Con Mèo Của Hoàng Đế

Chương 1: Chương 1



Những ngày cuối thu luôn là những ngày đẹp nhất, màu vàng của nắng nhạt trải dài trên các mái nhà, con đường, một làn gió nhẹ hưởng ứng mang theo hương thơm của hoa cỏ.

Công viên là nơi thích hợp nhất để các gia đình đi dã ngoại, tiếng cười đùa, gương mặt hạnh phúc và cả những cử chỉ ấm áp đều tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.

Nhưng ở góc của khu phố nhỏ không khí ảm đạm bao trùm lên tất cả.

Đối lập với màu xanh dương tươi sáng của căn nhà, từ ngoài cổng hai hàng vòng hoa mà trắng được xếp hai bên, đoàn người trong trang phục màu đen tiếp nối đi vào.

Ai nấy đều tỏ lòng thương tiếc với gia chủ, nói vài câu an ủi.

Ở góc nào đấy của căn phòng, một bóng nhỏ ngồi bó gối, ánh mắt vô ý thức nhìn hai bức ảnh của bố mẹ mình đang tươi cười trên ban thờ.

Họ đang cười với cô phải không, sao cô lại không thấy vui, nụ cười của họ sao mà xa vời quá vậy?

- Lâm à, nghỉ ngơi một chút đi, cháu đã không ngủ hai ngày nay rồi.

- ….

Bác cả nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, vuốt nhẹ mái tóc đã rối của Mai Lâm giọng ôn tồn khuyên bảo.

Cô không đáp lại, vẫn ngồi yên hướng về nơi đặt bức ảnh của bố mẹ.

Một tiếng thở dài, gương mặt nhăn nheo vì mệt mỏi lo toan hậu sự cho người em của mình, ông không trách cô vì chỉ trong một đêm mà mất đi cả bố lẫn mẹ là quá đau khổ rồi nhất là quá với sức chịu đựng của đứa trẻ mới 15 tuổi như cô.

Vẫn giọng trầm ấm quan tâm, ông vỗ vai cô:

- Nếu cháu không muốn nghỉ thì thôi, có chuyện gì cứ nói với bác.

Bác cả đi ra ngoài sắp xếp mọi việc mang theo sự bất lực không làm được gì cho đứa trẻ đáng thương này.

Cứ mỗi lần đến thắp hương cho người quá cố, khách tang lại đến thăm hỏi an ủi Mai Lâm, nhưng chẳng có lời nào lọt tai cô cả.

Phải chăng cô quá vô cảm, người ta đau đớn gào khóc khi người thân mất, cô thì ngược lại, không cảm xúc, không nước mắt, cô chỉ biết lòng cô trống rỗng.

Đến trưa, khi mọi người đã tản về, Mai Lâm mới cử động toàn thân để đứng dậy mới biết chân mình đã tê cứng, đứng không vững đành dựa vào tường một lúc rồi mới cất bước.

Đi ngang qua phòng bếp tiếng tranh cãi thu hút sự chú ý của cô:

- Câm miệng! Chúng mày có tình thân không hả? Dù gì một giọt máu đào hơn ao nước lã, vậy mà những lời vô đạo đức ấy lại thốt ra được.

Mai Lâm nhận ra là tiếng bác cả, có chuyện gì mà bác ấy lại tức giận đến thế? Cô đứng nép vào cánh cửa thấy gia đình bác cả, bác hai và bác ba đều có mặt, có vẻ như họ đang bàn chuyện gì đó có vẻ căng thẳng.

Vợ bác ba một bên cầm dũa móng tay, một bên miệng thổi phù phù vào tay còn lại, chỉ chăm chăm ngồi ngắm tay mình mà không thèm để ý đến thái độ của bác cả mà nói:

- Anh cả nói thế là không đúng rồi. Mai Lâm là con của chú tư cũng là cháu của bọn em, sao anh lại nói chúng em không có tình thân chứ? Chẳng qua là kinh tế của chúng em có hạn không thể nuôi dưỡng được, nói không xa ngay bản thân anh đấy thôi, anh bị công ty buộc thôi việc, mà cả nhà anh lại chỉ trông chờ vào đồng lương ấy, nuôi sống bốn miệng ăn đã là khó khăn lắm rồi, chẳng lẽ anh muốn nuôi thêm nó nữa sao?

- Em dâu nói đúng đấy anh cả, thời buổi khủng hoàng tài chính, giữ được công việc để kiếm tiền cho gia đình mình là cố gắng lắm rồi đằng này anh lại bảo chúng em nuôi Mai Lâm nữa. Con cái chúng em cũng đang tuổi ăn tuổi học, bao nhiêu thứ tiền phải lo, anh cũng phải nghĩ cho chúng em chứ?

Bác hai lên tiếng đồng tình với vợ bác ba, tỏ ý không muốn nhận nuôi Mai Lâm.

Bác cả nhắm mắt, nặng nề thở hắt một tiếng cuối cùng lắng giọng xuống cố gắng khuyên giải:

- Anh biết gia đình ai cũng có cái khó riêng, nhưng Mai Lâm còn nhỏ nó chưa thể tự lập được nên anh mới bàn với các chú thím. Anh nghĩ chúng ta nên chia nhau ra mỗi nhà nhận nuôi Mai Lâm một thời gian, cứ đợi nó đến năm 18 tuổi vào đại học rồi dạy nó cách tự lập cũng được…

- Đợi đến 18 tuổi? Anh cả à, còn 3 năm nữa, ý anh là mỗi nhà nhận nuôi nó 1 năm? Chẳng phải thằng Đức con trai anh năm nay cũng đang ôn thi đại học sao? Anh phải hiểu tốn kém thế nào, đằng này anh lại thất nghiệp, anh có nuôi nổi nó một năm không?

Bác hai cắt ngang lời anh mình, chỉ ra cái khó của bác cả, rồi quay sang đánh mắt ra hiệu với những người kia.

Họ đều gật đầu đồng ý, mỗi người một tiếng cứ thế ồn ào hẳn lên, nói chung chẳng có ai muốn nhận nuôi Mai Lâm.

Ra hiệu mọi người im lặng, bác hai lại tiếp tục:

- Anh cả hay em có ý thế này, chúng ta làm đơn gửi Mai Lâm vào trại mồ côi, nó sẽ tự biết sống tự lập rồi đến năm 18 tuổi ra ngoài cuộc sống là vừa. Nếu nó may mắn được gia đình nào nhận nuôi thì đó cũng là cái phước của nó, như vậy tiện cả đôi đường, vừa có lợi cho Mai Lâm vừa có lợi cho chúng ta.

- Mày…mày có còn là con người không hả? Mai Lâm chỉ mất cha mẹ nhưng nó vẫn còn có người thân. Cái việc gửi nó vào trại mồ côi mà mày dám thốt ra được à? Vậy mà còn nhận nó là cháu mình, sao tôi lại có đứa em phụ tình bạc nghĩa thế này…ôi…

Bác cả loạng choạng ôm lấy ngực, thở hổn hển, mặt đỏ tía tai vì tức giận với những lời nói của em mình, may mà có vợ đứng bên cạnh đỡ không thì ông đã sớm ngã khụy xuống rồi.

Ngồi xuống ghế, vợ ông xoa xoa lưng giúp ông lấy lại bình tĩnh, nhìn hai đứa em trai và đứa em dâu, bà cũng tỏ ra bất bình:

- Ông nhà tôi nói đúng đấy, Mai Lâm cũng là máu thịt của dòng họ, lúc yên bình thì mấy khi nhờ nhau, giờ nó gặp chuyện chẳng lẽ lại không giúp. Mỗi người một tay giúp đỡ lại khó đến thế sao?

- Phải, khó lắm chị cả à, nếu như chị làm ra tiền hãy nói, chị có biết người kiếm tiền khổ cực thế nào không? Nuôi con chó còn biết trông nhà, nuôi mèo còn biết bắt chuột, mà nuôi Mai Lâm sau từng ấy năm liệu nó có biết báo đáp không hay lại ăn cháo đá bát?

Rầm! Bác cả đập mạnh tay xuống bàn khi nghe vợ bác hai nói xong, ông tức giận nghiến răng chỉ từng người một, trong lòng đau xót như bị xát muối khi biết rõ bản chất của các em mình:

- Hai đứa chúng mày là cái loại thấy chết mà không cứu, khi xưa chính thằng tư không muốn thấy anh mình nghèo mà cưới vợ đã cho chúng mày mảnh đất mà bố để lại cho nó, bán đi để cho chúng mày sắm sửa. Cũng chính nó giúp đỡ chúng mày lúc khó khăn nhất, vậy mà giờ tao bảo chúng mày chia nhau ra nuôi lớn Mai Lâm không muốn nhận nuôi thì thôi còn muốn đẩy nó vào trại trẻ mồ côi. Chính chúng mày mới là loại ăn cháo đá bát, anh em trong nhà lại tính toán chi li từng chút một. Được! Chúng mày không nuôi thì tao nuôi, cho dù có đói khổ, có cơ cực, tao vẫn nuôi nó thành người…khục…khục…

- Kìa mình, cẩn thận sức khỏe…

Bác cả được vợ mình dìu ra ngoài, không quên ném cái lườm khinh bỉ lại cho bốn người kia, còn họ một chút căn rứt lương tâm cũng không có, coi như không, mỗi người một chuyện.

Đỡ ông nằm xuống giường, vợ ông cẩn thận đắp chăn và nhắc nhở:

- Ông chợp mắt chút đi, buổi chiều còn đưa tro cốt của vợ chồng chú tư.

- Chuyện đời đúng là không ai ngờ, anh em trong nhà không đoàn kết, đùm bọc nhau chỉ biết ai lo thân nấy. Tôi thật xấu hổ với bố mẹ trên trời, xấu hổ với cả vợ chồng chú tư. Đứa cháu của tôi thật đáng thương…

Khóe mắt in hằn dấu vết của thời gian rưng rưng, giọng gần như lạc đi vì nghẹn ngào, ông vắt tay lên trán che dấu đi vẻ mềm yếu của mình.

Vợ ông cũng thấu hiểu nỗi niềm chất chứa trong lòng ông, khẽ nắm lấy tay chồng mình như để tiếp thêm niềm tin:

- Tôi đồng ý với mình, cho dù có nghèo khổ, cơ cực đến thế nào thì chúng ta cùng nhau nuôi lớn Mai Lâm, như vậy mới không phụ sự tin tưởng của vợ chồng chú tư dành cho chúng ta.

- Cảm ơn…cảm ơn mình nhiều lắm…

Ông ngồi dậy ôm lấy vợ mình vào lòng, hai hàng nước mắt chậm chạp chảy xuống, ngoài từ nói cảm ơn lúc này ông không biết nói gì thêm nữa.

Ông ngồi dậy ôm lấy vợ mình vào lòng, hai hàng nước mắt chậm chạp chảy xuống, ngoài từ nói cảm ơn lúc này ông không biết nói gì thêm nữa.

Bà vỗ nhẹ lên tấm lưng chồng trách nhẹ:

- Vợ chồng từng ấy năm mà còn nói khách sáo như vậy sao? Lo xong hậu sự này chúng ta đón Mai Lâm về nhà mình nhé?

Ông gật gật đầu, vùi đầu vào mái tóc đã điểm bạc của vợ mình, không giấu được niềm xúc động….

Ánh nắng nhạt của cuối thu trải dài trên triền đê, làn gió mát lồng lộng khiến mái tóc dài xõa rối tung bay, Mai Lâm ngồi trên một mỏm đá trong tay cầm một khung hình và hai lọ màu trắng đục.

Miết nhẹ lên khung hình, Mai Lâm thoáng cười buồn, nhẹ giọng nói với bức hình:

- Ba à, con đã đỗ trường chuyên rồi đấy, con rất giỏi phải không ba? Ba hứa sẽ mua máy vi tính cho con rồi mà, cả mẹ nữa, mẹ hứa sẽ làm bánh gato cho con đúng không? Con đã giữ đúng lời hứa nhưng sao ba mẹ lại không?

Giọng cô nghèn nghẹn, cứ như có cái gì đó ứ trong cổ họng, sống mũi thấy cay cay, Mai Lâm ngước lên khẽ chớp hít một hơi thật sâu.

Bầu trời thật cao và rộng, bố mẹ cô đang ở trên đó phải không?

Bố cô thường nói, nếu có một người trên thế gian này mất đi, bầu trời sẽ có thêm một vì sao, và vì sao đó sẽ hướng về người thân của mình, luôn che chở và phù hộ.

Nếu đợi đến ban đêm cô có thể tìm được ngôi sao đó cho mình, nhưng như vậy thì lâu quá, cô không thể đợi được…

- Hôm nay con đã nghe các bác nói chuyện về việc nuôi nhận con, có vẻ như con là đứa trẻ bị hắt hủi không ai muốn nhận, chỉ có bác cả là quan tâm đến con. Bố à, bác cả thực sự là một người tốt, con luôn kính trọng bác ấy, con biết gia đình bác hiện giờ rất khó khăn, để lo liệu việc hậu sự cho bố mẹ bác ấy đã cố gắng hết sức có thể rồi. Con cũng biết nếu như bác cả nhận nuôi thêm con nữa thì nhà bác sẽ phải thêm gánh nặng, anh Đức chuẩn bị thi đại học nhiều vấn đề phải lo, hai bác cũng đã có tuổi, thêm con nữa thì e là…

Mai Lâm xoa nhẹ lên khung hình, đó là bức ảnh gia đình cô chụp cách đây không lâu, nụ cười ấm áp của ba, vòng tay yêu thương của mẹ, vẫn còn in đậm trong tâm trí cô.

Mai Lâm vẫn còn nhớ ngày đó, ngày mà cô mất đi những gì hạnh phúc nhất thuộc về mình.

“Hôm đó, là ngày cô đi đến trường xem kết quả thi vào trường chuyên, theo đúng ý nguyện của ba mẹ.

Cầm giấy báo điểm trong tay, nhìn số điểm và thông báo là cô đã đỗ, Mai Lâm nhảy cẫng lên sung sướng, chạy thật nhanh về nhà muốn đưa cho ba mẹ xem.

Trên đường đi cô háo hức, nghĩ đến gương mặt hạnh phúc của hai người khiến cô không ngừng cười.

Vừa đến cổng, Mai Lâm nhanh chóng để chiếc xe đạp vào một bên chạy vào nhà gọi to:

- Ba! Mẹ! Con đỗ r…

- Lâm đã về đấy hả?

Mai Lâm ngạc nhiên nhìn thấy bác cả đang ở nhà mình, vội cúi đầu chào, thắc mắc cười lém lỉnh:

- Cháu chào bác! Bác tới chơi, bác tới thật đúng lúc, cháu đỗ vào trường chuyên rồi nè, cháu có giỏi không?

Cô giơ giấy báo điểm ra, nhảy xung quanh bác cả, cười đùa.

Đột nhiên bác cả nắm lấy tay Mai Lâm, môi mím chặt gật gật đầu rồi ôm chầm lấy cô.

Cô thấy hơi lạ, gượng gạo muốn rời ra:

- Bác làm sao thế? Cháu đỗ mà bác không vui sao?

- Lâm à, cháu đi theo bác đến nơi này nhé…

Tiếng bác cả khàn khàn không giống thường ngày, Mai Lâm không hiểu gì thì đã bị kéo đi.

Gần đến cổng cô mới sực tỉnh, giằng tay lại nói:

- Việc gì mà vội thế bác, để cháu vào báo tin vui cho ba mẹ cháu đã. Bác đợi một chút.

- Là đi gặp ba mẹ cháu…

Toan quay người đi thì bác cả lớn tiếng ngăn lại, ba mẹ cô đang ở nhà chờ tin vui của cô cơ mà, còn đi đâu nữa?

Hay là muốn tạo niềm vui bất ngờ đưa mình đi ăn?

Mai Lâm quay lại, cười rạng rỡ liên tục hỏi:

- Có phải ba mẹ cháu biết rồi không? Muốn chiêu đãi vì cháu đã đỗ? Sao họ lại bày vẽ thế nhỉ, chỉ cần làm bữa ăn thân mật mời người thân đến là được rồi, cháu nói có đúng không bác cả?

Bàn tay run run vuốt nhẹ mái tóc của đứa cháu, giọng bác cả khàn hơn như cố giấu đi nỗi xúc động trong lòng:

- Lâm à, ngoan, nghe lời bác… chúng ta phải đi nhanh còn kịp…kịp gặp mặt ba mẹ cháu nữa…

Lần này thì cô hoàn toàn không hiểu, lời bác cả sao nghe giống lời chia cách quá vậy?

Không để Mai Lâm nói thêm nữa, bác cả đã dắt cô lên taxi đã chờ sẵn ở cổng.

Thoáng nhìn ánh mắt của bác cả, cô tự hỏi là mình có nhìn nhầm hay không, những đường tơ máu nhỏ li ti hiện lên đôi mắt của bác, hình như bác đã khóc.

Nỗi bất an trong lòng Mai Lâm bỗng dấy lên, càng lúc càng lớn.

Chiếc taxi dừng lại ở bệnh viện thành phố, Mai Lâm vừa xuống xe bác cả vội vã kéo cô vào trong.

Gấp gáp chạy dọc hành lang, hai người dừng lại ở căn phòng cuối, vợ bác cả cùng bác hai đã đứng chờ sẵn ở đó, Mai Lâm ngước mắt lên nhìn bảng chữ “cấp cứu” còn đang bật sáng đèn.

Lắc đầu vô thức, cô quay sang trách bác cả:

- Bác dẫn cháu đến đây làm gì? Chẳng phải bác nói đưa cháu đến chỗ ba mẹ sao? Nơi này không phải là nơi ăn mừng, không phải là nơi nên đến.

Bác cả nắm chặt bờ vai non nớt đang run rẩy của Mai Lâm mà nghiêm giọng nói sự thật:

- Ba mẹ cháu trên đường đi đã gặp tai nạn giao thông, hiện tại đang ở trong phòng cấp cứu, bác sĩ nói tình hình rất nghiêm trọng….chưa biết thế nào?

- Bác đang đùa đúng không? Bố mẹ cháu nói là sẽ đợi cháu ở nhà, còn hứa sẽ mua bánh gato ăn mừng…

Chưa nói hết câu, Mai Lâm bỗng dừng lại.

Chưa nói hết câu, Mai Lâm bỗng dừng lại.

Chẳng lẽ vì mua bánh gato cho cô mà họ gặp tai nạn sao?

Là sự nhầm lẫn thôi đúng không?

Ba mẹ cô luôn chấp hành đúng luật lệ giao thông, luôn đi đường cẩn thận, làm sao gặp tai nạn được chứ?

Chân Mai Lâm như mất hết sức lực, ngồi sụp xuống nền đá lạnh ngắt.

Bác cả vội đỡ cô lên ghế nắm chặt tay trấn an:

- Bình tĩnh…bác sĩ vẫn chưa ra, chúng ta vẫn phải đợi.

Đôi mắt vô định nhìn vào khoảng không, đôi tay cô run lên từng hồi cho dù đã nắm chặt.

Ở cuối hành lang ấy có bốn người lo lắng, bất an đứng chờ, thỉnh thoảng họ đứng lên đi lại cho bớt căng thẳng, duy chỉ có một cô bé ngồi nắm chặt tay như đang cầu nguyện, sự sợ hãi đang dần bao trùm lấy cô.

Đợi suốt mấy tiếng, cánh cửa được mở ra, bảng chữ cũng đã tắt, một vị bác sĩ đeo khẩu trang đi ra.

Ba người lớn vội đứng dậy hỏi gấp:

- Bác sĩ, em tôi thế nào?

Mai Lâm vẫn chỉ ngồi ở ghế chờ đợi nghe kết quả vì chân cô không nghe theo sự điều khiển của chủ nhân nữa rồi.

Gỡ chiếc khẩu trang, vị bác sĩ không nhìn thẳng vào người nhà bệnh nhân mà nhìn xuống dưới rồi cúi đầu:

- Xin lỗi, chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi. Thành thật chia buồn với gia đình!

Dứt lời, tiếng lách cách của bánh xe đằng sau vị bác sĩ vang lên, hai chiếc giường đẩy được đưa ra, phủ khăn màu trắng toát.

Bác cả quỳ xuống ôm người phủ khăn trắng nằm kia mà khóc, vợ bác cả nắm lấy vai chồng mình đôi mắt cũng đã ướt, bác hai thì quay đi lén lau nước mắt.

Còn Mai Lâm im lặng ngồi nhìn, người nằm dưới tấm khăn kia không phải là ba mẹ cô, họ đâu có thể nằm một chỗ khi biết cô đang chờ họ.

Chậm chạp cử động đôi chân đứng dậy, bước đầu bị hẫng may mà có bức tường giúp cô không bị ngã, lê bước chân nặng nề đến gần hai chiếc giường.

Bàn tay trắng bệch vì nắm chặt từ nãy đến giờ run rẩy vươn tới mép tấm vải, nhưng rồi đột nhiên dừng lại.

Nếu người nằm đây không phải ba cô thì sao….còn nếu người nằm đây là ba cô?

Lưỡng lự một lúc, cuối cùng Mai Lâm kéo tấm vải lên….

Như có một luồng điện chạy qua, đôi mắt đầy hoảng loạn nhìn người nằm trên giường, đúng là ba cô!

Người ông đã lạnh ngắt, da xanh tím, trên trán còn có một vết thương lớn được khâu lại, đúng là người ba đáng kính của cô.

Nắm chặt tấm vải trong tay, cô ngẩng lên tìm kiếm chiếc giường còn lại mà chạy đến.

Lật tung tấm vải trắng lên, người mẹ yêu thương đang nằm ở đó.

Qùy sụp xuống, đôi tay yếu ớt nắm lấy tay người mẹ không còn một chút hơi ấm, dúi vào tay phiếu điểm đã vò nát từ lúc nào mà nói:

- Mẹ à? Mẹ nhìn này, con gái mẹ đã đỗ trường chuyên rồi đấy, mà còn là á khoa nữa nhé? Con có giỏi không? Mẹ khen con đi chứ, đừng mãi nằm đây thế này, người mẹ lạnh quá, có phải ốm rồi không? Nằm như thế này cũng không tốt đâu, để con lấy thuốc cho mẹ nhé, mẹ đừng có ngủ đấy, mau dậy đi mẹ!

Mai Lâm lắc vai mẹ mình, dù có nói có lắc mạnh đến thế nào nhưng bà vẫn không mở mắt, không phản ứng lại.

Bất lực, cô quay sang dùng đầu gối lê trên sàn nhà lạnh di chuyển đến bên chỗ ba mình nắm lấy tay ông áp vào má:

- Mẹ bị ốm rồi ba à, người mẹ lạnh lắm, con gọi thế nào mẹ cũng không dậy uống thuốc, hay là con đã làm gì để mẹ giận? Ba đến bên mẹ nói giúp con đi…mà sao tay ba cũng lạnh vậy, hay là mẹ lây bệnh cho ba? Ba mẹ đâu còn là con nít mà để bị bệnh thế này, để con đi lấy thuốc cho hai người uống, phải mau khỏi bệnh để còn ăn mừng con nữa chứ. Chẳng phải ba nói muốn nhìn thấy con mặc đồng phục trường chuyên sao, vậy thì đừng ngủ nữa, mở mắt ra nhìn con đây này….dậy đi ba….DẬY ĐI MÀ…

Đôi mắt Mai Lâm nhòe đi, hai hàng nước mắt thi nhau rơi xuống, nắm tay ba mình lắc mạnh, miệng gào khóc bắt ông dậy.

Bác cả ôm chặt lấy đứa cháu đang mất bình tĩnh của mình, mắt đỏ ửng can ngăn:

- Đừng như thế Lâm à, bố mẹ cháu đã đi rồi…đi thật rồi…

- NÓI DỐI! Ba mẹ cháu chỉ ngủ vì bị bệnh thôi, cho họ uống thuốc là họ sẽ khỏi thôi mà…

Cô vùng vẫy thoát khỏi vòng tay của bác mình, như một kẻ điên lao đến ôm lấy ba mình, giọng đã khản đặc lạc đi vì gọi ba mẹ.

Tiếng khóc nức nở, đau đớn vang vọng khắp hành lang….”

Tách…tách…nước mắt rơi xuống khung hình, Mai Lâm vội vàng lau chúng đi, khóc nấc lên:

- Con quên mất phải đưa ba mẹ đi rồi, đến lúc rồi phải không?

Gạt nước mắt qua loa, Mai Lâm ôm một trong hai chiếc lọ sứ màu trắng đục trong tay, hôn nhẹ lên nắp lọ rồi mở ra.

Thứ bột màu trắng sữa được bốc ra, cô xòe lòng bàn tay để gió thổi chúng xuống lòng sông, đó là tro cốt của ba cô.

Mai Lâm mím môi cố ngăn nước mắt rơi ra nhưng không được, khi thấy tro cốt của ba bay tứ tán trong không trung.

Đến khi rắc hết cả lọ của mẹ cô, Mai Lâm đặt ngay ngắn hai chiếc bình dưới đất, ôm khung ảnh của gia đình cô tiến về dòng sông.

- Bác hai muốn gửi con vào trại mồ côi, điều đó thật vô lý phải không ba? Nhưng con cũng không muốn bác cả phải phiền lòng, con phải làm sao bây giờ? Sống một mình buồn lắm ba à! Cả ba và mẹ cũng rất nhớ con phải không, hai người cùng đang ở cùng nhau chứ? Vậy hãy đợi con nhé, con không muốn vào trại mồ côi đâu, thà con đến bên ba mẹ còn hơn.

Mực nước đã ngập đến bụng Mai Lâm, làn nước lành lạnh dần ngấm vào da thịt, cô không màng đến mà vẫn tiếp tục bước tiếp.

Cô không khóc nữa mà gượng cười:

- Con nhớ ba mẹ lắm, tại sao hai người nỡ bỏ mặc con một mình? Ba mẹ có biết ba mẹ tàn nhẫn đến thế nào không? Đợi con nhé, chỉ một chút nữa thôi…một chút nữa thôi…gia đình chúng ta lại được đoàn tụ rồi…

Nước mấp mé môi Mai Lâm, cô thả mình xuống lòng sông để mặc cho dòng nước cuốn mình đi.

Bản thân đã buông xuôi, xung quanh là nước, ánh nắng bên kia mặt nước le lói chiếu xuống cứ lập lòe, rồi dần biến mất.

Bản thân đã buông xuôi, xung quanh là nước, ánh nắng bên kia mặt nước le lói chiếu xuống cứ lập lòe, rồi dần biến mất.

Nước vào trong tai, mũi, họng, áp lực của nước khiến cô khó chịu, phổi cô rên lên đau rát, báo hiệu cô không trụ nổi được lâu.

Khung ảnh trong tay Mai Lâm được buông ra từ bao giờ, nó nổi lên trên, cô vẫn có thể nhìn rõ được sự hạnh phúc và nụ cười tươi của mình khi ở bên ba mẹ.

“Ba mẹ à…con mệt lắm…còn lạnh nữa… con rất nhớ vòng tay ấm áp của hai người…chúng ta lại có thể gặp nhau rồi đúng không?”.

Mai Lâm nhắm mắt, gương mặt cô thật yên bình, đôi môi còn gợi lên nụ cười nhẹ, dần dần cả người cô bị dòng nước nuốt xuống….

Tiếng lao xao ồn ào khiến bác cả không thể chợp mắt thêm được nữa, mệt mỏi men theo bức tường ra ngoài, mọi người đều chạy nhốn nháo khắp nơi. Vừa thấy bóng vợ mình, ông gọi:

- Có chuyện gì vậy?

Vợ ông hoang mang nửa muốn nói nửa không, cuối cùng lắp bắp mãi mới thành câu:

- Mình …mình à….Mai Lâm…Mai Lâm…nó không thấy đâu cả…

- Cái gì?

Câu nói của bà khiến ông đứng không vững, ôm lấy đầu mình, đôi mày hoa râm nhíu lại, lấy chút bình tĩnh:

- Đã tìm những nơi nó đến chưa? Con bé có thể đi đâu được chứ?

- Tôi và mọi người đều tìm khắp nơi rồi nhưng vẫn không thấy, còn chuyện này nữa…

- Chuyện gì?

- Hai lọ đựng tro cốt của vợ chồng chú tư không thấy đâu cả, tôi nghĩ Mai Lâm đã đem chúng đi.

Bác cả vội vã chạy ra ban thờ, tìm kiếm mọi ngóc ngách, đúng như lời vợ nói không thấy hai hũ đựng tro cốt của vợ chồng chú tư đâu cả. Nỗi bất an dấy lên, bà nói nhỏ:

- Chẳng lẽ Mai Lâm….tôi sợ nó làm chuyện dại dột…

- Nói lung tung, mau bảo mọi người đi tìm đi, nếu không chúng ta phải báo cảnh sát.

Gạt lời bà sang một bên, ông liền lấy áo khoác bỏ ra ngoài đi tìm Mai Lâm.

Gần xế chiều mà vẫn không có tin tức gì, cảnh sát cũng đã vào cuộc, bỗng nhiên ý nghĩ ra bờ sông tìm kiếm nảy lên trong đầu bác cả.

Đi dọc bờ sông, ông hét gọi tên đứa cháu của mình:

- Mai Lâm! Cháu ở đâu? Mai Lâm!

Một đám con nít đang chơi đùa với hai cái lọ rỗng thu hút sự chú ý của bác cả, ông liền đến gần nhận ra chính là hai cái hũ đựng tro cốt của vợ chồng chú tư.

Ngăn cản bọn trẻ chơi đùa, ông nhặt lên thổi lau chúng cẩn thận nhưng bên trong lại không có gì.

Bác cả quay sang hỏi đám trẻ:

- Các cháu nhặt được hai lọ này ở đâu?

- Bên kia kìa bác! Trên cái mỏm đá đó!

Một đứa trong số chúng lên tiếng, bác cả cầm theo hai chiếc lọ đi theo hướng đứa trẻ chỉ.

Đó là một mỏm đá dưới vệ sông, cảm giác bất an lại dấy lên. Buông hai cái lọ xuống, bác cả lao xuống gọi:

- Mai Lâm…Mai Lâm…

Ông khấy đảo mặt nước yên bình khiến chúng bắn lên tung tóe, con tim ông lại bị thắt chặt, nỗi đau vừa mất người em ruột và em dâu chưa kịp lắng xuống, ông không thể chịu thêm mất đi đứa con duy nhất của họ, cũng là đứa cháu đáng thương của ông.

Tiếng gọi, sự tìm kiếm trong vô vọng, ông bất lực ngồi sụp xuống, đấm một cái vô ích lên mặt nước, đau đớn mà nói:

- Mai Lâm…

Buổi tối, dọc theo hai bên bờ đê tiếng chó sủa, tiếng người, tiếng còi cảnh sát làm náo động màn đêm yên tĩnh.

Ánh đèn pin soi rọi từng đám cỏ, gương mặt đã thấm vẻ mệt mỏi của bác cả khiến vợ ông lo lắng:

- Mình ngồi nghỉ một chút đi, rồi tìm tiếp vẫn chưa muộn.

- Không được, vợ chồng chú tư trước khi mất dặn tôi phải chăm sóc cho Mai Lâm, giờ nó mất tích không biết sống chết làm sao tôi có thể ăn nói với vợ chồng chú ấy được cơ chứ?

- Ông cả!

Tiếng gọi của một viên cảnh sát khiến ông quay lại, anh ta đưa cho ông một khung hình và hỏi:

- Ông xem đây có phải bức hình của gia đình cháu ông không?

Đỡ lấy bức hình, đôi tay ông run rẩy, là bức hình gia đình chú tư, nhịp thở của ông trở nên gấp gáp, ngước lên hỏi dồn:

- Đúng! Các anh tìm thấy bức ảnh này ở đâu? Còn Mai Lâm? Cháu tôi đâu rồi?

- Tôi xin lỗi phải nói điều này, gia đình nên chuẩn bị tinh thần, bức ảnh này được tìm thấy ở hạ lưu dòng sông. Đây lại là thời điểm mực nước lên nhiều nhất trong tháng, chúng tôi e…cháu bị cuốn ra biển.

- Nói láo! Mặc kệ nó còn sống hay chết, các anh phải tìm Mai Lâm về đây!

Bác cả giận dữ tóm lấy cổ áo của viên cảnh sát gào lên, bà cả vội ngăn lại ôm chặt lấy ông, nước mắt rơi xuống:

- Đủ rồi, chính ông cũng biết khả năng con bé còn sống là rất ít mà…

- Không! Sống phải thấy người chết phải thấy xác, con bé ngoan lắm, nó sẽ không làm tôi đau lòng đâu.

Ông đứng dậy cầm đèn pin tiếp tục tìm kiếm, bà cả nhìn theo bóng ông, bà có thể cảm nhận thấy lòng ông đau đớn thế nào chỉ là cố tỏ ra cứng rắn thôi..
Chương tiếp
Loading...