Bát Tiên Đắc Đạo

Chương 1: Mượn Long Đan, Người Tiên Giúp Hiếu Tử Nãy Lòng Tham, Quan Ác Đòi Thần Châu



Người xưa thường nói: "Các vị thần tiên chẳng qua cũng chỉ là 1 những người phàm tục. Phàm nhân ai cũng có thể trở thành thần tiên, chỉ sợ lòng không kiên định mà thôi". Điều đó cho thấy tiên, phàm hai giới vốn chỉ là một. Đã có người phàm, tại sao người phàm lại không thể tu luyện để trở thành thần tiên ? Nếu các vị độc giả không tin, kẻ làm sách này xin đưa ra những chứng cứ, để mọi người cùng nghiên cứu nhé. Từ xưa đến nay, các vị thần tiên vốn cũng nhiều, nhưng các vị thần tiên được người đời nghe biết tới, ai nấy đều ngưỡng mộ, thì không đâu bằng tám vị thần tiên ở tám động phủ, mà người ngày nay xưng tụng là "Bát tiên".

Người làm sách này từ nhỏ vốn chuộng Đạo, đã từng đọc qua những kinh sách, những "thiên đình bí kíp" mà người đời ít ai được xem qua, đã từng đọc qua nhiều "kỳ thư", đã biết tới những cố sự của các vị thần tiên, nói ra vị tất đã mấy ai tin. Thôi thì tôi xin kể lại sự việc "Bát tiên đắc đạo" từ đầu chí cuối ra sao, thuật lại hầu quí vị nghe chơi. Những sự tích này có lẽ ngay cả đàn bà, con trẻ cũng đã từng nghe qua, có lẽ còn rành hơn cả kẻ làm sách này nữa.

Việc Bát tiên đắc đạo trải qua rất nhiều năm, muốn kể lại cho có đầu có đuôi thì không gì bằng mượn sự tích của hai vị long quân, tức hai con rồng, làm dẫn chứng. Hai con rồng đó, một con ở Tây Thiên, một con ở Nam Hải.

Nguyên vào đời thái cổ, một dải đất Nam Thiềm Bộ Châu toàn là thủy quốc. Nơi đó có tên là Quán Khẩu, chính là nơi mà Ngọc Hoàng thượng đế phong cho người cháu gọi bằng cậu của ngài, là thần Nhị Lang cai quản. Vì thế, người ta thường gọi vị thần này là "Quán Khẩu Nhị Lang". Ngày nay ở vùng Tứ Xuyên có một nơi tên là huyện Quán, chẳng biết có liên quan gì tới đất Quán Khẩu của thần nhị Lang hay không? Vào thời Nhị Lang trấn thủ Quán Khẩu, ngài thường hiển thần linh, giúp đỡ dân chúng, nên nhân dân ở vùng đất liền phụ cận rất sùng bái ngài, lập đền thờ, miếu mạo, bốn mùa hương khói. Nào ngờ ở thủy quốc đó lại có một lão long (rồng già), vì sợ oai linh của thần Nhị Lang mà suốt năm không dám xuất đầu lộ diện, cứ ẩn mình ở dưới đáy biển mà tu luyện, thọ tới hàng ngàn hàng vạn năm, đạt được tấm thân bất hoại. Nhị Lang thần thông quảng đại, việc gì cũng biết, sự gì cũng hay, nhưng thấy lão long khổ tu đã lâu năm, lại không hề xuất hiện hại người, nên cũng bỏ qua, chẳng lý tới hắn làm chi. Ở bờ biển gần đó, có một chàng hiếu tử, họ Bình, tên Hòa, vốn mồ côi cha từ nhỏ, nhờ bà mẹ góa Vương thị thủ tiết nuôi con, vỗ về chàng trở nên một thanh niên dũng mãnh. Nhưng bà Vương thị vì phải làm lụng quá vất vả để nuôi con, nên dần dà hai mắt mù tịt. Bình Hòa tìm trăm phương ngàn kế, cầu Thần khấn Phật, tìm đủ cách chữa trị mắt cho mẹ , nhưng cuối cùng vẫn không có kết quả. Chàng phẫn uất nói :

- Mẹ ta là người quá tốt, sao đến nỗi chịu thảm cảnh này ? Còn có thiên đạo nữa không ? Thần Phật còn linh thiêng nữa chăng ?

Vương thị biết con là người quá hiếu thảo, tìm đủ cách trị bệnh cho mẹ mà không được, nên quá phẫn uất mới nói những lời như vậy chứ hàng ngày con bà vẫn chịu thương chịu khó, không ngại vất vả kiếm tiền nuôi mẹ. Vì thế, bà rất được an ủi trong lòng. Thấy con thường có lời oán trời, trách người, bà tìm lời ngăn cản, khuyên can :

- Con ơi, mẹ tuy mù cả hai mắt, nhưng được người con hiếu thảo như con, chẳng những lo chữa mắt cho mẹ, còn vất vả kiếm tiền nuôi mẹ, mẹ cảm thấy rất hài lòng, dẫu hai mắt không nhìn thấy gì, cũng có sao đâu ?

Bình Hòa nói :

- Mẹ đừng nói vậy. Làm con mà hiếu thuận cùng cha mẹ là lẽ đương nhiên, là bổn phận của người làm con, chứ mẹ một đời trung hậu, trinh tiết, há nên chịu cảnh thảm thương thế này ? Con nhất định dẫu phải lên trời, xuống đất, cũng tìm cách chữa trị cho mẹ, bất luận thế nào cũng cầu xin được thuốc tiên, chữa cho mẹ sáng cặp mắt, con mới cam tâm !

Vương thị nghe con nói vậy đành cười xòa, bỏ qua. Trong khi đó Bình Hòa một mặt vẫn cần cù lao động, kiếm tiền nuôi mẹ, mặt khác vẫn không quên nghĩ cách trị khỏi bệnh mắt cho mẹ.

Một ngày kia, trong nhà hết sạch củi đun, Bình Hòa dậy thật sớm, lên núi chặt những cành cây khô, bó lại thành một bó, vác lên vai, tử từ xuống núi. Đi được nửa đường, chợt thấy một đạo nhân, tướng mạo thanh kỳ, tinh thần phiêu dạt. Qua các hành động, dường như từ con người ông ta toát ra một điều gì đặc biệt – gọi là thụy khí – nên Bình Hòa hiểu ngay ông này có một lai lịch rất lớn, vội hạ bó củi xuống, tiến lại gần, ngỏ lời chào hỏi :

- Tiên trưởng từ đâu tới đây ?

Đạo nhân cười, đáp :

- Ta không phải người tiên, chẳng qua chỉ là biết về y thuật, nên đi khắp nơi tìm người bệnh chữa trị làm phước thôi !

Bình Hòa xúc động trong lòng, vội hỏi :

Chẳng hay tiên sư có thể chữa lành cho người bị mù hai mắt đã lâu năm hay không ?

- Bệnh gì ta cũng có thể chữa được, chỉ trừ có bệnh mắt mà thôi?

Bình Hòa nghe vậy, bất giác thở "Phì ?" một tiếng, nhặt bó củi, vác lên vai, định đi. Đạo nhân liền cười, nói :

- Thằng bé này sao nóng nẩy quá vậy ?

Bình Hòa đáp :

- Trong nhà tôi chỉ còn một mẹ già. Mẹ tôi hoàn toàn khỏe mạnh. chỉ phải cặp mắt mù tịt, mà đạo nhân nói rằng bệnh gì cũng chữa khỏi, ngoại trừ bệnh mắt, hỏi sao tôi không thất vọng ? Có chuyện gì để nói với ông nữa chứ ?

Đạo nhân lại cười. đáp :

- Ta tuy không chữa được bệnh mắt, nhưng há lại không biết các thầy thuốc giỏi chữa mất hay sao ? Nếu ta không tiến cử, làm sao anh tìm ra được ?

Bình Hòa nghe có thầy thuốc giỏi, vội hạ bó củi xuống, hướng về phía đạo nhân chắp tay vái, nói :

- Tiểu tử rời khỏi nhà từ lâu, sợ mẹ trông mong, muốn về cho sớm, nên vừa rồi nói năng thất thố, xin đạo trưởng đừng trách.

Đạo trưởng là người xuất gia, giầu lòng từ bi, nếu quả thật biết được thầy thuốc giỏi, xin rộng lòng chỉ bảo cho tiểu tử được biết để tiểu tử tới thỉnh cầu ông ta. Nếu quả bệnh của mẹ tôi được chữa lành thì trước là đạo trưởng tích chứa được nhiều âm công, sau là tiểu tử nhất định sẽ có lễ tạ trọng hậu để đền ơn đạo trưởng.

Đạo nhân gật gù, mỉm cười, nói :

- Anh là một người nghèo rớt mồng tơi, suốt ngày phải kiếm tiến nuôi mẹ, gia cảnh chẳng khấm khá gì, lấy tiền đâu mà nói chuyện đền ơn ta ? Vả chăng, người xuất gia lấy từ bi làm gốc, ta cũng chẳng tính chuyện ơn nghĩa gì đâu. Thôi thôi, chúng ta gặp nhau đây, hẳn cũng là có duyên kiếp trước, bần đạo lại kính trọng anh hiếu thảo, mẹ anh tiết nghĩa, sẽ chỉ cho anh một chỗ mà đi tìm. Cách núi này chừng mười lăm dặm là vùng biển cả, ở đó có một con nghiệt long, tu luyện đã lâu năm. Mỗi ngày, cứ vào hai giờ tý và ngọ, nó lại ngoi đầu lên mặt nước để hít thở, đón lấy tinh hoa của mặt trời, mặt trăng. Miệng nó phun ra một hạt hồng châu, chiếu sáng khắp mặt nước. Đó là viên long đan do nó luyện lâu năm mà thành. Anh hãy tới ẩn nấp ở chỗ bờ nước, đợi khi rồng phun hạt châu lên cao, anh hãy niệm câu thần chú : "úm lý hống, lý hống ", đồng thời đưa tay ra vẫy một cái, hạt châu kia nhất định sẽ rơi vào tay anh. Anh có thể đem về cất kỹ trong nhà, treo hạt châu trong một căn phòng. Anh muốn cầu xin điều gì, chỉ việc đứng trước hạt châu, lâm râm khấn vái, tức thì điều ước muốn của anh sẽ được thực hiện. Về phần bệnh mắt của mẹ anh, chỉ cần cho bà tiếp xúc với ánh sáng do hạt châu phát ra, hai mắt bà sẽ được sáng tỏ trở lại.

Bình Hòa nghe vậy, tin chắc đây là một vị thần tiên, vội phục xuống lạy. Đạo nhân cười, đỡ dậy, nói :

- Chẳng cần đa lễ. Nhưng phải nhớ kỹ câu thần chú, sẽ nắm được viên hạt châu trong tay ! Nhưng nghiệt long thấy hạt châu rơi vào tay anh, nhất định sẽ tìm cách cướp đoạt lại. Khi đó, ta sẽ ở trong bóng tối giúp đỡ anh, không để xảy ra việc lầm lỡ, và anh chỉ việc can đảm chạy đi là xong !

Câu nói vừa dứt, một trận gió nổi lên, đạo nhân biến ra một luồng kim quang, giây lát mất tăm. Bình Hòa vừa ngạc nhiên vừa kinh hãi, hướng lên thinh không vái tạ. Sau đó, chàng vác bó củi lên vai, trở về nhà. Vì sợ mẹ kinh hãi, chàng không dám nói tí gì cho biết.

Đợi tới trống canh ba, còn lại một mình, Bình Hòa mở cửa sau ra đi, chạy như bay tới chỗ mà đạo nhân đã chỉ dẫn cho biết. Chọn được một khu lau sậy san sát, chàng ẩn thân trong đó, không dám thở mạnh, căng mắt nhìn về phía bờ nước. Tới đúng giờ tý, quả thấy một luồng hồng quang, từ dưới nước dâng lên, khiến các loài tôm cá kinh hãi chạy tán loạn, mất tăm. Luồng hồng quang vọt lên khỏi mặt nước. cao hơn một trượng, hướng về phía mặt trăng. Nó cứ lên lên, xuống xuống như thế mấy lần, đồng thời bên trong luồng sáng hồng đó lại xuất hiện một vật gì, mầu trắng như bạc. Bình Hòa núp đã lâu, thấy viên hồng châu xuất hiện, liền rời khỏi chỗ núp, định thần giây lát, nhớ lại câu thần chú : "úm lý hống, lý hống !", liền cất tiếng niệm, đồng thời đưa tay vẩy một cái, liền cảm thấy luồng hồng quang bay về phía mình, ánh sáng đập vào mắt chói lòa. Bình Hòa đưa cả hai tay ra hứng, cảm thấy một vật rơi vào tay Nhìn kỹ, quả thấy một viên hồng châu nằm trong tay, chiếu ánh sáng lung linh. Bình Hòa mừng không biết để đâu cho hết, liền nắm chặt lấy viên hồng châu, xoay mình tính bỏ đi. Bỗng đâu từ dưới đất, một trận cuồng phong nổi lên, nhắm hướng khóm lau sậy bay tới. Giây lát, trời đất tối tăm, mặt trăng mất ánh sáng. Bên tai nghe tiếng ầm vang như tiếng sấm, nhắm ngay đầu Bình Hòa lao xuống. Bình Hòa nắm chặt lấy viên hồng châu, đồng thời nằm phục xuống mặt đất, miệng hô to :

- Tiên sư cứu mạng ! Tiên sư cứu mạng !

Chợt nghe trên không trung có tiếng người hô to :

- Nghiệt long không được vô lễ ! Hãy nghe pháp chỉ của ta đây. Ta chính là Cứu Thiên Phiếu Diểu đạo nhân, xét ngươi tu luyện đã nhiều năm mà không thành chính quả, lại nghĩ tình Bình Hòa hiếu thuận, cảm động tới trời, nên ta muốn mượn viên long đan của ngươi, đem về chữa mắt cho mẹ anh ta, sau đó lại dùng viên long đan đó để cứu nhân độ thế, lập nhiều công đức. Sau khi ngươi mất long đan, thân xác khó nỗi bảo toàn, vậy sinh hồn ngươi cứ nương tựa chỗ này, không được dời xa nửa bước. Ba năm sau, Bình Hòa sẽ gặp tai nạn. Lúc đó, hồn anh ta sẽ nhập vào xác ngươi, cả hai sẽ hợp thân làm một và đều có kết quả tốt. Như thế chính là nhất cử lưỡng đắc, ngươi đừng đem lòng thù oán với anh ta nữa.

Câu nói vừa dứt, gió liền lặng, sấm liền ngưng một vầng trăng sáng lại treo lơ lửng trên bầu trời. Ở chỗ viên hồng châu xuất hiện lúc nãy, người ta thấy dưới nước ló ra một đầu rồng, vọng lên không trung mà lắc lư, gật gật vài cái, tỏ ý ưng thuận, rồi toàn thân rồng chìm xuống nước, không thấy đâu nữa. Bình Hòa ngơ ngác giây lát, vọng lên không trung kính cẩn vái lạy, rồi bò ra khỏi vùng lau sậy, mang hạt châu về nhà.

Lúc đó, phương Đông vừa rạng sáng, mặt trời lên cao, bà mẹ Bình Hòa đang ở trên giường mò mò mẫm mẫm tìm chiếc áo để khoác lên mình. Bình Hòa không dám làm kinh động tới mẹ. nhưng theo thói quen thường ngày, chàng chạy vào phòng mẹ thăm hỏi. Chàng chợt "A" lên một tiếng, vì thấy mẹ mở lớn hai mắt, nhìn trừng trừng, và cất tiếng hỏi :

- Con à, con cầm thứ gì trong tay đấy ? Nó có mầu hồng hồng, coi đẹp ghê !’

Bình Hòa thấy mẹ nhìn rõ mọi vật, vừa kinh ngạc vừa vui mừng. Chàng xòe tay, đưa hạt hồng châu ra, để mẹ coi cho rõ. Bà nhảy xuống giường, đứng thẳng, nói to tiếng :

- Con à, con kiếm đâu ra bảo bối này ? Mẹ vừa nhìn thấy, đến sáng tỏ hai mắt, chẳng khác gì năm xưa !

Bà vừa nói, vừa đưa tay ra, có ý muốn đòi hạt hồng châu. Bình Hòa vội nói :

- Mẹ đừng nói vội, bảo bối này không phải thứ đồ chơi đâu. Để con nghĩ ra một cách đem treo nó lên, lúc đó mẹ tha hồ nhìn ngắm. Bảo đảm hai mắt mẹ từ nay sẽ sáng tỏ. không bao giờ mắc lại bệnh mù lòa nữa đâu.

Bà mẹ nghe lời, cùng Bình Hòa tiến vào căn phòng giữa nhà. Bình Hòa dùng một sợi dây, tìm cách treo hồng châu lên giữa phòng, liền thấy một luồng sáng hồng hồng tỏa ra, soi sáng cả căn phòng.

Từ đó về sau, chẳng những Vương thị sáng tỏ hai mắt, mà hai mẹ con còn luôn luôn tráng kiện, tinh thần lúc nào cũng sảng khoái. Lại thêm hạt minh châu này là như ý châu : hễ cần thứ gì, chỉ việc đứng trước hạt châu lâm râm khấn nguyện, là vật đó hiện ra ngay. Việc ăn uống, may mặc, mẹ con chẳng còn phải lo đến nữa.

Nhưng Bình Hòa vốn tính cứng cỏi, trong nhà dẫu có báu vật đó, chàng cũng không muốn ăn không ngồi rồi, mà hàng ngày vẫn lao động cần cù, dù ngày mưa hay nắng, lạnh hay nóng, chàng vẫn không hề nghỉ ngơi.

Một hôm, Vương thị nói với con trai :

- Con à, nay nhờ trời thương. đường y thực nhà ta không thiếu. cuộc sinh hoạt cũng thảnh thơi, sung túc, mà con nay tuổi cũng chẳng còn nhỏ, hãy để tâm tìm kiếm một vị cô nương tài mạo song toàn, mà sớm tính chuyện hôn nhân. Đó là tâm nguyện lớn nhất của mẹ.

Bình Hòa nghe vậy liền đáp :

- Lệnh của từ mẫu, hài nhi đương nhiên phải tuân theo. Nhưng từ lúc đội ơn người tiên ban cho hạt châu, chữa lành mắt cho mẹ con đã từng phát lời tâm nguyện là phải lập được năm trăm việc công đức, sau đó mới nghĩ tới chuyện hôn nhân. Từ lúc về nhà đến nay đã hơn một tháng, con nghĩ mãi mà chưa tìm ra dược việc công đức nào có thể thi triển, cho xứng đáng đây.

Vương thị nghe vậy hoát nhiên tỉnh ngộ, nói :

- Con à, việc đó chẳng khó gì. Theo mẹ nghĩ, điều mà tiên gia coi là quí báu nhất chính là cứu người giúp đời. Con đã có dụng cụ đó trong tay, sao không mau đem ra thi thố ? Chẳng những con có thể tích chứa được nhiều âm đức, mà còn giúp cho vị tiên sư và lão long gia lập được công hành.

Nghe mẹ nói, Bình Hòa mừng rỡ, nhẩy cỡn lên, thưa :

- Quả nhiên mẹ có kiến thức rất cao. hài nhi không sao nghĩ tới! Từ nay con sẽ đi khắp nơi, làm nghề thầy thuốc. Hễ gặp ai mắc chứng bệnh gì, con sẽ lấy viên hồng châu ra soi, bảo đảm bệnh gì cũng khỏi. Vả lại, thấy nhà nào quá nghèo khổ, đường y thực thiếu thốn đủ điều, con sẽ khấn nguyện trước hồng châu xin tiền bạc gạo thóc đem cho. Như vậy, không đầy một năm con sẽ lập được số công đức, đúng như lời tâm nguyện.

- Tốt lắm ! Con ta thấy việc nghĩa, hăng hái làm ngay, chẳng hề trễ nải ! Đã nghĩ ra được, nên làm ngay hôm nay, nhất định được lắm đó !

- Bảo bối đã trị được bệnh cho mẹ, đương nhiên sẽ trị được bệnh cho người khác. Con xin nghe lời mẹ, thực hiện ngay việc cứu giúp những người khốn khổ.

Từ đó, ngày ngày Bình Hòa mang theo viên hồng châu, đi du hành khấp nơi, hễ gặp người bệnh nào, liền đem hồng châu ra soi, bệnh gì cũng khỏi cấp kỳ.

Lúc đầu chữa bệnh cho những người quanh vùng, sau rồi đi xa hơn, chữa cho cả những người ở xa tít mù tắp. Bình Hòa thật lòng cứu người, chẳng những không đòi tiến chữa bệnh, đôi khi còn chu cấp cho con bệnh nghèo là khác.

Qua ba năm, Bình Hòa nổi danh thầy thuốc giỏi. xa gần đều nghe biết. Chàng lại vốn tính thẳng thắn, chẳng biết giấu giếm, dối gạt ai bao giờ. Hễ có người hỏi chàng học ở đâu mà có được bản lãnh cao như thế, Bình Hòa liền thú nhận mình chẳng có tài năng gì, mọi việc đều nhờ vào công lực của hồng châu mà thôi. Lại có người hỏi chàng kiếm đâu ra viên hồng châu đó, Bình Hòa cũng không giấu giếm, đem sự thực kể ra hết. Việc đó đã lôi cuốn sự chú ý của một người Người đó chẳng phải ai khác, mà là vị trưởng quan của địa phương Quán Khẩu, họ Mao tên Hổ. Nghe trong chỗ trị nhậm của mình có chuyện lạ kỳ như vậy, hắn kêu Bình Hòa tới hỏi cho biết. Nếu quả thực có vật báu đó, hắn sẽ dựa vào thế lực trưởng quan của mình mà đòi hỏi viên hồng châu. Nghĩ vậy rồi, hắn bàn bạc với vợ là Hồ thị. Hồ thị nói :

- Nếu được báu vật đó, trước hết có thể dùng để trị bệnh cho con gái chúng ta, nhưng nên đem nhiều tiền bạc mua chuộc anh kia thì hay hơn. Nếu cưỡng bức mà chiếm đoạt, e rằng dân chúng sẽ bàn tán, chê cười.

Mao Hổ nghe lời, phái hai sai nhân xuống làng thôn, truyền gọi Bình Hòa. Bình Hòa hỏi lý do, sai nhân nói :

- Tiểu thư của bản quan mắc phải chứng bệnh mê lẫn, mất trí. Nghe trong quí phủ có viên thần châu trị khỏi mọi chứng bệnh, quan lớn đặc biệt sai chúng tôi tới mời tiên sinh đem thần châu tới chữa thử một phen. Nếu quả thật tiểu thư chúng tôi được chữa lành bệnh, ắt có trọng thưởng.

Bình Hòa vào từ biệt mẫu thân để ra đi. Vương thị nghe nói có quan vời gọi, bất giác nhíu mày, nói :

- Con à việc dính dáng tới quan tư chẳng dễ dàng đâu. Con đi lần này nên cẩn thận.

Bình Hòa ứng tiếng đáp : – "Con đã hiểu", và theo chân sai nhân, cùng về nha môn.

Mao Hổ nghe nói đã mời được thầy thuốc có thần châu, mừng rỡ trong lòng, đích thân ra cửa nghênh đón, tiếp đãi tử tế. Hỏi tới nguyên do có thần châu, và hiệu quả của nó thế nào, Bình Hòa cứ thật tình bẩm báo. Mao Hổ nghe nói, cũng bán tín bán nghi, mời Bình Hòa vào nhà trong, trị bệnh cho con gái. Bình Hòa theo chân quan tiến vào phòng trong, thấy tiểu thư sắc mặt trắng bệch như tờ giấy. Định thần nhìn kỹ, thấy rõ ràng cô gái bị yêu ma ốp vào thân. Bình Hòa lấy hồng châu ra, chiếu vế phía cô gái. Viên hồng châu này là vật linh thiêng, sơn tinh, dã quỉ nào mà chịu cho nổi ánh hồng quang do hạt châu phát ra ? Chỉ nghe một tiếng "ôi chao!", tiểu thư liền ngã vật ra phía sau. Bình Hòa vội thu linh châu và tiểu thư lại đứng bật dậy. Thấy cha mẹ đều đứng một bên, nàng bỗng khóc to tiếng, nói :

- Cha mẹ ơi, con đau đớn quá !

Vợ chồng Mao Hổ mừng rỡ quá lòng mong ước, hướng về phía Bình Hòa bái tạ :

- Tiểu nữ mắc chứng bệnh này đã được nửa năm, cứ ngơ ngẩn chẳng biết gì. Ngay cả người thân trong gia đình, nó cũng không nhận biết. Nay đội ơn tiên sinh đem thần vật chiếu vào, cháu lập tức tỉnh lại. Tiên sinh quả là ân nhân của gia đình chúng tôi.

Bình Hòa vội khiêm tốn từ tạ. Tiếu thư lại tự kể chuyện mình :

- Mùa xuân vừa rồi, tôi ở vườn hoa đằng sau ngoạn cảnh, bỗng một trận gió nổi lên, mang theo một mùi tanh tưởi xông vào mũi lên thẳng trên óc. Từ đó về sau, tôi làm gì, nói gì, cũng không có chủ ý, chẳng hiểu chuyện này ra sao nữa.

Bình Hòa nói :

- Chẳng cần nhắc tới nữa. Đây là một loại yêu tinh, không rõ là yêu tinh gì, đã ốp vào thân thể tiểu thư, để hưởng những thức ăn của nhân gian.

Mao Hổ mời Bình Hòa ra ngoại sảnh, sai bày tiệc thết đãi. Trong tiệc, hắn hỏi Bình Hòa có đồng ý bán lại hạt châu hay không. Bình Hòa cười đáp :

- Tiểu dân tuy được hạt châu này. nhưng không thể coi nó là của riêng tư. Sau này, hết hạn kỳ, vị tiên sư kia sẽ thu hồi lại, đem trả cho lão long. Vì thế. tiểu dân không thể nào đem hồng châu bán lại cho người khác. Vả lại. lão gia có nắm hạt châu này, cũng chẳng giữ được bao lâu, hà tất phải đòi hỏi vào lúc này ?

Mao Hổ cho rằng Bình Hòa tìm cách thoái thác. nên ráng tìm lời thương lượng thêm vài lần nữa, Bình Hòa còn giữ tính trẻ con, giận dữ lên tiếng :

- Tiểu dân được hạt châu này, trước là chữa bệnh mắt cho mẹ, sau là chữa trị cho người, cứu giúp người khốn khó, lập chút công đức Nếu nay để lại thần châu trong phủ lão gia, lão gia làm gì có thời giờ rảnh rỗi để đi khắp nơi chữa trị cho người đời, há chẳng phải uổng phí linh châu lắm sao ? Lão gia là người đại quí, đồ ăn thức mặc thứ gì cũng có, vật dụng thường ngày thứ gì mà chẳng toại nguyện ? Nay được vật này, chẳng qua cũng chỉ trân trọng cất kỹ một nơi, có dùng được vào việc gì đâu ? Như vậy chỉ khiến tiểu dân lầm lỡ việc hành đạo, lập công đức. Những việc như thế chỉ tổn hại cho người, chẳng lợi ích cho mình, tiểu dân dám khuyên lão gia chớ nên làm !

Mao Hổ nghe vậy, đùng đùng nổi giận, ra lệnh cho sai nhân bắt giữ Bình Hòa, cướp đoạt hạt châu, vu cho chàng tội yêu ngôn hoặc chúng, ra ngoài làm những chuyện bất qui. Bình Hòa thấy sai nhân tiến lại, định bắt mình, tức thì nổi giận, rời khỏi bàn tiệc, đưa chân phải đá phốc, trúng một người, lại tung một chưởng đánh ngã người nữa. Các sai nhân cất tiếng la ó, cùng cầm binh khí xông lại. Bình Hòa sợ có điều thất thố, cầm chắc hạt châu trong tay, miệng hô to :

- Lão gia bất tất phải giận dữ ! Các vị ca ca chẳng cần động thủ. Hãy nghe tiểu nhân nói một lời.

Mao Hổ cho rằng Bình Hòa tình nguyện hiến dâng hạt châu, vội bảo mọi người ngừng tay coi Bình Hòa định nói gì. Chàng thung dung bẩm báo :

- Lão gia là quan trưởng của tiểu nhân, lão gia đã có mệnh lệnh, tiểu nhân há dám cãi ? Nhưng quả thật hạt châu này tiểu nhân không có quyền chiếm giữ lâu ngày. Nếu tiểu dân đem dâng cho lão gia, mai mốtt người tiên trách cứ, lão long đòi lấy lại, tiểu dân không tránh đâu khỏi cái chết, còn mang tội danh là giữ gìn không cẩn thận nữa. Nếu không chiều theo ý lão gia, tiểu dân cũng chẳng tài nào ra thoát khỏi nha môn. Đàng nào thì cũng phái chết, chẳng thà tiểu dân chết trong quí phủ. Vỉ như chết đi còn có hiểu biết, tiểu dân còn có thể cầu xin tiên sư lượng thứ. Lão gia hãy coi đây, tiểu dân sẽ lập tức nuốt hạt châu này vào bụng. Sau đó nếu tiểu dân không chết, lão gia muốn chém, muốn giết tùy ý, tiểu dân chẳng dám có một lời oán thán.

Bình Hòa nói rồi, há rộng miệng, bỏ viên hồng châu to bằng trái mơ vào miệng, nuốt xuống. Mao Hổ thét sai nhân cướp đoạt lại, nhưng không còn kịp nữa. Chỉ thấy Bình Hòa biến đổi sắc mặt, lợt lạt như tờ giấy vàng, hai mắt mở trừng trừng, cập chân vội vã tiến ta khỏi cửa, đi mất. Mao Hổ cũng không dám ngăn cản, để mặc cho Bình Hòa rời khỏi nha môn.

Bình Hòa chạy thẳng về nhà, gặp mẹ liền phủ phục xuống đất, khóc lớn tiếng :

- Mẹ ơi, sao số mẹ khốn khổ thế này ? Hiện nay con không còn sống để phụng dưỡng mẹ nữa !

Vương thị kinh ngạc hỏi tại sao, Bình Hòa chỉ nói được một câu:

- Con đã nuốt hồng châu vào bụng mất rồi !

Vương thị nghe chưa hết câu, liền kinh hãi thất sắc, mặt lợt như đất thó, chỉ nói vắn tắt được một câu :

- Không xong rồi ! Hạt châu đó là long đan, con nuốt vào bụng sẽ biến thành rồng mất thôi !

Nói chưa dứt lời, đã thấy một trận gió lốc nổi lên, mây đen kéo tới Vương thị thấy trước mắt kim quang sáng lòa, và giữa không trung dường như có tiếng rồng ngâm. Định thần nhìn kỹ, quả nhiên thấy một con rồng vàng, uốn lượn giữa không trung. Nhìn lại chỗ Bình Hòa, chẳng thấy đâu nữa.
Chương tiếp
Loading...