Chuỗi Án Mạng A.B.C

Chương 16: (Không phải lời kể của Đại úy Hastings)



Ông Alexander Bonaparte Cust cùng các khán giả khác rời khỏi rạp Torquay Palladium, nơi ông vừa mới xem bộ phim khá ướt át mang tựa đề Not a Sparrow (Không phải chim sẻ)...

Ông hơi chớp mắt khi bước ra khỏi đó trong ánh nắng chiều và nhìn quanh như con chó bị lạc, vốn là kiểu của ông.

Ông lẩm bẩm: “Đó là một ý tưởng...”

Mấy thằng bé bán báo đi qua và rao lớn:

“Tin mới đây... Kẻ cuồng sát ở Churston...”

Chúng cầm những tấm bảng có ghi:

VỤ GIẾT NGƯỜI Ở CHURSTON. TIN MỚI NHẤT.

Ông Cust lục lọi trong túi được một đồng xu rồi mua tờ báo. Ông không mớ ra liền.

Bước vào công viên Princess Gardens, ông chậm rãi tìm đến một mái che hướng mặt ra cảng Torquay. Ông ngồi xuống và mở báo ra xem.

Có mấy tựa đề lớn như:

NGÀI CARMICHAEL CLARKE BỊ SÁT HẠI. THẢM KỊCH KINH HOÀNG Ở CHURSTON. HÀNH ĐỘNG CỦA KẺ CUỒNG SÁT.

Và bên dưới chúng là:

Chỉ một tháng trước, cả nước Anh bàng hoàng và hoang mang khi nghe vụ giết cô gái Elizabeth Barnard ở Bexhill. Chắc mọi người đều nhớ quyển thông tin đường sắt A B C có mặt trong vụ đó. Một quyển A B C khác cũng được tìm thấy bên cạnh thi thể của ngài Carmichael Clarke, và cảnh sát tin chắc hai vụ đều do cùng một người gây ra. Liệu có khả năng tên cuồng sát đó sẽ lảng vảng ở các khu nghỉ dưỡng ven biển của chúng ta không?...

Một chàng trai mặc quần chất liệu flanel và áo Aertex màu xanh da trời ngồi bên cạnh ông Cust lên tiếng:

“Vụ này ghê quá, ông nhỉ?”

Ông Cust giật bấn mình.

“Ối, rất... rất ghê...”

Chàng trai trẻ để ý thấy bàn tay ông run rẩy đến độ gần như không cầm nổi tờ báo.

Chàng trai huyên thuyên: “Mấy kẻ điên đó thì khó mà nói được. Ông biết đấy, thường thì họ không có vẻ gì là gàn dở cả. Họ trông cũng giống ông và cháu vậy thôi...”

“Tôi cũng nghĩ vậy”, ông Cust đáp.

“Thật đó. Đôi lúc chiến tranh làm cho họ mất thăng bằng và không trở lại bình thường được”.

“Tôi... tôi nghĩ anh nói đúng đấy”.

“Cháu không ủng hộ chiến tranh”, chàng trai trẻ nói.

Bạn đồng hành của anh ta phản đối ngay.

“Tôi thì không chấp nhận dịch bệnh, chứng rối loạn giấc ngủ, đói nghèo và ung thư... nhưng chúng vẫn diễn ra đấy thôi!”

“Chiến tranh có thể tránh được”, chàng trai trả lời chắc nịch.

Ông Cust phá lên cười, ông cười khá lâu.

Chàng trai chợt cảnh giác.

“Ông này hơi khùng khùng”, anh ta nghĩ.

Nhưng anh ta nói:

“Xin lỗi ông, cháu đoán ông đã từng đi lính”.

“Đúng thế”, ông Cust đáp. “Chiến tranh làm tôi mất thăng bằng. Kể từ đó, đầu óc tôi không bình thường lắm. Đầu tôi đau lắm anh ạ. Đau khủng khiếp”.

“Ôi! Tội nghiệp ông quá”, chàng trai trả lời vụng về.

“Đôi lúc tôi không biết mình đang làm gì nữa....”

“Thế ạ? À ờ, cháu phải đi đây”, chàng trai nói rồi vội vàng bỏ đi. Anh biết khi người ta bắt đầu nói về bệnh tật thì họ sẽ như thế nào.

Ông Cust ở lại với tờ báo. Ông đọc đi đọc lại...

Người ta đi qua đi lại trước mặt ông.

Hầu như ai cũng đang bàn về vụ giết người...

“Kinh khủng thật... anh có nghĩ vụ này liên quan đến người Trung Quốc không? Không phải cô phục vụ đó làm ở quán ăn Trung Hoa à...”

“Thật ra là trên đường dẫn đến sân golf...”

“Tôi thì nghe đồn là trên bãi biển...”

“... nhưng mà em ơi, chúng ta mang trà đến Elbury mới hôm qua chứ mấy...”

“... chắc chắn cảnh sát sẽ tóm được hắn...”

“... chắc hắn sẽ sớm bị bắt thôi...”

“... chắc hắn đang ở Torquay... cô gái bị giết bởi, anh gọi là gì nhỉ...”

Ông Cust xếp tờ báo thật gọn gàng rồi đặt nó lên chỗ ngồi. Rồi ông đứng dậy và bước chậm rãi về phía thị trấn.

Các cô gái đi ngang qua ông, họ mặc nào là váy, pyjama và quần ngắn màu trắng, hồng và xanh da trời. Họ cười ha hả và cười rúc rích. Mắt họ dò xét những người đàn ông mà họ đi ngang qua.

Vậy mà họ chẳng thèm nhìn ông Cust lấy một cái... Ông ngồi xuống bên một chiếc bàn nhỏ, gọi trà và kem Devonshire...
Chương trước Chương tiếp
Loading...