Con Gái Gian Thần

Chương 32: Phiên ngoại thứ nhất



Trịnh Đức Bình lười, lười đến cùng cực, lười đến nói cũng chả buồn nói.

Trịnh Kỳ và Quan thị người khéo miệng trong thiên hạ, thế mà lại sinh ra một thằng con thích giả vờ câm điếc.

Quan thị chê thói xấu nói chuyện trên bàn ăn của Trịnh gia, Trịnh Đức Bình cũng đỡ mệt – cậu nhóc từ nhỏ đã không thích nói chuyện. Đừng nói là ăn cơm, chỉ khi nào nhai nuốt mới mở mồm, muốn cậu khởi động công năng thứ hai của miệng mình thì hẳn sẽ rất tốn sức.

Vì thế Đỗ thị có nỗi lo thầm kín: “Hay là cha mẹ nó nói được, nên nói hết lời của thằng bé luôn rồi?” Sau đó ám chỉ Quan thị, có phải vì đã tìm một vài nhũ mẫu ít lời chăm sóc Đức Bình không? Kết quả thế nào? Trong nhà Trịnh gia thường xuyên xuất hiện cảnh lạ: Trịnh Đức Hưng và nhũ mẫu hai bên nhìn nhau, như thể hai cao nhân muốn quyết chiến trên đỉnh Tử Cấm (phim có Lưu Đức Hoa, Triệu Vi đóng, công chiếu năm 2000), chẳng ai chịu mở miệng trước.

Nếu không phải Trịnh Đức Bình thấy cha mẹ, trưởng bối có thể vấn an, không nói lắp, thì có khi Trịnh Tĩnh Nghiệp đã lạm dụng chức quyền, kéo vài ngự y về nhà mấy lượt rồi.

Trịnh Đức Bình cảm thấy mình rất xúi quẩy, lúc nào cũng vậy. Lý tưởng lớn nhất cả đời cậu chính là làm một con ông cháu cha tự do tự tại, nằm ngủ ngon lành trên công lao của ông cha, trưởng thành sẽ được ấm chức – chuyện này cũng dễ thôi, ông nội là Tể tướng đương triều, cha còn trẻ đã lên quan ngũ phẩm, sau này sẽ trèo tới nhị phẩm, nhà ông ngoại là khai quốc huân quý. Không thì sao có thể thoải mái đến vậy?!

Là con cả của cha mình, có mấy người anh họ lớn tuổi hơn, thêm một đống anh em ruột, anh em họ hàng, gia tộc có người gánh vác, huyết mạch cũng không đến lượt quan tâm. Cậu chỉ cần đủ tuổi thì lăn vào một nha môn nhàn hạ nào đó, nhờ lý lịch mà thăng chức nhanh hơn cỏ mọc rễ. Khi trưởng thành thì trong nhà sẽ tìm cho một mối hôn nhân tốt, sau đó sẽ cố gắng làm một bộ ác bá cường hào để con trai noi theo mà tiến…

Đúng là viễn cảnh hoàn hảo làm sao!

Từ lúc còn rất nhỏ, cậu đã bắt đầu nghĩ như thế rồi. Khi Trịnh Đức Bình năm tuổi, có theo mẹ cậu là Quan thị về nhà mẹ đẻ, thì kế hoạch vĩ đại kia càng được hoàn thiện, càng cố gắng thực hiện hơn.

Hôm nọ, ngày xuân tốt trời, Quan thị nói với mẹ chồng muốn đưa con về thăm mẹ đẻ. Ninh Viễn Hầu gia cách Trịnh phủ không xa, không bao lâu đã tới nơi.

Vừa vào cửa, bà ngoại vô cùng hiền từ vuốt tóc Trịnh Đức Bình hỏi: “A Lang và các anh em có khỏe không? Hôm nay không cần học bài sao?”

Một lời thôi mà đã đụng tới chuyện đau lòng. Trịnh Đức Bình khổ lắm! Anh em nhà cậu, xếp theo tuổi, lần lượt là Trịnh Đức Hưng, Đức An, Đức Bình, Đức Lương, Đức Khiêm, Đức Kiệm, Đức Cung, Đức Phương, Đức Nhượng, Đức Nhân, phía sau còn vài đứa nữa chưa sinh ra, Đức Lương mới ba tuổi, bốn anh em đi học, có thêm hai người chú, một người cô.

