Biên Thành Lãng Tử

Chương 38: Am Cũ Mai Hoa



Thức trắng đêm, Diệp Khai và Đinh Vân Lâm không có vẻ gì mõi mệt.

Bởi, lòng họ rất hân hoan, gia dĩ nắng ban mai sáng niềm hy vọng, gió sớm mát mẻ. Không khí trong lành, nếu họ có mệt mõi, những thứ đó cũng làm cho họ khoan khoái như lúc thường.

Đi bên cạnh Diệp Khai, qua mấy dặm đường, Đinh Vân Lâm chợt hỏi:

- Ngươi có nghe A Phi tiền bối nói đó chứ ? Lão tiền bối nói rằng, ta thông minh, ta xinh đẹp.

Diệp Khai cười nhẹ.

Đinh Vân Lâm nhìn chàng, hỏi:

- Tại sao từ trước đến nay, ngươi không bao giờ nói với ta những tiếng đó ?

Diệp Khai hỏi lại:

- Cô nương nhất định muốn tại hạ nói ?

Đinh Vân Lâm mỉm cười:

- Thực ra, ngươi không nói cũng chẳng quan hệ gì. Miệng ngươi không nói, mà lòng ngươi tưởng, cũng đủ lắm rồi !

Nàng nắm tay Diệp Khai, nghinh gió chạy đi, cõi lòng mở bốn cửa !

Diệp Khai hỏi:

- Tam ca của cô nương là con người như thế nào ?

Đinh Vân Lâm cau mày:

- Ngươi không biết y ?

Diệp Khai lắc đầu:

- Tại hạ biết có lịnh trưởng huynh thôi !

Đinh Vân Lâm chớp mắt, cười đáp:

- Tam ca ta cũng như ngươi vậy, thông minh, linh lợi, ngoài cái việc chế tạo hài nhi, còn biết rất nhiều việc. Nhưng, trong các thứ tài, cái tài cao nhất là dụ dẫn nữ nhân !

Nàng vênh mặt, cao giọng tiếp:

- Cái tài đó thì nhất định là ngươi không nên học ! Không được học !

Diệp Khai cười hì hì:

- Tại hạ bất tất phải học !

Đinh Vân Lâm trừng mắt, rồi vụt cười vang:

- Dù cho ngươi có học, cũng chẳng ích gì. Bất cứ ngày hay đêm, bất cứ ở đâu, ta bám ngươi sát như sam, ngươi không có cơ hội thi thố đâu !

Diệp Khai thở dài:

- Đinh tam công tử là tay phong lưu, tại hạ từng nghe người đời ca tụng, tại hạ muốn gặp y một lần !

Đinh Vân Lâm thốt:

- Ngươi nên làm quen với y. Hơn thế, ngươi phải nịnh y ít nhiều, bỏ cho y nói tốt cho ngươi, trước mặt gia gia ta, có lợi cho ngươi lắm đó.

Nàng thở ra, tiếp luôn:

- Đáng tiếc qua, ta không làm sao đến Tàng Kinh Trang trogn lúc này !

Diệp Khai hỏi:

- Trừ y ra, những người khác trong gia đình cô nương đều là người gỗ, tâm tính khô cằn cả sao ?

Đinh Vân Lâm gật đầu, thở dài, tiếp:

- Nhất là phụ thân ta ! Một năm, ta chưa thấy lão nhân gia cười một lần. Vì ta sợ nhìn mặt lão nhân gia, nên mãi la cà khắp nơi, không muốn trở về nhà !

Trên giang hồ còn ai không biết Đinh lão thái gia cực kỳ nghiêm khắc, bình sanh không hề làm một việc gì trái với quy củ !

Diệp Khai thốt:

- Tại hạ biết, lịnh tôn là bậc chánh nhân quân tử !

Đinh Vân Lâm cười lớn:

- Cũng may, gia phụ không là ngụy quân tử cỡ Dịch Đại Kinh !

Diệp Khai gật đầu:

- Đương nhiên vậy rồi !

Đinh Vân Lâm tiếp:

- Từ ngày mẫu thân ta tạ thế, gia phụ không hề nhìn bất cứ nữ nhân nào đến nửa mắt. Chỉ một cái việc đó thôi, gia phụ cũng hơn xa người đời ! Nhất định không ai làm được như gia phụ !

Diệp Khai tặt lưỡi:

- Cái đó thì tại hạ chào thua là chắc !

Đinh Vân Lâm trừng mắt:

- Cho nên ta nhất định không chết trước ngươi !

Một lúc lâu, nàng hỏi:

- Hiện tại, ngươi muốn đi đâu ? Đi tìm Phó Hồng Tuyết ?

Diệp Khai không đáp.

Đinh Vân Lâm tiếp:

- Ngươi tưởng hắn có tìm được Mã Không Quần chăng ?

Diệp Khai từ từ đáp:

- Với quyết tâm, người ta có thể đạt mục đích !

Lúc đó, từ xa xa, một kỵ sĩ từ từ tiến đến.

Ngựa, thuộc loại ngàn tuyển trăm, trăm chọn mười, mười lấy một.

Người, y phục sang quý, mão châu, đai ngọc, kiếm báu.

Người, là một thiếu niên, mặt đẹp như ngọc.

Ngựa đến gần, kỵ sĩ gò cương, ngựa dừng lại.

Đinh Vân Lâm vọt tới, reo lên:

- Tam ca ! Chúng ta vừa muốn đi tìm tam ca, không ngờ tam ca lại đến !

Đinh Tam Thiếu cười nhẹ:

- Ngu ca đến, để xem bằng hữu của hiền muội là con người như thế nào ! Nghe nói y cũng như ngu ca, toàn là thứ người chẳng thành cái quái gì !

Hắn nói, mắt nhìn Diệp Khai.

Đinh Vân Lâm chớp mắt:

- Tam ca thấy sao ?

Đinh Tam Thiếu lại cười:

- Ngu ca không thất vọng !

Diệp Khai cũng cười.

Chàng cũng không thất vọng. Đinh Tam Thiếu quả thật là một phong lưu công tử.

Chàng thốt:

- Tại hạ muốn gặp công tử lâu lắm rồi. Nghe nói công tử có đến ba mươi vò rượu

quý !

Đinh Tam Thiếu cười vang:

- Rất tiếc đã muộn rồi. Rượu đã chui hết vào dạ dày, chỉ còn lại ba mươi vò không !

Diệp Khai hỏi:

- Còn cái ban nữ ca xướng ?

Đinh Tam Thiếu đáp:

- Chúng còn nguyên vẹn đó, song các hạ đừng hỏi làm gì !

Diệp Khai hỏi:

- Tại sao ?

Đinh Tam Thiếu nheo mắt:

- Vì bên cạnh các hạ, có một vò giấm to bằng núi, vò vỡ ra, giấm ngập chết người !

Hắn nhìn qua Đinh Vân Lâm.

Đinh Vân Lâm nghênh mặt:

- Thông minh đấy ! Tiểu muội mà nổi xung lên, là dám chặt đầu cả lũ đó, không chớp mắt không run tay đâu nhé !

Đinh Tam Thiếu lè lưỡi:

- Các hạ nghe chứ ? Liễu đầu mà ghen rồi, thì đất trời cũng dám đảo lộn lắm !

Đinh Vân Lâm bật cười sằng sặc.

Đinh Tam Thiếu hỏi:

- Các ngươi định đi đâu ?

Đinh Vân Lâm hỏi lại:

- Còn tam ca ?

Đinh Tam Thiếu thở dài:

- Ngu ca không giống như hiền muội và vị bằng hữu này đâu ! Nếu ngu ca không trở về, thì cái đầu này chắc chắn phải thủng một lỗ lớn !

Đinh Vân Lâm hỏi:

- Ông già mạnh chứ ?

Đinh Tam Thiếu gật đầu:

- Mạnh ! Năm vừa qua, đâu vào tháng chạp, ngu ca có thấy ông cụ cười một lần.

Đinh Vân Lâm bật cười.

Đinh Tam Thiếu tiếp:

- Ngu ca khuyên, hiền muội nên cẩn thận nhé ! Cô chúng ta luôn che chở hiền muội, nhưng khi ông cụ nổi tánh lên rồi, thì cô cũng khiếp vía luôn, không còn bảo vệ hiền muội được nữa !

Đinh Vân Lâm vẫu môi:

- Tôi không sợ ! Bất quá, tôi không trở về, chứ có sao đâu ?

Đinh Tam Thiếu gật đầu:

- Chủ ý đó được lắm !

Hắn day qua Diệp Khai, tiếp:

- Tại hạ xin hỏi trước !

Diệp Khai trố mắt:

- Tại sao ?

Đinh Tam Thiếu gật đầu:

- Liễu đẫu đó nổi tiếng hung và ghen, nếu có chủ ý như vậy, thì cuộc đời của các hạ kể như tàn rồi. Đừng mong có một lạc thú ! Tại hạ là tam ca của liễu đầu, thay mặt gia đình xin lỗi các hạ !

Hắn bật cười vang, rút roi quất ngựa, ngựa phi nhanh.

Tiếng cười từ xa còn vọng lại.

Đinh Vân Lâm dậm chân, hằn học: - Cái gã tam thiếu đó, thật chẳng ra quái gì mà !

Diệp Khai lắc đầu:

- Y nói phải đấy chứ ! Đinh Vân Lâm hừ một tiếng: - Y nói cái gì mà ngươi cho rằng phải ?

Diệp Khai mỉm cười: - Y nói, có một người, vừa hung, vừa thích nuôi giấm, nuôi cả vò, vò to, vò nhỏ ... Đinh Vân Lâm trừng mắt, rồi vụt cười khanh khách.

Sau đó, cả hai nín lặng, cùng bước đi, gương mặt trầm trầm. Họ trở về với tâm sự.

Một lúc lâu, Diệp Khai hỏi: - Cô nương đang nghĩ gì thế ? Đinh Vân Lâm lắc đầu.

Diệp Khai tiếp: - Nữ nhân trầm mặc, là tâm tư nặng đọng, vạn ý niềm. Đinh Vân Lâm thở dài.

Diệp Khai hỏi: - Cô nương nhớ nhà ? Đôi mắt nàng ươn ướt, xa xôi ...

Diệp Khai thở dài: - Cô nương không phải là hạng người từ bỏ gia đình được ! Đinh Vân Lâm thốt: - Nói thật với ngươi ! Ta lo ngại về phụ thân ta đó ! Gia gia là con người sắt lạnh ! Diệp Khai hỏi: - Cô nương sợ lệnh tôn không chấp nhận tại hạ làm con rể ? Đinh Vân Lâm đáp: - Nếu ngươi sửa đổi một chút, cho thành người có quy củ, ta còn mong gì hơn ? Diệp Khai mỉm cười: - Biết đâu lịnh tôn lại không thích mẫu người của tại hạ ? Đinh Vân Lâm lắc đầu.

Diệp Khai cau mày: - Không thể có việc đó được sao ? Đinh Vân Lâm buông gọn:

- Ừ !

Diệp Khai tiếp:

- Tam ca của cô nương chẳng giống tại hạ sao ? Chẳng phải lịnh tôn ưa thích tam ca của cô nương nhất sao ?

Đinh Vân Lâm hỏi:

- Sao ngươi biết ?

Diệp Khai đáp:

- Lịnh tôn quản thúc tam ca cô nương rất nghiêm ngặt, điều đó chứng tỏ một sự chiếu cố đặc biệt ! Huống chi, về già, cha mẹ chừng thương yêu con út hơn !

Đinh Vân Lâm gật đầu:

- Ta công nhận ngươi nói đúng. Gia gia ta thích tam ca ta nhất trong nhà !

Diệp Khai cười nhẹ:

- Thêm một lý do, cho cô nương ganh !

Đinh Vân Lâm cắn môi, thốt:

- Ta đâu có muốn lão nhân gia ưa ta ! Ta chỉ muốn người đừng làm phiền tới ta thôi !

Diệp Khai tiếp:

- Nếu lịnh tôn có làm phiền phức cho cô nương, thì đó là vì người ưa thích cô nương, hơn các con khác, có sao đâu !

Đinh Vân Lâm tức uất vì chàng chọc phá, suýt khóc lên.

Mà cũng có thể vì nhớ nhà, nàng xúc động đến suýt rớm lệ.

Diệp Khai trầm tư, không lưu ý đến thần sắc của nàng. Lâu lắm, chàng hỏi:

- Không có vị bằng hữu nào của lịnh tôn có thể nói tốt cho tại hạ với lịnh tôn chăng ?

Đinh Vân Lâm lắc đầu:

- Gia phụ không hề lai vãng với một ai trên giang hồ. Dù có, thì cũng toàn là một mẫu người gỗ đó, lạnh lùng, vô tình cảm, bất cận nhân tâm, những kẻ sống giữa dòng đời song không màng nhân loại !

Diệp Khai chớp mắt:

- Nghe nói trước kia, lịnh tôn giao tình rất mật thiết với Tiết Võ !

Đinh Vân Lâm lắc đầu:

- Sai ! Đến cả cái tên Tiết Võ, lão nhân gia cũng không biết !

Diệp Khai biến thần sắc rất kỳ quái, mường tượng được an ủi, mà cũng mường tượng thất vọng.

Một lúc sau, chàng hỏi:

- Còn Dịch Đại Kinh ? Không phải là bằng hữu của lịnh tôn a ?

Đinh Vân Lâm đáp:

- Dịch Đại Kinh là người tam ca mới quen gần đây thôi. Ta không hề nghe nói gia gia có thứ bằng hữu đó.

Diệp Khai hỏi:

- Thế lịnh tôn không hề vãng lai với khách giang hồ ?

Đinh Vân Lâm thốt:

- Gia phụ cho rằng trên đời này chỉ có hai người, đáng cho lão nhân gia kết bằng hữu mà thôi.

Diệp Khai hỏi:

- Hai người nào ?

Đinh Vân Lâm đáp:

- Một, là Tiểu Lý Thám Hoa !

Diệp Khai mỉm cười:

- Nhãn lực tinh vi !

Rồi chàng hỏi:

- Người thứ hai ?

Đinh Vân Lâm bảo:

- Ngươi đoán xem !

Diệp Khai trầm ngâm một chút:

- A Phi ?

Đinh Vân Lâm lắc đầu:

- Gia gia ta nói, con người đó, có tài chứ không có chí, chung quy không làm được việc lớn.

Diệp Khai phục luận điệu đó. Chính chàng cũng nghĩ như vậy.

Chàng cau mày, thầm nghĩ:

- Cả A Phi cũng không xứng đáng, thì còn ai ?

Đinh Vân Lâm thốt:

- Người thứ hai, là Bạch Thiên Vũ.

Diệp Khai kinh ngạc:

- Bạch Thiên Vũ ? Lịnh tôn biết người đó ?

Đinh Vân Lâm lắc đầu:

- Không hề gặp lần nào. Gia gia ta định đi tìm y, rất tiếc ...

Nàng thở dài, tiếp:

- Ngoài hai người đó, trong con mắt của gia gia ta, tất cả đều là hoặc ngốc, hoặc

ngu !

Diệp Khai cười khổ: - Rất tiếc, cả hai người đó đều không thể nói tốt hộ tại hạ với lịnh tôn !

Đinh Vân Lâm thốt: - Hiện tại, chỉ còn một người ! Người này nói, có thể gia gia ta chịu nghe một vài

câu !

Diệp Khai hỏi:

- Ai ?

Đinh Vân Lâm đáp:

- Cô của ta !

Diệp Khai chớp mắt:

- Em gái của lịnh tôn ? Không xuất giá sao ?

Đinh Vân Lâm gật đầu:

- Hai anh em rất mến thương nhau từ thuở nhỏ ! Tầm mắt của cô còn cao hơn tầm mắt của gia gia ta ! Toàn thể nam nhân trong thiên hạ, không một ai đáng cho cô nhìn nửa mắt !

Diệp Khai điềm nhiên:

- Có thể là người ta xem bà ấy không hạp nhãn, nên chẳng ai cầu hôn.

Đinh Vân Lâm cãi:

- Ngươi lầm ! Cho đến hôm nay, cô của ta vẫn còn là một mỹ nhân ! Lúc cô còn thanh xuân, nhiều nam nhân không ngại ngàn dặm, tìm đến đây, chẳng phải để cầu hôn, bởi họ không dám vọng tưởng, mà chỉ để nhìn mặt thôi ! Nhìn được mặt cô một lần, là họ thỏa nguyện lắm rồi !

Diệp Khai cau mày:

- Người ta nhìn một chút, chẳng lẽ bà không cho ?

Đinh Vân Lâm lắc đầu:

- Không cho là hẳn rồi ! Cô thường nói, nam nhân chẳng khác con heo, vừa thô kệch, vừa hôi thúi, nếu để cho họ nhìn, thì cô cũng phải lây cái thô kệch, cái hôi thúi của họ ...

Nàng trề môi, nhìn Diệp Khai, tiếp luôn:

- Cô thường bảo ta, đừng bao giờ lấy chồng, vô luận gặp nam nhân nào, cũng cứ tung chân đá mạnh, cho văng đi xa !

Diệp Khai điềm nhiên:

- Bà không sợ đá người ta rồi, chân bà lây thô kệch, hôi thúi sao ?

Đinh Vân Lâm hứ một tiếng:

- Cũng may ta chưa đá ngươi ! Mà dù cho ngươi đá ta, ta cũng nhào vào, quyết không buông ngươi !

Diệp Khai cười hì hì.

Đinh Vân Lâm lại buông nhẹ tiếng thở dài, thốt:

- Cho nên, ta thấy, chỉ có cô là giúp được ngươi mà thôi. Nhưng, cái cơ hội rất mong manh !

Diệp Khai thở dài:

- Xem ra, người trong gia đình cô nương, không một ai không là kỳ quái !

Đinh Vân Lâm cười khổ:

- Cái đó thì đúng vậy rồi !

Diệp Khai tiếp:

- Về ba đại thế gia trong võ lâm, kỳ quái nhất, chỉ sợ là họ Đinh của cô nương !

Đinh Vân Lâm gật đầu:

- Mấy anh em của họ Nam Cung thường nói rằng, đám người họ Đinh của chúng ta là một đàn nhím, không người nào chẳng có lông nhọn nơi mình, ai chạm đến là lông bắn ra, giết chết liền.

Nàng cười hịt hịt, tiếp:

- Cũng may, lời nói đó không đến tai gia gia ta, nếu gia gia ta nghe được thì mấy tiểu tử trong họ Nam Cung phải nếm khổ từng cơn !

Diệp Khai hỏi:

- Võ công của lịnh tôn hẳn là cao lắm ?

Đinh Vân Lâm đáp:

- Cái đó ta không hiểu rõ. Ta chỉ biết, các anh em của ta đều học võ công của lão gia, nhưng chưa một ai học được toàn bộ sở học của ông cụ !

Ánh mắt ngời niềm cao ngạo, nàng tiếp:

- Ba vị ca ca ta, có thể được xem là nhất lưu cao thủ trong võ lâm, nhưng chưa một người nào lãnh hội được nửa phần võ công của ông cụ !

Diệp Khai thốt:

- Tuy nhiên, chừng như lịnh tôn chưa hề giao thủ với một nhân vật nào trên giang

hồ !

Đinh Vân Lâm đáp:

- Chỉ vì chưa một ai dám đến thách thức ông cụ.

Diệp Khai hỏi:

- Không bao giờ lịnh tôn đi tìm người gây sự bên ngoài ?

Đinh Vân Lâm lắc đầu:

- Giang hồ hỗn loạn như thế này mà lão nhân gia không hề biết mảy may. Nói chi đến việc xuất ngoại tiếp xúc hào khách bốn phương ?

Diệp Khai nhìn ra xa xa, mơ màng một lúc.

Rồi chàng thốt:

- Dù sao, thì sao tại hạ nhất định cùng đi với cô nương về đó một lần !

Đinh Vân Lâm chớp mắt:

- Ngươi dám !

Diệp Khai cười nhẹ:

- Có cái chi đáng sợ lắm đâu ! Cùng lắm là bị thủng đầu một lỗ lớn vậy thôi ! Phải không ?

Đinh Vân Lâm reo lên:

- Chúng ta đi ngay bây giờ.

Diệp Khai lắc đầu:

- Bây giờ thì không được !

Đinh Vân Lâm cau mày:

- Còn phải đi tìm Phó Hồng Tuyết ?

Diệp Khai thở dài:

- Cừu nhân của hắn, mỗi ngày một nhiều, còn bằng hữu của hắn thì mỗi ngày một ít !

Đinh Vân Lâm hỏi:

- Ngươi biết hắn ở đâu không ?

Diệp Khai không đáp thẳng, chỉ thốt:

- Từ đây đến Mai Hoa Am, đường đi không xa lắm.

Đinh Vân Lâm sáng mắt:

- Mai Hoa Am của ngày cũ ?

Diệp Khai gật đầu:

- Tại hạ nghĩ, Phó Hồng Tuyết hẳn là đến đó, để nhìn qua cục trường của thảm cảnh ngày xưa !

Đinh Vân Lâm chớp mắt:

- Chính ta cũng muốn xem qua nói gì là hắn !

Am xưa còn đó, nhưng mai không còn, mà tuyết cũng chẳng phủ trắng đất trời, vì đang tiết thu.

Thời gian là lúc ngày tàn, tà dương đang ve vuốt vạn vật, tạm giã biệt một đêm

tròn.

Phó Hồng Tuyết tắm mình trong ánh tà dương, tần ngần đứng nhìn am cũ còn lại sau cuộc chiến hãi hùng.

Cuộc chiến đã qua, bao kiếp người đã qua, am cũ vẫn còn đó !

Tay hắn vẫn nắm chặt chuôi đao, hắn từ từ tiến lên các bậc thềm đá rêu phong xanh thẳm !

Rồi hắn nhẹ xô cánh cửa long chốt, xiêu vẹo, khép hờ, then rơi đâu mất từ lâu.

Cửa rít khẽ, như tiếng thở dài nhẹ.

Trong am, lá rụng lợp dày lá mục, lá mới, lá từ mười chín năm trước, gió bốn mùa cuốn vào.

Dĩ nhiên, hương khói vắng, và người cũng vắng.

Bóng tối âm u, tà dương chực tắt, bóng tối càng phút càng dày, càng lạnh.

Phó Hồng Tuyết nhặt một lá rơi, nhìn ngay, lòng man mác.

Không rõ hắn thừ người được bao lâu nữa, bỗng dâu đây vang lên tiếng tụng niệm.

Kế đó có người hỏi hắn:

- Có phải thí chủ đến dâng hương trước phật đài chăng ?

Một lão ni, áo xanh, vớ trắng, hai tay chấp thành chữ thập, đang đứng trước điện nhìn hắn.

Bà gầy khô như chiếc lá khô, mặt vàng, hằn nét tịch mịch, bi hoài.

Mường tượng bao nhiêu hoan lạc trên đời đều tránh né tầm tay bà, từ thời thơ ấu đến ngày xuất gia.

Có lẽ vì thế mà bà xuất gia ?

Đời bỏ rơi bà, thì bà nương nhờ cửa Phật !

Mắt bà chợt sáng lên, như từ lâu lắm, bà hy vọng một vài thiện tín đến dâng hương, và mãi đến nay, mới có một người.

Phó Hồng Tuyết bước tới.

Lão ni hỏi:

- Bần ni là Liễu Nhân, còn thí chủ ?

Phó Hồng Tuyết đáp:

- Họ Phó.

Hắn lấy một nắm hương, đốt lên, cắm vào chiếc lư đồng.

Nhìn phật đài hoang lạnh, Phó Hồng Tuyết thở dài.

Liễu Nhân lão ni hỏi:

- Thí chủ cần dùng bữa chay ?

Phó Hồng Tuyết lắc đầu:

- Bất tất.

Liễu Nhân lại hỏi:

- Một chén trà ?

Phó Hồng Tuyết gật đầu.

Hắn cần hỏi lão ni mấy điều, uống chén trà để kéo dài thời gian, cũng được chứ !

Phó Hồng Tuyết đặt một đỉnh bạc lên mâm trà, tay nâng chén lên.

Hắn đâu có bạc nhiều ? Nhưng lão ni chừng như thỏa nguyện lắm rồi.

Bà tạ ơn hắn:

- Quý hóa quá ! Nơi đây, từ lâu, không người đến !

Phó Hồng Tuyết trầm ngâm một chút, đoạn hỏi:

- Ni bà ở đây lâu rồi chứ ?

Lão ni đáp:

- Bao nhiêu năm, bần ni không nhớ rõ, chỉ biết là lúc bần ni đến đây, thì tượng phật mới bắt đầu được khai hoang điểm nhãn.

Phó Hồng Tuyết tặt lưỡi:

- Như vậy, ít nhất cũng được hơn hai mươi năm rồi !

Liễu Nhân lộ vẻ bi thương:

- Hai mươi năm thôi sao ! Chỉ sợ là ba lần hai mươi năm !

Phó Hồng Tuyết chớp mắt:

- Ni bà còn nhớ chứ, cách đây hai mươi năm, nơi này, một biến cố phát sanh.

Liễu Nhân chỉnh:

- Không phải hai mươi năm, mà là mười chín năm !

Phó Hồng Tuyết thở ra:

- Thế là ni bà biết !

Liễu Nhân gật đầu, gương mặt ảm đạm:

- Việc đó, bất cứ ai cũng khó quên !

Phó Hồng Tuyết hỏi:

- Ni bà ... biết ... Bạch thí chủ ?

Liễu Nhân cuối đầu:

- Con người đó, còn ai quên được ? Bần ni luôn luôn cầu nguyện đấng Thế Tôn rước anh linh của người sớm về nước Phật !

Phó Hồng Tuyết cúi đầu.

Hắn hận mình, sao vừa rồi không dốc hết túi, cung hiến trước phật đài.

Liễu Nhân thở dài tiếp:

- Bần ni nguyện, thà thân mình hóa thành tro bụi, chứ không muốn cái cảnh năm xưa tái diễn trước mắt !

Trước mắt bà, là tại đây, tại Mai Hoa Am !

Phó Hồng Tuyết hỏi:

- Ni bà mục kích cảnh năm xưa ?

Liễu Nhân đáp:

- Bần ni không dám nhìn. Không nỡ nhìn ! Bên ngoài, một thứ âm thinh vọng vào ...

Niềm khủng khiếp hiện lên nơi khuôn mặt già nua, bà tiếp:

- Việc hồng trần, bần ni không màng lo nghĩ, nhưng mỗi lần nhớ đến âm thanh đó, bần ni nuốt cơm không trôi ! Ngủ không nhắm mắt !

Phó Hồng Tuyết trầm ngâm.

Rồi hắn hỏi:

- Sáng sớm hôm sau, có người thọ thương nào vào am chăng ?

Liễu Nhân lắc đầu:

- Không có ai. Sau đêm hãi hùng đó, Mai Hoa Am đóng cửa suốt nửa tháng dài.

Phó Hồng Tuyết hỏi:

- Rồi sao đó ?

Liễu Nhân đáp:

- Trong mấy năm đầu, một số hào kiệt võ lâm đến đây, tế điện, dần dần số người đó thưa đi, cuối cùng thì không còn ai đến nữa.

Bà thở dài, tiếp:

- Chùa, am, không thiện tín, thì trụ trì sống vào đâu ! Cũng may, am có mảnh đất nhỏ, ba thầy trò lão ni trồng trọt, cũng đắp nổi qua ngày !

Phó Hồng Tuyết thở dài, đặt chén trà xuống bàn, chuẩn bị đi ra.

Liễu Nhân hỏi:

- Thí chủ không uống ?

Phó Hồng Tuyết lắc đầu.

Liễu Nhân hỏi:

- Tại sao ?

Phó Hồng Tuyết đáp:

- Không bao giờ tại hạ uống trà của người lạ.

Liễn Nhân thốt:

- Nhưng bần ni là người xuất gia, chẳnglẽ thí chủ ...

Phó Hồng Tuyết chận lời:

- Người xuất gia vẫn là người.

Liễn Nhân thở dài:

- Xem ra, thí chủ cẩn thận quá !

Phó Hồng Tuyết lạnh lùng:

- Vì tại hạ chưa muốn chết !

Bỗng, Liễn Nhân lộ vẻ ảm đạm, điểm một nụ cười kỳ bí.

Nụ cười đó không thích hợp với sắc diện của bà, sắc diện một người xuất gia, tuổi về chiều.

Bà lạnh lùng thốt:

- Rất tiếc, vô luận ngươi cẩn thận đến đâu, cũng có lúc phải chết !

Câu nói chưa dứt, bà tung mình lên, đảo lộn tại không trung một vòng.

Một tiếng soạt vang theo, một vầng ngân quang từ tay áo bắn ra.

Sự việc diễn tiến ngoài chỗ tưởng của Phó Hồng Tuyết.

Liễn Nhân lại xuất thủ cực nhanh.

Ám khí lại nhiều, không làm rời rạc, nếu trúng đích, là phải trúng nhiều mũi.

Chừng như bà chuẩn bị xuất thủ một cách trí mạng.

Đồng thời gian, từ hai bên tả hữu điện, xuất hiện hai ni cô, vận áo chẹt, màu xanh, trong số có nàng đã mang trà cho Phó Hồng Tuyết vừa rồi.

Cả hai cũng lộ vẻ hung ác, sát khí bốc bừng bừng nơi gương mặt.

Mỗi nàng cầm một thanh trường kiếm nơi tay, chuẩn bị tư thế giao đấu.

Hai thanh trường kiếm sẵn sàng phóng vào người Phó Hồng Tuyết, trong trường hợp hắn tránh khỏi ám khí.

Phó Hồng Tuyết không tránh né, trái lại, hắn còn lướt tới, nghinh đón vầng ám

khí.

Thanh đao theo tay, đồng thời rời vỏ.

Đao chớp lên.

Bao nhiêu ám khí bị gom vào ánh đao, và người cầm đao đã đến cạnh lão ni rồi.

Bỗng, bà nghe nhói ở đầu gối.

Vỏ đao quất ngang, trúng gối bà, kêu một tiếng bốp.

Bà rơi xuống, ngã luôn.

Hai ni cô quát lên một tiếng, vung kiếm thành hai cái mống dài, trút xuống đầu Phó Hồng Tuyết.

Mường tượng hai nàng sử dụng Lưỡng Nghi kiếm pháp của phái Võ Đương.

Lạ chưa ?

Những kẻ xuất gia này có hận cừu gì với Phó Hồng Tuyết ?

Đối phó với ba thầy trò, Phó Hồng Tuyết không cần sử dụng đến bản đao.

Hắn chỉ dùng vỏ đao và chuôi đao thôi.

Hạ xong thầy, Phó Hồng Tuyết xoay qua trò. Vỏ đao cự một, chuôi đao cự một.

Vỏ và chuôi đồng nghinh đón mũi trường kiếm.

Hai tiếng rắc vang lên.

Hai thanh trường kiếm bằng thép cứng, đồng một loạt gãy đoạn.

Đoạn ngoài rơi, đoạn trong cũng rơi luôn vì tay không cầm vững.

Rơi, nhưng không rơi xuống nền. Rơi là vuột tay, hai đoạn kiếm có chuôi bay vút lên không, cấm vào sà nhà.

Hổ khẩu tay của hai nàng tét ra, cả hai cùng nhún chân, nhảy vọt lên, định thoát chạy.

Vô ích.

Vỏ đao và chuôi đao chớp lên, giáng vào lưng hai nàng.

Hai tiếng bịch vang lên, hai đống thịt rơi xuống.

Đao chui vào vỏ.

Phó Hồng Tuyết nhìn lão ni đang ôm gối. Đôi mắt của bà ngời lên niềm cừu hận, oán độc. Bà không nhìn Phó Hồng Tuyết mà bà nhìn thanh đao có chuôi đao đen, có vỏ đen.

Phó Hồng Tuyết hỏi:

- Bà nhận ra thanh đao này ?

Liễn Nhân rít lên:

- Không phải đao của người, mà là đao của ma. Chỉ có ác quỷ dưới địa ngục mới dùng nó !

Bà tiếp:

- Ta chờ đợi suốt mười chín năm ! Ta biết thế nào cũng còn thấy lại thanh đao một lần ! Hiện tại, quả nhiên ta thấy nó.

Phó Hồng Tuyết hỏi:

- Thấy rồi sao ?

Liễn Nhân đáp:

- Ta đã phát thệ trước phật đài, nếu thấy kẻ nào sử dụng thanh đao này, là ta giết ngay kẻ đó.

Phó Hồng Tuyết trầm giọng:

- Nguyên do ?

Liễn Nhân tiếp:

- Chỉ vì thanh đao đó hại trọn cuộc đời ta !

Phó Hồng Tuyết hỏi:

- Vậy bà không phải là người trong am ?

Liễn Nhân lắc đầu:

- Đương nhiên là không !

Bà tiếp:

- Ngươi thuộc lớp hậu sanh, nên không biết ta là ai. Hai mươi năm trước, trên giang hồ, không một ai không nghe danh Mai Hoa Nương Tử.

Phó Hồng Tuyết chờ nghe.

Liễn Nhân tiếp:

- Ta bị lão ấy hủy hoại cuộc đời. Bao nhiêu nam nhân chạy theo ta, ta đều gạt bỏ, để chạy theo lão. Nhưng lão chỉ tiếp cận ta ba hôm, rồi bỏ rơi ta luôn ! Từ đó, ta là đầu đề cho giang hồ sỉ tiếu !

Bà đã bỏ rôi thiên hạ, thì cũng có người bỏ rơi bà chứ ! Tuần hoàn báo ứng mà !

Phó Hồng Tuyết dù nghĩ như vậy, song không nỡ nói ra.

Bởi, hắn nhớ đến Thúy Bình !

Dù sao, hắn cũng cảm phục phụ thân hắn, không vì nữ sắc mà để mất tác phong một trang hảo hán.

Hắn hỏi:

- Trong đêm tuyết mười chín năm qua, bà có mặt trong am này ?

Liễn Nhân mỉm cười:

- Khi nào ta bỏ qua một dịp may hi hữu sát hại con người phụ bạc ? Nhưng, thiên bất tùng nhân nguyện ! Cho ta, riêng cho ta ! Tự tay ta không hạ sát được lão, trái lại, ta bị lão rọc một đường đao ! ...

Bà mở áo ngực.

Từ vai xuống rốn, có một vết sẹo đao !

Bà thở dài, tiếp:

- Lão nhận ra ta, nên nương tình, nhẹ tay. Nếu không thì ta đã mất mạng dưới thanh đao của lão trong đêm đó !

Phó Hồng Tuyết hỏi:

- Bà có nghe trong đêm ấy, một người nói câu này: "Nhân số đã đủ rồi !" ?

Liễn Nhân gật đầu:

- Mường tượng có nghe !

Phó Hồng Tuyết chớp mắt:

- Bà nhận được con người đó qua âm thinh ?

Liễn Nhân lắc đầu:

- Ta không còn tâm tư tìm hiểu cái gì ngoài việc quyết giết chết lão !

Bà rít lên, tiếp:

- Ngươi thấy, ta chưa tròn bốn mươi tuổi, mà ra thân thể này ! Chung quy cũng vì lão đó !

Một người vừa ba mươi chín tuổi, mà đã khô cằn, xơ xác !

Nghĩ cũng đáng thương cho bà chịu sự dày vò trường kỳ !

Nhưng, nhân đã gieo, thì quả phải gặt ! Bà tự đào hố chôn mình, thì còn trách ai không cứu vớt khỏi hố ?

Bà tiếp:

- Ta hận ! Tại sao lúc đó lão không giết luôn ta ! Mười chín năm qua, ta sống với niềm thống khổ !

Phó Hồng Tuyết quay mình lặng lẽ bước ra.

Liễn Nhân gọi:

- Hãy thong thả !

Phó Hồng Tuyết không quay đầu, không dừng chân.

Liễn Nhân thét:

- Sao ngươi không giết ta ?

Người đó, không xứng đáng cho Phó Hồng Tuyết hạ thủ nữa !

Hắn đi luôn, thầm nghĩ từ đây, Mai Hoa Am sẽ là chốn hoang vu, không một thế nhân nào tìm đến nữa !

Hắn có biết đâu còn có Diệp Khai !
Chương trước Chương tiếp
Loading...