Con Gái Gian Thần

Chương 2: Người nhà và gian đảng



HAY CHO BỨC HỌA ĐIỂN HÌNH VỀ CẢNH TỤ HỌP CỦA GIAN ĐẢNG.

Từ ngơ ngác đến khi biết được gia cảnh nhà mình, Trịnh Diễm bắt đầu suy nghĩ về phương pháp cho ‘một tương lai tươi sáng của gia tộc gian thần.’

Không có kết quả.

Nghĩ cũng biết, một nhà gian thần, nếu chỉ cần tùy tiện tìm một biện pháp mà có thể có kết cục tốt, thì trên đời này quả thật không còn thiên lý.

Tục ngữ nói cấm có sai, thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo, chưa đến lúc thôi, đúng thời điểm, đảm bảo báo đủ.

Bây giờ chưa đến lúc, đến rồi, thì cả nhà chết tất.

Cách tốt nhất để tránh được chuyện này là khiến cha nàng chuyển hình, vấn đề là, hình, có thể dễ chuyển vậy sao?

Câu trả lời đương nhiên là không, nếu có thể thay đổi chính trị dễ dàng vậy, trên đời nào lắm gian thần đến thế?

Hoặc bồi dưỡng thế lực, xây dựng danh tiếng tốt đẹp cho dòng họ, trở thành một đại gia tộc có truyền thống văn thơ. Thanh quý, vô song, vì nước vì dân, Hoàng đế sẽ không phải không biết xấu hổ mà ra tay với gia đình. Thế nhưng, từ trước tới nay, ngoài thành viên trong gia đình, Trịnh Diễm chưa bao giờ thấy họ hàng thân thích nào khác xuất hiện.

Gia tộc thì tạm thời không nói, thân thích cũng chẳng mấy nhà, cái chính là, dòng dõi không cao – đây cũng là chỗ yếu điểm nhất của Trịnh Tĩnh Nghiệp, thường bị các nhà làm quan lôi ra nói nhiều nhất.

Đúng là đường dài đằng đẵng, chẳng thấy ánh dương!

Ghét nhất là tuổi nàng, còn quá nhỏ, dù cho có cách cũng chẳng làm được gì. Tuy người xưa còn trẻ đã bắt đầu quản gia lập nghiệp, nhưng không phải lúc bảy tuổi, hẵng còn là một cô bé con. Thời buổi này cũng chẳng phải chế độ mẫu hệ, dù xã hội có thoải mái thế nào đi chăng nữa, thì cũng không có chuyện nàng nói một câu thì cả nhà liền răm rắp nghe theo – dẫu cha có cưng chiều bao nhiêu cũng vô dụng.

Bây giờ nhiệm vụ hàng đầu của Trịnh Diễm là bình an trưởng thành, mong sao trước khi nàng trở thành một người có tư cách lên tiếng, gia đình mình không gây ra sai lầm gì không thể vãn hồi.

A di phò phò.

Nghĩ nhiều cũng vô ích, bây giờ nàng cần tiếp tục sống một cuộc đời vô tâm vô phế, bộ dạng mày chau mặt ủ sẽ chẳng ai ưa. Nếu như ai gặp cũng ghét, thì những tính toán sau này của nàng coi như chưa gì đã thất bại một nửa.

***

“Thất nương, Thất nương. Có tin vui rồi.” Người hầu của Đỗ thị cười khanh khách đi tới chúc mừng Trịnh Diễm, “Tam nương đã có thai, Thất nương sắp làm cô rồi. Phu nhân bảo ta tới mời Thất nương đến cùng trò chuyện.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp và Đỗ thị có năm trai hai gái, sắp xếp từ trên xuống thì Trịnh Diễm là bé nhất, theo thứ tự trong nhà, nàng đứng thứ bảy, gọi là Thất nương. Người chị duy nhất là Trịnh Du, ở thứ tư, tức Tứ nương, còn lại đều là anh trai, lần lượt gọi từ Đại lang đến Lục lang.

Về xưng hô, Trịnh Diễm chỉ có thể cảm thấy thật may mắn khi cha nàng không mang họ Võ, mẹ nàng trước khi xuất giá cũng là con cả trong gia đình. Đỗ Đại nương nghe hay hơn Đỗ Thập nương, mà cha nàng cũng là con trai độc nhất của ông nội, khi trẻ cũng từng là ‘Đại lang’ suốt bao nhiêu năm.

(Ý bảo, nếu Trịnh tướng mang họ Võ, thì thân con cả, gọi là Võ Đại lang – trùng tên với người anh của Võ Tòng – trong truyện ‘108 anh hùng Lương Sơn Bạc’, người lùn, xấu xí, bán bánh bao ngoài chợ. Còn Đỗ Thập nương là tên một kĩ nữ tài hoa, chung tình, chỉ tiếc trao lầm tình yêu cho Lý Trác, mệnh bạc).

Có trai có gái, còn có cháu, Trịnh Tĩnh Nghiệp lên tới hàm Tể tướng, nên đầy tớ trong nhà gọi ông và Đỗ Thị càng thêm tôn kính. Đỗ thị lại còn là Hình quốc phu nhân được vua ban cho, gia nô càng tôn trọng gọi một tiếng ‘Phu nhân’.

À, nói thêm, năm anh trai của Trịnh Diễm lần lượt có các tên Tú, Kì, Sâm, Uyển, Thụy, ba người anh đầu đã lập gia đình, ba chị dâu trong nhà lần lượt cũng được gọi theo thứ tự của chồng mình, là Đại nương, Nhị nương, Tam nương, mọi người ở nhà mẹ đẻ đứng hàng thứ mấy thì nay trong phủ không dùng nữa, thật ra, về phòng đóng cửa cũng gọi ít dần, chỉ khi về nhà mẹ đẻ mới nghe lại tên gọi ngày xưa thôi.

Bà ta nhắc đến Tam nương, tức là nói đến vợ của tam ca Trịnh Sâm, Triệu thị.

Ái chà, đúng một gia đình đông con nhiều cháu!

Đừng nói Đỗ thị sinh đến năm nam hay nữ, ba cô con dâu cũng chẳng kém cạnh gì.

Trưởng nam Trịnh Tú cùng vợ là Phương thị sinh ra ba người con trai, gọi tên Đức Hưng, Đức An, Đức Khiêm. Trịnh Tú là anh cả, Trịnh Diễm là em út, hai người kém nhau hai mươi lăm tuổi, người con đầu của Trịnh Tú là Đức Hưng năm nay 12 tuổi, còn lớn hơn cả cô út của mình. Ngay cả Đức An, năm nay cũng đã tròn 10 tuổi.

Con thứ Trịnh Kỳ lớn hơn cô em út hai mươi tuổi, nhỏ hơn anh cả năm tuổi, nhưng sinh nhiều hơn. Anh cùng vợ là Quan thị sinh được bốn người con trai là Đức Bình, Đức Lương, Đức Kiệm, Đức Phương.

Con trai thứ ba Trịnh Sâm hơn Trịnh Diễm mười bảy tuổi, kết hôn với Triệu thị được bốn năm, đây là lần thứ hai mang thai, con cả của hai người tên là Đức Cung, năm ngoái vừa thôi nôi tròn một tuổi.

Đại gia tộc thích con đàn cháu đống, hưng thịnh, sống chung một nhà, đây cũng một tập tục của xã hội nông canh ngày xưa.

Đỗ thị năm nay đã 50 tuổi, vợ sang nhờ chồng, con cháu dưới gối, thật hạnh phúc.

Bà là đương gia chủ mẫu, đương nhiên phủ đệ ở trung tâm, sân trong cũng rộng hơn người khác. Khi Trịnh Diễm đến, bà đang nói chuyện phiếm với ba cô con dâu. Mang thai là Triệu thị, nhưng người chúc mừng quá nửa lại hướng về Đỗ phu nhân.

Đỗ thị nói: “Sinh con đẻ cháu lúc nào cũng là chuyện vui, có điều đừng quá náo nhiệt, tránh cho có người bàn tán, còn phải có người đi báo cho nhà bên thông gia nữa.

