Chiếc Vòng Thạch Lựu
Chương 11-13 ( End )
XI Công tước phu nhân Vêra Nicôlaiepna không bao giờ đọc báo, vì rằng thứ nhất, nàng sợ bị bẩn tay; thứ hai, nàng không bao giờ có thể hiểu được thứ ngôn ngữ mà ngày nay người ta viết trên báo chí. Nhưng số phận xui khiến nàng lần này lại mở ra đúng tờ báo và đọc đúng cột báo nơi đăng mẩu tin sau: “Một cái chết bí ẩn. Chiều hôm qua, gần bảy giờ, một viên chức thuộc phòng kiểm tra là G.X.Giencôp đã tự tử. Theo các số liệu điều tra, nguyên nhân của cái chết là anh ta đã lạm tiêu vào tiền công quỹ. Ít ra thì đó cũng là điều mà người tự vẫn nhắc đến trong bức thư của mình. Nhờ những lời khai của các nhân chứng đã xác định rằng cái chết xảy ra là do ý muốn cá nhân của người quá cố, người ta đã quyết định không đưa thi thể đến phòng giải phẫu”. Vêra nnghĩ thầm: “Tại sao mình đã linh cảm trước được điều này? Đúng cái kết cục bi thảm như thế này? Và đây là cái gì: tình yêu, hay là một sự điên rồ?” Suốt cả ngày nàng lang thang trong vườn hoa và vườn cây ăn quả. Nỗi bồn chồn mỗi phút một tăng như không để cho nàng ngồi yên một chỗ, và toàn bộ suy nghĩ của nàng đều hướng về con người xa lạ này, về anh chàng P.P.G. mà nàng chưa bao giờ trông thấy, và có lẽ cũng sẽ không bao giờ còn trông thấy nữa. “Biết đâu đấy, có thể chính một tình yêu thật sự, quên mình, lớn lao đã cắt ngang con đường đời của cháu”, - nàng nhớ lại những lời của Anôxôp. Sáu giờ người đưa thư đến. Lần này Vêra Nicôlaiepna nhận ngay ra nét chữ của Giencôp; và với một sự dịu dàng âu yếm không ngờ đối với cả chính mình, nàng mở lá thư ra đọc. Giencôp viết trong thư: “Tôi không có lỗi, thưa phu nhân Vêra Nicôlaiepna, trong việc chúa trời ban thưởng cho tôi - như một niềm hạnh phúc lớn lao, tình yêu đối với Nàng. Số phận đã bày đặt là trong cuộc đời này không có gì làm cho tôi quan tâm đến: cả chính trị, cả khoa học, cả sự lo lắng cho hạnh phúc tương lai của mọi người; đối với tôi toàn bộ cuộc đời là chỉ ở nơi Nàng. Bây giờ tôi cảm thấy mình như một lưỡi dao bất tiện lách vào giữa cuộc đời Nàng. Nếu như có thể, Nàng hãy tha lỗi cho tôi điều đó. Hôm nay tôi sẽ ra đi và không bao giờ còn trở lại, và sẽ không bao giờ còn có cái gì nhắc Nàng nhớ tới tôi. Tôi vô cùng biết ơn Nàng chỉ vì Nàng đang tồn tại trên cõi đời này. Tôi đã kiểm tra mình và biết rằng – đây không phải là một chứng bệnh, không phải một ý niệm cuồng si – đây là tình yêu, tình yêu mà chúa trời đã ban thưởng cho tôi vì một lẽ gì đó. Cứ mặc cho tôi là lố bịch, là buồn cười trong con mắt của Nàng và của Nicôlai Nicôlaiêvich, em ruột Nàng. Ra đi, tôi vẫn hân hoan nói: “Hãy để cho tên Em mãi mãi thiêng liêng”. Tám năm trước tôi gặp Nàng trong khoang lô của một rạp xiếc, và lúc đó, ngay khoảnh khắc đầu tiên ấy tôi đã nói với mình: tôi yêu Nàng, vì rằng trên thế gian này không có gì giống như Nàng, không có gì tốt hơn Nàng, không có một tạo vật, một cây cỏ, một ngôi sao hoặc một con người nào đẹp hơn Nàng, dịu dàng hơn Nàng, Nàng dường như là hiện thân của toàn bộ sắc đẹp trái đất này... Và Nàng thử nghĩ xem, rằng tôi đã phải làm gì? Chạy trốn sang thành phố khác ư? Dù sao thì trái tim tôi bao giờ cũng ở bên Nàng, dưới chân Nàng, mỗi một khoảnh khắc của ngày đêm đều chứa đầy Nàng, mơ ước về Nàng... như một cơn mê sảng ngọt ngào. Tôi rất xấu hổ ngượng ngùng về chuyện chiếc vòng ngu ngốc của tôi, - thì biết sao? - một sự sai lầm! Tôi cố hình dung ra nó đã gây nên những ấn tượng như thế nào đối với những người khách của Nàng. Sau mười phút nữa tôi sẽ ra đi, tôi chỉ còn kịp dán tem và bỏ lá thư này vào hòm bưu điện để khỏi phải nhờ bất cứ ai làm chuyện đó. Nàng hãy đốt bức thư này đi, bây giờ tôi đã nhóm lò lên và sẽ đốt hết tất cả những gì quý giá nhất mà tôi có trong đời: chiếc khăn tay của Nàng, mà tôi xin thú thật, tôi đã lấy trộm, Nàng bỏ quên nó trên ghế trong cuộc vũ hội ở Cung quý tộc. Lá thư của Nàng – ôi tôi đã hôn nó bao nhiêu lần! – lá thư trong đó Nàng cấm tôi không được viết cho Nàng. Tờ chương trình của cuộc triển lãm nghệ thuật mà có lần Nàng đã cầm trong tay nhưng khi ra về lại bỏ quên trên ghế... Thế là hết. Tôi đã cắt đứt tất cả, nhưng dù sao tôi vẫn nghĩ, thậm chí tôi còn tin tưởng, rằng Nàng sẽ nghĩ đến tôi. Nếu như Nàng nghĩ đến tôi, thì... Tôi biết rằng Nàng rất thích âm nhạc, tôi rất hay thấy Nàng trong các buổi hoà nhạc tứ tấu của Bethôven, - và nếu Nàng nghĩ đến tôi, thì nàng hãy chơi hoặc ra lệnh chơi bản xônat D-dur2-op.2. Tôi không biết nên kết thúc lá thư này ra sao. Tự đáy sâu của tấm lòng tôi cám ơn Nàng vì rằng Nàng đã là niềm vui duy nhất của tôi trong cuộc đời, là niềm an ủi duy nhất, là suy nghĩ duy nhất. Cầu trời ban cho Nàng hạnh phúc và mong soa cho không có điều gì tầm thường nhất thời làm cho tâm hồn tuyệt vời của Nàng lo lắng. Xin được hôn tay Nàng. G.X.G.” Vêra tìm gặp công tước Vaxili với cặp mắt đỏ hoe đẫm lệ và đôi môi sưng mọng, nàng đưa cho chồng bức thư và nói: Vêra tìm gặp công tước Vaxili với cặp mắt đỏ hoe đẫm lệ và đôi môi sưng mọng, nàng đưa cho chồng bức thư và nói: - Em không muốn giấu anh điều gì, nhưng em cảm thấy là có một cái gì đó khủng khiếp đã xen vào cuộc đời chúng ta. - Có lẽ anh và Nicôlai Nicôlaiêvich đã làm một điều gì đó đáng ra không nên làm. Công tước Vaxili Sêin chăm chú đọc kỹ bức thư, cản thận gấp lại, im lặng một lúc lâu, rồi nói: - Anh không nghi ngờ gì về sự chân thành của con người này, và thậm chí hơn thế nữa, anh không dám phán xét những tình cảm của anh ta đối với em. - Anh ấy chết rồi? – Vêra hỏi. - Chết rồi. Anh hiểu rằng anh ta yêu em, và anh ta hoàn toàn không phải là người điên. Anh không rời mắt khỏi anh ta và trông thấy từng cử động, từng thay đổi trên nét mặt của anh ta. Và đối với anh ta, thiếu em, cuộc đời sẽ không tồn tại. Anh có cảm tưởng rằng mình đang đứng trước một nỗi đau khổ vĩ đại mà vì nó người ta chết, và thậm chí anh gần như đã hiểu ra rằng trước mặt mình là một con người đã chết. Em hiểu không, Vêra, anh không biết mình phải xử sự ra sao, phải làm cái gì ... - Thế này, anh Vaxenca ạ, - Vêra Nicôlaiepna ngắt lời chồng, - anh sẽ không đau buồn nếu em đi vào thành phố và nhìn mặt anh ấy một chút chứ? - Không, không đâu, Vêra ạ, tuỳ em. Chính anh cũng muốn đi, nhưng Nicôlai Nicôlaiêvich đã làm hỏng việc của anh. Anh sợ rằng sẽ cảm thấy mình gượng gạo. XII Vêra Nicôlaiepna dừng xe ngựa của mình cách đường Liutêranxcaia hai dẫy phố. Nàng tìm ra căn nhà của Giencôp không khó khăn lắm. ra mở cửa cho nàng là một người đàn bà đã già, mắt xám, rất to béo, đeo kính gọng bạc; và cũng như chiều qua, bà hỏi: - Pani cần gặp ai? - Ngài Giencôp, - công tước phu nhân nói. Có lẽ trang phục của Vêra – mũ, găng tay – và giọng nói có phần nào uy quyền đã gây ra một ấn tượng lớn đối với bà chủ nhà. Bà ta vội vã nói: - Xin mời, xin mời, cánh cửa thứ nhất bên trái kia, nhưng ở đó... bây giờ... Anh ấy đã vội bỏ chúng tôi đi. Thì cứ cho là lạm tiêu mất một ít quỹ... Giá như anh ấy nói cho tôi biết điều đó... Pani cũng biết đấy: chúng tôi làm gì có tiền, một khi đã phải cho những người độc thân thuê nhà. Nhưng chỉ đâu sáu bảy trăm rúp gì đó thì tôi có thể kiếm được và giúp cho anh ấy. Giá như Pani biết được anh ấy là một con người tuyệt diệu như thế nào. Đã tám năm tôi cho anh ấy thuê nhà, và đối với tôi, anh ấy không phải là khách trọ nữa, mà là con đẻ. Ở phòng ngoài lúc đó có một chiếc ghế, và Vêra gieo người xuống đó. - Tôi là bạn của người quá cố ở đây, - nàng nói, lựa từng từ một. – Bà hãy kể lại một vài điều gì đó về những giây phút cuối cùng của anh ấy, anh ấy đã nói và đã làm những gì. - Thưa Pani, có hai ngài nào đó đến đây và nói chuyện rất lâu. Sau đấy anh ấy giải thích với tôi là anh ấy được người ta mời đi làm quản lí ở một trang trại lớn nào đó. Anh ấy chạy đến chỗ điện thoại, rồi quay trở lại với vẻ mặt rất vui vẻ. Sau khi hai ngài kia ra về, anh ấy ngồi vào bàn viết thư. Rồi anh ấy đi ra bỏ thư vào thùng, lát sau chúng tôi nghe như có người nào bắn súng lục trẻ con ở đâu đấy. Chúng tôi hoàn toàn không chú ý tới điều đó. Đến bảy giờ bao giờ anh ấy cũng ra uống trà. Lukêria, người ở của chúng tôi, đến gõ phòng anh ấy nhưng không có tiếng trả lời. Lukêria gõ nữa, gõ mãi. Và cuối cùng mọi người phải phá cửa xông vào thì anh ấy đã chết rồi. - Thưa Pani, có hai ngài nào đó đến đây và nói chuyện rất lâu. Sau đấy anh ấy giải thích với tôi là anh ấy được người ta mời đi làm quản lí ở một trang trại lớn nào đó. Anh ấy chạy đến chỗ điện thoại, rồi quay trở lại với vẻ mặt rất vui vẻ. Sau khi hai ngài kia ra về, anh ấy ngồi vào bàn viết thư. Rồi anh ấy đi ra bỏ thư vào thùng, lát sau chúng tôi nghe như có người nào bắn súng lục trẻ con ở đâu đấy. Chúng tôi hoàn toàn không chú ý tới điều đó. Đến bảy giờ bao giờ anh ấy cũng ra uống trà. Lukêria, người ở của chúng tôi, đến gõ phòng anh ấy nhưng không có tiếng trả lời. Lukêria gõ nữa, gõ mãi. Và cuối cùng mọi người phải phá cửa xông vào thì anh ấy đã chết rồi. - Bà hãy cho biết một vài điều về chiếc vòng ngọc, - Vêra ra lệnh. À, à vâng, còn chiếc vòng, tôi quên mất. Làm sao pani lại biết? Trước khi ngồi viết thư, anh ấy đến gặp tôi và hỏi: “Bác theo đạo Thiên Chúa phải không?” Tôi nói: “Vâng, tôi theo đạo Thiên Chúa”. Lúc đó anh ấy mới bảo: “Ở đây có một tục lệ đáng yêu – anh ấy nói đúng như thế: tục lệ đáng yêu – là treo những chiếc vòng nhẫn, quà tặng lên hình Đức Mẹ đồng trinh. Vì thế nhờ bác một việc này: bác có thể treo chiếc vòng này lên tượng thánh được không?” Tôi đã phải hứa với anh ấy là sẽ làm điều đó. - Bà cho tôi vào gặp anh ấy một tí, - Vêra nói. - Xin mời, xin mời pani. Cửa thứ nhất bên trái là phòng của anh ấy. Người ta muốn hôm nay mang anh ấy đến phòng giải phẫu, nhưng anh ấy có một người anh và ông ta đã xin được tổ chức tang lễ cho anh ấy theo tục lệ của nhà thờ Thiên Chúa giáo. Xin mời, xin mời pani. Vêra gắng hết sức để giữ bình tĩnh và mở cửa. Trong phòng sực nức mùi hương trầm, ba ngọn nến đang cháy. Giencôp nằm trên chiếc bàn đặt chéo ngang phòng. Đầu anh ngửa ra rất thấp, dường như người ta cố ý kê cho anh, một xác chết không cần gì nữa, chiếc gối qúa bé. Trong cặp mắt nhắm nghiền của anh toát ra một vẻ trang trọng sâu sắc, đôi môi cười khoái lạc và thanh thản, dường như trước lúc rời bỏ cuộc đời anh đã biết được một điều bí mật ngọt ngào và sâu lắng nào đó, điều bí mật đã định đoạt toàn bộ cuộc đời trần thế của anh. Công tước phu nhân nhớ lại, rằng nàng đã trông thấy cũng vẻ mặt thanh thản như vậy trên tượng của những con người đau khổ vĩ đại – Puskin và Napôlêông. - Nếu pani ra lệnh, tôi sẽ ra khỏi đây? – bà già chủ nhà hỏi và giọng nói của bà ta có cái gì đó đặc biệt gần gũi. - Vâng, vâng, lát nữa tôi sẽ gọi bà, - Vêra nói, và ngay lúc đó nàng rút từ chiếc túi áo nhỏ của mình ở bên sườn ra một bông hoa hồng lớn màu đỏ tươi. tay trái khẽ nâng đầu người quá cố lên, tay phải nàng đặt bông hoa đỏ xuống phía dưới cổ anh. Trong khoảnh khắc đó, nàng hiểu rằng cái tình yêu, mà mỗi người đàn bà hằng mơ ước có được, đã đi ngang qua cuộc đời nàng. Vêra nhớ lại những lời của viên tướng giá Anôxôp nói về một tình yêu phi thường, vĩnh cửu. Đó gần như là những lời tiên tri. Và, rẽ mái tóc trên trán của người đã chết ra hai bên, hai tay xiết chặt thái dương của anh, nàng hôn lên vầng trán lạnh giá và hơi ươn ướt một chiếc hôn dài âu yếm. Khi Vêra Nicôlaiepna ra về, bà chủ nhà nói với nàng bằng giọng dịu dàng của người Ba Lan: - Thưa pani, tôi thấy pani không như những người khác đến đây chỉ vì tò mò. Pan Giencôp trước khi chết có nói với tôi rằng: “Nếu như tôi lỡ chết đi và có một phu nhân nào đó đến viếng thăm tôi, thì bác hãy nói với nàng rằng tác phẩm tuyệt vời nhất của Bethôven là...” – anh ấy lại còn chép vào đây cho tôi. Pani xem... - Xin bà cho tôi xem, - Vêra Nicôlaiepna nói và bỗng oà lên khóc. – Xin lỗi, những ấn tượng của cái chết nặng nề đến nỗi tôi không kìm được. Và nàng đọc những dòng được viết bằng nét chữ quen thuộc: “L.van Beethoven, Son N22, op.2. Largo Appassionato”. XIII Vêra Nicôlaiepna về đến nhà khi chiều đã muộn, và nàng rất mừng rằng cả chồng lẫn em trai đều đi vắng. Thay vào đó, Gienni Reite đang đợi nàng; và sẵn xúc động trước những gì nàng vừa được nghe và trông thấy, nữ công tước chạy tới ôm hôn đôi tay tuyệt đẹp của bạn và kêu to: - Ôi Gienni thân yêu, tôi xin bạn hãy đàn cho tôi nghe một bài gì đó, - rồi nàng lập tức rời khỏi phòng, đi ra vườn hoa và ngồi xuống một chiếc ghế băng. - Ôi Gienni thân yêu, tôi xin bạn hãy đàn cho tôi nghe một bài gì đó, - rồi nàng lập tức rời khỏi phòng, đi ra vườn hoa và ngồi xuống một chiếc ghế băng. Nàng hầu như không có lấy một giây nào nghi ngờ rằng Gienni sẽ chơi đúng đoạn trong bản Xônat số hai mà người quá cố với cái họ lạ lùng là Giencôp đã yêu cầu nàng. Và quả đúng như vậy. Từ những hợp âm đầu tiên nàng đã nhận ngay ra bản nhạc phi thường, có một không hai ấy. Và tâm hồn nàng dường như bị phân ra làm hai. Trong một lúc, nàng nghĩ rằng một tình yêu lớn đã đi ngang qua đời nàng, tình yêu mà phải hàng nghìn năm mới lặp lại một lần. Nàng nhớ lại những lời của viên tướng già Anôxôp và tự hỏi mình: làm sao con người kia lại bắt nàng phải nghe chính bản nhạc này của Bêthôven, mặc dù trái với ý muốn của nàng? Và trong đầu Vêra nối tiếp nhau hiện dần lên từng từ một, chúng tự sắp xếp lại thành câu. Chúng trùng hợp trong ý nghĩ của nàng với tiếng nhạc, hình như đó là những khổ thơ được kết thúc bằng những lời sau: “Hãy để cho tên Em mãi mãi thiêng liêng”. “Và bây giờ đây tôi sẽ kể lại, trong những âm thanh dịu dàng, một cuộc đời đã nhẫn nhục và hân hoan nhận về mình những nỗi khổ đau và cái chết. Không một tiếng kêu than, không một lời trách móc, không một nỗi đau nào của lòng tự trọng tôi không hề biết đến. Trước mặt Em, tôi chỉ là một lời cầu nguyện: “Hãy để cho tên Em mãi mãi thiêng liêng”. Vâng, tôi đã thấy trước những nỗi buồn thương, máu hồng và cái chết. Và tôi nghĩ rằng thể xác rất đau khi phải li biệt với tâm hồn; nhưng hỡi Em đẹp tuyệt vời cho Em đây lời ca, lời ngợi ca nồng nàn, và tình yêu lặng lẽ. “Hãy để cho tên Em mãi mãi thiêng liêng”. Tôi nhớ từng bước đi của Em, từng ánh mắt, nụ cười và giọng nói của Em. Những hồi ức cuối cùng của tôi thấm đượm một nỗi buồn ngọt ngào, một nỗi buồn thiên đường êm ái. Nhưng tôi sẽ không làm cho Em đau khổ. Tôi ra đi lặng lẽ một mình, như ý riêng của Chúa trời và số phận. “Hãy để cho tên Em mãi mãi thiêng liêng”. Trong những phút buồn đau cuối cùng trước giờ li biệt, tôi chỉ nguyện cầu với một mình Em. Cuộc đời đáng ra cũng có thể là tuyệt đẹp đối với tôi. Đừng than trách, ôi trái tim tội nghiệp, đừng than trách. Trong lòng, tôi khẩn cầu cái chết; nhưng trong tim tôi chứa đầy những lời ngợi ca Em : “Hãy để cho tên Em mãi mãi thiêng liêng”. Em, Em và những người ở quanh Em, tất cả đều không biết Em đẹp đến mức nào. Chuông đồng hồ đang điểm. Đã đến lúc chia li. Và hấp hối, trong giây phút buồn thương giã từ cuộc sống, tôi vẫn hát lời ngợi ca Em. Và kia đang tới, cái chết đầy uy quyền hàng phục tất cả đang tới, còn tôi, tôi vẫn nói - ngợi ca Em!...” Nữ công tước Vêra ôm chặt gốc cây phượng vĩ và khóc. Thân cây khẽ run rẩy. Một ngọn gió nhẹ thổi về và như tỏ ý thông cảm cùng nàng, khẽ lay động lá cành. Những bông hoa thuốc lá hình ngôi sao toả mùi hương nồng đậm. Và trong lúc đó tiếng nhạc lạ kì, dường như hoà theo nỗi đau khổ trong lòng nàng vẫn tiếp tục vang lên: “Hãy bình tâm, hỡi Em yêu quý, hãy bình tâm, hãy bình tâm lại. Em sẽ nhớ về tôi không? Có nhớ không. Với tôi, Em là tình yêu cuối cùng và duy nhất. Hãy bình tâm lại. Tôi vẫn bên Em. Hãy nghĩ về tôi, và tôi sẽ bên Em, vì rằng tôi và Em chỉ yêu nhau trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng là mãi mãi. Em sẽ nhớ tôi không? Có nhớ không? Nhớ không? Tôi đang cảm thấy những giọt nước mắt của Em. Hãy bình tâm lại. Tôi ngủ trong một giấc mơ êm ái ngọt ngào...” Gienni Reite chơi xong bản nhạc, bước ra khỏi phòng và trông thấy công tước phu nhân Vêra đang ngồi trên chiếc ghế dài mặt đầm đìa nước mắt. - Chị sao thế? – Gienni lo lắng hỏi. - Vêra, đôi mắt ướt long lanh, bồi hồi xúc động hôn lên mặt, lên môi, lên mắt bạn và nói: - Không, không, - bây giờ anh ấy đã tha thứ cho tôi. Tất cả đều tốt đẹp. Hết.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương