Biểu Tượng Thất Truyền (The Lost Symbol)

Chương 19 - 21



CHƯƠNG 19

Biểu Tượng Thất Truyền

Dịch giả: Nguyễn Xuân Hồng

Chương 19

Giám đốc Inoue Sato đứng khoanh tay, mắt nhìn xoáy vào Langdon đầy vẻ hoài nghi trong khi phân tích những điều anh vừa nói.

- Gã nói rằng gã muốn ông mở khoá một cánh cổng cổ xưa phải không? Vậy tôi nên làm gì với câu chuyện đó đây, thưa Giáo sư?

Langdon nhún vai yếu ớt. Anh lại cảm thấy suy sụp và cố gắng không nhìn xuống bàn tay dễ sợ của bạn mình.

- Gã đã nói với tôi chính xác như vậy. Một cánh cổng cổ xưa… ẩn giấu đâu đó trong toà nhà này. Tôi bảo gã rằng tôi chẳng biết cổng kiếc nào cả.

- Nhưng tại sao hắn lại nghĩ rằng ông có thể tìm thấy nó?

- Tại gã bị điên, rõ ràng thế - Gã nói rằng Peter sẽ chỉ đường.

Langdon nhìn xuống ngón tay duỗi thẳng của Peter, và lại ngán ngẩm trước cái kiểu vặn vẹo câu chữ đầy ác ý của vị đại diện nhà chức trách. Peter sẽ chỉ đường. Langdon đưa mắt nhìn theo hướng ngón tay trỏ thẳng lên mái vòm bên trên. Một cái cổng ư? Trên đó chăng? Đúng là điên rồ.

- Gã đàn ông đã gọi cho tôi, - Langdon bảo Sato - là kẻ duy nhất biết tôi đến Điện Capitol tối nay, vì vậy bất kỳ ai thông báo cho bà rằng tôi ở đây tối nay, thì đó chính là người bà cần. Tôi thấy…

- Tôi có được thông tin từ đâu không phải là chuyện của ông, - Sato ngắt lời, giọng đanh lại - ưu tiên cao nhất của tôi lúc này là hợp tác với người đó, và tôi được biết ông là người duy nhất đủ khả năng đáp ứng những điều anh ta muốn.

- Còn ưu tiên cao nhất của tôi là tìm ra bạn tôi, - Langdon ủ rũ đáp lại.

Sato hít một hơi dài, rõ ràng sự kiên nhẫn của bà ta đang bị thách thức.

- Nếu muốn tìm thấy Solomon, chúng ta cần hành động, thưa Giáo sư bắt đầu bằng cách hợp tác với người có vẻ như biết rõ ông ấy đang ở đâu - Sato nhìn đồng hồ - Thời gian rất eo hẹp. Tôi dám khẳng định với ông rằng chúng ta bắt buộc phải nhanh chóng làm theo những đòi hỏi của người đàn ông này.

- Bằng cách nào chứ? - Langdon hỏi, vẻ ngờ vực - Bằng cách xác định và mở một cách cổng cổ xưa ư? Làm gì có cánh cổng nào, thưa Giám đốc Sato. Thằng cha đó bị tâm thần rồi.

Sato bước lại gần, chỉ cách Langdon chưa đầy nửa mét.

- Biết nói thế nào nhỉ… sáng nay gã điên của ông đã khôn khéo thao túng hai nhân vật vô cùng thông minh đấy - Bà ta nhìn thẳng vào Langdon rồi liếc về phía Anderson - Trong nghề của tôi, ai cũng hiểu rằng giữa điên rồ và thiên tài chỉ có một ranh giới rất nhỏ. Cho nên ít nhiều chúng ta cũng nên ngả mũ cúi chào gã này!

- Gã đã cắt phăng bàn tay của một con người!

- Đúng như vậy. Đó không phải là hành vi của một người lương thiện. Nhưng quan trọng hơn, thưa Giáo sư, rõ ràng gã ta tin rằng ông có thể giúp gã. Gã tìm cách đưa ông tới Washington, và chắc chắn phải có lý do gã mới làm thế chứ?

- Lý do duy nhất khiến gã nghĩ tôi mở được “cánh cổng” là bởi chính Peter đã nói với gã như vậy! - Langdon phản biện.

- Tại sao Peter Solomon lại nói thế nếu điều đó không phải sự thật?

- Tôi tin chắc Peter chẳng nói gì hết, và nếu có nói, thì đó là vì ông ấy bị ép buộc, bị rối trí… hoặc bị đe doạ.

- Phải. Người ta gọi đó là tra tấn ép cung, và hình thức ấy khá hiệu quả. Càng có lý do để ngài Solomon buột ra sự thật - Sato bình phẩm, như thể rất nhiều kinh nghiệm về thủ pháp này - Gã kia có giải thích tại sao Peter nghĩ chỉ mình ông mở được cánh cổng không?

Langdon lắc đầu.

- Thưa Giáo sư, nếu đúng như danh tiếng của ông thì ông và Peter Solomon đều cùng quan tâm đến một đề tài, đó là các bí mật, các bí quyết lịch sử, chủ nghĩa thần bí, đại loại như vậy. Trong tất cả các cuộc thảo luận với ông, Peter chưa bao giờ nhắc nhở đến một cánh cổng bí mật ở Washington D.C. ư?

Langdon không thể tin nổi mình lại phải nghe câu hỏi này từ một sĩ quan cao cấp của CIA.

- Tôi khẳng định như vậy. Peter và tôi trao đổi khá nhiều chuyện huyền bí, nhưng hãy tin tôi, tôi sẽ khuyên ông ấy đi kiểm tra lại đầu óc nếu có lần nào nói với tôi về một cánh cổng ẩn giấu đâu đấy. Đặc biệt lại là cánh cổng dẫn tới những Bí ẩn cổ xưa.

Sato ngước nhìn lên.

- Sao cơ? Người kia có nói cụ thể là cánh cổng này dẫn tới cái gì à?

- Phải, nhưng gã không cần nói thẳng ra - Langdon ra dấu về phía bàn tay - Mật Thủ là giấy mời chính thức để đi qua một cánh cống huyền diệu và nhận lấy những tri thức cổ - những tri thức mạnh mẽ có tên Bí ẩn cổ xưa… hoặc là tri thức bị lãng quên của mọi thời đại.

- Tức là ông đã nghe nói đến bí mật mà gã kia tin rằng được cất giấu ở đây.

- Rất nhiều nhà sử học nghe nói đến nó.

- Thế vì sao mà anh dám khẳng định cánh cổng đó không hề tồn tại?

- Kính thưa bà, tất cả chúng ta đều nghe nói đến Suối nguồn Tươi trẻ và Shangri-la(35), nhưng điều đó không có nghĩa là những thứ ấy tồn tại.

Máy bộ đàm của Anderson đột ngột ré lên rất to làm ngắt lời họ.

- Chỉ huy? - giọng trên máy bộ đàm gọi.

Anderson giật bộ đàm ra khỏi thắt lưng.

- Anderson đây.

- Thưa Chỉ huy, chúng tôi đã tìm kiếm xong. Ở đây không có ai khớp với mô tả. Còn mệnh lệnh gì không, thưa Chỉ huy?

Anderson liếc nhanh về phía Sato, rõ ràng là chờ đợi một lời quở trách, nhưng Giám đốc OS dường như không để tâm. Anderson bước xa khỏi chỗ Langdon và Sato, nói khẽ vào máy bộ đàm.

Sato vẫn chú tâm vào Langdon.

- Theo ông, bí mật mà gã kia tin rằng đang cất giấu ở Washington… chỉ là tưởng tượng?

Langdon gật đầu.

- Đó là một truyền thuyết rất lâu đời. Đã hàng nghìn năm rồi, từ thời tiền Công giáo, người ta đã đồn đại về bí mật của những Bí ẩn cổ xưa.

- Nhưng truyền thuyết ấy vẫn tồn tại?

- Khối tín điều vô lý hơn còn tồn tại nữa là - Langdon thường nhắc nhở sinh viên của mình rằng hầu hết các tôn giáo hiện đại đều có những câu chuyện không dễ kiểm chứng về mặt khoa học: tất cả mọi chuyện, từ Moses rẽ nước Hồng Hải… đến Joseph Smith sử dụng cặp kính thần để dịch Kinh Mormon từ những tấm vàng mà ông ấy tìm thấy ở tiểu bang New York. Việc nhiều người chấp nhận mộtý tưởng không phải là bằng chứng về giá trị của nó.

- Tôi hiểu. Vậy đích xác thì những… Bí ẩn cổ xưa này là gì?

Langdon thở hắt ra. Bà có hẳn vài tuần rảnh rỗi không?

- Nói ngắn gọn, Bí ẩn cổ xưa là một tập hợp kiến thức bí ẩn được tích luỹ từ rất lâu rồi. Người ta tin rằng khía cạnh đáng chú ý nhất của vốn kiến thức này là giúp kẻ thực hành nó tiếp cận được phần sức mạnh đang nằm im trong trí não con người. Những nhà thông thái nắm giữ được kiến thức này đã thề giữ bí mật với quần chúng bởi vì nó quá mãnh liệt và nguy hiểm cho những ai không được khai tâm.

- Nguy hiểm thế nào?

- Thông tin được giấu kín vì lý do tương tự như ta không để trẻ nhỏ nghịch diêm vậy. Nếu tích cực thì lửa sẽ đem lại ánh sáng… nhưng ở khía cạnh tiêu cực, lửa có khả năng huỷ diệt gớm ghê.

Sato gỡ cặp kính và săm soi Langdon.

- Giáo sư hãy cho tôi biết liệu ông có tin rằng kiến thức hùng mạnh đó thực sự tồn tại không?

Langdon không biết phải trả lời thế nào. Các Bí ẩn cổ xưa luôn là nghịch lý lớn nhất trong sự nghiệp học thuật của anh. Thực ra, mọi truyền thống huyền bí trên Trái đất này đều xoay quanh một ý tưởng.

- Ý tưởng ấy chấp nhận sự tồn tại của một thứ tri thức bí truyền có khả năng đem lại cho nhân loại những sức mạnh thần bí, thậm chí siêu phàm, chẳng hạn cỗ bài bói và Kinh Dịch giúp con người tiên đoán tương lai; thuật giả kim mang lại sự bất tử thông qua Hòn đá Triết học(36) huyền thoại; Wicca(37) cho phép những người thực hành nó ở cấp cao tạo ra được các loại bùa chú đầy quyền năng. Bản danh sách ấy còn kéo dài mãi.

- Ý tưởng ấy chấp nhận sự tồn tại của một thứ tri thức bí truyền có khả năng đem lại cho nhân loại những sức mạnh thần bí, thậm chí siêu phàm, chẳng hạn cỗ bài bói và Kinh Dịch giúp con người tiên đoán tương lai; thuật giả kim mang lại sự bất tử thông qua Hòn đá Triết học(36) huyền thoại; Wicca(37) cho phép những người thực hành nó ở cấp cao tạo ra được các loại bùa chú đầy quyền năng. Bản danh sách ấy còn kéo dài mãi.

Là một học giả, Langdon không thể phủ nhận các tư liệu lịch sử về những truyền thống này, đó là văn bản, hiện vật, và nhiều công trình nghệ thuật ám chỉ rằng người cổ đại có vốn tri thức rất cao song chỉ chia sẻ qua các huyền tích, truyền thuyết và biểu tượng, nhằm bảo đảm rằng những người được khai tâm mới đủ khả năng tiếp cận sức mạnh của vốn tri thức ấy. Tuy nhiên, là một người có tư tưởng thực tiễn và luôn biết nghi ngờ, Langdon vẫn không thực sự bị thuyết phục.

- Xin nói rằng tôi là một người hay hoài nghi - anh bảo Sato - Tôi chưa bao giờ bắt gặp thứ gì trong thế giới thực tiễn cho thấy sự hiện hữu của Bí ẩn cổ xưa, chúng chỉ là truyền thuyết, là một nguyên mẫu huyền thoại lặp đi lặp lại. Theo tôi, nếu quả thực con người sở hữu những sức mạnh kỳ diệu thì phải có bằng chứng chứ. Nhưng cho đến nay, lịch sử chưa hề ghi nhận một ai có sức mạnh siêu phàm cả.

Sato nhướng mày.

- Điều đó không hoàn toàn đúng.

Langdon do dự, nhận ra rằng với những người theo đạo, trên thực tế vẫn có tiền lệ về các vị nhân thần mà Jesus là minh chứng rõ rệt nhất.

- Phải thừa nhận rằng rất nhiều người giàu kiến thức tin tưởng vào sự tồn tại của vốn tri thức cao siêu ấy, nhưng tôi thì không tin - anh nói.

- Có phải Peter Solomon cũng thuộc số đó không? - Sato hỏi, liếc xuống bàn tay vẫn nằm trên sàn nhà.

Langdon không dám nhìn theo ánh mắt Sato.

- Peter xuất thân từ một dòng họ luôn có niềm đam mê đối với tất cả những gì cổ xưa và huyền bí.

- Phải chăng đó là một lời khẳng định? - Sato hỏi.

- Tôi có thể quả quyết với bà rằng cho dù tin vào sự tồn tại của những Bí ẩn cổ xưa. Peter cũng không khi nào tưởng đến việc tiếp cận chúng thông qua một cánh cổng ở Washington D.C. này. Ông ấy hiểu rõ những biểu tượng ẩn dụ, điều mà kẻ bắt giữ ông ấy rõ ràng mù tịt.

Sato gật đầu.

- Vậy ông tin rằng cánh cổng này là một ẩn dụ.

- Dĩ nhiên, - Langdon đáp - về mặt lý thuyết. Nó là một ẩn dụ rất quen thuộc, một cánh cổng bí ẩn mà người ta phải đi qua đó để được khai sáng. Cổng và cửa ngõ là những kiến trúc biểu tượng quen thuộc của nghi thức khai tâm. Tìm kiếm một cánh cổng theo đúng nghĩa đen chẳng khác gì cố tìm cho ra Cổng Thiên đàng.

Sato lộ vẻ trầm ngâm.

- Nhưng dường như kẻ bắt giữ Solomon tin rằng ông sẽ mở được một cánh cổng có thật?

Langdon thở hắt ra.

- Gã phạm phải một sai lầm giống như nhiều kẻ cuồng tín khác, đó là lẫn lộn giữa ẩn dụ với hiện thực.

Tương tự, các nhà giả kim ngày xưa đã lao tâm khổ tứ một cách vô ích nhằm biến chì thành vàng mà không hề nhận ra rằng quá trình này là một ẩn dụ về việc khai thác những tiềm năng đích thực của con người, giúp biến cải tư duy u tối, kém hiểu biết thành một tư duy sáng láng hơn.

Sato ra dấu về phía bàn tay.

- Nếu gã này muốn ông xác định cho gã một cánh cổng nào đó thì tại sao gã không đơn giản là hỏi ông cách tìm nó? Tại sao phải bày ra hành động điên rồ này? Tại sao lại gửi cho ông một bàn tay xăm hình?

Langdon đã tự hỏi mình đúng những câu hỏi này và vẫn chưa tìm ra câu trả lời.

- Chà, dường như kẻ mà chúng ta đang phải truy tìm, ngoài sự bất ổn về tâm thần, còn là kẻ có học vấn rất cao. Bàn tay này là bằng chứng cho thấy gã khá am hiểu về các Bí ẩn cũng như chìa khoá bí mật của chúng. Đấy là chưa kể lịch sử của căn phòng này.

- Tôi không hiểu.

- Mọi thứ gã làm tối nay đều được tiến hành theo đúng quy trình cổ xưa. Theo truyền thống. Mật Thủ là một lời mời thiêng liêng, và do đó nó phải được đưa ra ở một địa điểm thiêng liêng.

Sato nheo mắt.

- Đây là Nhà tròn của Điện Capitol, thưa Giáo sư, không phải là thánh đường dẫn tới những bí mật huyền thoại xa xưa.

- Trên thực tế, thưa bà. - Langdon đáp - tôi biết rất nhiều nhà sử học sẽ không đồng ý với bà về câu nói vừa rồi.

***

Lúc ấy, ở bên kia thành phố, Trish Dunne ngồi lọt giữa những bức tường plasma của Khối vuông. Chuẩn bị xong con nhện tìm kiếm, cô gõ năm cụm từ khoá mà Katherine đã đưa.

Chẳng đi đến đâu cả à xem.

Cảm thấy không mấy lạc quan, cô cho con nhện hoạt động, bắt đầu trò chơi Đi câu cực kỳ phổ biến. Chỉ trong chớp mắt, các cụm từ liền được so sánh với mọi nội dung văn bản trên khắp thế giới… để tìm ra một trường hợp trùng khớp hoàn toàn.

Trish không khỏi thắc mắc về thực chất của câu chuyện, nhưng cô đã chấp nhận rằng làm việc với gia đình Solomon có nghĩa là không bao giờ biết hết toàn bộ mọi việc.

Chú thích:

(35) Shangri-la là một địa danh hư cấu được nói đến trong cuốn tiểu thuyết Chân trời bị mất năm 1933 của tác giả người Anh James Hilton. Trong sách, “Shangri-la” là một thung lũng huyền bí nằm ở cực phía tây của dãy núi Côn Lôn. Shangri-la trở thành đồng nghĩa với cõi thần tiên và đặc biệt là một vùng đất sung sướng vĩnh hằng không tưởng bí ẩn trên dãy Himalayan, tách biệt với thế giới bên ngoài. Trong tiểu thuyết, những người sống ở Shangri-la đều bất tử - ND.

(36) Hòn đá Triết học là một dụng cụ giả kim huyền thoại, được cho là có khả năng biến những kim loại cơ bản thành vàng. Đôi khi, người ta còn tin rằng nó chính là thứ thuốc trường sinh bất lão, rất hữu dụng để cải lão hoàn đồng và có khi còn đạt được sự bất tử - ND.

(37) Wicca là một tôn giáo dựa vào tự nhiên được phổ biến vào năm 1954 bởi một công chức hưu trí người Anh là Gerald Gardner. Đây là tôn giáo lớn nhất trong các tôn giáo không theo Cơ đốc. Các tín đồ Wiccan rất tôn sùng Trái đất cùng vị nữ thần và nam thần của mình. Quy tắc ứng xử chính của họ là cấm làm hại mọi người, kể cả bản thân, trừ một vài trường hợp tự vệ - ND.

CHƯƠNG 20

Biểu Tượng Thất Truyền

Dịch giả: Nguyễn Xuân Hồng

Chương 20

Robert Langdon lén nhìn đồng hồ một cách lo lắng: 7 giờ 58 phút tối. Gương mặt cười của chú chuột Mickey cũng chẳng làm anh vui lên bao nhiêu. Mình phải đi tìm Peter. Mình đang lãng phí thời gian.

Sato đã tránh sang bên một lát để gọi điện, nhưng giờ bà ta quay trở lại chỗ Langdon.

- Thưa Giáo sư, tôi đang làm ông nhỡ việc gì đó phải không?

- Không, thưa bà, - Langdon đáp, kéo ống tay áo phủ trùm lên đồng hồ - Tôi chỉ đang rất lo lắng cho Peter.

- Tôi hiểu, nhưng tôi quả quyết rằng hiện giờ điều tốt nhất ông làm được cho bạn ông là giúp tôi tìm hiểu ý đồ của kẻ bắt giữ Peter.

Langdon không dám chắc, nhưng anh cảm thấy anh chẳng thể đi đâu được cho tới khi vị Giám đốc OS có được thông tin mà bà ta muốn.

- Ban nãy, - Sato lên tiếng - ông nói rằng Nhà Tròn này có phần thiêng liêng hợp với ý tưởng về các Bí ẩn cổ xưa?

- Vâng, thưa bà.

- Hãy giải thích cho tôi xem nào?

Langdon biết anh sẽ phải lựa chọn ngôn từ thật đơn giản. Anh đã dạy nhiều học kỳ về các biểu tượng huyền bí của Washington D.C., chỉ riêng toà nhà này thôi đã đủ liệt kê một danh sách bất tận những chi tiết tham khảo.

Quá khứ của nước Mỹ còn chứa khá nhiều bí mật

Mỗi lần Langdon giảng về biểu tượng học của nước Mỹ, đám sinh viên lại ngạc nhiên vì biết rằng ý định thực sự của các vị tiền bối lập quốc chẳng mảy may liên quan với những điều mà nhiều chính trị gia ngày nay tuyên bố.

Vận mệnh tiền định của nước Mỹ đã chìm nghỉm trong lịch sử

Thoạt đầu, các vị tiền bối sáng lập đặt tên thành phố này là “Rome”, đặt tên con sông chảy qua đây là Tiber và dựng lên một thủ đô với nhiều đền thờ và thánh điện, tất cả đều được trang trí bằng hình ảnh của các vị thần vĩ đại trong lịch sử như Apollo, Minerva, Venus, Helios, Vulcan, Jupiter. Ở trung tâm thành phố, giống như nhiều thành phố cổ đại khác, họ xây dựng một cột tháp Ai Cập để làm lễ vật vĩnh cửu dâng hiến cổ nhân. Cột tháp ấy còn đồ sộ hơn cả cột tháp ở Cairo hay Alexandria, vươn tới độ cao 166,5 mét với hơn 30 tầng, thể hiện lời cảm tạ và kính trọng đối với vị cha già mà thành phố thủ đô này đang mang tên.

Washington.

Giờ đây, sau nhiều thế kỷ, bất chấp sự phân chia tôn giáo và thành bang của nước Mỹ, Nhà tròn vẫn lấp lánh những biểu tượng tôn giáo cổ xưa. Có cả tá thần thánh ở đây, nhiều hơn cả Đền Pantheon nguyên bản bên Rome. Dĩ nhiên, đền Pantheon của người La Mã đã bị cải sang Thiên Chúa giáo từ năm 609… nhưng đền Pantheon Hoa Kỳ thì chẳng bao giờ bị cải giáo cả, mọi dấu tích về lịch sử đích thực của nó vẫn nguyên vẹn như xưa.

Giờ đây, sau nhiều thế kỷ, bất chấp sự phân chia tôn giáo và thành bang của nước Mỹ, Nhà tròn vẫn lấp lánh những biểu tượng tôn giáo cổ xưa. Có cả tá thần thánh ở đây, nhiều hơn cả Đền Pantheon nguyên bản bên Rome. Dĩ nhiên, đền Pantheon của người La Mã đã bị cải sang Thiên Chúa giáo từ năm 609… nhưng đền Pantheon Hoa Kỳ thì chẳng bao giờ bị cải giáo cả, mọi dấu tích về lịch sử đích thực của nó vẫn nguyên vẹn như xưa.

- Có thể bà đã biết, - Langdon nói - Nhà tròn được thiết kế như vật hiến tế ột trong những thánh điện huyền bí tôn nghiêm nhất thành Rome. Đền thờ Vesta(38).

- Như các vũ nữ ấy hả? - Xem ra Sato không tin nổi những trinh nữ canh giữ ngọn lửa lại có gì đó liên quan đến Điện Capitol ở Hoa Kỳ.

- Đền Vesta ở Rome mang hình tròn, - Langdon đáp - với một lỗ to trên sàn nhà, nơi các vũ nữ canh giữ ngọn lửa khai sáng linh thiêng. Nhiệm vụ của họ là giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt.

Sato nhún vai.

- Nhà tròn này quả đúng là hình tròn, nhưng tôi chẳng thấy cái lỗ nào trên sàn nhà cả.

- Không, làm gì còn nữa, nhưng có thời chính giữa căn phòng này có một cái lỗ lớn. Ở đúng vị trí bàn tay của Peter bây giờ - Langdon trỏ xuống sàn - Thực ra, bà vẫn tìm thấy trên sàn các dấu vết của hàng rào chắn bảo vệ mọi người khỏi bị ngã xuống lỗ đấy.

- Sao cơ? - Sato hỏi, chăm chú ngó sàn nhà - Tôi chưa bao giờ nghe nói đến điều đó.

- Có lẽ ông ấy nói đúng - Anderson trỏ một vòng núm sắt từng là vị trí các cọc lan can - Tôi trông thấy những thứ này đã bao lần, nhưng chẳng hiểu nổi tác dụng của chúng là gì.

Đâu phải chỉ riêng ông, Langdon nghĩ, hình dung ra hàng nghìn người, kể cả những nghị sĩ tiếng tăm, hằng ngày qua lại trung tâm Nhà tròn mà không hề biết rằng đã có thời, nếu đi như thế thì họ sẽ rơi tõm xuống Hầm ngầm Điện Capitol ngay bên dưới.

- Cái lỗ hổng trên nền bị lấp rồi - Langdon giải thích - Nhưng trước đây khách tới thăm Nhà tròn có thể nhìn thẳng xuống ngọn lửa cháy sáng ở bên dưới.

Sato quay lại.

- Lửa à? Ngay trong Điện Capitol ư?

- Giống như một ngọn đuốc khổng lồ ấy mà. Một ngọn lửa vĩnh cửu cháy sáng ở hầm ngầm ngay dưới chân chúng ta đây. Lổ hổng nhìn xuống ngọn lửa, khiến gian phòng giống một Đền thờ Vesta hiện đại. Thậm chí còn có hẳn một Vu nữ ở toà nhà này, một nhân viên liên bang gọi là Vu nữ Nhà hầm. Bà ta trông nom cho ngọn lửa cháy sáng suốt năm mươi năm trời, tới tận khi chính trị, tôn giáo và tác hại của khói khiến người ta buộc phải chấm dứt việc đốt lửa.

Cả Anderson và Sato đều tỏ ra ngạc nhiên.

- Ngày nay, thứ duy nhất gợi nhớ ngọn lửa một thời cháy sáng là chiếc la bàn hình ngôi sao bốn cánh gắn trên sàn nhà hầm, ở tầng dưới nơi họ đứng, tượng trưng cho ngọn lửa vĩnh cửu từng toả ánh sáng ra cả bốn hướng Tân Thế giới của nước Mỹ.

- Theo luận điểm của Giáo sư thì cái gã đã để bàn tay của Peter ở đây biết tất cả những tình tiết đó? - Sato chất vấn.

- Rõ ràng là như vậy, và còn biết hơn thế. Trong phòng này, có rất nhiều biểu tượng thể hiện niềm tin về những Bí ẩn cổ xưa.

- Tri thức bí mật, - Sato nói tiếp, giọng pha sự châm chọc - Kiến thức dẫn dắt con người tới những sức mạnh thần thánh, phải không?

- Vâng thưa bà.

- Nhưng điều đó không thích hợp lắm với nền tảng Thiên Chúa giáo của nước ta.

- Có lẽ thế, nhưng nó vẫn cứ đúng. Quá trình biến cải một con người thành một vị thần được gọi là phong thánh. Cho dù quý vị có biết về chủ đề biến cải người thành thần hay không thì nó vẫn là yếu tố cốt lõi trong hệ thống biểu tượng của Nhà tròn.

- Phong thánh ư? - Anderson vọt miệng, với vẻ mặt thảng thốt thừa nhận.

- Phải - Anderson làm việc ở đây. Ông ta biết rõ - Từ phong thánh (apotheosis) theo nghĩa đen là “quá trình biến cải thần thánh” quá trình một người thường trở thành thần linh. Nó xuất phát từ ngôn ngữ Hy Lạp cổ: apo là “trở thành” và theos là “thần thánh”.

Anderson có vẻ rất ngạc nhiên.

- Phong thánh nghĩa là “trở thành thần” à? Vậy mà tôi không biết.

- Còn gì nữa thế? - Sato chất vấn.

- Thưa bà, - Langdon đáp - bức vẽ lớn nhất trong toà nhà này có tên Sự phong thánh của Washington, và nó mô tả rất rõ George Washington đang được biến cải thành một vị thần.

Sato tỏ vẻ không tin.

- Tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì tương tự.

- Thực lòng, tôi tin chắc bà đã thấy rồi - Langdon chỉ ngón trỏ thẳng lên trên - Nó ở ngay trên đầu bà đấy.

Chú thích:

(38) Trong thần thoại La Mã. Vesta là nữ thần đồng trinh của lò sưởi, nhà và gia đình. Vesta thường được hình tượng hoá bằng ngọn lửa thiêng cháy tại các đền thờ của bà - ND.

CHƯƠNG 21

Biểu Tượng Thất Truyền

Dịch giả: Nguyễn Xuân Hồng

Chương 21

Bức Sự phong thánh của Washington, do Constantino Brumidi hoàn thiện năm 1865, là một bức bích hoạ rộng gần 420 mét vuông phủ kín trần Nhà tròn.

Được mệnh danh là “Michelangelo của Điện Capitol”, Brumidi tuyên bố mình có khả năng trang trí Nhà tròn điện Capitol y như Michelangelo đã làm với Nhà nguyện Sistine bằng cách vẽ một bức bích hoạ lên tấm toan cao nhất gian phòng, tức trần nhà của nó. Cũng như Michelangelo, Brumidi đã thực hiện các tác phẩm tuyệt đẹp của mình ở Vatican. Tuy nhiên, Brumidi di cư sang Mỹ năm 1852, bỏ thánh điện lớn nhất của Chúa để đến với một thánh điện mới, Điện Capitol, công trình giờ đây kiêu hãnh với những tác phẩm bậc thầy của ông - từ bức tranh vẽ như thật ở Hành lang Brumidi(39) tới trụ ngạnh trần phòng Phó Tổng thống. Nhưng chính bức tranh khổng lồ trải kín Nhà tròn Điện Capitol mới được hầu hết các sử gia coi là kiệt tác của Brumidi.

Robert Langdon ngước nhìn bức bích hoạ phủ kín trần nhà. Anh thường thích thú quan sát phản ứng kinh ngạc của sinh viên trước hình ảnh kỳ lạ trong tranh, nhưng lúc này đây, anh chỉ thấy bế tắc vì một cơn ác mộng không sao lí giải nổi.

Giám đốc Sato đứng bên cạnh, tay chống nạnh, cau mày nhìn trần nhà cao tít bên trên. Langdon cảm nhận được bà ta cũng có phản ứng như bao người lần đầu dừng bước ngắm bức tranh ở ngay trái tim nước Mỹ…

Hoàn toàn bối rối.

Không chỉ riêng bà đâu, Langdon nghĩ thầm. Với hầu hết mọi người, càng ngắm Sự phong thánh của Washington, họ càng thấy nó lạ lùng.

- George Washington ở ngay trung tâm ấy. - Langdon nói, trỏ lên phần chính giữa mái vòm cao tới hơn 50 mét - Các vị thấy đấy, ông mặc áo choàng trắng, đang bước lên mây, dưới đám mây là một người thường, mười ba thiếu nữ hộ tống theo sau. Đây chính là thời điểm phong thánh… là quá trình Washington biến thành thần linh.

Sato và Anderson không nói năng gì.

- Gần đó - Langdon tiếp tục - các vị có thể thấy một loạt nhân vật xa xưa, lạ lùng: đó là các vị thần cổ đại. Họ đang trao cho cha ông chúng ta những tri thức tiên tiến. Kia là thần Minerva, đang truyền cảm hứng công nghệ cho các nhà phát minh vĩ đại như Ben Franklin, Robert Fulton, Samuel Morse - Langdon lần lượt chỉ rõ từng nhân vật - Trên kia, thần Vulcan giúp chúng ta tạo ra cỗ máy hơi nước. Cạnh đó, thần Neptune giảng giải cách đặt đường cáp xuyên đại dương. Kế bên là thần Ceres, nữ thần ngũ cốc và là nguồn gốc tạo ra từ ngũ cốc (cereal), bà ngồi trên chiếc máy gặt M ick, công trình mang tính đột phá trong nông nghiệp, giúp Hoa Kỳ trở thành nước sản xuất lương thực hàng đầu thế giới. Bức tranh này công khai khắc hoạ cảnh tiền nhân của chúng ta tiếp nhận nguồn tri thức lớn lao từ các thần linh - Anh cúi đầu, nhìn Sato - Tri thức là một sức mạnh, và tri thức đúng đắn giúp con người thực hiện được những điều kỳ diệu, những nhiệm vụ phi thường.

Sato thu ánh mắt, nhìn trả Langdon và xoa xoa gáy.

- Lắp đặt đường cáp điện thoại thì liên quan gì đến việc làm thần!

- Có lẽ đúng như vậy với một người hiện đại, - Langdon đáp - Nhưng với George Washington, nếu biết chúng ta có khả năng trò chuyện với mọi người tận bên kia đại dương, bay nhanh bằng tốc độ âm thanh và đặt cả chân lên mặt trăng thì ông ấy sẽ cho rằng việc làm của chúng ta thật kỳ diệu, và tưởng chúng ta đều thành thần tiên cả rồi - Anh ngừng một lúc - Nhà Vị lai chủ nghĩa Arthur C. Clarke từng nói, “Các công nghệ tiên tiến chẳng khác biệt phép màu là mấy”.

Sato mím môi, rõ ràng đang suy nghĩ rất ghê. Bà ta liếc xuống bàn tay, rồi nhìn theo hướng ngón trỏ duỗi thẳng lên mái vòm.

- Giáo sư, gã đó bảo ông là “Peter sẽ chỉ đường”. Phải vậy không nhỉ?

- Vâng, thưa bà, nhưng…

- Chỉ huy, - Sato nói, rời mắt khỏi Langdon - anh có thể giúp chúng tôi quan sát bức tranh gần hơn được không?

Anderson gật đầu.

- Có một lối đi hẹp chạy vòng xung quanh bên trong mái vòm.

Langdon ngước nhìn cái lan can nhỏ xíu ngay bên dưới bức vẽ và cảm thấy toàn thân cứng đờ.

- Không cần phải lên tận đó đâu.

Trước đây, anh đã từng bước trên lối đi hẹp ít người thăm viếng đó cùng một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và vợ ông ta, anh gần như ngất xỉu do chóng mặt trước độ cao quá lớn và lối đi quá nguy hiểm.

Trước đây, anh đã từng bước trên lối đi hẹp ít người thăm viếng đó cùng một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và vợ ông ta, anh gần như ngất xỉu do chóng mặt trước độ cao quá lớn và lối đi quá nguy hiểm.

- Không cần sao? - Sato gặng hỏi - Giáo sư, chúng ta biết có kẻ cho rằng căn phòng này chứa đựng một cánh cổng khả dĩ giúp gã trở thành thần thánh; chúng ta có một bức bích hoạ mô tả quá trình thay đổi của một con người thành một vị thần, và chúng ta có một bàn tay chỉ thẳng lên bức vẽ đó. Dường như tất cả mọi chi tiết đều giục chúng ta đi lên trên.

- Thực ra, - Anderson xen vào, mắt ngước nhìn trần - ít người biết rằng có một khoang bát giác bên trong mái vòm, mở ra mở vào được như một cánh cổng, quý vị có thể nhìn qua đó và…

- Khoan đã, - Langdon nói - ông nhầm đường rồi đấy. Cánh cổng mà gã kia đang tìm kiếm là một cánh cổng tượng trưng, một cánh cổng không tồn tại. Khi gã nói “Peter sẽ chỉ đường”, là gã đang ẩn dụ. Động tác chỉ tay với ngón trỏ và ngón cái chĩa thẳng lên trên là một biểu tượng quen thuộc của những Bí ẩn cổ xưa, từng hiển hiện trong nghệ thuật cổ đại trên khắp thế giới. Động tác y hệt như thế này từng xuất hiện trong ba kiệt tác mã hoá nổi tiếng nhất của Leonardo da Vinci là Bữa tiệc Ly, Sùng bái Magi và Thánh John Người rửa tội. Nó là một biểu tượng về sự liên hệ huyền bí giữa con người với Chúa.

Thương hạ tương liên. Giờ đây, cách lựa chọn từ ngữ kỳ quái của gã điên bắt đầu hé lộ đôi phần hữu lý.

- Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó cả. - Sato nói.

Vậy thì hãy xem kênh ESPN, Langdon nghĩ bụng, anh luôn thích thú khi thấy những vận động viên chuyện nghiệp chỉ tay lên trời để cảm tạ Chúa sau khi ghi bàn hoặc về đích. Anh tự hỏi liệu có bao nhiêu người biết rằng họ đang tiếp tục một truyền thống từ thời tiền Công giáo là cảm ơn sức mạnh huyền bí của bề trên, nguồn sức mạnh mà trong một thời khắc ngắn ngủi đã biến cải họ thành một vị thần có khả năng thực hiện những điều kỳ diệu.

- Tôi tiết lộ một điều may ra có ích cho bà chăng, - Langdon nói - bàn tay của Peter không phải là bàn tay đầu tiên xuất hiện kiểu này trong Nhà tròn.

Sato nhìn Langdon như nhìn một người mất trí.

- Ông nói sao cơ?

Langdon chỉ chiếc điện thoại Blackberry của Sato.

- Hãy tìm cụm từ “George Washington Zeus” trên Google thử xem.

Sato có vẻ không tin tưởng lắm nhưng vẫn bấm bàn phím.

Anderson nhích lại gần, chăm chú nhìn qua vai bà ta.

Langdon nói:

- Nhà tròn này từng có một bức điêu khắc rất lớn hình George Washington để ngực trần… được khắc hoạ như một vị thần. Ông ngồi theo tư thế giống thần Zeus trong đền Pantheon, ngực trần, tay trái cầm một thanh kiếm, tay phải giơ lên với ngón cái và ngón trỏ duỗi ra.

Rõ ràng Sato đã tìm thấy một bức hình trên mạng, bởi vì Anderson đang đăm đăm nhìn chiếc Blackberry của bà ta, vẻ kinh ngạc.

- Xem nào, đó là George Washington ư?

- Phải, - Langdon nói - Được mô tả như thần Zeus.

- Nhìn tay ông ấy kìa, - Anderson nói, vẫn ngó đăm đăm qua vai Sato - Tay phải ông ấy ở tư thế y hệt như tay Solomon.

Thì tôi đã nói đấy thôi, Langdon nghĩ thầm, tay Peter không phải là Mật Thủ đầu tiên xuất hiện trong căn phòng này. Khi pho tượng George Washington cởi trần của Horatio Greenough được trưng bày lần đầu tại Nhà tròn, nhiều người đã đùa rằng chắc Washington đang cố lên trời để tìm vài bộ quần áo. Tuy nhiên, khi quan niệm tôn giáo của nước Mỹ thay đổi thì những lời bình phẩm bông đùa lại biến thành tranh cãi, và pho tượng bị dời tới một nhà kho trong khu vườn phía đông. Hiện nay, nó ngự tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia của Viện Smithsonian, nơi ai nhìn thấy cũng phải tin ngay rằng nó là một trong những mối hên hệ cuối cùng với thời đại Washington, khi người cha của đất nước nhìn xuống Điện Capitol như một vị thần… chẳng khác gì thần Zeus nhìn xuống đền Pantheon.

Sato bấm một số nào đó trên chiếc Blackberry, rõ ràng nhận thấy đã đến lúc phải kiểm tra với nhân viên của mình.

- Các anh tìm được gì? - Bà ta lắng nghe một cách kiên nhẫn - Tôi hiểu… - đoạn nhìn thẳng vào Langdon, sau đó đưa mắt sang bàn tay Peter - Anh chắc chứ? - Sato nghe một lúc lâu hơn - Được rồi, cảm ơn - Cuối cùng bà ta tắt máy và quay lại phía Langdon.

- Nhân viên hỗ trợ của tôi đã làm một số nghiên cứu và xác nhận sự tồn tại của cái mà ông gọi là Mật Thủ, chứng thực mọi điều ông kể: từ năm dấu hiệu trên đầu ngón tay là ngôi sao, mặt trời, chìa khoá, vương miện và đèn lồng đến thực tế rằng bàn tay này là một lời mời cổ xưa để nắm bắt tri thức bí mật.

- Tôi rất mừng, - Langdon đáp.

- Đừng vội, - bà ta đáp lại cộc lốc - Chúng ta lâm vào đường cùng rồi, trừ phi ông bằng lòng hé lộ hết những điều ông đang che giấu.

- Thưa bà?

Sato bước tới gần anh.

- Chúng ta lại trở về điểm xuất phát, thưa Giáo sư. Ông cung cấp cho tôi toàn những điều tôi có thể tham khảo được từ các nhân viên của mình. Vì thế tôi phải hỏi ông lần nữa. Tại sao người ta dụ ông tới đây tối nay? Điều gì khiến ông trở thành trường hợp đặc biệt? Điều gì ông biết mà người khác không biết?

- Chúng ta đã nói hết lúc nãy rồi, - Langdon phản đối - Tôi không hiểu tại sao gã này lại cho rằng tôi biết điều gì đó.

Langdon rất muốn gặng hỏi làm thế quái nào mà Sato lại hay tin anh có mặt ở Điện Capitol tối nay, nhưng anh không đề cập đến.

Chẳng đời nào Sato nói ra.

- Nếu tôi biết bước tiếp theo; - anh bảo - tôi sẽ nói với bà. Nhưng tôi không biết. Theo truyền thống, Mật Thủ là do đại sư đưa ôn đệ. Và sau đó, rất nhanh sau đó, một loạt chỉ dẫn sẽ xuất hiện tiếp theo bàn tay… chỉ dẫn về bất cứ thứ gì, chẳng hạn về đền thờ, về tên ồng thầy sẽ dạy dỗ người đó. Nhưng gã này chỉ để lại cho chúng ta năm hình xăm? Khó lòng… - Chợt Langdon ngừng bặt.

Sato nhìn anh.

- Có chuyện gì thế?

Ánh mắt Langdon dõi trở lại bàn tay. Năm hình xăm. Anh bỗng nhận ra rằng những gì mình đang nói có thể không hoàn toàn đúng.

- Giáo sư? - Sato gọi giật giọng.

Langdon nhích dần về phía cái vật ghê gớm kia. Peter sẽ chỉ đường.

- Tôi sực nảy ra ý nghĩ rằng gã điên có để lại một thứ gì đó trong bàn tay nắm chặt kia, một bản đồ, một lá thư, hoặc một vài chỉ dẫn.

- Không có đâu, - Anderson góp ý - Các vị thấy đấy, ba ngón tay nắm không chặt lắm.

- Ông nói đúng, - Langdon đồng ý - Nhưng với tôi… - Anh cúi rạp xuống, cố gắng nhìn phía dưới các ngón tay để xem phần lòng bàn tay bị che khuất của Peter - nó không nhất thiết phải viết trên giấy.

- Viết bằng hình xăm chăng? - Anderson nói.

Langdon gật đầu.

- Ông có nhìn thấy gì trên lòng bàn tay không? - Sato hỏi.

Langdon cúi xuống thấp hơn, cố nhìn lên phần bên dưới các ngón tay nắm hờ.

- Góc này khó nhìn quá. Tôi không tài nào…

- Ôi chao - Sato thốt lên và bước lại gần anh - Cứ nậy cái vật khốn kiếp ấy ra.

Anderson bước tới chắn đường bà ta.

- Thưa bà! Nên đợi pháp y rồi hẵng chạm…

- Tôi muốn có câu trả lời - Sato đáp, bước nhanh qua viên Chỉ huy.

Bà ta cúi rạp xuống, gạt Langdon ra xa bàn tay.

Langdon đứng lên và như không tin vào mắt mình khi thấy Sato rút từ trong túi ra một cây bút, cẩn thận luồn nó xuống dưới ba ngón tay co quắp. Sau đó, bà ta lần lượt cạy các ngón tay lên cho tới khi bàn tay mở hoàn toàn. Lòng bàn tay phơi ra rất rõ.

Sato ngước mắt nhìn Langdon, gương mặt thoáng nụ cười.

- Lại đúng nữa, thưa Giáo sư.

Chú thích:

(39) Hành lang Brumidi là phần hành lang uốn vòm được trang trí công phu thuộc tầng 1 của khu Thượng viện trong Điện Capitol.
Chương trước Chương tiếp
Loading...