Bong Bóng Lên Trời

Chương 16



Chương 16

Tài Khôn đáng yêu là thế, vậy mà bỗng dưng cô biến mất.

Ba ngày liên tiếp, cô bé không đến bán bong bóng trước cổng trường.

Thường bỗng dưng cảm thấy như thiếu vắng một cái gì. Anh đã quen nhìn thấy vóc dáng nhỏ nhắn quen thuộc của cô bé, quen với lối trò chuyện tinh nghịch nhí nhảnh của cô. Vậy mà cô lại biến mất. Biến liền tù tì ba ngày. Không kèn không trống. Không một lời báo trước. Thiếu cô, khung cảnh dường như bớt huyên náo hơn, và cũng buồn tẻ hơn. Không có chùm bong bóng rực rỡ bay lơ lửng trước cổng, bầu trời đâm ra trống trải đến hoang vắng. Trong mắt Thường, cảnh vật hằng ngày bỗng trở nên xa lạ và nhợt nhạt.

Buồn bã và bồn chồn, trong những ngày đó, Thường cứ nhấp nhổm nhóng cổ dõi mắt về đầu đường cố trông chờ một phép lạ. Nhưng anh chỉ hoài công. Tài Khôn vẫn biệt tích. Cô như bốc hơi khỏi mặt đất và đang bay tít tắp ở đâu đó trên khoảng cao xanh kia, hệt như những quả bong bóng của cô.

Trong khi Thường đinh ninh anh sẽ không có dịp nào gặp lại cô bạn đáng yêu kia nữa, cô đã tuột khỏi đời anh như quả bong bóng tuột khỏi tay một chú bé vụng về, và trong khi anh đang hoang mang về dự cảm đầy muộn phiền đó thì Tài Khôn đột ngột xuất hiện.

Vẫn cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ kỹ, vẫn chùm bong bóng đủ màu quấn quít trên đầu, vẫn nụ cười tinh nghịch muôn thuở trên môi, cô bé đến vào buổi chiều ngày thứ tư, trễ hơn một chút so với thường lệ.

Đối với Thường, sự xuất hiện của Tài Khôn chẳng khác nào sự xuất hiện của mặt trời sau một mùa đông dài u ám. Lòng bàng hoàng, anh chạy như bay đến chỗ Tài Khôn, mừng rỡ hỏi:

- Mấy ngày nay em đi đâu vậy ? Anh cứ tưởng em nghỉ bán luôn rồi!

Rồi không để Tài Khôn kịp trả lời, Thường nhìn chăm chăm vô mặt cô bé, sửng sốt buột miệng:

- Sao mặt mày em xanh xao quá vậy ? Em bệnh hả ?

- Ừ.

Thường thấp thỏm:

- Em bịnh gì vậy ?

Tài Khôn chớp mắt:

- Sốt rét.

- Sốt rét? - Thường há hốc miệng.

- Sao em lại bị sốt rét được? Bộ hồi trước em ở trên rừng hả ?

- Ừ. Quê em ở Đắc Lắc mà.

Tài Khôn vừa đáp vừa mỉm cười. Mặc dù xanh xao, hốc hác, nụ cười của cô vẫn hồn nhiên, tươi tắn. Nhìn Tài Khôn cười, Thường cảm tưởng như gặp lại một hình ảnh thân thuộc đã xa xăm lắm. Anh dịu dàng nắm lấy tay cô:

- Bây giờ em đã khỏi hẳn chưa ?

Tài Khôn tặc lưỡi:

- Khỏi hẳn thì chưa! Nhưng đỡ đỡ rồi!

Nghe vậy, Thường nhíu mày trách:

Nghe vậy, Thường nhíu mày trách:

- Sao em không đợi cho khỏi hẳn rồi hãy đi bán?

- Em cũng tính vậy, nhưng... nhưng...

Cô bé ấp úng một hồi rồi nhoẻn miệng cười, không chịu nói tiếp. Tài Khôn cười nhưng hẳn lòng cô không vui mấy! Thường bâng khuâng nhủ bụng. Mặc dù Tài Khôn không nói ra, Thường vẫn đoán được nỗi khổ tâm của cô. Hẳn gia đình của Tài Khôn túng thiếu lắm nên cô phải đạp xe đi bán dẫu chưa hết bệnh. Bất giác Thường liên tưởng đến những khó khăn của gia đình mình và anh chợt cảm thấy Tài Khôn gần gũi với mình xiết bao.

Biết Tài Khôn không muốn đề cập đến chuyện riêng tư, Thường cũng không nhắc tới. Anh hắng giọng hỏi lảng sang chuyện khác:

- Mấy hôm nay em nằm ở bệnh viện nào ?

Tài Khôn nhún vai theo thói quen:

- Em nằm ở nhà!

- Sao vậy ? - Thường kêu lên - Lẽ ra em phải đi bịnh viện chứ? Bệnh sốt rét chứ có phải bệnh xoàng đâu!

Tài Khôn "hứ" một tiếng:

- Bộ anh tưởng nằm bệnh viện dễ lắm hả? Phải có tiền! Nhà em tiền ăn còn phải chạy từng bữa, lấy đâu mà đóng cho bệnh viện!

Thường ngập ngừng:

- Nhưng ở nhà thì...

Tài Khôn không để cho Thường nói hết. Cô nghiêng mặt:

- Thì cũng hết bệnh chứ sao! Nhà nghèo như em cần gì bệnh viện. Mà họ cũng đâu cần bệnh nhân rỗng túi như mình!

Trước những thực tế Tài Khôn nêu ra, Thường chẳng biết phải giải thích và an ủi cô như thế nào. Anh đành cười gượng:

- Nhưng mà em đâu đã hết bệnh.

- Thì đúng là chưa hết. Nhưng sắp hết.

Nói xong, Tài Khôn lại toét miệng cười. Trông vẻ mặt tươi tắn, nhí nhảnh của cô, Thường cảm giác như cô đã quên bẵng những điều mình vừa nói, những trăn trở dường như vượt quá tuổi tác của cô.

Ngày hôm sau, Thường mang đến cho Tài Khôn ba chục ngàn. Đó là phân nửa số tiền anh dành dụm được từ ngày đi bán. Trước nay, tiền lời mỗi ngày Thường đều gửi nơi chú Kiến. Cuối tháng, Thường mới gom góp lại đem về nhà cho mẹ. Đi dạy kèm, không thể mang tiền về nhà hằng ngày được. Mẹ sẽ nghi liền.

Chú Kiến bảo nghề bán kẹo kéo một lời một. Nhưng với Thường thì không thế. Anh bán khá rẻ, nhất lại là bán cho trẻ con. Trước những đôi mắt đen láy, long lanh háo hức, bao giờ Thường cũng kéo khúc kẹo dài ra hơn một chút so với chỗ anh định bẻ. Những lúc như vậy, nỗi hân hoan trên gương mặt các khách hàng tí hon bao giờ cũng làm dậy lên trong anh một cảm giác êm đềm khó tả.

Tài Khôn nhìn bọc giấy Thường đưa bằng ánh mắt tò mò:

- Gì vậy ?

Thường không tiện nói rõ. Anh đáp lấp lửng:

- Thì em cứ cầm lấy đi đã!

- Thì em cứ cầm lấy đi đã!

Tài Khôn lấy ngay, không khách sáo. Cô bóp bóp gói giấy trong tay rồi ngó Thường:

- Tiền hả ?

- Ừ! - Thường lúng túng gật đầu.

Tài Khôn thì chẳng lúng túng chút nào. Thậm chí cô còn reo lên một cách hồn nhiên:

- Ôi, hay quá! Bao nhiêu vậy ?

- Ba chục.

- Ba chục đồng hả ? - Tài Khôn cười hỏi.

Thường cũng cười:

- Ba chục ngàn.

Tài Khôn chợt nghiêm giọng:

- Anh cho em mượn hả ?

- Không! - Thường khịt mũi - Em cứ cầm lấy mua thuốc uống. Cái này coi như là... anh biếu em.

- Biếu em? - Tài Khôn tròn mắt - Nếu anh biếu thì em không lấy đâu!

Vừa nói, Tài Khôn vừa giúi trả gói giấy vào tay Thường. Hành động đột ngột của Tài Khôn khiến Thường hốt hoảng. Anh vội vã xua tay:

- Không, không! Nếu vậy thì anh cho em mượn!

Tài Khôn liền cười toe:

- Vậy thì được! Coi như em mắc nợ anh nghen?

Thường gãi đầu:

- Ừ. Nhưng khi nào em muốn trả thì trả. Anh không đòi đâu!

- Xời ơi! - Tài Khôn nguýt Thường một cái dài cả cây số - Mắc nợ mà lại không muốn trả! Bộ anh tưởng em khoái quỵt anh lắm hả!
Chương trước Chương tiếp
Loading...