Ba Ơi, Mình Đi Đâu

Chương 9



Thế giới động vật và thế giới con người chưa bao giờ hòa hợp đến thế. Giữa những bộ não chim, mọi sự việc đều trôi chảy. Thánh François d"Assise(1) không ở đâu xa, và Giotto(2), với các bức họa đầy chim chóc của mình.

Những kẻ ngây thơ thường hạnh phúc với những gì mình có. Nhờ hội họa.

Thomas mười tám tuổi, thằng bé đã lớn, nó đứng rất khó nhọc, bộ áo chỉnh hình không đủ, nó cần một cái cọc đỡ. Tôi đã được lựa chọn.

Một cái cọc đỡ phải có đôi chân cắm thật sâu vào đất, phải vững chãi, ổn định, có khả năng chống chọi với gió, phải đứng thẳng giữa những cơn bão tố.

Chọn tôi quả là một ý tưởng kỳ quặc.

Giờ đây chính tôi là người quản lý tiền của nó, tôi phải ký các tấm séc. Thomas, nó chẳng màng gì đến tiền, nó không biết tiền là gì. Tôi nhớ có một hôm, ở Bồ Đào Nha, trong một cửa hàng, nó rút hết tiền khỏi ví của tôi và phân phát cho mọi người. Tôi chắc rằng nếu tôi hỏi ý kiến Thomas, nếu nó có thể đưa ra ý kiến, hẳn nó sẽ nói: "Cứ làm đi, ba, cứ tận dụng đi ba, chúng ta sẽ chơi vui vẻ, chúng ta sẽ tiêu thả phanh số tiền trợ cấp tật nguyền của con."

Thằng bé không hà tiện. Bằng tiền của nó, chúng tôi sẽ mua một chiếc mui trần thật đẹp.

Chúng tôi sẽ lên đường như hai ông bạn già vui nhộn để mở hội. Cũng giống trên phim ảnh, chúng tôi sẽ xuống La Côte, chúng tôi sẽ đến những khách sạn xinh đẹp treo đầy đèn chùm, chúng tôi sẽ ăn tối tại những nhà hàng lớn, chúng tôi sẽ uống sâm banh, chúng tôi sẽ nói với nhau thật nhiều chuyện, chúng tôi sẽ nói về ô tô, sách, âm nhạc, điện ảnh và các cô gái...

Hàng đêm chúng tôi sẽ đi dạo ven biển, trên những bãi biển rộng lớn vắng vẻ. Chúng tôi sẽ ngắm đám cá phát quang để lại những dải sáng trên mặt nước tối đen. Chúng tôi sẽ triết lý về cuộc sống, về cái chết, về Chúa. Chúng tôi sẽ ngắm những vì sao và ánh sáng lung linh trên bờ biển. Vì chúng tôi không cùng chung quan điểm trong mọi chuyện, nên chúng tôi sẽ cãi vã. Thằng bé sẽ coi tôi là lão già chết tiệt, còn tôi thì sẽ bảo nó: "Làm ơn tôn trọng ba một chút đi, ba là ba của con đấy", và nó sẽ trả lời: "Ba chẳng có gì đáng để tự hào cả."

Một đứa trẻ tật nguyền có quyền đi bỏ phiếu.

Thomas đến tuổi thành niên. Nó sắp có thể đi bỏ phiếu. Tôi chắc chắn nó đã suy nghĩ rất nhiều, đã cân nhắc được hơn, đã phân tích tỉ mỉ các chương trình của hai ứng viên, độ tin cậy về mặt kinh tế của họ, nó đã liệt kê danh sách các sĩ quan cao cấp của hai đảng phái.

Nó vẫn còn do dự, nó không thể chọn nổi.

Snoopy hay Minou đây?

Sau một hồi im lặng, đột nhiên ông ta hỏi: "Còn các cậu bé của anh?"

Ông ta hẳn không biết rằng có một đứa đã không còn từ nhiều năm nay.

Rõ ràng cuộc trò chuyện thật buồn chán, rõ ràng ông ta sợ nó lại diễn ra trong tình trạng im lặng đến khó chịu. Bữa ăn đã kết thúc, mọi người đã nói về tình hình hiện tại của mình, cần phải khuấy động bầu không khí. Ông chủ nhà nói thêm, với vẻ của người thích thú khi kể: "Các vị có biết Jean-Louis có hai đứa con tật nguyền không?"

Tiếp sau thông tin đó là một bầu không khí vô cùng im lặng, rồi một tràng rầm rì khó hiểu những lời cảm thông, sửng sốt và tò mò trỗi dậy từ phía những ai không biết. Một phụ nữ duyên dáng bắt đầu nhìn tôi với nụ cười buồn bã và ướt át mà người ta vẫn thấy ở những người phụ nữ trong tranh của Greuze.

Phải, tình hình hiện tại của tôi, đó chính là những đứa con tật nguyền của tôi, nhưng không phải lúc nào tôi cũng muốn nhắc đến.

Điều ông chủ nhà mông đợi ở tôi, là chọc cười. Một bài tập khó khăn, nhưng tôi đã gắng làm hết sức.

Tôi kể cho họ nghe lễ Noël năm ngoái ở viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt nơi các con tôi sống. Cây thông mà bọn trẻ làm đổ, dàn hợp xướng mà ở đó mỗi đứa hát một bài hát khác nhau, cây thông mà sau đấy bốc cháy, chiếc máy chiếu bị đổ trong lúc chiếu phim, cái bánh kem mà chúng hất nhào và các bậc phụ huynh bò lổm ngổm dưới gậm bàn để tránh những hòn bi sắt mà một ông bố bất cẩn đã tặng con trai mình và cậu này thì tung nó lên cao, mọi thứ diễn ra trong tiếng nhạc nền của ca khúc "Cậu bé sinh ra đã là đứa trẻ tuyệt vời"...

Lúc đầu họ hơi có vẻ khó chịu, họ không dám cười. Rồi, dần dần, họ cũng dám. Tôi đã thành công rực rỡ. Ông chủ nhà rất hài lòng.

Tôi nghĩ mình sẽ lại được mời.

Thomas với bàn tay của mình, thằng bé gọi nó là Martine. Thằng bé và Martine trò chuyện rất lâu. Martine phải trả lời thằng bé, nhưng thằng bé là người duy nhất hiểu Martine.

Thằng bé dùng giọng thủ thỉ để nói với Martine những điều dễ thương. Đôi lúc chúng cao

giọng với nhau, thằng bé không có vẻ hài lòng chút nào, hẳn Martine đã nói vài điều gì đó khiến thằng bé không thích, thế là thằng bé cao giọng và mắng mỏ Martine.

Có lẽ thằng bé trách móc Martine vì không biết làm những việc to tát?

Phải thừa nhận rằng Martine chẳng được khéo léo cho lắm và nó không giúp được thằng bé nhiều trong cuộc sống hằng ngày như lúc mặc đồ, lúc ăn. Nó không chính xác gì cả, nó làm đổ nước khi thằng bé uống, nó dọ dẫm, nó không biết cài khuy áo sơ mi, nó không biết buộc dây giày, nó thường xuyên run rẩy...

Thậm chí nó còn không biết vuốt ve chú mèo đúng cách, những cái vuốt ve của nó giống như những cú đòn và chú mèo luôn hoảng sợ bỏ trốn.

Nó không biết chơi dương cầm, nó không biết lái ô tô, thậm chí nó không biết viết, nó chỉ khá mỗi việc vẽ tranh trừu tượng. Vậy nên có lẽ nó trả lời thằng bé rằng đó không phải là lỗi của nó, rằng nó đang chờ mệnh lệnh. Nó không phải là người đưa ra các sáng kiến, mà là thằng bé.

Nó chỉ là một bàn tay.

"Alô, chào Thomas, ba đang ở đầu dây đây."

Im lặng khủng khiếp.

Tôi nghe thấy một tiếng thở mạnh khó nhọc, rồi giọng của cô phụ trách:

"Con nghe thấy không, Thomas? Là ba con đấy.

- Chào Thomas, con nhận ra ba không? Ba đây, con khỏe không, Thomas?"

Im lặng.

Chỉ có tiếng thở khó nhọc...

Cuối cùng Thomas cũng nói. Từ ngày vỡ giọng, tiếng thằng bé rất to.

"Ba ơi, mình đi đâu?"

Nó đã nhận ra tôi. Chúng tôi có thể tiếp tục trò chuyện.

"Con khỏe không, Thomas?"

- Ba ơi, mình đi đâu?

- Con đã vẽ những bức tranh rất đẹp, tặng ba, tặng mẹ, tặng Marie em gái con phải không?"

Im lặng.

Chỉ có tiếng thở khó nhọc.

"Chúng ta về nhà à?

- Con đã vẽ những bứa tranh rất đẹp phải không?

- Martine.

- Martine có khỏe không?

- Khoai tai chiên khoai tai chiên khoai tai chiên!

- Con đã ăn khoai tây chiên à, có ngon không?... Con muốn ăn khoai tây chiên sao?"

Im lặng...

"Con hôn ba à? Con nói tạm biệt ba à? Con hôn ba à?"

Im lặng.

Tôi nghe chiếc máy điện thoại lơ lửng giữa khoảng không, những giọng nói ở xa xa. Một lần nữa, lại là cô phụ trách nghe máy, cô báo cho tôi hay là Thomas đã buông máy, nó đã đi chỗ khác.

Tôi gác máy.

Chúng tôi đã trao đổi những tin quan trọng.

Thomas không được khỏe lắm. Nó rất dễ bị kích động bất chấp thuốc an thần. Đôi khi nó trải qua những cơn khủng hoảng, những lúc đó nó rất hung bạo. Thỉnh thoảng phải cho nó đến bệnh viện tâm thần điều trị nội trú...

Tuần tới, chúng tôi sẽ đi gặp nó, sẽ ăn trưa với nó. Vì Noël sắp đến, nên tôi đã đề nghị cô giáo rằng tôi sẽ mang theo một món quà, nhưng quà gì đây?

Cô giào nói với tôi rằng chúng nghe nhạc cả ngày. Tất cả các thể loại, thậm chí nhạc cổ điển. Một học sinh có cha mẹ là nhạc sĩ thường nghe Mozart và Berlioz. Tôi đã nghĩ đến Những khúc biến tấu Goldberg, bản dàn bè J.-S. Bach viết để xoa dịu bá tước Keyserling, một quý ông rất dễ bị kích động. Ở viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt, chắc chắn có nhiều bá tước Keyserling đang cần được xoa dịu, J.-S. Bach chỉ có thể có lợi cho chúng mà thôi.

Tôi mang đĩa cho chúng. Cô giáo sẽ thử nghiệm.

Giá một ngày nào đó Bach có thể thay thế Prozac(3)...

Ba mươi năm sau, tôi tìm thấy dưới đáy ngăn kéo những tấm thiệp báo Thomas và Mathieu chào đời. Đó là những tấm thiệp kiểu cổ điển, chúng tôi thích giản dị, không hoa hòe hoa sói.

Giấy thiệp đã ngả vàng, nhưng tôi có thể đọc được những dòng chữ viết bằng tiếng Anh, rằng chúng tôi vui mừng thông báo với các bạn sự chào đời của Mathieu, rồi Thomas.

Dĩ nhiên, đó từng là một niềm vui, một khoảnh khắc hiếm hoi, một trải nghiệm duy nhất, một xúc cảm mạnh mẽ, một hạnh phúc khôn tả...

Thất vọng cũng ngang tầm thế.

Chúng tôi đau đớn thông báo với các bạn rằng Mathieu và Thomas bị tật nguyền, rằng chúng có rơm trong đầu, rằng chúng sẽ không bao giờ đi học, rằng cả đời mình chúng sẽ làm những điều ngu ngốc, rằng Mathieu rất bất hạnh và rằng nó sẽ nhanh chóng rời bỏ chúng tôi.

Thomas mong manh sẽ ở lại lâu hơn, mỗi ngày một còng hơn... Nó luôn nói chuyện với bàn tay của nó, nó đi lại khó khăn, nó không vẽ nữa, nó không vui như trước đây, nó không còn hỏi ba ơi mình đi đâu.

Có lẽ nó đang ở nơi mà nó cần ở.

Hoặc là nó không muốn đi bất kỳ đâu nữa...

Mỗi lần nhận được một tấm thiệp báo sinh, tôi đều không muốn trả lời, không muốn chúc mừng những kẻ chiến thắng hạnh phúc.

Dĩ nhiên tôi ghen tị. Tôi cảm thấy đặc biệt khó chịu sau đó. Khi mà vài năm sau, các bậc phụ huynh hạnh phúc và hoàn toàn chìm đắm trong tình cảm ngưỡng mộ chìa những bức ảnh chụp đứa con đáng yêu của họ cho tôi xem. Họ kể lể những từ hay ho nó mới nói và nhắc đến các thành tích của nó. Tôi thấy họ thật ngạo mạn và tầm thường. Y hệt kẻ nhắc đến những hiệu năng ở chiếc Porsche của mình với kẻ sở hữu một chiếc 2 mã lực cũ kỹ.

"Lúc bốn tuổi, nó đã biết đọc và đếm..."

Họ không chừa tôi ra, họ khoe với tôi những bức ảnh sinh nhật, thằng bé dấu yêu thổi bốn ngọn nến sau khi đếm chúng, ông bố ghi hình bằng máy quay cầm tay. Khi đó trong đầu tôi nảy sinh những ý nghĩ xấu xa, tôi thấy những ngọn nến bén lửa sang khăn trải bàn, rèm cửa và cả ngôi nhà.

Dĩ nhiên con cái các bạn là những người đẹp nhất thế giới, thông minh nhất thế giới. Các con tôi, là những kẻ xấu nhất và ngu ngốc nhất. Đó là lỗi của tôi, tôi đã làm hỏng chúng.

Năm mười lăm tuổi, Thomas và Mathieu đều không biết đọc, không biết viết và nói hết sức khó khăn.

Lâu lắm rồi tôi không đến thăm Thomas. Hôm qua tôi đã đến thăm nó. Càng ngày nó càng phải ngồi xe lăn thường xuyên hơn. Nó đi lại rất khó khăn. Sau một lúc nó mới nhận ra tôi, nó hỏi: "Ba ơi, mình đi đâu?"

Càng ngày nó càng còng. Nó muốn ra ngoài đi dạo. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra chóng vánh và đơn điệu. Nó nói ít hơn trước đây, nó vẫn luôn nói với bàn tay mình.

Nó đưa chúng tôi vào phòng nó. Căn phòng sáng sủa sơn vàng, Snoopy lúc nào cũng ở trên tường. Trên tường treo một trong số các tác phẩm trừu tượng đầu tiên nó vẽ, kiểu con nhện mắc vào mạng nhện.

Nó đã chuyển khu nhà, nó ở trong một khu nhỏ gồm mười hai bệnh nhân nội trú, những người lớn giống như những đứa trẻ già nua. Họ không có tuổi, không thể xác đinh được tuổi tác của họ. Hẳn họ đều chào đời vào một ngày 30 tháng hai nào đó.

Người lớn tuổi nhất hút tẩu và thè lưỡi ra với các giáo viên. Có một người mù đi dạo trong hành lang bằng cách dò dẫm bám vào tường. Một vài người chào mừng chúng tôi, phần lớn không biết chúng tôi. Đôi lúc chúng tôi nghe thấy một tiếng kêu, rồi im ắng, chỉ còn tiếng giày păng túp của người mù.

Chúng tôi phải bước qua người một số bệnh nhân nội trú nằm dài trên sàn, ngay giữa căn phòng, mắt ngước lên trời; họ đang mơ, thỉnh thoảng họ lại cười vu vơ.