Gia tướng không phải một ngày là lên hương, tuy rằng con đường làm quan của Trịnh tướng đại nhân thuận lợi, nhưng cũng phải bước từng bước, càng không chỉ nhờ may mắn, nếu không thì ông đã trở thành một ‘Hãnh thần’ (vị quan hạnh phúc) chứ không phải là ‘Quyền gian’ (vừa gian vừa có quyền). Người trong nhà cũng từng bước khấm khá, hôn sự cũng là người sau hơn kẻ trước.

Cái này không phải nói Phương thị có xuất thân thấp mà vì gia thế của em dâu quá chói lóa. Trịnh Tĩnh Nghiệp không phải là người chịu thiệt, đương nhiên không bạc đãi con mình, thông gia kết thân cũng đều là những chọn lựa tốt nhất có thể khi ấy.

Mười lăm năm trước, Trịnh tướng là trưởng một quận, còn là nơi đất đai màu mỡ nhất, từ đó có thể thấy ông có bao nhiêu cơ hội làm quan. Khi ấy, chọn cho con cả mình một cô vợ, đương nhiên cũng không thể thua kém. Phương thị cũng xuất thân con nhà làm quan, giàu có, tuy cha của chị là Phương Duyên Linh sau khi làm quan không lâu đã nghỉ hưu, nhưng bốn anh, hai người em trai đều làm quan lục, thất phẩm.

Vậy cũng coi như là một gia tộc không tệ rồi.

Địa vị của phụ thân hai cô em dâu thì càng dữ dội.

Khi Phương thị vào cửa năm năm sau, con trai thứ hai của Đỗ Thị đã kết thông gia với một gia đình có địa vị cao, lấy con gái của Trữ viễn hầu Quan Chính Ngạn.

Người đang có thai bây giờ là Triệu thị càng khó ngờ hơn cả, là gia tộc ‘mấy đời làm quan’, đã qua hai triều vua, hiện là triều thứ ba, gia đình của chị là nhãn hiệu nổi tiếng cả nước, á, nhầm, là ‘thế gia’ nổi danh toàn quốc mới đúng. Đoán chừng, gia tộc Triệu thị đã thịnh vượng hơn bốn trăm năm nay.

Đừng thấy Trịnh Tĩnh Nghiệp làm Tể tướng, có thể cho con trai cưới con gái của gia tộc như thế, tuy không phải chính tông, nhưng cũng xem là trèo cao rồi. Lấy chồng rời khỏi nhà, so ra, Trịnh gia mới đúng là nhà giàu xổi.

Đỗ thị là vợ Tể tướng, nhất phẩm phu nhân, cũng tôn trọng ba người con dâu. May mà con gái nhà quan được giáo dục tốt, Triệu thị cũng không dám kiêu căng tự đại ở nhà chồng, nhưng tuy rằng được dạy dỗ từ bé đi chăng nữa, cũng sẽ khác so với nhà mẹ mình, quan hệ với mẹ chồng, chị dâu, em chồng không thân thiết lắm – âu cũng là khó tránh khỏi.

Như việc cố ý nhắc tới chuyện nhà thông gia, Đỗ thị cũng là vô ý thức nói mà thôi.

Trước khi Trịnh Diễm bước vào có lẽ là đã có người thông báo, chờ khi nàng bước qua cửa, trong phòng mọi người không nói gì thêm, Đỗ thị ngoắc tay vẫy con gái: “Thất nương qua ngồi ở đây.” Đỗ thị ngồi một mình trên chiếc sạp nhỏ, nhóm các cô con dâu ngồi ở sạp dưới theo thứ tự, Trịnh Diễm theo thói quen chạy tới ngồi đối diện với Đỗ thị, “Mẹ ơi, con vừa có thêm cháu à?”

Đỗ thị cười nói: “Mau chào chị dâu con đi,” rồi chỉ qua Triệu thị “Sao còn chưa chúc mừng Tam nương?”

Ba cô con dâu nhà Trịnh gia đều rất có dáng ‘hiền thê’, điều này nghĩa là nhìn qua liền cảm thấy đã được giáo dục rất tốt. Thật ra cũng đúng, ánh mắt bờ mi đều vô cùng hiền lành. Nhưng nếu so ra, Trịnh Diễm thấy người mẹ kiếp này của nàng, Đỗ thị, trong mắt bà còn chứa cả sự dũng cảm nữa.

Phương thị lớn hớn Trịnh Tú một tuổi, chẳng bao lâu con trai có thể được cái ấm quan (ý bảo nhờ cha, ông có công mà có), vậy nên hai năm nay đều cố gắng cẩn trọng, quần áo ít hoa văn, trang sức không dùng nhiều. Gia tộc của chị tuy không nổi tiếng cả nước, nhưng cũng là đứng nhất một quận, con nhà đàng hoàng, càng không thể hiện trước mặt Triệu thị.

Thật ra xuất thân của Quan thị không thấp, trong ba chị em dâu là người hoạt bát nhất. Gộp lời Phương thị và Triệu thị vào cũng không nói nhiều bằng chị, chị nói nhiều như vậy nhưng không làm người khác chán ghét, cũngnhờ giọng nói đã góp phần không nhỏ.

Triệu thị trẻ tuổi nhất, chưa lộ bụng, mặc một bộ màu thiên thanh, bên trên thêu chìm, trông thật lộng lẫy.

Thấy con gái và con dâu trò chuyện một hồi, Đỗ thị ôm con than nhẹ: “Tiếc là Tứ nương không ở nhà.” Trịnh Du đã lấy chồng, không thể vì một ‘chuyện nhỏ’ như chị dâu có thai mà bảo chị quay về, mặc dù là nhà của gian thần Tể tướng thì cũng không thể kiêu căng vậy được, huống chi Trịnh gia sẽ tuyệt đối không thừa nhận gia đình gian tướng mình vừa hống hách vừa càn quấy.

Lại bảo: “Chút nữa cha và các anh con về, có khi Tam lang mừng đến bay thẳng lên trời luôn đấy chứ.”

Phụ nữ trong nhà nói chuyện với nhau, vì ngại Trịnh Diễm còn nhỏ, cũng không chọc ghẹo Triệu thị như bình thường, đề tài rất đúng mực.

Mọi người xem đi, có ai cảm thấy nhà này có ngày sụp đổ được không?

***

Vậy chi bằng ta nhìn cảnh khác?

Lấy tư cách là tể tướng của một quốc gia, Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng không chỉ có một mình, nếu thật vậy, khỏi chờ đến khi Trịnh Diễm nghĩ ra cách gì thì đã bị bãi chức, bắt sạch cả nhà rồi. Từ khi cha nàng phát triển chế độ quan lại của triều Đại Khích đến nay, có năm vị tể tướng, có điều Trịnh tướng hung hãn hơn, khiến người chẳng ưa nhưng Hoàng thượng không ghét thôi.

Được Hoàng thượng yêu thích, có năng lực, lại hung hăng càn quấy, Trịnh Tĩnh Nghiệp rất bận rộn.

Sáng dậy năm giờ, tối khuya mới ngủ, ngày chưa sáng đã lên chầu, ăn tại nơi làm, đến khi nhá nhem tối mới trở về. Trở về còn không được yên an, trước cửa nhà gian thần luôn có một đống quan viên đến tặng quà, xin gặp, mách lẻo, nịnh bợ, báo công… đều có đủ.

Có năm tướng, Trịnh tướng nhận chức cũng năm năm, nhưng huân quý, thế gia, tôn thất chực chờ trên triều, ông không thể quá buông lỏng – địa vị chưa đủ vững chắc.

Không phải Trịnh tướng vô năng, ông nhận chức Tể tướng khi vừa bốn mươi lăm tuổi, bốn mươi lăm tuổi – thường ủy, gọi ‘tuổi trẻ tài cao’ là hoàn toàn xứng đáng. Ban đầu khi mới nhận chức Tể tướng đã gặp phải cục diện hỗn loạn do người tiền nhiệm trước để lại, lại còn thêm một vị Hoàng thượng đã đăng cơ hai mươi bảy năm, năm nay gần sáu mươi, nhưng rất sủng ái Miêu quý phi vừa tiến cung, trái phải có một đám đồng nghiệp đang nhìn chòng chọc vào tướng vị của mình, ai da, lại còn nhóm các hoàng tử bắt đầu rục rịch khắp nơi, dưới có trăm công nghìn việc, ông có thể đứng vững như thế, để người ta phải mắng chửi, khả năng không giống người bình thường.

Cần phải biết Trịnh Tĩnh Nghiệp không phải xuất thân con nhà quan, cũng không phải con nhà cao quý, không có chống lưng, đến được đây, thật sự không hề dễ dàng!

Trong phòng Trịnh tướng, có vài vị gian đảng ‘đúng tiêu chuẩn’ đang bàn bạc mưu đồ cùng gian tướng, định siểm nịnh hại trung lương.

Ấy thế mà hoàn toàn khác biệt so với trong tưởng tượng, Trịnh tướng có vè ngoài rất đường hoàng, còn có chút tiên khí. Nay đã năm mươi, nhưng tác phong vẫn nhanh nhẹn như trước, mày gọn mắt dài, mũi cao râu mảnh, khóe môi cười mỉm không ngả ngớn, dựa ra sau, hỏi: “Có chuyện gì?”

Gian đảng Giáp (kháng nghị, dù gì ta cũng là Lại bộ thị lang, sao cô lại gọi bằng cái biệt danh như vậy hả?) cười lạnh: “Viên Mạn Đạo đang bất bình vì chuyện của Phó Hàm Chương đấy.”

Gian đảng Ất: (giơ tay, ta là Trung thư xá nhân, địa vị rất quan trọng à nha): “Thánh nhân ghét nhất có kẻ sinh sự, lão ta làm vậy là muốn tìm cái chết sao?”

Gian đảng Bính là một kẻ thận trọng, thân là Ngự sử nên cũng suy nghĩ cẩn thận hơn: ”Lần này Phó Hàm Chương giải quyết vấn đề biên giới, nếu không phải do thủ hạ của hắn ta nóng nảy mà phạm sai, để chúng ta tấu lên thì cũng chẳng đến mức như hiện tại. Nhưng quả thật Phó Hàm Chương có công, nếu khiến dư luận không vừa lòng sẽ khó xử lí. Vả lại Viên Mạn Đạo có tiếng là thanh liêm, lại còn xem thường cái chết, người này tuy đáng ghét, nhưng chưa có ai nói ông ta không công bằng.”

Gian đảng Tiểu đầu mục: “Giời~ cũng là kẻ đạo đức giả mà thôi,” sau đó thần bí kể lại, “Nếu ông ta quả thật là một quân tử giữ lễ như thế, sao có thằng con ăn chơi trác táng vậy được.”

Viên Mạn Đạo đúng là một người chính trực thanh lưu, tuy không phải là nhà làm quan, nhưng luận về phẩm chất thì khối người sùng bái. Nghe đâu người này rất hiếu thảo với cha mẹ, cha qua đời thì đau khổ, bỏ lễ nạp thái (mang sính lễ tới dạm hỏi), một mình phụng dưỡng mẹ già, tuy cuộc sống vất vả nhưng hết lòng giúp đỡ bạn bè, thế nên ba mươi tuổi vẫn chưa có vợ.

May mà nhờ nhân phẩm tốt, cũng bởi nhân phẩm tốt, lại còn rất đẹp trai nên được làm rể của một vị giữ chức trong quận, vẫn sống thanh bần như trước. Phẩm chất của người này rất tốt, tiếng lành đồn xa, được Hoàng đế còn trẻ khi đang muốn dốc lòng xây dựng đất nước triệu về làm quan. Nhận bổng lộc thì tiếp tục làm việc tốt, nhờ có vợ chăm lo việc nhà, trong nhà không đến mức giống Lữ tú tài trong ‘Võ lâm ngoại truyện’, mình bị đói mà lại đem cơm bố thí cho ăn mày.

Người như thế, trong mắt mọi người chính là người tốt. Nếu như bọn họ tiếp tục như thế trong vài chục năm nữa, có lẽ sẽ thành một thế gia mới. Nhà làm quan ấy mà, rất coi trọng thanh danh.

Thế mà ông ta lại có một đứa con rất ngỗ nghịch, có lẽ Viên Mạn Đạo lấy hết tất cả sự ổn trọng của Viên gia dùng hết rồi, cho nên Viên Thủ Thành, con trai độc nhất của Viên Mạn Đạo thiện lương, tài hoa hơn người nhưng cũng là kẻ khiến người khác căm hận. Trêu chọc đùa giỡn ni cô, khiêu khích chòng ghẹo ca kĩ, đánh nhau với lưu manh, cãi nhau với gian thần.

Vị Thủ Thành công tử này còn là một anh chàng đẹp trai, mặt mày sáng sủa khiến người ta có cảm tình, làm việc cũng có chừng mực, mọi người lại nể mặt cha anh ta, nên cũng không so đo nhiều. Dù sao, người trẻ tuổi gặp chuyện bất bình, là biểu tượng của việc có tinh thần chính nghĩa, nhưng nếu có một người cha nổi danh nghiêm chỉnh đoan chính như vậy thì cứ ở đó mà ăn khổ.

Trước đó hai ngày, trên đường đi, thấy có gã đang đùa giỡn con gái nhà lành, liền xăn tay áo đến đánh một đám năm kẻ tay sai tới mức về nhà, má nhận không ra.

Gian đảng tiểu đầu mục Đại Lý tự khanh muốn nhắc tới chuyện này, những án kiện như thế này thường không cần ông ta quản đến, nhưng lấy tư cách là quan tư pháp, những tin tức về các vụ thế này thì khá nhanh. Bây giờ không phải là lúc phân tích, không nói tới chuyện trêu đùa gái nhà lành có sai hay không, nhưng đánh người thì chắc chắn không đúng. Thấy không vừa mắt liền giơ tay động chân, vương pháp để làm gì? Sao không gọi 110 thông báo?

Gió này không thể không nổi! Thằng nhóc này thật ngông cuồng, dù có lý, nhưng không tuân thủ pháp luật… phá hỏng thanh danh cha anh ta!

Xem nào, phải mang chuyện này ra ngoài đâm chọc, khiến lão Viên đau lòng về con trai mình mới được!

Cuối cùng thủ lĩnh gian đảng lên tiếng tổng kết: “Kẻ làm cha mẹ lúc nào cũng đau lòng vì con cái! Bây giờ các ông về nhà trông con đi, đừng để nó ra ngoài học theo cái xấu. Ta cũng đi giáo huấn mấy đứa khuyển tử ở nhà đây.”

Mọi người đều ngầm hiểu ý, cả đám về nhà lấy chuyện Viên công tử ra luyện tập vậy. Khi rời đi còn tranh thủ nịnh bợ, nào là công tử quý phủ tuấn tú lịch sự, gia giáo rất tốt, đấu có như tên phá gia chi tử nhà họ Viên kia, nào là ngài quả là một người cha hiền hậu, chắc chắn lệnh công tử sẽ không phụ với kì vọng của ngài… Sau đó cố gắng thể hiện chỗ ‘tốt đẹp’ nhất của mình trước thủ lĩnh gian đảng một hồi rồi mới hoan hỉ ra về.

Thật đúng là một bức tranh điển hình về sự tụ tập của gian đảng (Rõ ràng bị ảnh hưởng từ cảnh vui vẻ náo nhiệt ban nãy!)

Trịnh Tĩnh Nghiệp khách sáo đứng dậy, tiễn mọi người ra tận cửa: “Thứ cho ta phải làm sổ sách cho xong, không tiễn xa được.”

Các vị gian đảng rất thức thời: “Không dám, không dám.”

Có đám đàn em, làm đại ca thì còn cần gì tự mình nhúng tay? Trịnh Tĩnh Nghiệp, mân mê hàm râu, đi tìm vợ kiếm con ăn tối.
Chương trước Chương tiếp
Loading...