Anh Sẽ Lại Cưa Em Nhé

Q.2 - Chương 4



Hoài Hương

Hồng Hà ơi, em ở trong trái tim tôi!

Đang lang thang tìm tư liệu ở vùng biển Hạ Long, Tổng Biên tập điện thoại nhắn về tòa soạn ở Hà Nội gấp: “Có việc cần”, không thêm một lời giải thích. Trong lòng không vui lắm vì công việc bị gián đọan đúng lúc hứng thú. Lại thêm hơi thắc mắc, c việc gì mà Tổng Biên tập réo gọi khẩn cấp đến thế. Khi tôi chỉ là một phóng viên tàng tàng trong tòa báo, chẳng giữ trọng trách gì, và gần như chưa bao giờ làm việc trực tiếp với Tổng Biên tập. Chạy xe hơn 200km, về đến tòa sọan, không dám nghỉ mệt, tôi vội lên gặp Tổng Biên tập. Nhìn thấy nụ cười và gương mặt “bình yên” của ông, bao nhiêu căng thẳng trong tôi chùng lại, tan biến, dù sự hồ nghi vẫn treo lơ lửng… Thân mật vỗ vai tôi, chỉ vào bộ sa lông tiếp khách, Tổng Biên tập vui vẻ

- Nghỉ uống nước, rồi từ từ bàn công việc, không có gì phải lo lắng.

- Anh nói liền cho em đỡ hồi hộp.

- Đơn giản thôi. Anh có một lời nhờ cậy của người bạn vong niên xa xứ, ông ta muốn giúp đỡ cho con hoàn tất luận văn về Hà Nội. Trong tòa báo của ta, anh thấy cậu có đủ tài “cầm - kỳ - thi - họa”, hiểu biết nhiều về Hà Nội, hơn nữa cậu biết nói “ngôn ngữ của họ”. Cậu thay mặt giúp anh, anh cũng không biết nhờ ai hơn.

- “Ngôn ngữ của họ” là sao anh?

- Con ông bạn anh không biết nói tiếng Việt. Thôi, cậu về nghỉ. Chiều tối nay, anh và cậu cùng ra sân bay Nội Bài đón người và để cậu làm quen.

Ra khỏi phòng Tổng Biên tập, tôi chưa hết thắc mắc và thêm nỗi lo. Tôi sẽ giúp gì được cho Tổng Biên tập thực hiện nhiệm vụ khó hiểu kia đối với vị khách chưa quen biết không nói được tiếng Việt. Tự dưng đau cả đầu. Thôi, kệ. Tôi tặc lưỡi, chờ đợi trong trạng thái tò mò.

Trên đường ra sân bay, tôi được nghe giới thiệu sơ lược vị khách đặc biệt sắp đón của tôi. Một cô gái Việt Nam, sinh viên năm cuối, sinh trưởng ở nước ngoài, không biết tiếng Việt, lần đầu về Việt Nam, đang chuẩn bị tư liệu làm luận văn đề tài “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”. Vì bận việc, bố mẹ không đưa cô ta về được, nên nhờ bạn bè giúp đỡ. Tổng Biên tập của tôi là người bố mẹ cô ta tin cậy nhất ở Việt Nam. Và vì Tổng Biên tập cũng quá bận rộn và không thích hợp lắm công việc này, lại rất tin cậy tôi nên trao sứ mạng khó khăn này cho tôi với niềm tin tưởng tuyệt đối. Than thầm: “Một nhiệm vụ thật khó nuốt trôi”. Thôi đành “nhờ Trời”. Ghé vào quầy bán hoa, tôi chọn mua một bó hồng thật đẹp. Dù sao, khách là một cô gái. Hình như, Tổng Biên tập có vẻ hài lòng khi thấy vậy. Còn tôi, hồi hộp chờ… từng phút trôi qua.

- Cháu chào chú Nguyễn. - Một giọng nói hoàn toàn Hà Nội, êm mượt…

Cả tôi và Tổng Biên tập cùng quay ngang. Một thiếu nữ mảnh mai, dong dỏng cao, tóc dài xoăn bồng bềnh, đôi mắt to tròn, trong veo, váy len dài mỏng màu hồng phấn, như một búp sen nõn nà, mỉm cười, nụ cười được xoáy đồng tiền điểm xuyết đẹp như tranh, hướng về phía chúng tôi.

- Hồng Hà! Mấy năm rồi không gặp. Cháu đã lớn và đẹp thế sao? Và còn nói được tiếng Việt?

Một thoáng phụng phịu hờn dỗi như trẻ thơ:

- Chú quên cháu rồi. Còn cháu nhớ chú, nhớ chú dặn “phải” nói được tiếng Việt chú mới cho “về nhà”.

Quay cái nhìn sang tôi, ánh mắt hỏi thầm “Ai đây?”

- Chú quên giới thiệu. Đây là anh Trần, phóng viên của chú, người sẽ giúp cháu tìm hiểu Hà Nội. Cháu có thể yên tâm với người hướng dẫn tuyệt vời này… Còn đây là Hồng Hà, con gái người bạn… Hai người làm quen nhau đi.

Tôi mất hẳn vẻ tự nhiên vốn có hàng ngày của một tên phóng viên chuyên đi bụi. Câu chữ cùng cái liến láu ứng biến trước mọi tình huống bay đâu mất. Lúng túng trao bó hoa, và như chàng ngốc tay thừa chân thừa. Em ôm bó hoa, cảm ơn tôi, nhìn thẳng vào tôi, nói chậm từng tiếng:

- Em rất vui được gặp anh. Anh sẽ đưa em đi hết Hà Nội nhé, và đừng bỏ em dọc đường.

Lúc ấy cả tôi và Tổng Biên tập suýt phì cười khi nghe em nói, nhưng sau này đi với em, tôi mới hiểu, vốn từ ngữ diễn đạt tiếng Việt của em chưa đầy đủ, nên em nói phải đoán ý mới hiểu.

Đường về Hà Nội, tôi nghe em nói chuyện với Tổng Biên tập, vừa tiếng Việt vừa tiếng nước ngoài chen nhau, những chuyện thăm hỏi tình hình cuộc sống gia đình bên này bên kia, chuyện học hành. Tôi ngồi băng ghế trước, im lặng nghe em nói, quan sát em bằng cảm giác, người lâng lâng khó tả, cộng một chút băn khoăn, tôi sẽ giúp em như thế nào đây, yêu cầu của em ra sao liệu tôi có thể làm được. Và em, cô gái Việt sinh ra trên xứ người có giọng nói Hà Nội tuyệt vời đến kỳ lạ, em đối xử với tôi ra sao.

Ngày hôm sau, tôi đến gặp em, bắt đầu vai trò “người hướng dẫn”, với lời dặn dò khá kỹ của Tổng Biên tập: “Cô ta con gái cưng duy nhất, được chiều chuộng nên hơi khó tính, quen cuộc sống nước ngoài, lần đầu về Việt Nam, lạ đất lạ người, mọi cái đều chưa biết. Cậu cố gắng đừng để Hồng Hà buồn. Anh trông cậy tất cả vào cậu”.

Kể từ giờ phút đó, cái tên Hồng Hà như một dòng chảy ngầm, xtrộn cuộc sống của tôi, tâm hồn tôi, đem đến trái tim những dịu ngọt tôi không sao quên được.

Cuộc “hành trình tìm dấu vết xưa và nay Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”, như lời nói vui của tôi và em, bắt đầu bằng những bước chân quanh Hồ Gươm. Ngay buổi sáng đầu, tôi đã nếm mùi kiểu người nước ngoài, mới đi vài bước chân, em nằng nặc đòi tôi phải đưa đi mua bản đồ Hà Nội, dù tôi nói rằng Hà Nội tôi thuộc như lòng bàn tay. Vâng, thì chiều, mua thì mua, cho em vui. Cầm bản đồ trên tay, em hỏi tôi “Chỗ mình đứng là ở đâu?”. Tôi chấm một nét mực, em thích thú vẽ luôn hai hình người bé tí, một trai một gái nắm tay nhau, dợm chân bước theo chiều mũi tên dọc Hồ Gươm. Em nói đó là tôi và em… để sau này khi trở lại bên kia, em còn nhớ đã đi đến đâu cùng tôi. Chưa hết, em giao tôi một cái máy ghi âm nhỏ xíu, có dây micro bé tí ti, em bảo tôi bỏ máy vào túi áo, kẹp micro vào miệng túi, tôi có thể vừa đi vừa nói thoải mái, em còn để dành nghe lại nhiều lần, “Nghe anh nói hay lắm, em học thêm tiếng Việt, và khi để nhớ anh, em mở ra nghe…”. Tôi đã kể cho em nghe những gì liên quan đến Hồ Gươm, tại sao mang tên như thế, vì sao có cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Bút, đài Nghiên…, Tháp Rùa sao là biểu tượng của Hà Nội… Tôi còn đọc cho em nghe vài bài thơ, hát em nghe mấy khúc hát về Hồ Gươm. Lặng im bên tôi, em không nói gì. Đi giáp một vòng hồ, khi dừng chân bên tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhìn sang đài Nghiên, tháp Bút, em chầm chậm nói:

- Chỉ chưa đầy 2km chu vi mà dày đặc huyền thọai, truyền thuyết, sự tích tồn tại, sống cùng trời đất nơi này. Thế thì cả Hà Nội, mỗi viên gạch, mỗi bước chân là một câu chuyện về Hà Nội. Biết bao giờ kể mới hết.

Em chợt hỏi tôi:

- Nếu cho anh tưởng tượng. Anh sẽ viết gì bằng ngọn bút “viết vào trời xanh” kia?

- Sao em hỏi khó thế. Anh chưa nghĩ kịp. Nếu là em, em viết gì?

- Em sẽ viết hết những huyền thọai, truyền thuyết, những câu chuyện xưa nay về Hà Nội, đất và người, để vĩnh viễn in trên mây trời, để bất cứ người Việt nào dù ở tận cùng trời cuối đất, nhìn lên bầu trời mây đều như thấy cả Hà Nội.

- Ý tưởng của em còn thần thoại hơn cả thần thoại. Em bắt đầu thích Hà Nội chưa?

- Em thích từ hôm qua. Đường đi, trời tối không thấy gì. Nhưng em ngửi trong gió lạ lắm. Chưa bao giờ được biết. Chú Nguyễn nói đó là mùi lúa làm sữa để tạo thành hạt thóc gạo. Hà Nội được ôm ấp bằng những ruộng lúa. Hôm nào anh đưa em đi xem lúa mọc nhé.

Ngôn ngữ của em diễn đạt tự nhiên làm tôi phì cười, nhưng cảm nhận của em về Hà Nội, dù chỉ mới sơ qua những giờ phút đầu đã thật tinh tế, đầy cảm xúc. Chỉ có thể có ở một tâm hồn mang sẵn tình yêu Hà Nội trong tiềm thức.

Đưa em đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Đó cũng là một kỷ niệm khó quên và chắc không khi nào gặp lại. Cũng như các nơi khác, tôi kể em nghe về lai lịch về ý nghĩa, những câu chuyện kể, những nhân vật ở đây. Em lắng nghe tôi nói và quan sát kỹ lưỡng, đặc biệt là những hàng bia đá trên lưng Rùa, chăm chú một lúc lâu, em níu tôi hỏi:

- Anh ơi, tại sao ông Rùa không giống nhau, ông cúi đầu, ông ngoảnh mặt, ông ngóc đầu cao, ông vươn cổ, có ông to ông bé, ông nhắm mắt, ông há miệng… Ông Rùa Hồ Gươm có giống các ông Rùa ở đây? Anh có thấy trên vài tấm bia có mấy dòng chữ bị xóa, những chữ đó nói gì?

Tôi toát mồ hôi hột, dù trời Hà Nội cuối thu se se lạnh. Tôi chưa nghe ai hỏi như thế bao giờ. Những câu hỏi của em đủ để cho mấy luận án tiến sĩ, tôi không đủ dữ liệu để trả lời các câu hỏi đó. Đành khất lại, về nhà tìm thêm tài liệu, hoặc các chuyên gia Hà Nội học để có câu trả lời cho em.

Một chuyện vui đến. Có đoàn khách nước ngoài, đi theo là bốn cô cậu sinh viên khoa Du lịch thực tập, vô tình tôi và em đứng lẫn với họ. Chẳng hiểu nghe các sinh viên kia nói gì, em bỗng thì thầm vào tai tôi: “Mình trêu họ nhé!”, rồi quay sang nói với các vị khách bên cạnh bằng ngôn ngữ của họ. Em nói những gì tôi đã kể cho em nghe về nơi này. Và như phép lạ, cả đoàn khách dồn lại bao tròn xung quanh em. Khi em đi tiếp, họ tự động theo em, rồi như một trò chơi vui vẻ, tôi cũng hùa vào với em, tôi nói tiếng Việt, em dịch lại cho các vị khách, bốn cô cậu sinh viên đi cùng chỉ biết nhìn ngưỡng mộ. Hết một vòng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đoàn khách thích thú bởi được biết nhiều hơn những gì họ nghĩ, bốn cô cậu sinh viên kia rụt rè: “Anh chị là…?” Em cười thật tươi, nắm chặt tay tôi, nói đúng giọng Hà Nội cứ êm mượt dịu nhẹ, nhưng không giấu nổi vẻ hãnh diện hơi trẻ con: “Anh chị là người Hà Nội”… Còn tôi, cái cảm giác được làm “guide tour” đặc biệt bên cạnh em, một cô gái cũng thật đặc biệt, thật khó diễn tả thành lời.

“Gió đưa cành trúc la

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ…”

Em mơ màng:

- Hồi bé, em thường nghe mẹ đọc, rồi ngân nga như hát, em không hiểu, nhưng nghe rất du dương, sau này hỏi mẹ, mẹ nói đó là câu hát về quê hương, là nhà của mẹ. Em “về nhà”, nhưng chưa biết, anh đưa em đi nhé.

Tôi đưa em đến nơi câu ca dao nằm lòng của Hà Nội xưa, giải thích cặn kẽ ý nghĩa câu ca, những địa danh một thời vang bóng. Và may trong ồn ào quay cuồng của thời “kinh tế thị trường” hôm nay, nơi ấy vẫn còn giữ được phảng phất hồn xưa bóng cổ. Nhưng có lẽ tôi phải cảm ơn em, chính em đã đánh thức trong tôi những góc kín bị che lấp, chai mòn bởi cuộc sống phù phiếm, bon chen vật vã nghiệt ngã, tình cảm với Hà Nội nhen nhóm lại như ngọn lửa ấm áp, những tưởng bị tắt đi không còn cảm xúc gì với các giá trị tinh thần mà thời buổi này bị xếp như một thứ xa xỉ phẩm trong bảo tàng. Em - cô gái Việt sinh ra và lớn lên ở xứ người, mỗi bước chân “về nhà” lần đầu, như em hay nói, chỉ biết Hà Nội qua lời bố mẹ kể trong ký ức và hồi niệm, thế mà em đắm say từng viên gạch lát đường phố cổ, em si mê những vòm lá đan nhau che ô những vỉa hè, em say sưa với những huyền thọai, truyền thuyết về Hà Nội cả nghìn năm tuổi tinh tế, sâu sắc đến lạ lùng.

Một chiều ngắm hoàng hôn trên bờ đê Sông Hồng. Mùa nước lớn, con sông đỏ ngầu, sóng cồn lớp lớp đuổi nhau cuốn băng băng, nhìn dòng sông vừa hoang dại vừa dũng mãnh trái ngược với những hàng tre xanh ngắt hiền hòa bao bọc các thôn làng ven sông. Ngồi giữa vuông cỏ mượt bờ đê, em ngây ngất ngắm vẻ đẹp dữ dội của sông, cạnh bên chỗ tôi và em là mấy chú bò thong thả gặm cỏ, lơ đãng nhìn mặt trời rơi xuống bên kia dãy núi xa mờ. Em từ từ khép hờ đôi mắt… Và nói thầm thì:

- Anh có thấy trong gió mùi thơm không? Em nhớ rồi. Mùi của lúa làm sữa ngậm hạt, còn có cả mùi ngô non thơm mát.

Bất ngờ, em ôm lấy tôi.

- Em hạnh phúc quá. Em đã có quê hương không chỉ là qua lời mẹ. Em thích tên em Hồng Hà… Là Sông Hồng, là Hà Nội… Anh Trần, em ước được như anh, được sống ở

Bố mẹ em là người Hà Nội, lưu lạc xứ người non nửa thế kỷ, tất cả tình yêu Hà Nội, ký ức về quê nhà họ dồn vào cô con gái xinh đẹp Hồng Hà như một mơ ước Hà Nội thuở ấu thơ, như trái tim họ luôn hướng về Hà Nội.

- Bố mẹ em hay kể cho em nghe về Hà Nội, em có hình dung trong trí tưởng tượng Hà Nội như một kinh thành cổ đầy bí mật, có lúc như một pháo đài kiên cường không chịu khuất phục kẻ thù nào, có khi Hà Nội trong em đẹp như bài thơ… nhưng em không thể tưởng tượng Hà Nội thật sự có hình dáng ra sao. Em rất muốn biết Hà Nội thật, mấy năm trước chú Nguyễn qua chơi, nói em phải học tiếng Việt mới cho “về nhà” về Hà Nội. Khi em chọn đề tài cho luận văn - Hà Nội là tên cháy bỏng trong em. Em là người Hà Nội, em phải “về nhà”. Em yêu Hà Nội. Em yêu anh nữa...

Tôi như bị cuốn vào dòng cảm xúc của em. Tôi không cảm thấy khoảng cách xa lạ với em, một Việt kiều, gần gũi, thân quen, như em và tôi cùng sinh ra lớn lên, cùng uống chung dòng nước sông Hồng, cùng tắm mình trong hồn phố Hà Nội của họa, của thơ, của nhạc, của những tâm hồn từ ngày đầu trong giấc mơ “Rồng bay”, Thăng Long nghìn năm trước.

Hồng Hà… Em cũng là một dòng sông trong tôi, riêng của tôi lúc này.

Bốn tuần lễ trôi qua nhanh như một nhịp thở, khi em nói với tôi chỉ còn hai ngày nữa là em phải xa Hà Nội, trở lại bên kia. Tôi như người bị hụt hơi, hình như tôi sắp mất cái gì quý giá… Thời gian đưa em đi khắp Hà Nội không tồn tại, tôi quên mất quy luật khắc nghiệt, cứ ngỡ không có ngày và đêm… Thôi đành… tim tôi đập chậm lại.

Ngày cuối, em ngỏ ý muốn được đến ngôi nhà của tôi, một ngôi nhà ngói theo kiến trúc xưa ở ngọai thành Hà Nội, có vườn cây và rất nhiều hoa. Đó cũng là những khoảnh khắc thơ mộng tuyệt vời của tôi và em trước lúc xa. Vườn đang mùa quả, táo, ổi, hồng, na… trĩu cành, tỏa mùi thơm, tiếng chim ríu rít rộn ràng. Em hồn nhiên như một cô bé chạy từ gốc cây này sang gốc cây kia, sờ vào gốc một tí, hoặc vuốt vào cành lá một tẹo, khi nghiêng ngó gì đó trong tàn lá, còn tôi cũng như trở về cái tuổi 13, 14 trèo cây hái quả cho em ăn, với niềm vui thích không tả được. Em vừa ăn quả, vừa chạy quanh gốc cây, vừa nói:

- “Hà Nội vườn anh ăn ngon quá. Ước gì em được thế này mãi”…

Một thoáng thẫn thờ trong tôi. “Ừ… ước gì cứ thế này…

Tôi lấy đàn ra, ngồi cạnh gốc táo lúc lỉu quả thơm lừng, em tay cầm một nhánh lá hương nhu ngồi bên tôi. Tôi hát tặng em như món quà nhỏ. Bài hát “Người Hà Nội”, “Em ơi Hà Nội phố” và nhiều bài hát về Hà Nội. Tôi muốn em sẽ đem sang bên kia đại dương cả những giai điệu Hà Nội, và một ước muốn thầm kín, muốn em nhớ đến tôi mỗi khi nghe đâu đó những giai điệu Hà Nội đắm say này. Em bên tôi, đôi mắt to tròn trong veo như trẻ thơ, nhìn hút vào tôi. Cảm giác như không phải em nghe bằng tai, mà là em đang thu trọn cả tôi, cả khu vườn, cả những giai điệu ca từ về Hà Nội thấm vào trong em. Em nghe bằng trái tim… Em đã cảm nhận được tình tôi… Hồng Hà. Em là dòng sông làm tim tôi dậy sóng.

Chia tay trên sân bay, em cứ ôm riết lấy tôi, níu tôi không buông ra, bất chấp nhiều ánh nhìn hiếu kỳ của mọi người xung quanh, bất chấp tiếng loa của hãng hàng không nhắc hành khách mau hoàn tất thủ tục, sắp đến giờ khởi hành. Tôi lúng túng đưa mắt cầu cứu Tổng Biên tập, trong lòng thật sự muốn thời gian đừng trôi. Tổng Biên tập của tôi phải tốn khá nhiều lời động viên thuyết phục và hứa hẹn… em mới chịu rời tôi ra. Suốt bốn tuần đi với em, tôi luôn thấy nụ cười của em, giờ đây đôi mắt to tròn của em ngập đầy nước mắt…

Thư em từ bên kia đại dương: “Anh Trần… Em nhớ Hà Nội. Em nhớ anh. Em nhớ Hà Nội. Em yêu anh…”

Còn tôi - Hồng Hà, dòng sông chảy ngầm trong tim tôi. Tôi cũng nhớ em. Nhớ hình vẽ hai người tay trong tay nhau vòng quanh Hà Nội trên tấm bản đồ. Nhớ những câu hỏi kỳ lạ của em về Hà Nội. Nhớ nụ cười có cái xóay đồng tiền đóng dấu trong tôi. nhớ đôi mắt to tròn trong veo như trẻ thơ hút hồn tôi. và tôi nhớ đến ngẩn ngơ giọng em, giọng nói Hà Nội êm mượt dịu nhẹ đến lạ lùng không giống bất kỳ ai của em.

Ngày kia, đọc trên báo: “Một nữ sinh Việt kiều, tên Hồng Hà đã bảo vệ xuất sắc và thành công luận văn thạc sĩ mang tên Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội - Tình yêu của tôi” làm kinh ngạc cả Ban Giám Khảo và cử tọa tham dự. Nhiều Việt kiều đã không cầm được nước mắt vì xúc động. Khi trả lời phỏng vấn báo chí: “Tôi không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nhưng tôi mang dòng máu người Hà Nội, người Việt Nam, Hà Nội là quê hương tôi, nhà của tôi, là niềm tự hào của tôi. Hà Nội còn có tình yêu của tôi - một chàng trai Hà Nội…”

Hồng Hà ơi… tôi biết, tôi hiểu em…

Tôi mong em trở về… “về nhà” như cách nói của

Em cũng đã ở trong trái tim tôi…

Là tình yêu của tôi.
Chương trước Chương tiếp
Loading...