Anh Chàng Bé Con

Chương 5



Nghe tôi kể lại chuyện cũ, Linh cười mãi không thôi. Kỷ niệm thời học sinh luôn đem lại nụ cười dù đó là chuyện vui hay buồn. Linh nhấp ngụm café rồi hỏi:

-Hai mươi đĩa cơ à? Lâu thế mà Tùng vẫn nhớ à? Chắc giờ hỏng hết rồi nhỉ?

-Vẫn khoảng mười cái! – Tôi cười – Mấy đĩa khác xước hết rồi, không nghe được nữa.

-Để mình tính xem có những đĩa nào nhé? Bon Jovi này, Oasis này, Coldplay… đúng không nhỉ? Ừ, Red Hot nữa, hai đĩa lận! Papa Roach, Foo Fighters, Linkin Park ba đĩa, nhiều quá, mình không nhớ hết. Có cả Metallica, đúng không?

-Không, hồi đầu mình không nghe Metallica. Sau này mới nghe.

Linh gật gật:

-Ừ, đúng rồi! Sau đấy Tùng chuyển sang nghe metal, đúng không? Bây giờ vẫn nghe à?

Tôi gật đầu cười. Em tiếp lời:

-Tùng chẳng thay đổi gì mấy nhỉ? Cấp hai, cấp ba, đại học, đến khi đi làm, Tùng vẫn vậy.

Tôi nhíu mày:

-Nói kháy mình hả?

-Không. Mình thích những người như vậy. Giờ đi làm, mình cảm giác mọi người không “thật” chút nào. Cái này chắc Tùng hiểu… Mình cảm giác nói chuyện với người khác gượng gạo sao sao đó!

Tôi mỉm cười song không đáp. Hầu hết sinh viên mới ra trường đều bỡ ngỡ trước cuộc sống lẫn lộn sắc màu, trừ mấy thằng từng hoạt động đoàn thể. Nhưng tôi tin Linh sẽ vượt qua bởi em biết thay đổi, em biết “thỏa thuận” với cuộc sống. Như con tắc kè hoa, em có thể thay đổi trước mọi hoàn cảnh.

Và điều chắc chắn là một cô gái sẽ từ bỏ một gã trai nếu anh ta không chịu thay đổi.

Tôi là gã trai kiểu đó. Một kẻ không biết thay đổi.

*

* *

Kỳ nghỉ hè năm lớp 6 của tôi khá tệ. Sau mỗi buổi học hè, tôi chỉ biết ru rú ở nhà. Tuy là bạn thằng Choác nhưng hồi ấy, hai đứa chưa thực sự thân thiết nên tôi không qua gọi nó đi chơi. Lũ trẻ cùng con ngõ năm xưa thì tản mác khắp nơi, chẳng đứa nào giữ liên lạc nữa. May là nhờ món quà sinh nhật của Linh, tôi vẫn sống sót qua mùa hè mà không phát điên vì chán. Hết kỳ nghỉ hè, tôi mới nghe được một nửa trong số hai mươi đĩa nhạc. “Mỗi việc nghe nhạc mà nghe không hết!” – Bạn đang nghĩ vậy, phải không? Nhưng nhạc rock là thế, bạn không thể nghe nó như đánh chén mì ăn liền. Mỗi ngày bạn chỉ có thể nghe khoảng hai bài, nghe đi nghe lại chúng mấy ngày sau rồi mới chuyển sang bài khác. Có những bài mà khi mới nghe, bạn tắt ngay lập tức, nhưng vài hôm sau, bạn mở lại và thấy nó hay lạ thường. Lặp đi lặp lại như thế suốt ba tháng, tôi dần gắn bó với dòng nhạc ầm ĩ này (tất nhiên chưa ầm ĩ bằng metal). Như một hệ quả, trong tôi bắt đầu chộn rộn những cảm giác khó tả, lòng thầm mong năm học mới đến nhanh hơn.

Và năm học lớp 7 bắt đầu bằng việc chuyển chỗ ngồi. May mắn thay, cặp mắt cú vọ của bà chủ nhiệm không vươn tới bàn của tôi. Tôi và Linh vẫn ngồi cùng nhau. Ngày đầu tiên, hai đứa lại bút đàm trong giờ học. Linh hỏi tôi:

“Mày nghe hết chưa?”.

“Mới được một nửa. Cái Foo Fighters khó nghe quá!”.

“Ừ. Nghe từ từ thôi.”.

“Mà ba tháng không gặp, có nhớ tao không? ^^”.

“Tao xin cô chuyển chỗ nhé?”.

“Ấy đừng!”.

“Ô, ngồi gần tao làm gì? ^^”.

“Không ngồi gần mày thì ai cho tao chép tiếng Anh đây? TT”.

“Thế hóa ra ngồi gần tao để chép bài à?”.

Linh hỏi một câu khá khoai sắn. Ngồi cạnh em chỉ để coi cọp tiếng Anh thôi ư? Tôi không nghĩ thế. Nhưng thay vì soạn một câu có cánh, tôi lại trả lời em kiểu gợi đòn:

“Không. Vì tao khoái coi mày nổi điên. He he!”.

“Đi chết đi!”.

Cuộc sống năm lớp 7 khởi đầu một cách yên bình như thế. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn năm lớp 6.

Lên lớp, lên một tuổi, tôi cũng khác nhiều. Thứ đầu tiên thay đổi trong suy nghĩ thằng ôn mới lớn: bớt hứng thú học hành. Tất nhiên không phải kiểu buông xuôi muốn ra sao thì ra nhưng đại khái là tôi đã đánh mất sự thích thú khi học tập. Mỗi lần xong xuôi bài tập về nhà, tôi đều vui mừng. Vui vì xong đống công thức toán của nợ, vui vì sổ liên lạc sẽ không có “thiếu bài tập”. Chúng tôi – những con lợn mắn đẻ của lớp chọn học để lấy điểm, học để không trở thành đứa con hư, học vì nỗi sợ “không công ăn việc làm” như lời bố mẹ nói. Còn niềm vui học hỏi kiến thức ư? Không, hoàn toàn không, một chút cũng không. Giáo dục là thế, nó đưa ra sản phẩm và bắt những đứa trẻ phải ăn, không được phàn nàn vì sao phải ăn hay ăn để làm gì? Chẳng ai giải thích cho chúng tôi cả. Khi đã mất hứng thú học hành, lũ con trai chỉ còn cách giải tỏa duy nhất: game – thú tiêu khiển số một của bọn trẻ sống ở thành thị. Cái này cũng là cả một câu chuyện dài, vừa hài vừa nhắng.

Nói đến game là nói đến quán net. Cuối những năm 90, mấy cơ sở kiểu này bắt đầu xuất hiện giữa những quán điện tử cầm tay. Tôi đã nghe loáng thoáng bọn trẻ con rủ nhau đi chơi “háp lai” (Half-Life) từ hồi cấp một. Nhưng phải tới năm lớp 7, tôi mới chính thức chơi trò đó, cũng là thời kỳ quán net bước bắt đầu nở rộ. Cứ sau mỗi buổi học thêm, bọn con trai rồng rắn chục thằng kéo nhau ra quán nét, trong đó có tôi và thằng Choác. Mà có sung sướng gì đâu! Trong một không gian bé tí khoảng mười mét vuông, hai mươi case máy nóng hầm hập, thằng ngồi chửi loạn ngậu, thằng đứng hét hò ầm ĩ, đứa nào đứa nấy vã mồ hôi. Khổ sở là thế nhưng chẳng đứa nào chịu về, chúng quyết tâm đợi có máy chơi hoặc đi tìm quán net khác. Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè, các quán net như lò bát quái. Mà máy tính thời ấy mới cổ lỗ làm sao: RAM 128 MB, case bám bụi đóng tầng đóng tảng, màn hình lồi như đít ốc nhồi thi thoảng phập phù mấy vạch nhiễu, hoàn toàn chưa có khái niệm “card đồ họa”, “tản nhiệt” hay “internet”. Ấy thế mà bọn trẻ con say mê máy tính điên cuồng. Đứa nào cũng muốn chạm vào bàn phím rơi vãi đầy tàn thuốc lá, chạm vào con chuột gợn những gờ ghét được tích tụ từ mồ hôi của hàng trăm bàn tay khác nhau. Bẩn, nhưng thú vị! Sau giờ học, chiếm được một chỗ trong quán net là cả sự cố gắng lẫn may mắn. Tiền chơi ngày ấy rẻ thối, chỉ 2.000 đồng/ tiếng, nhịn ăn sáng là đủ tiền ngay. Đôi lúc thiếu tiền, tôi và thằng Choác chung nhau 2.000, thằng này chơi khoảng mười lăm phút lại đổi cho thằng kia. “Bùng” học chơi game không phải chuyện hiếm. Tôi thì không bỏ học chính, nhưng trốn học thêm thì đầy rẫy. Lạ đời thay, một thằng trốn học sướng một, hai thằng trốn học sướng gấp đôi, cả lũ trốn học sướng hết đường sướng! Có lúc cả tám thằng con trai cùng bỏ lớp học thêm của bà giáo chủ nhiệm đi chơi điện tử. Học sinh nó vậy đấy, he he!

Nói cho cùng, quán net là nơi bộc lộ bản chất của một thằng học sinh. Cam chịu thua cuộc hay háo thắng muốn lật ngược thế cờ, mọi thứ đều phô bày qua trò chơi. Tôi cũng thế, nhờ trò chơi, tôi chợt nhận ra mình là đứa cực kỳ háo thắng ẩn dưới bộ dạng lù khù đeo kính cận dày cộp. Cũng ở quán net, mọi stress dồn ứ trong đầu bọn nhỏ phát tiết ra ngoài qua những lời chửi thề. Thắng: chửi kiểu bác học, thua: chửi kiểu cay cú, thua nhiều: chửi kiểu hàng tôm hàng cá. Mà nhất phải lúc nào đang quyết đấu ăn tiền thì cả lũ chửi muốn tốc mái quán. Ban đầu người lớn phàn nàn và ra lệnh cấm nói tục chửi thề, sau trăm thằng trẻ con riết cả trăm chửi bậy, người lớn chỉ biết lắc đầu cho một thế hệ hư hỏng. Bọn tôi – những đứa trẻ chỉ coi đó là niềm vui thường nhật, chẳng quan tâm đạo đức hay hư hỏng gì sất. Và tất nhiên, ở cái thời Internet còn mông muội đó, bọn trẻ con bắt đầu tiếp xúc web đen – hay nói trắng ra là các trang khiêu dâm. Ở cấp hai, môn Sinh học có phần dạy giới tính nhưng giáo viên bộ môn luôn bỏ qua, thế nên bọn trẻ con tò mò tự khám phá cũng… hết sức bình thường. Đừng nói thế hệ bọn tôi hư hỏng và đồi trụy nhé! Nếu cái xứ này thuần phong mĩ tục thật thì đã chẳng có chuyện ngâm rượu để bồi bổ chuyện chăn gối. He he, quan điểm cá nhân thôi, đừng gạch!

Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất ở quán net không phải là vui thế nào, chửi bậy ra sao mà là bị phụ huynh bắt. Đang chơi vui và cười nói hết cỡ, bỗng bạn nhận ra bố (hoặc mẹ) đang lù lù trước cửa hàng, ánh mắt hình viên đạn chiếu thẳng mặt bạn, cảm giác thế nào? Chỉ một câu: thốn tận rốn. Bài của các cụ thường là gọi tên thằng con, bụp thẳng mặt rồi chửi té tát. Cụ nào hiền hơn thì hành xử rất văn minh: gọi con về nhà, đóng cửa và bắt đầu tẩn. Thằng Choác hay bị phụ huynh xử theo cách thứ nhất. Nhà nó gần mấy quán net, thi thoảng bố mẹ nó lại đảo ra thì bắt gặp ngay thằng cu con đang ngoạc mồm chửi bới. Ôi thôi, chiến sĩ Choác hy sinh oanh liệt! Còn tôi bị xử theo cách thứ hai. Một ngày nọ, tôi trốn lớp học thêm của bà chủ nhiệm, bả gọi điện về nhà thông báo, mẹ tôi tức tốc chạy ra và lôi cổ thằng con về, còn ông bố đã chuẩn bị sẵn bó roi. Gọi là “bó” vì nó gồm ba cuộn dây điện chuyên cắm loa. Thể loại roi này không bao giờ gãy hoặc đứt, có thể in thành vệt lõm sâu xuống mông như thể da thịt bị thẻo bớt. Các ông bố không đánh thì thôi, đã đánh thì thằng con nhớ suốt đời không quên. Chục năm sau, thi thoảng tôi vẫn rờ mông để chắc chắn những vết sẹo đã lành hẳn.

Về sau, tôi có kể chuyện này cho Linh. Nghe đoạn bị đánh, em cười ngặt ngẽo không thôi. Tôi hầm hừ:

-Sao? Cười gì?

-Mày bị đánh thì tao cười chứ sao! – Em ôm bụng vừa trả lời, vừa ngăn mình cười tiếp.

-Đan Mạch, mày cười trên nỗi khổ của người khác à? – Tôi cười đau khổ.

Em còn chế giễu tôi thêm một hồi nữa rồi nói:

-Học đi! Nghe nói cuối năm, đứa nào đội sổ sẽ phải chuyển đi và nhường cho bọn lớp khác đấy!

-Thật á? Sao mày biết?

-Hôm 20/11, bố mẹ tao tới nhà bả thì bả bảo vậy. Bố mẹ tao bảo bả kêu ca mày nhiều lắm! Dự là cuối năm sẽ đuổi mày ra khỏi lớp.

Cái mặt tôi thộn dần. Đuổi tôi? Đời tôi sẽ về đâu? Tôi mới làm bạn với thằng Choác được một năm! Còn Linh nữa! Tôi không cho phép bất cứ thằng vẹo nào ngồi cạnh em, tôi sẽ đánh nó, kể cả đó là thằng Choác!

-Bố mẹ tao bảo tránh xa mày ra! – Linh cười.

-Thế mày muốn tránh tao thật à?

Em chống cằm, mắt ngước lên cao, đầu ngúng nguẩy:

-Không biết! Nhưng tóm lại là học đi!

Tôi ậm ừ, trong lòng lợn cợn những lời nói của bà chủ nhiệm. Bả không những “đấu tố” tôi trước mặt bố mẹ, mà còn tố tôi trước mặt phụ huynh của Linh. Mất mặt trước người con gái mình thích, còn gì khó chịu hơn? Từ đó, sự căm ghét của tôi với bà chủ nhiệm vĩnh viễn không thuyên giảm.

Mà tôi vừa nói gì ấy nhỉ?

À!

“Cô gái mình thích”!

Sau món quà sinh nhật, tôi để ý Linh nhiều hơn. Dần dà, sự để ý đó biến thành một thứ tình cảm khó hiểu mà đến chính tôi cũng không hiểu. Phải, lớp 7, một tuổi mới, lũ choai choai bắt đầu chú ý bọn con gái – sinh vật ngoài hành tinh nổi tiếng thời cấp một. Những con bé xinh xắn luôn là đối tượng lọt vào tầm ngắm của bọn chọi con. Ngoài game, bọn con trai thường bàn một chủ đề mà đi đâu cũng gặp, đại loại như vầy:

-Ê, mày biết con bé kia không?

-À, con Hằng ở lớp B. Sao?

-Mày biết nó không?

-Không, nghe mấy thằng kể thôi. Sao?

-Tao sẽ cưa nó

-Hố hố hố! – Tôi cười

Hoặc như chuyện giữa tôi với thằng Choác. Hai thằng vốn chỉ kể chuyện game, nhưng rồi một ngày kia, giữa giờ ra chơi. Thằng Choác lôi tôi ra một chỗ, và bằng một giọng nói thần bí, nó phát ngôn thế này:

-Mày thấy con Miu (biệt danh) xinh không?

Tôi chau mày nhìn nó. Bạn tôi đây sao? Thằng Choác nhăn nhăn nhở nhở đây sao? Tôi chớp chớp mắt, nói:

-Mày là thằng nào? Sao đội lốt bạn tao?

-Đan Mạch! Tao đang hỏi tử tế! – Thằng Choác làm vẻ mặt nghiêm trọng – Mày thấy sao?

Tôi nghển cổ ngó con Miu qua vai thằng Choác. Con bé này tuy thấp người nhưng được cái mặt mũi xinh xắn. Tôi gật gù:

-Ờ! Cũng được! Rồi sao? Mày thích nó à?

-Không! Hỏi vậy thôi!

-Ơ… Đan Mạch! thế tự nhiên mày hỏi nó xinh hay xấu làm gì?

Thằng Choác không trả lời. Nó luôn kín miệng chuyện tình cảm của mình. Chục năm sau, tôi có hỏi lại nhưng nó không bao giờ đưa ra câu trả lời nghiêm chỉnh. Thôi thì chuyện riêng của mỗi người! Tuy nhiên, tôi khẳng định ngày đó thằng hẹo này bắt đầu phát triển như một người đàn ông. Trai ngắm gái, thường thôi! Trái ngắm trai mới nguy hiểm!

Con trai phát triển, con gái cũng rứa. Nhưng con gái phát triển theo chiều hướng khác biệt hơn. Như một lũ sư tử cái bị thu hút bởi những con sư tử đực có hormone nam tính cao, bọn con gái luôn để ý những thằng cao ráo đẹp mã hoặc cá tính (tôi không ở trong đó, dĩ nhiên!). Khó tìm được thằng cao ráo đẹp mã vì cái tụi sinh năm 90 thoát khỏi thời bao cấp chưa lâu, bố mẹ chăm bẵm là tốt rồi, lấy đâu ra thể loại sữa DHA với ti tỉ tì ti dưỡng chất thông minh như tụi trẻ bây giờ? Vậy là chỉ còn cách thể hiện chất nam tính. Mà chẳng cách thể hiện nào tốt hơn… đánh nhau. Mười năm cuối cùng của thế kỷ 20, gần như mọi thằng con trai đều coi mấy phim chưởng Tàu, hoặc phim “Người trong ao hồ” (Người trong giang hồ). Vậy là tụi trẻ cấp hai (cả cấp ba sau này) thành lập băng nhóm và… đánh nhau. Đánh nhau không vì lý do gì cả. Ở mấy thằng gấu bể kiểu này, có cái gì đó khiến bọn con gái quằn quại lắm. Các cô thiếu nữ luôn khoái loài sói – những thằng bất cần đời và đầy kiêu ngạo. Sau này, tôi mới nhận ra rằng, những thằng gấu bể ấy biết giữ lời hứa và biết thay đổi, còn những thằng đầu to mắt cận ốm yếu như tôi thì không. Nhưng đấy là chuyện sau này.

Trong số mấy đứa con gái quằn quại vì loài sói kể trên có Linh. Mấy dạo cuối học kỳ I, em thường nói chuyện với thằng Gà (biệt danh). Mặt mũi thằng này khôi ngô hơn bọn con trai đồng lứa, trong lớp nói chuyện nhiều hơn học, ngoài trường thì đánh nhau suốt. Nó là một con sói không theo chuẩn mực thông thường. Và với các em gái sống theo lề lối thông thường, thằng Gà là một thứ kỳ lạ đáng để tìm hiểu. Một ngày nọ, nhìn thấy Linh cười nói với thằng Gà, tôi liền nhào tới đấm thằng ôn. Nó khỏe hơn nên vật ngửa tôi ra và giáng những cú đấm như quả tạ thẳng mặt tôi. Cả lớp lúc ấy bu vào kéo hai đứa ra còn Linh khóc nức nở. Thằng Gà vừa đánh vừa chửi, tôi vừa chửi vừa đánh. Lúc ấy tôi không biết mình làm gì nữa, chỉ biết thâm tâm tôi nảy sinh một sự ích kỷ ghê gớm. Tôi không muốn thằng vẹo nào nói chuyện hay cười đùa với em.

Nhưng cái màn đánh nhau trên chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của tôi thôi, he he! Tôi gầy gò ốm yếu, thằng Gà đấm một phát là tôi dính tường in chữ tượng hình Ai Cập luôn. Kể từ ngày ấy, tôi cố gắng tìm mọi cách để níu giữ trái tim em luôn trong tầm tay của mình.

Ví dụ như chuyện học hành, tôi muốn ngồi cạnh em cả giờ học chính lẫn học thêm. Học chính thì không nói chứ học thêm ngồi tự do, muốn chen chân ngồi cạnh em không dễ. Con gái chẳng muốn ngồi cạnh thằng con trai, mà chẳng thằng con trai nào tự dưng đến ngồi cạnh đứa con gái, kể cả là đứa nó thích. Vậy là muốn ngồi cạnh em, tôi phải áp dụng triệt để chiến lược “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. “Thiên thời” là Linh thường đến lớp học thêm sau khi cả lớp ổn định chỗ ngồi, vậy nên em sẽ ngồi hàng cuối. Tốt! Tôi ngồi hàng cuối. “Địa lợi” là các lớp học thêm đều tổ chức ở khu nhà cũ của trường, ở đấy vẫn còn bàn ghế dành cho bốn đứa học sinh. Tôi có thể ngồi cạnh em cộng thêm đứa bạn của em mà chẳng sợ ai dị nghị. Nhưng còn “nhân hòa” là tâm sinh lý của Linh, tôi không thể kiểm soát. Có hôm em lên thẳng bàn trên ngồi, chẳng thèm để ý thằng vẹo này đang há mồm ngồi cuối lớp. Nhưng những hôm ngồi cùng em, tâm trạng tôi lâng lâng khó tả, nhất là quãng thời gian trời chuyển sang mùa đông. Có những lúc, tôi sán lại gần Linh, hai cánh tay chạm nhau, đuôi tóc của em phất phơ ở bờ vai tôi; em liền thì thào:

-Ngồi dịch ra mày, chật!

-Đang lạnh mà mày, ấm! – Tôi đáp.

Và em cũng chẳng chịu dịch ra, chỉ chống cằm rồi khẽ cười. Chúng tôi cứ ngồi thế tới hết buổi. Sau này, hễ ngồi cạnh nhau, tôi lại xán vào một tí và Linh cũng chẳng nói gì (trừ học chính). Dần dà, tôi quen thuộc mùi hương trên tóc em lúc nào chẳng hay. Tôi nhớ rất rõ cái mùi ấy. Nó hoàn toàn không phải dầu gội mà là một cái gì đó thoang thoảng, gợn lên từng chút rung động trong trái tim thằng con trai.

Sau này, khi biết em sinh nhật vào tháng 1, tôi dự định tặng em món quà nho nhỏ nào đó. Đã qua rồi cái thời tặng quyển vở hay cái bút như các anh chị thế hệ 8x, nên tôi chẳng biết tặng gì cho em. Tiền thì không có (đàn ông khổ nhất khi không có tiền), xin phụ huynh thì không dám (mẹ mà biết tôi mua quà tặng bạn gái, bả cười tốc mái nhà). Tôi bèn hỏi thằng Choác:

-Này, con gái thích được tặng quà gì?

-Quà mịa gì! – Nó cười phớ lớ – Rủ nó đi ăn là xong! Hôm sinh nhật con Miu, tao bao nó ăn nộm với cá chỉ vàng ngoài cổng trường chứ đâu!

-Đã tặng quà rồi cơ à? Nhanh nhỉ? Ơ… Đan Mạch! Sao mày không rủ tao?

Nghe lời thằng Choác, tôi rủ Linh đi ăn. Khổ nỗi em lại từ chối vì bận đi chơi với con bạn thân (đúng ngày thế!). Tôi nghĩ nát óc chẳng biết tặng quà gì, bèn đợi giờ ra chơi thì chạy ra cổng trường. Trước cổng trường ngày ấy có bà già bán kẹo kéo; bả bán rẻ không, có 500 đồng một chiếc. Tôi mua hẳn 5 nghìn! 5 nghìn đủ cho cả tôi và thằng Choác say sưa trong quán net đã đời. Nhưng không, tôi quyết định dành nó cho việc tặng quà. Và thế là ngăn bàn của Linh chất đống túi kẹo kéo. Em ngỡ ngàng hỏi:

-Cái gì vậy mày?

Tôi lúng búng trả lời:

-Ờ… ờ thì… quà sinh nhật. Hôm nay sinh nhật mày, đúng không?

-Nhưng mà tao đâu thích kẹo kéo? Ai bảo mày mua?

Tôi cứng họng, đỏ mặt tía tai, miệng nở nụ cười chữa ngượng. Tặng một quà mà người ta không thích, còn gì xấu hổ hơn thế? Suốt buổi sáng hôm ấy, tôi thẫn thờ như thằng mất hồn. Công cuộc chinh phục trái tim “cô gái mình thích” đổ bể hoàn toàn. Tôi nghĩ tôi hiểu Linh song rốt cục tôi chẳng hiểu gì cả. Điều duy nhất an ủi tôi là em mang đống kẹo kéo về. Em sẽ không ăn mà đưa cho đứa bạn thân ham mê kẹo kéo. Chắc thế!

Buổi chiều, dù cho Linh đã ngồi bên cạnh trong lớp học thêm toán, cái mặt tôi cũng chẳng vui hơn tẹo nào. Tôi bắt đầu phân vân thằng Gà đã tặng em cái gì. Nghĩ vẻ mặt sung sướng của em khi thằng Gà tặng quà, tôi lại thêm đau đớn. Bầu trời ngoài kia rít lên từng đợt gió buốt như muốn xẻ tanh banh tâm trí rối bời của tôi. Tổ sư thằng Choác! – Tôi muốn gào lên như thế, dù nó chẳng có lỗi gì.

Đang buồn chán, bỗng tôi thấy Linh đẩy tờ giấy về phía mình, mặt giấy ghi dòng chữ nhỏ:

“Mày mua nhiều quá, trưa hết ăn cơm luôn!”.

Tôi ngỡ ngàng, bản mặt bừng sáng hơn cả mặt trời. Tôi hí hoáy viết:

“Ăn thật à? Tao tưởng mày bỏ đi chứ?”.

“Ăn thật chứ sao không. Nhưng mày mua nhiều quá! TT”.

“Mày không thích ăn kẹo kéo à?”.

“Ừ. Tao không thích ngọt quá. Mà sao mày lại tặng tao?”.

“Thì lần trước mày tặng quà cho tao rồi thì giờ tặng lại chứ sao?”.

“Nhưng giá trị cái đống đĩa ấy nhiều hơn kẹo kéo á! ^^ Tao lặn lội tận Hàng Bông mới mua được đấy!”.

“Ờ thì cứ nhận đi. Sau này tao mua thứ khác. Mà Đ.M, hôm nay hết tiền đi chơi điện tử rồi! TT”.

“Học đi! Nhưng mà cảm ơn mày nhé!”.

Bạn nghĩ bản mặt tôi lúc ấy toe toét cỡ nào phỏng? Nhưng không, cái mặt tôi đang đần ra. Bởi lẽ Linh đang nhìn tôi. Em nhìn tôi cùng một nụ cười mỉm, đôi môi em vẽ một đường cong phạt ngang trái tim tôi thành hai nửa. Gió khẽ len qua ô cửa kéo vài sợi tóc của em phất phơ ngang mặt tôi.

Lúc ấy, tôi bị đánh gục.

Gục hẳn luôn, như bị một đòn nốc ao trên sàn đấu boxing!

Chẳng cần vũ lực, chẳng cần ai quát nạt, một cái gì đó tôi tự động khuỵu chân xuống. Tôi chắc chắn rằng đến tận bây giờ, “một cái gì đó” nọ vẫn chưa thể đứng dậy nổi. Bằng sự điên rồ, ngu ngốc, bốc đồng và liều lĩnh của tuổi trẻ, đợi em cúi xuống chép bài, chẳng nghĩ chẳng rằng, tôi bèn nhoài tới hôn thẳng lên má em.

Khoảnh khắc ấy diễn ra cực kỳ nhanh. Nhưng nó đủ lâu để tôi biết má em thế nào, nó giống một cục bông mềm, mịn, đượm chút hương vị đặc trưng tuổi thiếu nữ. Và nó đủ lâu để Linh nhận ra tôi vừa làm cái trò gì. Tôi nhìn em bằng nụ cười nhe răng, em nhìn tôi với ánh mắt không thể tin nổi.

Rất nhanh sau đó, đôi mắt em đỏ hoe và ngấn nước. Tôi vội vàng cúi xuống ghi chép như thể chăm chỉ học tập lắm. Lớp học vẫn yên lặng như chẳng có gì xảy ra, bà chủ nhiệm vẫn cặm cụi với đống bài vở. Thậm chí cả đứa bạn thân của Linh cũng không biết. Chẳng ai thấy điều tôi vừa làm với em. Rồi Linh cúi xuống chép bài, nước mắt rơi ướt đẫm trang giấy khiến những con chữ loang màu. Đứa bạn thân liền hỏi em:

-Sao thế mày?

Linh lắc đầu:

-Bụi bay vào mắt, đau quá!

Và em ngồi ra xa, chừng như muốn tránh cái thằng ghê tởm tôi đây. Suốt buổi học, tôi không dám nhìn em thêm lần nào nữa. Thậm chí lúc đi về, tôi đợi em ra khỏi lớp trước rồi mới dám rời chỗ. Cả đoạn từ trường về nhà, tôi nghệt mặt như thằng mất hồn. Thằng Choác hỏi:

-Sao vậy mày? Mất tiền à?

Tôi lắc đầu, chân lững thững bước, ánh mắt vu vơ giữa mùa đông xám xịt. Tôi nhớ lại cái điều mình đã làm, nửa thấy vui, nửa hối hận. Giá như Linh chỉ nói lời “cảm ơn” và đừng cười, tôi sẽ kiềm chế được mình. Nhưng biết sao được? Em cười, thế nên trái tim tôi đã đập chết bộ não tôi rồi. Có lẽ từ ngày mai, tôi sẽ học hết lớp 7 với sự ghê tởm của Linh. Khốn nạn thật! Mày làm cái gì thế hả trời hỡi? – Tôi vỗ vỗ đầu. Có lẽ bạn đang đoán số phận tôi sẽ ra sao, nhưng mà từ từ, cho tôi nghỉ đã, đói quá!
Chương trước Chương tiếp
Loading...