Trịnh Tĩnh Nghiệp rất coi trọng giáo dục con cái, phương châm của ông là có thể thiếu thốn nhưng không thể thiếu giáo dục, dẫu có khổ cũng không thể để con trẻ chịu cực, nghĩ đến sự gian khổ học hành thuở bé, đã mời rất nhiều danh sư ‘dạy từ khi còn non’, cố gắng rèn luyện lũ nhóc tì được ngâm trong mật này.

Cũng chưa đến nỗi nào, Trịnh Tĩnh Nghiệp đòi hỏi cao thì thôi, trình độ của đám nhóc Trịnh Đức Bình cũng không tệ lắm. Ngoại trừ hai người chú thì có Đức Hưng hơi lớn, tuổi tác của cậu cùng Đức An, Đức Lương và tiểu cô cô không chênh lệch nhiều, Trịnh Tĩnh Nghiệp lấy yêu cầu cao nhất về bài tập của tiểu cô cô dành cho cậu, khổ không thể tả!

Ở Trịnh gia mà nói ‘Không bằng cả một cô bé con’ tuyệt đối không phải đang chửi mắng gì đâu, bảo ‘Học được như nha đầu kia là tốt rồi’ nghĩa là khen. Sự thật đã chứng minh, cô của cậu, thư pháp giỏi nhất, lá gan lớn nhất, đầu óc nhanh nhẹn nhất, mà hạ thủ cũng độc nhất. Không mấy ai có thể so sánh với cô cô. Không bằng là không bằng chứ sao.

Có thể Trịnh Tĩnh Nghiệp cho rằng, tất cả con cháu đều sẽ hăm hở tiến lên, ông đã từ Sơn Dương đến được kinh thành mà có thành tựu như bây giờ, thì con cháu của ông cũng không thể chùng bước. (Trịnh lão cha: Gầy dựng sự nghiệp dễ, giữ vững cơ đồ khó, không có bản lãnh thì không giữ được gia sản.) Cứ như vậy, Trịnh Đức Bình bị yêu cầu phải chăm chỉ hơn, đúng là làm khó cậu bé con mới lên năm.

Trịnh Đức Bình chịu khổ, nghe bà ngoại dịu dàng hỏi, bỗng há miệng òa khóc: “Khổ lắm ạ!” Người ta muốn nhàn nhã, tại sao cứ khăng khăng bắt học thế này.

Quan thị đập vào sau ót cậu một cái: “Con khóc gì hả? Không phải ai cũng học như nhau sao?”

Lúc này Cố Ích Thuần chưa tới dạy ở Trịnh gia, nhưng mà từ thời niên thiếu, Trịnh Tĩnh Nghiệp lăn lộn dưới trướng của Cố Ích Thuần, bản lãnh dày vò học trò đã là thượng thừa, giáo viên để Trịnh Tĩnh Nghiệp sắp xếp các môn. Trịnh Đức Bình thút thít kể lể, nào là sáng sớm canh năm đã bị ép dậy học, ban ngày đọc như máy phát, tối về chép bài như máy in.

Theo Ninh Viễn Hầu phu nhân, có giỏi giang đi chăng nữa thì cũng éo có chỗ dùng đâu? Thời này không có thi cử để ra làm nhân viên chính phủ, cũng chẳng cần thi đại học, ngay một kì thi cũng không, học làm cái mốc gì? Chỉ cần lễ nghi đầy đủ, thường thức tạm ổn, không cần quá ngu dốt, thì có cha nó mà! Nếu đã không có thiên phú, thì phí thời gian làm gì? Chi bằng cứ giải khuây, tìm vài bằng hữu, mở rộng mạng lưới quan hệ, móc nối xã giao, mới là hữu dụng nhất.

Nếu mà khen con nhà ai học hành giỏi giang, ấy hẳn là do đứa bé kia có thiên phú. Học xong, chịu khó lắm mới coi là có ích, mọi người khích lệ, hâm mộ; học không xong, chẳng làm được gì, lại thành kẻ ngốc, nhất định sẽ bị cười nhạo sau lưng. Tuy nghe cháu ngoại mình học hành không giỏi bằng Thất nương Trịnh gia, mặt lão phu nhân hơi xìu xuống một chút, nhưng vẫn an ủi cháu trai: “Học không giỏi thì khỏi học, không phải ai cũng được như cô của con. Nhà chúng ta thế này, không sợ không có cơm ăn, nha con.”