Khung cảnh ấy không buồn, mà thật lạ, có lúc còn đẹp hơn nữa. Những cử chỉ chậm chạp của một vài người khuấy khuấy không khí nom giống như thuật biên đạo múa, như các động tác khiêu vũ hiện đại hay các động tác trong Kabuki(4). Một bệnh nhân khác, vặn vẹo tay trước mặt mình, khiến người ta liên tưởng đến những bức chân dung tự họa của Egon Schiele.

Bên một chiếc bàn, hai bệnh nhân khiếm thị đang ngồi tự vuốt ve tay mình. Bên chiếc bàn khác, là một bệnh nhân nội trú đầu hói, tóc muối tiêu; tôi tưởng tượng ra cảnh anh ta mặc com lê xám, anh ta có vẻ của một công chứng viên, trừ việc anh ta đeo yếm và không ngừng nhắc đi nhắc lại: "Đi ị, đi ị, đi ị..."

Mọi thứ đều được phép, mọi hành động kỳ quặc, mọi hành động điên rồ, người ta không bị đánh giá.

Ở đây, nếu người ta nghiêm túc và cư xử bình thường, người ta sẽ gần như khó chịu, người ta sẽ cảm thấy không được như những người khác và hơi nực cười.

Mỗi lần đến đó, tôi lại muốn làm giống họ, những điều ngu ngốc.

Ở viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt, mọi việc đều rất khó khăn, đôi khi bất khả. Tự mặc đồ, buộc dây giày, đóng thắt lưng, kéo khóa Éclair, cầm đĩa.

Tôi quan sát một đứa trẻ già hai mươi tuổi. Giáo viên của nó thử để nó tự ăn đậu Hà Lan.

Tôi nhận thấy thành tích được biểu hiện qua từng cử chỉ nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày của nó.

Thi thoảng lại có những chiến thắng nho nhỏ xứng đáng giật huy chương vàng Thế vận hội. Nó vừa dùng nĩa chọc được nhiều hạt đậu và đưa tất cả lên mồm mà không bị rơi hết. Nó rất tự hào, nó nhìn chúng tôi, rạng rỡ. Đáng lẽ người ta phải cử quốc ca vinh danh nó và vinh danh huấn luyện viên của nó.

Tuần tới ở viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt sẽ diễn ra một buổi hội thao lớn, cuộc thi liên trung tâm lần thứ XIII, dành cho các bệnh nhân nội trú bệnh nhẹ nhất. Có rất nhiều môn thi đấu: ném bi vào bia, chạy ba vòng, bóng rổ, ném chính xác, đua xe có gắn máy và đá bóng vào lưới. Tôi không thể ngăn mình nghĩ đến tranh của Reiser vẽ về Thế vận hội dành cho người tàn tật. Sân vận động giăng đầy những tấm biểu ngữ lớn, phía trên viết: "Cấm cười."

Dĩ nhiên, Thomas không tham gia. Thằng bé sẽ là khán giả. Chúng tôi sẽ đưa nó ra và cho nó ngồi vào xe lăn trước sân thi đấu xem buổi trình diễn. Tôi rất ngạc nhiên thấy nó tỏ ra thích thú, nó ngày càng khép kín mình vào thế giới nội tâm. Nó nghĩ đến điều gì nhỉ?

Liệu nó có biết điều mà nó từng đại diện cho tôi, hơn ba mươi năm về trước, hình ảnh thiên thần nhỏ tóc vàng bé bỏng rạng ngời lúc nào cũng cười? Giờ đây nó giống như một cái miệng máng, nó chảy dãi rớt và nó không cười nữa.

Cuối buổi hội thao là phần xếp loại với trao huy chương cùng cúp.

Lẽ ra ba nên thích những đứa con mà ba có thể tự hào. Để khoe với bạn bè của ba các loại bằng cấp, các loại giải thưởng và các loại cúp mà lẽ ra các con giành được trên các sân vận động. Hẳn là chúng ta sẽ bày chúng trong một chiếc tủ kính ở phòng khách cùng những bức ảnh chúng ta chụp với nhau.

Trên bức ảnh ấy, có lẽ tôi sẽ có vẻ mặt sung sướng của một ngư ông chụp cùng con cá khổng lồ ông ta vừa bắt được.

Hồi còn trẻ, tôi thường ao ước về sau sinh được một lũ con. Tôi thấy mình vừa hát vừa leo lên những dãy núi, vượt qua các đại dương cùng những thủy thủ bé bỏng nom rất giống tôi, đi khắp thế giới với phía sau là một bầy trẻ con vui vẻ, tò mò, ánh mắt sống động, những đứa trẻ sẽ được tôi dạy thật nhiều điều, tên gọi của cây cối, chim muông và các vì sao.

Những đứa trẻ sẽ được tôi dạy chơi bóng rổ và bóng chuyền, những đứa trẻ sẽ cùng tôi thì đấu và không phải trận nào tôi cũng thắng.

Những đứa trẻ sẽ được tôi cho xem tranh và cho nghe nhạc.

Những đứa trẻ sẽ được tôi bí mật dạy nói tục.

Những đứa trẻ sẽ được tôi dạy cách chia động từ đánh rắm.

Những đứa trẻ sẽ được tôi giải thích cơ chế hoạt động của máy nổ.

Những đứa trẻ mà vì chúng tôi sẽ sáng tác những câu chuyện cười.

Tôi đã không may mắn. Tôi đã chơi trò xổ số di truyền học, tôi đã thua.

"Hiện chúng bao nhiêu tuổi rồi, các con của ông ấy?"

Chuyện đó thì liên quan gì đến các vị chứ.

Không thể định được tuổi các con tôi. Mathieu không có tuổi còn Thomas hẳn đã một trăm.

Đó là hai cụ già lưng còng bé bỏng. Chúng không còn hoàn toàn tỉnh táo, nhưng lúc nào chúng cũng dễ thương và tình cảm.

Các con tôi không bao giờ biết tuổi của chúng. Thomas tiếp tục tóp tép nhai một con gấu bông cũ, nó không biết mình đã già, không ai nói điều đó với nó cả.

Khi chúng còn nhỏ, phải thay giày cho chúng, mỗi năm phải đổi một cỡ lớn hơn. Chỉ có đôi bàn chân chúng lớn lên, chỉ số IQ của chúng không theo cùng. Với thời gian, hẳn nó còn có xu hướng giảm. Chúng đạt được những tiến bộ giật lùi.

Khi cả đời người ta có những đứa con chơi với mấy khối hình và một con gấu bông, thì lúc nào người ta cũng trẻ. Người ta không rõ mình đang ở giai đoạn nào nữa.

Tôi không rõ tôi là ai nữa, tôi không rõ tôi đang ở giai đoạn nào nữa, tôi không rõ tuổi tác của mình nữa.

Tôi luôn nghĩ mình ba mươi tuổi và tôi cười nhạo tất cả. Tôi có cảm giác mình bị mắc vào một trò đùa lớn, tôi không nghiêm túc, tôi chẳng coi chuyện gì là nghiêm túc. Tôi tiếp tục nói những điều ngu ngốc và viết về chúng. Cuối con đường tôi đi là ngõ cụt, phần kết cuộc đời tôi là bế tắc.

__________________________________________________________________

(1) Tu sĩ công giáo người Ý (1182-1226) - người sáng lập ra dòng thánh Francois

(2) Giotto di Bondone hay Ambrogiotto Bondone(1267-1337) là họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư người Ý, các bích họa ông vẽ ở nhiều nhà thờ lớn trong đó có nhà thờ Thánh François d’Assise là những tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật Thiên Chúa giáo

(3) Tên một loại thuốc chống trầm cảm nổi tiếng

(4) Loại hình sân khấu truyền thống của Nhật Bản kết hợp giữa hát, múa và kĩ năng.
Chương trước Chương tiếp
Loading...