Biên Hoang Truyền Thuyết

Chương 21: Hoàn thành nhiệm vụ



Có các cao thủ thân cận là Tịch Kính và Hồ Khiếu Thiên đi kèm hai bên trái phải, Giang Hải Lưu bước vào Tần Hoài Lâu, mình vận áo dài màu xanh, dáng điệu ung dung, giữ đúng phong phạm đại thủ lãnh Long đầu của một bang hội lớn, hoàn toàn không nhiễm chất "Vong mệnh thương" danh chấn giang hồ.

Y xếp hạng ba trong hàng ngũ cửu phẩm cao thủ, sau Tạ Huyền và Tư Mã Đạo Tử, và cũng là người miền nam duy nhất. Giang Hải Lưu năm nay vừa qua tuổi bốn mươi, người rất dài, mặt gầy, ít cười. Y luôn búi gọn mớ tóc hoa râm ra sau gáy, thắt thêm một sợi dây dài thả thõng xuống lưng, vầng trán y cao, hơi gồ, bên trên cái mũi diều hâu là cặp mắt lóe tinh quang mỗi lần chớp chớp, khiến người ta có cảm giác công phu của y rất sâu sắc, không giận mà có uy, tinh minh mưu trí.

Sự thực thiên hạ này là do y tự tranh đấu để giành lấy, Đại Giang là mạch máu chính trị kinh tế ở phương nam, khắp nơi có bao nhiêu bang hội lớn nhỏ, bao nhiêu thế lực lục lâm kèn cựa, nếu y không có một chút vai trò, làm sao có thể một tay biến Đại Giang Gang trở thành đại bang hội độc bá giang hồ. Hiện tại ngoài Lưỡng Hồ Bang, những bang hội khác phải nhìn sắc mặt y mà hành sự. Phạm vi thế lực của Lưỡng Hồ Bang chủ yếu khoanh vùng ở hai hồ Động Đình và Bà Dương, đôi bên nước sông không phạm nước giếng.

Vì việc gì mà Tạ An đột ngột triệu kiến y, mãi đến lúc này y vẫn không hiểu.

Tống Bi Phong đã đợi rất lâu, trông thấy y bước qua ngạch cửa liền tiến lên đón: "An công đang ở trên Vũ Bình Đài đón chờ đại giá của Long đầu. Xin để Bi Phong dẫn đường".

Giang Hải Lưu nhẹ nhàng đi theo Tống Bi Phong về hướng Vũ Bình Đài. Bọn đại hán bảo vệ Tần Hoài lâu đều nghiêm chỉnh cúi chào, không dám thở mạnh, đủ thấy uy thế của Giang Hải Lưu ở Kiến Khang.

Giang Hải Lưu thân mật nói: "Nghe đồn Bi Phong đêm qua đã đánh trọng thương thủ hạ của tên súc sinh Tư Mã Nguyên Hiển, đánh hay lắm, nếu vì việc này mà bị phiền toái gì thì đừng kinh động đến An công, cứ tìm ta là được rồi".

Tống Bi Phong thầm kinh hãi nguồn tin nhạy bén của Giang Hải Lưu, nhưng không ngạc nhiên gì về sự thù địch của y với Tư Mã Nguyên Hiển. Nhà họ Hoàn từ xưa đến nay vẫn bất hòa với Tư Mã Đạo Tử, Giang Hải Lưu lại thuộc về một chi hệ của Hoàn gia, đương nhiên mong Tạ An và Tư Mã Đạo Tử thêm thù hằn.

Tống Bi Phong nói: "Nào dám phiền tới Giang Long đầu".

Giang Hải Lưu cười lớn, dang tay ra rồi chắp lại sau lưng, vui vẻ nói: "Đều là người một nhà, Bi Phong đừng khách sáo".

Bốn người bước trên lối đi uốn khúc vành khuyên, xuyên qua những lớp cảnh sắc xinh đẹp kiến tạo bên sông. Đến một sảnh nhỏ bên dưới Vũ Bình Đài, Giang Hải Lưu bảo Tịch Kính và Hồ Khiếu Thiên: "Các ngươi đợi ở đây".

Tống Bi Phong tránh sang một bên dãy bậc cấp bằng gỗ, đưa tay mời. Giang Hải Lưu cười tươi, ung dung bước lên, thầm nhủ không biết có được nhân tiện liếc qua nhan sắc tuyệt thế của Kỷ Thiên Thiên không. Tạ An đang đứng quay lưng về phía y, nhân vật trác việt nổi danh thiên hạ ấy đang đứng một mình chỗ sân lộ thiên, tựa vào lan can ngắm cảnh đẹp của sông Tần Hoài.

Tạ An không ngoảnh mặt lại, chỉ nhẹ nhàng nói: "Hải Lưu hãy đến bên ta đây". Nguồn tại http://TruyệnFULL.vn

Giang Hải Lưu bước nhanh hơn, đến gần Tạ An, dừng lại ở một bên hơi chếch về mé sau, cung kính thi lễ: "An công có việc gì xin cứ dạy bảo, Giang Hải Lưu dù mất mạng cũng sẽ giải quyết ổn thỏa cho người".

Khóe miệng Tạ An phớt một nụ cười, Giang Hải Lưu tuy nói với giọng điệu giang hồ nhưng ngụ ý thì hoàn toàn chân thật, bởi vận mệnh của y hiện tại đã gắn liền với Tạ An. Nếu Phù Kiên nhất thống Giang Nam thì thế lực lớn nhất ở phương bắc là Hoàng Hà Bang sẽ bành trướng đến Trường Giang, lúc đó, e rằng Giang Hải Lưu chẳng còn lấy một tấc đất cắm dùi. Vì vậy việc Phù Kiên xuống nam đã uy hiếp đến tất thảy lợi ích của các thế lực đương quyền và giang hồ ở đây, có điều, tình hình này chỉ là tạm thời, sau cơn mưa trời lại sang, một cục diện mới sẽ xuất hiện, sự thay đổi đó chẳng ai dự liệu nổi.

Luận về các bang hội và giáo phái, có ba bang và bốn giáo nổi danh nhất thiên hạ. Ba bang gồm Hoàng Hà Bang, Đại Giang Bang và Lưỡng Hồ Bang. Bốn giáo là Thái Ất Giáo, Thiên Sư Đạo, Di Lặc Giáo và một giáo phái cực kỳ bí mật là Tiêu Dao Giáo. Tam bang tứ giáo này đại diện cho bảy thế lực hùng mạnh nhất trong nhân gian, khuynh loát, tranh đoạt địa bàn, bành trướng ảnh hưởng lẫn nhau.

Tạ An điềm tĩnh hỏi: "Văn Thanh khỏe không?".

Giang Hải Lưu lộ vẻ dịu dàng và vui tươi ít thấy, y hân hoan nói: "An công quan tâm thực quý hóa. Văn Thanh chỉ phải cái mỗi ngày một phóng túng, các mặt còn lại đều được".

Giang Văn Thanh là con gái duy nhất của Giang Hải Lưu, năm nay mới mười chín tuổi, nhan sắc chim sa cá lặn, thông tuệ hơn người, võ công chân truyền của cha, được Giang Hải Lưu cưng hơn trứng mỏng.

Tạ An thở dài: "Hôm nay ta cho mời Hải Lưu tới, quả thực có một việc tối quan trọng muốn nhờ ông làm, nếu ông giải quyết ổn thỏa, ta sẽ không kỳ kèo gì nhiều vụ giao dịch mờ ám gần đây giữa ông với Tôn Ân. Tuy vậy từ tối nay ông phải đoạn tuyệt quan hệ với Tôn Ân".

Giang Hải Lưu công phu hàm dưỡng rất cao mà cũng phải biến sắc khi nghe những lời ấy, một vì Tạ An nói thẳng vào vấn đề, không quanh co vòng vèo gì hết, hai vì y vốn cho rằng việc của y với Tôn Ân cực kỳ bí mật, chẳng ngờ đã đến tai Tạ An rồi. Tạ An nhắc đến con gái y là muốn lưu tâm y nên quý trọng những gì đang có, ngụ ý cảnh cáo uy hiếp y chứ không sai.

Giang Hải Lưu muốn nói nhưng khó mở lời, nhất thời chẳng biết làm thế nào.

Trên đời này chắc chỉ có Tạ An mới dám vỗ vào mặt Giang Hải Lưu như vậy. Ngay cả hạng Hoàn Xung còn phải khéo léo rào trước đón sau, huống hồ những người khác, phải chán sống rồi mới nghĩ đến chuyện làm thế.

Một lúc rất lâu sau, y đành thừa nhận: "Cũng bởi Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ cả thôi. Giang Hải Lưu này mà không làm ăn với Tôn Ân nữa, nhất định Nhiếp Thiên sẽ thế chân tôi ngay. Hiện tại thế lực của Tôn Ân mỗi ngày một lớn, hào cường sống dựa vào dải duyên hải đông nam rất nhiều, mua bán muối hầu như do y khống chế. Ôi! Hải Lưu này chẳng có lựa chọn nào khác".

Tạ An quay lại nhìn y, đôi mắt nhấp nháy tinh quang, giọng rất êm ái: "Ông đã chịu cung kính gọi ta một tiếng An công, ta làm sao chịu nổi khi nhìn thấy ông lún sâu thêm nữa. Tôn Ân nuôi ý tạo phản, ai mà chả nhận ra, ông cũng khó tránh khỏi liên đới. Dù y thành công hay thất bại, hậu quả sau này đều bất lợi cho ông. Nếu Đại Tư Mã biết được, người sẽ không bỏ qua cho ông đâu. Ta có thể che giấu giúp, nhưng Nhiếp Thiên có chịu làm thế không? Tôn Ân thì chỉ muốn thiên hạ đại loạn. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng thò ra".

Nhiếp Thiên là thủ lãnh của Lưỡng Hồ Bang, tính tình thô lỗ bá đạo nhưng rất được lòng bọn đại hào hắc đạo, thông thạo mưu lược, phát dương thanh thế ở hai hồ

Động Đình và Bà Dương. Hoàn Xung đã nhiều lần càn quét hang ổ, nhưng vẫn chưa thể làm hao tổn nguyên khí của y, cùng lắm là khiến y im ắng bớt đi thôi.

Giang Hải Lưu cười vẻ bứt rứt, cúi đầu thưa: "Đa tạ An công chỉ bảo, Hải Lưu hiểu nên làm thế nào rồi!".

Tạ An vẫn giữ thái độ ung dung, lại đưa mắt ra sông Tần Hoài đang chảy dưới Vũ Bình Đài: "Trận chiến với Phù Kiên, nếu thua, tất nhiên chúng ta chẳng thể nhắc gì được đến những điều ấy nữa. Nhưng nếu may mắn thủ thắng, trong một thời gian dài vó ngựa Hồ sẽ không dám phạm xuống đất Nam, lúc đó nếu Tạ An này còn đủ ảnh hưởng, sẽ nhân cơ hội tốt ngàn năm có một, liên thủ với Đại Tư Mã chỉnh đốn toàn bộ miền nam, xử lý đầu tiên là Nhiếp Thiên và Tôn Ân. Ta xem Hải Lưu như người nhà nên tối nay mới mời ông đến đây để nói chuyện này. Hải Lưu đừng làm ta thất vọng".

Giang Hải Lưu thầm khen lợi hại, bất giác thấy tâm phục khẩu phục. Tạ An xưa nay vẫn ưa dùng thủ đoạn ân uy kết hợp, vừa cứng vừa mềm. Ông ta rất ít khi giận dữ, nhưng ai cũng biết, người nào khiến ông ta nổi cơn lôi đình sẽ chẳng làm sao mà thoát được. Giang Hải Lưu thở dài, gật đầu: "Hải Lưu hiểu rồi, nhất định sẽ không để An công thất vọng, nhưng xin người gia ân cho ít thời gian".

Tạ An tủm tỉm: "Làm thế nào, mức độ đến đâu, ông hãy tự quyết. Giang hồ có quy củ của giang hồ, ta hiểu điều đó".

Nghe những lời ấy, dân anh chị như Giang Hải Lưu cũng phải cảm kích, y khẳng khái nói: "An công muốn tôi làm gì, xin cứ phân phó".

Tạ An khoan thai nói: "Ta muốn ông theo dõi một người".

Giang Hải Lưu ngạc nhiên: "Việc dễ dàng như vậy ư? Mong An công dạy rõ".

Tạ An trầm giọng bảo: "Ta muốn ông theo dõi Trúc Lôi Âm, trụ trì chùa Minh Nhật, xem lão ta có rời Kiến Khang không".

Giang Hải Lưu giật mình, Trúc Lôi Âm không phải là một cao tăng đức hạnh gì, lão ta tiếng xấu đồn xa, bên cạnh có nữ đồ đệ Diệu Âm mới thực là dâm loàn hết chỗ nói. Nhưng luận về võ công, Trúc Lôi Âm là cao thủ thuộc hạng nhất nhì trong Sa môn ở đô thành Kiến Khang, ngoài ra còn qua lại rất thân thiết với huynh đệ Tư Mã Đạo Tử, cùng một phường mèo mả gà đồng, giới Phật tử tuy luôn ngứa mắt vì lão ta nhưng vẫn bó tay bất lực, giận mà không dám nói. Giang Hải Lưu hiểu Tạ An muốn y đứng ra làm là để tránh bên nhà Tư Mã Đạo Tử biết có bàn tay ông ta can thiệp trong đó. Thêm nữa, Đại Giang Bang là bang hội có thế lực nhất ở Kiến Khang, tai mắt rải khắp các trạm gác bến bãi lớn nhỏ, Trúc Lôi Âm muốn che giấu hành tung với họ, kể còn khó hơn lên trời.

Giang Hải Lưu gật đầu: "Cứ giao việc này cho Hải Lưu".

Tạ An nói: "Tạm thời chắc lão ta cũng chẳng có động thái gì khác lạ đâu, nhưng khi chúng ta quyết thắng bại với Phù Kiên, Trúc Lôi Âm sẽ không đứng xem đâu, mà sẽ đi Lạc Dương đón Nhị đương gia của Di Lặc giáo là Trúc Bất Quy trở về Kiến Khang, ta muốn ông báo cáo từng li từng tí hành động của lão ấy cho ta biết, kể từ hôm nay".

Giang Hải Lưu chấn động, hiểu ra rằng người Tạ An muốn đối phó là bọn tà giáo Di Lặc mà ai nghe đến tên cũng phải biến sắc, thầm nhủ nếu Di Lặc giáo mà gây dựng cơ đồ ở Kiến Khang thì Đại Giang Bang nhất định sẽ là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng, y vội gật đầu: "Không vấn đề gì, nếu lão tới Lạc Dương, nhất định sẽ đi qua Biên Hoang. Ở Biên Hoang có Hán bang, Chúc Lão đại của Hán bang là chỗ bạn bè sống chết với tôi, nhất định sẽ thu xếp ổn thỏa cho An công".

Rồi không nhịn được, y hỏi: "Về cuộc chiến với Phù Kiên, An công có bao nhiêu phần chắc thắng?".

Tạ An nhìn y, tủm tỉm: "Nếu ta nói là mười phần, ngươi có tin không?".

Giang Hải Lưu nói vẻ gượng gạo: "An công là một trong số ít người khiến Hải Lưu tâm phục khẩu phục. Nếu An công nói chắc chắn tuyệt đối, thì tức là chắc chắn tuyệt đối".

Tạ An thở một hơi khoan khoái, ngửa mặt nhìn vầng trăng sáng đang treo cao giữa trời, nói giọng êm ái: "Ta chẳng chắc chắn gì về thành bại của cuộc chiến hết, nhưng ta tuyệt đối tin Tạ Huyền".

Chu Tự trở về chỗ nghỉ ở Tây Uyển, mệt mỏi gần chết, đầu óc rối bời, thầm nhủ lại một đêm mất ngủ mắt mở trừng trừng nữa cho xem.

Phù Kiên tinh lực hơn người, khổ nhất là ông ta không hiểu chẳng phải ai cũng như mình nên hứng lên là kiếm bừa một người để chuyện gẫu, mặc kệ là canh hai hay canh ba.

Có điều sự mệt mỏi về thể xác vẫn chưa bằng nỗi khổ sở về tinh thần, y đã bước vào con đường phản bội tổ quốc, không còn lối quay đầu nữa, nhưng thực sự y tin chắc rằng nhà Đông Tấn ở phương nam kia còn lâu mới là đối thủ của Phù Kiên. Vì tính mệnh của bản thân, y chẳng còn lựa chọn nào khác, đành chấp nhận sự an bài của số phận, nhận lệnh cho xong.

Tên tùy tùng thân tín đang cố chống mắt lên cưỡng lại cơn buồn ngủ để đợi hầu y. Chu Tự cho gã lui, đẩy cửa bước vào phòng ngủ tạm thời, vừa cởi áo khoác, cửa sổ bỗng kẹt một tiếng rồi mở toang.

Chu Tự cảnh giác ấn tay lên đốc kiếm.

Một giọng nói khẽ vang lên ngoài song: "Chu tướng quân đừng nói to. Tôi là Lưu Dụ, người do Huyền soái phái đến, có thư mật gửi ông".

Chu Tự còn đang ngạc nhiên, một người ăn vận quân phục như các tùy tùng của Phù Kiên đã băng mình vào qua cửa sổ, quỳ trước mặt Chu Tự, giơ hai tay nâng bức mật hàm lên đầu.

Chu Tự trù trừ, cuối cùng đón lấy thư, kinh ngạc hỏi: "Sao ngươi trà trộn vào đây được? Ngửa mặt lên xem!".

Lưu Dụ vâng lời, mỉm cười nói: "Đại nhân đã từng gặp Lưu Dụ hai lần rồi, còn nhận ra không?".

Chu Tự soi thật kỹ dưới ánh trăng, gật đầu nói: "Quả thực quen mặt lắm, tướng mạo của ngươi rất đặc biệt, ta cũng còn có chút ấn tượng. Ô! Ngươi không nên đến đây, mà đứng dậy đi, ngươi đâu có phải thuộc hạ của ta!".

Lưu Dụ đứng dậy cung kính nói: "Đại nhân cứ xem qua thư mật Huyền soái sai tôi đưa đến rồi hãy hay!".

Chu Tự lặng thinh chốc lát, xé mộc ấn niêm trên thư, rút bên trong ra tờ hoa tiên, Lưu Dụ khêu ngọn đèn dầu trên đầu giường, xong lùi vào một góc sao cho không để lộ bóng mình, rũ tay đứng vẻ cung kính.

Chu Tự ngồi xuống mép giường, mở thư ra đọc kỹ.

Lưu Dụ quan sát y không chớp mắt, thầm nhủ nếu y có hành động gì khác lạ, chẳng hạn như dùng thủ pháp ngầm thông báo cho thuộc hạ, mình sẽ lập tức vung đao giết chết, sau đó sẽ cùng Yến Phi và Thác Bạt Khuê - lúc này đang cảnh giới sau viện - lập tức chạy trốn.

Hiện gã đang ở tại trung tâm Tần doanh, hơn lúc nào hết thấu hiểu tình cảnh của Chu Tự hơn ai hết. Vào lúc khí thế của Phù Kiên đang lên, muốn Chu Tự từ bỏ tất cả để quay lưng lại ông ta, trở về trợ sức cho Đông Tấn đang binh thưa lực mỏng thì quả thực là một việc rất khó. Vì có thể dự kiến rằng nếu Phù Kiên thắng trong trận này, Chu Tự nhất định sẽ được trọng dụng, vì y hiểu rõ người nam hơn bất kỳ một thủ hạ tướng lĩnh nào của Phù Kiên.

Phong thư này của Tạ Huyền, nhất định không lôi chuyện đạo nghĩa tình cảm ra để đánh động y, mà là phân thuyết lợi hại, chỉ cho Chu Tự nhận ra chiến thắng đang nằm vững trong tay Tạ Huyền rồi. Còn Tạ Huyền dùng miệng lưỡi gì để thuyết phục Chu Tự, thực sự gã chỉ biết phỏng đoán mà thôi. Thấy Chu Tự chăm chú xem thư, bất giác lộ vẻ suy nghĩ, gương mặt thoạt sáng thoạt tối, đủ biết bức thư này quả thực có uy lực lay chuyển y, Lưu Dụ bỗng chốc đem lòng khâm phục Tạ Huyền.

Xem đến cuối thư, Chu Tự bỗng rùng mình, lộ vẻ kinh ngạc và vui mừng khó bề che giấu, gập nhỏ bức thư đốt cháy trên ngọn lửa.

Giấy bắt lửa, quăn thành tro, rơi xuống đất.

Chu Tự thõng tay, mặc tro tàn vương trên sàn, đôi mắt bắn ra vẻ kiên định nhìn Lưu Dụ, giọng bình tĩnh lạ thường, như đã âm thầm hạ quyết tâm, hỏi gã: "Ngươi biết trong thư viết gì không?".

Lưu Dụ lắc đầu, trong bụng cười buồn, thầm nghĩ tiểu tử thân phận đê hèn, nếu không nhờ nhiệm vụ bí mật lần này thì làm gì có tư cách ngồi nói chuyện với Chu đại nhân ngài.

Chu Tự trầm ngâm chốc lát, gật đầu bảo: "Thứ sử đại nhân dạy, sự thống nhất của nước ta không thể trông chờ vào huyết thống, mà phải là trình độ văn hóa, quả thực rất chính xác".

Lưu Dụ đang gấp, nhưng không dám giục Chu Tự mau tỏ rõ thái độ để gã còn về báo cáo lại với Tạ Huyền, đồng thời cũng hiểu Chu Tự đột nhiên thảo luận quan điểm của Tạ Huyền trong thư hoàn toàn không phải vì cao hứng nhất thời, mà muốn dựa vào đó để khơi nguồn cho những suy nghĩ của mình, để kiên định ý muốn phản Tần. Nghĩ tới đây, gã càng không dám thúc Chu Tự, gật đầu nói: "Ở Trung nguyên, văn hóa cao nhất tất nhiên là người Hán chúng ta, vì vậy nhất thống thiên hạ cuối cùng sẽ do người Hán chúng ta hoàn thành, thêm vào đó trong lịch sử dân tộc, chưa có lần nào người Hồ thống nhất thành công cả".

Chu Tự điềm đạm bảo: "Ngươi nói đúng, nhưng đó không phải là quan điểm của Thứ sử đại nhân. Người nói Phù Kiên muốn thống nhất người Hán và các tộc người Hồ khác nhau, nhất định sẽ tiến hành Hán hóa, muốn Hán hóa thì phải đề cao người Hán, đề cao người Hán thì chẳng thể bỏ qua người bản địa. Hiện tại Trung nguyên phần lớn đã theo tôn thất nhà Tấn xuống nam, vì vậy người Hán đang nhất thống miền nam chứ không phải miền bắc. Nếu không tấn công lấy được nhà Đông Tấn, bất kể Phù Kiên nói hoa nói lá gì, trước sau cũng không thể lên ngôi chính thức, không thể dùng những người văn minh hàng phục các tộc Hồ, rồi người Hán sẽ ăn ở hai lòng. Vì vậy Phù Kiên theo đuổi kế hoạch Nam chinh, đủ thấy ông ta chưa thể hóa giải được mâu thuẫn giữa các dân tộc, đó là một nguyên nhân rất đáng kể cho sự bại vong của ông ta trong cuộc chiến này".

Lưu Dụ nghe nói rất phục, Tạ Huyền quả là người phi thường, cũng có kiến giải phi thường. Chu Tự chính vì tin chắc chính quyền Giang tả là chính thống của Trung nguyên, Hán tộc là chỗ dựa, vì vậy vẫn có cảm giác tội lỗi, phản bội dân tộc khi giúp Phù Kiên đánh Đông Tấn.

Nghĩ vậy gã khẽ nói: "Huyền soái liệu việc như thần, thẳng thắn mà nói, tối nay Lưu Dụ đến được đây đem thư gửi đại nhân, cũng vì có người Hồ ngấm ngầm trợ giúp, bách vạn đại quân của Phù Kiên hoàn toàn không đoàn kết vững vàng như ông ta tưởng tượng đâu".

Chu Tự phấn khởi hỏi: "Thật như vậy ư?".

Lưu Dụ hiểu niềm tin tất thắng vào Phù Kiên của Chu Tự đã lung lay rồi, gã ngẫm nghĩ, Tạ Huyền trăm phương nghìn kế muốn lôi kéo Chu Tự quay trở về, tất nhiên việc này hết sức quan trọng, liên đới đến cả sự thành bại của trận chiến, hiện tại Chu Tự xem thư xong đã dao động, mình phải đẩy thêm vào, có khả năng tranh thủ được y ngay, tốt nhất là khiến Phù Kiên nghi ngờ Mộ Dung Thùy. Gã hạ quyết tâm nhanh chóng đem chuyện Yến Phi và Thác Bạt Khuê dặn dò ra, những sự kinh hiểm uẩn khúc trong đó, ai có thể một lát mà biên ra câu chuyện kín kẽ như vậy, chắc Chu Tự sẽ tin.

Quả nhiên, Chu Tự nghe xong phấn chấn hẳn lên, như biến thành một con người khác: "Thảo nào Khất Phục Quốc Nhân dẫn người đi tìm cũng không thấy gì, thì ra là vậy".

Biết thời gian không còn nhiều, Lưu Dụ nói: "Chúng ta phải lập tức chia tay, đại nhân có gì cần nhắn xin dạy bảo, tệ chức sẽ chuyển lại cho Huyền soái không sót một chữ".

Chu Tự ngửa mặt lên rầm nhà, trầm giọng nói: "Nhờ ngươi nói với Huyền soái, Chu Tự vĩnh viễn không quên đại ân đại đức của An công đối với Chu gia. Chu Tự sẽ y lời hành sự, còn thành công hay không, thì phải xem khí số của Đại Tấn ta".

Lưu Dụ không hiểu Tạ An đã làm gì cho Chu Tự, nhưng việc này tất nhiên không thể hỏi, càng không nên hỏi vì nó trái với chức trách của gã. Vì vậy gã lập tức quỳ gối, khấu đầu lạy Chu Tự ba lạy: "Lưu Dụ thay mặt tất cả người Hán của Đông Tấn, cảm tạ đại đức và nghĩa cử của Chu đại nhân".

Nói vậy nhưng bụng gã bảo dạ: "Ba lạy này, lại thêm cái danh đại nghĩa dân tộc, vẫn chưa đủ để Chu Tự vững lòng dốc sức cho Tạ Huyền".

Nếu Chu Tự có thể nhìn thấu tâm can của Lưu Dụ, hẳn phải đánh giá khác về công phu hàm dưỡng và sự thâm trầm của gã. Nhưng đương nhiên là y không hiểu, vẫn tỏ vẻ cảm động, nhoài mình lên đỡ Lưu Dụ dậy: "Mau về đi!".

Lưu Dụ đáp: "Chẳng may bị người Tần phát giác, tôi sẽ tự tận trước khi bị bắt, quyết không tiết lộ việc này, Chu đại nhân yên tâm". Mấy câu này không phải là giả trá, Lưu Dụ quả có thể làm như vậy thật.

Nói rồi nhào mình ra ngoài cửa sổ mà đi.
Chương trước Chương tiếp
Loading...