Anne Tóc Đỏ Dưới Chái Nhà Xanh

Chương 26: Thành Lập Câu Lạc Bộ Kể Chuyện



Đám trẻ Avonlea nhận thấy thật khó quay lại với nhịp sống buồn chán. Đặc biệt đối với Anne, mọi thứ đều có vẻ phẳng lặng, nhạt nhẽo và vô ích đến đáng sợ sau khi con bé đã bao tuần được nhấm nháp sự phấn khích đến thế. Con bé có thể trở lại với những niềm vui trầm lặng của thời kỳ trước buổi hòa nhạc không? Lúc đầu, như Anne nói với Diana, nó thật sự không nghĩ mình làm được.

"Mình hoàn toàn chắc chắn, Diana, rằng cuộc sống không bao giờ có thể như những ngày xa xưa nữa," con bé buồn bã nói, cứ như đang nhắc đến những chuyện xảy ra cách đây ít nhất mười năm rồi. "Có lẽ sau một thời gian nữa mình sẽ quen thôi, nhưng mình e rằng hòa nhạc sẽ làm người ta chán cuộc sống thường ngày. Mình nghĩ đó là lý do bác Marilla không chấp nhận chúng. Bác ấy thật khôn ngoan. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu khôn ngoan, nhưng dù sao đi nữa, mình không tin rằng mình thật sự muốn khôn ngoan, vì những người như thế quá kém lãng mạn. Bà Lynde bảo mình chẳng bao giờ có nguy cơ trở thành người như thế đâu, nhưng ai mà nói trước được. Ngay bây giờ thì mình cảm thấy dễ có khả năng đó lắm. Nhưng có lẽ chỉ vì mình mệt mỏi thôi. Đêm qua mình trằn trọc mãi. Mình cứ nằm thao thức, tưởng tượng đi tưởng tượng lại về buổi hòa nhạc. Đó là một điều tuyệt vời ở những chuyện thế này – rất dễ chịu khi nhớ lại về chúng."

Tuy nhiên, cuối cùng, trường Avonlea cũng trở lại quỹ đạo và quay về với những thú vui cũ. Lẽ dĩ nhiên, buổi hòa nhạc vẫn còn in dấu tích. Ruby Gillis và Emma White, vốn lúc trước đã gây gổ tranh chỗ trên sân khấu, không còn ngồi chung bàn nữa, và tình bạn ba năm đầy hứa hẹn cũng tan vỡ theo. Josie Pye và Julia Bell không "nói chuyện" trong ba tháng, vì Josie Pye bảo Bessie Wright rằng cái điệu bộ chào của Julia Bell khi đứng lên đọc thơ làm nó nghĩ đến con gà gục gặc cổ, rồi Bessie lại đi kể chuyện này với Julia. Không đứa nào nhà Sloane còn giao du với nhà Bell, vì nhà Bell tuyên bố nhà Sloane can thiệp quá nhiều vào chương trình, còn nhà Sloane móc lại rằng nhà Bell không hề có khả năng hoàn thành nhiệm vụ cho ra hồn. Cuối cùng, Charlie Sloane đánh Mooddy Spurgeon MacPherson vì Moody Spurgeon nói Anne Shirley cứ kênh kênh kiệu kiệu vì màn đọc thơ của mình, và Moody Spurgeon đã bị "dần cho một trận", dẫn đến việc cô chị Ella May của Moody Spurgeon không "nói chuyện" với Anne suốt những ngày đông còn lại. Ngoài những xích mích vặt vãnh này, mọi việc khác trong vương quốc nhỏ bé của cô Stacy đều diễn ra suôn sẻ như thường lệ.

Những tuần đông dần trôi qua. Mùa đông đó ấm áp một cách bất thường, tuyết rơi ít đến mức gần như ngày nào Anne và Diana cũng có thể đến trường qua đường Bạch Dương. Vào sinh nhật Anne, chúng thong dong bước trên con đường này, vừa trò chuyện vừa giỏng tai căng mắt quan sát chung quanh, vì cô Stacy bảo chúng phải viết ngay một bài luận về "Cuộc đi dạo trong rừng mùa đông," và việc này đòi hỏi chúng phải biết quan sát.

"Nghĩ mà xem, Diana, hôm nay mình mười ba tuổi rồi," Anne bình phẩm bằng giọng ngạc nhiên. "Mình khó mà nhận ra giờ mình đã đến tuổi thiếu niên rồi. Sáng nay khi thức dậy mình thấy dường như mọi thứ đều rất khác. Cậu đã mười ba tuổi được một tháng rồi nên mình nghĩ đối với cậu nó không còn mới mẻ như với mình. Nó làm cuộc sống có vẻ thú vị hơn nhiều. Hai năm nữa mình sẽ lớn hẳn rồi. Thật là một an ủi lớn lao khi nghĩ rằng mình sẽ được dùng những từ ngữ đao to búa lớn mà không bị cười giễu nữa."

"Ruby Gillis nói cậu ấy muốn có bồ ngay khi mười lăm," Diana nói.

"Ruby Gillis chẳng nghĩ gì khác ngoài bồ bịch cả," Anne nói với vẻ khinh thị. "Thật ra cậu ta mừng rơn khi có người viết tên cậu ta lên bảng lưu ý dù cứ ra vẻ giận lắm. Nhưng mình e rằng nói năng kiểu này thì hà khắc quá. Cô Allan nói chúng ta đừng bao giờ nói một cách hà khắc; nhưng nó cứ vuột miệng hoài, phải không? Mình không thể nói về Josie Pye mà không hà khắc nên mình không bao giờ nhắc tới nó. Cậu có thể nhận ra điều đó. Mình cố gắng giống cô Allan càng nhiều càng tốt, vì mình nghĩ cô ấy là người hoàn hảo. Ông Allan cũng nghĩ vậy. Cô Lynde nói ông ấy tôn thờ cả mặt đất nơi cô ấy đặt chân và cô ấy nghĩ mục sư thì không nên đặt quá nhiều tình cảm như vậy vào một sinh linh. Nhưng mà, Diana, mục sư cũng là người và có những ám ảnh tội lỗi như tất cả những người khác thôi. Chiều Chủ nhật vừa rồi mình đã có một buổi nói chuyện rất thú vị với cô Allan về những ám ảnh tội lỗi. Chỉ có một số chuyện thích hợp để bàn vào ngày Chủ nhật và đây là một trong số đó. Ám ảnh tội lỗi của mình là tưởng tượng quá nhiều và quên mất trách nhiệm của bản thân. Mình vẫn đang vô cùng cố gắng để chế ngự được nó và giờ khi đã mười ba thật rồi, có lẽ mình sẽ làm được tốt hơn."

"Bốn năm nữa là chúng ta có thể búi tóc lên rồi," Diana nói. "Alice Bell mới có mười sáu mà đã búi tóc được rồi, nhưng mình nghĩ thế thì buồn cười lắm. Mình sẽ đợi đến khi mười bảy."

"Nếu mình mà có mũi khoằm như Alice Bell," Anne nói chắc nịch, "mình sẽ không... nhưng đấy! Mình sẽ không nói tiếp đâu vì điều đó hà khắc khủng khiếp. Hơn nữa mình lại đem so với mũi mình thì thật kiêu ngạo. Mình e là mình đã nghĩ tới mũi mình nhiều quá từ hồi được nghe khen về nó. Lời khen nó là niềm an ủi lớn với mình. Ôi, Diana, nhìn kìa, một con thỏ. Đó là thứ phải nhớ đến trong bài luận về khu rừng của chúng ta. Mình thật tình nghĩ từng mùa đông cũng đáng yêu như mùa hè. Nó trắng xóa và tĩnh lặng biết bao, cứ như nó đang ngủ và mơ những giấc mơ đẹp vậy."

"Mình sẽ chẳng bận tâm đến chuyện viết bài luận đó cho tới khi đến hạn," Diana thở dài. "Mình có thể xoay sở viết về rừng được, nhưng bài chúng ta phải nộp hôm thứ Hai thật khủng khiếp. Cô Stacy bắt chúng ta viết một câu chuyện tự sáng tác!"

"Sao vậy, dễ như trở bàn tay mà," Anne nói.

"Với cậu thì dễ vì cậu tưởng tượng được," Diana vặn lại, "nhưng cậu biết làm gì nếu không có trí tưởng tượng bẩm sinh chứ? Mình đoán cậu đã làm xong bài luận rồi."

Anne gật đầu, cố hết sức để không tỏ ra tự mãn quá đáng nhưng thất bại thảm hại.

"Mình viết vào tối thứ Hai. Nó tên là ‘Kẻ tình địch ghen tuông hay Cái chết không thể chia lìa’. Mình đọc cho bác Marilla nghe và bác ấy nói nó thật nhảm nhí, vớ vẩn. Rồi mình đọc cho bác Matthew và bác ấy nói chuyện hay lắm. Đây đúng là kiểu phê bình mình thích. Đó là một câu chuyện buồn ngọt ngào. Mình đã khóc như một đứa trẻ khi viết nó. Chuyện kể về hai thiếu nữ xinh đẹp tên Cordelia Montmorency và Geraldine Seymour, sống cùng làng và gắn bó như hình với bóng. Cordelia có nước da ngăm đen vương giả với mái tóc đen như nửa đêm và đôi mắt sẫm màu long lanh. Geraldine không khác gì một bà hoàng với tóc như vàng sợi và mắt tím mượt như nhung."

"Mình chưa thấy ai mắt tím cả," Diana nói giọng nghi ngờ.

"Mình cũng chưa. Mình chỉ tưởng tượng ra thôi. Mình muốn có cái gì đó khác thường. Geraldine cũng có trán trắng như thạch cao. Đó là một trong những lợi thế của việc mười ba tuổi. Cậu biết nhiều hơn so với lúc mới mười hai."

"Vậy Cordelia và Geraldine rồi như thế nào?’ Diana hỏi, bắt đầu thấy có phần tò mò với số phận của họ.

"Cả hai cùng nhau lớn lên mỗi ngày một xinh đẹp, cho đến khi họ mười sáu tuổi. Rồi Bertram deVere tới làng của hai cô gái và đem lòng yêu Geraldine xinh đẹp. Chàng đã cứu mạng nàng khi con ngựa của nàng bỏ chạy kéo theo cả xe lẫn người, nàng xỉu trong vòng tay chàng rồi chàng cõng nàng về qua ba dặm đường vì cậu hiểu rồi đó, cỗ xe bị nát mất tiêu rồi. Mình thấy rất khó tưởng tượng về lời cầu hôn vì mình không có kinh nghiệm trong chuyện này. Mình đã hỏi Ruby Gillis xem cậu ấy có biết đàn ông cầu hôn như thế nào không vì mình nghĩ cậu ấy hẳn nắm vững đề tài này lắm vì có nhiều chị gái lấy chồng vậy cơ mà. Ruby nói với mình cậu ấy trốn trong phòng để thức ăn khi Malcom Andrews cầu hôn chị Susan. Cậu ấy kể Malcom nói với Susan là cha đã để lại nông trại cho anh ấy rồi nói, ‘Em sẽ nói gì, em yêu, nếu thu này chúng ta lấy nhau?’ Và Susan nói, ‘Vâng... không... em không biết... để em xem thử...’ rồi cứ thế, họ đính hôn, nhanh như vậy đấy. Nhưng mình không nghĩ kiểu cầu hôn đó lãng mạn cho lắm nên cuối cùng mình phải dốc hết trí tưởng tượng ra. Mình viết đoạn đó rất hoa mỹ, đầy chất thơ và để Bertram quỳ xuống, mặc dù Ruby Gillis nói thời này qua mốt đó rồi. Geraldine chấp thuận lời cầu hôn của chàng bằng một bài diễn văn dài cả trang giấy. Mình phải nói với cậu là mình gặp rất nhiều rắc rối với đoạn thoại đó. Mình viết đi viết lại năm lần và xem nó như một kiệt tác. Bertram tặng nàng nhẫn kim cương và vòng ngọc rồi nói với nàng họ sẽ tới châu Âu hưởng tuần trăng mật vì chàng giàu khủng khiếp. Nhưng rồi, than ôi, bóng tối bắt đầu phủ xuống con đường của họ. Cordelia đã thầm yêu Bertram nên khi nghe Geraldine kể về chuyện đính hôn, cô nàng đã đùng đùng nổi giận, nhất là khi nhìn thấy chiếc vòng cổ và nhẫn kim cương. Toàn bộ tình cảm yêu quý dành cho Geraldine trở thành nỗi ghét bỏ cay đắng và cô nàng thề sẽ không bao giờ để cho Geraldine lấy Bertram. Nhưng ả vẫn giả vờ là bạn của Geraldine như trước đây. Một tối khi hai cô gái đang đứng trên cây cầu bắc ngang dòng suối chảy xiết, Cordelia nghĩ rằng xung quanh không có ai bèn đẩy Geraldine xuống vực với một tràng cười giễu điên dại ‘Ha, ha, ha’. Nhưng Bertram đã trông thấy tất cả và chàng ngay lập tức vừa nhảy xuống dòng nước vừa kêu lên, ‘Ta sẽ cứu nàng, Geraldine vô song của ta.’ Nhưng hỡi ôi, chàng quên rằng mình không biết bơi nên cả hai cùng chìm xuống, tay nắm chặt tay. Không lâu sau xác họ trôi đến bờ sông. Họ được chôn cùng một mộ và đám tang thay vì đám cưới. Về phần Cordelia, ả trở nên điên loạn vì hối hận và bị nhốt vào nhà thương điên. Mình nghĩ đó là một sự trừng phạt nên thơ cho tội ác của ả."

"Đáng yêu quá!" Diana thở dài, có vẻ như cũng cùng trường phái phê bình với ông Matthew. "Mình không biết làm sao cậu có thể tự nghĩ ra những chuyện hấp dẫn như vậy, Anne. Ước gì trí tưởng tượng của mình cũng như cậu."

"Chỉ cần cậu nuôi dưỡng nó thì sẽ được thôi," Anne cổ vũ. "Mình vừa nghĩ tới một kế hoạch, Diana. Mình và cậu hãy lập câu lạc bộ kể chuyện của riêng mình và tập viết truyện. Mình sẽ giúp cậu cho đến khi cậu có thể tự làm một mình. Cần phải nuôi dưỡng trí tưởng tượng của bản thân, cậu biết mà. Cô Stacy cũng nói vậy. Chỉ cần chúng ta đi đúng đường thôi. Mình đã kể cố ấy nghe về rừng Ma Ám, nhưng cô ấy nói trong chuyện đó chúng mình đã đi lầm đường."

Đó là lý do câu bộ kể chuyện hình thành. Lúc đầu chỉ giới hạn ở Diana và Anne, nhưng ngay sau đó đã mở rộng thêm Jane Andrews, Ruby Gillis và một vài đứa nữa, những đứa nghĩ rằng trí tưởng tượng của mình cần được nuôi dưỡng. Không đứa con trai nào được tham gia – mặc dù Ruby Gillis cả quyết rằng nếu kết nạp chúng thì câu lạc bộ sẽ hấp dẫn hơn – và mỗi thành viên phải viết mỗi tuần một câu chuyện.

"Nó cực kỳ thú vị," Anne nói với bà Marilla. "Mỗi đứa con gái phải đọc to câu chuyện của mình lên rồi tụi con cùng thảo luận. Tụi con sẽ giữ gìn mọi câu chuyện một cách thiêng liêng để kể cho thế hệ sau. Tụi con mỗi đứa đều viết dưới một bút danh. Của con là Rosamond Montmorency. Cả đám con gái đều làm khá tốt. Ruby Gillis hơi ướt át. Bạn ấy cho quá nhiều yêu đương vào chuyện của mình và bác biết đấy, quá nhiều còn tệ hơn cả quá ít nữa. Jane không bao giờ viết về chuyện yêu đương vì bạn ấy nói bạn ấy cảm thấy vô cùng lố bịch khi phải đọc to lên. Chuyện của Jane cực kỳ lý trí. Còn Diana cho quá nhiều vụ ám sát vào chuyện. Bạn ấy nói thường thì bạn ấy chẳng biết phải làm gì với nhân vật nên giết đi cho xong. Hầu như lần nào con cũng phải nói cho mọi người biết phải viết về cái gì, nhưng chuyện đó không khó vì con có hàng triệu ý tưởng."

"Ta nghĩ vụ viết truyện này là trò ngu xuẩn nhất trần đời," bà Marilla chế giễu. "Con sẽ có cả mớ chuyện vớ vẩn trong đầu rồi còn lãng phí thời gian học hành nữa. Đọc truyện đã đủ tệ lắm rồi nhưng viết truyện thì còn tệ hơn."

"Nhưng chuyện nào chúng con cũng rất cẩn thận đặt các bài học đạo đức vào mà bác Marilla," Anne giải thích. "Con nhắc đi nhắc lại chuyện đó. Người tốt đều được tưởng thưởng và người xấu đều bị trừng phạt thích đáng. Con chắc nó hẳn phải có ảnh hưởng tổng thể. Bài học đạo đức là điều tuyệt vời. Ông Allan nói như vậy. Con đã đọc một câu chuyện của mình cho ông ấy và cô Allan nghe, cả hai đều đồng ý là bài học đạo đức rất xuất sắc. Chỉ có điều họ toàn cười không đúng chỗ. Con thích mọi người khóc hơn. Hầu như lần nào Jane và Ruby cũng khóc khi con đọc tới đoạn cảm động. Diana viết thư kể cho bà dì Josephine nghe về câu lạc bộ và bà đề nghị chúng con gửi cho bà vài chuyện. Thế nên tụi con chép bốn câu chuyện hay nhất và gửi đi. Bà Josephine Barry viết lại rằng bà chưa từng đọc thứ gì có tính giải trí cao độ như vậy trong đời. Chuyện đó làm tụi con hơi bối rối vì chuyện nào cũng rất bi thảm và gần như các nhân vật đều chết hết. Nhưng con mừng là bà Barry thích chúng. Điều này cho thấy câu lạc bộ của tụi con cũng có phần hữu ích cho đời. Cô Allan cho rằng chúng con làm gì cũng phải có mục tiêu. Con đã thật sự cố gắng tạo mục tiêu cho mình nhưng lại thường quên mất khi vui quá. Con hy vọng sau này mình có thể giống cô Allan một chút. Bác nghĩ chuyện đó có triển vọng gì không, bác Marilla?"

"Ta không thể nói là có nhiều được," là câu trả lời khích lệ của bà Marilla. "Ta dám chắc hồi bé cô Allan không bao giờ ngốc nghếch hay quên như con."

"Không, nhưng đâu phải lúc nào cô ấy cũng tuyệt như bây giờ," Anne nói nghiêm túc. "Cô ấy kể với con vậy mà – hồi nhỏ cô ấy cũng nghịch ngợm khủng khiếp và luôn vướng vào mấy chuyện rắc rối. Con cảm thấy được khích lệ rất nhiều khi nghe điều này. Bác Marilla, có phải con rất hư vì cảm thấy được khích lệ khi nghe nói người khác cũng từng hư và nghịch ngợm không? Bà Lynde nói có lần bà ấy nghe một mục sư thú nhận rằng hồi nhỏ ông ấy đã ăn trộm một cái bánh dâu trong tủ của bà dì và thế là bà chẳng bao giờ còn kính trọng mục sư nữa. Con không nghĩ theo cách đó. Theo con ông ấy rất cao quý khi dám thú nhận chuyện đó, con nghĩ điều này là một sự khích lệ lớn lao đối với những cậu bé thời nay, những đứa đã bày ra những trò nghịch thế nhưng lớn lên chúng vẫn có thể thành mục sư. Con cảm thấy thế đấy, bác Marilla."

"Điều ta cảm thấy lúc này, Anne," bà Marilla nói, "là đã đến lúc con đi rửa bát đĩa rồi. Con đã lỡ mất hơn nữa tiếng vì cứ huyên thuyên rồi. Học cách làm việc trước nói chuyện sau đi."
Chương trước Chương tiếp
Loading...