Bố Ơi Lấy Vợ Đi
Chương 8
Tác Giả Trường Lê.#Chap8: “ Còi “ Nhưng Có Võ..!!Cầm tờ giấy họp phụ huynh trên tay, tôi với cái Còi bước vào bên trong trường, có con bé làm hướng dẫn viên, nó dẫn tôi đến lớp rồi chỉ:— Lớp cháu đây nhá, chú vào bên trong đi, cháu chơi ở bên ngoài đợi.Tôi gật đầu rồi bước vào cửa lớp, nhìn thấy phụ huynh đến cô giáo vội bước ra tiếp. Cô giáo hỏi tôi:— Dạ, chào anh. Anh là…?Tôi đáp:— Chào cô giáo, tôi là chú của cháu Nguyễn Thị Ánh Dương, hôm nay tôi đến họp phụ huynh cho cháu, bố đi làm không xin nghỉ được, cô thông cảm.Vừa nói tôi vừa đưa giờ giấy mời ra, cô giáo cầm giấy nhìn nhìn rồi mời tôi vào lớp, cũng đang có tầm hơn chục bậc cha mẹ của các cháu đã đến, trong số đó cũng có vài ba người trong xóm tôi. Nhìn ai cũng già, mỗi tôi dạng thanh niên ăn mặc hơi lạc loài đâm ra cũng ngại ngại, người yêu chưa có chứ nói gì đến con, ấy thế mà đi họp phụ huynh như ai. Trong số những người đến họp tôi ghét nhất là con mụ Tuyết, không riêng tôi mà ngay cả người trong xóm cũng ghét. Bởi cái thái độ kênh kiệu, giọng điệu tinh tướng, khinh người của mụ.Lý do mụ như thế là bởi mụ giàu, đập vào mắt tôi khi đi qua mụ là một cơ số kim loại màu vàng được trang trí khắp nơi trên người mụ, tay đeo ba cái nhẫn mặt ngọc to tổ bố, cổ thì một sợi dây chuyền vàng chói lọi do mụ cố tình để nó ra bên ngoài áo, hai cái vòng tai tròn xoe lủng là lủng lẳng mỗi khi mụ làm điệu hất tóc. Đấy là bên ngoài, còn bên trong mụ có đeo thêm khuyên vàng, núm bạc gì hay không thì tôi chịu. Nói chung mụ trát vàng khắp người, nhà mụ toàn người đi Anh trồng cỏ có thâm niên nên tiền nhiều lắm. Tiền nhiều thì kệ mụ thôi nhưng trong xóm đa phần dân lao động nghèo thì mụ lại tự cho mình cái quyền làm người thượng đẳng. Đi chợ mua mớ rau mụ lật lên lật xuống đến dập cả mớ rau rồi chọn mua mớ khác, mụ chê chợ quê ít đồ, không đủ gia vị để mụ làm món châu âu. Tưởng nhà giàu đi chợ thì hàng chợ người ta thích, nhưng khổ, nhìn thấy mụ người ta chỉ lẩm bẩm mong mụ cút mẹ nhà mụ đi. Đấy là tôi đi chợ thấy người ta bảo nhau thế, chứ tôi kệ, cũng nghe danh mụ hay đâm chọt, kệ thôi, miễn sao mụ không động chạm đến tôi là được.Cơ mà tôi nhầm, mụ Tuyết là cái loại người không có điểm dừng. Tôi đi vào lớp cười cười chào mấy người quen trong xóm, chưa kịp đặt mông xuống thì mụ chơi luôn câu:— Họp cho con mà lại còn nhờ hàng xóm đi hộ, thế thì biết gì về con cái.Ô hay, mụ chơi tôi kìa, mụ nói kháy anh tôi kìa….Ừ, mụ giỏi, tôi khẽ chạm tay vào lưng một anh ngồi trên ( anh đó ngồi sau mụ, còn tôi cách mụ một bàn), tôi hỏi:— Hôm nay lớp mình tổ chức đám cưới hả anh..?Anh kia ngơ ngác chưa hiểu gì, anh cười cười, tôi nói tiếp:— Mới vào nhìn toàn màu vàng chóe chọe em lại tưởng vào nhầm đám cưới. Đi họp phụ huynh mà như kiểu đi khoe của, gớm mặt.Lúc này anh kia mới hiểu ra, anh che miệng cười, cả những người quanh đó cũng cười. Cô giáo bên trên cố nhịn nhưng cũng bụm miệng sau câu nói của tôi. Đời mà, cái loại khoe khoang thì làm gì có ai ưa, đã vậy lại còn mang tiếng xấu mà thích gấu mèo là không được. Móc ai chứ đừng có móc thằng này, từ ngày bé, khi đi câu cá mấy bọn cùng tuổi chỉ dùng loại lưỡi câu thường, còn tôi đã mượn xe đạp đạp tít lên huyện để mua lưỡi câu có ngạnh rồi. Cá mắc vào lưỡi câu bọn kia còn có thể tuột chứ móc vào lưỡi câu của tôi thì chỉ có nước vào xoong. Móc à…?Vừa lúc đó loạt phụ huynh còn lại cũng đến, cô giáo lập tức điểm danh rồi buổi họp bắt đầu. Nói chung mới là họp đầu năm nên quay đi quẩn lại chỉ là vấn đề tiền học. Tiểu học nên là cô giáo chủ nhiệm lớp 1 cũng chủ nhiệm luôn lớp 2. Phải công nhận là cái Còi nói đúng, cô giáo nhìn trẻ mà xinh thật, tôi đoán chắc cũng ngang hoặc kém tôi độ 1-2 tuổi. Và đặc biệt cô chưa có chồng bởi không thấy cô đeo nhẫn cưới. Rảnh ngồi soi rồi đoán vậy thôi chứ tán làm sao được cô giáo.Đến đoạn cô giáo tóm tắt về lực học của các cháu, cô khen mấy đứa nổi bật, thông minh. Tôi hồi hộp chờ đợi xem có tên cái Còi nhà mình không, mẹ đọc đến cháu thứ 9 rồi mà chưa thấy cháu mình đâu. Trong khi con mụ đeo vàng kia con mụ đã được đọc tên thứ 5. Mụ bắt đầu được dịp quay sang ba hoa với những người bên cạnh:— Đấy, con gái em từ nhỏ đã uống toàn sữa ngoại cả triệu một hộp mà mang từ bên nước ngoài về. Giờ vẫn cho cháu nó uống sữa ngoài bữa ăn cơm đấy….Tốn tiền lắm.Nghe cái giọng điệu nó khắm còn hơn nước mắm, bên trên cô giáo nói tiếp:— Còn một em nữa rất thông minh, đó là em Nguyễn Thị Ánh Dương, cả lớp đã thống nhất để em Ánh Dương làm lớp trưởng. So với các em còn lại tuy cùng tuổi nhưng em Ánh Dương rất có trách nhiệm, mỗi lần dọn dẹp vệ sinh trường lớp, cô giao việc em đều hoàn thành tốt, còn biết giúp đỡ các bạn. Khả năng đọc, với chữ viết của em cũng nhỉnh hơn hẳn.Tôi nghe đến đoạn này mà mát hết cả tim gan phèo phổi, chưa kể con bé còn được làm lớp trưởng, vinh dự quá Còi ơi, đúng là nhỏ mà có võ. Đúng là: “ Bõ công thầy đầu tư.”Nói đến việc đọc với đánh vần thì tất nhiên là Còi nó hơn rồi, tôi áp dụng cách mà ngày xưa mẹ tôi dạy tôi học cho nó. Ngày bé ngay từ mẫu giáo tôi đã thích xem truyện tranh mặc dù chưa biết chữ. Mẹ tôi chuyên đi thuê Doraemon về cho tôi xem, mà chỉ xem hình thôi. Rồi dần dần lúc 5 tuổi trước khi vào lớp 1 là mẹ đã mua giấy bút về dạy tôi nhận mặt chữ, tập viết luôn. Tuổi thơ tôi gắn liền với cả tủ truyện tranh, số ít mẹ tôi mua thưởng mỗi khi đạt điểm cao, còn phần lớn là cả một câu chuyện dài. Tôi mê truyện tranh đến nỗi nhận cả một bác cho thuê truyện làm mẹ nuôi. Cứ cuối tuần tôi đến trông cửa hàng gạo cho bác ấy rồi đọc truyện thỏa thích, mẹ tôi trước cũng hay thuê truyện ở đó cho tôi đọc, nhưng sau thấy tôi ham quá nên bác bảo tôi đến mà đọc thoải mái.Sau này bác bị bệnh nặng, không còn ở Việt Nam nữa, anh con trai đón bác sang bên nước ngoài. Trước khi đi bác còn gọi tôi đến và bảo:“ Cháu thích quyển nào cứ lấy, bác cho hết.”Tôi vui mừng đến phát khóc lên, nhưng tôi đâu có biết đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp bác ấy. Số truyện tranh ấy tôi giữ như kho báu, nhưng những năm đi học xa nhà mẹ tôi lại cho một bà chị mượn để bả cho thuê. Đến khi tôi về thì chỉ còn lại mấy quyển “ 7 Viên Ngọc Rồng.” Tôi giận mẹ tôi phải mất một tháng. Cái Còi cũng được tôi dạy như thế, từ bé đọc nhiều, biết mặt chữ đến lúc vào lớp 1 không bị bỡ ngỡ.Nhưng cũng phải nói là con bé thông minh, dạy đâu hiểu đó. Đột nhiên mụ Tuyết đứng lên có ý kiến, mụ nói:— Sao năm ngoái con nhà tôi làm lớp trưởng mà năm nay lại để đứa khác làm. Trong khi con tôi cũng thông minh học giỏi.Con mụ trơ trẽn này, không ngờ mụ mặt dày bất chấp vậy luôn. Cô giáo hơi bối rối, nhưng cô vẫn điềm tĩnh trả lời:— Dạ thưa chị, lớp trưởng tuy với các em bây giờ có thể chưa hiểu hết được vấn đề nhưng nếu một em có tinh thần tự giác, tự lập tốt sẽ giúp cho các bạn khác học theo. Về điều này thì em Ánh Dương vượt trội hơn cả lớp chứ không riêng ai. Ngoài việc dạy chữ cho các em thì việc để các em học tính tự lập, cách làm việc nhỏ từ bây giờ cũng rất quan trọng.Nghe cô giáo nói tôi thấy Còi cũng may mắn khi được một cô giáo có tâm như thế này chủ nhiệm. Điều này cho thấy cô quan sát chú ý học sinh khá nhiều, đúng là vậy, Còi nó tuy nhỏ, bằng tuổi nó các bạn được bố mẹ chăm sóc đến từng giấc ngủ thì nó đã phải phụ giúp bà nội mỗi khi bố đi làm. Những việc như quét nhà, dọn dẹp, nhặt rau, phụ bà cơm nước Còi làm thường xuyên. Bản thân con bé cũng ý thức được bà đã già nên giúp được bà cái gì là nó sẽ làm. Chắc vậy nên tuy bằng tuổi nhưng đôi khi nó già dặn, nói những câu như người lớn.Vả lại bình thường cô nào mà nhìn thấy vàng đeo đầy người kia lại chẳng lóa mắt, nhưng cô này thì không, kệ cho mụ Tuyết võ mồm gây áp lực bằng cách:— Nếu thế tôi xin chuyển con tôi sang lớp khác.Cô giáo khẽ lắc đầu mỉm cười:— Dạ vâng, chuyện này chị nên đến gặp hiệu trưởng, em không có thẩm quyền giải quyết được ạ.Tôi định nói mấy câu, nhưng nghe cách mà cô giáo nói cũng khiến con mụ kia cứng họng rồi. Quả là người có học nói chuyện bình thường cũng khiến cho kẻ thất học cảm thấy tức ói máu. Tiền có thể mua được vàng nhưng khốn nạn một cái là tiền không mua được tri thức thật sự. Càng nói mụ Tuyết càng lộ ra cái xấu tính của mình. Mặc cho mụ tức tối, cô giáo tiếp tục cuộc họp, cô cũng mong các bậc phụ huynh sẽ dành thời gian kèm cặp các em và quan tâm các em hơn.Buổi họp kết thúc, mọi người đứng dậy cảm ơn cô giáo rồi ra về, riêng một mình mụ Tuyết mặt vẫn hằm hằm như thịt bằm nấu cháo trong số những phụ huynh vui vẻ. Người thì đem tiền nộp tiền học luôn, hôm qua anh Luân cũng đã đưa tiền cho tôi đi nộp học cho Còi. Vì Còi được hỗ trợ nên không phải đóng nhiều như các bạn, riêng chuyện tiền học của con anh Luân chưa bao giờ chậm trễ. Anh dành tất cả cho con gái, nộp tiền học cho Còi xong tôi nói với cô giáo:— Cảm ơn cô, chắc cô chủ nhiệm cháu năm qua cũng biết cháu nó không được như các bạn. Hôm nay bố không đi họp được cũng vì lý do, ở nhà thì có bố với bà, đến lớp mong cô chú ý đến cháu một chút. Gia đình tôi cảm ơn cô nhiều lắm.Cô giáo cười:— Vâng, đó là trách nhiệm của giáo viên chúng tôi, anh đừng nghĩ nhiều. Hơn nữa em Ánh Dương rất ngoan, hòa đồng với các bạn.Còi từ ngoài sân chạy vào, nó kéo kéo tay tôi, cô giáo xoa đầu Còi nói:— Lớp trưởng nhớ giúp đỡ các bạn nhé.Con bé đứng thẳng, khép tay vào đùi hô tô:— Dạ vâng ạ.Khiếp thật, giọng nó to kinh khủng, thôi thì mày làm lớp trưởng cũng đúng rồi. Đi ra khỏi lớp tôi sướng quá, tôi bế nó lên cao rồi cười lớn:— Ha ha, giỏi quá Còi ơi, giỏi quá….Nhưng phải càng ngày càng giỏi hơn đấy nhé.Con bé thích thú cười tít cả mắt, nó làm lớp trưởng mà về chẳng thấy nó khoe ai cả. Bố cái con sún răng…Trở về nhà tôi thao thao bất tuyệt kể lại những lời cô giáo khen con bé cho mẹ tôi, cho bác Xoan, cho anh Luân rồi cho cả mấy người hàng xóm.Chiều hôm đó, anh Luân đang lau cái xe xích lô cho sạch sẽ sau một ngày làm việc, anh nhìn lên trên hiên con gái anh đang ngồi chăm chú tập viết mà không cần ai kèm, anh khẽ mỉm cười đầy hạnh phúc………
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương