Chờ Em Đến San Francisco

Chương 16: Họp xóm châu âu



Dù bận rộn và lịch đi công tác dày đặc, tôi vẫn thường có những lần họp lớp, từ bạn bè hồi Phổ thông đến bạn đại học, họp bạn bè thời đi du học chung, họp đồng nghiệp cũ ở những công ty đã nghỉ làm. Nhưng đây là lần đầu tôi họp với hàng xóm cũ, gọi tắt là "họp xóm" cho thân tình. Bình đã nhân cơ hội ở Paris để liên lạc quy tụ các anh Cu và những anh "non-Cu" đang sinh sống ở châu Âu. Dù bận rộn mưu sinh, nhưng thật lạ là các anh chị đều cố gắng đổ đường xa đến Paris.

Anh Cu Nhọn đã gặp Bình ở Thụy Sĩ trước khi Bình đến Paris nhưng vẫn lấy xe lửa từ Genève sang. Anh Tín Húc ở ngay Pháp, chỉ từ Lyon leo một chuyến tàu tốc hành TGV lên, sáng đi khuya về. Anh Cu Dập từ Hà Lan sang bằng xe hơi. Anh Cu Síp cùng chị ruột là Oanh từ Copenhagen đáp máy bay sang. Anh Tú Cam, người gần nhất, sinh sống vùng ngoại ô Paris, hào hứng tài trợ chỗ hội họp và ăn uống. Đặc biệt nhất là anh Tuấn Lụi, ở tận bên Ý mà cũng chịu chơi bay sang Paris họp xóm. 

Anh Tú Cam không những mời mọi người quy tụ về nhà mình mà ai không ngại thì túm tụm nhau ở luôn tại nhà anh. Tôi đi Paris nhiều lần nhưng chưa bao giờ biết được anh Tú Cam sinh sống ở ngoại ô từ mười tám năm nay. Nói chung tôi không quan tâm nhiều đến hàng xóm cũ và cũng chưa bao giờ lên facebook tìm họ. Nhưng mọi người cho biết họ lùng tìm nhau nhiều năm nay. Dường như vì xa quê, họ luôn khao khát tình đồng hương, tình hàng xóm thời niên thiếu. Gặp lại các anh chị, tôi mới biết những lần trước về Việt Nam họ đều tìm lại xóm cũ Tân Định, thậm chí họ còn đến thăm những hàng xóm cũ còn sót lại như ba mẹ tôi. Chẳng bao giờ họ gặp tôi vì ba mẹ tôi cho biết khi thì tôi đi du học, khi thì công tác nước ngoài, lúc bận rộn hội họp gì đó. Và thật là trớ trêu khi bây giờ họ mới gặp được tôi ở Paris. 

Tôi không dám nói mọi người mình hẹn với Bình nên mới từ Việt Nam bay sang. Tôi cứ giả bộ như nhân một kỳ hội họp nào đó nên tình cờ mới gặp lại Bình ở Paris. Nhưng dường như ai cũng thừa biết, thậm chí họ còn biết hai chúng tôi ở chung khách sạn Citadines Montmartre và dĩ nhiên là ngủ chung một căn hộ. Cũng may họ sống ở châu Âu nên học được cách tôn trọng sự riêng tư của người khác và cố tiết chế, không đề cập đến chuyện gì người ta chưa muốn tuyên bố. Mặc dù vậy, cách Bình và tôi nhìn nhau âu yếm và cả cách chúng tôi đụng chạm nhau dù cố kiềm chế cũng khiến mọi người tủm tỉm cười. 

Nhờ chúng tôi đã lướt sơ trên facebook nên gặp thật ngoài đời bớt bỡ ngỡ. Có người giữ được dáng dấp nên nhìn ít thay đổi, có người khó có thể nhận nếu va vào nhau ngoài đường. Ai cũng tay bắt mặt mừng, ôm nhau hôn hít y như phong tục châu Âu. Mà thật ra không ai hôn lướt kiểu xã giao mà ôm ghì và hôn vào má nhau vô cùng thắm thiết. Tôi là thành viên duy nhất còn sinh sống tại Việt Nam và đặc biệt là vẫn ở lại xóm cũ nên mọi người xúm xít lại hỏi han. 

_ Trong đám chúng ta hôm nay, chắc bé An là người thành đạt nhất đó – Anh Cu Síp tuyên bố có phần ganh tị - Thấy trên facebook em đi khắp nơi, chắc đi khắp thế giới luôn rồi hả? 

_ Em chém gió thôi mà – Tôi ngượng nghịu – Em dùng photoshop ghép hình mình vô khắp các cảnh đẹp trên thế giới chứ đâu có đi thiệt. Người ta khoe chồng khoe con, em không có chồng con nên khoe đi lung tung, mà xạo không hà. 

_ Thôi em không cần giả bộ - Chị Oanh bật cười – Chị cũng đâu có chồng con gì đâu, mà cũng không khoe được cái gì khác. Không lẽ chị khoe mình quanh năm suốt tháng làm công nhân trồng bông trong lồng kiếng? 

_ Anh Cu Nhọn cũng thành đạt vậy – Tôi cố lái câu chuyện sang hướng khác – Anh Cu Nhọn giờ là tiến sĩ rồi, giảng dạy đại học tại Thụy Sĩ mới oai chứ! 

_ Oai gì em ơi, bị tụi nó ăn hiếp muốn chết – Anh Cu Nhọn lắc đầu cười – Tới giờ anh cũng đâu được vô quốc tịch, lang thang hết nước này sang nước khác, mỗi năm ký hợp đồng làm việc mới, vợ chồng anh ráng chịu cực cho mấy đứa nhỏ ở lại học. Tới hồi tụi nó vô đại học chắc anh chị cũng về lại Việt Nam tìm miếng đất cắm dùi nghỉ hưu. 

_ Vậy anh Tú Cam thành đạt nhất nè – Tôi tìm chủ nhà đang bận rộn chạy tới chạy lui lấy đồ ăn đãi khách – Sống tại Pháp mà mua được nhà to có mấy phòng ngủ, có vườn tha hồ trồng rau, mùa hè mời bạn về ăn barbecue. Tụi Tây chắc ngưỡng mộ anh lắm! 

_ Thôi cô ơi! – Anh Tú Cam bĩu môi – Tôi làm gì có bạn Tây nào mà mời. Tôi quanh năm bán chả giò, khách hàng đến rồi đi. Nhà rộng mà không có ai đến chơi, có chút tiền mà không có thời giờ để tiêu xài, không có cả thời giờ để nghỉ ngơi. 

_ Thôi mọi người thống nhất rồi – Anh Tuấn Lụi kết luận – Bé An là người thành đạt nhất. Tối nay bé dắt mọi người vô trung tâm Paris ăn nhà hàng. 

_ Ừ, bé An không ngờ giỏi thiệt – Anh Tín Húc đồng ý - Ở Việt Nam mà lãnh lương đô la Mỹ! 

_ Thôi đừng có kêu em bằng bé nữa – Tôi nhăn nhó – Tuổi này rồi mà kêu bé hoài nghe mắc cỡ quá! 

_ Chưa chồng thì cứ là bé – Anh Tú Cam la to - Ủa mà sao dễ thương như em lại ế vậy? 

_ Đồ vô duyên! – Chị Oanh la át lại còn to hơn – Tui cũng chưa chồng nè. Bộ chưa chồng là ế sao? 

_ Thì mấy anh đi hết rồi – Tôi cười méo xệch – Ai thèm lấy em nữa, không ế sao được? 

_ Nghe chưa Bình Bảnh? – Mọi người đột ngột hét và tranh nhau nói loạn xạ - Em chỉ nên nói là Bình Bảnh đi rồi chứ không nên quơ hết là mấy anh. Hồi đó Bình Bảnh đi Mỹ rồi, thì còn lại trong xóm mình cũng mấy thằng mê em. Em chảnh thấy mồ, có thèm dòm ngó gì tụi anh đâu. Chính tụi anh nản quá nên mới bỏ đi hết. 

_ Ủa mà không lẽ em chưa lấy chồng vì chờ Bình Bảnh về cưới em? – Anh Tú Cam lại la to – Trời ơi, sao thằng này tốt số dữ! Nó có gì đâu, chỉ là đẹp trai như Alain Delon. Mà nó thì đã bị tụi anh cho chết tên là Không Lông rồi! Có gì mà em mê? Mà thằng Không Lông kia, vì sao mày đi biền biệt không về Việt Nam cưới em nó, để em nó chờ mòn mỏi vậy? 

_ Sống ở Paris văn minh mà thằng cha này vô duyên quá mức – Bình xua tay, mặt anh đỏ hồng lên – Tao có nỗi khổ tâm riêng. 

Tôi nhìn Bình chăm chú. Thật ra tôi đã luôn muốn hỏi vì sao suốt những năm tháng qua anh không về Việt Nam tìm tôi sớm hơn. Tại sao những người khác đều lần lượt về thăm quê hương, tìm về xóm cũ dù gia đình không còn ai sinh sống ở đó nữa. Có người như anh Tuấn Lụi thậm chí còn ngồi ở quán nước đầu đường mấy ngày liền chỉ để nhìn về căn nhà gia đình mình từng sinh sống. 

_ Khổ tâm gì? – Anh Tú Cam vô tình giúp tôi truy Bình ráo riết – Thằng nào đi định cư ở nước ngoài cũng phải cày, phải làm mọi, nhưng ai cũng để dành tiền về Việt Nam chơi từ rất sớm. 

_ Tao cũng ghét mấy thằng thành công ở nước ngoài thì quay lại chê bai Việt Nam và từ chối không về thăm quê hương – Anh Cu Dập tỏ thái độ bức xúc – Rốt cuộc thì mày đã cưới vợ và giờ chắc li dị rồi. Bình Bảnh mà, khổ tâm gì chứ! 

_ Hay mày chưa có vợ là vì – Anh Tuấn Lụi pha trò – vì mày Không Lông thiệt. 

Mọi người bò lăn ra cười. Tôi cũng cười nắc nẻ. Mọi người đổi đề tài, bàn về những cái tên kinh khủng trong xóm. Cu Dập, Cu Síp, Cu Nhọn, Cu Quẹo. Quá sức tượng hình. Dồi dào nhất là Tú Cam, tức là tám cu, xài sao cho hết. Lại còn Tuấn Lụi với Tín Húc, toàn hùng hục đòi "húc" và "lụi" người ta. Cũng may con gái trong xóm không ai vị đặc biệt danh. 

_ Mấy cái tên đó quý lắm nhe – Anh Tú Cam tỏ vẻ xúc động – Tao không nhớ thằng quỷ sử nào đặt cho tao, nhưng tao bái phục thiệt. 

_ Có điều biệt danh của tụi mình nghe có vẻ "hăm dọa" mấy chị em phụ nữ nhưng trên thực tế thì ai cũng lận đận đường tình duyên – Tuấn Lụi than thở - Hình như phong thủy xóm mình có vấn đề, bị khuyết cung hôn nhân sao đó. Tui có "lụi" được ai cho đáng gọi là "lụi" đâu. 

_ Mấy thằng li dị, mấy thằng trai già, mấy cô... ế - Tín Húc liếc tôi và chị Oanh – Tôi cũng có "húc" ai cho ra hồn. 

_ Vậy không lẽ có tao là ngon – Anh Cu Dập vỗ ngực – Tụi bây trù tao dập mà tao vẫn hoạt động tốt.  

Mọi người lại bò lăn ra cười. Tôi chưa từng đi họp lớp hay họp bất kỳ nhóm bạn nào mà mọi người nói chuyện với nhau thân tình, thoải mái và tha hồ nói bậy như lần "họp xóm" này. Dường như chúng tôi lớn lên cùng nhau, cùng trải qua thời "ở truồng tắm mưa" chung, cùng biết nói bậy từ thời đi xem phim bị rệp cắn ở rạp Văn Hoa rồi. Chúng tôi còn gì để sượng sùng, để e dè và bày vẻ với nhau nữa. 

Trò chuyện mải miết đến chiều thì mọi người bắt đầu đề cập đến những người vắng mặt và trong đó có chị Hương qua đèo. Chị Hương là con gái hiếm hoi trong xóm có biệt danh, mọi người đều nhớ chị nuôi heo, chị học dở, chị nhút nhát nhưng chỉ có chị Oanh là nhớ Hương qua đèo về sau trổ mã rất đẹp. 

_ Thì có đẹp thiệt – Anh Tín Húc bồi hồi – Nhưng nhìn Hương buồn buồn, tủi tủi, nhạt nhạt sao đó. 

_ Hồi đó Hương qua đèo mê Bình Bảnh lắm nè – Anh Cu Nhọn cũng xúc động – Tan học chung lớp với hai đứa tụi bây nên tao biết. Con trai xóm mình chê Hương nuôi heo, nhưng con trai trong lớp thì không biết lý lịch dọn chuồng của nàng. Hồi đó mới học cấp hai ở Văn Lang thôi, cũng có đến mấy thằng mê. Tội nghiệp Hương rớt thi chuyển cấp, không được học tiếp cấp ba. Vì vậy Hương càng khép kín hơn. Nhưng kín gì thì kín, cũng có người biết Hương mê Bình Bảnh lắm nhe. 

_ Mày nói ai mê tao – Bình đang trò chuyện với Tú Cam quay sang ngơ ngác – Sao tao không biết gì hết? Mà Hương qua đèo mặt mũi ra sao tao cũng không thể nhớ nổi. 

Mọi người xúm lại lên án Bình vô tình làm anh bối rối. Tôi quyết định kể về lần gặp lại chị Hương ở New York, bất ngờ như trong các tuồng cải lương. Tôi cũng nói cho mọi người biết chị hận tình Bình kinh khủng. Bình ngạc nhiên khi nghe chi tiết chị kể gặp lại anh ở thác Niagara mà anh làm ngơ khiến chị đau khổ. Bình giơ tay lên trời lo to thống thiết "Thề có Trời cao chứng giám, tao chưa bao giờ đến thác Niagara. Tụi bây lên án tao vô tình và Hương thì hận tình tao. Nhưng tao nghĩ chắc Hương có vấn đề về thần kinh rồi!". Mọi người ngẩn ra hồi lâu. Tôi bất ngờ nhất vì tôi chứng kiến vẻ mặt đau khổ của chị Hương và câu chuyện ở thác Niagara sống động y như thật. 

_ Em nghĩ chắc chị Hương có vấn đề thiệt – Tôi thở dài – Em nhớ lúc đó chỉ có biểu hiện kỳ kỳ. Em nghĩ hay là chị Hương quá hận tình nên mới kỳ lạ như vậy. 

_ Thật ra hồi còn nhỏ trong xóm, mọi người đã thấy Hương kỳ kỳ - Chị Oanh bồi hồi – Tội nghiệp quá, Hương rất hiền, ba mẹ Hương là cán bộ mà cũng bình dân. 

_ Xóm mình nhìn tưởng bình yên, vui vẻ, không ồn ào như các xóm lao động nhưng cũng nhiều chuyện buồn ghê – Anh Cu Dập trầm ngâm – Cũng có mấy người trong xóm đi vượt biên bị chết, bị mất tích. Cũng có người đi nghĩa vụ quân sự bên Campuchia bị chết nữa. 

_ Em nhớ cô Út em quá – Tôi thốt lên – Thà là biết tin cô chết rồi. Còn hai chữ "mất tích" luôn làm gia đình không yên ổn nổi. 

_ Cô Út của em? Cô Nhung? – Anh Tín Húc thốt lên – Anh biết, anh tình cờ có người quen đi chung chuyến tàu với cô Út em. Chuyến đó bị bão, chết gần hết, chỉ sống vài người biết bơi rất giỏi. Trong đó có người quen của anh. Anh đó là chú ruột của một người bạn. Ảnh tên Quân, giờ sống bên Mỹ. 

_ Anh nói sao? – Tôi ngỡ ngàng – Sao hồi nào đến giờ không nghe anh nói gì? 

Anh Tín Húc nghĩ gia đình tôi đã biết rồi vả lại thời đó đi vượt biên chết nhiều hơn sống nên mất tích có nghĩa là đã hết hy vọng. Anh Tín Húc cũng tình cờ quen biết với anh Quân mới mười năm nay. Ngồi kể chuyện với nhau, anh Quân cho biết trên chuyến tàu có một cô bé rất dễ thương ngồi kế bên tên Nhung có đôi mắt đen như tên gọi, nhà cũng ở khu Tân Định, địa chỉ đó, số nhà đó. Cô Út tôi là một trong những người đầu tiên chìm xuống biển. 

_ Sao anh Quân đó nhớ rõ tên cô em, nhớ luôn địa chỉ nhà mà không làm phước liên lạc báo tin về gia đình em một tiếng? – Tôi thở dài – Tội nghiệp ông bà nội của em quá, đến lúc mất vẫn đau đáu không biết con gái Út mình giờ ở đâu! 

_ Chắc ảnh nghĩ không thấy tin tức thì gia đình biết cô em chết rồi – Bình đến bên tôi nắm tay an ủi – Với lại sau chuyến vượt biên kinh khủng, sống sót nhưng chứng kiến nhiều người chết thảm như vậy, chẳng ai muốn nhớ lại chuyện cũ. Họ đều cố gắng tạo lập cuộc sống mới và quên hết cơn ác mộng đã qua. 

_ Anh Tín Húc cho em liên lạc với anh Quân đó – Tôi không ngăn được xúc động, ứa nước mắt – Em muốn nghe ảnh nói nhiều hơn về cô Út. 

_ Hồi đó em còn nhỏ và chuyện xảy ra mấy chục năm rồi mà em vẫn đau buồn nhiều vậy sao – Chị Oanh hỏi – Chị và Nhung cùng tuổi, học cùng trường từ thời mẫu giáo ở La Provindence nè. Hồi đó cô em cũng rủ chị đi, cũng may chị không đủ vàng, nếu không chị bỏ mạng trên biển rồi. 

_ Bình thường em không có nhớ đến cô Út nữa – Tôi bồi hồi – Nhưng trong tiềm thức em vẫn còn lưu hình ảnh của cô. Lâu lâu em lại nằm mơ thấy cô. Mà những giấc mơ đó rất sống động, em như cảm nhận rõ rệt em đang ngồi ở hồ Con Rùa ăn ly kem cuối cùng với cô Út. Em cảm nhận được cả vị kem dâu. Tiềm thức là thứ mà mình không thể kiểm soát được. Mấy chục năm qua em vẫn khấn cô em làm cách nào báo được với em tin tức của cô. Cuối cùng thì cũng biết được... 

Mọi người lại tâm sự với nhau về tiềm thức của mình, hầu như ai cũng có những nỗi ám ảnh, ai cũng từng chịu đựng những cơn ác mộng. Và tôi ngạc nhiên lắng nghe Bình thổ lộ, anh cũng bị ám ảnh đến mức sợ hãi cuộc sống thiếu thốn ở Việt Nam sau ngày Sài Gòn giải phóng. Trong xóm, chắc gia đình anh là khó khăn nhất vì mẹ anh vốn không biết làm gì, chỉ ở nhà nuôi con và "se sua" quần áo, tiền bạc chi xài trong nhà đều do lương sĩ quan của ba anh. Trong nhà có đủ kẻ ăn người ở, từ quản gia, tài xế, chị bếp, người làm vườn. Nhà anh lại đông anh chị em, từng bị đi vùng kinh tế mới rồi trắng tay lộn về Sài Gòn. Nếu nhắc đến đói ăn thì cả nước đều lâm vào cảnh đói nhưng ngặt vì gia đình Bình vốn quen hưởng thụ sự dư thừa nên khi lâm vào cảnh thiếu thốn, họ trở nên khốn khổ hơn người khác. 

_ Mẹ tao sau này qua Mỹ rồi thì mắc bệnh trữ đồ ăn – Bình cay đắng kể với mọi người – Ngày nào mẹ tao cũng đi siêu thị, tha về lương thực rồi cất đầy mấy cái tủ. Đồ ăn để quên đến quá hạn sử dụng mới nhớ lấy ra bắt cả nhà ăn trối chết. Mẹ tao bị ám ảnh thiếu thốn đồ ăn đến mức sinh bệnh rồi truyền căn bệnh sợ sệt đủ thứ cho con cái. 

_ Mẹ tao mắc bệnh trữ vàng, có bao nhiêu tiền mua từng chỉ vàng, cất nhét tùm lum rồi lâu lâu ú ớ bắt cả nhà đi tìm giùm – Anh Tuấn Lụi góp chuyện – Sống bên Ý, ở nhà chung cư mà tối ngày bắt tao tìm cách chôn vàng xuống đất, làm như ở nhà phố của Sài Gòn vậy. 

_ Mọi người có biết vì sao tao không về thăm Việt Nam sớm hơn? – Bình đột ngột tiết lộ - Vì ba tao cấm con cái quay về Việt Nam. Ba tao bị ác mộng mỗi đêm về thời gian ở trong trại học tập cải tạo. Tụi tao ai mà về là ba tao từ luôn. Một lần anh hai tao trốn về, giả bộ nói đi công tác Thái Lan nhưng sau đó đi tiếp về Sài Gòn. Sau đó ba tao tình cờ biết được, ổng lên cơn đau tim tưởng sắp chết. Mấy anh chị em của tao không ai còn dám tìm cách về Việt Nam nữa. Năm ngoái ba tao mất rồi. Mẹ tao thì lại muốn về nhưng giờ sức khỏe yếu quá, bác sĩ không cho đi máy bay. 

_ Vậy mày không liên lạc thư từ gì với bé An sao? – Tuấn Cam hỏi thẳng – Trong suốt chừng đó năm?  

_ Những năm đầu tiên phải đi học lại đại học thì chỉ biết học trối chết. Vừa đi học vừa đi làm thêm nữa. Ra trường thì cố gắng làm việc để trả nợ tiền học. Rồi tao nghĩ chắc bé An... có chồng rồi. Mọi thứ đã quá xa. 

_ Cái xóm mình không phải phong thủy có vấn đề đâu – Chị Oanh cố pha trò – Tại thế hệ đó không ai dám yêu, sợ yêu rồi thì vướng phải ở lại Việt Nam, gia đình bị ảnh hưởng hồ sơ, không đi định cư ở nước ngoài được. Sang được đến bên đây thì lỡ dở tuổi xuân, tìm đồng hương có thể hiểu nhau thì không có, lấy Tây thì cũng không ổn. 

_ Nhưng sao bé An ở lại Việt Nam, không bị lỡ dở lo chờ ngày đi nước ngoài như các anh chị ở đây mà vẫn chưa có chồng? – Anh Tú Cam hồn nhiên hỏi – Anh không tin em mê thằng Bình Bảnh đến mức chờ đợi nó. Nhìn em là anh biết em rất thực tế. 

Tôi và Bình nhìn nhau. Ánh mắt anh khuyến khích tôi nói thẳng, nhưng dường như anh cũng ngầm biết câu trả lời. Quả thật, tôi không phải cố ý chờ Bình mãi đến hôm nay nên chưa có chồng. Nhưng từ lúc chúng tôi gặp lại nhau ở Paris, cùng trải qua những giây phút cuồng nhiệt của tình yêu, tôi đã tự thuyết phục mình là tôi đã chờ anh suốt những năm tháng qua. 

_ Em chưa có chồng vì... - Tôi sượng sùng cố pha trò – Em cũng luôn tự hỏi vì sao em chưa có chồng. Nếu biết lý do thì em đã có chồng lâu rồi. Em còn không biết lý do thì làm sao giải thích cho anh được. 

_ Nhưng chắc chắn không phải vì Bình Bảnh – Anh Tú Cam truy tận cùng – Tụi anh trong xóm rất ganh tị với "nhan sắc" Alain Đờ Không Lông của nó. Anh muốn em làm nó bể mộng hôm nay, rằng nó chả là cái đinh gỉ gì trong cuộc đời của em hết. 

_ Ủa mọi người hồi đó cũng biết em thích anh Bình? – Tôi ngại ngùng – Em tưởng mình kín đáo lắm rồi. 

_ Thôi đừng có ngây thơ nữa, cả xóm ai mà không biết em mê nó, chắc chỉ có Hương qua đèo vì cũng mê nó nên không biết thôi. – Mọi người bật cười – Thôi để tụi anh trả lời luôn, em không có ý chờ đợi gì Bình Bảnh. Chẳng qua tính em khó, em mãi chọn lựa, đến giờ thì trời xui đất khiến thế nào cả em và Bình Bảnh vẫn chưa lập gia đình. Chẳng ai chờ đợi ai. 

_ Tiện thật! – Tú Cam lắc đầu – Số thằng Bình lúc nào cũng sướng. Không hứa hẹn gì với ai, không chờ đợi ai, khỏi sợ bị trách móc. Phụ nữ cứ thế mà xếp hàng nạp mạng cho nó, không ai dám đòi nó cam kết gì. 

Bình đứng dậy, mặt sượng sùng tỏ vẻ không thoải mái khi thấy cuộc đời tình ái của mình bị đem ra mổ xẻ. Tôi càng không thoải mái, mọi người chắc nghĩ tôi chạy theo Bình như một kẻ mộng du mà không có chút tự trọng nào. Cái động từ "nạp mạng" nghe vô cùng thấp kém. Tệ hơn, mọi người nghĩ rằng tôi chỉ là một trong số nhiều phụ nữ xếp hàng chờ tới lượt trong cuộc đời Bình. Tôi bỏ ra vườn một mình, giả bộ nói mình đi xem mấy loại rau Việt Nam mà chủ nhà tự trồng. Trong lòng tủi thân muốn khóc. Bình ra theo tìm tôi "Em vô nhà đi, ngoài này lạnh lắm" nhưng tôi tránh nhìn mặt anh. 

Cái buổi "họp xóm" quái quỷ này, giá mà tôi đừng đến. Và giá mà tôi cũng đừng đến Paris. Giá mà tôi đừng "nạp mạng" cho Bình một cách dễ dàng như thế. 

Vậy mà tôi định sẽ hân hoan và sung sướng "nạp mạng" cho tới giờ phút cuối cùng còn ở lại Paris. Và sẽ tiếp tục ở San Francisco. 

Mà không cần cam kết gì.

_
Chương trước Chương tiếp
Loading...