Bước Đường Cùng
Chương 4
Dinh cơ Nghị Lại ở đúng giữa làng An Đạo. Song, sự thực, làng An Đạo với dinh cơ ông là hai thế giới tách biệt hẳn nhau. Đó là một khu đất rộng ước hai mẫu, bốn mặt tường cao ba thước tây xây gần kín khắp, trừ nhà cụ Ánh ở oái oăm vào một góc. Những mảnh chai sáng nhoáng, tua tủa cắm thẳng trên tường, như lưỡi lê của đội quân canh đứng đều răm rắp. Giữa dãy tường theo đường cái, nổi lên cái cổng cực lớn, có chòi canh, nhưng họa hoằn hai cánh mới có dịp mở. Thường thường, người ta vẫn ra vào bằng cái cửa tò vò bên cạnh, rộng độ năm mươi phân tây, nhưng cả ngày đóng im ỉm. Nghị Lại giàu có một cách hỗn láo. Tiền, thóc, ruộng, nhà của người khác lọt vào tay ông dễ dàng như trở bàn tay. Với ông, sự học vấn không làm gì. Thưở bé, ông coi sách vở là kẻ thù số một. Bây giờ ông vẫn còn khoe một việc năm ông mới mười lăm tuổi. Hồi ấy ông học ở lớp tư. Một hôm không thuộc bài, ông bị thầy giáo mắng nhiếc. Lập tức, ông đứng phắt dậy, cắp sách ra khỏi nhà trường. Và từ đó, dù cha mẹ khuyên dỗ, mắng chửi thế nào, ông cũng không trở lại cái ngục thất nó chiếm đoạt hết cả tự do của tuổi sung sướng của ông nữa. Rồi năm sau, khôn hơn, ông mới nhận ra rằng tự thuở nhỏ, ông vẫn bị giam hãm trong cái ngục thất nghiệt ngã hơn nhà trường, là gia đình, mà những người coi ngục còn nghiêm khắc bằng mấy mươi thầy giáo. Ông bèn tìm dịp thoát ly. Một tối, ông lấy cắp năm trăm bạc, theo một người bạn hơn tuổi, lên Hà Nội, hai anh em tập cách ờ xã hội. Vì ở xã hội sớm thế, nên ông sớm học được đủ các ngón, mà ngón nào cũng tinh. Ông lấy làm hãnh diện rằng mới mười sáu tuổi đã giỏi trống cô đầu, mới mười bảy tuổi đã hút nổi hai mươi điếu thuốc phiện một lúc, và mới mười tám tuổi, đã có vô số nhân tình Hà Thành. Ông chỉ chửi lại cha mẹ có hai lượt vì ngày xưa, ông ở nhà rất ít để phụng dưỡng song thân. Và nếu năm mười chín, không, đã mang điếu thuốc điếu sái, lâm vào cảnh túng bẫn, thiếu ăn thiếu tiêu, ông đã chẳng trở về với gia đình, và đã thực hành được câu thề không đời nào chịu gọi vợ chồng thằng chánh Hòe là bố mẹ. Chỉ vì nghĩ ngợi rõ kỹ lưỡng một đêm đói thuốc, ông mới tỉnh ngộ rằng ông đã dại mà không hưởng quyền làm con của một nhà giàu có hàng vạn. Ông chánh Hòe thấy con về thì mừng, cho là đã biết hối, bèn dỗ dành cho con nên tu chí làm ăn, và cưới cho con người vợ. Một cô vợ đẹp, một ả phù dung, là hai cái dây chắc chắn nó ràng buộc ông với nơi chôn rau cắt rốn. Hai cụ liền huấn luyện cho ông cái phương pháp làm giàu. Và từ khi đứng chủ cơ nghiệp này, ông mới phục ông còn giỏi bằng mấy song thân ngày trước. Nguyên khi ông bà chánh mất đi, thì dinh cơ mới rộng độ tám sào, mà ruộng vườn tất cả ngót trăm mẫu. Thế mà thấm thoắt trong mười năm trời, tường quanh nhà xây gần kín hết, mà ruộng nọ để ra ruộng kia, đến tháng này, ông có vừa đúng bốn trăm mẫu. Bây giờ ông chỉ nằm khểnh, hút cho sướng cái tuổi năm mươi, thỉnh thoảng có dịp thì lại làm giàu chơi, chứ ông cũng lấy làm mãn nguyện lắm rồi. Bọn hương lý đưa người nhà Đoan đến cổng lớn nhà Nghị Lại. Lý trưởng giơ tay giật dây chuông, thì đồng thời đàn chó cũng cắn dậy lên. Một lát, trên chòi có người nhìn xuống: - Ai hỏi gì? - Vào bẩm với quan rằng có quan Đoan đến nhé. Năm phút sau phía trong cổng có tiếng tháo gióng gỗ và mở khóa. Hai cánh cửa theo hai bánh gỗ lộc cộc lăn trên gạch, mở toang, để hiện ra một anh lực điền cởi trần đứng choãi hai chân, đương cố sức mở cho hết cánh lim dầy dặn. Người tây Đoan quen lối, đi thẳng vào sân, mặc dầu lũ chó xồ ra, lăn xả vào mà cắn. Ông qua chuồng trâu bò, lẫm thóc, để lấy bóng rợp, rồi bước chân lên thềm, vào buồng khách. Buồng khách ấy khá gọi là tình tứ. Đây là một cô gái Trung Hoa trắng hồng như trứng gà bóc, mũm mĩm, nằm hớ hênh trật cả đùi lẫn vế. Ở góc, lại một cô nữa, chẳng mặc gì để che tấm thân trắng phau béo phốp, nhưng lại thẹn thò chua ngoa, một tay bịt ngay chỗ chẳng nên bịt, và một tay giơ lên trời, cầm một cái... Một cái đây, hiểu ngầm là một ngọn đèn cụt đầu. Những thức ấy, đáng lẽ khêu gợi lắm thì phải, song tiếc thay, nó chỉ là những bức tranh màu và pho tượng trắng đầy bụi bặm. Gia dĩ, may cho khách đa tình không đến nỗi ngây ngất, là trong buồng lại sẵn nhiều sức phản động, khiến người ta phải cụt hứng ngay. Đầu tiên là một mùi tanh tanh ở trong gầm xông ra. Nó là mùi hanh đồng của những đỉnh, những đèn, những mâm, những nồi xếp la liệt dưới sập. Những thức ấy khó lòng lấy ra được, vì khi cất vào đó, người ta phải rất đông người cùng khênh bổng cái sập lên, mà khi hạ xuống, thành ra sập sát gần chấm đất. Rồi đến những bàn ghế, tranh ảnh, cùng trăm thứ trang hoàng trên tường, không ra lối lăng gì. Cái thì thực đẹp, cái thì thực xấu, cái thì thực mới, cái thì thực cũ. Hình như những đồ ấy chủ nhân đã góp nhặt dần dần của các nhà khác. Sự bày biện bảo cho ta biết chủ nhân là một tay bất chấp nghệ thuật, nhưng là một người chịu khó tiếc của trời. Nhưng cái phản động lực lớn lại là cái ảnh truyền thần Nghị Lại. Ta nên nhớ rằng ông Lại mới làm nghị viện. Song người làng phải nghe ông ta mà gọi ông là quan, nên ông không cần nể ai, chụp ngay cái hình mặc mũ áo đại triều và thuê vẽ. Họa sĩ lại là tay đồng chí của chủ nhân càng không cần nể ai nữa. Y đã tô màu tía lên trên áo rồng và vẽ thêm đôi giao long dưới đầu mũ có rắc kim nhũ. Song, trời ạ, cả một bộ triều phục uy nghi ấy lại dùng để trang hoàng cho một tấm thân có bộ mặt hom hem, nhăn nhúm, khủng bố người ta bằng hai nét nhăn xoạc cong sang bên má, làm cho đôi mắt xếch càng xếch thêm. Họa sĩ muốn tôn người có của, đã hòa màu hồng cho khéo để tô da mặt hồng hào như người Mỹ tráng kiện. Song sự thực, Nghị Lại là dòng dõi một giống người thuộc chủng tộc thứ sáu trên toàn cầu. Thực vậy, nếu trắng, ông đã là người Âu, nếu vàng, ông đã là người Á, nếu đỏ, ông đã là người Mỹ, nếu nâu, ông đã là người Úc, và nếu đen, ông đã là người Phi. Đằng này ông lại xanh xanh, đích là da của chủng tộc người nghiện. Nghị Lại ngạc nhiên, đớ người nhìn khách: - Cái gì vậy? - Ruộng ông có rượu lậu. Nghị Lại tròn mắt nhìn: - Có rượu lậu? - Phải, thầy lý trưởng nói rõ để ông Nghị biết là ruộng nào. Lý trưởng nói: - Bẩm quan, cái thửa bảy thước ở cánh Mả Giơi, của nhiêu Sinh nhường quan tháng trước, mà quan cho nhà Lành cấy rạ ấy ạ. Nghị Lại cau mặt, gõ mấy đầu ngón tay xuống bàn: - Cái thửa ruộng ở cạnh thằng Pha ấy à? - Dạ. Ngẩn người một lúc, rồi Nghị Lại cười: - Quái. Nhưng quan lớn bảo nhà tôi như thế này còn nấu rượu làm gì? - Đành vậy, nhưng ông là chủ ruộng, thì theo luật, ông có lỗi. Hiện tang vật còn đó, ông ra đồng với tôi để xem và ký vào biên bản. - Phát. Một tiếng gọi trong lúc giận dữ, ai nấy giật mình. - Dạ. - Mày bẩm với cô Năm, đi theo lý trưởng ra xem có phải đứa nào nó bỏ rượu vào ruộng nhà không nhé. Rồi ông nói với ông Đoan: - Thôi, ta bất tất phải đi. Mời quan lớn cứ ở đây. nắng lắm. Ông quay vào trong gọi: - Mau lên, sao chậm thế? - Dạ. Tức thì một tên đầy tớ bưng khay rượu ra. Hai cốc sâm banh trong sáng lanh canh chạm vào nhau làm sóng sánh rượu vàng. Nghị Lại giơ tay mời: - Rước quan lớn. Khách chạm cốc rồi ngửa cổ uống một hơi. Nghị Lại rót thêm và nói: - Cái cốc này người ta làm nông quá. Giá quan lớn cho phép, tôi lấy bộ cốc vang thì rót được nhiều hơn. Chắc quan lớn khát lắm. Người tây đoan mỉm cười: - Tùy ông. - Thứ rượu này ngon lắm. Hồi sinh thời, cụ tôi không dùng, đem cất vào xó lẫm thóc đến ba mươi chai ấy. Bây giờ tôi mới biết, suýt nữa quên thì phí. Rồi ông cười thực to để che lấp sự lo lắng và nghĩ ngợi. - Về việc rượu này, chắc ông phải phạt nặng. - Tôi không hiểu sao pháp luật lại quá bất công thế? Tôi đã làm nghị viên, rất trung thành với hai chính phủ, không nhẽ tôi lại dám làm điều phi pháp? - Phải, điều đó tôi vẫn hiểu và không ngờ gì ông cả, nhưng pháp luật là pháp luật. - Ruộng của tôi rất nhiều, không những ở tỉnh này, mà còn ở tỉnh khác nữa, chẳng lẽ thửa nào tôi cũng phải cho người đi canh hay sao? Mà nếu lệ nhà Đoan nghiêm ngặt thế này, thì những đứa ghét tôi, chỉ một ngày có thể dễ làm tôi khánh kiệt cả cơ nghiệp được. Khách không đáp, chỉ mỉm cười. Nghị Lại nói tiếp: - Làng tôi có một thằng xưa nay sinh nhai về nghề nấu rượu, tên nó là thằg trương Thi, chắc nó bỏ rượu lậu vào ruộng nhà tôi. Chánh hội mách: - Bẩm nó định bỏ vào ruộng nhà thằng Pha kia đấy ạ, vì hai đứa xưa nay vẫn thù hằn nhau. - Phải, chính thằng Thi đi báo tôi. - Đấy, việc rõ rệt như thế, mà quan lớn phạt tôi, thực là oan tôi quá. Người Tây nhún vai: - Nhưng tôi biết làm thế nào? Ông với tôi vốn là chỗ bạn bè thân. Vừa lúc ấy cô Năm về, nhận đích là ruộng nhà. Nghị Lại nghĩ lung lắm. Rồi ông sực nhớ ra, mắng đầy tớ: - Kìa, chúng mày sao không mời các thầy xuống nhà ngang xơi nước? Đợi khi trong buồng vắng, ông Nghị cười thân mật, nói: - Đành tôi chịu cái vạ vịt, nhưng chỗ quan lớn với tôi, quan lớn có thể cứu tôi không? Tôi thì không văn hoa lễ phép được như ta, nên mới hỏi thẳng quan lớn như thế. Người tây đoan lắc đầu: - Không thể, việc tôi về đây khám rượu ở sở có biết, và người làng này cũng biết cả. - Thì tôi tưởng như quan lớn làm như khám không thấy gì. - Không được, có hẳn hoi và có hương lý làm chứng. - Ồ, làm gì. Hương lý ở đây là đầy tớ của tôi cả, tôi bảo gì chúng nó không phải nghe? Quan lớn làm ơn cứ xé biên bản đi, thế nào tôi cũng không dám quên ơn quan lớn. - Không được, ông ạ. - Tôi làm nghị viện, rất trung thành với hai chính phủ. Cho nên tôi không muốn có dấu vết gì xấu trong lý lịch tôi với nhà nước. Tôi chỉ ngại điều ấy, chứ sợ gì món tiền phạt. Nhà tôi như thế này, tôi thiếu gì? Chắc quan lớn cũng biết, tôi hầu hạ các quan, có lúc tốn kém đến bạc ngìn, mà có tiếc gì. Đấy, ngay như mấy lần tết nhất, tôi vẫn đi lại hầu quan lớn thì quan lớn biết. Ông Đoan gật gù, đáp: - Nhưng tôi không muốn làm việc phi pháp. - Thôi, tuy vậy nó hợp với tình bạn bè. Tôi không quên ơn quan lớn đâu mà. Trước kia tôi chưa nhờ vả gì quan lớn, mà còn đi lại hậu hĩ, nữa là bây giờ tôi hàm ơn quan lớn. Người tây đoan nghĩ ngợi một lúc, rồi hỏi nhỏ: - Thửa ruộng ấy, ông cho đứa nào cấy? - Tên Nguyễn Văn Lành. - Nó ở đâu? - Nó ở tổng Hà Tràng, cách đây chừng mười cây số. Người tây đoan nghĩ ngợi rồi gật đầu. Nghị Lại vui vẻ xui: - Tuy ở xa, nó có thể chịu trách nhiệm về việc rượu lậu này vì tôi đã giao ruộng cho nó. Xin quan lớn cứ bắt và làm tội nó. Thế thì công bình hơn là bắt tôi. Người tây đoan đứng dậy cười, bắt tay ông nghị và lắc đầu than thở: - Tôi vất vả về ông. Ông nghị khúm núm đáp: - Không dám. Rồi ông tiễn khách ra cổng, nhìn theo ân nhân với một nụ cười
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương