Cánh Hoa Chùm Gửi

Chương 2



Bên ngoài khung cửa, bóng tối âm thầm đến, cánh đồng hoang vu đã bắt đầu lập loè ánh lửa. Bánh xe vẫn quay, vượt qua đồng bằng, phố thị, thôn xóm để mang cuộc đời tôi vào nơi vô định.

Chiếc xe chạy hơi chậm, nên đến Đài Bắc thì đã gần mười một giờ đêm.

Xuống xe, với chiếc sắc nơi tay, bước ra khỏi nhà ga, tôi đứng nhìn quanh. Suốt mười hai năm dài sống với mẹ tại Cao Hùng, tôi chưa hề nhìn thấy một thành phố nào tấp nập ồn ào như Đài Bắc.

Ngẩng đầu lên, những ánh đèn màu huy hoàng lấp lánh, phòng ngủ, quán ăn san sát hai bên đường.

Đài Bắc! Thành phố mà bao lâu nay tôi đã ước mơ đến viếng đang ở trước mặt. Những chiếc xe kéo, xe taxi chạy thành hàng, phố xá tấp nập người qua lại tạo một cảm giác lo lắng, sợ sệt trong tôi.

Lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy được thế giới rộng lớn như thế, không phải chỉ vỏn vẹn như "chiếc phòng sáu manh chiếu" của mẹ con tôi. Đường phố đan nhau chằng chịt cộng thêm những kiến trúc đồ sộ chung quanh, không giống cái xã hội thu hẹp của mẹ con tôi ngày nào.

Một chiếc xích lô chạy trờ đến trước mặt:

- Đi xe không cô?

Tôi do dự một chút bảo:

- Đến số ba đường Roosevelt bao nhiêu?

- Mười đồng.

Mười đồng! Tôi không biết là rẻ hay mắc, vì tôi nào có biết đường Roosevelt ở đâu đâu.

Leo lên xe, tôi nghĩ thấy hối tiếc. Bây giờ đã mười một giờ khuya rồi, chạy đến quấy rầy như thế không quá muộn hay sao? Biết đâu họ đã ngủ cả rồi, đánh thức người trong giấc ngủ ngon là một việc làm vô lễ. Mẹ thường bảo tôi làm việc gì cũng không chịu suy nghĩ trước sau, như vậy là tôi vẫn chưa là người lớn được. Nhưng mà, bây giờ xe đã lăn bánh rồi, biết sao? Những ngọn gió đêm đầu mùa hạ thổi mát cả người, tôi không còn muốn suy nghĩ thì thêm nữa!

Chiếc xe chạy suốt hai mươi phút mới đến.

Bước xuống xe, tôi thấy mình đang đứng trước hai cánh cổng to màu đỏ, chung quanh là bờ tường cao. Nhìn số nhà, biết mình không lầm, tôi trả tiền ông phu xe và chờ chiếc xe đi khuất mới quay sang quan sát cánh cổng và bờ tường. Chiếc cột đèn bên lề đường phản chiếu chiếc bóng gầy còm của tôi xuống đường trông thật ảm đảm, thật cô đơn! Chiếc đồng hồ trên tay, di vật của mẹ chỉ đúng mười một giờ ba mươi.

Tựa lưng vào tường, lén nhìn qua cổng, bóng tối bao trùm trên khắp ngôi nhà to lớn vẫn còn để thừa một ít ánh sáng thoát ra ngoài. Do dự khoảng hai ba phút, tôi nghĩ thầm nghĩ dù đã khuya, tôi cũng không thể đứng mãi thế này chịu trận suốt đêm được. Cố lấy hết sức bình tĩnh, tôi nhấn nhẹ vào chuông.

