Bí Mật Một Gia Tài

Chương 15



Cô gái vội vã bước ra khỏi vườn. Giáo sư đã nhầm, cả chiều lẫn tối cô không ở trong ngôi nhà cổ kính, đài các… Đã đến lúc cô lên phòng bà Coocđula. Cô gặp Vêrônic mang bữa phụ ra vườn. Không có ai ở trong nhà, trừ bác Hăngri… Gió thổi như bão xuyên qua cành lá những cây sồi đã xù xì qua năm tháng và đẩy Fêlixitê chúi về phía trước không cưỡng lại được. Đấy là ở trên mặt đất được những vòm cây che khuất. Còn cái gì sẽ đợi cô ở trên kia, ở lối đi qua các mái nhà dốc, ngoài trời gió bão?

Hăngri mở cửa cho cô, Fêlixitê thở không ra hơi đi qua trước mặt bác, vào phòng phụ lấy chìa khoá tầng thượng.

- Này, cháu định làm gì thế? – ông già ngạc nhiên hỏi.

- Cháu muốn trả lại danh dự cho bác và giành lấy tự do cho cháu! Bác Hăngri, chú ý kỹ cho cháu nhé! – Cô vừa nói vừa vội vã bước lên thang.

- Đừng có làm điều gì dại dột, Fê nhé, đừng liều lĩnh! – Bác gọi với lên nhưng cô không nghe thấy.

Bác phải canh chừng ở dưới này, và bác lo lắng đi đi lại lại trong phòng trước.

Khi cô gái thò đầu ra ô cửa, một luồng gió mạnh thổi bạt hơi buộc cô phải lùi vào, đợi ngớt gió cô lao ra ngoài. Ai được trông thấy bộ mặt xinh đẹp tái xanh ấy nhô từ cửa sổ tối đen ra với đôi môi mím chặt, với vẻ quả quyết âm thầm, người ấy buộc phải thừa nhận rằng cô gái biết rõ mối nguy hiểm đáng sợ cô đang dấn thân vào cô sẵn sàng liều chết để hoàn thành nhiệm vụ… Con người trẻ trung nhưng tự tin biết bao! Trái tim nóng bỏng ấy biết căm ghét dữ dội là thế, nhưng mà cái đầu lại lạnh lùng và chín chắn vô cùng!

Chân cô chạy nhẹ nhàng trên mái ngói lạo xạo và cặp mắt sáng suốt của cô không lúc nào bối rối. Kẻ thù đang gầm thét, một tiếng rít ghê tai thế là nó trở lại, trong cơn thịnh nộ nguy hiểm. Cửa trước bật tung ra ầm ầm, các chậu hoa rơi xuống hành lang vỡ tan tành, những cây cổ thụ rền rĩ và rung lên phía dưới chân cô. Cô vẫn ở trên mái nhà kề bên, nhưng tay cô đã bám được vào bao lơn vừa với tới.

Gió bão làm tóc cô sổ tung ra, những món tóc dày bị cuốn đi như muốn tung vào trong gió, nhưng cô không động đậy. Sau một lúc kiên trì chống cự cô đã lên được bao lơn và sau đó vào phía trước nhà… Đằng sau cô, tiếng gió rít và tiếng ào ào vẫn tiếp tục nhưng cô không nghe thấy gì nữa, cô không nghĩ đến mối nguy hiểm lúc trở về. Cô đứng đấy hai tay chắp lại, trong gian phòng đầy đây trường xuân bao phủ, và cô khóc. Phòng này vẫn ở được như hồi bà Coocđula còn sống. Không một hạt bụi vương trên nắp chiếc dương cầm gỗ đào hoa tâm bóng loáng. Dây trường xuân như muốn chứng tỏ sức mạnh trải qua nhiều nhánh non trên lớp lá sẫm, và trong một khuôn cửa có đặt một cây cao su và một cây sồi dược chăm sóc cẩn thận, đó là hai cây bà cô yêu thích nhất. Khung cửa chỗ kia có thay đổi. Chiếc bàn ngồi khâu xinh xắn không ở đấy nữa. Giáo sư đã sắp xếp lại chỗ vòm này thành phòng làm việc.

Không dừng lại, cô chạy ra chỗ tủ kính. Trên mặt bên cạnh của tủ, giữa những hoa văn chạm trổ có một cái mấu rất nhỏ bằng kim loại nếu không được chỉ rõ rất khó nhận ra. Fêlixitê ấn nút và cửa ngăn bí mật mở ra. Nó vẫn tàng trữ những báu vật chưa tìm thấy.

Các bình cà phê và bình sữa phình ở dưới, những chống bát đĩa buộc bằng dây lụa, các hộp nữ trang cổ kính với các thứ trang sức bằng kim cương, tất cả vẫn nằm ở chỗ cũ… ở góc kia có cái hộp đựng chiếc vòng vàng và bên cạnh là cái hộp xám.

Fêlixitê lấy chiếc hộp xám ra. Hộp không nhẹ. Thứ đựng ở trong sẽ phải huỷ bỏ. Nhưng bằng cách nào? Nó là cái gì?

Cô thận trọng mở nắp. Trong ấy là một cuốn sổ tay gáy da. Giấy bồi đã cứng và bong, bìa sách để lâu quá nên đã cong queo. Cô rụt rè liếc nhìn, trên giấy không phải chữ in mà là chữ viết.

Bà cô Coocđula ơi, có đôi mắt đang dừng lại ở đây, trên điều bí mật của bà, đôi mắt bà đã hàng nghìn lần đọc được ở đấy tình thương yêu của đứa con, lòng tận tuỵ tuyệt đối; và trái tim trẻ trung không bao giờ hoài nghi về bà đang đập mạnh trước điều bí ẩn của đời bà! Lòng vững tin vào sự vô tội của bà đã bám chắc trong trái tim ấy cũng như lòng tin vào sự tồn tại của mặt trời, nhưng nó muốn biết vì sao bà đau khổ. Nó muốn đo xem sự hi sinh của bà to lớn đến chừng nào… Điều bí mật của bà sẽ chết; những tờ giấy này sẽ biến thành tro, và cái miệng từ tuổi thơ đã biết kín đáo sẽ im lặng như bà im lặng!

Những ngón tay run run nhấc nắp hộp lên: “Giôdép Đờ Xecbông, sinh viên văn khoa”, đấy là dòng chữ trên trang đầu… Cuốn sổ này là nhật ký của anh sinh viên con người thợ đóng giày, người ta nói vì anh mà cô gái Coocđula đã làm cho cha mình tức giận đến chết. Anh sinh viên chỉ dùng trang trước, còn trang sau chắc để ghi chú. Nhưng trang sau lại đầy những dòng chữ rất đẹp viết sít vào nhau, chữ của bà cô.

Fêlixitê đọc đoạn đầu. Những ý nghĩ sâu sắc, độc đáo, diễn tả mạnh mẽ và gọn gàng ít thấy đã thu hút và bắt người đọc suy nghĩ. Con trai người thợ đóng giày chắc phải là một người đặc biệt, có trí tưởng tượng đầy hình ảnh hùng tráng, trí xét đoán sắc sảo, có trái tim nóng bỏng đầy tình yêu say đắm! Vì thế cho nên cô gái Coocđula, con một thương gia nghiêm khắc, đã yêu anh cho đến lúc chết. Cô gái Coocđula viết:

“Anh đã nhắm mắt vĩnh viễn và không trông thấy em đang quỳ bên giường anh, vặn hai tay lại và cầu khẩn Chúa giữ cho anh lại cho em. Anh không ngừng gọi tên em trong những cơn sốt mê man, khi thì bằng giọng âu yếm của tình yêu, lúc lại bằng giọng tức giận của một trái tim bị xúc phạm tàn tệ, cùng với những tiếng la hét báo thù, rồi khi em nói với anh, anh đăm đăm nhìn mà không nhận ra, rồi đẩy tay em ra.

Anh đã rời bỏ thế giới này với lòng tin rằng em đã huỷ bỏ lời hứa, và khi mọi sự đã kết thúc và người ta đưa anh đi khỏi cái giường đau đớn của anh, em đã thấy cuốn sổ này dưới gối anh. Nó nói với em rằng em đã được yêu tha thiết, nhưng anh cũng đã nghi ngờ em, Giôdép ơi! Em đã chờ đợi trong đau buồn khắc khoải chỉ một cái nhìn có tri giác của anh, nó sẽ thuyết phục anh rằng em vô tội và số phận buồn thảm của em sẽ không còn bị đau đớn như dao đâm… mà không được! Thế là xa cách vĩnh viễn, tâm hồn cũng không được giảng hoà… còn sự hành hạ nào nặng nề hơn nữa! Và dù có phạm trọng tội, em cũng không thể bị trừng phạt tàn nhẫn hơn trái tim rên rỉ ngày đêm và không ngừng làm em khốn khổ!

Linh hồn vĩ đại của anh đã bay xa, trên những con đường không giới hạn, còn em vẫn lang thang trên trái đất nhỏ bé tội nghiệp này, không biết anh có thể nhìn lại phía sau không… Em không được nói với anh những bão tỗ trong nội tâm, và em cũng không muốn làm thế, vì ở đâu có con người hiểu được sự mất mát của em? Chỉ có mình em hiểu rõ. Nhưng em vẫn phải kể lại mọi sự đã xảy ra như thế nào. Anh đã để lại những ý nghĩ của anh trong cuốn sổ này, dù gan dạ và mãnh liệt đến mấy, vẫn cảm thấy rõ hơi thở ngọt ngào và khích lệ của tình yêu sâu sắc và bất diệt đối với em, Giôdép ạ. Những ý nghĩ ấy nói với em bằng hơi thở của người sống và tiếng nói thân ái của anh…em muốn đáp lời anh, ở đây trên cùng những trang giấy anh đã để tay lên, em muốn hình dung anh đứng bên cạnh em, đôi mắt sâu thẳm của anh theo dõi ngòi bút em từng nét cho đến khi sự bí ẩn này được giải quyết trước mắt anh!

Anh còn nhớ cô bé Coocđula Hêluy đang tìm tòi trên vựa thóc con gà trắng yêu thích nhất bị chó săn làm hoảng sợ không? Trên ấy tối, nhưng qua khe hở, ánh mặt trời chảy vào như vàng và hàng tỷ hạt hạt bụi nô giỡn với nhau trong vệt sáng, Cô bé nhìn qua khe hở. Ở bên kia, ông hàng xóm Xecbông đã đưa về vụ lúa thu hoạch trên thửa ruộng duy nhất; cả ông và cậu bé Giôdép tinh nghịch đang ngồi trên ngọn đống lúa. Cậu ta nhìn qua ô kính.

- Tìm hộ em với! – Cô bé gọi qua khe hở. Cậu bé nhảy xuống đất nhìn quanh quẩn. – Tìm hộ em với. – cô bé nhắc lại rồi có tiếng gãy răng rắc, một trong những tấm ván cô bé nấp đằng sau rơi đánh ầm xuống vựa lúa của người láng giềng giàu có… Anh như thế đấy, Giôdép ạ! Và em biết rằng sau này anh sẽ đạp đổ nhiều tấm ván ngăn tồi tệ trong xã hội và những quy tắc sai trái đã được xây dựng công phu.

Em sợ hãi khóc như mưa. Ngay lập tức anh tỏ vẻ ngọt ngào và tốt bụng vô tả, anh dắt em xuống đưa vào cửa hàng chật hẹp, ám khói của bác thợ giày… Cái vách bằng ván gỗ được sửa lại; nhưng từ hôm ấy ngày nào em cũng đi qua phố đến chơi với anh… Ôi! Những buổi chiều mùa đông ấy! Ngoài trời, tuyết quay cuồng và gió mạnh thổi từng cơn! Gốc cây mê diệt bên cạnh cửa sổ rung lên mỗi khi có cơn gió đập xuống ô cửa tròn khảm chì, con chim sơn thước, lúc thường dũng cảm là thế, mà phải bám chặt vào vách giữa lồng. Trên cái lò sưởi to tướng bằng gốm, cà phê đang âm ỉ, mẹ đáng kính của anh ngồi bên guồng quay sợi đay, cha anh ngồi trên ghế đẩu nện búa vào da để kiếm ăn hàng ngày.

Em vẫn như nhìn thấy trước mặt mình khuôn mặt tao nhã buồn buồn của ông khi ông kể về chuyện quá khứ. Khi ấy gia đình Xecbông là một gia đình danh giá và quyền thế, một dòng dõi quả cảm, những người to lớn mạnh khoẻ vô cùng! Những cánh tay vạm vỡ của họ đã lập ra biết bao kỳ công! Nhưng những dòng máu cao quý họ đã đổ ra làm em rùng mình, em thích câu chuyện người hiệp sĩ yêu thương vợ trẻ của mình tha thiết và chung thuỷ hơn. Anh đã thuê làm hai chiếc vòng, và chạm ở mỗi chiếc một nửa đoạn thơ tình yêu, anh đeo một chiếc và nàng một chiếc… rồi khi anh bị tử thương ngã xuống chiến trận, một tên tướng cướp vô lại đột ngột xuất hiện để chiếm của anh vật tượng trưng quý báu cho tình yêu,người hấp hối nắm chặt lấy chiếc vòng bằng bàn tay co quắp, mặc cho tay bị đâm chém, cho đến lúc người tuỳ tùng của anh đến cứu và giết được tên cướp… Trong gia đình, mọi người coi đôi vòng như thánh tích… đúng thế, cho đến khi giặc Thuỵ Điển xâm nhập… Thời gian ấy, sao mà anh ghét giặc Thuỵ Điển thế, Giôdép! Chúng là nguyên nhân phá sản của dòng họ Xecbông… Câu chuyện thật buồn, em càng không vui mỗi khi nghe cha anh nhắc lại: – Con thấy đấy, Giôdép ạ, không có cái tai hoạ ấy thì con đã có thể học hành và trở thành người danh tiếng, nhưng do ngẫu nhiên mà con chỉ còn có cái dùi của người thợ giày – ngọn giáo của Xanh Crêpanh… Ôi, câu chuyện này còn có một khía cạnh xấu hơn nữa mà ông thợ giày không tưởng đến.

Họ Xecbông vẫn là những người sùng đạo Gia tô giáo, khi khắp nơi quanh họ đã gia nhập đạo giáo mới Luyte (1). Từ lúc ấy, họ sống tách biệt vì khác nhau tín ngưỡng. Nhưng Ađriêng Đờ Xecbông không chịu như thế, ông là một người cuồng tín, thà bỏ quê hương xứ sở mà đi còn hơn sống giữa những người dị giáo. Ông bán hết sản nghiệp trừ ngôi nhà ở phố Chợ. Ông nhận được một trăm tám mươi nghìn mác tiền mặt rồi một hôm hai con trai ông ra đi tìm mua một ngôi nhà mới ở những miền theo Gia tô giáo. Sự việc xảy ra là Vua Thuỵ Điển, Guyxtavơ, Ađônphơ, đi qua Tuyringơ với một đạo quân hai mươi mốt ngàn người. Ông ta ở lại thành phố X… hai mươi bốn giờ – ngày 22 tháng 10 năm 1632, – họ đóng quân trong các nhà dân. Ngôi nhà phố Chợ đầy bọn Thuỵ Điển thô lỗ, hoàn cảnh dễ gây cho ông già Ađriêng nổi giận. Bọn kỵ binh đang dở say uống rượu nho ở sân, thế là điều bất hạnh kinh khủng đã đến. Một thằng trong bọn chúng lấy gươm đâm vào ngực ông già đầy nhiệt huyết, ông ngã ngửa xuống thềm chết ngay tức khắc không thốt một lời. Nhưng bọn Thuỵ Điển nổi cơn thịnh nộ đập nát mọi đồ đạc trong nhà, khi các con ông trở về, ông già Ađriêng đã yên nghỉ từ lâu dưới tấm bia mộ trong nhà thờ Đức Bà, họ tìm của thừa kế mà không thấy. Chắc bọn Thuỵ Điển đã lấy hết số tiền một trăm tám mươi nghìn mác, các rương, tủ trống rỗng, đồ đạc ở trong bị xé nát và giày xéo dưới chân, giấy tờ của gia đình bay tung theo gió, không tìm được một tờ nào… Cha anh kể như thế, Giôdép ạ! Vì vậy ngôi nhà chuyển sang tay ông thị dân Hêluy với một giá quá thấp. Hai con ông Ađriêng chia nhau số tiền bán nhà: Lutdơ, người anh cả ra đi; không ai nghe nói đến nữa; ngành thứ dẹp đao kiếm, và con cháu những người đã chiến thắng chống quân Xaradanh (2), xưa kia là khách quý của triều đình, của các hoàng đế, bây giờ sử dụng cái bào hay cái dùi của thợ giày.

Còn anh thì không thế, Giôdép! Cũng như những món tóc đẹp ở trán anh cứ quăn lại và bướng bỉnh rủ xuống, tài năng của anh cách xa hàng ngàn dặm sự nghiệp của các bậc cha ông; anh đi theo đường của anh dù biết nó đầy chông gai, ghềnh đá, và thiếu thốn sẽ là bạn đường gắn bó với anh; anh chỉ nhìn thấy mục đích, mục đích trang nghiêm và sáng sủa, để rồi khí thế anh hùng ấy sụp đổ một cách khốn cùng trong tầng gác xép! Trí tuệ lánh xa do thân thể suy nhược vì đói khát!… Hỡi Chúa tối cao, một con người của Chúa qua đời vì không có bánh ăn!

Có ai nghĩ đến con người anh sẽ tắt hẳn khi anh phát triển một cách mãnh liệt và đầy sức thuyết phục những tư tưởng mới, mạnh dạn, độc đáo? Hay khi anh ngồi trước dương cầm,ngón tay anh đã tung ra những giai điệu tuyệt vời?… Đấy là một chiếc đàn tồi tàn bỏ trong góc tối ở phòng cha mẹ anh; tiếng nó đanh và khô, nhưng tài năng của anh đã cho chúng linh hồn, chúng vang lên như giông tố và bão táp, chúng vẽ ra một bầu trời tươi đẹp và một trái đất xán lạn… Anh còn nhớ cha anh đã tặng anh cái gì khi ông hài lòng về anh không? Bằng một cử chỉ trịnh trọng ông mở cái tủ cũ và đặt trên giá nhạc của anh một cuốn sách nhạc. Đấy là ca khúc nhỏ của Jean Sébestien Bach. Cụ của anh đã được chính nhà soạn nhạc tặng và gia đình giữ gìn như một thánh tích… Không tìm được một đồng tiền, một mẩu bánh ở nơi anh ở, nhưng bản thảo bản tổng phổ của Bach vẫn để nguyên vẹn trên bàn để gửi cho em…

Ở mặt trước trang này là dòng chữ:”Coocđula tóc vàng hiền dịu của tôi đã đến nhà tôi trong bộ áo trắng tinh”, hôm ấy là ngày lễ kiên tín của em. Giôdép ạ! Mẹ em đã nghiêm khắc bảo đây là lần cuối cùng, kể từ ngày hôm nay em là con gái đã lớn của nhà thương gia giàu có, và việc giao thiệp với nhà người thợ giày không phù hợp nữa… Cha mẹ anh không có ở đấy, em nói với anh việc cấm đoán. Mặt anh nhợt đi dưới bộ tóc đen. – Thôi được, em đi đi, – anh dậm chân và kiêu ngạo nói với em, tiếng anh rè lại và đôi mắt tức giận của anh loáng ánh nước mắt. Em không đi; bàn tay run rẩy của chúng mình nắm chặt lấy nhau, đấy là tiền đề của tình yêu tuyệt diệu của chúng mình.

Em, chẳng lẽ em lại quên điều ấy và bội ước, sau bao nhiêu năm cưỡng lời cha mẹ, khi tức giận, khi nài nỉ, để rồi đột ngột bội ước và do bản thân mình? Các cụ gọi anh là thằng chết đói, thằng con trai đáng khinh của người thợ giày bị đóng ách vào những công việc chẳng ra gì; các cụ dọa nguyền rủa em, truất phần thừa kế của em, em vẫn kiên nhẫn. Thật dễ dàng bao nhiêu trong thời gian anh còn ở đây để nâng đỡ em! Nhưng khi cha mẹ anh qua đời và anh đi Laidich, thời kỳ này mới thật kinh khủng! Một hôm ở nhà em bỗng xuất hiện một người đàn ông cao và mảnh khảnh, trên cái khung người ấy có cái đầu và hai má xạm, và mớ tóc thưa, dài, đen, rủ xuống, chung quanh mồm hắn những nét xệ nham hiểm… Người ta có một thứ nhìn tiên đoán, thứ nhìn ấy là bản năng của lương tâm trong sạch… Em biết ngay với con người ấy, tai nạn đã bước qua ngưỡng cửa nhà em. Cha em nghĩ khác về tên Pôn Hêluy này. Hắn là họ hàng gần, con một người đã làm giàu trong xã hội và địa vị cao. Vì vậy người họ hàng trẻ tuổi này đến thăm là một vinh dự cho gia đình. Cái thân hình cao lớn ấy biết còng xuống một cách khiêm tốn mới giỏi làm sao, lời hắn thốt từ miệng ra mới ngọt xớt và ỏn thót làm sao!

Anh đã biết rằng tên khốn nạn ấy dám nói chuyện yêu đương với em. Anh cũng biết rõ em đã phẫn nộ khước từ hắn. Hắn thảm hại và nhục nhã đến nỗi phải cầu xin cha em giúp đỡ. Ông lại rất muốn có cuộc hôn nhân này và thế là bắt đầu chuỗi ngày kinh khủng của em!… Thư anh không đến nữa, cha em chặn lấy hết! Những bức thư ấy kế tiếp các thư của em về sau em tìm được. Em bị đối xử như tù giam lỏng nhưng không ai ép buộc được em ở lại gian phòng nào khi có con người khả ố ấy bước vào… Thế là em trốn tránh khắp nới trong nhà, hình bóng của ông bà anh che chở cho em. Em tìm thấy bao nhiêu chỗ mà kẻ quấy nhiễu không làm em lo ngại.

Phải chăng cũng một ngón tay vô hình của một cụ bà nào đã hướng cho mắt em nhìn thấy đồng tiền vàng ở dưới chân?… một bức tường đổ xuống trong sân nuôi gà, trưa hôm ấy thợ đến hạ nốt phần chưa sụp đổ. Em ngồi bất động trên đống gạch vụn và nghĩ đến thời gian người ta đặt các viên đá móng, viên nọ chồng lên viên kia… thình lình em nhìn thấy một đồng tiền vàng dưới cỏ ngay trước mặt; không phải chỉ một đồng, có nhiều ánh vàng lấp lánh trong đống vôi vữa. Chắc lại một vạt tường to mới đổ sau khi thợ ra về, vì nó tung toé, lộn xộn, giữa đống đổ vỡ ấy nhô lên một góc chiếc rương gỗ. Có những chỗ đã vỡ, khe hở đúng là đầy ắp vàng.

Giôdép, em không hiểu rõ ý muốn chỉ dẫn của bà anh… em đã gọi cha em, con người bỉ ổi kia đã cùng đến. Họ lôi chiếc rương gỗ từ đống gạch đổ ra không khó khăn gì và mở ra bằng chiếc chìa khoá to để luôn ở ổ khoá.

Không phải bọn Thuỵ Điển, Giôdép ạ? Ở đây còn đủ hai chiếc vòng, còn đủ một trăm tám mươi đồng mác tiền vàng, các giấy tờ và văn tự đã ố vàng của nhà Xecbông! Cụ già Ađriêng đã để tất cả trong chỗ cất giấu này khi bọn Thuỵ Điển sắp đến!… Em mừng phát cuồng lên, nói rối rít:”Cha ơi, bây giờ Giôdép không phải là đứa chết đói nữa!”

Lúc này em như vẫn nhìn thấy ông! Anh đã rõ mặt ông lúc nào cũng quan trọng và nghiêm khắc, tiếng “vui” sẽ tắt đi trên môi những ai nhìn thấy nét mặt lạnh lùng ấy, nhưng sắc diện của ông mang dấu ấn của sự ngay thẳng không lay chuyển được, ông là người được vị nể nhất trong thành phố. Ông đứng đấy, cúi xuống phía trước, hai tay sục vào đống vàng. Mắt ông lạnh như băng nhìn em thật kỳ lạ! “Con trai người thợ đống giày à! – Ông nói – tiền của liên quan gì đến nó”

”Cha này, đây là gia tài của anh ấy!” Em cầm trong tay tờ chúc thư của ông Ađriêng. Em chỉ tên Xecbông.

“Đi”, bộ mặt vốn điềm nhiên bỗng thay đổi đáng sợ biết chừng nào!

“Con điên à?” Ông la lên và nắm chặt cánh tay em lắc mạnh. “Ngôi nhà này là của ta với tất cả những gì trong nó, để ta xem đứa nào dám đến đây lấy đi dù chỉ một xu trong ngôi nhà này?”.

“Bác hoàn toàn có quyền, bác ạ, – Pôn Hêluy ôn tồn tán thành. – Nhưng khi xưa cái nhà này của ông cháu với tất cả mọi thứ trong nhà”.

“Được, Pôn ạ, ta không từ chối quyền của cháu!” Cha em nói… Họ mang hòm vào nhà, không ai biết việc chiếm đoạt ấy ngoài em, em chạy như điên khắp nhà. Em chỉ trông thấy tội ác và sự nguyền rủa!

Cũng chiều hôm ấy em thấy Pôn Hêluy đòi sáu mươi nghìn mác và một chiếc vòng, hắn được nhận đủ…

Giờ đây anh đã rõ em đau khổ như thế nào trong khi anh coi em như đứa bội ước giả dối và phóng đãng? Em có một mình giữa hai người hành hạ, mà mẹ hiền dịu và nghiêm khắc của em đã mất, người anh độc nhất đi xa… Không phải chỉ vấn đề tình yêu của em với anh, em còn phải im lặng, im lặng đối với xã hội và với cả anh, em không thể nào đồng ý như thế… Tim anh có bao giờ hồi hộp lo lắng do linh cảm, trong những lúc bi đát em không nao núng trước người cha đang giơ tay đánh đập đứa con gái “bướng bỉnh, đồi bại” không?

Em vẫn giữ tờ chúc thư của cụ Ađriêng. Họ không biết việc ấy. Một tối kia, Pôn Hêluy chế nhạo hỏi em lấy gì chứng minh việc tìm được vàng, em ám chỉ đến tờ chúc thư và thế là kết thúc kinh hoàng đã xảy ra! Chiều hôm sau, cha em đi dự một đại tiệc, mặt ông đỏ bừng, ông đã uống quá nhiều rượu nho. Nghe lời tuyên bố của em, ông chồm vào em, hai bàn tay to khoẻ của ông lắc em mạnh đến nỗi em phải kêu lên vì đau, ông nghiến răng hổi em danh dự và tiếng tăm của ông có phải là thứ vô giá trị trước mặt em không. Chưa nói hết câu ông đã quăng em ngã xuống, mặt ông tím bầm, ông đưa hai tay lên cổ và đổ xuống như bị sét đánh trước mặt em, người cha cao lớn và đẹp đẽ ấy! Khi nâng ông lên ông vẫn thở, vẫn tỉnh, cái nhìn khủng khiếp của ông không rời mặt em và… Thế là em không kháng cự được nữa, Giôdép ạ!

Khi thầy thuốc rời khỏi phòng, em lấy tờ giấy trong người ra châm vào ngọn đèn. Không dám nhìn ông, em hứa sẽ im lặng mãi mãi, rằng không một vết nhơ nào sẽ rơi vào danh dự ông, với sự đồng loã của em… Ôi! Cái mỉm cười nham hiểm của Pôn Hêluy khi hắn nghe lời thề!…

Giôdép ơi, đấy là điều em đã làm! Em đã bảo đảm cho gia đình em phần gia tài đánh cắp của anh vào chính lúc sự thiếu thốn ném anh lên giường chết chóc! ”…

Không thể đọc tiếp những dòng làm cho rã rời, Fêlixitê gấp cuốn sổ lại. Ngoài trời gió rít dữ dội, các cửa kính rung leng keng. Những tiếng gió gào thét ấy có vào đâu so với những cơn bão táp trong lòng Fêlixitê do cuốn sổ để lại?

“Bà Coocđula ơi, bà đã bị hành hạ, khổ hạnh! Những người sống xa hoa với của đánh cắp đứng trên bệ cao của sự chính trực gia truyền trong dòng họ. Họ từ bỏ bà như một người phụ nữ sa đọa và xã hội mù quáng đã xác nhận. Bà ở trên tầng thượng cao tít, bị bêu xấu, sỉ nhục, và sau đôi môi mím lại là điều bí mật của bà!

Tinh thần đầy sức mạnh của bà xây dựng một thế giới riêng biệt, và nụ cười bình thản của bà báo rõ sự tha thứ làm cho nét mặt bà càng đẹp lên trong tuổi già, đấy là chiến thắng của một tâm hồn cao cả!”

Dư luận công chúng mới quái ác làm sao?

Fêlixitê bất giác giơ cuốn sổ lên, cửa chỉ hân hoan, hai mắt sáng ngời… Ai cấm cô đặt chiếc hộp này với vật khốc liệt bên trong lên bàn giấy?… Anh ta sẽ đến, sẽ ngồi vào chỗ quen thuộc đầy dây trường xuân bao quanh. Không nghi ngờ gì cả. Vầng trán cực lớn đầy tư tưởng sâu sắc, anh cầm bút tiếp tục viết… Anh trông thấy trước mặt có vật lạ, anh mở nắp hộp, lấy cuốn sổ ra và đọc, đọc cho đến lúc ngã vật xuống, cho đến lúc đôi mát xám tắt đi dưới sức mạnh của sự bộc lộ kinh hoàng… Thế là ý thức kiêu hãnh về giá trị của mình sẽ chết trong suốt cuộc đời. Anh sẽ mang gánh nặng của hổ thẹn một cách giấu diếm. Nếu anh muốn hưởng thụ các lạc thú của gia tài giàu có. Đó là thú vui đánh cắp được; nếu anh đọc đến cái tên họ đã bao lần khoe khoang, tên ấy đã bị bôi bẩn bằng một vết nhơ nhuốc… Anh, cái con người kiêu hãnh ấy, sẽ tan nát tận đáy lòng, tinh thần sẽ suy sụp vĩnh viễn…

Sách và hộp rơi xuống sàn và những giọt nước mắt nóng hổi trào ra giàn giụa…. – “Không, không, thà chết đi một nghìn lần còn hơn làm cho anh ta phải chịu nỗi khổ ấy!” Cái miệng run run phát ra những lời này phải chăng vẫn là cái miệng khi xưa, ở đúng chỗ này, giữa bốn bức tường này, đã nói: “Cháu sẽ không bao giờ phiền muộn nếu bất hạnh đến với anh ta, và nếu cháu có thể giúp anh ta đạt được hạnh phúc, cháu sẽ không động đậy một ngón tay!” – Đây có còn là lòng căm ghét khôn nguôi làm cho cô phải khóc, làm cho tim cô thắt lại với ý nghĩ anh có thể đau khổ không? Đây có phải là sự kinh hãi, thứ cảm xúc nhẹ nhàng và trang nghiêm của anh rồi hài lòng, hớn hở tự nhủ rằng cần phải bảo vệ anh, cứu anh thoát khỏi một cảm giác kinh khủng. Căm ghét, kinh sợ, khao khát báo thù đã tắt ngấm trong lòng cô!… Trời ơi, cô đã mất phương hướng!… Cô loạng choạng, hốt hoảng, úp mặt vào lòng bàn tay. Cuộc tranh chấp bí mật trong lòng lộ rõ trước mắt, nhưng không phải dưới ánh sáng của một trực giác kỳ diệu các tia sáng bao phủ những khoảng không tươi vui, đây là một ánh chớp loé chỉ cho cô thấy vực thẳm đang mở ra dưới chân…

Phải đi, phải đi thôi! Không còn gì giữ cô lại nữa! Lại một lần trở về qua mái nhà, rồi bước đi cuối cùng để vượt qua cả nhà Hêluy; cô sẽ tự do, khi đã trốn đi để không bao giờ gặp lại anh ta nữa!

Cô nhặt chiếc hộp bỏ vào túi. Nhưng cô dừng lại ngay khi một chân vừa cất bước, nín thở, như tê liệt. Ngoài kia, trong phòng trước, có tiếng người vừa đóng cửa và tiếng chân bước nhanh đang tiến đến. Cô lén ra phía trước mở cửa kính. Gió ào vào và ném vào mặt cô những hạt mưa lớn. Cô đưa mắt nhìn qua các mái nhà khớp thành hình vuông. Không thể vượt qua được nữa rồi, người ta sẽ trông thấy. Chỉ còn cách là tạm nấp.

Giữa tường phía trước và những chậu hoa có một ống máng hẹp nổi lên trên. Fêlixitê trèo lên đường ống máng lên cao nắm lấy thanh sắt của ống thu lôi chạy dài trên mái. Ở đấy cô nhìn bao quát phía trước… Bão táp túm lấy, làm chao đảo cô gái mảnh khảnh, hình như nó muốn tăng cơn cuồng nộ lên gấp bội để đẩy cô xuống dưới phố đang mở ra như một cái khe tối… Trên bầu trời, những đám mây đen cuồn cuộn bay trên đầu cô gái đang chống chọi với mối nguy hiểm khủng khiếp nhất.

Dù người đi ra hành lang lúc này là ai, Fêlixitê ở trên cao vẫn cứ bị coi như kẻ trộm vì đã đột nhập vào nơi cửa khoá. Đấy là tội bẻ khoá. Người ta đã nói thẳng vào mặt cô rằng cô biết chỗ để đồ bạc. Bây giờ tôi lỗi thật rõ ràng. Cô sẽ không được ra đi một cách đàng hoàng, họ sẽ đuổi cô ra khỏi cửa làm cho nhục nhã như kiểu bà già Coocđula, cô sẽ phải mang nhục và hổ thẹn suốt đời dù không có tội, không biết có khiếp sợ lắm không nếu phó mặc mình cho bão táp để sau một lúc đau đớn, cuộc đời trẻ trung của cô sẽ chấm dứt ở dưới kia, trên đường phố?…

Cô bối rối nhìn xuống mái nhô ra trước phòng. Người dưới ấy không dừng lại ở ô cửa kính như cô hy vọng. Dù gió, mưa, người đó vẫn bước ra và cô đã trông thấy rõ. Đấy là giáo sư… anh có nghe tiếng cô gái chạy trốn không? Anh quay lưng lại phía cô, có thể anh sẽ lùi vào mà không thấy cô; nhưng gió lại nổi lên, thật là tên phản bội; nó buộc giáo sư phải quay lại đồng thời làm cho tóc và áo người đang trốn bay phần phật, thế là anh phát hiện ra cô gái khổ sở đang bám cả hai tay vào thanh sắt, để lộ ra bộ mặt hư ảo và cặp mắt cùng quẫn giữa mớ tóc rối bời.

Đã có lúc cô tưởng như máu đông lại trong huyết quản khi bắt gặp cái nhìn hốt hoảng của anh; nhưng sau đó máu dồn lên đầu làm cô mất hết chút bình tĩnh còn lại.

- Đúng đấy, kẻ trộm đây rồi! Ông cứ đi tìm quan toà, tìm bà Hêluy đến đi! Tôi bị bắt quả tang! – cô kêu lên với tiếng cười cay đắng.

Cô buông tay trái, vén ra đằng sau mớ tóc bị gió bão thổi quất vào mặt.

- Trời ơi, – giáo sư kêu lên – nắm tay vịn đi, cô ngã chết bây giờ!

- Để cho kết thúc đi, tôi sẽ được sung sướng! – Tiếng trả lời vang lên qua tiếng gió gầm thét.

Anh không nhìn thấy cái máng Fêlixitê trèo lên. Anh xô nhào các chậu hoa để lấy lối rồi đột ngột đến bên cô. Anh ôm lấy cô, và bằng sức mạnh phi thường dù cô vùng vẫy cưỡng lại, kéo cô vào hiên trước trong tiếng cửa đập rầm rầm.

Cô gái không còn dũng cảm nữa. Như người ngẩn ngơ, cô không biết rằng người được cô gọi là kẻ thù vẫn đang đỡ cô, cô nhắm mắt lại và không biết anh đang chăm chú nhìn bộ mặt tái xanh của cô.

- Fêlixitê, – anh thì thầm giọng năn nỉ. Cô vùng đứng lên và hiểu ngay hoàn cảnh mình lúc ấy.

Mọi hằn thù cay đắng tâm hồn cô đã hứng chịu bao nhiêu năm đổ dồn đến cùng một lúc. Cô vùng mạnh ra, vẻ mặt lại cau có như trước kia với một nếp hằn sâu giữa hai lông mày và hai khoé môi nhíu lại.

- Tại sao ông lại chạm vào tầng lớp ti tiện. – Cô nói giọng mỉa mai. Nhưng người cô vừa vươn lên lại gục xuống. Cô úp mặt vào tay bực bội khẽ nói:

- Thôi được, ông cứ hỏi đi và sẽ hài lòng về câu trả lời của tôi.

Anh nhẹ nhàng cầm hai tay cô:

- Trước hết cô cần bình tĩnh lại, Fêlixitê, – anh nói, giọng xúc động, êm dịu của anh đã làm cô cảm động ngược với ý cô, lúc ở đầu giường đứa bé ốm. – Đừng tỏ thái độ cao ngạo, bất chấp, để cố tình xúc phạm tôi! Hãy nhìn chung quanh cô xem chúng ta ở đâu!… Chính tại đây cô đã vui chơi lúc tuổi thơ, phải không?… Chính tại đây người cô đơn đã cho cô sự che chở, kiến thức và lòng yêu thương chứ gì? Dù cô có làm gì, tìm gì ở chỗ này, việc ấy không thể có gì xấu, tôi biết rõ như thế, Fêlixitê ạ. Cô ngạo mạn, chua chát và kiêu căng quá mức, những đặc điểm ấy đưa cô đến chỗ bất công và tàn nhẫn… nhưng cô không thể có hành vi thấp kém… Tôi không biết tại sao như thế nhưng tôi cảm thấy sẽ gặp cô ở đây. Nét mặt bối rối, lúng túng của Hăngri, cái nhìn vô tình về phía cầu thang khi tôi hỏi cô củng cố thêm giả định của tôi… đừng nói gì cả – anh nói to khi cô ngước mắt lên và hé môi. – Tôi muốn hỏi cô, đúng thế, nhưng không như cô nghĩ, và tôi cho rằng mình có quyền sau khi đã xông vào mưa bão để tìm được cây sồi của tôi.

Anh đưa cô vào cuối phòng, có lẽ anh thấy phía trước sáng quá và cần ánh sáng mờ của phòng khách mới có thể nói tiếp được, Fêlixitê thấy tay anh run run. Họ đứng đúng dưới chỗ cô đã vùng vẫy dữ dội, nơi cô bị cám dỗ bởi ý muốn đưa lưỡi dao vào tim anh, làm cho tinh thần anh suy sụp suốt đời… Cô cúi đầu xuống như kẻ có tội trước đôi mắt vốn nghiêm nghị lúc này loé ra một tia sáng khác lạ.

- Fêlixitê, nếu cô ngã xuống! – Anh nói tiếp và hình như ý nghĩ ấy làm cho anh rùng mình rung cả tấm thân cường tráng. – Có nên nói với cô không rằng cô đã hành hạ tôi như thế nào bằng cái tính cố chấp cuồng si muốn chết đi còn hơn là kêu gọi sự xét đoán lành mạnh của người khác? Cô không cho rằng nỗi lo cháy ruột và đau đớn phi thường dù trong một lúc có thể đền bù được lỗi lầm đã phạm trong nhiều năm ư?

Anh dừng lại, hy vọng một lời đáp nhưng đôi môi nhợt nhạt của cô vẫn mím chặt và đôi mắt đen dài rủ bóng xuống má.

- Cô cố chấp tự bó mình trong tức giận, – anh nói sau một lúc lâu đợi, rồi nói tiếp vẻ thất vọng: – rõ ràng là cô không khái niệm được cái biến đổi của sự việc. – Anh buông hai tay cô xuống nhưng lại nắm bàn tay phải cô áp vào ngực mình: – Fêlixitê, khi trước cô có nói cô yêu quý mẹ mình, người mẹ ấy gọi cô là Fê; tôi biết những người yêu mến cô đều gọi cô bằng tên ấy, tôi cũng thế, tôi muốn nói rằng: – Fê, tôi muốn giảng hoà, giảng hoà!

- Tôi không giận nữa! – Cô thốt ra, giọng nghẹn ngào.

- Đây là lời quả quyết có ý nghĩa, nó vượt quá mong đợi của tôi… nhưng vẫn chưa đủ cho tôi… giảng hoà làm gì để sau đó xa nhau mãi mãi? Biết rõ cô không giận tôi nữa để làm gì nếu tôi không tự khẳng định được điều đó hàng ngày, hàng giờ?…

- Tôi không muốn giam mình trong một học đường. Không bao giờ tôi uốn theo được những quy định của lề thói đang được thừa nhận này…

Anh thoáng mỉm cười.

- Ồ, tôi cũng không muốn đưa cô vào đấy! Nghĩ đến học đường chỉ là một cùng kế, Fê ạ; tôi cũng sẽ không chịu được… Rất có thể tôi sẽ không được gặp cô hàng ngày, hoặc hai ngày một lần, rồi thì hàng tá các cô học sinh ngốc nghếch xúm quanh chen ngang vào từng lời trò chuyện; hay là bà Đuymông, bà hiệu trưởng nghiêm khắc sẽ ngồi một bên và không chịu cho tôi nắm bàn tay bé nhỏ này trong tay tôi dù chỉ một lần… Không thể được, tôi phải có quyền được nhìn bộ mặt thân yêu và kiêu hãnh này bất cứ lúc nào, tôi phải biết rõ rằng ở nơi tôi trở về, sau những lúc nhọc nhằn của nghề nghiệp, Fê của tôi đang chờ đợi và nghĩ đến tôi, trong những buổi tối êm ả và thân mật giữa bốn bức tường của mình, tôi phải được phép yêu cầu: “Fê, hát cho anh một bài dân ca!”. Nhưng, tất cả những điều ấy chỉ thực hiện được nếu em là vợ tôi!

Fêlixitê thốt ra một tiếng kêu và cố gỡ ra; nhưng anh giữ chặt lại và kéo cô đến gần mình hơn:

- Ý nghĩ ấy làm em sợ hãi ư, Fêlixitê! – Anh nói và vô cùng cảm động. – Tôi hy vọng đấy chỉ là sự xúc động do bất ngờ và không có gì xấu. Tôi tự bảo mình có lẽ cần phải có thời gian để em trở thành hiện thực trong mọi ước vọng của tôi. Tính cách của em không cho phép hy vọng sự biến hình nhanh chóng ”kẻ thù ghét cay ghét đắng” thành đối tượng mến yêu. Nhưng tôi ao ước đặc ân của em với sự kiên trì của tình yêu bất tử. Tôi sẽ đợi, dù gian nan đến mấy, cho đến một ngày kia em chủ động nói với tôi rằng: Em đồng ý, Giôhanex!… Tôi biết trong trái tim con người có thể hình thành những điều kỳ diệu như thế nào. Tôi đã trốn xa cái thành phố bé nhỏ này để tránh khỏi những mâu thuẫn ghê gớm trong nội tâm, như thế cũng không cản nổi điều kỳ diệu hình thành, mà trái lại! Những mâu thuẫn ấy tan đi hết trước sự say mê xao xuyến nhất. Từ nay tôi đã biết rõ: cái mà tôi đã tự phụ kiêu kỳ, xô đẩy đi sẽ là hạnh phúc của đời tôi… Fê, giữa những câu chuyện phù phiếm vô nghĩa và những điệu bộ làm duyên của người ưa đỏm dáng tôi nhìn thấy bên tôi, luôn luôn có một người thiếu nữ cô đơn, cương nghị, vầng trán đầy ý nghĩ táo bạo; với tôi chỉ là một, em là một nửa cuộc đời tôi, tôi hiểu rằng tôi không thể tách rời em mà không chết!… Và bây giờ thì, Fêlixitê, chỉ một lời thôi cho tôi yên tâm.

Cô gái đã dần dần rút tay ra. Nét mặt cô thay đổi thế nào trong khi anh nói không qua được mắt anh. Lông mày cau lại như thân thể đang vô cùng đau đớn, cô đăm đăm nhìn xuống đất bằng đôi mắt mờ đi và những ngón tay lạnh giá co quắp đan vào nhau.

- Ông muốn tôi làm cho ông yên tâm ư? – Cô trả lời giọng khắc khoải. – Mới trước đây một giờ ông đã nói: Đây là cuộc chiến đấu cuối cùng của cô, thế mà giờ đây ông lại tự tay mình xô tôi vào cái mâu thuẫn ghê gớm nhất mà tâm hồn con người phải chịu đựng!…

Chống chọi với kẻ thù bên ngoài có đáng gì so với việc chống lại bản thân và mong muốn của mình?

Cô giơ hai bàn tay chắp lại lên cao, ngửa đầu ra phía sau, đầy vẻ tuyệt vọng.

- Tôi đã phạm tội ác gì để Chúa đặt vào tim tôi tình yêu khốc liệt này.

- Fê!

Giáo sư dang tay định ôm lấy cô, nhưng cô đưa hai tay đẩy anh ra, dù có một ánh sáng lướt qua làm cho mặt cô thoáng rạng rỡ:

- Vâng, em yêu ông, ông hãy biết điều đó. – Cô nhắc lại bằng một giọng buồn vui lẫn lộn. Em có thể nói ngay bây giờ: em bằng lòng Giôhanex ạ, nhưng những lời ấy em sẽ không bao giờ thốt ra!

Anh lùi lại, mặt anh bệch ra như màu xác chết, anh biết quá rõ cô thiếu nữ có thái độ cương quyết và vầng trán đầy ý nghĩ táo bạo để hiểu rằng với lời quả quyết kia, anh đã mất cô.

- Ông đã trốn khỏi X… và vì sao? – Cô nói tiếp giọng rắn rỏi trở lại. Cô đứng lên và cái nhìn sắc sảo nhất của cô bắt gặp đôi mắt trong đó hình như mọi sức sống đều đã tắt. – Em sẽ nói cho ông nghe. Tình yêu của ông đối với em xúc phạm đến gia đình ông, cần phải bứt nó ra khỏi tim ông như nhổ cỏ dại. Nếu ông trở về mà không lành bệnh, đấy không phải lỗi tại ông… Ông đã bị khuất phục bởi cùng một thứ quyền lực đã buộc em phải yêu ngược lại với nguyên tắc của mình… Tất nhiên ông đã phải chống chọi gay go cho đến khi những ông hoàng ngạo mạn của giới thương mại phải chịu nhượng bộ đứa con gái người diễn trò vẫn bị bêu riếu… Không có gì trên đời này làm cho em tin được rằng em sẽ ở vững vị trí ấy suốt cuộc đời!… Mới cách đây mấy tuần lễ, ông đã khẳng định là sự khác nhau về đẳng cấp trong hôn nhân không bao giờ được bảo hộ. Nguyên lý ấy, ông đã duy trì bao nhiêu năm, chỉ có Chúa mới biết rõ. Không thể chỉ trong sáu tuần lễ qua nó đã tan biến không còn dấu vết, nó chỉ được che bằng một lớp vôi vữa, chỉ bị từ bỏ… nhưng dù nó đã được thay thế bằng một lòng tin khác, cần có bao nhiêu biến cố nữa mới làm tắt được trong tâm hồn em ký ức về nguyên lý đó.

Mệt mỏi, cô ngồi im một lát. Giáo sư đặt tay phải lên mắt và môi giật giật như bị chứng co rút.

Anh buông thõng tay xuống rồi bình tĩnh nói:

- Quá khứ chống lại anh nhưng em vẫn cứ lầm, Fêlixitê… Trời ơi, anh làm thế nào để chứng minh cho em rõ được đây?

- Trong những việc ngẫu nhiên bên ngoài không một biến đổi nào xảy ra, – Cô nói tiếp không thương xót. – Không một vết nhơ nào làm hoen ố danh giá gia đình ông, còn em, em vẫn ở vị trí bị khinh rẻ. Chỉ có một nhân cách của em đã gây ra sự quay ngược lại như thế… thật liều lĩnh và thiếu lương tâm về phần em nếu muốn lợi dụng lúc ông cố nén lại những nguyên tắc đã ăn sâu trong ông để chỉ thấy tiếng gọi của tình yêu… Hãy trả lời em bằng cả tâm hồn và lương tâm ông: có phải ông rất tự cao về quá khứ của gia đình mình không?… Và ông có thể tưởng tượng, dù trong giây lát, rằng ông bà của ông, những người vẫn kén chọn sao cho xứng đáng với dòng dõi, sẽ tán thành cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối của cháu các vị không?

- Fêlixitê, em nói rằng em yêu anh, vậy mà em có thể cố tình hành hạ anh tàn nhẫn như thế sao?

Mắt cô dịu lại. Có ai ngờ được nhìn thấy trong đối mắt kiêu căng ấy bùng sáng lên vẻ yêu thương khôn xiết! Cô cầm tay phải giáo sư:

- Khi nãy, khi ông vẽ ra cuộc sống bên ông, em đau khổ không thốt lên lời được, – cô đáp và cô cũng cảm động. – Hàng trăm cô gái khác ở vị trí của em có lẽ sẽ nhắm mắt trước tương lai để nắm lấy hạnh phúc nhất thời ấy, nhưng với con người như em, em không thể… Trở ngại suốt đời giữa chúng ta sẽ là nỗi lo sợ một lúc nào đó ông hối tiếc. Mỗi khi thấy mắt ông nhìn u tối, thấy nếp nhăn hằn trên trán ông, em sẽ nghĩ: Lúc ấy đã đến, ông ấy đã quay lại với nguyên lý ban đầu, thâm tâm ông ấy xua đuổi mi coi mi là nguyên nhân làm cho ông ấy đi ngược lại! Em sẽ làm cho ông khổ sở vì sự nghi ngại em không thể thắng được.

- Đây là sự trả thù ghê gớm! – Anh nói giọng nặng nề, đau đớn. – Dù sao, sự bất hạnh ấy, anh tiếp nhận không chút ngần ngại… Anh sẽ chịu đựng được sự nghi ngại ấy mà không phàn nàn, dù nó gây thương tổn… Tất nhiên phải có lúc mọi sự sẽ sáng tỏ giữa chúng ta… Fêlixitê, anh sẽ tạo cho em một cuộc sống gia đình mà những ý nghĩ xấu như thế không thể đến với em được. Chắc phải có những lúc anh đem về nhà nhiều nếp nhăn trên trán, nhiều cái nhìn u tối, trong nghề nghiệp của anh không thể tránh được những thứ ấy, nhưng chính em là người xoá ngay được những nếp nhăn và làm cho mắt anh nhìn thanh thản lại… Thực tình em có quyền quyết định nên giày xéo tình yêu và mang lại bất hạnh hay không cho người đàn ông mà em có thể làm cho hạnh phúc nhất trên trái đất này.

Fêlixitê đã đến gần cửa, cô cảm thấy sức mạnh tinh thần của mình suy yếu trước những lời hùng biện đau đớn ấy. Tuy nhiên cô vẫn phải tỏ ra quả quyết, và chỉ vì Giôhanex.

- Nếu ông có thể chung sống với em ở nơi vắng vẻ xa cách, em sẽ ngoan ngoãn theo ông. – Cô đáp và nắm vội lấy cái chốt cửa như đấy là chỗ bấu víu cuối cùng. – Ông đừng tưởng em sợ mọi người và sự phán xét của họ, họ thường mù quáng và ngu ngốc, nhưng trong khi giao tiếp với họ, em sợ chính kẻ thù ở trong con người ông. Ở chỗ nguồn gốc “đáng kính có giá trị lớn”, và em biết ông tán đồng điểm ấy… Ông có lòng kiêu hãnh rất lớn về gia đình, dù lúc này ông không chấp nhận một quyền lực nào của gia đình; khi giao tiếp với những người có ưu thế ấy, không sớm thì muộn, ông sẽ phiền muộn nghĩ rằng vì em ông đã từ bỏ mất nhiều, rất nhiều thứ.

- Như thế có nghĩa là, nói một cách khác nếu anh muốn có em, anh phải từ bỏ phạm vi hoạt động của mình, hoặc sống ở nơi hoang vu, hoặc phải cố phát hiện một vết nhơ, một hành động bỉ ổi trong quá khứ của gia đình anh! – Anh kêu lên.

Nghe những lời sau, mặt cô bỗng đỏ bừng. Tuy cô bất giác vuốt các nếp áo để sờ vào các góc nhọn của cái hộp xám và kiểm tra xem có còn ở chỗ giấu không.

Giáo sư đi đi lại lại trong phòng, và xốn xang vô tả.

- Yếu tố phản kháng khó lay chuyển trong tính cách em đã làm anh đau khổ nhiều, – Giôhanex nói tiếp và dừng lại trước mặt Fêlixitê, – cùng một lúc nó hấp dẫn và làm anh tức giận như trong lúc này đây, với một thứ lý luận tàn bạo em quăng tình yêu của anh xuống dưới chân và tự buôc mình vào sự hy sinh vô ích đến thế; anh cảm thấy căm giận! Anh biết lúc này anh không thể nhích lên một bước với em được… Nhưng từ bỏ em, thì anh không thể… Em sẽ chung thuỷ với anh mãi mãi chứ, Fêlixitê?

- Vâng, – cô vội trả lời, và chắc là ngoài ý muốn của cô, ánh sáng của tình yêu loé ra từ mắt cô.

Giáo sư để tay lên đầu cô gái, khẽ ngả ra và đăm đăm nhìn vào trong mắt cô, đau đớn, tức giận và say mê hoà lẫn với nhau… Anh lắc đầu, khi gặp cặp mắt cầu khẩn của anh, cô hạ mi xuống và môi vẫn mím lại… một tiếng thở dài sâu từ trong lồng ngực thốt ra.

- Em đi được rồi! – Anh bình tĩnh nói. – Anh bằng lòng tạm thời xa nhau, nhưng với điều kiện anh phải gặp em luôn, dù em ở bất cứ đâu, chúng ta trao đổi với nhau bằng thư từ.

Cô tự trách mình đã yếu đuối đến mức đưa tay cho anh để tỏ ý tán thành, nhưng cô không thể để anh thiếu sự an ủi này… Anh quay đi và cô ra phòng ngoài.

Chú thích:

(1) Luther (Martin): Triết gia và giáo sĩ dòng Angustin, người cầm đầu trong cải cách tôn giáo ở Đức (1483-1546).

(2) Người Hồi giáo thời Trung cổ ở Châu Âu và Châu Phi.
Chương trước Chương tiếp
Loading...