Chó Ngao Độ Hồn

Chương 4: Tôi cố gắng đóng vai sói chồng



Những người đã từng nghiên cứu về động vật đều biết, giới động vật thiếu tình cảm cha – con. Hầu hết các loài động vật như hổ, linh miêu, bò rừng, thỏ rừng… con đực chỉ sống chung với con cái trong giai đoạn giao phối, một khi con cái đã mang thai, con đực sẽ ra đi không lời từ biệt. Không khó để giải thích hiện tượng nay, bởi trong suốt quá trình sinh đẻ và nuôi con lâu dài của con cái, con đực không những không được yêu chiều, mà còn phải lao động cật lực. Động vật hoang dã vốn sống theo nguyên tắc “vui là chính”, nếu không được vui mà lại phải khổ, con đực đương nhiên sẽ chạy thật xa.

Còn việc vì sao sói đực lại ở bên sói cái từ đầu chí cuối suốt thời gian con cái sinh đẻ, rất nhiều nhà động vật học đã hứng thú nghiên cứu. Có người cho rằng, sói là loài động vật cấp cao, có quan niệm cơ bản về di truyền huyết thống. Có người lại nói, sói cũng giống như người, từ khi sinh ra đã có ý thức trách nhiệm làm cha. Lại có người cho rằng, sói đực có đặc điểm như một nhà sư khổ hạnh, thích chịu khó chịu khổ. Còn tôi lại tự mình trải nghiệm một đáp án khác.

Căn cứ theo đặc điểm chung của loài sói và dựa vào nhu cầu của con sói cái, hàng chiều tôi đều ra ngoài kiếm mồi. Tất nhiên là tôi không thể đi săn trong rừng hoang đồng vắng như một con sói đực thực thụ. Tôi chỉ chống tay chân bò xuống đất cho qua tầm mắt của sói cái, rồi lập tức đứng dậy, đi về trạm quan sát, ăn uống tắm giặt, ngủ cho đã vài tiếng đồng hồ, rồi lấy vài món mà Cường Ba đã mua ở siêu thị từ trước cho tôi: một con gà, một con vịt hoặc một con thỏ, vờ như đó là thành quả đi săn của tôi, đợi lúc mặt trời xuống rồi lần về hang sói.

Điều làm tôi cảm kích là ở chỗ, mỗi lần tôi chuẩn bị rời hang, con sói cái không bao giờ quên nhổm dậy đi tới bên tôi, nhìn tôi hồi lâu bằng ánh mắt lưu luyến, mong mỏi và bịn rịn không rời. Nó liếm láp trán tôi bằng cái lưỡi thô ráp như bàn chải ni-lông, họng phát ra tiếng kêu “U… u…” buồn bã, như thể muốn nói với tôi rằng, chỉ cần tôi bước chân ra khỏi hang, nó sẽ chờ tôi trở về.

Chập tối, vừa thấy bóng dáng tôi nơi dòng suối, sói cái liền tru một tiếng reo vui, rồi từ trong hang ra đón tôi. Nó chạy tới chỗ tôi, hít hà không ngớt khắp người tôi, ánh mắt sáng bừng như ngọn lửa nhìn tôi mừng rỡ. Nó tung tăng nhảy nhót, lượn vòng quanh người tôi, rõ ràng là muốn truyền đạt cho tôi một tín hiệu: Nó rất vui khi gặp tôi. Nó sẽ giúp tôi ngoạm đồ ăn, cùng nhau đi về hang ổ. Có hai lần tôi về hang gặp mưa, nó cũng sẵn sàng đội mưa ra khỏi hang đón tôi.

Trở về hang, con sói cái đen dù đói meo bụng nhưng vẫn không vội ăn ngay. Nó sẽ vòng quanh con mồi mà tôi mang về, vừa lật vừa ngửi, khuôn mặt lộ vẻ vui lòng mãn nguyện, kêu lên khe khẽ rồi sán đến bên tôi, xoa xoa cọ cọ, như thể muốn nói với tôi rằng: “Cảm ơn anh đã mang về cho em bữa tối ngon lành như thế này. Nếu phải xa anh, em thực sự không biết sẽ sống ra sao nữa.”

Sau khi ba chú sói con mở mắt và biết đi, sói mẹ cũng để chúng cùng tham gia vào nghi thức cảm ơn trước bữa ăn này. Cái cách bọn trẻ bày tỏ cảm xúc rất đáng yêu, con nào con nấy nhảy nhót loạn xạ trước mặt tôi, sung sướng kêu lên “ki… ki…” Cái hang bé nhỏ chật chội, nhưng tràn đầy không khí ấm áp của tình thân gia đình.

Mặc dù tôi chỉ là một nhà khoa học mạo hiểm đi vào hang sói, nhưng trong những lúc như thế này, tôi cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc sâu sắc khi được chúng coi trọng, được chúng cần tới và được chúng dựa dẫm, có được một cảm giác mãn nguyện thực sự từ những gì mà chính bản thân mình trải qua. Tôi nghĩ, nếu là một con sói đực thật sự, nhất định tôi sẽ say sưa trong phần thưởng tinh thần to lớn là sự ca tụng ngọt ngào của vợ con mà quên đi mọi vất vả nhọc nhằn của một ngày lao động.

Nhưng con sói đực thật sự chắc chắn không thể nào may mắn như tôi được, ngày nào cũng có chiến lợi phẩm. Tôi muốn biết, nếu một ngày nào đó sói đực chẳng săn được gì mang về, con sói cái sẽ tỏ thái độ ra sao nhỉ?

Hôm đó, tôi ngủ thêm khoảng hai tiếng trong túp lều của trạm quan sát, sau đó chẳng mang theo gì, cứ tay không mà về hang sói. Con sói cái đen vẫn ra đón tôi như thường lệ, tôi giả vờ bộ dạng buồn bã, nó chạy đến bên tôi, lướt nhìn mõm và chân tôi, rồi lập tức hiểu chuyện gì xảy ra và đứng bần thần, nhưng chưa đến hai giây sau, nó liền trở lại trạng thái bình thường, vui vẻ chào đón tôi mà không mảy may suy nghĩ. Nó vẫn hít hà cơ thể tôi, nhảy nhót vờn quanh người tôi như thường ngày, không vì tôi chẳng mang được con mồi nào về mà trách cứ, hờn dỗi hay cắt bỏ nghi thức chào đón tôi.

Về đến hang, thấy tôi co mình nằm một góc buồn rười rượi, nó vẫn ở bên tôi, cọ cái cổ êm ái của nó vào cổ tôi. Tôi như nghe được tiếng lòng của nó: “Anh có thể bình an trở về là em đã vui rồi. Ai cũng chẳng có lúc thất bại, không sao đâu anh.” Nó còn quỳ trước mặt tôi, không ngừng liếm mép, liếm môi, râu và hai chân trước của mình. Nó liếm cả phần da bụng nữa. Đây là động tác của loài sói sau khi đã ăn uống no nê. Thực ra lúc này nó đang đói meo, làm như vậy, tôi nghĩ nó muốn nói với tôi rằng bụng nó không hề đói, đừng lo cho nó.

Từ đầu tới cuối, nó đều không kêu rên, không thở dài, không lộ ra một chút thất vọng nào, cũng chẳng hề hờn dỗi hay trách cứ. Tôi đóng vai một người quan sát khách quan, cũng không thể nào nén được nỗi xúc động. Tôi nghĩ, giá như mình là một con sói đực thật sự, lúc này chắc chắn tôi sẽ áy náy trong lòng, ngày mai cho dù có phải xông vào nước sôi lửa bỏng, tôi cũng phải săn được mồi về.

Tôi không biết rằng, đây là sự thông minh, hiểu biết đặc biệt của con sói cái đen, hay là tất cả những con sói cái đều mang trong mình tố chất đó. Nếu như đây là hành vi phổ biến của loài sói, có lẽ nó sẽ giải thích được tại sao trong một thời gian dài mang thai và nuôi con, sói đực luôn một lòng ở bên sói cái.
Chương trước Chương tiếp
Loading...