Ngôi nhà này chắc to rộng lắm, vì tiếng chuông bấm xong rồi, tôi đứng ngoài cửa vẫn không nghe thấy. Đợi một lúc lâu vẫn không thấy động tĩnh gì cả, có lẽ chủ tớ đều ngủ say cả rồi. Không thể chần chờ được, tôi bấm chuông một lúc ba lần. Một lát sau có tiếng chân người bước ra, tiếng chân nặng nề bước nhanh ra cửa, rồi cánh cửa mở to. Một gương mặt râu ria xồm xoàm nhô ra với chiếc trán bóng, đôi chân mày sậm cau lại đôi mắt tóe lửa, bảo tôi:

- Mày có khùng hay không hở con bé?

Tiếng hét giận dữ của lão làm tôi giật mình lui lại hai bước. Tôi lắp bắp trong cơn hoảng hốt:

- Tôi... tôi à mà...

- Mày, mày là cái gì, có cút đi ngay không?

Tiếng nói như tiếng rít của con thú dữ. Trong lúc chưa lấy lại kịp bình tĩnh thì hai cánh cửa đã đóng xầm lại. Tôi hốt hoảng nhảy chồm về phiá trước, đập mạnh vào cửa. Dù sao đi nữa tôi cũng không thể bị bỏ ngoài cửa được, vì trời đã khuya rồi, tôi biết đi đâu bây giờ. Đấm thùm thụp vào cửa tôi la lớn:

- Ây da. Ông ơi, đợi tôi một chút, tôi có chuyện muốn thưa với ông!

Cánh cửa lại mở ra, chiếc đầu rối khi nãy lại xuất hiện, gần chạm vào mũi tôi, tiếng gầm gừ lại vang lên:

- Cút ngay, mày có nghe không? Ai là ây da, ở đây không có ai là ây da cả! Đi, cút ngay!

Tiếng rít của lão già nghe thật dễ sợ, tiếp theo sau là một tiếng ầm, cánh cửa lại đóng kín.

Tôi lặng người đứng nhìn hoảng hốt. Tiếng hét của lão làm tôi sợ. Nhìn cánh cổng đóng kín, tôi bỗng như bị mất cả chủ đích.

Trước khi đến Đài Bắc, tôi đã từng tưởng tượng trăm lần, nhưng không ngờ sự kiện lại xảy ra thảm não đến thế này. Tôi cũng đã từng nghĩ đến chuyện họ không cho tôi ở trọ, nhưng cũng chưa hề tưởng dược việc họ lại xua đuổi tôi một cách tàn nhẫn như thế. Tiếng hét của lão râu xồm khiến tôi không thể tỏ bày được việc gì cả. Bây giờ bị bỏ ngoài đường, trong một thành phố xa lạ lúc khuya khoắt như thế này, tôi phải làm sao đây.

Đứng chần chờ trước cổng một lúc khá lâu, tôi không biết phải đi đâu. Gió đêm thổi bùng tóc rối, trời lưa thưa vài cánh sao, tôi cảm thấy lạnh vì khí hậu giữa miền bắc và nam hơi khác biệt nhau. Nhưng không thể đứng trước cổng mở rương lấy áo mặc, thôi đành chịu lạnh vậy.

Con đường sâu hút không một bóng người, không một chiếc xe chạy qua, tôi phải đứng đây đợi sáng hay sao? Nhìn cảnh đêm trống trải, cô độc bỗng nhiên tôi muốn khóc. Phải làm sao bây giờ đây? Làm sao trời ơi! Mẹ Ở dưới tuyền đài có biết rằng tôi đã bị người ta tiếp đãi như thế này hay không?

Đứng như thế một lúc lâu, bỗng nhiên một chiếc xe đạp từ đầu đường chạy vào. Tôi nhìn trân trối, chiếc xe đạp thắng lại trước mặt tôi. Một người con trai nhảy xuống nhìn tôi lạ lùng, tôi cũng nhìn anh ta vì không biết anh ta là ai, cũng không biết nên hay không nên cho hắn biết tại sao tôi phải đứng trước cổng này.

Chúng tôi cứ nhìn nhau như thế, một khắc sau anh hỏi:

- Cô đứng đây làm chi vậy?

Đoạn quay sang nhìn chiếc va li để dưới đất cạnh tôi hắn bỗng khoanh tay lại gật gù, hỏi:

- À hay là cô bỏ nhà ra đi vì mẹ mắng chớ gì, phải không? Thôi được rồi, cho tôi biết địa chỉ, tôi sẽ đưa về nhà cho nhé.

Tôi chăm chú nhìn hắn, tên này thật là lắm chuyện, tôi nào có phải là đứa trẻ nít lên ba đâu mà hẳn tưởng bị ba mẹ mắng. Chính nhờ nhìn hắn, tôi mới thấy hắn hãy còn trẻ, chỉ độ 26, 27 tuổi gì đó, mặc áo si trắng dài tay, cúc tay không cài bỏ lửng. Áo thì hở cổ không cà- vạt, đầu tóc rối bù sù.

- Sao, chịu không? Hắn hỏi tiếp - Bộ có tính ngủ đêm ở đây sao hả? Hay là cô vào nhà ngồi chơi một chút đi nhé.

Vừa nói hắn chỉ vào đôi cánh cổng màu đỏ. Tôi choàng tỉnh, đứng thẳng người lại, hỏi:

- Bộ anh ở đây hả? Nhà này của anh đấy à!

- Vâng, tôi ở đây. Hắn gật đầu - Mặc dù đây không phải là nhà của tôi nhưng có thể tạm xem như vậy. Tôi sẽ tìm cách để cô ngủ nhờ một đêm, nhưng mai phải về nhà nghe, chịu không?

Tôi gục đầu nhìn xuống muốn khóc... tôi, tôi bây giờ không có nhà cửa. Nhưng cố trấn tĩnh, bây giờ đâu phải là lúc để xúc động, phải giải quyết vấn đề của chính mình nữa chứ.

- Tôi đến đây, mục đích là tìm giáo sư La Nghị.

Gã thanh niên ngạc nhiên:

- Tìm giáo sư La Nghị! Thế sao nãy giờ cô không chịu bấm chuông?

- Tôi đã bấm mấy lần rồi chứ, nhưng đã bị một lão cổ quái đuổi ra.

- Lão cổ quái là ai vậy?

- Vâng, một lão già cổ quái, râu tóc bùm xùm, không nhìn thấy chân mày, mồm miệng đâu cả.

Gã thanh niên bỗng nhìn tôi một cách thú vị, hỏi:

- Thế cô tìm giáo sư La Nghị có việc chi?

- Có chứ, một vấn đề hết sức quan trọng.

- Vậy cô hãy theo tôi vào nhà nhé.

Hắn cho tay vào túi tìm chià khóa mở cửa. Một tay hắn đẩy cửa ra, một tay xách valise cho tôi, bước vào. Qua khỏi cửa là một khu vườn hoa rộng lớn. Chàng thanh niên dựng xe bên căn nhà nhỏ, đóng cổng lại đoạn quay sang nói:

- Bây giờ mình vào phòng khách xem có giáo sư ở trong phòng không nhé!

Hắn bước trước, tôi theo sau. Trong đêm tối chỉ trông thấy bóng cây ẩn hiện. Qua khỏi con đường nhỏ lát đá sỏi, tôi nhìn thấy một tòa nhà đồ sộ hai từng, phiá trước có bực thềm cao và đèn hãy còn sáng. Qua khỏi bực thềm, đẩy cánh cửa kính ra, gian phòng bên trong tối om, gã thanh niên tìm công tắc điện, đèn bật sáng. Tôi thấy mình đang đứng giữa gian phòng khách lộng lẫy, bộ sa lông để cận tường, chiếc đàn dương cầm ở góc, trên có lọ hoa.

- Cô ngồi đây đợi tí, tôi sang phòng đọc sách tìm giáo sư.

Tôi ngồi đấy, trong khi hắn đẩy cánh cửa nhỏ đi ra. Tôi nhìn quanh, phòng khách này hình như có cửa ăn thông với bên ngoài bằng tấm màn voan trắng. Bốn bề yên lặng, tôi cảm thấy không an tâm. Sự mệt mỏi và cảm giác rối rắm phiền muộn bao quanh, khiến cho tôi ước mơ được trở về gian phòng nhỏ của tôi để đánh ngay một giấc ngon lành.

Có tiếng mở cửa, tôi quay lại, lòng không khỏi khiếp đảm, lão già kỳ quái hồi nãy bỗng xuất hiện, đôi mắt giận dữ đang tròn xoe nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống. Dưới ánh sáng của ngọn đèn, vóc dáng to lớn với mái tóc bồng của ông càng làm vẻ kinh dị. Tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

Lão bước tới lại gần tôi. Trong một phút, tôi bỗng có cảm tưởng lão sẽ xách cổ tôi tống ra khỏi phòng. Nhưng lão không làm vậy mà nện mạnh gót chân rồi hét to:

- Ai cho cô vào đây?

- Dạ thưa tôi ạ!

Có tiếng trả lời từ bên cửa. Lão già quay sang nhìn gã thanh niên lúc nãy cho tôi vào, hùng hổ:

- Anh à. Tại sao anh cho cô ta vào đây? Ai khiến anh vậy.

- Dạ lúc nãy cô ta nói muốn gặp mặt giáo sư. Hình như cô ta có chuyện quan trọng lắm, nhưng giáo sư đã làm cho cô ta sợ.

Gã thanh niên lơ đãng đáp. Trời! Vậy ra đây là Giáo sư đây ư? Con người kỳ quái không thân thiện như thế mà mẹ lại bắt tôi đến với ông ta. Tôi ngạc nhiên tròn xoe mắt nhìn. Giáo sư La Nghị cũng quay sang nhìn tôi, ông đưa tay lên vuốt mũi, đôi chân mày sâm hơi nhíu lại, đoạn miễn cưỡng hỏi:

- Vậy có phải cô là bạn của Hạo Hạo không?

Tôi ngạc nhiên! Hắn muốn nói gì thế? Nhưng sau đó tôi đoán ngay ra là có lẽ ông ta đã tưởng lầm tôi là người ông không thích gặp. Dầu sao đi nữa, không thể để tình trạng này kéo dài, tôi phải tự giới thiệu cho ông ta biết ngay tôi là ai mới được, tôi nói:

- Dạ tôi họ Mẫn, tên là Ức My con của Giang Tú Lâm ạ - Giang Tú Lâm là tên của mẹ tôi - Mẹ tôi có gửi cho ông bức thư.

Nói xong, tôi lấy bức thư trong vali trao ngay cho ông ta. Giáo sư La Nghị sau khi nghe xong bị xúc động như chạm phải điện. Ông há hốc miệng, đôi mắt chăm chú nhìn tôi yên lặng không đáp. Một lúc sau, như chợt tỉnh, ông chộp ngay bức thư xé toạc ra, liếc sơ nhìn những dòng chữ trên giấy, xong quay sang tôi, lời lẽ cộc lốc:

- Mẹ của em giờ ra sao?

- Chết rồi.

Ông hơi nhíu mày, hừ một tiếng trong mũi:

- Tại sao chết? Chết ở đâu?

Tôi cũng đáp gọn:

- Chết ở Cao Hùng, bệnh ung thư tử cung.

- Cao Hùng ư?

Miệng lảm nhảm không thành tiếng, một lúc sau ông lại lập lại:

- Cao Hùng?

Và quay sang,đôi mắt sáng chăm chú nhìn khuôn mặt tôi, một lúc lâu ông lại đưa tay lên vuốt mũi.

- Thôi được. Em mệt lắm rồi, mọi chuyện để mai kể tiếp nhé.

Giọng nói thô lỗ bỗng trở nên ôn tồn hơn.

- Em từ Cao Hùng đến phải không? Thôi đi ngủ ngay đi.

- Dạ.

Dáng dấp ông ta có vẻ hơi hối hận:

- Tại sao lúc nãy khi tôi ra mở cửa em không nói ngay? Nếu không gặp Trung Đan thì em đứng ngoài cửa suốt đêm sao?

Tôi bối rối:

- Nhưng lúc nãy Giáo sư nào có để cho tôi nói gì được đâu.

- Hừ! Ông ta hừ thêm một tiếng, đoạn quay sang nhìn gã thanh niên lúc nãy bảo - Lại đây Trung Đan!

Gã thanh niên lại gần, không quên mỉm cười với tôi.

- Dẫn cô này lên lầu. Giáo sư ra lệnh xong quay sang hỏi tôi - Lúc nãy em nói em tên gì họ gì đấy?

- Dạ, em tên Mẫn Ức My. Ức là ký ức, còn My là chữ My có thêm bộ thủy bên cạnh.

- Mẫn Ức My!

Ông ta nhấn mạnh từng tiếng như để ghi nhớ. Sau đó lầu nhầu trong miệng như rủa thầm một ai, hoặc là không thích tên tôi gì mấy, rồi xua tay:

- Họ Mẫn ư? Họ không đẹp lắm. Nhưng thôi, Trung Đan hãy dẫn cô họ Mẫn này lên lầu, phòng bên cạnh phòng của Khởi Khởi đó nhé.

Tôi cúi đầu lúng túng:

- Thưa Giáo sư, tôi muốn được tắm một cái trước đã ạ.

Giáo sư La Nghị bực bội:

- Trời ơi! Sao lộn xộn vậy. Lên lầu đi, đi chứ.

Tôi chần chờ một lúc xong đứng dậy. Gã thanh niên tên Trung Đan đã xách valise tôi bước ra cửa, tôi chỉ còn biết bước theo. Đến trước cửa tôi quay lại nhỏ nhẹ:

- Xin chào Giáo Sư, cám ơn Giáo sư đã cho tôi ở trọ.

Ông ta vẫn đứng đó, gương mặt đầy râu tóc dịu hẳn xuống. Những chiếc râu hơi rung động, đôi mắt sáng trộn lẫn cả nét ôn hoà, ông quay người đến ngồi trên ghế. Tôi vẫn nghe thấy những tiếng lầu bầu của ông trong phòng, nhưng không rõ lắm!

Theo chân Trung Đan, tôi di qua một gian phòng rộng lớn khác, có lẽ dây là phòng ăn của nhà họ La. Gian phòng thật rộng và ngăn nắp bên cạnh có một cầu thang dẫn lên lầu. Qua khỏi cầu thang là một hành lang rộng, hai bên là hai dãy phòng. Trung Đan dẫn tôi dến phòng thứ ba bên phải, mở cửa, bật đèn xong quay sang nhìn tôi cười:

- Cô My tôi nghĩ có lẽ giáo sư La Nghị chờ đợi cô đã mấy tháng nay rồi. Căn phòng này đã được sửa soạn từ ba tháng trước.

Tôi tò mò nhìn vào phòng, chiếc phòng ngủ được chăm sóc khéo léo và xinh xắn. Chiếc giường nệm nhỏ, bàn trang điểm, chiếc tủ đứng đựng quần áo, chiếc bàn giấy xinh đẹp trên có ngọn đèn để bàn, ngoài ra còn một chiếc kệ sách lồng kính trên có bình hoa hồng.

Trên giường, nệm gối xếp đặt ngay ngắn, chứng tỏ chủ nhân đã sẵn sàng đón nhận tôi. Sự ngỡ ngàng khiến tôi hơi ngại ngùng. Trung Đan nhìn tôi cười luôn miệng:

- Cô thấy có đẹp không? Cách bài trí nầy tương tợ phòng của Khởi Khởi, con gái giáo sư La Nghị. Tôi rất sung sướng được biết cô là một nhân vật mới của gia đình họ La. Bây giờ xin phép không dám làm phiền cô, để mai ta gặp lại nhé.

- Cám ơn anh.

Tôi không biết gọi anh ta là gì khác hơn, vì chưa biết rõ địa vị của Trung Đan trong gia đình này. Có lẽ Trung Đan cũng đoán được ý của tôi, nên hắn nói:

- Tôi họ Từ, tên Trung Đan, chữ Trung là trung gian, còn Đan là tên của một loài cây.

Ngưng một phút, hắn lại tiếp:

- Tôi chưa biết cô là ai, nhưng tôi đoán có lẽ địa vị của hai ta trong ngôi nhà này giống nhau. Thôi được rồi, mọi chuyện sẽ tính sau, bây giờ xin phép cô!

Hắn bước ra khỏi phòng, thuận tay đóng cửa lại. Và đến lúc này tôi mới buột miệng:

- Chào anh.

Tôi chắc hắn nghe rõ lời chào của tôi. Nhìn khắp gian phòng, tôi có cảm giác như đang sống trong ảo tưởng. Căn phòng này quá huy hoàng, quá xinh xắn, không thể ngờ lại có thể thuộc về tôi được. Như vậy đây là sự thật, tôi đã không hề bị nhạo báng, bị bỏ rơi, mà lại còn được đặt vào một hoàn cảnh mới sang trọng gấp trăm lần căn phòng khi xưa mẹ con tôi đã sống. Đến bên song cửa, tôi kéo cao tấm màn xanh lơ, mở toang cửa kính, luồng gió đêm từ ngoài lùa vào mang theo hương hoa thơm ngát. Hít một hơi dài, nhìn ra ngoài cửa lòng vẫn băn khoăn, tôi tự hỏi. Tôi là ai? Một đưá bé mồ côi vừa mất mẹ? Tôi hiện ở đâu đây? Ngôi nhà một người bạn xa lạ. Có phải đây là một sự thật chăng?

Ngọn gió đêm luồn qua hàng cây cao trong vườn, quanh quẩn quanh tôi rồi đi ra ngoài tiếng gió rít nhẹ như lập lại những câu hỏi mơ hồ:

- Có phải là ta đang sống thật hay chăng?

Tôi bắt đầu thức giấc khi tia nắng ban mai len vào phòng. Trong cơn mơ màng tôi không biết mình đang ở đâu. Chiếc nệm êm, chiếc gới mới còn thoang thoảng mùi vải. Khung cửa kính rung nhẹ bên ngoài khi gió mơn man, tất cả thật xa lạ với tôi.

Đôi mắt khẽ chớp, gió từ phương nào thổi đến mà lại nhẹ nhàng thơm tho như vậy. Tôi hít lấy một hơi dài, có phải mùi hoa hồng? hoa lài? hay Diễm kim hương? Trở mình sang một bên, rồi tôi lại nhắm mắt ngủ lại, nhưng gió thổi lạnh đôi vai. Cuộn kín chăn cả người, thế mà mặt vẫn lạnh, có lẽ tối qua tôi quên đóng cửa sổ chăng! Nhưng tôi nhớ rõ là mình đã đóng kín rồi cơ mà, thế thì gió từ đâu đến đây? Tôi lăn người trở lại cố gắng mở mắt và choàng tỉnh.

Đôi mắt nhìn thẳng vào khung cửa sổ, tôi ngạc nhiên vô cùng, vì đôi cánh cửa đang mở, chiếc màn xanh lơ đang phất phơ trong gió. Nhưng điều tôi ngạc nhiên, không phải là vì cửa sổ bị mở tung ra, mà vì chiếc bóng trắng đang đứng cạnh cửa, chiếc bóng bất động mờ ảo như sương.

Đó là bóng dáng của người đàn bà, đang hướng mặt nhìn ra phiá ngoài, quay lưng về phiá tôi. Chiếc áo dài lụa trắng, mái tóc đen xõa ngang vai bị thổi tung bay trong gió, dáng cao và gầy của bà lồ lộ trong lớp vải. Tôi chăm chú nhìn, không hiểu tại sao bà ta lại xuất hiện trong phòng tôi? Bà ta là ai? Chờ đợi một lúc lâu vẫn thấy bà đứng bất động như đang chú tâm nhìn một cái gì ngoài cửa sổ. Tôi giả vờ ho khẽ một tiếng, bà nghiêng đầu nhìn sang và nhẹ bước đến cạnh giường.

Bà đứng đấy chăm chú nhìn tôi, và tôi vẫn nằm yên nhìn bà không chớp mắt. Gương mặt thật lạ lùng nghiêm trang, trắng xanh, chỉ có đôi mắt to là mang vẻ sống động. Đôi mắt sâu hút đó đang chăm chú nhìn tôi trong khi đôi môi mím chặt như không muốn lời nói thoát ra ngoài.

Chúng tôi cứ thế yên lặng nhìn nhau. Trời sáng dần, ánh sáng tràn ngập căn phòng khiến tôi dễ dàng nhận diện khuôn mặt bà hơn. Tuy không còn trẻ, đôi mắt đã có những vết xếp, mép đã hằn vết tích của thời gian, nhưng làn da vẫn mịn màng. Có lẽ bà đã ngoài bốn mươi. Một lúc sau bà xoay ánh mắt ra song cửa và buông tiếng thở dài não nuột, chua xót, bà nói nhỏ nhẹ:

- Chị ấy chết thật rồi sao?

Tôi không biết có phải bà ấy hỏi tôi hay không? Tôi cũng không biết tiếng chị ấy là để hỏi ai? Nhưng tiếng nói của bà đã đánh tan lòng nghi hoặc ban đầu. Ngôn ngữ có thể làm tiêu tan vẻ xa lạ giữa người với người. Tôi đoán có lẽ bà là bà chủ của ngôi nhà này, vì thế tôi mong chúng tôi có thể thân mật nhau hơn.

- Thưa bà, bà hỏi tôi?

Bà ta quay sang nhìn tôi lạnh lùng:

- Vậy chớ cô tưởng tôi nói ai?

Tôi cảm thấy hơi ngỡ ngàng:

- Bà muốn hỏi mẹ tôi đấy à? Mẹ tôi đã chết rồi, thưa bà.

Bà ta nhìn tôi một lúc, đoạn gật đầu như nói thầm một mình:

- Chết rồi à?

Bà quay sang nhìn song cửa với đôi mắt âu sầu.

- Chết là đã được giãi thoát!

Bà lại quay sang nhìn tôi, rồi lảng lặng bước ra khỏi phòng. Tiếng bước thật nhẹ không gây một tiếng động. Khi bóng bà đã khuất, tôi mơ hồ cảm thấy thái độ của bà như không thân thiện với tôi lắm.

Ngồi trên giường, hai tay ôm lấy gối tôi nghĩ ngợi mãi vẫn khônng tìm thấy một lý do, chỉ biết là mình đang sống trong một hoài cảnh lạ lùng. Mẹ thường nói tôi không thực tế, hay nghĩ vẫn vơ, tôi phải học làm người lớn. bỏ cái bản tính trẻ con. Choàng dậy, thay áo quần, mở cửa ra ngoài hành lang trống vắng không một tiếng động, nhìn đồng hồ đã tám giờ, có lẽ ngoài tôi ra mọi người trong gia đình này đều quen thói ngủ trưa cả.

Đến phòng rửa mặt, nhìn dáng mình trong gương tôi thấy thích thú, đôi mắt long lanh với đôi má phúng phính mà mẹ thường bảo là chưa hề biết đau khổ là gì. Đó là một sự thật vì trước ngày mẹ bệnh, cuộc đời tôi chưa hề khổ đau bao giờ, tôi thích cười dù sung sướng như cọng cỏ "vô ưu". Cọng cỏ không bao giờ buồn. Tôi khôntg biết có cây cỏ nào mang tên như vậy không. Chỉ nghe mẹ thường bảo và gọi tên tôi như vậy thôi. Nhưng mà, đến khi mẹ bệnh và mất đi, thì niềm vui của tôi cũng khép lại. Cọng cỏ không buồn của mẹ giờ đang đương đầu với một tương lai mờ mịt.
Chương trước Chương tiếp
Loading...