằng tôi không đủ can đảm làm vậy. Hàng đống thứ xung quanh khiến tôi chùn bước. Và tôi sẽ mãi mãi là thằng hèn nhát như thế nếu không xảy ra một biến cố. Biến cố ấy xuất phát từ một câu chuyện buồn.Đợt tôi đi làm cũng là lúc ông cụ nghỉ hưu. Đối với tôi, bố nghỉ hưu hay không cũng thế vì tôi không quan tâm ổng. Quá nhiều chuyện trong quá khứ đã khiến tôi và bố không hợp nhau. Chúng không phải những chuyện vui vẻ, tôi cũng không muốn kể vì nó hết sức riêng tư. Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi gia đình có sự mâu thuẫn mà chỉ người trong gia đình mới hiểu. Nhưng đại khái là vậy. Nói một cách thật lòng, ở thời điểm ấy, tình cảm của tôi đối với ông cũng chẳng hơn gì tình cảm mà tôi dành cho ông hàng xóm là mấy. Tôi vô tâm và không để ý rằng ông cụ đang mắc một chứng bệnh tâm lý. Bao nhiêu năm làm việc, giờ tự dưng nghỉ, bố đâm ra khó tính hơn cả những ông già bảy mươi tuổi. Ông cục cằn và luôn miệng chửi bới, khi chửi bữa cơm không ngon, khi chửi thằng con đi làm về muộn. Dường như trong mắt ông, mọi thứ đều ngứa mắt. Ban đầu, tôi chỉ im ỉm cho qua, coi như không nghe thấy. Nhưng sự ức chế trong tôi càng tăng cao khi ông chửi tôi học hành như hạch, thi vào trường đại học dở như hạch và kiếm được một việc như hạch nốt. Không vấn đề! – Tôi tự nhủ, bởi vốn dĩ tôi lớn lên trong sự mắng nhiếc và bị so sánh với con nhà người ta. Song sự việc bắt đầu ngoài tầm kiểm soát khi bố chửi đam mê vẽ vời của tôi. Ổng so sánh tranh của tôi với giấy vụn, ổng chửi luôn cả bức tranh mà tôi đạt giải 4 triệu – mà chính ổng đã trưng thu 4 triệu đó để mua tivi mới, trong khi tôi đang muốn đầu tư thiết bị vẽ. -Mày vẽ toàn những thứ mà không ai xem được. Tỉnh lại đi con ạ! Mày đâm đầu vào vẽ vời nên giờ chỉ là thằng mạt hạng trong xã hội. Con nhà người ta mua xe mua nhà cho bố mẹ, còn mày chỉ vác cái mồm về đây để tao nuôi! Vẽ vời gì cái loại mày? Bôi bôi bẩn bẩn tí màu rồi gọi là tranh ấy hả? Tranh người ta bán mấy trăm nghìn đô, tranh mày có chó nó thèm xem!Tôi nghỉ vẽ, nhưng không có nghĩa ai đó được phép chửi vào những thứ tôi từng vẽ ra, kể cả đó là bố. Sự ức chế, sự căm ghét người bố suốt hàng chục năm trong đầu tôi bùng nổ, tôi nổi khùng:-Câm mẹ cái mồm đi! Ông thì biết con kẹc gì!-Mày nói gì? Mày vừa nói gì? Mày là con tao, mày nói thế à?Bố dứ dứ tay định tát tôi, còn tôi chẳng ngán:-Tôi nói thế đấy! Tôi bảo ông câm mẹ cái mồm đi đấy! Ông làm cái gì thì làm cho tôi xem nào?!Và bố tát tôi thật, tát văng cả kính. Tôi liền đáp trả bằng cách xô ổng. Bố ngã xuống đất, lại lồm cồm bò dậy, lần này vớ luôn cái ghế định đánh tôi. Tôi không ngán, bỏ qua luôn chuyện cái ghế phang vào đầu mình, chỉ dùng sức húc ổng như trâu húc mả. Chẳng ông già sáu mươi tuổi nào chống được sức mạnh của thằng hai mươi tuổi. Ông ngã xuống, la oai oái:-Ối giời ơi! Nó đánh tôi! Nó đánh tôi!Mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn nữa nếu mẹ tôi không can ngăn. Tôi liền bỏ sang nhà thằng Choác ngủ nhờ. Mang tiếng ngủ nhưng suốt đêm hôm ấy, tôi không thể chợp mắt. May phước tổ cho tôi, bố không đập đầu vào cái gì đó, chứ không tôi sẽ hối hận cả đời. Có lẽ mình là thằng bất hiếu! – Tôi vừa nghĩ, vừa ngăn nước mắt chảy xuống. Tuổi 23 của tôi, đáng lẽ sẽ là tuổi đẹp nhất, tại sao lại biến thành thế này? Sáng hôm sau, tôi đi làm. Công việc vẫn bình thường, tôi vẫn tư vấn tìm khách hàng, vẫn hối hả chạy chỉ tiêu. Nhưng cả ngày, tôi như người mất hồn, có mỗi bản danh sách ba mươi số điện thoại mà gọi mãi chẳng xong. Chán đời, tôi đành gọi điện về nhà và nói với mẹ là đi ra ngoại thành làm việc, tới mai mới về. Quả thực là trước nay tôi vẫn thường đi sang tỉnh khác tìm khách hàng. Mẹ không nói gì, chỉ bảo:-Đi đường cẩn thận, ăn uống tử tế nhé! Mà nhớ về sớm, bố mày đang gào ầm ĩ lên kia kìa!Mẹ biết nỗi khổ của tôi, biết cả sự căm ghét tôi dành cho bố nên không trách mắng, chỉ cảm thông. Nhưng khổ cho bà phải đứng ở giữa, phải nghe bố chửi “con hư tại mẹ”, tôi cảm thấy có lỗi. Nhưng sự đã rồi, tôi chỉ biết đi đâu đó cho khuây khỏa. Hôm ấy, tôi xin nghỉ buổi chiều rồi bắt xe khách chạy về Hải Phòng. Ở đấy có một người luôn sẵn sàng nghe tôi kể lể và tâm sự. Tôi không biết nhiều lắm về hắn, chỉ biết hắn có tên nick trên diễn đàn vẽ là Gabietbay. Nói một chút về Gabietbay. Hắn là người hâm mộ tranh của tôi, luôn ủng hộ tôi kể cả khi tôi vướng chuyện không hay lúc đi thi. Mỗi dịp rảnh rỗi, tôi và hắn luôn trao đổi chuyện vẽ vời. Nếu thằng Choác là bạn thân ngoài đời thực, thì Gabietbay là thằng Choác phiên bản thế giới ảo của tôi. Hắn hơn tôi bốn tuổi, nhưng khi nói chuyện vẫn xưng “ông, tôi” như bạn đồng vai phải lứa. Gabietbay luôn nhờ tôi đánh giá tranh của hắn trước khi đưa lên diễn đàn. Hắn vẽ không thực sự đẹp, nhưng kiến thức về vẽ lại khá rộng nên mỗi lần trao đổi với hắn, tôi lại ngộ ra thêm điều mới mẻ. Mỗi tối, tôi háo hức nói chuyện với Gabietbay hơn là lên mạng đọc báo hay chơi game. Tìm bạn thân đã khó, tìm người tâm giao trong cùng một lĩnh vực khó gấp bội và tôi thấy mình may mắn khi tìm được tay này. Nói chuyện với Gabietbay hơn hai năm, tôi biết được tên thật cùng địa chỉ nhà của hắn. Mấy lần tôi muốn về Hải Phòng chơi với gã mà chưa có dịp. Tôi thường đùa với Gabietbay rằng không dám về thành phố hoa cải vì sợ đạn lạc. Nhưng lần này dẫu đạn bay đì đùng khắp đường phố, tôi vẫn sẽ tới. Bởi lẽ tôi đang là kẻ không nhà. Khoảng năm giờ chiều, tôi đặt chân xuống Hải Phong. Kỳ thực, thành phố này không dễ sợ như người ta tưởng tượng. Lúc ấy, vì quá mệt mỏi lẫn chán đời, tôi không để ý Hải Phòng trông ra làm sao. Nhưng trong trí nhớ của tôi, người dân nơi đây có gì đó khá đặc biệt. Khi tôi hỏi đường, họ không tỏ thái độ nhiệt thành song hành động lại khác: chỉ dẫn khá tận tình, người nào không biết thì hỏi người khác giùm tôi. Địa chỉ nhà gã Gabietbay khó kinh dị, song nhờ họ, cuối cùng tôi cũng tìm được đến nơi. Cũng có thể hôm đó tôi gặp được toàn người tốt không biết chừng. Hoa cải… à nhầm, hoa phượng đỏ không tệ! – Tôi nghĩ.Nhà của Gabietbay nằm trong con ngõ khá sâu. Ngõ sâu không phải vấn đề, vấn đề ở chỗ trước ngõ có một hàng bán trà đá và gã chủ quán trà đá thực sự hơi kinh dị. Gã gầy tóp, tôi mang tiếng “tóp” mà chưa tóp bằng gã, tay hơi khẳng khiu, mặt già đanh, ánh mắt đầy vẻ hiếu chiến. Con bà nó, vớ phải hoa cải thật rồi! – Tôi nuốt nước miếng, đoạn hỏi gã:-Anh ơi cho em hỏi nhà này ở đâu ạ?Trái ngược với bộ dạng của mình, gã chủ quán đáp lại khá nhã nhặn:-Bạn hỏi có việc gì nhỉ?-À, em là bạn của Gabietbay (chỗ này không nêu tên)! Em mới qua chơi…-Bạn là bạn thế nào nhỉ? – Gã chủ quán hỏi vặn.Tôi cảm giác có mùi gì đấy không ổn ở đây. Nghe nói đám giang hồ xứ này có đủ mọi trò moi tiền người lương thiện. Trách mình số xui, tôi bèn trả lời:-À, em quen Gabietbay qua mạng. Em với anh ấy đều thích vẽ nên thi thoảng cũng nói chuyện với nhau.Nghe tới đây, gã chủ quán trà đá bỗng mở lớn mắt:-Là Boyteotop phải không? Từ Hà Nội xuống đây hả?Nghe gã nói vậy, tôi bần thần một lúc rồi chợt hiểu vấn đề. Bạn tôi đây sao? Là cái thằng cha trông như nghiện này sao? Tôi nói:-Thế anh là…-Gabietbay đây mà! Bây giờ mới gặp mặt nhau nhỉ? Nhà tôi ngay trong này thôi, ông vào chơi nhé! Đợi tôi tí!Hắn không đứng dậy ngay mà lúi húi lôi một đống thứ bên dưới gầm bàn. Tôi nhận ra nó là một chiếc xe lăn gấp. Gã dùng sức nhổm người từ ghế ngồi sang xe lăn rồi dắt tôi vào con ngõ nhỏ, vừa đi vừa cười:-Sao ông đến mà không bảo tôi một tiếng? Biết thế hôm nay tôi nghỉ hàng sớm! Ông bảo chưa được ăn mấy món đặc sản Hải Phòng phải không? Yên tâm, nhà tôi có!Hắn vừa lăn xe, vừa cười, trong ánh mắt không hề có lấy một tia nhìn bi quan. Nhìn hắn, tôi phấn chấn lên đôi chút. Tôi đã nghĩ tuổi 23 của mình là cơn ác mộng. Nhưng kia là bạn tôi. Hắn 27 tuổi và bị liệt, không thể đi lại bình thường.Và cuộc nói chuyện giữa tôi và hắn đã thay đổi tất cả. Đó là một cuộc đối thoại không dài dòng lắm....
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương