Câu Lạc Bộ Dumas

Chương 02 - Phần 2



Liana Taillefer lặng im chăm chú nhìn những bức tường với các đường viền bằng sách. Một sự im lặng khó chịu, Corso nghĩ, mặc dù hơi miễn cưỡng. Có vẻ ả đang làm bộ đắm mình trong suy nghĩ, giống như một diễn viên ngừng lại trước khi tiếp tục đoạn đối thoại để tăng tính thuyết phục.

“Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra,” ả đáp sau khi đã hoàn toàn trấn tĩnh lại. “Trong tuần cuối cùng ông ấy tỏ ra thù địch và phiền muộn. Hiếm khi rời khỏi chỗ này. Rồi một chiều ông ấy ra ngoài và sập cửa lại. Sớm tinh mơ trở về. Tôi đang nằm trên giường thì nghe thấy tiếng đóng cửa. Sáng ra tôi bị tiếng rú của chị giúp việc đánh thức. Enrique tự treo cổ trên cái giá đèn.”

Đến đây ả nhìn Corso, quan sát hiệu quả lời nói của mình. Ả không có vẻ suy sụp, gã nghĩ, nhớ lại bức ảnh có cái tạp dề và con lợn sữa. Thậm chí gã còn thấy ả chớp mắt, như thể muốn ngăn một giọt nước mắt rơi xuống, nhưng cặp mắt ráo hoảnh. Tất nhiên cái đó chẳng có nghĩa gì. Hàng trăm thứ mỹ phẩm có thể bị nước mắt làm cho nhoe nhoét đã dạy cho phụ nữ biết cách kiểm soát tình cảm của mình. Và lớp phấn bóng mờ Liana Taillefer dùng để tôn đôi mắt vẫn còn hoàn hảo.

“Ông nhà có để lại bức thư nào không?” Corso hỏi. “Những người tự tử thường làm vậy.”

“Ông ấy quyết định miễn cho mình không phải phí sức làm chuyện ấy. Không giải thích, dù chỉ vài chữ. Không gì hết. Chính thói ích kỷ của ông ấy bắt tôi phải trả lời hàng đống câu hỏi của nhân viên điều tra và cảnh sát. Rất mất hứng, tin tôi đi.

“Tôi hiểu.”

“Phải, tôi chắc chắn là ông hiểu.”

Liana Taillefer ra hiệu buổi gặp gỡ đã tới lúc kết thúc. Ả tiễn ra cửa rồi chìa tay cho gã. Tập bản thảo trên tay và cái túi đeo vai, Corso bắt tay ả và cảm thấy cái bắt tay siết chặt từ phía đối phương. Trong thâm tâm, gã đánh giá cao màn diễn của ả. Không giống một góa phụ vui sướng, cũng không suy sụp vì đau buồn; cũng không tỏ ra lạnh lùng Tôi thật mừng vì tên ngốc đó đã ra đi hoặc Rốt cuộc cũng còn lại mình ta hay Giờ thì có thể ra khỏi tủ áo rồi cưng à. Nếu có ai đó từ trong tủ chui ra thì cũng chẳng phải việc của Corso. Kể cả chuyện Enrique Taillefer tự sát, dù có kỳ quái đến đâu đi nữa - mà đúng là kỳ quái thật, Chúa phù hộ chúng con, với toàn bộ câu chuyện về nữ hoàng và tập bản thảo thất lạc kia. Hiện giờ thì cả người chết lẫn bà quả phụ xinh đẹp đều chẳng có gì liên quan tới gã. Hiện giờ thì vậy.

Gã nhìn ả. Mình khoái biết kẻ nào sẽ có được cưng, gã nghĩ với sự tò mò lạnh lùng. Gã hình dung người đó trong đầu: đẹp trai, lão luyện, học thức, giàu. Gã gần như chắc trăm phần trăm đó là một người bạn của ông chồng quá cố. Gã cũng tự hỏi không hiểu việc gã chủ nhà xuất bản tự tử có gì liên quan đến chuyện đó không, rồi bực tức thôi không nghĩ nữa. Chẳng biết có phải do thói quen nghề nghiệp hay không, đôi khi thật buồn cười là gã đâm ra suy luận giống như một tay cớm. Gã ngấm ngầm run lên. Ai biết được sự tha hóa, sự ngu xuẩn ẩn giấu sâu đến đâu trong tâm hồn chúng ta?

“Tôi muốn cảm ơn bà đã dành thời gian tiếp tôi,” gã nói, chọn nụ cười khả ái nhất trong kho nụ cười của mình khiến gã trông giống như một con thỏ dễ thương.

Chẳng có phản ứng gì. Ả đang nhìn bản thảo của Dumas.

“Không cần cảm ơn. Tôi chỉ tự nhiên muốn biết những chuyện này kết thúc như thế nào thôi.”

“Tôi sẽ cho bà biết nó tiến triển thế nào. À, còn một chuyện nữa. Bà định giữ lại bộ sưu tập của ông nhà hay bán đi?”

“Tôi sẽ cho bà biết nó tiến triển thế nào. À, còn một chuyện nữa. Bà định giữ lại bộ sưu tập của ông nhà hay bán đi?”

Ả ngẩn người nhìn gã. Theo kinh nghiệm, Corso biết rằng khi nhà sưu tầm sách chết đi, thông thường những cuốn sách sẽ theo người chết ra khỏi nhà trong vòng một ngày. Thực ngạc nhiên là cho đến giờ những đồng nghiệp kẻ cướp của gã chưa ai xuất hiện. Nói gì thì nói, như chính ả thừa nhận, Liana Taillefer không hề chia sẻ sở thích văn học với ông chồng.

“Sự thực là tôi chưa có lúc nào nghĩ đến chuyện đó... Ông muốn nói ông quan tâm tới đám sách cũ này?”

“Có lẽ.”

Ả do dự một chút. Có vẻ lâu hơn cần thiết vài giây. “Chuyện xảy ra mới quá,” sau cùng ả thở dài hợp cách và trả lời. “Có thể vài ngày tới.”

Corso vịn tay vào lan can bắt đầu đi xuống thang. Gã chậm chạp đặt mấy bước đầu tiên với cảm giác không thoải mái, như thể để quên thứ gì đó ở phía sau mà không sao nhớ ra đó là cái gì. Gã chắc mình không quên gì. Tới chỗ chiếu nghỉ đầu tiên, gã ngẩng đầu lên thì thấy Liana Taillefer đứng bên cạnh cửa nhìn gã. Ả có vẻ vừa tò mò vừa bối rối. Corso tiếp tục bước xuống thang, khung nhìn của mắt gã giống như một chiếc camera chầm chậm quét dọc thân hình ả. Rời khỏi đôi mắt xanh dò hỏi, gã lướt qua bộ ngực, vòng hông, rồi tới đôi chân rắn chắc với màu da trắng xanh hơi choãi ra, vững chãi như những cây cột trong đền thờ, khơi gợi và khiêu khích.

Đầu óc vẫn chuếch choáng, Corso xuyên qua sảnh lớn của tòa nhà rồi bước ra đường. Gã có ít nhất năm nghi vấn chưa có lời giải và cần phải sắp xếp chúng theo thứ tự mức độ quan trọng. Dừng lại trước hàng rào chắn công viên El Retiro, gã nhìn ngẫu nhiên sang bên trái chờ một chiếc taxi. Một chiếc Jaguar to tướng đậu cách đó vài mét. Tay lái xe mặc đồng phục xám sẫm gần như đen đang tì tay vào nắp ca pô đọc báo. Đúng lúc ấy, hắn nhìn lên và ánh mắt hai người gặp nhau trong một giây. Rồi gã kia lại cúi xuống đọc báo. Hắn có làn da ngăm đen, để ria, một vết sẹo trắng bợt ở một bên má kéo dài từ trên xuống dưới. Corso có cảm giác trông tay tài xế quen quen, rõ ràng nhắc gã nhớ tới ai đấy. Đúng là thằng cha cao lớn chơi máy giật xèng ở quán bar của Makarova. Nhưng còn có gì đấy khác nữa. Khuôn mặt đó gợi về một ký ức xa xăm mơ hồ. Tuy nhiên, một chiếc taxi trống xuất hiện trước khi Corso kịp nghĩ ngợi thêm. Một người đàn ông mặc áo khoác xanh sẫm mang theo chiếc cặp có tay xách từ bên kia đường ra hiệu cho xe dừng lại, nhưng người lái đang nhìn về hướng Corso. Corso thấy hết nên nhanh chóng rời khỏi hàng rào tiến tới giành chiếc taxi ngay trước mũi người đàn ông nọ.

Gã bảo lái xe tắt radio, rồi thả mình khoan khoái trên ghế sau, nhìn dòng xe cộ bên ngoài, nhưng tâm trí lại để tận đâu đâu. Gã xưa nay luôn thích cảm giác bình an trong xe taxi. Đó là khoảnh khắc gần gũi nhất với sự thư thái không phải đối diện với thế giới bên ngoài: suốt chuyến đi, mọi thứ đều treo lơ lửng, tạm dừng ở bên kia khung kính. Gã ngả đầu ra sau ghế ngắm nhìn cảnh vật.

Giờ là lúc nghĩ đến những chuyện nghiêm túc. Ví dụ như Cuốn sách về chín cánh cửa và chuyến đi Bồ Đào Nha, bước đầu tiên của công việc này. Nhưng gã không vội. Cuộc gặp gỡ Liana Taillefer đặt ra quá nhiều câu hỏi khiến gã bức bối lạ thường. Có những thứ không sao chạm tới được, giống như ngắm một cảnh đẹp dưới góc nhìn sai. Và còn nữa: sau mấy lần dừng xe trước đèn giao thông gã mới nhận ra rằng người lái chiếc Jaguar cứ trở đi trở lại trong tâm trí. Điều đó khiến gã bối rối. Chắc chắn là chưa bao giờ gặp hắn trước lần ở quán bar của Makarova. Nhưng một hồi ức phi lý cứ trở lại. Tao biết mày, gã thầm nhủ, bảo đảm thế. Lâu lắm rồi, có lần tao đụng phải một thằng giống như mày. Và tao biết mày từ đâu chường mặt ra đó. Từ miền tối mịt mù trong ký ức của tao.

***

Grouchy[3] không thấy đâu nữa, nhưng điều đó chẳng còn ý nghĩa gì. Quân Phổ của Bulow rút lui khỏi những cao điểm ở nhà thờ St. Lambert, đang bị quân khinh kỵ của Sumont và Subervie bám sát. Chẳng có vấn đề gì bên sườn trái. Đám bộ binh Xcốtlen áo đỏ đã bị trọng kỵ binh Pháp bắt kịp và nghiền nát. Ở giữa, sư đoàn Jerome rốt cuộc cũng đã chiếm được Hougoumont. Ở hướng Bắc về phía Mont St. Jean, đội quân áo xanh của đoàn Cựu vệ binh dũng mãnh đang hội quân, chậm chạp nhưng đầy nhiệt huyết, cùng quân của Wellington đang nhốn nháo lui về ngôi làng nhỏ Waterloo. Chỉ còn chờ một đòn ân huệ giáng xuống nữa thôi.

[3] Emmanuel de Grouchy: Hầu tước, thống chế Pháp (1766-1847). Chỉ huy kỵ binh trong chiến dịch Waterloo.

[3] Emmanuel de Grouchy: Hầu tước, thống chế Pháp (1766-1847). Chỉ huy kỵ binh trong chiến dịch Waterloo.

Lucas Corso quan sát bãi chiến trường. Giải pháp tất nhiên phải là Ney, người dũng cảm nhất trong những người dũng cảm. Gã đặt ông ta phía trước, cùng với sư đoàn Erlon và Jerome, đúng ra là phần còn lại của nó, và cho họ tiến lên bảo vệ con đường Brussels. Khi họ tiếp xúc với quân Anh, Corso nín thở ngả người ra sau một chút, cảm nhận rõ hơn ý nghĩa hành động của mình: trong một vài giây gã đã ra quyết định vận mệnh của hai mươi ngàn con người. Đắm mình trong cảm giác này, gã âu yếm duyệt qua những hàng lính xanh và đỏ chen chúc nhau, cánh rừng Soignes màu xanh lục nhạt, những ngọn đồi xám nâu. Lạy Chúa, thật là một trận đánh đẹp mắt.

Cú đòn giáng vào họ thật nặng nề, thật đáng thương. Quân đoàn Erlon bị đánh tan thành từng mảnh tả tơi, nhưng phòng tuyến của Ney và Jerome vẫn tồn tại. Đoàn Cựu vệ binh tiến lên, chà nát mọi thứ trên đường tiến. Đội hình quân Anh lần lượt biến khỏi bản đồ. Wellington không còn cách nào khác hơn là rút lui và Corso dùng kỵ binh Pháp dự phòng quây ông ta ở Brussels. Rồi, chậm rãi và thận trọng, gã tung đòn tối hậu. Tóm Ney bằng hai ngón tay, gã đẩy ông ta lên trước ba khối binh lính Pháp. Gã so sánh lực lượng, nghiên cứu tình thế: quân Anh đông hơn với tỷ lệ tám trên ba. Wellington đã bị hủy hoại. Nhưng vẫn còn một cơ hội nhỏ. Gã xem xét lại các biến số và thấy rẳng khả năng gã cần số 3. Cảm giác lo âu thắt lòng xuất hiện khi gã tung con xúc xắc để xác định tỷ lệ may mắn. Việc mất Ney ở phút cuối cùng khiến cho chiến dịch dù thắng lợi thì cũng chỉ đủ để an ủi những người hâm mộ. Cuối cùng gã lấy hệ số là năm. Gã ngoác miệng cười rồi âu yếm gõ nhẹ lên tấm thẻ màu xanh đại diện cho Napoléon. Tôi hiểu ông có cảm giác gì, ông bạn. Wellington và năm ngàn quân bất hạnh còn sót lại của ông ta hoặc chết hoặc bị bắt làm tù binh, và hoàng đế thắng trận Waterloo. Tiến lên, những người con của đất Mẹ! Đám sách lịch sử, vứt cha nó hết đi.

Gã ngáp. Trên bàn, cạnh tấm bảng mô phỏng chiến trường theo tỷ lệ một trên năm ngàn, giữa những cuốn sách tham khảo, những biểu đồ, cốc cà phê và cái gạt tàn đầy mẩu thuốc lá, cái đồng hồ đeo tay của gã cho biết đã ba giờ sáng. Trong tủ rượu bên cạnh, trên cái hộp bìa đỏ Red Label, Johnny Walker khoác áo choàng đi săn dấn bước với vẻ mặt tinh quái. Một thằng cha nhỏ thó má cà chua, Corso nghĩ thầm. Walker mặc kệ thây mấy ngàn người đồng hương mới vừa thảm bại ở xứ Flandre.

Corso quay lưng về phía người Anh và chú mục vào chai gin Bols chưa mở nắp trên cái kệ nằm giữa hai tập Hồi ký đảo Sainte Hélène và cuốn Đỏ và Đen tiếng Pháp mà gã đặt trên bàn trước mặt. Gã mở nút chai rồi đọc lướt qua cuốn truyện của Stendhal trong lúc tự rót cho mình một ly.

“Xưng tội” của Rousseau là cuốn sách duy nhất trong đó trí tưởng tượng của ông hình dung ra thế giới. Bộ sưu tập những bản tin về Đoàn quân Vĩ đại và hai tập “Hồi ký đảo Sainte Hélène” là phần cuối làm cho bộ thánh thư của ông thành trọn vẹn. Hẳn ông sẵn sàng chết vì ba cuốn đó. Ông không tin gì khác nữa.

Gã cứ đứng đó uống gin và duỗi thẳng chân tay lạnh cứng. Liếc nhìn chiến trường một lần cuối nơi những tiếng gầm gào bé dần đi sau trận tàn sát, gã nốc cạn ly rượu, cảm thấy mình như một vị thần say túy lúy đang đùa bỡn với những sinh mệnh như thể chúng chỉ là những chú lính chì bé nhỏ. Gã hình dung cảnh huân tước Arthur Wellsley, công tước Wellington trao kiếm cho Ney. Những người lính trẻ vùi thây trong bùn tối, những con ngựa không người cưỡi nhởn nhơ trên đồng cỏ, xác một vị sĩ quan trong đoàn quân Xcốtlen áo xám nằm dưới khẩu pháo tan nát, bàn tay vấy máu nắm chặt một trái tim bằng vàng mang chân dung một phụ nữ và lọn tóc vàng hoe. Từ bên ngoài vùng tối đang bao trùm gã, Corso nghe thấy tiếng phách nhịp của điệu van cuối cùng. Và người vũ nữ mảnh khảnh trên kệ nhìn gã, những miếng trang sức hình tròn trên trán nàng lấp lánh phản chiếu ngọn lửa trong lò sưởi. Chừng như nàng sắp ngả vào vòng tay ân ái của cái túi thuốc lá. Hoặc của gã chủ quán trong góc nhà.

Waterloo, nơi yên nghỉ nắm xương của cụ tổ gã, người lính cận vệ năm xưa. Gã mường tượng ông cụ trong hàng ngũ áo xanh trên bảng dọc theo con đường màu nâu sẫm dẫn tới Brussels. Khuôn mặt đen sạm, bộ râu cháy sém vì thuốc pháo, người cận vệ già tiến lên, giọng nói khản đặc và bồn chồn sau ba ngày chiến đấu bằng lưỡi lê, vẻ mặt thẫn thờ đúng như Corso hình dung về tất cả những người có mặt trọng mọi cuộc chiến. Sức cùng lực kiệt, ông quơ chiếc mũ da gấu thủng lỗ chỗ trên đầu ngọn súng trường về phía đồng đội. Hoàng đế muôn năm. Linh hồn nhỏ bé cô đơn mang chứng ung thư của Bonaparte đã được rửa hận. Xin cho ngài bình an. Hoan hô.

Gã rót thêm cho mình một ly Bols rồi hướng, vào thanh kiếm cong trên tường nâng cốc chúc mừng người lính già Jean-Pax Corso, 1770-1851, Bắc đẩu bội tinh, huân chương hiệp sĩ Sainte Hélène, tín đồ trung thành suốt đời của Bonaparte, chấp chính quan Pháp ở thành phố Địa Trung Hải nơi đứa chắt của ông ra đời một thế kỷ sau. Hương rượu gin ngạt ngào trong miệng, Corso khe khẽ ngâm nga những vần thơ truyền qua hàng thế kỷ, của cải duy nhất gã thừa hưởng từ cụ tổ.

Những chiến binh đầy mình nhiệt huyết,

Nguyện hy sinh theo hoàng đế xông pha,

Xin giã từ cánh đồng quê yêu dấu,

Theo chân Người đâu quản ngại phong ba.

Theo chân Người đâu quản ngại phong ba.

Gã tự cười mình trong khi nhấc điện thoại, quay số gọi La Ponte. Ổ đĩa quay trong máy phát ra chuỗi âm thanh rành rọt trong đêm vắng. Những quyển sách trên tường; bên ngoài trời tối đen, mưa đêm tưới đẫm mái nhà. Cảnh quan không lấy gì làm đẹp, ngoại trừ luồng hơi nóng của bộ tản nhiệt máy điều hòa và qua lớp bụi đường, nhuốm màu đỏ son, hệt như một bức mành dày bén lửa. Cái bàn, máy tính và tấm bảng trình diễn trận Waterloo đặt hướng ra ngoài, bên cái cửa sổ ngăn dòng nước mưa đêm ấy. Trên tường không có tranh ảnh hay kỷ vật gì. Chỉ có thanh kiếm cong của người lính già nằm trong bao da nạm đồng. Khách tới thăm đều ngạc nhiên vì không thấy dấu vết cuộc sống riêng của gã, không có những thứ ràng buộc với quá khứ thường được giữ lại theo bản năng, ngoài thanh kiếm và những cuốn sách. Như thể từng có những đồ vật vắng mặt trong căn nhà này, cái thế giới sinh ra Lucas Corso hồ như đã tàn lụi và biến mất từ lâu. Chẳng có một khuôn mặt buồn bã nào đôi khi xuất hiện trong ký ức sẽ nhận ra gã nếu như có khi nào họ quay lại với cuộc sống. Có lẽ thế tốt hơn. Như thể gã chưa bao giờ có một cái gì, chưa bao giờ bỏ đi một cái gì. Như thể gã luôn tự thấy riêng mình là đủ cho mình, chẳng cần gì ngoài quần áo trên người, một kẻ thiên kinh vạn quyển, một kẻ lang bạt chốn thị thành mang trong túi quần túi áo tất tật những món mình sở hữu trên cõi trần tục. Thế nhưng với một vài người gã cho phép gặp gỡ trong những buổi chiểu đông màu đỏ ấy, khi gã ngồi bên cửa sổ rực ánh tà dương, mắt mờ hơi rượu gin, đều nói rằng dáng vẻ ấy - dáng vẻ con thỏ yếu đuối vụng về khi ấy - mới có vẻ là đích thực.

La Ponte trả lời điện thoại với giọng ngái ngủ.

“Tôi vừa nghiền nát Wellington,” Corso thông báo.

Sau một phút lặng im bối rối, La Ponte nói hắn rất mừng cho gã. Perfidious Albion - bánh nướng nhân thịt bò và bầu dục, đồng hồ ga trong những buồng khách sạn tồi tàn. Kipling. Balaclava, Trafalgar, đảo Falkland và mọi thứ. Và hắn muốn nhắc nhở Corso - đường dây lặng đi khi La Ponte dò dẫm tìm đồng hồ - rằng đã ba giờ sáng rồi. Rồi lầu bầu điều gì không biết, chỉ nghe rõ mấy tiếng chửi thế, “mẹ kiếp” và “chó đẻ”.

Corsi cười khùng khục khi gác máy. Một lần từ phòng đấu giá ở Buenos Aires, gã điện thoại cho La Ponte và để hắn trả tiền, chỉ để bông đùa về một gã điếm xấu điên tới nỗi cho tới khi chết vẫn còn trinh nữ. Ha, ha, quá vui. Tôi sẽ khiến cậu nuốt nghẹn hóa đơn điện thoại khi định trả đũa, đồ ngốc. Hồi ấy, cách nhiều năm rồi, đôi khi gã tỉnh dậy trong vòng tay Nikon, việc đầu tiên là phôn cho La Ponte để cho hắn biết là gã gặp một người đẹp và rất giống như là gã đang yêu. Bất cứ khi nào muốn, Corso cũng có thể nhắm mắt và thấy Nikon chầm chậm thức dậy, tóc xõa dài trên gối. Gã miêu tả nàng cho La Ponte qua điện thoại, cảm nhận nỗi xúc động kỳ lạ, một sự dịu dàng không quen, khó lòng giải thích được khi gã nói, nàng nghe và lặng lẽ nhìn gã. Và gã biết từ đầu bên kia đường dây - Tôi mừng cho anh, Corso, đúng lúc rồi. Thực sự mừng cho anh, bạn của tôi - La Ponte thành thật chia sẻ sự tỉnh thức của gã, thắng lợi của gã, niềm hân hoan vui sướng của gã. Buổi sáng ấy, gã yêu La Ponte không kém gì yêu nàng. Mà cũng có thể là ngược lại.

Nhưng chuyện đó qua lâu rồi. Corso tắt đèn. Bên ngoài trời vẫn mưa. Trong phòng ngủ, gã đốt điếu thuốc cuối cùng, ngồi im trong bóng tối bên mép giường, lắng nghe tiếng vọng từ hơi thở nay đã vắng của nàng. Đoạn gã chìa tay khẽ vuốt mái tóc nàng không còn xòa bên gối. Nikon là nỗi ân hận duy nhất trong đời gã. Mưa càng thêm nặng hạt, những giọt mưa đập vào cửa sổ xé tan luồng sáng yếu ớt bên ngoài, biến nó thành những vụn sáng tả tơi bay múa trên ga trải giường như những điểm li ti dao động, những vệt đen, những quầng tối nhỏ xíu chìm vào bốn xung quanh, giống như những mảnh vỡ của cuộc đời.

“Lucas.”

Gã gọi to tên mình, như nàng vẫn gọi. Chỉ có nàng gọi gã như vậy. Cái tên này tượng trưng cho cái tổ ấm, cái xứ sở hai người từng chia sẻ nay đã tan vỡ. Corso đăm đăm nhìn điếu thuốc lóe sáng trong đêm. Gã từng nghĩ là mình thực sự yêu Nikon. Khi ấy gã thấy nàng đẹp và thông minh, chuẩn mực và nồng nàn, giống như trong những tấm ảnh đen trắng của nàng: những đứa trẻ mắt to, những người già, những con chó với cái nhìn đầy vẻ trung thành. Khi ấy gã quan sát nàng bảo vệ tự do của mọi người và ký vào những bản thỉnh nguyện đòi phóng thích các vị nhân sĩ trí thức bị tù, những người thiểu số bị áp bức... Và những giấy đảm bảo. Gã nhỏm dậy từ từ để khỏi đánh thức linh hồn ngủ yên bên cạnh, lắng nghe âm thanh từ hơi thở nàng. Đôi lần dường như gã nghe thấy. Anh cũng thiếu sức sống như những cuốn sách của anh, Corso. Anh chưa bao giờ biết yêu. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng nàng từ chối trao thân cho gã, trước khi bỏ gã mà đi vĩnh viễn. Để tìm kiếm đứa con gã không muốn có.

Gã mở cửa sổ và cảm thấy hơi ẩm của cơn mưa đêm ập vào mặt. Rít nốt hơi thuốc cuối cùng, gã vứt nó qua cửa sổ, đốm lửa ở đầu điếu thuốc vẽ nên một đường cong, nhỏ dần rồi vỡ vụn hoặc bị giấu biến đi trong bóng đêm.

Đêm đó, ở một nơi khác mưa cũng rơi. Trên dấu chân Nikon để lại. Trên cánh đồng Waterloo, mưa rơi xuống thân hình cụ tổ Corso và đồng đội của ông. Mưa trên nấm mồ đỏ và đen của Julien Sorel, kẻ bị chém đầu vì tin rằng với cái chết của Bonaparte những pho tượng đồng ngả mình hấp hối trên những nẻo đường bị quên lãng. Một lỗi lầm ngu ngốc. Lucas Corso biết rõ hơn ai hết rằng một người lính năng động và nhạy bén vẫn có thể chọn chiến trường cho mình và kiếm được đồng lương trong khi canh giữ những linh hồn bằng giấy và da, giữa tàn tích của hàng ngàn thất bại.
Chương trước Chương tiếp
Loading...