Quan thị sẵng giọng: “Mẹ toàn nói cái gì đâu không!”

Ninh Viễn Hầu phu nhân không vui: “Mày lớn rồi, chê mẹ phiền, mẹ nói không đúng chỗ nào? Trừ phi được tiến cử lên triều, hoặc là nổi danh cả nước, có kẻ nào không đi lên nhờ ấm chức đâu? Học với chả hành, có mà dùng được cái con khỉ mốc! Biết làm việc là được rồi! Cháu ngoan, cháu nghe bà, nói xem, hay là muốn đi học. Người thông minh thì được sống thoải mái, chỉ có kẻ ngốc mới vất vả đến chết thôi.”

Không thể không nói, sự ngụy biện này rất ảnh hưởng đến sự trưởng thành của Trịnh Đức Bình mai sau, một nụ hoa, cứ thế mà bị làm cho lệch lạc.

***

May mà Ninh Viễn Hầu phủ là nhà ngoại, thời gian Trịnh Đức Bình đi thăm bà ngoại không nhiều, trong nhà còn có Trịnh Tĩnh Nghiệp làm chủ, Quan thị lại cảm thấy nếu con mình học hành quá kém cỏi thì mình không có mặt mũi trong các chị em dâu, thế nên Trịnh Đức Bình không đến nỗi méo mó. Lớp học, cậu vẫn đi, bài tập, vẫn làm, chỉ là… cái gì cũng ở mức tàm tạm.

Sao phải vất vả như vậy? Trịnh Đức Bình nhìn sự cố gắng của người anh họ, một bộ căng thẳng đi theo tên Cố Nại kia, càng cảm thấy ‘tiến bộ’ là thứ trói buộc sự tự do phát triển nhân cách của con người nhất. Thế nên cậu vẫn cứ thảnh thơi quên trời quên đất như trước.

Có người nói, sự phát triển của khoa học kĩ thuật là nhờ sự truy cầu lười biếng của con người, không muốn quạt tay, thì có quạt máy, có điều hòa; không thích nhóm lửa thì có lò điện, bếp ga; không muốn chạy thì có ô tô, máy bay…

Tương tự, nếu dưới áp lực của ông nội và mẹ mà Trịnh Đức Bình muốn lười biếng thì phải nâng cao hiệu suất. Có thể làm trong một lần thì không kéo qua lần thứ hai, có thể nói ít một chữ thì sẽ lời ít ý nhiều.

Trịnh Tĩnh Nghiệp buồn muốn chết được. Một cô con gái thế ông còn chịu được, nghìn vạn lần đừng có thêm một thằng cháu kì kì quái quái nữa!

Đa số các con cháu của ông đều ở trình độ trung bình, không phát triển đặc biệt, nhưng chẳng hề ngu ngốc. Con cả, cháu đầu tuy hơi ‘ngay thẳng’, nhưng sau khi dạy dỗ lại, đã tiến bộ không ít, đám ở dưới cũng chẳng tệ. Nhưng với Đức Bình thì ông rất muốn đánh người, con của người con trai thứ hai, là một đứa cháu quan trọng, sao lại không hề cảm thấy đang tồn tại gì cả vậy? Thế thì sao được! Sau này nếu ông chết đi, cho dù không ra riêng, Trịnh Đức Bình cũng không thể không gánh vác gì, cháu trai của Trịnh Tĩnh Nghiệp, há lại có thể ủ ê như thế?

Cho dù có ủ rũ, ít nhiều cũng phải có thể làm gì đó, có thể để ông trông vào. Không hề, một chút cũng không! Học hành thì khỏi nói, hỏi một câu đáp nửa câu, tuyệt đối không suy một ra ba. Cưỡi ngựa, nhất định không chạy nhiều hơn quy định một vòng, bắn tên, bảo bắn mười thì nhất định không lãng phí mũi tên thứ mười một.

Thế cũng thôi, càng làm cho Trịnh Tĩnh Nghiệp không thể ngờ nhất được chính là chữ của Trịnh Đức Bình. Cứ như đang cầm thanh củi mà vẽ ra, như vẽ rồng vẽ rắn, ngoại trừ trông nó ra dáng chữ, thì không có cách nào để đánh giá. Dù gì ông nội nó cũng là thư pháp danh gia đương thời, thầy nó cũng là thư pháp danh gia đương thời, tại sao có thể làm mất mặt ông nó quá vậy?

Trịnh Tĩnh Nghiệp hiền từ, bao che khuyết điểm, với người nhà như tiết xuân ấm áp, thế mà không nhịn được, giữa hè nóng như lửa lôi thằng cháu ra quất một trận.

Trịnh Đức Bình cho rằng, nếu bị đánh một trận mà có thể đổi được những ngày an ổn về sau, thì cậu cũng chịu. Đánh thì đánh đi, chẳng lẽ ông nội lại đánh mình thành tàn phế, chết lên chết xuống hay sao? Còn nghĩ, nếu đánh mà không hiệu quả, sau này không chỉ không đánh, mà còn buông thả nữa là.

Thế nhưng, chẳng biết tiểu cô cô là tai tinh hay cứu tinh xuất hiện, bất luận thế nào cũng che chở không cho đánh. Người trên đời có gan dám giương mắt nhìn Trịnh Tĩnh Nghiệp không nhiều, hết lần này đến lần khác, Trịnh Diễm lại là một người không sợ Trịnh Tĩnh Nghiệp nhất.

“Sao cha lại đánh nó! Nó phạm lỗi gì?”

“Con tránh ra! Người lớn dạy con nít, trẻ nít như con đừng có xen vào.”

“Có lý đi khắp thiên hạ, cháu còn nhỏ vậy mà cha cũng đánh sao.” Tiểu cô cô, cô bằng tuổi cháu.

Trịnh Tĩnh Nghiệp giận dữ: “Nó lớn như vậy rồi mà viết chữ như giun dế nhúng mực bò lên! Đọc sách không ra hơi ta nhịn, chẳng hứng thú cưỡi ngựa bắn cung ta bỏ qua, thổi sáo như muốn tắt thở ta cũng không nói! Còn muốn thế nào?! Nếu con không tránh ra, đến con cha cũng… Người đâu, tới đưa Thất nương đi!”

Trịnh Diễm vung tay chỉ vào quyển vở: “Nó nhiều chữ chưa học, nhưng không viết sai một chữ! Có con cháu nhà nào mà có thể viết không sai chữ nào đâu!” Hiệu quả mới là cái quan trọng! Đến mình nhập vào cái thân bé con thế này mà viết chữ còn gạch bỏ rất nhiều, nó lại không viết sai tẹo nào, còn không viết nháp nữa chứ!

Cố Ích Thuần xem trò vui đã đủ, mới rộng rãi thừa nhận: “Bằng không thì sao ta bỏ qua cho nó được?”

Lúc tầm mắt của ông nội rơi xuống người mình, Trịnh Đức Bình nghĩ, đời người thế là phải chịu khổ. Vành mắt ứa lệ, đau khổ nhìn tiểu cô cô lên án: bị cô hại chết rồi!

Kết quả người ta vỗ vỗ vai: “Con người ai cũng có sở trường riêng, cháu viết chữ không đẹp, chẳng phải ngu ngốc gì, đánh thế thì oan quá. Trời sinh ta ắt có chỗ dùng, trên đời tất có người hiểu cháu. Cứ làm tốt đi, cô rất xem trọng cháu đấy~”

Từ đó, về sau những ngày tốt lành một đi không trở lại. Chịu bao thử nghiệm trên mọi phương diện của người ông gian trá thành tính kia, cuối cùng trở thành cu li cho Trịnh gia.

Ta thà bị đánh còn hơn! Ngần ấy năm về sau, Trịnh Đức Bình cầm gậy chống trong tay, một đám tôi tớ hốt hoảng kinh hô: “Ôi ông ơi, ông ơi ông sao thế này?” Thấy không nói lời nào, còn tưởng có chuyện gì, càng liều mạng hô gào, định đi báo cáo với con cháu trong nhà.

Vo ve vo ve, rặt một lũ ruồi nhặng.

“Câm miệng!” Không thể không lên tiếng, cuối cùng Trịnh Đức Bình cũng phun ra hai chữ. Ông mày vất vả cả đời, cuối cùng cũng có thể im lặng nằm phơi nắng, tụi bây còn ầm ĩ, không để ta bớt nói được hai chữ à?
Chương trước Chương tiếp
Loading...