Cất Giấu Một Tấm Chân Tình

Chương 9



Trong hai ngày cuối cùng ở bản A Tứ, Hà Phương tranh thủ làm thêm bút màu cho lũ trẻ, trong lúc chờ đợi sáp khô sẽ ra sân lật trở đám cá khô phơi trên giàn.

Cô giáo Lương hôm nay không có tiết, giờ ấy đang tranh thủ nhặt mớ rau cỏ mới hái về để làm cơm trưa cho lũ trẻ. Thấy bóng Hà Phương loay hoay trở cá mới lên tiếng:

“Ngày mai Phương thích ăn món gì, chị nấu cho em ăn”

“Em ăn bình thường thôi mà, mọi người đừng tốn kém nấu nướng gì cả, cứ ăn một mâm cơm bình thường như mọi lần, uống mấy chén rượu chia tay là em vui rồi”.

Cô giáo Lương cười cười: “Làm sao thế được, em về rồi chắc không bao giờ quay lại chỗ này nữa, phải làm mâm cơm chia tay cho đàng hoàng chứ”.

Hà Phương cũng không muốn tranh cãi mãi vấn đề này, tay cô thoăn thoắt lật mấy con cá hôm trước mấy người bọn họ đã câu từ suối về, cá đã được A Văn làm sạch và ngâm muối, giờ phơi cho lũ trẻ ăn qua mùa đông: “Chị Lương tháng mấy thì về xuôi?”.

“Chắc sang đầu năm sau, hôm trước chị có gửi đơn xin, nghe nói phòng giáo dục cũng đã xét duyệt rồi, chờ đủ thời gian công tác, có giáo viên mới đến thì chị sẽ đi”.

“Chắc về rồi cũng sẽ không bao giờ quay trở lại nơi này nữa phải không?”

Câu hỏi này của Hà Phương như chọc thẳng vào tâm can của cô giáo Lương, trong phút chốc cô giáo Lương bối rối chẳng biết đáp thế nào.

Năm năm, chịu đựng vất vả ở nơi rừng núi hoang vu thế này chỉ để nuôi hy vọng có thể được biên chế và trở về miền xuôi, cô giáo Lương luôn đợi ngày có thể quay lại quê hương đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng sống lâu ở một chỗ sẽ không tránh khỏi nảy sinh cảm giác gắn bó, nhắc đến chuyện rời xa, tự nhiên cô giáo Lương lại có chút không nỡ rời bỏ lũ trẻ vùng cao nghèo khổ.

Có điều, cô không đi được sao? Tuổi trẻ và thanh xuân đã cống hiến ở chốn này, suy cho cùng, cô giáo Lương không cao thượng đến mức có thể dành trọn đời mình cho nền giáo dục vùng cao như thầy hiệu trưởng A Sì Lử, cô ấy cũng có khát vọng tầm thường như bao người tầm thường khác, mưu cầu cá nhân chính đáng của một con người không thể nào so được với lòng kính nghiệp.

Cô giáo Lương cúi đầu, buồn bã đáp: “Ừ. Chị về với mấy đứa nhỏ. Thiếu mẹ gần 5 năm, hai đứa thiệt thòi nhiều rồi. Giờ chúng nó chuẩn bị đến tuổi ẩm ương khó bảo, không có mẹ ở bên thì khó uốn nắn lắm. Với cả về xuôi xong chắc cũng sẽ bận rộn với công tác mới, hiếm có cơ hội để đi đâu xa nữa”.

“…”

Dừng một lúc, thấy Hà Phương không trả lời, cô giáo Lương lại tiếp tục: “Với cả chồng chị nói, anh ấy chỉ chờ chị được 5 năm. Đàn ông mà, mình bỏ họ cô quạnh mấy năm dài đằng đẵng rồi, sao mà chờ mình mãi được”.

Hà Phương gật đầu: “Gia đình sum họp là chuyện tốt”.

“Rời khỏi đây em sẽ đi đâu?”.

“Em cũng không biết, nghề của em phải đi khắp mọi nơi, chỗ nào cho mình cảm hứng thì sẽ đến”.

“Vài năm nữa, nếu có thời gian lên Yên Bái thì gọi điện thoại cho chị nhé. Nhà chị ngay ở đầu Yên Bái, có nhiều đặc sản hay ho lắm”

“Vâng, có dịp đến nhất định em sẽ gọi”.

Cô giáo Lương “ừ” nhẹ một tiếng, nhặt nốt mớ rau rồi đứng dậy, đến giàn phơi chỗ Hà Phương để lấy mấy con cá mang vào bếp rán. Lúc chuẩn bị quay vào, bỗng dưng cô giáo Lương lại nhớ ra một chuyện: “À đúng rồi, chị nhớ mang máng trước thầy A Sì Lử có nói quê bác sĩ Việt cũng ở Hà Nội đấy. Hai người nhớ giữ liên lạc nhé, biết đâu có duyên còn gặp nhau”.

“Nhà anh ấy ở Hà Nội ạ?”. Hà Phương khẽ cau mày.

“Ừ, trông cậu ấy khác hẳn bọn chị đúng không? Nói giọng nhẹ lắm, mà nhìn người cũng khác người xuất thân từ nông thôn như A Văn với thầy A Sì Lử. Cậu ấy thì không kể về bản thân bao giờ, nhưng chắc cũng là con nhà có gia giáo đấy”.

Hà Phương cười: “Có lẽ vậy ạ”.

Ánh mặt trời lặn xuống, một ngày mới lại lên, hai ngày trôi qua nhanh đến mức cô có cảm giác chỉ chớp mắt một cái là đến. Buổi tối trước hôm cô đi, mọi người quây quần ở sân nấu một nồi lẩu ngoài trời, thầy A Sì Lử mang mấy vò rượu ngô đã ủ mấy năm đến, cười bảo:

“Tối nay mọi người ai cũng phải uống một ly nhé, rượu ngô của tôi tự ủ đấy, mùi thơm lắm”.

Nhã Lam dọn thức ăn lên bàn, nhìn quanh một vòng vẫn chưa thấy Đình Việt và A Văn về mới nói: “Thầy ơi, có chờ anh Việt và A Văn không ạ?”

“Buổi sáng Việt nói hôm nay phải tiêm phòng mấy thôn trong núi, sợ buổi chiều về không kịp, dặn mọi người cứ ăn trước”. Thầy A Sì Lử thở dài: “Giáo viên chúng ta đã khổ rồi mà mấy người làm ở trạm xá còn khổ hơn, cả ngày rong ruổi đi hết thôn này đến thôn kia, nửa đêm bị gọi cũng vẫn phải dậy đi, đến cơm cũng không được ăn tử tế nữa”.

“Đúng thế, rõ là vất vả, tiền lương còn thấp hơn giáo viên chúng ta nữa”. Nhã Lam lấy một chiếc đĩa sạch đặt lên bàn, chuẩn bị gắp thức ăn vào: “Để em cất một ít đồ ăn cho các anh ấy”

“Tôi để dành rượu cho Việt và A Văn”.

Cất xong đồ đạc, mọi người bắt đầu ngồi ở bàn dài ngoài sân, ăn lẩu uống rượu. Thầy A Sì Lử cũng giống cô giáo Lương, hỏi Hà Phương rời khỏi chỗ này xong sẽ đi đâu, còn nói thầy có một người bạn cũ làm ở nhà xuất bản, hỏi cô có cần giúp liên hệ để tìm nơi xuất bản sách hay không.

Hà Phương vội xua tay: “Không cần phiền chú nhiều thế đâu ạ, trước đây cháu cũng từng xuất bản một vài cuốn sách, cũng biết sơ sơ được quy trình, cháu tự làm được ạ”.

“Ừ, thật ra người bạn đó lâu lắm rồi tôi cũng không liên lạc, nhưng Phương lên đây đã làm được nhiều chuyện cho bọn nhỏ mà. Tôi có thể giúp gì thì sẽ giúp hết lòng, nên nếu cần thì Phương cứ nói nhé”.

“Vâng, cháu biết ạ. Cháu sẽ cố gắng viết thật tốt để xuất bản. Hiệu trưởng, cháu cũng hy vọng sẽ có nhiều người biết đến chỗ này”.

Thầy A Sì Lử uống cạn một chén rượu ngô, trầm ngâm nhìn về nơi xa xăm rất lâu mới khẽ gật đầu: “Nói cái này Phương đừng cười, mặc dù nhà hảo tâm lên đây cũng chẳng được mấy người thật lòng, nhưng dù họ có làm những việc như vậy để đánh bóng tên tuổi thì lũ nhóc cũng vẫn được hưởng một chút lợi lộc. Ít nhất có vài cuốn vở mới, có vài đôi dép để đi, hoặc quần áo cũ để mặc. Mùa đông ở đây rét buốt lắm, quần áo của bọn nhóc có được mấy cái đâu, rách bươm nữa, xin được ít quần áo cũ là mừng lắm”.

Những điều này Hà Phương đã đoán được, nhưng nghe chính miệng thầy hiệu trưởng nói ra, lòng cô vẫn như bị thứ gì đó chẹn lại, cảm giác nghẹn ngào quanh cổ họng, muốn nói cũng chẳng biết phải nói thế nào. Lát sau, cô duỗi tay cạn chén rượu ngô với thầy A Sì Lử, chậm chạp đáp: “Thầy A Sì Lử, mọi thứ rồi sẽ tốt thôi”.

“Đúng vậy, sẽ tốt thôi”. Thầy A Sì Lử uống cạn ly rượu, khà một tiếng: “Một ngày nào đó bọn nhóc sẽ được ra huyện đi học, rồi đi thành phố học Đại học, trở về xây dựng quê hương tốt đẹp hơn”.

“Cháu kính chú một ly”.

“Cạn chén”.

Nồi lẩu bốc khói lên nghi ngút, mùi thức ăn và rượu ngô thơm lừng cả một góc sân, khi uống hết nửa vò rượu ngô thì Đình Việt và A Văn mới về. Đi cả ngày trời, gương mặt bọn họ không giấu nổi nét mệt mỏi, A Văn thấy mọi người đang quây quần thì đầu mày ngay lập tức giãn ra, cười nói mấy câu.

Nhã Lam lập tức đứng dậy đỡ hộp dụng cụ trên tay Đình Việt: “Sao hai người về muộn thế? Nhanh lên đi rửa tay rồi vào ăn cơm, hôm nay bọn em nấu lẩu ngon lắm”.

“Ừ”. Đình Việt gật đầu, lúc đi ngang qua bàn ăn có liếc Hà Phương một cái, cô cũng nhìn anh, nhưng chỉ một giây sau Đình Việt đã lạnh nhạt quay đi. Anh và A Văn ra giếng rửa tay.

Nhã Lam vào bếp bưng đồ ăn ra, hai người bọn họ vừa rửa tay xong đã nhanh chóng bị thầy A Sì Lử kéo vào uống rượu.

A Văn đói nên lập tức vùi đầu vào ăn uống, vừa nhồm nhoàm nhai vừa nói chuyện cùng mọi người. Đình Việt ăn chậm rãi hơn, anh cũng uống rượu, chẳng uống được bao nhiêu mặt mũi đã đỏ gay.

“À phải rồi, ngày mai Việt đưa Phương ra ngã tư Cổ Lương cho cô ấy bắt xe nhé”. Thầy hiệu trưởng đột nhiên nhớ ra chuyện hôm trước Hà Phương phải đi bộ vào đây nên bảo anh: “Hôm trước hai người đi ra chợ phiên cùng nhau, chắc giờ đi cùng cũng không vấn đề gì chứ?”

Đình Việt khẽ nhíu mày, anh suy nghĩ vài giây rồi bình thản đáp: “Ngày mai cháu vẫn còn phải vào thôn tiêm chủng, để A Văn đưa cô ấy đi ạ”.

A Văn đang ăn một gắp rau đầy, định há miệng thì Hà Phương đã lên tiếng trước:

“Cháu tự đi được ạ, cũng chỉ có mấy cây, ngày mai mọi người còn phải làm việc nữa, không cần tốn thời gian đưa cháu đi đâu. Mấy cây số đi nhanh thôi ấy mà”.

“Sao thế được, từ đây ra bản Tam cũng hơn 4 cây, bọn tôi đi bộ được chứ con gái đi bộ thì vất vả lắm. Nếu A Văn ngày mai không phải vào thôn thì đưa Phương đi một lúc nhé, có được không?”

Lần này, A Văn đành phải vội vã gật đầu: “Được ạ”.

Đêm trôi qua nhanh, nồi lẩu cuối cùng cũng cạn hết, vò rượu ngô của thầy A Sì Lử cũng rỗng tuếch trơ đáy, mấy người ăn uống trò chuyện hồi lâu cũng đã mệt, dọn dẹp xong cũng trở về phòng đi ngủ.

Hà Phương lâu rồi mới uống nhiều như vậy, vị rượu ngô rất đằm, cũng lặng lẽ ngấm sâu, cô vừa trèo lên giường đã quay cuồng thiếp đi, trong cơn say không tự chủ lại mơ về một giấc mộng cũ.

Ký ức nhập nhoạng quay về vô vàn khoảng thời gian, đầu tiên là năm cô 16 tuổi, thời gian đó bố mẹ cô cãi nhau nhiều nhất, mỗi khi trở về nhà đều nghe những tiếng gào thét đập phá, có một lần, một chiếc đĩa còn đập thẳng vào trán Hà Phương.

Mặc cô chảy m.á.u đầm đìa, bọn họ vẫn giằng co xem ai là người đưa cô đi bệnh viện, mẹ cô hét lên:

“Nó là con của ông, ông tự đưa nó đi đi”

“Nó là con tôi thế không phải con bà à? Bà là mẹ nó, đĩa cũng là bà ném, bà tự đi mà đưa”

“Sao? Không đưa à? Muốn tôi đưa nó đi để ông có thời gian đến bên người tình của ông đúng không?”. Mẹ cô cay nghiệt cười phá lên: “À phải rồi, ông có con riêng với con ranh kia rồi thì cần gì con gái của ông nữa. Muốn sinh con trai phải không? Tôi nói cho ông biết, cả đời ông cũng đừng mơ có con trai. Hạng như ông chỉ đẻ được con gái thôi, ông có ra ngoài cặp bồ, đẻ cả trăm lần cũng chỉ ra con gái thôi. Nhà ông sẽ tuyệt tử tuyệt tôn, không có người nối dõi. Tôi nguyền rủa cả dòng họ nhà ông không có người kế nghiệp”

“Bà…”. Người đàn ông nổi giận vung tay tát vào mặt mẹ cô, lần đầu tiên bị đánh, mẹ cô đã sững sờ rất lâu, sau đó lại nổi đ.iên xông lại, liên tục cào cấu vào người bố cô: “Ông đánh tôi? Đồ kh.ố.n, ông đánh tô? Ông có biết tôi là ai không? Không có tôi thì ông giờ vẫn chui rúc ở xó xỉnh nào rồi, ông nhận ơn nhà tôi mà dám phản bội tôi? Giờ ông còn đánh tôi?”

Má.u trên trán Hà Phương chảy càng lúc càng nhiều, che mờ cả hai mắt, cô không có cảm giác đau đớn chỉ thấy trống rỗng đến mỏi mệt. Chẳng biết đã chịu đựng những tiếng mắng chửi ấy bao lâu, cũng chẳng biết đã ngất xỉu từ khi nào, chỉ biết đến khi tỉnh dậy thì cô đã nằm trong bệnh viện. Những tiếng mắng chửi đã ngưng, bố mẹ cô cũng ngừng cãi vã từ lúc đó.

Tuy nhiên, có những mối quan hệ đã không thể cứu vãn, cũng giống như tim c.hế.t, lòng cũng nguội tàn, có cố gắng đến mấy cũng chỉ có thể tạo ra một cái vỏ bọc cho người ta thấy. Bố mẹ cô cũng vậy, bọn họ vẫn có nhiều lợi ích chung nên buộc phải đóng một vở kịch gia đình hạnh phúc trước mặt tất cả mọi người, kể cả Hà Phương.

Ký ức trong giấc mơ của cô biến đổi liên tục, nhớ đến quãng thời gian mà ngày nào bố cũng đi cùng cô bồ trẻ đẹp, mẹ cô xúng xính váy áo đi gặp người tình của bà. Ở tuổi dậy thì ẩm ương, tâm hồn của Hà Phương bắt đầu xuất hiện rất nhiều lỗ hổng, cô cô độc, lạc lõng và bi quan với cuộc sống vốn dĩ đầy rẫy những giả tạo này, nhưng lại không biết có cách nào để thoát ra được.

Hà Phương lặng lẽ thu mình trong thế giới nội tâm của riêng cô, chịu đựng gần 2 năm thì cuộc hôn nhân của bố mẹ cô chính thức tan vỡ. Tin tức ngập tràn trên mặt báo, những bức ảnh bố mẹ cô cặp kè cùng nhân tình xuất hiện ở mọi nơi, cuối cùng bọn họ cũng quyết định ly hôn, nhưng sau cuộc hôn nhân ấy, kẻ tổn thương nhất không phải là cha mẹ mà là Hà Phương.

Cô phải hứng chịu rất nhiều lời bàn tán xỉa xói của người đời, hứng chịu rất nhiều ánh mắt thương hại và sự khinh bỉ của bạn bè xung quanh. Năm ấy, Hà Phương còn quá trẻ, mũi dùi dư luận lại sắc bén đến nỗi có thể g.iế.t c.hế.t được cả một con người, bản thân cô vốn đã chịu đủ áp lực, cuối cùng không thể gánh nổi cú sốc đó. Cuộc sống của cô như chìm sâu vào tăm tối, như một con chim lạc đàn cô quạnh giữa giới xung quanh, không bạn bè, không tình thương, sống như một kẻ đã c.hế.t.

Nhưng sau đó đã có một tia sáng lặng lẽ chiếu soi cuộc đời cô…

Chàng thiếu niên năm ấy cắt đầu đinh, mặc chiếc sơ mi trắng, cao gầy và rất đỗi dịu dàng!

Mỗi ngày sau khi tan học anh đều đứng đợi cô ở con ngõ nhỏ ở cổng sau sân trường, mỗi dịp lễ đến anh đều lén lút đặt vào trong ngăn bàn của cô một hộp quà nho nhỏ, ngày nào lên thư viện anh cũng lặng lẽ theo sau cô.

Có lần Hà Phương hỏi: “Cậu không cười tôi giống bọn họ sao?”

“Sao tôi phải cười cậu?”.

Cô cúi đầu, ngượng ngập đáp: “Vì tôi không giống như bọn họ”.

“Ừ, cậu không giống”

Nụ cười của chàng thiếu niên ấy đẹp như ánh nắng, từng khớp xương trên đôi bàn tay vừa thon vừa dài. Minh Quân đưa tay vuốt tóc cô, giọng nói mềm mại như gió thoảng: “Cậu đáng yêu hơn nhiều”

Trái tim nhiều lỗ hổng của Hà Phương bất giác rung lên một nhịp, tai cô đỏ bừng, im lặng hồi lâu cũng không đáp, chỉ vội vã chạy đi, rời khỏi con ngõ đó rất lâu rồi mà trái tim vẫn đập loạn lên ở trong ngực.

Sau đó, chàng thiếu niên ấy từng bước tiến vào đời cô từ lúc nào không biết, ban đầu chỉ là bạn bè, rồi dần dần trở thành tri kỷ. Những người xung quanh đều chê Hà Phương khó nói chuyện, chỉ có anh bằng lòng đến gần cô.

Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi đi, đến năm thứ 3 Đại học thì mẹ Hà Phương biết chuyện, bà không hỏi đầu đuôi đã lôi cô về nhà mắng một trận: “Tương lai mày còn phải đi du học, phải trở nên giỏi giang thành đạt, có lấy chồng cũng phải lấy người tương xứng. Mẹ điều tra nhà thằng oắt con đó rồi, bố mẹ nó chỉ làm công nhân bình thường, làm sao xứng với gia đình mình? Tốt nhất là nhanh chóng chấm dứt đi”

“Mẹ, bọn con chỉ là bạn thôi. Với cả bố mẹ cậu ấy có làm gì cũng chẳng liên quan đến mối quan hệ của bọn con”

“Không liên quan?”. Bà lồng lộn chỉ tay vào trán cô: “Mày học ai không học, chỉ học bố mày là giỏi. Người ta nói ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, mày chơi với người giàu thì mày mới sang lên được, chơi với những đứa thấp hèn thì cũng chỉ bị chúng nó làm cho dơ bẩn thôi con ạ. Mày nghĩ nó thật lòng muốn chơi với mày đấy à? Là vì nó thấy mày có tiền, nó muốn lợi dụng mày thì có”

“Cậu ấy không phải người như thế”.

“Không phải? Mày tin à?”. Mẹ cô cười khẩy: “Đừng tưởng mẹ không biết, nó luôn tìm cách tiếp cận mày. Sinh viên tan học đi cổng trước, sao chỉ mình nó đi cổng sau? Là nó nhìn thấy xe nhà mình đấy con ạ, hạng như nó cả đời không bao giờ được ngồi lên xe sang, thấy xe nhà mình là mắt sáng rực lên. Còn nữa, lần trước nó nói bố nó bị tai nạn, mày còn đến trả tiền viện phí cho bố nó đúng không? Nếu nó không lợi dụng mày, sao lại nhận tiền của mày?

“Đúng là cậu ấy nhận, nhưng là do con tự nguyện. Cậu ấy cũng đã hứa trả lại cho con, bây giờ vẫn đi làm thêm kiếm tiền trả tiền cho con. Mẹ đừng vu oan cho cậu ấy”.

Năm ấy, mặc dù Hà Phương đã nói không cần nhưng Minh Quân vẫn nỗ lực tìm cách trả lại tiền cho cô, ban đầu vốn dĩ chỉ làm thêm một công việc, nhưng vì muốn sớm trả số tiền viện phí ấy mà Quân đã xin thêm một công việc khác, một ngày vừa đi học vừa làm hai ca, có những buổi vội quá chỉ có thể ăn tạm một chiếc bánh mì để đến lớp.

Hà Phương tin một ngày nào đó Minh Quân sẽ đủ khả năng gồng gánh tương lai của chính anh, số tiền kia cũng sẽ trả lại hết cho cô, nhưng mẹ cô lại không tin điều đó. Có lẽ vết sẹo về chuyện của bố cô quá lớn nên bà luôn đề phòng với tất cả mọi người xung quanh, bà sợ con gái bị lợi dụng, Hà Phương hiểu.

Cô luôn nhẫn nhịn đợi chờ, chờ mọi chuyện lắng xuống, nhưng mẹ biết không khuyên nhủ được cô nên sau đó đã bắt đầu can thiệp vào cuộc sống của chàng thiếu niên kia.

Chẳng biết bà kiếm được từ đâu chuyện bố Minh Quân đã từng ngồi tù rồi đem bêu rếu khắp trường, sau đó, bà tung tin anh lợi dụng Hà Phương, ngửa tay nhận tiền viện phí của cô để cho người cha từng đi tù kia nằm viện, thậm chí còn tác động nhà trường đuổi học chỉ vì anh mải làm thêm mà bỏ lỡ một kỳ thi.

Những bài viết trên diễn đàn của nhà trường được hàng ngàn lượt bình luận, những lời mắng chửi và cả việc bị thôi học dần dần tích tụ lại thành một cái gai trong lòng anh, cuối cùng mũi dùi của dư luận trước kia suýt nữa đã từng g.iế.t Hà Phương, bây giờ lại đột nhiên chuyển hướng g.iế.t c.hế.t một người khác.

Vào một đêm trời Hà Nội xuống đến 4 độ C, chàng thiếu niên cao gầy sáng ngời năm ấy đã được tìm thấy dưới sân một tòa nhà bỏ hoang, thân thể không còn nguyên vẹn, gương mặt rất đỗi dịu dàng kia đầm đìa máu, khi c.hế.t, một giọt nước mắt vẫn đọng ở khóe mi anh…

Ánh sáng duy nhất cuộc đời Hà Phương lụi tắt, cô phát đ.iên từ khi đó!

Mẹ cô dùng tiền để dẹp yên toàn bộ dư luận, đưa cho bố mẹ Minh Quân một khoản tiền coi như xoa dịu rồi đẩy họ về quê, nhưng trái tim của Hà Phương, bà có dùng trăm cách nghìn cách thì cũng không thể nào sống dậy nổi.

Cô trốn ở một góc tối trong phòng, hết khóc lại cười, mới hơn nửa tháng mà đã tiều tụy đến nỗi người không ra người, quỷ không ra quỷ. Có một lần cô đã leo lên sân thượng, định thử cảm giác được thả tự do từ trên cao xuống rồi vỡ nát dưới mặt đất giống như chàng thiếu niên kia, nhưng cuối cùng trong giây phút quyết định, mẹ vẫn là người tìm thấy và lôi cô xuống.

Bà liên tục khóc, van cầu cô: “Phương, bố con bỏ mẹ đi rồi, bây giờ chỉ có mình con, con mà bỏ mẹ đi thì mẹ biết sống làm sao? Mẹ biết sống làm sao bây giờ”

Hà Phương vô hồn nhìn lên bầu trời cao: “Mẹ có biết vì sao con chỉ có một người bạn là anh ấy không?”. Không đợi bà đáp, cô đã tự trả lời: “Vì chỉ có anh ấy bằng lòng làm bạn của con, chỉ có anh ấy ở bên con. Mẹ, sao mẹ có thể tàn nhẫn như thế? Anh ấy không làm sai gì cả, nhưng anh ấy c.hế.t rồi…”

Mẹ cô gào lên: “Mẹ xin lỗi con, mẹ xin lỗi con”.

Cuối cùng, Hà Phương phải gặp bác sĩ điều trị trong một thời gian rất dài. Bác sĩ nói tình trạng bệnh của cô quá nặng, ở Việt Nam lại có quá nhiều ký ức đau thương nên khuyên mẹ cô nên đưa cô đi đâu đó. Bà quyết định đăng ký cho cô du học ở Mỹ, mua một căn nhà ngay ở ngã tư sầm uất, thuê người giúp việc, thuê cả bác sĩ tâm lý ở bên cô 24/24, mọi sinh hoạt của Hà Phương bà vẫn giám sát, nhưng bà không can thiệp vào chuyện cô kết giao bạn bè với ai nữa.

Thật đáng buồn, không bị ngăn cấm nhưng Hà Phương lại không thể mở lòng ra để tiếp nhận thêm bất kỳ ai. Chuyện quá khứ đã trở thành một lời nguyền bóp chặt lấy tâm can cô, hủy đi toàn bộ khao khát đẹp đẽ của Hà Phương, khiến cô trở nên kháng cự và bi quan đối với tình cảm giữa con người với con người.

Nó khiến cô cảm thấy mình thật dơ bẩn!

Cô bắt đầu học hút thuốc, uống rượu, xung quanh đôi khi cũng có một vài người đàn ông nhưng cô chưa từng nghiêm túc với bất cứ ai. Hà Phương không định nghĩa mà cũng chẳng muốn định nghĩa việc gắn bó với ai đó là thế nào cả. Trái tim cô đã c.hế.t rồi…

Ba năm sau cô tốt nghiệp, bệnh trầm cảm cũng đã khá hơn. Mẹ cô lúc này đã kết hôn với một người đàn ông khác, ông ta giàu có, tốt bụng, lại có một đứa con trai riêng kém cô 6 tuổi, thằng nhóc luôn ngưỡng mộ cô, mỗi lần gọi điện thoại sang cũng chỉ nói đi nói lại một câu: “Chị Phương, em đọc sách của chị hơn 10 lần rồi đấy, em hâm mộ chị lắm, bao giờ thì chị về?”.

