Cây Sa Kê Lưu Lạc

Chương 1-1: Giao thừa đừng đến(1)



1.

“Suỵt, chị Trình Vận. Cái người đàn ông kia có phải muốn trộm sách không? Nhìn anh ta cứ lén la lén lút.” Tiểu Triết tới quầy hàng, nhỏ giọng nói thầm bên tai tôi.

Tiểu Triết là trợ lý của tôi. Từ ngày đầu tiên bắt đầu công việc, cậu ta đã giúp đỡ trong hiệu sách. Ngày đến xin việc, cậu ta đội một chiếc mũ lưỡi trai, ánh mắt có chút man mác buồn, thoạt nhìn rất giống một người. Có lẽ vì điểm đó mà tôi đã thuê cậu ta.

Tôi đưa mắt nhìn theo hướng Tiểu Triết nói, thấy một người đàn ông. Vóc người anh ta cao cao, đeo một đôi kính to dày cộm. Mái tóc dày hơi xoăn và nhiều dầu khoác lên trên đầu, che cả lỗ tai. Anh ta gầy gò ốm yếu. Chiếc áo sơ mi caro màu xanh da trời trên người anh ta nhăn nhúm. Anh ta gầy đến mức độ này, chỉ cần dùng một cây sào trúc, là có thể móc cả người anh ta treo lên tường. Vừa nhìn thấy bộ dạng của anh ta, tôi liền nghĩ ngay đến cảnh trong nhà anh ta chất đầy sách và tạp chí hết hạn, nửa chiếc giường cũng bị sách chiếm chỗ. Anh ta như con mọt sách mỗi ngày ngủ với đống sách mà không phải ngủ cùng phụ nữ.

“Anh ta có thường tới đây không? Hình như quen quen.” Tôi nói.

“Không cảm thấy thế.  Tuy nhiên, chẳng phải gần đây chúng ta thường hay mất sách sao?”

“Anh ta xem ra là một người yêu sách.”

“Cho nên mới trộm sách.” Tiểu Triết phẫn nộ nói.

Người đàn ông kia đột nhiên xoay người sang chỗ khác, mau chóng giấu quyển sách trên tay vào trong lòng, sau đó vội vã xuống cầu thang.

Tiểu Triết vội vàng xông lên, nắm chặt tay anh ta, nói: “Anh à, sách trên người anh chưa có trả tiền!”

Người đàn ông kia phát hoảng, gắng sức đẩy Tiểu Triết ngã trên mặt đất, liều mạng chạy trốn.

2.

Anh ta chạy trốn rất nhanh. Tôi vốn tưởng anh ta là mọt sách, không ngờ anh ta rất có khả năng chạy nhanh, mặc dù bước chạy của anh ta rõ ràng rất giống chữ bát[1]. Có thể là do bước chạy chữ bát, nên anh ta ngã ào, để tôi đuổi kịp. Tôi kéo góc áo sơ mi của anh ta, vừa thở hổn hển vừa nói:

[1] Chứ bát tiếng Trung viết thế này 八, chạy giống chữ bát nghĩa là hai chân dang rộng.

“Anh còn chưa trả tiền!”

Anh ta ngồi bệt dưới đất, mặt đỏ ửng lên. Kính mắt dày cũng méo xẹo. Quyển sách kia rớt ra từ trong lòng anh ta.

“Anh có biết chúng tôi mở tiệm sách rất cực khổ không? Anh không nên không trả tiền!” Tôi dạy dỗ anh ta.

“Xin lỗi, tôi không muốn vậy đâu.” Anh ta nói.

“Vậy tại sao lại làm như vậy?”

“Là do tôi không khống chế được bản thân.” Anh ta giải thích, “Nhưng mà, chỉ cần xem xong thấy đó là quyển sách hay, thì sau đó tôi sẽ trở lại, đặt tiền mua sách lên trên quầy mà.”

Chẳng trách gần đây tôi hay phát hiện trên quầy có một ít tiền.

“Ngộ nhỡ sách không hay thì sao?”

“Tôi đây sẽ phá hủy, không cho quyển sách dở tồn tại trên thế giới này.” Anh ta tuyên bố dõng dạc.

Anh ta dường như có niềm đam mê sách sâu sắc.

“Anh không có quyền làm như vậy.” Tôi nói.

“Tôi biết,” Anh ta dùng góc áo sơ mi lau bụi bám trên mắt kính. Đột nhiên, tôi nhớ ra anh ta là ai.

“Anh là anh chàng cận thị?”

“Cô là?” Anh ta kinh ngạc nhìn tôi.

Năm đó, khi Lâm Phương Văn nhận tiền bản quyền, đã mua tặng tôi một cây đàn violin. Để có thể dùng cây đàn violin đẹp đẽ mắc tiền kia kéo một khúc nhạc, tôi đã đến chỗ thầy giáo già học violin. Ở đó tôi đã quen anh chàng cận thị cũng đến để học violin. Anh ta cũng kéo đàn dở như tôi.

“Có phải anh đã từng học violin ở chỗ thầy Dương Vận Nhạc không?” Tôi hỏi.

“Á, là cô à!” Anh ta ngại ngùng nói: “Đã lâu không gặp.”

Đúng vậy, ngày ấy đã xa xôi biết bao.

3.

“Anh ăn một miếng đi, bánh mì hạch đào của chúng tôi làm rất ngon.” Tôi đặt bánh mì trước mặt cận thị, lại rót cho anh ta một chén trà hoa cúc.

“Cảm ơn cô.” Anh ta khuấy khuấy vài cái, rồi uống chén trà hoa cúc kia vào bụng, mặt khác dùng ống tay áo lau mồ hôi.

Ba giờ chiều mỗi ngày, nhà sách sẽ bán mẻ bánh mì nóng hổi mới ra lò, là do Tiểu Triết làm. Cậu ta trước đây đã học làm bánh mì, đã làm rất nhiều bánh mì ngon.

Ngoại trừ phòng bếp nho nhỏ dành cho việc làm bánh mì ra, chúng tôi còn có trà hoa cỏ. Những người khách có thể ngồi trên sân thượng của tiệm sách, vừa uống trà vừa đọc sách. Vào mỗi buổi chiều, hương thơm của bánh mì phiêu lãng trong không khí, trở thành điểm đặc biệt của nhà sách.

“Có cần báo cảnh sát không?” Tiểu Triết nhìn thẳng vào cận thị, sau đó hỏi tôi.

Cận thị xấu hổ, chỉ vùi đầu ăn bánh mì.

“Không cần đâu. Chúng tôi là bạn bè. Anh ta mỗi lần làm việc đó, sau đó đều trở lại đặt tiền mua sách lên trên quầy. Không phải chúng ta thường hay phát hiện có chút tiền lẻ để trên quầy sao?”

“Như vậy rất quái gở!” Tiểu Triết chế nhạo anh ta.

“Mỗi chúng ta đều có chút quái gở.” Tôi giải vây giúp cận thị.

4.

“Mỗi lần đọc phải một cuốn sách viết quá kém, tôi cũng muốn đem đi thiêu hủy. Nhưng mà không được à! Tôi không phải anh, không phải cảm tử quân diệt sách. Nếu là bạn bè, sau này anh mua sách phải trả tiền nha!” Tôi nói.

“Được! Được mà!” Anh ta thoải mái khẳng định.

“Đến tiệm sách khác cũng không được.”

“Biết rồi! Biết rồi! Tiệm này tên “Cây sa kê” ư?” Anh ta hiếu kỳ hỏi tôi.

“Là vì kỷ niệm một người.” Tôi nói.

5.

“Tôi còn chưa biết anh tên là gì.” Tôi hỏi.

“Bạn bè đều gọi tôi là Con cọp.”

“Con cọp? Có phải Con cọp mà hay viết bình luận sách trên tạp chí không?”

“Đúng rồi!” Anh ta đắc ý mỉm cười.

“Bình luận sách anh viết rất hay, tôi là độc giả của anh.”

Tôi vội vàng khoe với Tiểu Triết: “Hóa ra anh ta là nhà bình luận sách Con cọp kia.”

“Phải không?” Ánh nhìn của Tiểu Triết đối với anh ta dường như đã có thay đổi. Cậu ta thường nói bình luận sách của Con cọp rất có trình độ.

“Sách anh đề cập đến, có rất nhiều người đến mua.” Tiểu Triết nói.

“Thật à?” Con cọp dương dương tự đắc.

“Anh còn học đàn violin không?” Tôi hỏi con cọp.

“Không còn, tôi căn bản không có năng khiếu.”

“Tôi còn nhớ anh đã nói, anh là vì nhận lời với một người bạn nên mới đi học violin.”

“Đúng vậy.” Anh ta trả lời với bộ dạng đáng thương. Trong chốc lát, anh ta dường như biến thành một chú chim sẻ bé nhỏ bị thương, co rúm người trong chiếc áo sơ mi rộng thùng thình.

Đó là một câu chuyện tình yêu sao? Yêu Con cọp là cô gái thế nào?
Chương tiếp
Loading...