Bí Thư Tỉnh Ủy

Quyển 2 - Chương 34



Ban thường vụ huyện ủy Vĩnh Hòa và Kỳ, bí thư đảng ủy xã Hồng Vân tập trung rất sớm để chờ làm việc với tổ phái viên.

- Không biết các ông thế nào chứ tôi lo lắm các ông ạ. – Kỳ nói – Nghe nói trong số phái viên ấy có một ông là ủy viên Trung ương dự khuyết, phó ban nông nghiệp Trung ương. Ông này rất nguyên tắc. Lần đầu tiên tiếp xúc với một ủy viên Trung ương Đảng, hốt lắm.

Mích nói:

- Ông nào cũng là người cả chứ có phải hổ báo đâu mà sợ. Mình cứ làm đúng thì mình chẳng sợ đếch gì anh nào.

- Mình làm đúng nhưng cấp trên bảo sai thì sao?

- Theo tớ chẳng ai soạn ra đường lối nhằm làm cho dân đói cả. Nhưng mọi lí thuyết ở đời bao giờ cũng có khoảng cách ít nhiều với thực tế. Đến khi thực hiện do tác phong quan liêu, máy móc, khiến cái khoảng cách giữa lí thuyết và thực tế càng lớn.

Kỳ thách:

- Tôi đố ông Bằng lát nữa đưa những điều ông Mích vừa nói ra nói trước mặt các ông phái viên xem.

- Tôi sợ gì mà không nói. Người cách chức bí thư huyện ủy của tôi là do các ông đề nghị và thường vụ tỉnh ủy ra quyết định chứ có phải mấy ông phái viên có quyền cách chức tôi đâu mà tôi sợ. Có điều này tôi nhắc các ông. Hôm qua bí thư tỉnh ủy gọi điện cho tôi bảo các phái viên nói gì để cho họ nói. Cứ ngồi im lắng nghe rồi lựa lời tìm cách bảo vệ cho được những gì đang làm. Đừng chống đối căng thẳng dẫn đến hỏng việc.

- Các ông ấy đã đến rồi kia kìa – Mích nhìn ra thấy chiếc xe Mốt-cô-vích chạy từ từ vào sân trụ sở huyện ủy nói với mọi người – Sao không thấy bí thư tỉnh ủy cùng đi nhỉ?

- Hôm qua bí thư gọi điện cho tớ bảo sẽ xuống sau các ông phái viên chừng một tiếng.

Ông Ẩn bắt tay từng người ra đón.

- Chắc các đồng chí chờ chúng tôi lâu lắm rồi phải không?

Bằng đáp:

- Báo cáo anh, chúng tôi cũng vừa mới tới thôi ạ.

Bằng đưa mọi người vào phòng khách. Ông Ẩn hỏi:

- Thường vụ huyện ủy đều có mặt đông đủ cả chứ?

- Vâng ạ.

- Huyện các đồng chí thu hoạch vụ chiêm xong chưa?

Mích trả lời:

- Gặt được ba phần tư diện tích rồi ạ.

- Năng suất lúa thế nào?

- Hợp tác đạt cao nhất là Hồng Vân cũng chỉ được trên hai tấn trên một héc-ta. Còn phần lớn có khả năng chỉ đạt từ tấn sáu trở xuống.

- Theo chỗ tôi biết thì đất của huyện Vĩnh Hòa tốt nhất so với các huyện khác của tỉnh Phước Vĩnh, vì sao năng suất lại thấp như thế?

- Vụ nào chúng tôi cũng chỉ đạo rất chặt chẽ từ khâu giống má cho đến kỹ thuật canh tác, nhưng không hiểu sao năng suất lúa không sao tăng lên được. Thậm chí đang có chiều hướng giảm xuống.

Ông Sắc hỏi:

- Có phải do khâu quản lí lao động không chặt chẽ và hợp lí dẫn đến việc làm ăn dối trá, cốt làm để lấy công điểm chứ không quan tâm đến lợi ích của Hợp tác xã không?

Bằng cười:

- Đồng chí cũng biết điều đó ạ?

Ông Sắc:

- Tôi có nắm được ít nhiều tình trạng trên diễn ra ở một số Hợp tác xã trong tỉnh Phước Vĩnh.

- Không riêng gì ở tỉnh Phước Vĩnh đâu đồng chí ạ. Đây là tình trạng chung đang diễn ra ở nhiều nơi. Quê vợ tôi ở huyện Khoái Châu tỉnh Hải Hưng. Vừa rồi cô ấy về thăm quê lên kể lại tình hình các Hợp tác xã ở dưới đó be bét lắm. Công lao động của một vụ không đủ nấu cháo để ăn. Vì vậy tôi nghĩ tình trạng ở Phước Vĩnh là tình trạng chung của tình hình nông nghiệp của miền Bắc hiện nay.

Bao phản ứng ngay trước câu nói của Bằng:

- Đồng chí là bí thư huyện ủy sao ăn nói hồ đồ thế. Làm gì có chuyện công lao động của một vụ không đủ nấu cháo. Rõ ràng đây là luận điệu xuyên tạc của bọn chiến tranh tâm lí hòng gây hoang mang trong quần chúng, đồng chí thiếu cảnh giác nên mắc phải luận điệu phản động của địch.

Nghe Bao nói, ông Sắc chỉ hắt hơi như phản ứng. Ông Ẩn vào cuộc:

- Thôi, ta bắt đầu công việc nhé. Các đồng chí có được văn phòng tỉnh ủy báo cho biết hôm nay chúng tôi xuống làm việc không?

- Báo cáo có ạ. Văn phòng thông báo cho chúng tôi biết từ chiều qua nên chúng tôi đã triệu tập các đồng chí trong thường vụ huyện ủy sáng nay có mặt để đón các đồng chí – Bằng trả lời.

- Chúng tôi cũng chỉ nhờ văn phòng báo cho các đồng chí thôi chứ việc xuống đây chúng tôi không báo cho anh Kim biết. Nội dung làm việc sáng nay là tôi muốn nghe các đồng chí báo cáo tình hình ở Hợp tác xã Hồng Vân. Cụ thể là chủ trương trả lại ao cho hộ gia đình tự do nuôi cá và chia đất cho nông dân làm màu. Đồng chí bí thư huyện ủy báo cáo trước đi.

- Vì các đồng chí xuống đột xuất quá nên tôi không có thời gian chuẩn bị để báo cáo với các đồng chí bằng văn bản. Tôi xin phép nhớ đến đâu nói đến đó. Chỗ nào các đồng chí cần hỏi thì cứ việc hỏi. Nếu tôi không trả lời được thì các đồng chí trong ban thường vụ huyện ủy giúp tôi trả lời các đồng chí. Trước hết tôi xin trả lời câu hỏi những việc làm của xã Hồng Vân do chủ trương của ai. Đó là chủ trương của dân chứ chẳng có ai trong chúng tôi chủ trương cả.

- Dân có phải là một tổ chức chính trị đâu mà có chủ trương đường lối? – Bao bắt bẻ.

- Vừa rồi tôi nói đó là chủ trương của dân là muốn nói những việc làm ở Hợp tác xã Hồng Vân là do tự phát của dân chứ huyện ủy chúng tôi không chủ trương giao ao cho dân thả cá và chia ruộng để làm vụ xen canh. Để các đồng chí hiểu cụ thể, tôi xin nói rõ việc này như sau. Như một số xã khác trong huyện Vĩnh Hòa, tại xã Hồng Vân có hàng trăm cái ao. Dù to nhỏ có khác nhau, nhưng nhà nào cũng có một cái ao vừa để tắm giặt khi đi làm đồng về, vừa nuôi cá để ăn. Nếu cộng lại, những cái ao trong các hộ gia đình có thể trên vài héc-ta diện tích mặt nước. Sau khi lên quy mô, ao của các hộ gia đình trở thành tài sản chung của Hợp tác xã. Nhưng Hợp tác không quản lí nổi nên tất cả ao chuôm trong các hộ gia đình đều bị bỏ hoang. Một số gia đình thấy tiếc của liền mua cá giống về thả chui. Hợp tác xã phạt, người ta vẫn làm. Thấy một nhà làm được nhiều nhà làm theo. Đứng trước tình thế ấy, đảng ủy và ban quản trị Hợp tác xã Hồng Vân bàn bạc và quyết định cho các hộ dọn sạch ao chuôm, Hợp tác sẽ cung cấp giống, các hộ gia đình chăm sóc cá, đến khi thu hoạch chia theo tỉ lệ năm mươi, năm mươi. Quyết định hợp với lòng dân nên được dân hưởng ứng. Lát nữa xin mời các đồng chí xuống tham quan ao cá của các hộ gia đình.

- Như vậy việc để cho xã viên sử dụng ao của Hợp tác xã để nuôi cá có chủ trương của đảng ủy và Ban quản trị, sao đồng chí bảo không ai chủ trương?

Bằng trả lời cứng cỏi:

- Chúng tôi không coi đó là một chủ trương mang tính chất lâu dài mà chỉ là biện pháp tình thế vừa có lợi cho Hợp tác xã vừa có lợi cho dân.

- Đó chỉ là những lời ngụy biện – Bao dằn giọng – Đem tài sản của tập thể giao cho nông dân làm giàu là các đồng chí phạm phải một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Muốn hay không thì các đồng chí đang từ bỏ con đường làm ăn Xã hội Chủ nghĩa để đi theo con đường Tư bản Chủ nghĩa. Các đồng chí nhận thức hết sức mơ hồ về cuộc đấu tranh giữa hai con đường.

Ông Sắc đứng lên vờ định bỏ đi ra ngoài để hắt hơi nhưng không kịp. Ông hắt hơi liên tục mấy cái liền. Bao lại đưa tay lên xoa mặt và cằn nhằn:

- Đã phê bình bao nhiêu lần mà sao ông vẫn không bỏ được cái thói hắt hơi tùy tiện thiếu lịch sự ấy đi. Ngồi trước mặt các quan chức địa phương, muốn hắt hơi thì phải đi ra ngoài chứ.

- Ông không thấy tôi định bỏ ra ngoài để hắt hơi nhưng không kịp đấy à?

Ông Ẩn liếc mắt nhìn Bao và Sắc tỏ ý không vừa lòng rồi bảo Bằng:

- Bây giờ tôi đề nghị đồng chí bí thư huyện ủy báo cáo tiếp việc chia đất cho nông dân làm vụ màu xen canh.

Trong khi Bằng giải trình về việc chia đất cho xã viên làm vụ xen canh, Bao nhấp nhổm như ngồi phải đống gai. Đến khi nghe Bằng bảo việc tận dụng vụ xen canh đã đưa đất Hồng Vân từ hai vụ lên thành ba vụ chỉ có lợi cho dân mà Hợp tác xã vẫn tồn tại và phát triển chứ chẳng có gì là sai, Bao gần như chồm lên:

- Đường lối chủ trương của Đảng ta là tập thể hóa toàn bộ tài sản khi lên quy mô. Chỉ để lại cho nông dân năm phần trăm diện tích đất đai sử dụng là nhằm hạn chế việc phát triển tư bản của nông dân. Bây giờ bỗng nhiên nông dân có năm mươi phần trăm diện tích ao, có một trăm phần trăm đất để làm vụ xen canh, cộng với năm phần trăm đất được chia, tài sản tập thể còn gì mà đồng chí bảo Hợp tác xã vẫn tồn tại. Đó chẳng qua là cái xác không hồn mà thôi. Là mở đầu cho lối làm ăn theo Tư bản Chủ nghĩa, đồng chí có hiểu không.

Chiếc xe của ông Kim chạy vào sân. Cả Ban thường vụ huyện ủy thở phào. Mích đứng lên.

- Xin lỗi các đồng chí, tôi xin phép ra đón đồng chí bí thư tỉnh ủy.

Nói xong, Mích đi ra chỗ ông Kim và bà Thường. Ông Kim hỏi:

- Làm việc đến đâu rồi?

- Đồng chí Bằng đang trình bày những việc làm của Hồng Vân.

- Thái độ các phái viên ra sao?

- Mới có cái ông gì béo béo là vặn vẹo những lời lẽ nghe như đọc kinh, còn ông Ẩn chưa nói lời nào.

- Lão Bao. Lão ấy chỉ được cái lí luận suông, cứ để cho lão ta nói, đừng cãi cho tốn hơi.

Ông Kim và bà Thường vào nhà. Mích kéo ghế mời ông Kim và bà Thường ngồi. Ông Ẩn tỏ ra lúng túng trước sự xuất hiện bất ngờ của ông Kim và bà Thường:

- Hai đồng chí xuống Vĩnh Hòa sao không nói trước để cùng đi xe với chúng tôi có phải tiết kiệm được một ít xăng không?

- Chúng tôi không có chương trình đi xuống Vĩnh Hòa. Nhưng nghe đồng chí Sâm, chánh văn phòng tỉnh ủy bảo hôm qua các anh bảo đồng chí ấy gọi điện báo cho huyện ủy Vĩnh Hòa biết hôm nay các đồng chí xuống làm việc nên tôi và chị Thường bỏ kế hoạch đi Linh Sơn xuống đây xem các anh có chỉ thị gì cho lãnh đạo Vĩnh Hòa không để rồi còn bàn cách chỉ đạo thực hiện ý kiến của các anh.

- Chúng tôi muốn xuống tìm hiểu tình hình chia đất chia đai của Hợp tác xã Hồng Vân ra sao thôi chứ có chỉ thị gì đâu.

- Các anh đang nghe huyện ủy báo cáo à?

- Vâng. Đồng chí bí thư huyện ủy báo cáo đang báo cáo tình hình Hồng Vân.

- Các anh cứ làm việc theo chương trình của mình, tôi và chị Thường chỉ ngồi nghe thôi. Đồng chí Bằng báo cáo tiếp đi.

Bằng thấy vững tin khi có ông Kim ngồi trước mặt. Anh nói rành rọt:

- Vừa rồi đồng chí Bao phê bình chúng tôi giao ao cho xã viên nuôi cá, giao đất cho xã viên làm màu là mở đường cho nông dân làm ăn theo con đường Tư bản Chủ nghĩa. Cho rằng Hợp tác xã Hồng Vân chỉ là cái xác không hồn, tôi thấy rất khó chấp nhận những lời lẽ như vậy. Trong thực tế chúng tôi đang làm cho Hợp tác xã Hồng Vân thay da đổi thịt chứ không phải cái xác không hồn như đồng chí nói đâu.

Ông Ẩn đưa tay ra tỏ ý ngăn Bằng:

- Hãy khoan tranh luận đúng sai trong việc này. Tôi muốn hỏi với cương vị của một bí thư huyện ủy, đồng chí đã nghiên cứu kỹ các Nghị quyết của Trung ương về tổ chức Hợp tác xã nông nghiệp và các Nghị quyết khác liên quan đến phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp trong tình hình mới chưa?

- Báo cáo đồng chí, không riêng gì tôi mà tất cả các đảng viên trong đảng bộ huyện đều đã được quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Đảng về tổ chức Hợp tác xã nông nghiệp và các Nghị quyết khác liên quan về nông nghiệp.

- Vậy đối chiếu giữa các Nghị quyết đồng chí đã quán triệt với việc làm hiện nay có chỗ nào làm trái với các Nghị quyết đó không?

Bằng tỏ ra lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì Mích nói luôn:

- Báo cáo đồng chí. So với những điều chúng tôi được nghiên cứu trong các Nghị quyết thì thấy Nghị quyết không ghi tùy tình hình thực tế của từng địa phương mà vận dụng, làm cho nội dung của Nghị quyết thêm phong phú. Do đó cái sai của huyện ủy chúng tôi là đã làm những điều không ghi trong Nghị quyết.

Bao bắt bẻ:

- Có nghĩa các đồng chí đã coi các Nghị quyết của Đảng là mớ giấy lộn, chấp hành kiểu nào cũng được?

- Chúng tôi không đến nỗi vô nguyên tắc như vậy. Nhưng theo cách hiểu của chúng tôi, các Nghị quyết của Đảng đều nhằm mục đích đưa đến no ấm cho nông dân. Vậy tôi xin hỏi các đồng chí cấp trên, ao bỏ hoang để nuôi rắn rết và bèo, chúng tôi đã dọn sạch ao để nuôi cá vừa có cái ăn, cái bán cho bà con mà Hợp tác xã cũng có thêm thực phẩm để cung cấp cho Nhà nước. Ruộng bỏ hoang một vụ, chúng tôi đã cho nông dân trồng ngô đưa sản xuất nông nghiệp thành ba vụ. Vừa tăng thêm sản lượng nông nghiệp hàng năm, vừa sử dụng lực lượng lao động lúc nông nhàn. Vậy thì những việc làm của huyện ủy chúng tôi sai ở chỗ nào?

Ông Ẩn không mảy may lúng túng trước câu hỏi của Mích:

- Vận dụng sáng tạo Nghị quyết là một việc nên làm và Đảng khuyến khích chứ không hề ngăn cấm. Nhưng vận dụng phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản đã được ghi trong Nghị quyết. Nguyên tắc cơ bản của Nghị quyết về việc đưa Hợp tác xã lên quy mô là nhằm mở ra hướng làm ăn lớn trong nông nghiệp. Xóa bỏ tận gốc về mặt tư tưởng cũng như lối làm ăn nhỏ lẻ đã ăn sâu vào trong đầu óc của người nông dân từ bao đời nay. Việc công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất cũng nhằm cắt đứt mối liên hệ với việc làm ăn nhỏ lẻ đã trở thành tập quán của nông dân. Ngày nào người nông dân còn sở hữu một cái ao, con trâu, cái cày thì ngày đó đầu óc tư hữu còn có đất để tồn tại. Việc làm của huyện ủy Vĩnh Hòa nói chung, Hợp tác xã Hồng Vân nói riêng tỏ ra nhận thức của các đồng chí còn mơ hồ về quan điểm lập trường, chưa quán triệt đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng trong việc quản lí Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và thực hiện ba cuộc cách mạng ở nông thôn. Các đồng chí hỏi tôi việc làm của các đồng chí sai ở chỗ nào? Sai ở chỗ các đồng chí không quản lí tốt tài sản của tập thể. Giao ao, giao đất cho nông dân bất kỳ dưới hình thức nào đều là việc làm hết sức sai trái, vô nguyên tắc. Các đồng chí chỉ nhìn cái lợi tạm thời trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài. Tôi biết có một số đồng chí trong tỉnh ủy của các đồng chí phê phán cơ chế của Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay. Một kiểu phê phán nặng về cảm tính, thiếu cơ sở khoa học. Muốn đưa nền nông nghiệp của miền Bắc nước ta lên sản xuất quy mô là phải tập trung cao độ tư liệu sản xuất. Bao gồm lực lượng lao động, công cụ lao động và ruộng đất. Đây là bước đầu tiên rất quan trọng, có tính chất quyết định để tiến đến sản xuất cơ giới hóa và điện khí hóa. Phân tán nhỏ lẻ thì khó mà thực hiện được ba cuộc cách mạng ở nông thôn là cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng về quan hệ sản xuất và cách mạng tư tưởng văn hóa. Trong đó cách mạng kỹ thuật đóng vai trò then chốt. Nội dung cơ bản của kinh tế Xã hội Chủ nghĩa là một nền kinh tế tập trung và sản xuất theo kế hoạch. Không thể mạnh ai nấy làm. Nghĩ thế nào làm thế ấy.

Ông Kim cảm thấy người mình như nổi gai trước những lời lẽ của ông Ẩn nên khi ông Ẩn vừa dứt lời, ông nói luôn:

- Cụm từ Xã hội Chủ nghĩa bản thân nó mang đầy tính nhân văn. Nhưng kiểu cách làm ăn tập trung như hiện nay của các Hợp tác xã vô hình trung chúng ta làm mất đi cái cốt lõi tốt đẹp ấy. Theo tôi, chúng ta đang biến các Hợp tác xã thành một trại lính. Mọi việc đều làm theo hiệu lệnh của tiếng kẻng. Tôi nói trại lính là nói theo nghĩa bóng chứ làm được như trại lính thì quá tốt. Bởi trại lính có quân phong quân kỷ, có các chế độ điều lệnh để tạo nên sức mạnh. Còn Hợp tác xã thì quân hồi vô phèng. Một tổ chức rời rạc, hình thức như vậy chỉ mang lại sự đói nghèo cho nông dân. Làm băng hoại truyền thống tắt lửa tối đèn có nhau đã có bao đời nay. Nói thẳng ra là quyền làm chủ mà thực chất là quyền làm người bị xâm phạm nghiêm trọng. Trung ương cử các anh về nghiên cứu tình hình các Hợp tác xã để giúp chúng tôi tháo gỡ sự trì trệ trong sản xuất nông nghiệp, đáng ra các anh phải cùng chúng tôi nghiên cứu hiện tượng một vài Hợp tác xã đang phá vỡ cách làm máy móc lâu nay để tìm ra con đường đi, nhằm phát triển kinh tế tập thể. Cái mới nảy sinh các anh không chịu nghiên cứu để ủng hộ nó mà đi phê phán nó là thế nào?

Những lời nói của ông Kim giống như gáo nước sôi dội xuống đầu ông Ẩn. Ông lặng đi giây lát để giữ bình tĩnh mới nói:

- Chúng tôi chỉ ủng hộ những cái mới đã được đúc kết để đưa vào nguyên tắc, đường lối chính sách của Đảng chứ không khi nào ủng hộ những đổi mới vô nguyên tắc – Giọng ông Ẩn chứa nỗi bực tức ở bên trong.

- Người ta nói sáng như mặt trời mà vẫn còn có vết – Ông Kim vẫn với giọng thong thả, điềm tĩnh – Chủ trương đưa Hợp tác xã lên hình thức quy mô là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Phù hợp với quy luật phát triển. Nhưng vì chúng ta nóng vội, máy móc, giáo điều trong việc học tập phong trào Đại Trại của Trung Quốc, trong khi trình độ quản lí của ta chưa đáp ứng được với yêu cầu, nông dân thì chưa khắc phục được thói quen sản xuất theo lối tự sản tự tiêu. Mặt khác chúng ta vội vàng phá bỏ những tập tục đã trở thành nét văn hóa làng xã. Khi mới lên Hợp tác xã quy mô, chúng ta trong đó có tôi chưa thấy điều này, nông dân cũng chưa thấy điều này. Nhưng qua mấy vụ sản xuất thì những điều trên đây bộc lộ ngày càng rõ. Công tác quản lí Hợp tác xã nặng về tập trung quan liêu bao cấp, cộng với hoàn cảnh cuộc chiến đấu chống Mỹ ngày càng diễn ra ác liệt, đòi hỏi miền Bắc phải chi viện sức người sức của cho tiền tuyến nên tình hình các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ suy sụp…

Ông Bao giãy lên như đỉa phải vôi:

- Tôi không hiểu đồng bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh đứng trên lập trường nào mà dám phê phán đường lối làm ăn tập thể Xã hội Chủ nghĩa của Đảng là máy móc, giáo điều? Đồng chí có biết Chủ nghĩa xã hội đang là xu thế phát triển tất yếu trong thời đại chúng ta không? Mao chủ tịch đã nói: Thời đại chúng ta là thời đại gió Đông thổi bạt gió Tây. Chủ nghĩa xã hội đang thành một hệ thống trên toàn thế giới. Đó là xu thế không thể đảo ngược được. Các anh đang tìm cách chặn đứng bánh xe lịch sử đang quay theo chiều của nó, thế nào cũng bị bánh xe lịch sử nghiền nát.

Ông Kim cười khẩy:

- Hay thật. Nếu ai nói trái một ý là bị quy chụp ngay quan điểm lập trường. Là đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại. Tôi và các đồng chí trong tỉnh ủy của chúng tôi đôi khi cũng bị mắc căn bệnh này. Có lẽ chúng ta được đúc cùng một khuôn mẫu nên mới giống nhau đến thế. Đồng chí Bao vừa hỏi tôi đứng trên lập trường nào để phê phán lối làm ăn tập thể Xã hội Chủ nghĩa có phải không? Tôi xin trả lời đồng chí. Tôi đứng trên quan điểm lập trường là làm sao cho nông dân được no. Không những đủ thóc ăn mà còn thừa thóc để cung cấp được nhiều cho chiến trường. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải thực sự cầu thị. Phải nhìn cho kỹ nông dân đang làm gì, đang nghĩ gì để cùng với họ tính kế làm ăn. Đừng cố bắt ép nông dân làm ăn theo khuôn mẫu đã viết sẵn trong sách vở. Các tổ chức Đảng phải xông vào tháo gỡ một mắt xích nào đó then chốt trong nông nghiệp mà khâu đột phá có tính chất quyết định là phải đổi mới cơ chế quản lí Hợp tác xã nông nghiệp. Quyền lao động phải đi đôi với quyền hưởng thụ. Tôi thấy đảng bộ Vĩnh Hòa đang mày mò tìm lối ra nên tôi hoàn toàn ủng hộ các đồng chí ấy.

- Tìm lối ra bằng con đường dẫn dắt nông dân trở lại với con đường làm ăn cá thể là một việc làm vô nguyên tắc anh Kim ạ – Ông Ẩn nói.

- Anh đã nói thế thì tôi cũng xin nói rõ quan điểm của tôi. Khi đưa Hợp tác xã lên hình thức quy mô, chúng ta phạm phải một sai lầm. Đó là xóa bỏ kinh tế hộ gia đình, một động lực không thể thiếu để tiến hành mọi cuộc cách mạng. Theo tôi, từng con người đơn lẻ tạo nên một gia đình. Nhiều gia đình tập họp lại mới lập nên được một cộng đồng dân cư làng xã. Và có làng xã mới có nước. Vì sao cứ nói đến Xã hội Chủ nghĩa là chúng ta phủ nhận cái đơn lẻ mà nhập nó lại thành một cục tập thể? Bắt nó phải nói, phải làm theo một khuôn mẫu định sẵn. Phủ nhận vai trò cá nhân cũng như phủ nhận hộ kinh tế gia đình, Hợp tác xã sẽ không còn sức sống. Nó chỉ còn là một hình nhân có đầy đủ áo mão cân đai, nhưng thực chất bên trong chỉ là những cái nan tre.

Ông Kim vừa dứt lời thì một anh nhân viên của ủy ban huyện đi vào phòng họp đến cạnh ông Kim:

- Thưa bí thư. Tỉnh đội vừa gọi lên báo cho bí thư biết, sáng nay máy bay giặc Mỹ đã đánh sập cầu đường sắt Gia Liễn. Chúng còn đánh vào cả khẩu đội phòng không của dân quân xã Đạo Thắng huyện Tam Bình.

Ông Kim hốt hoảng:

- Tỉnh đội có nói rõ thương vong như thế nào không?

- Dạ, ở khẩu đội phòng không của dân quân Đạo Thắng một anh bộ đội hy sinh và một dân quân bị thương nặng. Còn ở trận địa cao xạ pháo thì có hai anh bộ đội hy sinh, không thấy nói có bao nhiêu người bị thương. Đơn vị cũng bắn rơi tại chỗ một máy bay và bắt sống phi công.

Ông Kim đứng lên:

- Bộ đội và dân quân đánh nhau với máy bay Mỹ, người hy sinh, người bị thương. Còn chúng ta ngồi đây tranh cãi những chuyện chẳng đâu vào đâu. Chị Thường ở lại để nghe các đồng chí phái viên huấn thị, chiều đi nhờ xe các đồng chí ấy mà về. Tôi phải về để xuống đó xem tình hình ra sao.

Bà Thường chưa kịp nói gì thì ông Kim đã đi ra xe, chẳng chào hỏi ai. Bà Thường than vãn:

- Chẳng biết sinh vào cái giờ gì mà lúc nào cũng tất bật đến khổ – Nói xong bà Thường quay sang nói với ông Ẩn:

- Nông dân người ta nghĩ không như các đồng chí nghĩ đâu. Đối với họ vườn tược, ao chuôm, trâu bò và cả đất đai ngoài đồng là người bạn đã gắn bó với họ từ đời cha đến đời con. Tấc đất tấc vàng. Đó là câu nói truyền kiếp từ đời này qua đời khác để nhắc nhở con cháu phải biết quý trọng đất đai, vườn tược, ao chuôm của mình. Vậy vì sao bây giờ người ta không còn gắn bó với ruộng đồng, không còn thiết tha với việc sản xuất nông nghiệp? Phải có nguyên nhân của nó chứ. Tôi thấy cách nói của các đồng chí vừa rồi chẳng khác gì cả vú lấp miệng em. Cái gì cũng cho mình là đúng cả.

- Chúng tôi không khi nào cho mình là đúng tất, còn nông dân là sai – Giọng ông Ẩn đã có phần dịu lại – Nhưng trong từng sự việc cụ thể, phải bình tĩnh xem xét cái gì sai cái gì đúng. Việc làm của các đồng chí lãnh đạo huyện Vĩnh Hòa cũng như xã Hồng Vân phải khẳng định là sai. Chúng tôi biết Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay có một số nhược điểm. Nhưng không thể khắc phục nhược điểm bằng con đường trở lại với lối làm ăn riêng lẻ.

- Vì sao các đồng chí cố chấp như vậy? Có ai làm ăn riêng lẻ đâu mà các đồng chí cứ xoáy đi xoáy lại là Hồng Vân để cho nông dân làm ăn riêng lẻ. Vậy cứ để cho ao chuôm bèo hoang mọc, hơn ba tháng trời giao thời giữa vụ mùa và vụ chiêm đất để không, Hợp tác xã không có nghề phụ nên trong hơn ba tháng trời ấy chỉ ngồi ngáp vặt với cái bụng đói meo mới là làm ăn tập thể Xã hội Chủ nghĩa hay sao?

Bao vặn lại:

- Ao chuôm bỏ hoang là do ban lãnh đạo Hợp tác xã thiếu trách nhiệm trong việc quản lí tài sản Xã hội Chủ nghĩa chứ không thể đổ cho cơ chế của Hợp tác xã.

Bà Thường nổi cáu:

- Đồng chí xuống đây mà quản lí mấy trăm cái ao nằm rải rác khắp trong xã Hồng Vân xem có được không mà phê phán lãnh đạo Hợp tác xã Hồng Vân thiếu trách nhiệm. Tôi nói các đồng chí đừng giận. Các đồng chí ăn trắng mặc trơn, mỗi bước đi các đồng chí đều lên xe xuống ngựa nên các đồng chí quên nông dân rồi.

Ông Ẩn cười:

- Đồng chí nói quá lời. Tất cả những việc chúng tôi đang làm là vì cuộc sống của nông dân. Chúng tôi muốn nông dân có một cuộc sống khác chứ không muốn để nông dân tiếp tục cuộc sống con trâu đi trước cái cày đi sau mãi được.

- Đến khi nào thì các anh cho nông dân một cuộc sống khác để tôi bảo với họ cố ôm cái bụng đói mà chờ?

- Không lẽ đồng chí không biết chúng ta đang trong thời kỳ quá độ từng bước vững chắc đi lên Chủ nghĩa Xã hội hay sao mà đưa ra câu hỏi ấy. Muốn có cuộc sống tươi đẹp phải có thời kỳ thai nghén, giống như người phụ nữ phải thai nghén đủ chín tháng mười ngày, chứ đẻ ngay làm sao được – Bao nói giọng hùng hồn.

Bà Thường:

- Sản phụ không có gì ăn thì đẻ quái thế nào được.

Cả cuộc họp cười rộ lên. Bao tự ái, mặt đỏ bừng. Bà Thường nói tiếp:

- Tôi nghĩ đồng chí Kim nói đúng. Chúng ta đưa ra khẩu hiệu Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ. Nhưng tình hình hiện nay xã viên không còn coi Hợp tác xã là nhà, xã viên cũng chẳng có quyền làm chủ. Về thực chất, quyền làm người bị xâm phạm nghiêm trọng. Suy nghĩ của xã viên không được tôn trọng. Ai nói khác với tiếng nói của lãnh đạo thì bị quy chụp là mất quan điểm lập trường. Dùng mấy tiếng quan điểm lập trường như một thứ vũ khí để đàn áp tư tưởng của quần chúng. Đáng ra các đồng chí xuống đây là phải ngồi chịu khó lắng nghe lãnh đạo Vĩnh Hòa và xã Hồng Vân nói gì. Xuống gặp từng người xã viên để hỏi xem lãnh đạo huyện Vĩnh Hòa và xã Hồng Vân làm như vậy đúng hay sai rồi hẵng về phê phán lãnh đạo Vĩnh Hòa. Các anh quên câu nói cách mạng là sự nghiệp của quần chúng rồi hay sao?

Ông Ẩn vẫn giữ được giọng bình tĩnh của mình:

- Những điều chị nói đều đúng. Hợp tác xã đang làm ăn ngày một sa sút. Quyền làm chủ của quần chúng bị xâm phạm nghiêm trọng. Trình độ quản lí của cán bộ Hợp tác xã non yếu. Nhưng tất cả những điều đó chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất của Hợp tác xã quy mô. Do đó phải từng bước nâng cao trình độ quản lí, rút kinh nghiệm để giải quyết đúng những vấn đề được đặt ra trong công tác quản lí Hợp tác xã. Không vì gặp khó khăn phức tạp hoặc bước đầu làm chưa tốt mà tự tiện thay đổi những điều lệ quy định của Hợp tác xã. Ta tạm thời dừng buổi làm việc hôm nay tại đây để dành thời gian cho chúng tôi đi xuống tiếp xúc với bà con xã viên ở Hồng Vân để tìm hiểu thêm nguyện vọng của bà con. Nhưng muốn hay không, các đồng chí trong thường vụ huyện ủy Vĩnh Hòa và đảng ủy xã Hồng Vân phải nghiêm khắc kiểm điểm những việc làm của mình. Sau khi các hộ gia đình thu hoạch cá xong phải trả ao chuôm lại cho tập thể quản lí và có kế hoạch khai thác. Việc chia đất cho nông dân làm xen canh phải được chấm dứt. Nếu muốn làm vụ xen canh thì Hợp tác xã đứng ra làm chứ không được chia đất cho xã viên tự làm rồi nộp các khoản chi phí cho Hợp tác xã.

Bà Thường vặn lại:

- Nếu chúng tôi cho rằng việc làm của các đồng chí ở huyện ủy Vĩnh Hòa và Hồng Vân không sai thì sao?

Ông Ẩn nói dứt khoát:

- Nếu các đồng chí thấy những việc làm đó không sai thì các đồng chí cứ viết báo cáo gửi cho Ban bí thư Trung ương Đảng.
Chương trước Chương tiếp
Loading...