Hà Phương đi Châu Phi viết sách về động vật, lang bạt ở Tây Á tìm cảm hứng viết về nguồn tài nguyên thế giới, đến các nước Trung Đông viết về chiến tranh, cô phiêu du đến mọi chân trời góc bể, rời xa Việt Nam 4 năm cô mới trở về nước.

Lúc đặt chân trở lại Hà Nội, cô vẫn quay lại ngôi trường xưa, ở con ngõ đó dường như có một chàng thiếu niên mặc áo sơ mi trắng, cắt đầu đinh đang chờ đợi cô. Minh Quân đứng đó cười tươi như ánh nắng: “Phương, trở về rồi”.

“Em trở về rồi, anh đi đâu, có thể cho em đi cùng được không?”

“Không được”. Minh Quân lùi dần về phía sau, bức tường cao 3 mét của trường phút chốc trở thành một hố đen sâu thẳm: “Chỗ của anh em không đến được, em cứ ở lại đó, tiếp tục làm nhà văn, đi đến nơi nào em muốn, gặp gỡ người đàn ông nào em thích, thế có được không?”

“Không, em đi theo anh. Anh cho em đi cùng đi, cho em đi với anh”.

Minh Quân vẫn lắc đầu: “Không được”. Nói xong, anh từ từ biến mất, Hà Phương vừa khóc vừa đuổi theo nhưng vẫn không kịp, tay cô chỉ với đến vạt áo anh, còn chưa nắm được thì tất cả đã tan biến. Hà Phương giật mình choàng tỉnh dậy, nhìn xung quanh căn nhà gỗ mới phát hiện ra mình vừa gặp ác mộng, Minh Quân cũng đã c.hế.t cách đây 6 năm, cô cũng không còn là cô gát nhút nhát nhu nhược năm đó nữa mà đã là một nhà văn có tên tuổi, hiện tại đang ở bản A Tứ.

Cảm giác chân thật của giấc mơ ban nãy vẫn chưa thể nào tan đi, Hà Phương run rẩy đưa hai tay lên xoa mặt, im lặng một lát mới có cảm giác từ từ sống lại. Nhưng cô không thể ngủ tiếp nữa, đành xuống giường, lặng lẽ ra ngoài sân hút thuốc.

Có điều, lúc mở cửa bước ra thì lại thấy có một bóng người đang ngồi ở chiếc bàn dài giữa sân. Tối nay trăng sáng, ánh trăng vẫn soi lên mái tóc anh, Hà Phương nhận ra tóc của Đình Việt đã dài hơn lần gặp đầu tiên, không còn là đầu đinh nữa.

Cô bước thật chậm, không phát ra tiếng động nhưng anh vẫn quay đầu lại: “Dậy sớm thế?”

Hà Phương cười: “Mấy giờ rồi?”

“Khoảng 2h sáng”.

“Là do anh không ngủ hay do tôi dậy sớm?”

Đình Việt trầm mặc suy nghĩ một lát mới nói: “Cả hai”.

“Sao anh lại không ngủ?”

Anh không đáp, chỉ dịch người vào gọn một góc, tỏ ý nhường ghế cho Hà Phương. Cả một băng ghế dài như vậy nhưng cô lại chỉ chọn một chỗ sát gần anh. Trời cao trăng sáng, ở đây có một người đàn ông đẹp trai, chẳng biết sau này có còn gặp lại hay không nên cô muốn tranh thủ gần anh thêm một chút.

Cả hai người đều không nói chuyện, chỉ im lặng lắng nghe những tiếng côn trùng kêu râm ran chẳng rõ từ phương nào. Một lát sau Hà Phương mỏi lưng, cô lặng lẽ tựa vào vai anh. Đình Việt theo phản ứng muốn tách ra, nhưng cô nói: “Anh ngồi yên, dùng việc này trả công cho tôi đi. Chuyện đi đỡ đẻ cùng anh ấy, anh vẫn chưa trả công cho tôi”.

Cô bĩu môi, giọng nói không nghe ra phần nào tán tỉnh, chỉ có ấm ức như đang đòi lại công bằng cho mình: “Tôi mỏi lưng, chỉ dựa vào một lát thôi. Không sờ anh”

Đình Việt không rõ người phụ nữ này đang nói thật hay do lòng mình đen tối nghĩ lung tung, nhưng thấy đôi mắt trong sáng nhìn lên bầu trời của Hà Phương, cuối cùng anh đành im lặng, không đẩy cô ra nữa.

Một lát sau, lại nghe tiếng cô nói: “Sau khi rời khỏi đây, nhất định tôi sẽ nhớ ánh trăng ở nơi này”.

Đình Việt trầm mặc: “Hãy quên đi”.

“Tại sao phải quên?”.

“Trăng ở nơi nào cũng giống nhau”

“Khác đấy”. Hà Phương cười cười: “Trăng ở nơi này sạch sẽ, sáng, có cảm giác bình yên”. Ngừng một lát, cô mới nghiêng đầu sang nhìn anh. Yết hầu Đình Việt rất rõ ràng, to nhỏ vừa phải, mang một vẻ nam tính quyến rũ khiến người ta muốn thử hôn lên một cái.

Hà Phương cố nín nhịn cảm giác muốn hôn anh, chỉ bảo: “Trăng ở đây còn có anh. Bác sĩ Việt, tôi sẽ không quên anh”.

Lần này, anh cười nhạt: “Có nhiều người đến khu du lịch để thăm thú cảnh đẹp, lúc đến cũng hay nói một câu như thế, nhưng sau đó có thời gian cũng không quay lại nữa. Người ta thường chọn nơi mới lạ hơn, hấp dẫn hơn”.

“Tôi đã đi rất nhiều nơi rồi”. Hà Phương quay đi nơi khác: “Ở Châu Phi, Tây Á, Trung Đông, không có cảm giác chỗ nào yên bình như chỗ này”.

Đình Việt không đáp nữa, anh im lặng cùng cô ngắm trăng. Một lúc rất lâu sau, Hà Phương mới lấy di động của mình ra, hỏi anh: “Chị Lương nói nhà anh ở Hà Nội, tôi cũng ở đó. Cho tôi số điện thoại của anh đi, biết đâu một ngày nào đó còn có duyên được gặp nhau”.

“Không cần đâu. Tôi hiếm khi rời khỏi bản A Tứ, về Hà Nội cũng không thường xuyên, chắc không có cơ hội gặp lại”.

“Mặc kệ, cho tôi số của anh đi”.

Cô có vẻ rất kiên quyết, nhất định muốn lấy số của anh. Đình Việt chẳng còn cách nào, trước đây đã quen từ chối người khác, nhưng với Hà Phương, thật kỳ lạ, anh không thể nào từ chối được.

Anh lấy điện thoại trong túi quần mình ra, là một chiếc điện thoại cảm ứng kiểu cũ, hình nền để mặc định: “Đọc số của cô đi”.

“09xx.xxx.xxx”. Hà Phương nói: “Anh gọi sang cho tôi”.

Sóng điện thoại trên bản A Tứ rất yếu, Đình Việt gọi ba cuộc, cuối cùng số mới qua được máy Hà Phương. Nhìn một hàng số điện thoại toàn 9, cô lặng lẽ hít sâu vào một hơi. Số đẹp thế này, đại gia chưa chắc đã mua được, Hà Phương cũng coi như sinh ra trong một gia đình giàu có, cô có gặp qua và biết được số điện thoại của nhiều người, nhưng số lục quý (6 số 9) thế này, ắt phải vừa có tiền lại vừa có thế mới dùng được.

Nhưng cô không hỏi thân thế của anh, chỉ nói đùa: “Số đẹp như thế có bán không?”.

Đình Việt nghe ra hàm ý trêu chọc của cô, nói: “Tình cờ mua được, dùng lâu rồi”.

“Ừ”. Ngón tay Hà Phương nhanh chóng lưu số của anh vào máy, cô ghi rất đơn giản, ba từ: Bác sĩ Việt. Đình Việt hơi liếc màn hình của cô, cũng không nói gì, chỉ im lặng cất điện thoại vào túi.

Hà Phương không hài lòng: “Sao anh không lưu số tôi?”. Nói xong, bỗng dưng cô nhớ ra gì đó nên bảo: “Mà thôi, tôi lưu số anh là được. Bác sĩ Việt, anh có thể quên tôi, nhưng nếu một ngày nào đó tôi gọi đến nhắc anh nhớ lại, nhất định anh không được quên tôi đâu đấy”.

Đình Việt hơi buồn cười: “Vào ngủ sớm đi, ngày mai còn về”.

“Biết rồi”. Hà Phương đứng dậy, vươn vai dưới ánh trăng một cái. Lúc này, trái tim cô đã thật sự bình yên trở lại, không còn đau lòng và sợ hãi vì cơn ác mộng vừa rồi. Mùi hương bồ kết từ tóc anh và con người anh, thật sự rất có tác dụng chữa lành vết thương của cô: “Anh cũng ngủ đi. Một ngày dài vất vả rồi. Ngày mai còn vào trong thôn”.

“Ừ”.

Cả hai người cũng sóng vai đi vào trong ký túc xá, Hà Phương đến phòng mình trước. Lúc vừa mở cửa ra thì bỗng dưng lại nghe tiếng anh gọi: “Này”

Cô quay đầu lại, thấy trên tay Đình Việt vẫn là một túi ô mai. Anh không giải thích dài dòng, chỉ nói: “Cai thuốc”.
Chương trước Chương tiếp
Loading...