Bạch Cốt Đạo Cung

Quyển 2 - Chương 10: Vu, Đại Kiếp, Thiên Địa



Dịch: Hoa Gia Thất Đồng

Thanh Dương và Cửu Thiên quen biết đã hơn hai mươi năm, từ một lần tình cờ gặp nhau khi y đang trên đường vân du.

Hơn thế, y đã biết đến Cửu Thiên từ trước lần gặp mặt ấy.

Tổ sư lập phái của Thiên Diễn Đạo Phái từng có ân với tộc Cửu Lê; song khi hay tin một phân nhánh của tộc xâm phạm đến phái mình, Linh Thông Tử lại chẳng hề đả động đến chuyện này. Tuy Thiên Diễn Đạo Phái bấy giờ đã suy yếu đến vậy, nhưng ông cũng không chủ động đề cập đến mối ân của Thiên Diễn Phái đối vối Cửu Lê, bởi hành động ấy chẳng khác nào đi cầu xin kẻ khác. Cho dù là người mang thân phận chưởng môn như Linh Thông Tử hay những đệ tử dưới trướng ông, đều không một ai chủ động nhắc đến chuyện xưa.

Huống hồ, phân nhánh thuộc tầng trời thứ nhất này của tộc Cửu Lê cũng vị tất đã biết đến ân tình ấy, cho dù có nói ra, vẫn có khả năng phải chịu nhục một phen. Thanh Dương đương nhiên cũng không chủ động nói ra chuyện này: Bấy giờ y đã là chưởng môn của Thiên Diễn Đạo Phái, đương nhiên cũng có tôn nghiêm của người làm chưởng môn.

Thế nhưng, bản tông của tộc Cửu Lê ở tầng trời thứ sáu thuộc Động Huyền Thiên chắc chắn sẽ không quên nghĩa cũ, bởi tộc Cửu Lê trước nay luôn ân oán phân minh; cho nên Thanh Dương mới không vội rời đi.

Trong cảm nhận của Cửu Thiên, Thanh Dương Tử lúc này tựa như đá ngầm nghìn năm ven biển, đã trải qua tháng năm đằng đẵng bị nước biển giội rửa, mà thủy chung như nhất, chẳng mảy may dời đổi. So với hai mươi năm trước, Thanh Dương Tử giờ đây đã chẳng còn rực rỡ phong quang như xưa, song lại thêm phần cứng rắn, kiên định.

Thanh Dương vừa nói muốn gửi gắm đệ tử dưới trướng Cửu Thiên, từ bên hông điện có một người bước ra – chính là Hoàng Linh.

Chỉ nghe từ bên trên chiếc bồ đoàn vàng lơ lửng giữa hư không có tiếng Thanh Dương Tử cất lên:

“Linh Dương, đây là Cửu Thiên của tộc Cửu Lê, đệ có thể gọi là sư huynh. Từ rày về sau ta sẽ gửi đệ đến dưới trướng Cửu Lê tu hành.”

“Dạ, sư huynh.” Linh Dương lí nhí đáp.

Cửu Thiên đưa mắt nhìn Linh Dương. Lúc được Thanh Dương Tử giới thiệu với Cửu Thiên, Hoàng Linh có ngó sang gã. Ngay khi ấy, gã đã nhìn thấu được tính cách nhút nhát của Hoàng Linh qua nhãn thần của đứa bé. Hoàng Linh không phải loại đệ tử mà gã mong muốn: Nếu tự mình thu nhận, gã tuyệt sẽ chẳng thu nhận những đệ tử như Hoàng Linh.

Thanh Dương Tử nhìn Linh Dương, nói tiếp:

“Linh Dương, về sau đệ sẽ tu hành ở Cửu Lê, song có một chuyện đệ phải cẩn thận ghi khắc.”

“Xin sư huynh dặn dò.”

“Đệ chỉ được tu đạo, không được học pháp.” Thanh Dương Tử nói.

“Dạ, đệ tử xin ghi nhớ.”

Thanh Dương Tử thay thầy nhận đệ tử, nên dù ngang bối phận với sư huynh, Linh Dương vẫn coi y như sư phụ mình.

Thanh Dương đột nhiên nói với Cửu Thiên:

“Hai mươi năm qua ở nhân gian, ta đã gặp một chuyện khiến bản thân lấy làm cao hứng, và một chuyện khác khiến ta cảm nhận được thế gian vô thường. Huynh có biết là gì chăng?”

Cửu Thiên ngẫm nghĩ rồi nói:

“Chuyện khiến huynh vui nhất hẳn là việc gột bỏ được những chỗ mục rữa trong lòng, khiến ánh ngọc bảo một lần nữa được phơi bày... Còn chuyện khiến huynh cảm thấy thế sự…”

Nói đến đây, gã đột nhiên ngập ngừng một lúc rồi mới tiếp tục cất lời:

“Nhưng trông dáng vẻ hiện tại của huynh, ắt hẳn khi gột bỏ được lớp áo mục, huynh phải rất bình tĩnh. Còn chuyện khiến huynh cảm thấy thế sự vô thường, trừ việc Thiên Diễn Đạo Phái gặp biến cố, kỳ thực ta không nghĩ ra liệu còn có chuyện chi khiến huynh có cảm nhận như thế.”

Thanh Dương ngưng thần nhìn Cửu Thiên, nói:

“Thực ra, trong mười năm trầm luân giữa nhân gian, ta đã ngỡ mình sẽ lặng lẽ bỏ mạng ở một xó xỉnh vô danh giữa thiên địa mênh mang, sau đó sẽ bị chó hoang gặm mất xác. Song cuối cùng, ta cũng vượt thoát được: Vượt thoát chính ý niệm chìm đắm, trầm luân ấy của bản thân mình; mà tâm ta lúc đó chẳng vui chẳng buồn, có chăng chỉ bình tĩnh…

Nhưng chuyện khiến ta lấy làm cao hứng nhất là khi ta gặp phải một con ưng yêu tên là Cửu Thiên, rồi trấn yểm nó vào cổng thành của một thành trì nhân gian. Ta nhớ huynh từng nói, rằng một khi huynh đã mang cái tên Cửu Thiên, thì dưới gầm trời này không được phép có một tu sĩ nào khác mang trong tên chữ “Cửu”. Đáng tiếc, đại yêu quái chốn nhân gian ấy đã bị ta trấn yểm, huynh không thể giết được nó nữa.”

Nghe nói có yêu quái trùng một chữ “Cửu” trong tên với mình (*), Cửu Thiên chỉ hờ hững cười một tiếng rồi đáp:

“Một chuyện cỏn con thế này lại khiến huynh lấy làm vui, thế còn chuyện khiến huynh cảm thấy thế sự vô thường lại là gì đây?”

“Là khi ta bắt gặp một cái tráp tàng thần ở nhân gian.” Thanh Dương đáp.

“Ở đâu? Ai lại có được thứ đó?” Cửu Thiên hỏi, trong lời nói có phần kinh ngạc.

“Trước lúc ta trở về, chính kẻ đó đã giết người thầy dẫn lối của ta, sau đó lại tìm đến giết ta, cuối cùng bị ta hạ sát. Song, lão vẫn có thể giữ được một tia thần niệm nhờ vào cái tráp tàng thần đó.” Thanh Dương nói.

Cửu Thiên không hỏi Thanh Dương làm sao biết được đối phương giữ được mạng bằng cách dựa vào cái tráp tàng thần kia. Gã trầm tư ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

“Sau khi trở về, ta sẽ hỏi A Nguyên.”

Lúc còn ở Động Huyền Thiên, Thanh Dương Tử có hai người bạn thân là Cửu Thiên và A Nguyên. Tráp tàng thần ấy là bảo vật chỉ có gia tộc A Nguyên sở hữu.

Hai người thôi không nói đến chuyện này nữa. Cửu Thiên lại hỏi:

“Huynh đã tiếp nhận Thiên Diễn pháp phù?” Thiên Diễn pháp phù mà gã nhắc đến chính là pháp phù chưởng môn của Thiên Diễn Đạo Phái.

Thanh Dương xác nhận. Cửu Thiên lại nói tiếp:

“Nếu huynh không kế tục pháp phù này, thì huynh có thể đi đến bất cứ nơi đâu trong thiên hạ. Nhưng nay huynh đã kế tục nó, thì dưới gầm trời này không còn chốn nào dung bước huynh.” Gã ngập ngừng một lát thì tiếp tục, “Thực ra nếu huynh không trở lại, hẳn sẽ tốt hơn.”

“Hết thảy mọi thứ ta có được đều là từ Thiên Diễn mà ra. Nay Thiên Diễn gặp nạn, ta há lại không trở về? Huống hồ, lúc tiến vào cảnh giới Thiên Nhân Đạo, ta đã quan sát thấy cảnh tượng trời đất sụp đổ, sơn hà dời đổi, vạn vật trở về với cát bụi. Trong cõi thiên địa này, còn ai có thể vượt thoát tai kiếp ấy?”

Ánh sáng thanh khiết lấp lánh trong đôi tròng mắt của Thanh Dương Tử. Cảnh tượng mà y đã trông thấy chỉ là cảnh tượng vụt qua trong khoảnh khắc. Y tin rằng, trong thiên hạ này không thể chỉ có mỗi mình y đã nhìn thấy khung cảnh ấy. Nghe đâu tộc Cửu Lê có kẻ thạo về chiêm bốc, có thể quan sát thiên cơ trong khoảng thời gian trên dưới trăm năm.

Y tin rằng, Cửu Thiên chắc chắn phải biết những chuyện mà người khác không biết được.

Một lúc sau, Cửu Thiên mới cất tiếng, sắc mặt không chút thay đổi:

“Nếu huynh đã tự mình quan sát được thiên cơ, thì ta cũng chẳng còn gì để nói nữa, chỉ muốn nhắc nhở huynh một điều. Huynh tuyệt đối không được tụ hội pháp ý vào trong thân thể, nhỡ một mai không có cách gì hộ thân thì chỉ còn nước trở về với luân hồi hư vô.”

Không để pháp ý tụ lại trong thân thể, chuyện này Thanh Dương Tử hiểu rất rõ. Đây là đại kỵ của tu sĩ thượng giới. Sau khi được các môn phái nơi thượng giới chiêu mộ, tất cả những tu sĩ đến từ nhân gian đều phải gột bỏ pháp ý đã ngưng tụ trên người. Tu sĩ nhân gian đâu biết trong chuyện tích tụ pháp ý trên người ẩn chứa lắm nguy cơ, lại thêm họ cũng không có cách nào buông bỏ được pháp ý.

Thần thức cũng như huyết nhục trong thân thể của những giống pháp thú trên chín tầng trời này đã dung hòa cùng với pháp ý. Cũng chính bởi nguyên nhân này mà những giống pháp thú ấy đều có nhược điểm rõ rành rành.

Pháp thú theo pháp ý mà sinh, đương nhiên cũng sẽ theo pháp ý mà diệt. Nếu tu sĩ cũng như pháp thú, dung hòa pháp ý và tinh, khí, thần lại làm một, từ đó hình thành nên nội đan, nguyên anh cùng những thứ tương tự như vậy; thì khi pháp ý trong trời đất gặp phen chấn động, tu sĩ ấy cũng sẽ hóa ra cát bụi. Thế nên mới có sự tồn tại của pháp trụ trong các môn các phái.

Đây là điều mà Thanh Dương Tử từ lâu đã rõ, song Cửu Thiên lại đem chuyện đó ra nhắc lại trong lúc như thế này, có thể thấy chuyện này được tộc Cửu Lê xem trọng. Song, gã vẫn không nói ra nguyên do khiến đại kiếp xuất hiện trong cõi trời đất này.

Còn Thanh Dương Tử, y giờ đây lại cảm thấy cõi thiên địa này sao mà hỗn loạn. Thậm chí, y còn có cảm giác rằng thiên địa dường như vẫn chưa hoàn toàn thành hình.

Trầm mặc hồi lâu, Cửu Thiên lại nói tiếp:

“Tộc Cửu Lê ta trước nay vẫn có một mối huyết thù mà các đệ tử truyền đời đều phải ghi khắc. Chẳng hay huynh có nghe nói đến bao giờ?”

Thanh Dương Tử định thần nhìn người bằng hữu. Y nhớ đến một lời đồn chưa được xác thực, rằng người của tộc Cửu Lê khi đến tuổi trưởng thành đều phải phát lời huyết thệ. Còn huyết thệ ấy là gì, thì dư luận muôn nẻo đồn đoán, mỗi nẻo mỗi khác nhau: Có kẻ nói mỗi người trưởng thành trong tộc Cửu Lê đều phải giết một con yêu quái thật sự để khẳng định chính mình – một con yêu quái thực thụ như Thận Yêu mà Thanh Dương Tử đã giết khi còn ở nhân gian, chứ không phải những pháp thú sinh thành từ pháp ý kia.

Cũng có người bảo, mỗi người trong tộc Cửu Lê khi đến tuổi thành niên đều phải giết một đệ tử đạo gia chính tông. Thanh Dương Tử cũng chẳng rõ rốt cuộc lời đồn thổi nào mới là đúng. Tuy nhiên, bất luận những lời đồn đó là thật hay giả, đều cho thấy tộc Cửu Lê nhất định nắm trong tay bí mật liên quan đến thiên địa mà kẻ khác không lý giải được.

“Nghe nói tộc Cửu Lê có một lời huyết thệ?” Thanh Dương Tử nói.

“Quả thực là có huyết thệ này, bởi yêu tộc và đạo môn đều suýt chút nữa đã khiến toàn tộc ta diệt vong. Huynh có biết, tộc bọn ta còn có một cái tên khác?” Cửu Thiên đáp.

Thanh Dương Tử nhíu mày, hỏi:

“Tên gì?”

Y quả thực không biết chuyện này.

Giờ đây, khi ngẫm lại những sự việc phát sinh trong cõi thiên địa này, y mới nhận ra vốn hiểu biết của mình thực ít ỏi. Bí mật của cõi thiên địa này chỉ như chiếc bình con giữa bể lớn chẳng khác, theo sóng mà đến, lại theo sóng mà đi.

Mà Thanh Dương Tử lại còn có một cảm nhận khác, rằng cõi thiên địa này tựa như cánh bèo không cội rễ, bất kỳ lúc nào cũng có thể diệt vong, trở về hư huyễn. Đây là cảm nhận nảy sinh trong lòng y ngay sau khi y tiến vào cảnh giới Thiên Nhân Đạo.

Cửu Thiên đáp lời:

“Tộc Cửu Lê bọn ta có một cái tên chính thức:

Vu tộc.

Cửu Lê chẳng qua chỉ là tên gọi của một bộ tộc nhỏ thuộc Vu tộc mà thôi.”

Thanh Dương Tử lấy làm kinh ngạc trong lòng. Y biết rõ trong tộc Cửu Lê có người của Vu tộc, nhưng chưa từng nghe nói Vu tộc mới chính là bản tông thực sự của Cửu Lê. Thanh Dương Tử dám xác quyết rằng, trong số tất cả những người y đã từng tiếp xúc, chẳng có một ai biết đến sự tồn tại của Vu tộc trên thế gian này.

Nhưng nếu đã có sự hiện hữu của Vu tộc trên cõi thế, thì tại sao lại chẳng có một ai hay biết? Trừ phi, người biết được sự thật ấy chỉ tồn tại ở Hóa Ngoại Thiên...

- ----------------------------------

Chú thích của người dịch: chữ "Thiên" trong tên người bằng hữu của Thanh Dương Tử là "thiên" trong "thiên binh vạn mã", nghĩa là "nghìn", không phải "trời". Chữ "Thiên" trong tên ưng yêu mới có nghĩa là "trời". Thế nên Thanh Dương Tử nói đôi bên chỉ trùng nhau 1 chữ "Cửu" là vậy.
Chương trước Chương tiếp
Loading...