Còn Chút Gì Để Nhớ
Chương 03-04
Chương 3Gọi là hẻm nhưng con đường dẫn vô nhà dì BA là một khoảnh sân tráng xi-măng của một căn nhà nằm thụt sâu bên trong. Khoảnh sân chạy dọc theo hông của một dãy nhà bề thế và đủ rộng cho xe ô-tô đi lọt. Đi hết khoảnh sân dài độ ba chục mét, đụng phải căn nhà phía trong, quẹo phải là tới nhà dì tôi. Khác với những tòa nhà lộng lẫy tôi vừa thấy ngoài phố, căn nhà của dì tôi trông có vẻ đơn sơ, mái tôn, vách gỗ, các phòng trong nhà ngăn bằng ván ép. Sau này tôi mới biết dì không có nhà riêng. Căn nhà hiện ở là căn nhà dì thuê của chủ tòa biệt thự bề thế đằng trước. Sau khi đã nhìn kỹ biển số nhà gắn trước cửa, biết chắc là mình không lầm, tôi rụt rè bước chân qua ngường cửa. Ngồi trên đi-văng đằng trước là một người đàn bà đứng tuổi, mặt mày có vẻ phúc hậu. Tôi ngợ không biết đó có phải là dì Ba không. Thấy điệu bộ lớ ngớ của tôi, người đàn bà hỏi : - Cháu tìm ai? Tôi đặt túi xách và va-li xuống đất, lễ phép thưa : - Dạ thưa dì Ba... Người đàn bà mỉm cười ngắt lời tôi : - À, tìm dì Ba hả? Bác không phải là dì Ba! Bác là bác Tám nhà hàng xóm! Nói xong, bác Tám quay vô trong, kêu lớn : - Dì Ba ơi! Có khách tìm dì nè! Lát sau, dì Ba đi ra. Mặc dù đã lâu không gặp dì nhưng không hiểu vì sao vừa trông thấy dì tôi nhận ra ngay những nét quen thuộc. Dì có khuôn mặt tròn, đầy đặn, nụ cười cởi mở. So với hình ảnh trước đây của dì trong đầu tôi thì dì mập ra nhiều. Tôi chưa kịp chào, dì đã lên tiếng : - Cháu là Chương phải không? Tôi trố mắt : - Dạ! Ủa sao dì biết? Dì cười : - Ba cháu có đánh điện cho dì, nói là cháu sắp vào. Rồi dì nắm lấy tay tôi : - Cháu mau lớn quá. Mới đó mà gần mười lăm năm rồi! Nếu ba cháu không báo trước, chắc dì không nhận ra cháu đâu! Bác Tám hỏi xen vào : - Cháu dì ở ngoài quê mới vào đó hả? - Dạ nó vào thi đại học đó, chị Tám! - Dì tôi đáp với vẻ hãnh diện. Bác Tám chép miệng : - Giỏi quá hén! Nhỏ xíu mà đã học tới đại học rồi! Tôi chẳng hiểu bác Tám khen thiệt hay khen chơi. Thanh niên cỡ tuổi tôi, đứa nào mà chẳng thi đại học. Hay là tại vì bác Tám thấy tôi nhỏ con, tưởng tôi mới mười lăm tuổi. Sau này tôi mới biết bác có một đứa con gái trạc tuổi tôi nhưng mới học tới lớp mười một. Sau khi hỏi thăm tin tức bà con ngoài quê, dì Ba giục tôi đi nghỉ : - Cháu đi đường xa chắc mệt. Ra đằng sau tắm một cái cho mát rồi lên gác nằm nghỉ. Tôi sực nhớ tới dượng Ba : - Dượng đâu rồi dì? - À, dượng đi làm ở mãi tận Gò Vấp chiều tối mới về. Phòng tắm chỉ có cái lu sành hứng nước từ đường ống. Sau hai ngày đi đường mệt mỏi, người ngứa ngáy và đầy bụi, tôi múc nước dội ào ào một cách sảng khoái. Khi tôi tắm xong, dì Ba dẫn tôi lên gác. Đó là một căn gác gỗ, rộng chừng sáu, bảy mét vuông, sàn lát ván mỏng, bước mạnh một cái là nó kêu "rắc, rắc," nghe phát ớn. Nằm ngủ, trở mình cũng phải trở mình nhè nhẹ nếu không muốn gây ra tiếng động. - Nghe tin cháu sắp vào, dì đã dọn sẵn căn gác này cho cháu. Tối cháu ngủ trên này. Buổi trưa hơi nóng, cháu có thể xuống dưới nhà nằm! - Dì tôi hướng dẫ n cặn kẽ - Học bài cháu ra đằng trước ngồi học. Bữa nay dì hơi nhức đầu nên ở nhà chứ thường ngày dì dượng đều đi làm hết, nhà không có ai, tha hồ mà học. Còn muốn học trên này thì ngồi ở đây... Cái bàn học dì tôi vừa chỉ trông thật tức cười. Đó là một miếng gỗ rộng bản nằm song song và cao hơn mặt sàn chừng bốn tấc, có lẽ trước đây dùng làm chỗ chứa đồ đạc. Trên mặt "bàn", dì tôi đã gắn sẵn một bóng đèn nê-ông ba tấc, ý chừng để tôi học bài ban đêm. Cũng có đôi điều cần phải nói thêm về cái bàn học này. Nó song song với mặt sàn nhưng không nằm ngay trên mặt sàn mà nằm lệch ra ngoài, phía dưới là lối đi thông nhà trước với nhà sau. Do đó khi ngồi học, nếu xếp chân lại thì không sao, còn như muốn thoải mái, đưa chân ra khỏi mép sàn, thõng xuống dưới nhà, thể nào cũng đạp trúng đầu những người đi qua đi lại. Kẹt một nỗi, tính tôi lại hay quên, lúc học bài, ngồi lâu mỏi cẳng, tôi lại thọt chân xuống dưới. Từ khi vào đại học đến lúc tốt nghiệp ra trường, thú thật là tôi đạp trúng dì dượng tôi không biết mấy trăm lần. Dì tôi la hoài mà tôi không tài nào sửa được. Cũng có đôi điều cần phải nói thêm về cái bàn học này. Nó song song với mặt sàn nhưng không nằm ngay trên mặt sàn mà nằm lệch ra ngoài, phía dưới là lối đi thông nhà trước với nhà sau. Do đó khi ngồi học, nếu xếp chân lại thì không sao, còn như muốn thoải mái, đưa chân ra khỏi mép sàn, thõng xuống dưới nhà, thể nào cũng đạp trúng đầu những người đi qua đi lại. Kẹt một nỗi, tính tôi lại hay quên, lúc học bài, ngồi lâu mỏi cẳng, tôi lại thọt chân xuống dưới. Từ khi vào đại học đến lúc tốt nghiệp ra trường, thú thật là tôi đạp trúng dì dượng tôi không biết mấy trăm lần. Dì tôi la hoài mà tôi không tài nào sửa được. Lúc dì tôi dặn dò, hướng dẫn đâu đó xong xuôi, tôi bắt đầu lôi đồ đạc ra sắp xếp. Quần áo, sách vở, tôi để một bên. Phần quà cáp ngoài quê gởi vô, tôi trao cho dì. Thấy tôi lôi bánh trái trong túi xách ra, dì tôi trợn mắt : - Ủa, cái gì vậy cháu? - Dạ, các thứ này là của cậu Năm với dì Bảy... - Không phải! Dì hỏi là hỏi cái túi của cháu kìa! Sao nó tét một đường vậy? Từ khi vào nhà đến giờ, tôi đã cố ý che cái túi rách. Tự nhiên lúc này tôi lại quên khuấy đi mất, chìa cái bề rách về phía dì. Thế là tôi đành phải kể lại chuyện xui xẻo ở bến xe. Dì tôi không kêu tôi "khù khờ" mà bảo : - Cháu mới vô đây còn lạ nước lạ cái, lần sau đi đâu phải cẩn thận. Nói xong, dì tôi cầm cái túi xuống nhà : - Để lát tối dì nhờ dượng Ba may lại cho. Dượng tôi làm ở trung tâm tiếp huyết bên Gò Vấp. Cơ quan cách nhà khoảng mười lăm cây số, sáng sớm năm giờ dượng đã dậy đạp xe đi làm. Nhà có honđda nhưng dượng không đi, dượng bảo đi xe đạp cho khỏe người, coi như tập thể dục buổi sáng. Dượng tôi cũng to con như dì tôi, tính tình cũng cởi mở, thậm chí có phần dễ dãi. Buổi chiều đi làm về, gặp tôi, dượng hỏi liền : - Mày là thằng Chương đây hả? Tôi gật đầu. Dượng vỗ vai tôi, bàn tay dượng nặng chịch : - Tao nghe dì mày nhắc mày hoài! Sao, mày vô đây một mình hay đi với ai? Khi nghe tôi nói đi một mình, dượng tôi khen : - Đi Sài Gòn lần đầu mà dám đi một mình là chịu chơi lắm! Tôi chẳng thấy tôi chịu chơi chút nào. Nhưng tôi không dám kể chuyện bị rạch túi cho dượng nghe. Ăn cơm tối xong, dượng tôi lấy honđda chở tôi đi chơi, đi một vòng cho "biết Sài Gòn", như lời dượng tôi nói. Sài Gòn ban đêm thật là lộng lẫy. Xe cộ nườm nượp, đèn điện sáng choang. Y như những thành phố nước ngoài tôi xem trong sách báo, nhất là khu Lê Lợi và chợ Bến Thành lấp lánh muôn màu. Ngồi trên xe, tôi cứ mải mê đọc hàng chữ chạy vùn vụt trên bảng tin điện trên tòa nhà đối diện với công viên Quách Thị Trang. Khi xe qua khỏi, tôi cứ tiếc hùi hụi. Chạy hết phố hết phường, dượng tôi chở tôi về. Trước khi về nhà, hai dượng cháu ghé Ngã Sáu ăn bánh cuốn và ăn kem. Lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là bánh cuốn và kem ly. Kể từ giây phút đó, hai món "độc địa" này được tôi liệt vào danh sách những món ngon nhất thế giới. Chương 4 Dì dượng tôi không có con. Sống với dì dượng là bé Lan Anh. Nó là cháu ruột dượng tôi, kêu dượng tôi bằng cậu. Nhưng dì dượng tôi nuôi nó từ nhỏ nên coi nó như con. Nó cũng kêu dượng tôi bằng ba và dì tôi bằng mẹ. Lan Anh năm nay mười ba tuổi, học lớp bảy. Nó cũng gốc dân quê như tôi nhưng sống ở thành phố từ nhỏ nên rất bạo dạn và lém lỉnh. Hôm tôi vào, Lan Anh đi chơi mất biệt bên nhà hàng xóm. Gần tối, nó mới ló mặt về nhà. Dì tôi giới thiệu tôi với nó: - Đây là anh Chương con dì Sáu ở ngoài mình mới vô. Con lại chào anh đi! Tôi đã chuẩn bị sẵn một nụ cười thân thiện để đáp lại chào của nó. Ai dè nó hỏi ngược lại dì tôi: - Con của dì Sáu thì con kêu bằng em chứ sao kêu bằng anh, mẹ? Nó làm tôi chưng hửng. Dì tôi la nó: - Con đừng có lộn xộn! Ảnh lớn tuổi hơn, con phải kêu bằng anh! Nó phụng phịu quay lại gật đầu chào tôi. Nó nói lí nhí gì đó trong miệng, tôi nghe không rõ. Không biết nó đang chào tôi hay đang rủa tôi. Tuy nhiên tôi vẫn mỉm cười với nó, ra vẻ một ông anh rộng lượng. Buổi tối, sau khi đi chơi với dượng tôi về, tôi đang ngồi trên gác lúi húi xếp lại mấy cuốn sách thì Lan Anh leo lên ngồi cạnh tôi. Tôi giả bộ không biết, cứ lặng lẽ xếp sách. Nó kêu: - Anh Chương! - Gì đó em? - Anh kêu Lan Anh bằng em hả? Thấy nó lại bắt bẻ, tôi mím môi ngồi im. Thấy nó lại bắt bẻ, tôi mím môi ngồi im. Nó ngẫm nghĩ một hồi rồi bỗng dưng níu tay tôi: - Nếu anh vẫn kêu em bằng em thì em... kêu anh bằng anh hén? Tự dưng nó đổi giọng ngọt ngào quá xá. Tôi khoái chí, cười khì. Lan Anh cầm mấy cuốn sách lên: - Em giúp anh xếp sách nghen! - Ừ, nhưng em nhớ xếp sách học một bên, sách truyện một bên, đừng để lẫn lộn! Tôi vừa làm vừa trò chuyện với Lan Anh. Nó hỏi tôi những chuyện ngoài quê, còn tôi hỏi nó chuyện học tập. Nói qua nói lại một hồi, bỗng dưng tôi phát hiện ra tôi đang nói chuyện một mình, quay lại thấy Lan Anh ngủ mất. Nó gục đầu lên cánh tay, mặt quay về phía tôi, thở khò khò. Sáng hôm sau, Lan Anh lại "truy" tôi: - Anh ở ngoài quê vô, sao không có quà gì cho em hết vậy? - Có bao nhiêu bánh trái anh gởi hết cho dì rồi. Hôm qua em cũng có ăn kia mà! Nó không chịu: - Bánh trái cho mẹ là khác, cho em là khác! Tôi ấp úng: - Nhưng anh đâu có biết em ở đây! Thấy nó xịu mặt, tôi đâm hoảng, vội hỏi: - Chứ anh biết làm sao bây giờ? Nó "giải đáp" ngay: - Chạy ra đường mua cho em mười cây kẹo dừa! Tôi liền làm theo lời nó. Nó dặn mười cây, tôi mua tới mười lăm cây. Nó vừa nhai kẹo, vừa khen tôi: - Anh tốt ghê! Nói xong, nó thưởng cho tôi một cây kẹo, còn nó ăn hết mười bốn cây. Lan Anh có cái tật ưa "chất vấn", thấy chuyện gì nó cũng thắc mắc. Tôi sống yên với nó được hai ngày, tới ngày thứ ba nó lại "gây chuyện": - Tại sao anh giấu em? Tôi ngơ ngác: - Anh có giấu cái gì đâu? Nó khịt mũi: - Chuyện cái túi xách đó! Sao bị rạch túi mà anh không kể cho em nghe? Hóa ra khi dượng tôi khâu lại cái túi cho tôi, nó nhìn thấy. Tôi gãi đầu: - Chuyện đó hay ho gì mà kể. - Hay chứ sao không! Làm sao mà anh bị rạch túi, anh kể nghe đi! - Anh chẳng làm sao cả. Anh cũng không biết ai rạch và rạch lúc nào. Anh xuống khỏi xe, chưa kịp ngồi lên xích lô là đã thấy cái túi bị rạch rồi! Lan Anh có vẻ thất vọng trước câu chuyện dở ẹc của tôi. Nó bình luận: - Thật em chưa thấy ai khù khờ như anh! Nhận xét của nó làm tôi giật mình. Hôm trước, tay xích-lô cũng bảo tôi khù khờ. Nhưng tay xích-lô thì không đáng để ý, biết đời nào tôi mớ ngồi trên chiếc xe của anh ta lần nữa. Đằng này, một con nhỏ ở sát nách mình chê mình khù khờ thì quả là đáng tủi. Tôi thở dài: - Ừ, anh là một thằng khờ. Thấy tôi rầu rĩ, Lan Anh động lòng thương, nó an ủi: - Nói vậy chớ anh không khờ đâu! Khờ mà dám đi một mình ngoài quê vô đây! Tôi chép miệng: - Cái đó thì nói làm gì! Mẹ anh bỏ anh lên xe, xe chạy tới bến bỏ anh xuống, cũng giống như người ta chở hàng hóa vậy thôi! - Cái đó thì nói làm gì! Mẹ anh bỏ anh lên xe, xe chạy tới bến bỏ anh xuống, cũng giống như người ta chở hàng hóa vậy thôi! - Xì! Nói vậy mà cũng nói! Thôi, tối nay hai anh em mình đi coi hát đi! Lan Anh rủ, chắc nó muốn giúp tôi khuây khỏa. - Ai hát mà coi? - Tôi hỏi. - Đâu có ai hát! Đi coi hát tức là đi coi phim đó! Tôi trề môi: - Coi phim nói coi phim, bày đặt nói coi hát! Lan Anh mỉm cười: - Thì em nói vậy quen rồi! Sao, anh đi không? Tôi phân vân: - Dì dượng có cho đi không? Lan Anh gật đầu: - Em nói đi với anh là ba cho đi liền. Tối đó, Lan Anh dẫn tôi đi coi phim ở rạp Long Vân. Rạp gần nhà nên hai anh em đi bộ. Tới nơi, ngó lên bảng quảng cáo mới hay rạp đang chiếu phim "Thằng khờ ra tỉnh"! Tôi liếc Lan Anh, nghi nó chơi xỏ tôi. Nhưng nó cũng ngơ ngơ ngác ngác, chứng tỏ nó cũng bị bất ngờ. Lan Anh khều tôi: - Giờ sao anh? - Sao là sao? - Thôi, hai anh em mình đi ăn kem đi. Phim này dở ẹc à... Tôi nổi máu tự ái: - Dở cũng coi! Chẳng lẽ mình sợ "nó"? Thế là hai anh em bước vào rạp. Phim chiếu cảnh một anh nhà quê ra tỉnh mua máy cày, có bao nhiêu tiền bị bọn lưu manh cuỗm sạch. Không một đồng bạc lận lưng, anh ta phải đi lang thang nhặt từng mẩu bánh mì... Tôi ngồi coi, giật mình thon thót, tưởng người ta nói mình. Phim hài, Lan Anh cố làm mặt tỉnh nhưng không được. Nó cười khúc khích làm tôi muốn điên tiết. Nhưng tôi không trách nó được. Ra khỏi rạp, tôi nhăn mặt: - Anh giống hệt cái anh nhà quê kia! - Không giống đâu! - Lan Anh phản đối. Tôi nhún vai: - Em đừng là bộ! Anh thấy giống y chang! - Em đã bảo không giống mà! Em nói thật đó! Tôi thấy mừng mừng: - Em nói thật hả? - Ừ. - Vậy em nói thật nữa đi! Tại sao không giống? - Nói thật hả? - Ừ, nói thật! - Tại vì anh khờ hơn anh nhà quê kia nhiều! Nói xong, Lan Anh cười hích hích. Còn tôi, tôi giận tím người, không phải giận nó mà giận mình. Nó đã nói "không giống" thế là được rồi, còn ép nó "nói thật" nữa chi không biết.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương