Bọn Săn Vàng

Chương 8



Sáng nay quan tòa Dee thức sớm hơn mọi khi, ngài cảm thấy mệt đừ sau lần viếng ngôi chùa. Hai lần ngài nằm mơ thấy quan tòa hiện về đứng ngay trước giường. Lúc ngài tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi, nhìn khắp gian phòng trống trơn. Ngài mới trở mình ngồi ngay dậy chong đèn ngồi vào bàn nhìn chồng hồ sơ cho đến lúc trời sáng hẳn. Những tia sáng ban mai chiếu qua ô cửa trông giống như ánh nắng hồng, người giúp việc dọn ra bàn món cháo buổi sáng.

Ngài vừa buông đũa, thừa phát lại Hoong bưng bình trà nóng đến, lão báo cáo Ma Joong và Chiao Tai đã ra ngoài kênh sửa sang tấm chắn cửa cống nhân tiện xem xét lại địa điểm trên bờ kênh nơi vừa xảy ra vụ xung đột trong đêm sương mù. Đội trưởng lính gác báo cáo chưa tìm thấy Fan Choong ra trình diện. Giờ chót người giúp việc lão Tang đến cho hay đêm qua lão bị sốt, khi nào khỏe sẽ vào ngay.

“Ta cũng thấy trong người không được khỏe” – quan tòa lầm bầm. Ngài uống cạn một hơi hai ly trà nóng, nói thêm: “Giá mà ta mang theo đủ sách báo về đây, ta có nhiều bộ sách viết về hồn ma hiện hồn, cả ma cọp nữa, nhưng tiếc là từ trước tới giờ ta không ngó ngàng gì tới.

Này lão Hoong, là một quan tòa thì không nên bỏ sót một lĩnh vực nào cả. A, mà hôm nay lão Tang đã nói với ngươi thế nào về buổi làm việc sáng hôm nay?”

“Thưa ngài, chẳng có gì đáng nói,” – lão đáp. “Ta nên công bố phán quyết về cuộc tranh cãi giữa hai nông dân về phần đất ranh giới giữa hai thửa ruộng, chỉ có bấy nhiêu thôi” – Nói xong lão giao tập hồ sơ cho quan tòa.

Liếc nhìn qua một lượt, ngài Dee nhắc nhở. “Cũng may vấn đề khá đơn giản, lão Tang khéo giải quyết ở chỗ xác định lô đất trên tấm bản đồ cũ ghi rõ giới nguyên thủy của thửa đất. Ta sẽ kết thúc buổi làm việc sớm hơn ngay khi giải quyết xong vụ việc. Ta còn nhiều việc cần phải làm khác nữa”.

Ngài Dee đứng dậy, lão Hoong bước tới giúp ngài mặc trang phục chính thức của quan tòa màu lục sẫm thêu kim tuyến. Ngài đang bàn chuyện thay chiếc mũ thường đội ở nhà qua chiếc mũ đen cánh chuồn, chợt ba tiếng kẻng vừa báo hiệu phiên làm việc buổi sáng sắp bắt đầu.

Quan tòa đi băng ngang lối hành lang trước văn phòng qua lối cửa nằm phía sau bức bình phong gắn huy hiệu kỳ lân. Ngài bước tới trên chiếc bục cao, ngồi xuống chiếc ghế bành dành cho quan tòa, ngài thấy hôm nay phòng xử án đông hơn mọi khi. Người dân ở Peng-lai nao nức muốn tận mắt nhìn thấy quan tòa mới đổi về.

Ngài đảo mắt nhìn quanh một vòng xem đủ mặt bá quan chưa. Hai viên lục sự ngồi hai bên thấp hơn ghế quan tòa, trên bàn bày sẵn nghiên bút chuẩn bị cho phiên tòa. Dưới bậc thềm sáu lính canh đứng xếp hai hàng ba, chỉ huy đứng hàng bìa tay cầm chiếc roi da đưa qua lại trước mặt.

Quan tòa gõ búa xuống bàn tuyên bố khai mạc phiên tòa. Điểm danh xong, ngài lật hồ sơ mà thừa phát lại Hoong trình ra trên bàn. Ngài ra hiệu cho chỉ huy lính hầu, hai người nông dân được dẫn ra trình diện quan tòa, họ nhanh nhẹn quì gối xuống. Quan tòa tuyên bố hôm nay ra quyết định tranh chấp địa giới. Hai người nông dân cúi sát đầu xuống đất lạy tạ ơn ngài.

Quan tòa vừa nhấc búa định gõ xuống bàn tuyên bố bế mạc phiên tòa, chợt một người đàn ông ăn mặc tươm tất bước tới trước. Chân gã bước đi khập khiễng tay chống cây nạng tre nặng trịch, quan tòa nhìn khuôn mặt điển trai, hiền hậu để hàm ria mép mỏng dính, hàm râu quai nón tỉa thật khéo. Trông gã tuổi trạc tứ tuần.

Khó khăn lắm gã mới quỳ xuống được, gã ăn nói từ tốn có vẻ văn hóa lắm.

“Tôi là Koo Meng – Pin, chủ một hãng tàu buôn. Tôi lấy làm ân hận vì đã phạm đến quan đang chủ tọa phiên tòa đầu tiên trong ngày. Sự việc tôi sắp trình bày ra đây là không hiểu sao người vợ tôi đi lâu không thấy về. Nàng tên là Koo, tên khai sinh là Tsao, kính mong ngài cho mở cuộc điều tra tìm tung tích nàng”.

Gã cúi đầu sát đất lạy tạ đúng ba lạy. Ngài Dee cố nén tiếng thở dài mới nói. “Thân chủ Koo hãy trình bày trước tòa đầu đuôi nội vụ để từ đó ta sẽ có hướng giải quyết”.

“Cách ngày cưới vừa được một hôm” – Koo mở lời. “Khi hay tin ngài cựu quan tòa chết bất thình lình, chúng tôi đành gác lại cuộc vui. Theo tục lệ qua ngày thứ ba cô dâu về lại nhà cha mẹ đẻ. Cha nàng, lương y Tsao Ho-sien, sống ở vùng ngoại ô thành phía Tây. Đáng lý ngày hôm kia nàng phải về lại nhà. Tôi nghĩ chắc nhà có việc cần nên nàng nán thêm một bữa. Chờ mãi đến trưa hôm qua không thấy về. Sốt ruột tôi sai Kim Sang là người quản lý đến nhà nhạc phụ hỏi thăm sự thể ra sao. Cha vợ cho hay vợ tôi ăn cơm trưa xong là về ngay, có đứa em trai là Tsao Min đưa tiễn đến tận cửa Tây thành. Rồi xế trưa hôm đó, đứa em trở về nhà. Đến nơi hắn kể lại cho họ nghe lúc đi trên đường, hắn nhìn thấy tổ cò trên cành cây bên đường, hắn kêu chị hắn đi trước, hắn trèo cây lấy trộm mấy quả trứng sẽ đuổi theo. Rủi thay hắn trèo nhằm cành cây mục gãy cành té xuống đất trẹo mắt cá chân. Hắn lê bước khập khiễng tới được một nông trang gần đó nhờ xin chủ nhân băng bó giùm. Hắn nhớ lúc dừng lại trộm tổ chim, hắn nhìn theo thấy chị đã ra tới đường lộ, nghĩ chắc là phi ngựa một mạch thẳng về nhà”.

Gã Koo nghĩ ngợi, đưa tay lau mồ hôi trán – gã kể tiếp “Trên đường về người quản lý ghé lại hỏi dò tin tức các trạm lính gác và các hàng quán, nông trang dọc quốc lộ. Không ai nhìn thấy người đàn bà cưỡi ngựa chạy ngang qua vào thời điểm đó.

Tôi đang hoang mang lo sợ chuyện chẳng lành đến cho người vợ trẻ, trước tòa lạy xin quan rộng lượng cho mở cuộc điều tra”.

Rút trong tay áo ra một cuộn giấy trịnh trọng giơ cao khỏi đầu – gã kể lể theo. “Tôi xin đưa ra bằng chứng liên quan đến người vợ tôi, nào là quần áo, và con ngựa có đốm”.

Chỉ huy lính hầu đỡ lấy tờ trình trao lại cho quan tòa, ngài lướt nhìn qua mới hỏi: “Vợ người có mang theo nữ trang hay tiền bạc gì không?”

“Dạ bẩm quan, không có” – Koo đáp “tôi nhờ người quản lý qua hỏi nhạc phụ, ông ấy báo lại nhạc mẫu tôi có gởi biếu một khay bánh nhờ nàng mang về cho tôi”.

Quan tòa Dee gật, ngài hỏi. “Ngươi có nghi cho ai từng ân oán hay muốn tìm cách hại vợ ngươi không?”

Koo Meng-Pin, lắc đầu quầy quậy, nói: “Chí có bọn xấu hại tôi mà thôi, thưa ngài – bọn tranh nghề nghiệp đó mà. Nhưng bọn đó không dám giở trò hèn hạ đó ra đâu”.

Quan tòa vừa vuốt râu vừa suy nghĩ. Ngài chợt nghĩ thật bất nhã đem chuyện cô nàng bỏ đi theo người khác ra bàn ở đây. Ngài phải dò hỏi xem lai lịch, cách ăn ở của vợ y như thế nào trước đã. Ngài đánh tiếng.

“Tòa tuyên bố sẽ tìm cách giải quyết, yêu cầu người quản lý trở lại trình diện sau khi kết thúc phiên tòa. Khi có được bằng chứng ta sẽ báo cho ngươi hay”.

Quan tòa gõ bàn tuyên bố kết thúc một buổi làm việc.

Lui về văn phòng, viên lục sự đang chờ ngài quan tòa. Lão thưa. “Bẩm quan, có ông Yee Pen, chủ tàu buôn đến xin yết kiến ngài, y đang chờ tại phòng tiếp khách”.

“Hắn là người thế nào?” – Ngài Dee hỏi.

“Thân chủ Yee là một nhà tài phiệt,” – lục sự nhắc lại “Ở địa phương này ngài Yee và ngài Koo Meng-Pin là hai nhà tài phiệt chủ hãng tàu buôn, đội tàu hoạt động từ Hàn Quốc qua tới Nhật Bản. Xây dựng cầu tàu, kéo tàu hư hại về neo lại sửa chữa”.

“Được lắm”, - ngài Dee nói. “Ta sẽ cho mời Yee Pen vào đây”. Quay qua lão Hoong ngài nhắc lại “Ngươi gửi thư mời Kim Sang đến lấy lời khai báo cáo mọi việc người vợ của thân chủ hắn mất tích. Chờ hỏi xong việc lão Yee Pen ta sẽ quay lại gặp người”.

Tại phòng tiếp khách một gã đàn ông cao lớn mập ú ngồi chờ ngài. Vừa nhác thấy bóng quan tòa bước tới gã quỳ xuống lạy chào.

“Này ông Yee, đây không phải chỗ xử án” – quan tòa Dee niềm nở chào hỏi, ngài ngồi vào bàn uống trà, mời ông kia đứng dậy đến ngồi vào ghế bên kia.

Gã nói lầm bầm mấy lời cám ơn, bước tới e dè ngồi trên thành ghế. Nhìn gã có khuôn mặt tròn trịa, hàm ria mép khéo tỉa, còn hàm râu quai nón mọc lởm chởm. Ngài không thích nhìn cặp mắt nhỏ xíu tinh quái của gã.

Yee Pen hớp mấy ngụm nước vẻ luống cuống, hắn không biết ăn nói làm sao.

“Vài hôm nữa”, - quan tòa Dee mở lời, “ta sẽ mời các văn hào nhân sĩ về đây họp mặt. Lúc đó ta có dịp trao đổi với ông Yee nhiều hơn, tiếc là lúc này ta còn nhiều việc phải đối phó. Ta không thích câu nệ hình thức, có sao thì ông cứ nói vậy.”

Ông Yee cúi nghiêng đầu rồi thưa.

“Thưa ngài, là chủ một hãng tàu buôn, tôi phải triệt để tuân thủ luật lệ hàng hải. Hôm nay đến đây tôi thấy cần thưa với ngài một việc, là bấy lâu nay dư luận đồn đại có một số lượng lớn vũ khí từ địa phương này đưa ra nước ngoài”.

Ngài Dee ngồi dựa lưng ngay ngắn lại.

“Vũ khí à? Nó được đưa qua nước nào?” – ngài quan tòa ngỡ ngàng chưa tin.

“Thưa ngài, qua Hàn Quốc chứ còn đâu nữa” – Yee Pen đáp. “Tôi nghe đồn quân Hàn Quốc căm hận trước sức tiến công đè bẹp của quân ta, đang có ý đồ vây hãm tấn công nhiều đồn lính của ta.”

“Còn ông nghĩ sao?” – ngài Dee hỏi lại “quân khiếp nhược nào tiếp tay mấy việc đó?”

Yee Pen lắc đầu, gã lặp lại: “Tiếc là tôi tìm chưa ra manh mối, tôi cam đoan đội tàu của tôi không chuyên chở những hàng độc địa gây tội ác ấy đâu. Tuy nhiên, chuyện cũng đã tới tai chỉ huy đồn lính, tất cả tàu bè ra khơi phải chịu kiểm soát gắt gao”.

“Nếu ông có được tin mới hơn thì báo cho tôi ngay?” – quan tòa nói “Trước mắt ông đã hay biết gì chưa về chuyện vợ của người bạn đồng nghiệp Koo Men-Pin?”

“Thưa ngài, chưa,” – Yee đáp. “Tôi không hay biết gì hết. Lương y Tsao sẽ đau khổ biết mấy khi đến lúc này vẫn chưa tìm ra đứa con gái yêu.” – Ngập ngừng một lúc, gã nói tiếp giọng ngậm ngùi: “tôi là bạn cố tri của lương y Tsao, chúng tôi cùng chung một lý tưởng dung lý, chống quan niệm sùng bái đạo Phật… Dù không nói ra, nhưng tôi hằng mong là con gái của ngài Tsao sẽ đẹp duyên cùng con trai lớn của tôi. Thế rồi cách nay ba tháng khi vợ Koo chết, bỗng nhiên ngài Tsao đổi ý gả con gái cho ông ta. Ngài thử nghĩ xem, cô nàng mới hai mươi còn gã Koo lại là một ông già, hơn nữa Koo là một đệ tử sùng đạo Phật, nghe nói gã định…”

“Đúng rồi?” – quan tòa Dee nói xen vào, “đêm qua ta sai hai người trợ lý đến gặp Po Kai, người quản lý kinh doanh của ông. Ta được biết hắn ta là người có trình độ.”

“Tôi cũng mong sao,” – Yee Pen cười tự nhiên, “là Po Kai đã tỉnh rượu, gã say hết nửa ngày còn lại nửa ngày làm thơ”.

“Thế sao ông còn giữ hắn ta lại” – quan tòa kinh ngạc hỏi.

Yee Pen phân bua. “Tuy là nhà thơ say nhưng gã có năng khiếu tính toán tiền bạc. Thưa ngài kể ra cũng lạ thật! Sổ sách chi phí của tôi, tôi giao cho gã một tuần để làm, nhưng chỉ một đêm gã đã tính toán xong”. Yee Pen vẻ thích thú cười, gã tóm tắt lại. “Theo tôi biết, mặc dù gã chỉ lo uống rượu và làm thơ nhưng chỉ mới hợp tác với tôi một thời gian ngắn gã lĩnh tiền gấp hai mươi lần lương tháng. Có điều tôi không thích gã ở chỗ gã là một đệ tử sùng bái đạo Phật và quen biết với Kim Sang, người quản lý kinh doanh cho chủ hãng tàu Koo, bạn tôi. Po Kai thì luôn mồm cho rằng đạo Phật giúp gã giải thoát tâm tư phiền muộn, nhờ Kim Sang gã thu thập được thông tin bí mật nghề nghiệp của ông chủ tàu Koo, việc làm này đạt yêu cầu, đôi khi cũng có lợi”.

“Nhờ ông nói lại, vài hôm nữa gã đến gặp tôi. Tôi tìm thấy một cuốn sổ tay ghi chép nhiều con số cần nhờ gã góp ý” – quan tòa mở lời.

Yee Pen liếc mắt nhìn quan tòa, gã định bụng hỏi một việc chợt thấy ngài đứng dây, gã vội xin cáo lui.

Vừa lúc ngài Dee cất bước băng qua sân pháp đình, trước mặt ngài là Ma Joong và Chiao Tai vừa trở về.

“Thưa ngài, tấm vách ngăn cửa cống đã được sửa chữa xong.” – Ma Joong báo cáo. “Lúc quay về tôi hỏi thăm mấy người hầu giúp việc thái ấp gần nơi chiếc cầu thứ hai. Họ kể lại sau mỗi bữa tiệc lớn… thỉnh thoảng họ phải chất giỏ rác trên một chiếc cáng khiêng ra bờ kênh đổ. Tôi đã hỏi từng nhà về chuyện buổi tối hôm đó tôi và Chiao Tai nhìn thấy”.

“Đó cũng là một cách giải thích” – ngài Dee nói xong cảm thấy yên tâm. “Đến văn phòng ta ngay, Kim Sang đang ngồi chờ”.

Vừa đi ngài vừa kể lại tóm tắt câu chuyện vợ ông Koo mất tích.

Đến nơi thấy lão Hoong đang tiếp chuyện một gã thanh niên điển trai tuổi trạc hai mươi lăm. Bước vào ngài hỏi, “Nghe tên tôi đoán chừng có phải ông là người Hàn Quốc?”

“Bẩm quan, dạ phải,” – Kim Sang trịnh trọng đáp. “Cha mẹ sinh ra tôi ngay tại khu phố người Hàn Quốc này. Bởi ngài Koo thuê mướn thủy thủ Hàn Quốc nên tôi được tuyển dụng làm người thông dịch tiếng Hàn”.

Quan tòa gật, ngài liếc nhìn cuốn sổ tay lão Hoong ghi chép lai lịch về người này, ngài xem lại cho kỹ. Đưa cho Ma Joong và Chiao Tai xem ngài mới hỏi, “có phải lần cuối các người nhìn thấy Fan Choong ngay buổi trưa ngày mười bốn không?”

“Dạ phải” – lão thừa phát lại đáp. “Theo lời kể của gia nhân, Fan ăn trưa xong là ra đi cùng với người quản gia tên Woo, hai thầy trò xuất hành về hướng Tây”.

“Người ghi chép lại là” – quan tòa nói tiếp, “nhà lương y Tsao nằm hướng đó. Ta phải xem xét thật kỹ lưỡng, đưa cho ta xem bản đồ cả vùng này”.

Lão Hoong vừa trải tấm bản đồ ra, ngài Dee lấy bút vẽ một vòng tròn khu vực phía Tây cổng thành. Chỉ tay về phía ngôi nhà lương y Tsao, ngài nói. “Nhìn theo đây, trưa mười bốn sau khi cơm nước xong xuôi, nàng Koo từ nhà ra đi nhắm hướng Tây. Đến ngã tư đầu đường nàng rẽ phải. Này Kim, ngươi có biết đứa em trai nàng lúc đó đứng ở vị trí nào không?”

“Ở đoạn giáp ranh hai con lộ ngay khoảnh đất có cây cối rậm rạp,” – Kim Sang đáp.

“Được,” – quan tòa Dee nói, “nghe đây, theo lời người hầu ở nông trại kể lại thì vào giờ đó Fan Choong cũng ra đi theo về hướng Tây. Tại sao hắn không đi về hướng Đông theo đường này thẳng một mạch tới thị trấn?”

“Thưa ngài nhìn trên bản đồ thì đoạn đường ngắn, - Kim Sang vừa nói, nhưng đoạn đường này xấu, thực tế là đường mòn mưa lầy lội không ai đi. Nếu nhà Fan theo đường này thì còn xa gấp mấy lần đi vòng đường quốc lộ”.

“Ta hiểu,” – ngài Dee nói. Ngài cầm bút đánh dấu đoạn đường ngắn chỗ giao nhau giữa đường hương lộ và quốc lộ.

“Ta không tin có sự trùng hợp ngẫu nhiên” – Ngài nói. “Ta nghĩ là ngay ở đoạn đường này nàng Koo gặp Fan Choong. Này Kim, hai người này có biết mặt nhau bao giờ chưa?”

Kim Sang có vẻ lưỡng lự, gã mới nói. “Thưa ngài, tôi không biết chuyện đó. Thực tế trang trại nhà Fan không cách xa nhà lương y Tsao, tôi đoán lúc còn ở chung với cha me có thể nàng biết mặt Fan Choong”.

“Thôi được” – ngài Dee nói. “Người vừa cung cấp cho ta tin tức rất có giá trị, để rồi ta liệu cách xử lý. Người có thể ra về được rồi đấy”.

Kim Sang vừa lui ra, quan tòa Dee chăm chỉ nhìn ba người giúp việc. Mím môi lại ngài mới nói. “Nếu các ngươi còn nhớ câu chuyện người chủ quán trọ kể lại về gã Fan ta phải tin chắc là có thật”.

“Dù cho nàng Koo có muốn thì cũng khó mà thành được,” – Ma Joong đưa mắt nhìn có vẻ ngụ ý xấu. Còn lão thừa phát lại Hoong thì chưa tin vội, lão chậm rãi nói, “nếu cả hai rủ nhau bỏ trốn, thế thì tại sao lính gác hai đầu cổng không nhìn thấy. Tại mỗi vọng gác luôn luôn có hai người ngồi uống trà canh chừng người qua lại. Hơn nữa họ sẽ nhìn gã Fan ngay, nếu hắn đi qua đó cùng với một người đàn bà”.

Chiao Tai vội đứng dậy nhìn chăm chú vào tấm bản đồ. “Dù có việc gì xảy ra, tất nhiên phải diễn ra ngay trước cổng chùa vắng vẻ này chứ. Còn những câu chuyện kỳ quái do chính miệng chủ quán trọ kể lại, tôi lưu ý một điểm đứng từ cổng, lính gác không thể nhìn thấy vị trí chỗ khoảng đất nơi hai con lộ giao nhau, kể cả đứng tại nơi trang trại của Fan và từ nhà Lương y Tsao nhìn ra. Ngay cả đứng ở trang trại nhỏ lúc đứa em trai nàng khập khễnh ghé vào xin băng bó mắt cá chân. Và biết đâu chừng nàng Koo, Fan Choong và người quản gia từ chỗ con đường lộ cùng rủ nhau cao chạy xa bay”.

Quan tòa Dee đứng phắt ngay dậy, - ngài nói – “Thôi ngồi nói chuyện lý thuyết suông thì chẳng đi tới đâu một khi chính mắt ta chưa đến nơi quan sát, dò la tin tức. Trời sáng sủa thế này ta cùng nhau ra tới đó xem nào. Rút kinh nghiệm chuyến đi vi hành tối hôm trước ta phi ngựa giữa ban ngày cho khỏe”.
Chương trước Chương tiếp
Loading...