Bạch Cốt Đạo Cung

Quyển 1 - Chương 8: Thông Thiên Quán



Dịch giả: Hoa Gia Thất Đồng

Thanh Dương Tử bước đi giữa thâm sơn, thân ảnh của y tựa như chiếc bóng huyễn ảo.

Có dã thú chốn sơn lâm trông thấy, bèn co mình lẩn tránh thật xa. Lại có mãnh hổ lao về phía y, song chỉ lao hụt vào khoảng trống. Khi nó tìm kiếm lại lần nữa, kẻ mà nó trông thấy đã biến đi đâu mất. Mãnh hổ lại đánh hơi, lùng sục tứ bề. Rồi đột nhiên, nó giật bắn mình, vắt giò chạy tít vào rừng sâu.

Lúc này, ý thức của Thanh Dương Tử đã hoàn toàn chìm đắm trong pháp ý “huyễn”, “không”. Hai thứ pháp ý ấy bao phủ lấy y, khiến mỗi nhất cử nhất động của y đều biểu lộ ra bên ngoài.

Pháp ý bảng lảng, quẩn quanh trong cõi lòng y.

Trùng trùng pháp thuật cũng tựa như dòng nước, từ trong lòng Thanh Dương Tử tuôn chảy ra ngoài một cách rất tự nhiên...

oooOoOoOooo

Qua mấy ngày sau, Thanh Dương Tử đến được thành đô của nước Nguyên - Thượng Kinh - tọa lạc trong Bạch Nguyên Châu. Y ghé vào một tửu lầu, gọi là Bạn Tiên Lâu.

Thế nhân đều cho rằng, kẻ tu hành đều không cần phải ăn uống, đó là một loại ngộ nhận. Nếu không ở nơi trần thế, đương nhiên tu giả không cần phải ăn thức ăn của nhân gian, bởi họ còn có rất nhiều thứ khác để dùng thay, mà chính yếu nhất là linh lộ(*) từ bên ngoài Cửu Thiên giáng xuống.

(*) “Lộ”: sương

Ở nhân gian này không thể ăn được những thứ đấy, vậy nên y tất phải ăn cơm. Mà thực ra, y cũng không nhất thiết phải ăn đều đặn mỗi ngày ba bữa như phàm nhân thế tục.

Tửu lâu này không đông khách, nhưng thoạt trông những người đang ngồi đấy, nếu không phú thì cũng quý, có thể thấy việc đến đây dùng cơm không hề rẻ.

Thanh Dương Tử lên đến tầng hai, y tìm một chỗ ngồi cạnh cửa sổ. Tiểu nhị ra chào hỏi, y chọn bừa vài món thanh đạm rồi nhấp khẽ một ngụm trà để sẵn trên bàn. Ngồi ở bên bàn đối diện là một nữ tử có lẽ tầm khoảng hai mươi tuổi, bấy giờ đang hùng hùng hổ hổ ăn lấy ăn để những thức ăn trên bàn, bưng cả bát ăn lên lùa cơm. Có vẻ như nàng đã đói lắm rồi.

Trên bàn ăn của nữ tử có đặt một thanh trường kiếm. Thân nàng khoác một chiếc áo choàng, ngoài phủ màu đen, trong ánh sắc đỏ. Bên trong lớp áo choàng ấy, nàng mặc một cái giáp da nhỏ ôm sát thân người, hai cổ tay cũng có lớp bảo vệ bó chặt lấy ống tay áo, dưới chân mang một đôi ủng dính đầy bùn đất, dường như đã đi qua không ít đoạn đường.

Không có ai ngồi cùng nữ tử ấy. Xem cách phục sức, có thể thấy nữ tử chắc chắn phải xuất thân từ gia đình phú quý, bằng không, nàng sẽ chẳng thể có lối ăn vận thế này. Lại thêm, với viên bảo thạch khảm vào cán kiếm đặt trên bàn nàng, những gia đình giàu có thông thường cũng không thể có được.

“Tiểu nhị, ngựa của ta ngươi đã cho ăn xong chưa?” Nữ tử đó ngẩng đầu lên hét lớn một tiếng. Thanh âm của nàng tuy trong trẻo, song giọng nói lại rất lớn.

Tiểu nhị đó nhanh nhảu trả lời: “Dạ khách quan, tiểu nhân đang cho ăn đây!”

“Phải dùng loại thức ăn cho ngựa tốt nhất đó. Bằng không, ngựa của ta ăn xong gặp chuyện, các ngươi đền không nổi đâu!”

“Cho ăn bằng lúa mạch thượng đẳng trộn với cỏ dạ quang đó, khách quan cứ yên tâm.”

Nữ tử đó không nói nữa, có điều tốc độ ăn của nàng rõ ràng đã chậm lại. Động tác vừa chậm lại, liền có thể nhìn ra nàng chắc chắn đã được gia giáo tốt ngay từ thuở nhỏ. Tư dung cùng khí chất ấy, không phải là thứ những gia đình bình thường có thể dạy dỗ nên được.

Khi ngẩng đầu lên, nàng cũng trông thấy Thanh Dương Tử đang nhìn mình. Có điều, ánh mắt nàng chỉ đọng lại trên người y một lúc, nàng lại gắp thức ăn ăn tiếp. Qua một đỗi, nữ tử đó lại cao giọng nói: “Tiểu nhị, dắt ngựa của ta ra phía trước coi!”

“Vâng vâng…”

Có kẻ ra dắt ngựa giúp nữ tử, song nữ tử ấy vẫn ngồi bất động tại chỗ. Thanh Dương Tử bấy giờ đang ngồi bên cửa sổ, y trông thấy dưới lầu có một con ngựa màu xanh được dắt đến. Con tuấn mã đó trông cao lớn lại thần dũng.

Chính vào lúc ai nấy đều nghĩ nữ tử kia sẽ đứng dậy trả tiền, nàng ta lại đột nhiên phóng qua cửa sổ rồi nhảy vọt ra, rơi thẳng xuống lưng con thần mã. Vừa cất tay một cái, nàng ta đã đoạt được cương ngựa từ tay tên dắt ngựa.

Tuấn mã hí vang một tiếng, cất vó chực lao đi.

Tay dắt ngựa giật bắn mình, nhưng gã lập tức vọt lên chặn trước đầu ngựa, la lớn: “Khách quan, ngài... ngài trả tiền cơm chưa?”

Nếu nữ tử ấy đã trả tiền thì gã đã giao ngựa cho đối phương rồi, đằng này gã lại không rõ nữ tử có để tiền lại hay không. Gã phải có trách nhiệm trong chuyện này.

Đúng lúc đó, trong tửu lâu có kẻ hét lớn: “Chớ để ả ta đi, ả ta còn chưa có trả tiền cơm…”

Nghênh ngang trên lưng con tuấn mã xanh, mình khoác áo choàng đen, tay chấp thanh trường kiếm, nữ tử cười lớn, nói: “Bữa ăn mà bản cô nương ăn hôm nay chính là bữa ăn bá vương đó!”

Lời vừa dứt, đôi chân thon dài kẹp lấy bụng ngựa. Con ngựa bị dây cương vụt trúng đầu, bèn tháo chạy, xông qua một bên người tay dắt ngựa bấy giờ đang đứng cản lối. Tay dắt ngựa bị ép qua một bên, lùi liên tiếp mấy bước rồi té phịch xuống đất, dập cả mông.

Một đám người tay cầm gậy gỗ xông ra từ trong tửu lâu, muốn đuổi theo nữ tử cưỡi ngựa đó. Song bấy giờ, người qua kẻ lại trên phố không nhiều, nữ tử ấy phóng ngựa lao đi trên con đường này như thể cá lội trong nước, chớp mắt đã xa chạy cao bay, không thể nào đuổi kịp.

Những chuyện thế tục này xảy ra ngay trước mắt Thanh Dương Tử, mà lại như cách y muôn trùng diệu vợi. Kể từ thời khắc quyết định trở về sư môn, thì lòng Thanh Dương Tử đã đoạn tuyệt với nhân gian này. Trên con đường quay về ấy, trái tim y vốn vì chuyện sư môn gặp nạn mà có chút nôn nóng cũng đã dần bình tĩnh trở lại. Thế nhưng hiện giờ, ở chốn nhân gian này, y vẫn còn một mối trần duyên cuối cùng hãy còn chưa đoạn diệt.

Y cứ thế đi một mạch đến Lạc Hà Sơn, nơi đây cách Lạc Tích chỉ hơn trăm dặm mà thôi.

Khi Thanh Dương Tử tới dưới chân núi Lạc Hà thì trời cũng vừa sập tối. Lạc Hà Sơn không cao, cũng không coi là hiểm trở, có điều đó không phải là một quả núi đơn độc, mà là do ba đỉnh núi hợp thành. Đỉnh cao nhất, khó lên nhất trong số ba đỉnh núi đó, chỉ có độc một con đường ngoằn ngoèo uốn lượn vòng quanh. Trên đỉnh ấy có một ngôi đạo quán, gọi là Thông Thiên Quán.

Trong quán chỉ có mỗi một lão đạo sĩ cùng một tiểu đạo sĩ, hương hỏa không vượng. Phía trước đạo quán có một khoảnh đất trống cũng không lớn lắm. Khi lên đến đỉnh núi, Thanh Dương Tử đi vòng qua tảng đá to thô ráp ở cuối con đường núi quanh co, hiện ra trước mắt y bấy giờ là mười mấy con người, nam có nữ có, lão già có, thiếu niên cũng không thiếu.

Khi Thanh Dương Tử xuất hiện, bọn họ từng người một đều nhìn về phía y. Thanh Dương Tử không hề ngỡ ngàng khi có quá nhiều người như thế ở đây ngay lúc này, bởi ngày mốt đã là “Thăng tiên đại hội”.

“Thăng tiên đại hội” là cách nói của nhân gian. Nếu hai mươi năm trước Thanh Dương Tử không bị trục xuất khỏi sư môn, có lẽ lần này y đã phải dẫn dắt chúng sư đệ sư muội đến đây chiêu đệ tử.

Thanh Dương Tử nghe thấy có người nhỏ giọng nói: “Lại thêm một kẻ nữa đến. Xem kẻ này dung mạo bất phàm, xứng đáng là địch thủ ngang tài ngang sức với ta đấy.”

Người nói câu đấy là một lão nhân trông diện mạo khá hồng hào, nhưng mái đầu đã điểm bạc. Lão cũng là tu sĩ, nhưng là một tu sĩ điển hình trong nhân gian. Tu sĩ nhân gian tu hành dựa trên những đại đạo yếu quyết mà các môn các phái của thượng giới để tản mác trong nhân gian. Họ thông qua những đại đạo yếu quyết ấy nắm bắt một phần pháp ý tán loạn trong trời đất, lại thông qua phục đan thực khí, phép luyện thể và thuật thái dương(*), giúp nhục thân tích lũy được linh lực.

(*) “Thuật thái dương”: chữ “thái” trong cụm từ này có nghĩa là “hái lấy”, “ngắt lấy”, “bẻ lấy” v.v. Cho nên “thái dương” ở đây không có nghĩa là mặt trời, mà đại khái có thể hiểu là “hái lấy”, “đón lấy” khí dương.

Với Thanh Dương Tử mà nói, pháp thuật của bọn họ chẳng đáng là gì, nhưng trong mắt của những kẻ phàm tục thì đó đều là công phu của bậc thần tiên.

Đối với tu sĩ nhân gian, Lạc Hà Sơn Thăng Tiên Đài không thể coi là bí mật chi to tát. Từ đêm nay đến ngày mai, sẽ không ngớt có người tìm đến. Đông người, đương nhiên sẽ có sự cạnh tranh. Thế nhưng bọn họ đâu hay biết, rằng những tranh chấp ấy thực ra không hề tồn tại, bởi lẽ các môn các phái khi chiêu mộ đệ tử đều không có hạn định về người, chỉ cần phù hợp tiêu chuẩn, các phái đều sẽ thu nhận, có chăng là đa phần những người đến tham dự đều không phù hợp mà thôi.

Độ Trần Kim Kiều nối liền Thăng Tiên Đài với bỉ ngạn, ở bờ đó không chỉ có mỗi Thiên Diễn Đạo Phái, mà còn có hai môn phái khác, lần lượt là Thương Lãng Kiếm Cung và Pháp Hoa Mật Tông.

Thanh Dương Tử lần bước đến Thông Thiên Quán. Ngước trông Thông Thiên Quán trước mắt mình, lòng y bỗng cảm khái, tháng năm sao thực tàn khốc. Năm đó y được dẫn đi từ nơi này. Có điều, nếu không tính khoảng thời gian hai mươi năm y rời khỏi Thiên Diễn Đạo Phái, thì ký ức duy nhất của y về trần thế chỉ còn lưu giữ lại nơi đây, tại Thông Thiên Quán này.

Lách qua đám người đứng rời rạc ở bãi đất trống phía trước đạo quán, y đến trước cửa Thông Thiên Quán. Trong quán đã điểm sẵn một ngọn đèn cầy lớn. Dưới ánh đèn chiếu rọi, khung cảnh bên trong hiện ra trước mắt y.

Nơi đây chẳng có lấy bất kỳ một pho tượng nào, có chăng chỉ là một bức bích họa trên tường. Trong bức họa là một ngọn núi, trên đỉnh núi, cầu vồng tiếp liền chân mây.

Ngọn núi đó chính là ngọn Lạc Hà Sơn này, cầu vồng ấy cũng chính là Độ Trần Kim Kiều.

Trong đạo quán cũng còn hai người nữa, nhưng họ đều không phải là chủ nhân của ngôi Thông Thiên Quán này. Một người trong số họ đang đứng trước bức họa, một người còn lại đang đứng xem một bức văn tự. Bức văn tự đó là do Thanh Dương Tử viết, cũng chính là nguồn gốc đạo hiệu của y:

“Thanh đăng bất chiếu hỗn độn thiên,

Nhất điểm nguyên dương tâm trung niệm.”

(Tạm dịch:

Đèn trong chẳng chiếu trời hỗn độn,

Một điểm nguyên dương, niệm trong lòng.)

Lúc Thanh Dương Tử nhìn thấy bức văn tự ấy, những ký ức về Thông Thiên Quán bỗng chốc như tuyết đầu xuân, nhanh chóng tan chảy, hóa thành dòng nước mùa xuân cuộn róc rách trong lòng y.

Thực ra, Thanh Dương Tử có đến hai vị sư phụ, một người chính là Linh Thông Tử của Thiên Diễn Đạo Phái, người còn lại, hóa ra lại chính là vị đạo sỹ già trong Thông Thiên Quán này: Bất Chấp Đạo Nhân.

Lúc y theo Linh Thông Tử rời đi, Bất Chấp Đạo Nhân đã bảo y để lại nơi trần thế này vài phần ý niệm. Lão đạo sỹ đã nói: tiên cũng là người, không kẻ nào lại chẳng thành tiên.

Đứng trước cửa đạo quán, Thanh Dương Tử cảm nhận trọn vẹn bầu không khí thân quen lại có phần lạ lẫm của nơi đây. Ký ức tràn về theo dòng hồi tưởng trong lòng, khiến tâm cảnh cũng có sự biến hóa, Thanh Dương Tử cố gắng cảm nhận, nếm trải khoảnh khắc đó.

Chính lúc này, lại có một người nữa tiến vào trong đạo quán. Đó là một người trung niên đầu tóc đen nhánh rậm rạp, ăn mặc giản dị, nhưng lại khoác cẩm bào quý phái. Theo bên cạnh quý nhân trung niên ấy còn có một người trẻ tuổi. Bên hông người thanh niên này có đeo một thanh trường kiếm, vỏ kiếm màu trắng. Hai người đi một mạch vào bên trong quán, cứ như thể lão gia về nhà chẳng khác.

Chẳng mấy chốc, Thanh Dương Tử nghe thấy có tiếng tranh cãi rất khẽ từ bên trong vẳng ra. Thần niệm của y khẽ động, cuộc đối thoại nơi hậu điện đều lọt hết vào tai y.

Người đang nói chuyện là một tiểu động, kẻ còn lại chính là người thanh niên lanh lợi hông đeo trường kiếm vừa nãy.

“Sư phụ đã đổ bệnh rồi, người vừa mới ngủ được một lát, sao có thể lay tỉnh? Người thực sự không thể ra khỏi tịnh thất được, hai vị xin chớ tự tiện...”

Nghe đến đây, Thanh Dương Tử liền đi thẳng vào hậu điện. Trong lúc đi, y lại nghe thấy giọng của thanh niên đeo trường kiếm đó lạnh lùng cất lên: “Ngươi biết rõ thân phận của sư phụ ta! Với tu vi như thế, lão Hồ Bất Chấp ấy làm sao có thể đổ bệnh. Lời bịa đặt mà ngươi cũng dám đem ra lừa ta sao? Mau đi lôi lão ra khỏi tịnh thất, bằng không, Thông Thiên Quán này phải bị thanh lý môn hộ thôi!”

Hồ Bất Chấp là tên tục gia của Bất Chấp Chân Nhân. Thanh niên này gọi thẳng thừng ba chữ “Hồ Bất Chất” cũng chính là đại bất kính với Bất Chấp Chân Nhân.

Đứng trước mặt thanh niên hông đeo trường kiếm ấy là một đồng tử chừng mười hai, mười ba tuổi, không chênh lệch nhiều về tuổi tác với Ô Phượng Lan Thạch.

Có điều, nếu so với Ô Phượng Lan Thạch, thì thằng bé này không trầm tĩnh như đồ đệ của Thanh Dương Tử, song lại trông sáng sủa, lanh lợi hơn. Thế nhưng, bất luận thế nào, nó cũng còn quá nhỏ tuổi, gặp phải chuyện như thế này sẽ lộ rõ vẻ khẩn trương và sợ sệt. Kỳ thực, dẫu có là người trưởng thành đi chăng nữa, gặp chuyện như vậy cũng chưa chắc có thể giữ được thái độ an nhiên.

Người trung niên ban nãy đi cùng gã thanh niên đó lại chắp tay sau lưng, đứng một bên ngắm trời, cứ như thể sự việc xảy ra ngay đấy không có chút mảy may dính dáng gì đến ông ta.
Chương trước Chương tiếp
Loading...