Bảy Năm Sau

Chương 24



New York

Đồn cảnh sát đội 87

Santos lấy chiếc cốc trong máy nước tự động. Mặt trời vẫn chưa mọc ở Brooklyn nhưng viên trung úy đã uống tới cốc cà phê thứ ba. Lại một lần nữa, màn đêm bị khuấy động: trộm cắp, bạo hành gia đình, các cửa hàng bị vơ vét sạch, gái điếm bị chất vấn... Mười năm nay, các phương tiện truyền thông luôn quảng bá về New York bằng hình ảnh một thành phố yên bình và đảm bảo an ninh. Điều đó chắc chắn là đúng ở trung tâm Manhattan nhưng vùng ven thành phố thì không hẳn vậy.

Vì thiếu chỗ trong phòng giam, hành lang nơi đặt máy nước tự động trông không khác gì trại tị nạn: can phạm bị còng tay ngồi trên các băng ghế kim loại, nhân chứng ngồi chen chúc nhau như đám cá ngừ trên các băng ghế đã bị bục nệm, những người đi khiếu kiện cuộn tròn trong chăn. Hành lang được chiếu sáng bằng ánh đèn nê ông nhợt nhạt kêu lách cách. Một thứ mùi tởm lợm bốc lên, tiếng chửi rủa không ngớt. Ai cũng căng thẳng, khó chịu.

Santos rời chốn tạp nham này về văn phòng. Anh căm ghét cái đồn cảnh sát bẩn thỉu, ồn ào này và không hề có ý định chôn thân ở đây cho đến hết sự nghiệp. Không gian làm việc của anh cũng tương xứng: một căn phòng chật chội, chẳng mấy tiện nghi và không lấy làm biệt lập cho lắm trông ra một cái sân con nhớp nhúa. Anh uống ngụm cà phê loãng toẹt rồi cắn một miếng bánh vòng đã cứng lại khiến anh cố mãi mới nuốt được.

Sau khi ném cái bánh vào sọt rác, anh mở điện thoại gọi cho phòng thí nghiệm đảm nhiệm các phân tích độc học. Viên phụ tá phòng thí nghiệm khẳng định linh cảm của anh: thứ bột trắng tìm được ở nhà Nikki chắc chắn là cocain. Anh đặt tập hồ sơ sang một bên rồi tranh thủ đường dây yêu cầu nói chuyện với Hans Tinker.

Sau nhiều năm, Santos đã biết cách tự thiết lập cho mình một mạng lưới rộng lớn. Giữa bao nhiêu phòng ban rối rắm và phân tán khắp nơi của Sở Cảnh sát New York, rất nhiều người trong số họ còn nợ anh một lần giúp đỡ. Ở anh, đó gần như là bản tính: mỗi khi có thể giúp được đồng nghiệp là anh làm ngay. Ngay lúc đó thì có vẻ việc này chẳng lấy làm thú vị nhưng rồi sẽ đến lúc anh được hái trái chín từ cái cây đã trông bao lâu nay.

- Tôi Tinker nghe máy.

Hans Tinker, phó phòng khoa học hình sự, có lẽ là một liên hệ thú vị nhất. Hai năm trước, tình cờ trong một vụ kiểm tra, mấy tay cấp dưới của Santos tóm cổ được cậu cả nhà Tinker, khi đó đang giữa tuổi thiếu niên thích nổi loại, mang trong người một lượng “đá” không nhỏ. Rõ ràng, cậu quý tử không cam lòng hút hít một mình trong phòng mà hắn còn tuồn cho lũ bạn nữa. Santos đã nhắm mắt làm ngơ và cho hồ sơ xếp xó. Từ đó, Tinker luôn thể hiện lòng biết ơn vô tận với anh.

- Chào anh, Hans. Anh có tin gì mới về vụ án kép của tôi chưa?

- Chúng tôi đang tiến hành, nhưng sẽ lâu đấy. Có đến cả triệu dấu vân tay tại hiện trường vụ án mạng này và cần phải làm phân tích gen.

- Tôi hiểu, nhưng tôi cần gấp mấy dấu vân tay trên con dao KA-BAR, mẩu kính vỡ và cây gậy bi a.

- Mấy cái đó thì tôi đã có rồi. Tôi sẽ chuyển báo cáo cho cậu trong vòng hai giờ nữa.

- Không, không phải mất công đâu! Anh chuyển cho tôi các thông số cơ bản qua email nhé. Tôi muốn đưa chúng vào Hệ thống nhận diện vân tay tự động càng nhanh càng tốt.

Máy tính xách tay kẹp dưới nách, Mazzantini gõ lên ô kính rồi thò đầu qua khuôn cửa. Santos ra hiệu cho cậu ta tiến lại gần. Viên thuộc cấp chờ cho cấp trên gác máy rồi mới thông báo:

- Có tin mới, thưa trung úy. Tôi đã nhận được đoạn ghi âm cuộc gọi cho 911. Anh nghe nhé.

Cậu ta mở máy tính rồi bật tệp tin. Đoạn ghi âm rất ngắn. Có thể nghe thấy tiếng một người đàn ông, rõ ràng là đang hoảng loạn, từ chối nêu danh tính, nhưng khẩn thiết yêu cầu xe cấp cứu đến quán bar Boomerang.

“Có một người đàn ông đang hấp hối! Ông ta bị đâm nhiều nhát bằng dao! Các vị đến nhanh lên! Đến nhanh lên!”

Điều kỳ quặc là anh ta lại nói chỉ có một xác chết, không phải sao? Mazzantini hỏi.

Santos không trả lời. Anh đã nghe giọng nói này ở đâu rồi nhỉ?

- Họ đã tìm tung tích cuộc gọi, viên thuộc cấp của anh nói tiếp. Số điện thoại thuộc về Sebastian Larabee. Một nghệ nhân làm đàn giàu có sống ở Thượng Đông Manhattan. Tôi đã kiểm tra lý lịch của anh ta. Không một tì vết. Thực ra thì có chút: một cáo buộc duy nhất về tội chống đối người thi hành công vụ sau một lần kiểm tra của cảnh sát khi anh ta đi qua tốc độ cho phép thời còn học đại học. Theo tôi, anh ta thậm chí còn không biết mình bị lưu hồ sơ.

Gương mặt Santos rụng rời.

- Tôi cho một đội đến bắt anh ta nhé, sếp?

Santos im lặng gật đầu. Anh biết Sebastian đang ở Paris, nhưng anh cần thời gian suy nghĩ.

- OK, cậu đi đi, anh ra lệnh rồi sập cửa lại ngay khi Mazzantini quay gót.

Mắt lơ đãng, anh đừng trước cửa sổ. Tiết lộ vừa rồi khiến anh bàng hoàng. Sebastian Larabee mò đến chốn làm ăn của Drake Decker làm gì cơ chứ?

Tín hiệu ngắn gọn báo có email mới lôi anh khỏi dòng suy nghĩ. Anh đến ngồi trước màn hình rồi kiểm tra hòm thư. Đó là email của Tinker về việc xác nhận dấu vân tay.

Các kỹ thuật viên của Phòng Khoa học hình sự đã làm việc rất tốt. Với mỗi mẩu vật chứng, các vân tay để lại trên chúng hiện lên rất rõ, đáp ứng đủ yêu cầu sử dụng. Santos sao lại chúng vào ổ cứng máy tính rồi kết nối với dữ liệu tích hợp sẵn và kích hoạt chế độ tự động dò vân tay. Các điều tra viên của Sở Cảnh sát New York đều được đăng nhập trực tiếp vào cơ sở dữ liệu của FBI, đặc biệt là hệ thống IAFIS[1] trứ danh: một mỏ vàng chứa tổng cộng bảy mươi triệu đối tượng có tiền án tiền sự, đã từng bị bắt hoặc bị kết án trên lãnh thổ Mỹ. Anh bắt đầu bằng dấu tay tìm thấy trên con dao găm. Phần mềm bắt đầu chạy, quét cơ sở dữ liệu với tốc độ chóng mặt

[1] Tên viết tắt của Hệ thống tự động xác nhận vân tay. (ND)

MATCH NOT FOUND[2]

[2] Không tìm thấy.

Một dấu vô dụng.

Anh tiếp tục với dấu vân tay trên miếng kính dài vấy máu, vũ khí mà theo suy luận lô gic thì chính là thứ dùng để giết gã “xăm mặt”. Lần này, Santos may mắn hơn. Chưa đầy một giây sau, chương trình cho ra một kết quả. Các dấu vân tay là của Sebastian Larabee. Theo đà, anh tiến hành so sánh dấu vân tay trên cây gậy bi a. Gần như đồng thời, màn hình hiện ra bức ảnh của một cô gái trẻ. Hai tay run rẩy, Santos cho in tệp thông tin

Họ: Nikovski

Tên: Nikki

Sinh ngày 24 tháng Tám năm 1976 tại Detroit (Michigan)

Đã ly hôn với Sebastian Larabee.

Vào những năm 1990, Nikki từng bị bắt nhiều lần vì tội trộm cắp, say rượu nơi cộng cộng và tội tàng trữ ma túy. Tuy chưa từng bị giam lần nào, nhưng cô đã phải nhiều lần nộp phạt và phải lao động công ích nhiều giờ. Lần phạm tội gần đây nhất của cô là vào năm 1999. Từ đó, cô có vẻ im ắng.

Santos cảm thấy tim mình đập thình thịch.

Nikki đang dính líu vào chuyện gì thế này?

Nhìn hồ sơ của cô, toàn bộ tội lỗi có thể bị đổ cho cô. May mà anh giữ các con bài trong tay. Nếu khéo làm, thậm chí anh còn có thể giành lại người phụ nữ mình yêu và vĩnh viễn loại bỏ tên Larabee.

Để sang một bên những thứ có thể buộc tội Nikki, anh cẩn thận thu thập các bằng chứng hữu ích chống lại Sebastian: cuộc gọi 991, các dấu vân tay trên vũ khí gây án, vé máy bay đi Paris chứng tỏ tội bỏ trốn.

Hồ sơ rất chắc chắn. Có lẽ đủ để thuyết phục một thẩm phán nào đó khẩn cấp ký lệnh ủy thác xét xử quốc tế. Để đổ thêm dầu vào lửa, anh sẽ để rò rỉ một vài thông tin cho một số cơ quan báo chí thân thiết. Một người có danh vọng chạy trốn tới Paris sau vụ án mạng trong quán rượu: giới truyền thông rất thích những tin kiểu này. Nhà Larabee là một gia đình danh gia vọng tộc lâu đời ở New York, nhưng vào cái thời buổi khủng hoảng này, những người nắm quyền lực kinh tế không còn vị thế bất khả xâm phạm nữa. Mà ngược lại. Từ hơn một năm trở lại đây, phong trào của Những kẻ phẫn nộ đang thể hiện nỗi tức giận của họ đối với phố Wall. Đã bao lần, hàng trăm người biểu tình đã phong tỏa cầu Brooklyn. Sự phẫn nộ của tầng lớp trung lưu đang lớn dần và lan rộng khắp cả nước.

Thời thế đang thay đổi.

Những kẻ mạnh của quá khứ sẽ không còn mạnh trong tương lai.

Hơn nữa, Sebastian Larabee không phải một kẻ quen trốn chạy.

Ngay khi lệnh bắt giữ hắn ta được ban ra, hắn có thể sẽ bị tóm như một tên ngốc…
Chương trước Chương tiếp
Loading...