Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Quyển 2 - Chương 28



Sau hiệp định ký với Auriol, Bảo Đại chuẩn bị rời Cannes để trở về nước. Lại một lần nữa, Việt Nam chuẩn bị đón cựu hoàng Bảo Đại hồi loan. Giống như năm 1932, người Pháp phải nghĩ cách làm sao cho lần trở về nầy thật rầm rộ có đông đảo dân chúng đón tiếp với đủ cờ quạt kèn trống… Có khác tình hình năm 1932 là lần nầy đối thủ của ông mạnh mẽ hơn nhiều. Đó là cuộc kháng chiến của cả một dân tộc đi theo ngọn cờ cứu nước của Việt Minh.

Tại Sài Gòn, khi mặt trời lên cao quang canh đường Catinat mới thức giấc bắt đầu cuộc sống nhộn nhịp thường lệ. Các sân thượng còn vắng khách. Phần lớn ghế ngồi đêm trước còn ngổn ngang trên mặt đường, giờ nầy còn chất đống trong các tiệm cà phê có nhiều lớp rào thép bao quanh. Xa xa, trên sân thượng khách sạn Continental, mấy anh nhà báo đang dùng bữa điểm tâm. Còn ở đây ngay trên đường nhựa, đám ăn mày đang mơ màng ngủ gà ngủ gật.

Thoạt đầu một tờ truyền đơn từ trên cao rơi xuống bên cạnh một người ăn mày. Rồi nhiều tờ khác bay là là rơi xuống ban công các nhà hai bên đường phố.

Nhiều tờ khác màu xám như những con chim hay lá cây lướt nhẹ rơi xuống các góc phố ở trung tâm. Những người đi đường nhặt lên, bắt đầu đọc, và vứt vội đi như không muốn đọc hết.

Cách tán phát truyền đơn của Việt Minh khá tài tình. Truyền đơn được nhúng ướt rồi đặt trên nóc nhà hay mui xe ôtô vào ban đêm. Sáng ra, chúng được những tia nắng ban mai sấy khô từng tờ một, gió thổi bay khắp nơi theo từng đợt. Rải rác trong ngày, khắp thủ phủ của Nam Bộ người ta nhận được lời lên án sau đây của kháng chiến:

“Hỏi rằng: ai đã long trọng thề trước dân chúng: “Thà làm công dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”.

- Đó chính là Bảo Đại!

Ai đã nhận nhiệm vụ làm cố vấn tối cao cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà rồi trôn ra nước ngoài, ăn chơi trác táng?

- Đó chính là Bảo Đại!

Ai đã xin tiền của Pháp, Mỹ để sống xa hoa, đàng điếm và đế trả ơn quan thầy, đã quỳ gối ký các hiệp định Vịnh Hạ Long và hiệp ước Auriol?

- Đó chính là Bảo Đại!

Nối nghiệp bán nước của cha ông trong dòng họ, một tên vua chỉ biết sông truỵ lạc trong bùn nhơ, nay lại nhận tiền của kẻ thù, làm tay sai cho chúng, tàn sát đồng bào, còn tự xưng là cứu tinh của Tổ quốc.

Tên vua đó phải bị toàn dân Việt Nam nghiêm trị!

Đả đảo tên phản bội Bảo Đại!

Đả đảo Bảo Đại bán nước!

Đả đảo Bảo Đại mất gốc!

Đả đảo Bảo Đại rước voi về dày mả tổ!

Ngày 26 tháng 4 năm 1949, chỉ huy trưởng lực lượng kháng chiến toàn Nam Bộ ra lệnh: “Quân đội vùng duyên hải phải sẵn sàng chiến đấu, liên tục tiến công, thực hiện phá hoại, bắn máy bay…”.

Cùng thời gian đó, mỗi tỉnh phải bốc thăm cử ra bốn người một tỉnh, họp thành một tổ tình nguyện gọi là “ban ám sát” vào Sài Gòn làm nhiệm vụ thủ tiêu Bảo Đại.

Một truyền đơn ký tên “Uỷ ban kháng chiến Sài Gòn – Chợ Lớn” hạ lệnh làm vườn không nhà trống tẩy chay các hoạt động đón tiếp Bảo Đại về nước làm tay sai cho Pháp: Tất cả các nhà phải đóng cửa, không được ra ngoài phố. Bãi chợ, cấm mua bán vào ngày đó…

Lạ lùng là tin Bảo Đại về nước đã dấy lên một cơn sốt cá cược: giờ nào, ngày nào, cựu hoàng sẽ về nước như thế nào. Đặt cược thì to, người được thì hiếm. Trái với mọi chờ đợi, Bảo Đại không về Sài Gòn mà về Đà Lạt. Đến Singapore ông thuê một máy bay đặc biệt bay về thành phố nhỏ miền núi để tránh một cuộc đón tiếp linh đình hay một cuộc tẩy chay hay để giữ thể diện vì Pháp không chịu để ông về ở tại dinh Norodom (tức Phủ Toàn quyền cũ tượng trưng cho quyền lực toàn quốc). Chọn Đà Lạt cũng còn có nghĩa ông không dấn thân hoàn toàn vào chiến tranh.

Chiếc Dakota hạ cánh xuống đường băng Liên Khương, cách biệt giữa rừng, cách Đà Lạt khoảng mươi cây số. Cao uỷ Léon Pignon đọc một diễn từ ngắn chào mừng. Một hàng dài quan lại, mặc quốc phục nghênh đón cựu hoàng. Cờ hiệu màu vàng Nhà vua phấp phới bay trên nóc phi trường. Tất cả hầu như đã được biết trước. Nhưng Bảo Đại giữ vẻ mặt u buồn. Ông ta đọc một bài diễn văn nhạt nhẽo. Nhà báo Lucien Bodard kể lại: “Kết thúc bài diễn văn, cựu hoàng chui vội vào chiếc xe limousine to tướng đưa ông về biệt thự của ông nằm sâu giữa rừng. Tất cả có vẻ “giả dối, qua quýt”.

Mấy tuần sau, vào tháng 6, Bảo Đại mới long trọng vào Sài Gòn.

Như đã dự kiến, không xảy ra chuyện gì khi Bảo Đại về Sài Gòn. An ninh được tăng cường nghiêm ngặt. Ba tên khủng bố sắp ném lựu đạn vào xe của Bảo Đại thì bị bắt rất kịp thời. Nhưng cờ quạt ít. Chỉ một dúm người đứng dọc đường đi qua. Một số báo giải thích sự thiếu nồng nhiệt ấy là do dân sợ Việt Minh trả thù.

Phần đông dân Nam Bộ không biết đến hoặc ác cảm với cuộc trở về đó Bảo Đại cũng như Triều đình nhà Nguyễn trước kia vốn không được dân Nam Bộ coi trọng.

Tuy nhiên sức hấp dẫn cá nhân và sức lôi cuốn tự nhiên của cựu hoàng, thái độ thoải mái, điềm đạm cố ý giản dị của ông ta và sự hiểu biết hoàn hảo tâm lý quần chúng và tâm hồn Việt Nam đã khiến ông giành được cảm tình của dân chúng miền Nam. Trong một bức điện gửi về cho bà Nam Phương ở lại Cannes, Bảo Đại viết: “Chuyến về Sài Gòn tuyệt hảo. Đón tiếp rất vui!”.

Một tháng sau, ông về Huế, nhưng chỉ đơn giản là về thăm. Đế đô vẫn luôn trong tình trạng chiến tranh, kể từ 9 tháng 3 năm 1945, khi Nhật lật đổ chính quyền của Pháp. Mặc dù thành phố Huế vẫn bị lực lượng kháng chiến bao vây uy hiếp nhưng lệnh giới nghiêm đã được rút từ chín giờ tối xuống nửa đêm, để dân chúng đế đô mở hội mừng Bảo Đại trở về, dù ông chỉ lưu lại có vài giờ. Hoàng thành mở rộng cửa. Nhân dân tạm quên những bức tường cháy sém và hình ảnh cầu Trường Tiền chìm sâu dưới dòng nước sông Hương thơ mộng. Bảo Đại mở một bữa tiệc lớn trong những ngôi nhà thoát khỏi bom đạn và đám cháy, trong phòng thiết triều và trong một phần cung điện ông ở trước kia. Ai có thể tin được cuộc tái ngộ giữa cựu hoàng và đế đô? Như bài tường thuật tô hồng của báo giới và của chính Bảo Đại: “Kỳ lạ là đám quần chúng cố đô có vẻ như hối hận, đã đẩy tôi tới chỗ phải bỏ ngai vàng bốn năm trước. Không phải là cái hân hoan tôi đã thấy ở Sài Gòn và sẽ thấy lại ở Hà Nội”. Hàng ngàn người dân xứ Huế đã đốt những đèn màu sặc sỡ kéo đến cửa Ngọ môn, cái cửa lớn uy nghi và đồ sộ, may mắn còn lại sau cơn binh lửa. Tối đó, Huế như sống lại sau bốn năm chiến đấu và sợ hãi. Bữa tiệc kết thúc, diễn ra một “dạ hội kiểu Venise”. Hội hoa đăng cổ truyền được tổ chức trên sông Hương: hàng trăm thuyền bè đèn thắp sáng trưng lướt trên nước, trên thuyền là những vũ công mang mặt nạ. Nhã nhạc tưởng như bị quên lãng nay lại tưng bừng vang lên từ những quả đồi. Lễ hội kết thúc vào nửa đêm trong niềm vui. Nhưng chỉ ba giờ sau, một loạt đạn súng cối rơi cách tường thành vài mét. Từ bốn năm nay các cuộc chiến đấu chưa bao giờ thật sự chấm dứt ở cố đô Huế.

Chữ ký trên hiệp định ở điện Elysée không chấm dứt được không khí sục sôi chính trị ở Huế. Bảo Đại không dám lập lại Triều đình. Với danh nghĩa “Quốc trưởng” ông cai trị một đất nước gồm có ba “kỳ” nhưng mỗi “kỳ” vẫn giữ bản sắc riêng, cả ba đều thường xuyên xảy ra khủng hoảng.

Cơ quan tuyên truyền tổ chức các chuyến viếng thăm, các cuộc gặp gỡ, các cuộc biểu tình hoan nghênh “quốc trưởng”, cố gắng phát huy tinh thần quốc gia.

Tháng 6 năm 1951, Bảo Đại tổ chức lễ hội “thống nhất quốc gia”. Các đại biểu ba miền Bắc, Trung, Nam, đại biểu các dân tộc thiểu số đổ về Sài Gòn, mang theo một nắm đất quê hương. “Quốc trưởng” trịnh trọng trộn lẫn các nắm đất ấy tượng trưng cho sự thống nhất các “miền đất” trong nước. Một trăm nghìn người dự cuộc lễ ấy hoan hô như sấm dậy khi Bảo Đại đổ đất đã trộn vào đầy các bình đặt trên “bàn thờ Tổ quốc”. Tiếp đó khắp các miền trong nước, nhiều lễ nghi tôn giáo được cử hành cùng với các cuộc diễu hành quần chúng rầm rộ để biểu dương sự kiện trọng đại nầy.

Hoạt động tiếp theo là làm sao để những điều khoản trong hiệp ước Auriol – Bảo Đại được thực hiện, nếu không thế thì độc lập chỉ là một từ rỗng tuếch.

Công việc nầy không dễ dàng chút nào. Chiến tranh đang tiếp diễn. Mặt trận quân sự phải được ưu tiên. Ai cầm súng người đó nắm thực quyền. Những năm 50, trong vùng tạm chiếm, quyền hành thực sự nằm trong tay đội quân viễn chinh đông tới hai trăm năm mươi nghìn người. Đó là những quyền quản lý hành chính đối với dân chúng trong vùng chiếm đóng, quyền thu thuế, quyền trị an. Bảo Đại phải vật lộn, đấu tranh giành giật từng quyền một cho đến ba năm sau mới đạt được một hiệp định mới về chuyển giao quyền hành cho “Chính phủ quốc gia Việt Nam” và “Đức Quốc trưởng Bảo Đại”, lúc đó đã quá muộn(1). Trong lúc thế trận chưa ngã ngũ dám tướng tá Pháp hành động y hệt như năm 1884, sau hiệp ước bảo hộ hay như năm 1933, ban hành những biện pháp đảm bảo quyền tự trị cho Triều đình Huế, chẳng dếm xỉa bao nhiêu đến những điều khoản chính trị trong hiệp ước vừa ký kết. Vả lại, thời gian nầy giới chóp bu trong bộ máy cầm quyền ở Pháp chưa có ý định trao trả độc lập tự do thực sự cho nhân dân các nước thuộc địa.

Không tham khảo ý kiến của ai, Bảo Đại tiếp xúc với người Xiêm, nhất là người Mỹ. Một báo cáo mật của cơ quan tình báo Pháp (DST) viết: “Ông ta – chỉ Bảo Đại – tiến hành những cuộc thương thuyết với nước ngoài mà không cho Paris biết. Mục đích là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của hai nước lớn trong Liên hợp quốc để gây sức ép với chính phủ Pháp nhanh chóng thực hiện những điều khoản trong hiệp ước Pháp – Việt, rồi thoát ly khỏi ảnh hưởng của Pháp, gia nhập phe Mỹ”. Hơn nữa bản báo cáo mật còn tiết lộ Bảo Đại có lẽ đã thoả thuận với Đài Loan, để tranh thủ sự ủng hộ của ba trăm nghìn Hoa kiều ở Đông Dương “giúp vào việc bình định Đông Dương”(2).

Cuối cùng cựu hoàng đấu tranh để thành lập cho được quân đội của riêng mình được mệnh danh quân đội quốc gia, người đương thời còn gọi là quân đội Bảo Đại gồm toàn người Việt Nam, có quân phục và quân hiệu Việt Nam, có quân số nhảy vọt từ hai mươi nhăm nghìn năm 1949 đến gần hai trăm nghìn năm 1954, có đủ các quân binh chủng lục, hải, không quân, dĩ nhiên được trang bị tốt bằng vũ khí Mỹ, do sĩ quan Pháp huấn luyện, do Bộ tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp điều động tác chiến, dưới cái tên chung mang tính lừa bịp là quân đội Liên hiệp Pháp. Mặc dù ông xuất hiện bên cạnh tướng lĩnh Pháp trong lễ diễu binh các đại đội sĩ quan mới ra lò trong lễ quốc khánh Pháp 14 tháng 7 năm 1951, lớn tiếng hô hào thanh niên vùng tạm chiếm sung vào quân ngũ coi đó như “lực lượng xung kích, đi tiên phong trong công cuộc bảo vệ nền độc lập” nhưng chắc hẳn ông không không mấy tin tưởng về khả năng chiến đấu và tiền đồ của đội quân ấy nên ông nhất định can ngăn con trai ông không cho về nước học trường võ bị Đà Lạt để ra làm sĩ quan cho “quân đội quốc gia”. Sau lệnh tổng động viên của “Quốc trưởng Bảo Đại”, sáu mươi ngàn người sẽ được bổ sung vào quân đội quốc gia chiến đấu bên cạnh quân đội viễn chinh Pháp chống lại lực lượng kháng chiến của ông Hồ Chí Minh.

Cựu hoàng tỏ ra “có tinh thần trách nhiệm hơn”, có vẻ “dấn thân hăng hái hơn” phần lớn là do công của Jean de Lattre de Tassigny, viên tướng năm sao đầy tự tin, lần đầu tiên nắm quyền cao nhất cả quân sự lẫn chính trị ở Đông Dương: vừa là Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh vừa là Cao uỷ(3). Ông được bổ nhiệm sang Đông Dương tháng 12 năm 1950 trong lúc quân đội viễn chinh Pháp đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất sau thất bại ở biên giới Việt – Trung vào tháng 9 năm 1950 đến mức tướng Carpentier, người tiền nhiệm của ông, đã tính đến một cuộc rút lui khỏi Hà Nội để về cố thủ tại miền duyên hải Hải Phòng – Hòn Gai. Nhưng không đầy một tháng sau khi tới Đông Dương, vị tổng chỉ huy mới đã đánh bại tướng Giáp ở Vĩnh Yên, cách thủ đô khoảng một trăm cây số về phía bắc. Tuy phải trả giá đắt nhưng dù sao cũng là một trận thắng, giữ được phòng tuyến trung du, đẩy lùi cuộc tiến công của Việt Minh về đồng bằng và Hà Nội, khôi phục niềm tin cho đội quân viễn chinh sau nhiều tháng sa sút. Nhưng Bảo Đại lúc đầu tỏ ra không tin tưởng con người bé nhỏ luôn luôn năng động trái ngược hẳn với tính cách của ông cũng như thái độ đối với cuộc chiến. Cựu hoàng vẫn để gia đình sống an bình ở Cannes, can ngăn con trai ông không được về nước chiến đấu chống Việt Minh. Trái lại, tướng De Lattre, mệnh danh là “vua Jean” đưa vợ sang sống ở Hà Nội và con trai yêu quý của ông chết trận ở đồng bằng sông Hồng cho sự nghiệp mà ông gọi là “giải phóng Việt Nam khỏi hiểm hoạ Cộng sản”.

Ngày tháng trôi qua, vị chỉ huy chiến tranh và cựu hoàng đi từ lạnh nhạt đến cảm phục nhau, kính trọng nhau, mời mọc đãi đằng nhau, không tiếc lời tâng bốc nhau, ít ra là bề ngoài.

Bảo Đại khi mới về nước sống gần như ẩn dật ở Đà Lạt hay Buôn Ma Thuột, mê mải săn bắn, đánh bạc hơn là chuyện chính trường nay đã bớt xa lánh các cuộc họp, chịu tham gia bàn bạc chuyện đại sự, bớt tránh né các cuộc liên hoan hội hè đông người, và tham dự các cuộc diễu binh, diễu hành với cương vị một Quốc trưởng không thể vắng mặt.

De Lattre không chỉ bằng lòng với việc “lên gân cốt” đám sĩ quan, binh sĩ người Pháp và Việt dang rệu rã tinh thần trên các chiến trường Đông Dương. Ông còn làm vai trò trạng sư bênh vực cho “giải pháp Bảo Đại” ở nước ngoài. Ông sang tận Hoa Kỳ để xin tiền và vũ khí.

Khi De Lattre từ Mỹ trở về, Quốc trưởng đã tổ chức một cuộc chiêu đãi long trọng tại dinh Gia Long để đón mừng kết quả chuyến công du. Hôm đó có mặt toàn bộ các thành viên chính phủ Việt Nam, Đoàn ngoại giao, và các tướng lĩnh của hai quân đội Pháp-Việt.

Trong lời chào mừng, Bảo Đại không tiếc lời ca ngợi De Lattre: “Nhân dân Việt Nam biết đã chịu nhiều ân nghĩa đối với ngài không thể kể hết. Để tỏ lòng biết ơn, nhân dân Việt Nam thấy mình phải lớn mạnh lên, ý thức được sự trong sáng của những ý định của ngài và sẽ không đế ngài phải thất vọng…”. Tướng De Lattre đã đứng suốt thời gian Bảo Đại đọc diễn văn. Đến lượt ông đáp từ bằng những lời hoa mỹ không kém: “Cựu hoàng Bảo Đại là biểu tượng, là điểm tựa cần thiết cho sự thông nhất của Việt Nam. Người kế vị trẻ và hiện đại của một triều đại lâu đời, chỉ mình ông mới có thể cứu rỗi được tâm hồn An Nam. Ngài là cội nguồn của sự hữu hiệu của đất nước vì ngài đã thể hiện ý chí chiến đấu của nhân dân”.

Tất cả xem ra đều có thể trở thành hiện thực. Nhưng hai tháng sau bữa tiệc nầy, De Lattre phải nhập viện. Ông chết ở đó vì căn bệnh ung thư ngày 11 tháng Giêng năm 1952.

“Quân đội quốc gia” tiếp tục tồn tại sau khi cha đẻ của nó là tướng De Lattre đã bỏ biết bao công sức để sinh thành nhưng qua đời quá sớm. Tiếp đó đến lượt thủ tướng được Bảo Đại bổ nhiệm sẽ cổ vũ tuổi trẻ Việt Nam lao vào cuộc chiến.

Có thể nói rằng cuộc thử nghiệm Bảo Đại đã thành công? Không. Chính cựu hoàng cũng có cảm tưởng rằng ông chẳng tin tưởng gì vào hành động của ông.

Từ đây ông không rời cặp kính đen nữa, cứ thấy ánh nắng mặt trời gay gắt là chảy nước mắt. Dù đứng thẳng và cứng nhắc trong trang phục đại lễ hay vô cùng lịch sự trong bộ âu phục, ông không giấu nổi vẻ u sầu luôn đeo đẳng trong người. Có phải do quá nhiều cuộc săn bắn, quá nhiều lần lưu trú tại Pháp, quá nhiều tai tiếng eo xèo về cuộc sống truỵ lạc? Có thể do quá biếng nhác. Hình như ông là con người ít hoạt động. Khó mà gặp được ông, ông gần như dửng dưng với tất cả.

Tuy nhiên ông cố đóng vai trò của một nguyên thủ quốc gia. Ông chỉ định, bãi chức các thủ tướng(4), tưởng như mình là chất gắn kết ba miền đất nước. Nhưng chỉ là thân phận bù nhìn. Ông chẳng có thực quyền gì trong việc thay đổi người cầm đầu chính phủ, nhưng lúc đầu chẳng gì ông cũng gây tác hại không nhỏ đối với sự nghiệp chính nghĩa của Việt Minh.

Nhưng cũng có một vài nhân vật khiến ông như bừng tỉnh khỏi cơn mê, trở về cuộc sống đời thường. Nhân vật đáng chú ý là Bảy Viễn, được gặp ông lần đầu ở Sài Gòn năm 1949 và thường gặp lại ở Đà Lạt mùa thu năm 1950. Đó là một tướng lục lâm khét tiếng, một tay trùm anh chị, một trong những tên cầm đầu phe đảng Bình Xuyên.

Trên đất Nam kỳ, từ nhiều thập kỷ nay, có nhiều phong trào tôn giáo khác nhau hoạt động không liên quan gì với các trào lưu tư tưởng lớn. Mỗi giáo phái có hệ thống chức sắc, tăng ni riêng, về sau còn có cả lực lượng vũ trang riêng chia nhau hùng cứ một vùng đất riêng, ở đó những người cầm dầu là những lãnh chúa thật sự. Phe đảng Bình Xuyên còn đặc biệt hơn nữa. Giang sơn của bọn nầy là vùng ngoại ô Sài Gòn, khu “rừng Sác” rậm rạp hoang vu, một vài đảo nhỏ hẻo lánh giữa hàng ngàn hecta đầm lầy và nước lợ. Tại đây chúng họp thành một thứ triều đình kỳ quặc, tụ tập những bọn lưu manh côn đồ hung hãn, tù vượt ngục, những dân anh chị quen chọc trời quấy nước, tất cả đều đang bị cảnh sát truy nã. Giữa vùng đất ngoài vòng pháp luật nầy có một làng, có tên cũ là Bình Xuyên, nay được lấy làm tên chung cho cộng đồng đám du thủ du thực nầy. Sau khi chủ tướng Dương Văn Dương hy sinh trong một cuộc đụng độ với Pháp, quyền chỉ huy nằm trong tay Bảy Viễn. Một đầu sỏ lưu manh thực thụ. Hắn đã từng cầm đầu mafia Chợ Lớn. Đó là “một nhân vật đặc biệt” như Bảo Đại thổ lộ, trở thành thủ lĩnh nhờ sức mạnh võ biền, trưởng thành từ cuộc sống đường phố, đánh nhau rất liều lĩnh để xưng hùng xưng bá một vùng đồng bằng Nam Bộ trải dài từ ngoại ô Sài Gòn đến Đồng Tháp Mười. Bảy Viễn còn nổi danh ở chỗ chỉ đánh vào bọn nhà giàu. Hắn đã bị Pháp đày ra Côn Đảo rồi vượt ngục, theo Việt Minh đánh Pháp một thời gian, sau đó lại quay về hợp tác với quân đội viễn chinh. Được Pháp thâu nạp và tất nhiên được giao kiểm soát Chợ Lớn, nơi tập trung các sòng bạc lớn, các tiệm hút mà khách hàng phần lớn là người Hoa ở Sài Gòn. Bảo Đại gặp Bảy Viễn đúng lúc y rời bỏ kháng chiến về hàng Pháp.

Vấn đề lớn khiến Bảo Đại phải gặp Bảy Viễn để thương lượng xuất phát từ “Đại Thế giới”, một sòng bạc kiêm nhà chứa quy mô lớn nổi tiếng “toàn châu Á”, có lẽ cả thế giới, đạt kỷ lục về doanh số cũng như về số con bạc hay lui tới. “Đại Thế giới” ở Chợ Lớn có thể xem như một siêu thị đánh bạc, chỉ mới xuất hiện năm 1946, trước khi Việt Minh phát động toàn quốc kháng chiến. Chuyện lạ lùng là sòng bạc Đại Thế giới ra đời do quyết định của đô đốc Thierry d’Argenlieu, tổng chỉ huy quân đội viễn chinh, một thầy tu mặc áo lính vì ông đã có mấy năm phụng sự Chúa ở tu viện Trappe trước khi theo tướng De Gaulle chiến đấu giải phóng nước Pháp… Tại đây có đủ cả bác quan và tài sửu, là những trò đánh bạc kiểu Tàu mà dân Sài Gòn rất mê.

Tối tối, những tay máu mê cờ bạc bình dân đến đây chơi cháy túi, hết sạch cả số tiền ít ỏi tiết kiệm được, có khi còn hơn nữa, vét cả đồng tiền cuối cùng đáng lẽ để nuôi sống gia đình họ trong trò đỏ đen “ba mươi sáu con vật”. Đây còn là nơi tụ tập của bọn tứ chiếng giang hồ ở những khu nhà có tường cao vây quanh, ai đi trên đại lộ nối liền Sài Gòn và Chợ Lớn đều nhận ra ngay. Cả một mớ dây xích chằng chịt khơi luồng cho đám đông tấp nập chen chúc các lối vào,. vừa để dễ dàng lục soát cấm con bạc đem theo hung khí. Đại tá Leroy, người sau nầy phụ trách giám sát an ninh ở Chợ Lớn cho quân đội Pháp viết: 

“Bên trong tường rào, trên sân đất rộng, năm mươi căn nhà khung mái tôn được dựng trên nền xi măng, trong mỗi căn được kê bốn, năm bàn đánh bạc, ban đêm được hàng ngàn bóng đèn chiếu sáng. Mỗi ngày suốt từ sáng đến tối, hàng ngàn, hàng ngàn con người chen chúc nối đuôi nhau theo dây chuyền quanh các bàn bạc để sát phạt nhau, trấn lột nhau bằng các trò may rủi. Thực tế, người thua nhiều hơn người được, rất ít cơ may thắng cuộc”(5).

Bên cạnh các bàn đánh bạc, ba nhà hát và hai rạp chiếu bóng vét nốt ít tiền còn lại của khách chơi. Kỳ quặc nhất có lẽ là vũ trường. Sàn nhảy rộng đến ba trăm mét vuông bằng gỗ được thiết kế riêng làm mọi người kinh ngạc: Sàn gỗ đặt trên lò xo, với những kỹ xảo đặc biệt như những bộ hãm thuỷ lực, theo người ta nói, là để khi nhảy, dáng điệu thêm phần uyển chuyển, mềm mại, tăng thêm phần thanh lịch… Các cô vũ nữ, khá đông, mặc áo dài lụa bó sát người, càng tăng vẻ đẹp lộng lẫy. Các nhạc công, nổi bật lên giữa một số khách chơi ăn mặc lôi thôi lếch thếch, luôn luôn trang phục chỉnh tề với bộ smoking trắng bóng trên ngực gài bông hoa cẩm chướng màu đỏ. Trong Đại Thế giới bên cạnh khu ăn chơi của giới bình dân, còn có một loạt các buồng kín đáo hơn, đầy vẻ bí ẩn dành riêng cho khách chơi giàu có. Trước tiên là phòng dành cho người Pháp, có bàn cò quay đủ màu sắc. Xa hơn một chút là những buồng kín đáo hơn nữa trông như những lô-cốt với những cửa sổ kính mờ, đó là câu lạc bộ riêng của các ông chủ ngân hàng, các thương gia giàu có, chủ các hãng tàu buôn, người môi giới hối đoái, tóm lại là những “đại gia” Chợ Lớn. Người Việt Nam có vẻ như ham đánh bạc hơn người châu Âu đến nỗi đầu năm 1950, Bảo Đại phải cấm công chức và quân nhân vào đấy.
Chương trước Chương tiếp
Loading...