Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13
Chương 42
- Kho sách nằm dưới tầng hầm của Vatican, tớ đã phải đề nghị cấp giấy phép cho cậu, vì việc tiếp cận phần này của tòa nhà được kiểm soát chặt chẽ- khi vào đến nơi cậu sẽ hiểu tại sao.Họ đi dọc theo bức tường cao của Thành Vatican và vào bên trong qua cửa trên đường Porta Angelica nơi đặt trạm gác chính. Hai người Thụy Sĩ mặc đồng phục xanh để họ đi qua mà không ngăn lại, và họ bước qua một loạt sân trong, cho đến tận sân Belvedere. Được những bức tường thành bao bao quanh, sân này bao bọc Phòng trưng bày đá của các bảo tàng và Thư viện Vatican. Mặc dù mới sáng sớm nhưng đã thấp thoáng những bóng người di chuyển phía sau cửa kính.Leeland ra hiệu cho cha Nil đi theo mình và tiến về góc đối diện. Dưới chân bức tường đồ sộ của Vatican, một cánh cửa nhỏ bằng kim loại có gắn một chiếc hộp. Tu sĩ người Mỹ bấm mật mã và chờ đợi.- Một số người được chọn kỹ càng có giấy phép thường xuyên, giống như tớ. Nhưng cậu thì sẽ phải nói đúng mật khẩu để vào.Một viên cảnh sát thuộc Tòa Thánh mặc thường phục mở cửa, và nhìn chằm chằm vào mặt hai vị khách với vẻ nghi ngờ. Khi nhận ra Leeland, anh ta nở nụ cười.- Buongiorno, monsignore [[30]]. Tu sĩ này đi cùng ông à? Tôi có thể xem giấy tờ và giấy phép của ông ấy không?Cha Nil đã mặc lại trang phục tu sĩ của mình; ở đây điều này sẽ làm cho mọi sự dễ dàng hơn, Leeland đã giải thích với ông như vậy. Họ bước vào một phòng kiểu như phòng thông áp, và cha Nil chìa ra một mảnh giấy cho người bảo vệ của Vatican. Viên cảnh sát cầm mảnh giấy, không nói một lời, rồi biến mất.- Việc kiểm tra rất chặt chẽ, người bạn Mỹ của ông thì thầm. Thư viện Vatican mở cửa cho công chúng, nhưng kho sách ở tầng hầm lưu giữ những bản thảo cổ mà chỉ một vài nhà nghiên cứu hiếm hoi mới được quyền tiếp cận. Cậu sẽ gặp cha Breczinsky, người trông coi chỗ này. Do giá trị không thể ước lượng được của kho báu ở đây, Giáo hoàng đã chỉ định một người Ba Lan đảm nhận chức vụ này, một người nhút nhát và mờ nhạt, nhưng toàn tâm toàn ý tận tụy với Đức Thánh Cha.Viên cảnh sát quay lại, trả giấy phép cho cha Nil kèm theo một cái gật đầu.- Cần trình giấy này mỗi lần ông đến đây. Ông không được phép vào một mình, mà chỉ khi đi cùng Đức ông Leeland, người có giấy phép thường xuyên. Hãy theo tôi.Một hành lang dài, dốc thoai thoải chạy xiên xuống phía dưới tòa nhà và dẫn đến một cánh cửa bọc sắt. Cha Nil có cảm giác bước vào một thành trì sẵn sàng cho một cuộc vây hãm. “Nơi này ẩn kín dưới trọng lượng hàng nghìn tấn của nhà thờ Saint Peter. Lăng mộ của Thánh tông đồ cách đây không xa.” Viên cảnh sát đưa vào một tấm thẻ từ và gõ mã số: cánh cửa mở ra với một tiếng rít.- Đức ông, ông đã biết chỗ rồi. Cha Breczinsky đang đợi các ông.Người đàn ông đứng sau cánh cửa bọc sắt thứ hai có gương mặt xanh xao, càng nhợt nhạt hơn bên trên chiếc áo dòng màu đen vừa khít. Một cặp kính tròn trên đôi mắt cận.- Xin chào Đức ông, và đây là ông người Pháp mà tôi đã nhận được một giấy ủy nhiệm của Cơ quan truyền bá đức tin?- Chính là ông ấy, cha thân mến. Ông ấy đến giúp tôi; cha Nil là tu sĩ ở tu viện Saint-Martin.Breczinsky giật mình.- Cha có tình cờ là đạo hữu của cha Andrei không ?- Chúng tôi đã là đạo hữu trong vòng ba mươi năm.Breczinsky mở miệng như để hỏi cha Nil một câu, nhưng lại thôi và giấu vẻ bối rối của mình bằng một cái gật đầu nhẹ. Ông quay sang Leeland.- Đức ông, phòng làm việc đã sẵn sàng. Mời các ông theo tôi…Họ im lặng đi theo ông qua một dãy những căn phòng có mái vòm, thông với nhau bằng một cửa vào rất rộng cũng hình vòm. Các bức tường phủ đầy những kệ sách có lắp kính, ánh sáng tỏa ra đều khắp, và âm thành vo vo báo hiệu sự có mặt của thiết bị đo độ ẩm là thứ cần thiết cho việc bảo quản những bản thảo cổ. Cha Nil lướt ánh mắt nhìn những giá sách mà họ đi qua: Cổ đại, Trung cổ, Phục hưng, Risorgimento… Những cái nhãn cho phép đoán ra đây là những bằng chứng quý giá nhất của Lịch sử phương Tây, mà ông có cảm giác vừa trải qua toàn bộ chỉ trong vài chục mét.Vui thích trước vẻ ngạc nhiên của ông, Leeland thì thầm:- Trong khu âm nhạc, nơi duy nhất tớ có quyền sử dụng, tớ sẽ chỉ cho cậu những bản thảo dàn bè tự viết của Vivaldi, những trang Messie của Haendel, và tám khuôn nhịp đầu tiên trong bản Lacrymosa của Mozart: những nốt nhạc cuối cùng do chính tay ông viết khi đang hấp hối. Chúng ở đây….Khu âm nhạc nằm ở phòng cuối cùng. Ở giữa, dưới hệ thống chiếu sáng có thể điều chỉnh được, là một chiếc bàn trống trơn mặt kính, trên đó kiếm không ra một hạt bụi.- Ông đã biết chỗ rồi, Đức ông. Tôi sẽ để các ông ở đây. Ờ…- dường như ông đang phải gắng sức – cha Nil, ông có thể qua văn phòng tôi không? Tôi phải tìm cho ômg một đôi găng đúng cỡ tay ông, ông cần đến nó để lật giở bản thảo.Leeland có vẻ ngạc nhiên, nhưng vẫn để cha Nil đi theo viên thủ thư vào một văn phòng trông thẳng ra phòng họ. Breczinsky cẩn thận đóng cửa sau lưng họ, lấy một cái hộp trên giá rồi quay sang cha Nil, vẻ bối rối.- Cha ạ… tôi có thể hỏi ông thực chất mối quan hệ giữa ông và cha Andrei là thế nào không?- Chúng tôi rất thân thiết, nhưng tại sao ?- Thì là tôi… tôi có trao đổi thư từ với ông ấy, thỉnh thoảng ông ấy hỏi ý kiến tôi về những bản khắc thời Trung cổ mà ông ấy đang nghiên cứu.- Vậy là…Là ông à ?Cha Nil nhớ lại: “Tôi đã gửi ảnh chụp phiến đá Germigny cho một người làm việc ở Vatican. Ông ấy trả lời là đã nhận được, không bình luận gì thêm.”- Cha Andrei đã nói với tôi về người trao đổi thư từ với ông ấy ở Thư viện Vatican, tôi không biết đó là ông và không nghĩ là có dịp được gặp ông!Breczinsky cúi đầu mân mê những chiếc găng tay đựng trong hộp theo phản xạ.- Ông ấy thường nhờ tôi giải thích kỹ hơn về chuyên môn, giống như những nhà nghiên cứu khác, dù cách xa nhau nhưng chúng tôi đã thiết lập được một mối quan hệ tin cậy. Rồi một hôm, khi đang sắp xếp kho bản thảo tiếng Ai Cập cổ, tôi thấy một mảnh bản thảo rất nhỏ, nhìn như đến từ Nag Hamadi, chưa được dịch. Tôi đã gửi cho ông ấy, hình như ông ấy rất bối rối vì mảnh bản thảo này, và gửi trả lại tôi mà không dịch. Tôi đã viết thư cho ông ấy về vấn đề này, thế là ông ấy fax cho tôi bức ảnh chụp một bản khắc từ thời Carolingien, được tìm thấy ở Germigny và hỏi tôi nghĩ gì về nó.- Tôi biết, chúng tôi đã cùng chụp bức ảnh đó. Cha Andrei có cho tôi biết về công việc của ông ấy. Hầu như toàn bộ.- Hầu như ?- Vâng, ông ấy không nói hết với tôi, và không che giấu điều đó, điều này luôn khiến tôi ngạc nhiên.- Sau đó, ông ấy đã đến đây. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, một cuộc gặp… rất ấn tượng. Rồi ông ấy biến mất, tôi không bao giờ gặp lại ông ấy nữa. Tiếp đó tôi được biết về cái chết của ông ấy đăng trên tờ La Croix, một vụ tai nạn, hay là một vụ tự sát…Breczinsky có vẻ rất lúng túng, mắt ông lẩn trốn ánh mắt cha Nil. Cuối cùng ông cũng đưa cho cha Nil một đôi găng tay.- Ông không thể ở cùng tôi quá lâu, ông phải quay về phòng. Tôi… chúng ta sẽ nói chuyện với nhau sau, cha Nil ạ. Sau này, tôi sẽ tìm ra cách. Ông hãy đề phòng mọi thứ ở đây, kể cả Đức ông Leeland.Cha Nil mở to mắt kinh ngạc.- Ông muốn nói gì? Chắc là ở Roma, tôi sẽ không gặp gỡ ai khác ngoài ông ấy, và tôi hoàn toàn tin tưởng. Chúng tôi đã cùng học đại học với nhau, tôi biết ông ấy từ lâu rồi.- Nhưng ông ấy đã sống ở Vatican một thời gian. Nơi này biến đổi tất cả những người đến gần nó, họ không bao giờ còn là mình nữa… Thôi nào, quên điều tôi vừa nói với ông đi, nhưng ông hãy cẩn thận nhé!Trên bàn, Leeland đã trải một bản thảo ra.- Ông ta tìm cho cậu một đôi găng tay mới lâu làm sao! Trong khi có một ngăn tủ đầy ở phòng bên cạnh, tất cả các cỡ…Cha Nil không đáp lại ánh mắt lo lắng của bạn mình, và lại gần chiếc kính lúp to tướng hình chữ nhật nhô ra bên trên bản thảo. Ông liếc mắt nhìn vào.- Không có phần chữ trang trí, chắc là trước thế kỷ X rồi. Làm việc thôi, Remby!Buổi trưa, họ ăn một chiếc sandwich Breczinsky mang cho. Bỗng nhiên, với vẻ rất niềm nở, người Ba Lan này đề nghị cha Nil giải thích công việc của ông.- Trước hết là đọc hiểu văn bản bằng tiếng Latin của các bản thảo chép Thánh ca Grégoire. Sau đó dịch văn bản bằng tiếng Hê brơ của các bài hát Do Thái cổ có giai điệu gần giống, rồi so sánh… Tất nhiên, tôi chỉ phụ trách phần văn bản, Đức ông Leeland chịu trách nhiệm phần còn lại.- Đối với tôi, tiếng Hê brơ cổ thật khó hiểu, cũng như những chữ viết thời Trung cổ, người bạn Mỹ của ông vừa cười vừa giải thích.Khi họ ra đến bên ngoài, mặt trời đã ở thấp dưới chân trời.- Tớ quay về San Girolamo luôn đây, cha Nil cáo lỗi, không khí điều hòa khiến tớ đau đầu.Leeland chặn ông lại: họ đang ở giữa quảng trường Saint Peter.- Tớ có cảm giác cậu đã gây ấn tượng mạnh cho Breczinsky. Bình thường, ông ta không nói quá ba câu liên tục. Thế nên, ông bạn ạ, tớ phải nhắc cậu: hãy đề phòng ông ta.“Lại đề phòng! Chúa ơi, con rơi vào nơi nào thế này?”Vẻ mặt nghiêm trọng, Leeland nhấn mạnh:- Cậu hãy cẩn thận để không sơ suất gì. Nếu ông ta nói chuyện với cậu, thì là để thăm dò cậu thôi. Ở đây, không có gì, không có ai là vô hại cả. Cậu không biết Vatican nguy hiểm đến mức nào đâu, phải đề phòng tất cả mọi người và đề phòng bất cứ ai.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương