Cuộc Sống Khoa Cử Thời Cổ Đại Của Con Nhà Nông

Chương 5: Lịch



Editor: Krissy

Cố Thanh Vân không biết nàng ta không nhớ rõ những gì đã xảy ra lúc nhỏ hay không biết hậu quả của việc làm đó. Dù sao, kể từ đó, cậu không thể coi Nhị Nha như một cô bé bình thường nữa.

Cùng với sự chế giễu và tổn thương của những người em gái cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha trong kiếp trước, Cố Thanh Vân chẳng mấy thích thú khi có bất kỳ anh chị em nào. Cậu còn ước gì cha mẹ chỉ có một đứa con là cậu thôi, song việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của cậu.

Vì vậy, đối với các anh chị em của mình, Cố Thanh Vân có một nguyên tắc. Đối với các chị em của mình thì ngoài mặt vẫn thân thiết. Còn đối với hai chị em ruột thì sẽ thân thiết hơn trong những lúc riêng tư.

Đây là kết quả mà cha mẹ rất vui khi nhìn thấy.

Nhưng muốn cậu thật lòng coi bọn họ là chị em ruột của mình vẫn cần có thời gian.

Cố Thanh Vân đang suy nghĩ về những vấn đề khó chịu này thì phát hiện ra rằng mình đã đi bộ đến bờ sông rồi.

- Ma ốm đến rồi! Ma ốm đến rồi!

Một đứa trẻ rám nắng toàn thân lao ra khỏi mặt nước, sau khi nhìn thấy Cố Thanh Vân thì lập tức căng họng hét lên.

- Ế, ma ốm đến rồi à?!

Bọn nhỏ bên cạnh không thể xuống nước lập tức quay đầu nhìn, cũng kêu lên theo.

Cố Thanh Vân trợn mắt không nói nên lời. Không phải cậu chỉ yếu ớt một chút thôi sao? Sao lại đặt một biệt danh như vậy cho cậu hả?

- Đừng nói bậy, sức khỏe của em trai tao đã tốt rồi, mày còn gọi thế nữa tao đánh mày đó!

Cố Thanh Minh cũng từ trong nước ra ngoài, lau những giọt nước trên mặt, mỉm cười nhìn Cố Thanh Vân:

- Xuyên Tử, nhóc đến rồi à? Muốn bắt cá hả?

Cố Thanh Minh là cháu trai lớn của ông cả Cố Bá Sơn. Cậu ta còn có một người em trai tên là Cố Thanh Lượng.

Cố Thanh Vân nhìn anh họ cả của mình trông hệt như cá chạch thì khóe miệng giật giật. Đều là trẻ con chín tuổi, sao lại cứ giống như con bùn năm sáu tuổi người ta thế, ít nhất anh cũng phải mặc một cái quần lót chứ?

- Dạ, ở nhà không có việc gì nên ra ngoài câu cá chơi.

Cố Thanh Vân mỉm cười. Cậu nhìn chiếc áo khoác mỏng trên người cậu ta, không khỏi nhíu mày:

- Anh cả, thời tiết lạnh như vậy, anh đừng nghịch nước nữa. Lát nữa bị lạnh thì không tốt đâu.

Dù hôm nay trời hửng nắng, nhưng nhiệt độ chỉ có hơn mười độ, không thấy chỉ có hai đứa nhỏ xuống nước thôi sao?

- Không lạnh, anh không cảm thấy lạnh.

Cố Thanh Minh lắc đầu, nước bay tứ tung. Thấy dáng vẻ em họ không đồng ý, cậu ta vội vàng nói:

- Anh lên ngay đây.

Cố Thanh Vân phớt lờ cậu ta, chỉ nói:

- Nếu anh còn không lên, em sẽ đi nói với ông cả.

Nói xong, cậu nhặt một cành cây trên bờ, rồi đào đất màu mỡ và ẩm. Còn chưa đào được mấy cái thì anh họ thứ hai không biết chui từ đâu ra, bắt đầu đào giúp cậu.

- Anh hai, anh không xuống nước sao? - Cố Thanh Vân hỏi.

- Không xuống, ông nội không cho anh chơi nước, nói anh còn quá nhỏ, bây giờ cũng hơi lạnh.

Cố Thanh Lượng nghe vậy, hai má phồng lên, bĩu môi khó chịu.

Cậu lớn hơn Cố Thanh Vân một tuổi, từ nhỏ đã thích ăn, gần như là ai đến cũng không từ chối, thấy đồ ăn là muốn nhét vào miệng. Vả lại, cả nhà ông cả xem như là nhà giàu có nhất trong thôn, cho nên cậu đã ăn đến mức trở thành một cậu bé mập mạp với thân hình tròn trịa, vì còn nhỏ nên trông mũm mĩm và đáng yêu.

Hình thể này được người thời nay coi là khỏe mạnh và có phúc khí, khá bắt mắt trong đám người gầy trong thôn, cũng được người lớn đặc biệt ưa thích. Bây giờ, cậu ta cũng có thể tự kiếm tiền rồi. Mỗi lần có người trong thôn thành thân thì đều mời cậu ta làm đồng tử lăn giường, nghiệp vụ vô cùng thuần thục, mỗi lần có thể kiếm được ba đến năm văn tiền.

Vì lý do này, những đứa trẻ trong thôn đều ghen tị.

- Là do mày quá béo, mày vừa xuống nước là sẽ bị chìm, anh mày cũng không kéo mày nổi.

Không biết từ khi nào, một con khỉ nhỏ gầy gò xuất hiện bên cạnh. Có lẽ mới lăn lộn đâu đó nên cả người nó bẩn vô cùng.

Đây mới là dáng vẻ thông thường của lũ trẻ trong thôn.

- Hừ, mày nói xạo, không phải đâu.

Cố Thanh Lượng trừng mắt nhìn nó một cái, biện hộ:

- Tao vậy không mập, mà là khỏe, là có phúc khí.

Hai đứa lập tức cãi vã.

Cố Thanh Vân mặc kệ họ, cậu chỉ muốn làm chuyện nghiêm túc. Cậu đào đất một lúc, có sự giúp đỡ của hai người, cậu dễ dàng tìm được một vài con giun đất.

Chẳng bao lâu, Nhị Nha mang túi lưới, thùng gỗ nhỏ và cần câu đến. Cần câu này là do Cố Quý Sơn đặc biệt làm cho Cố Thanh Vân.

- Chị hai, chị đi chơi đi, em đi câu cá.

Cố Thanh Vân chỉ về phía thượng nguồn của con sông nhỏ, nơi có một nhóm bé gái cũng đang chơi đùa, nhưng bọn nó không xuống nước.

Con sông nhỏ này tương đối rộng, rộng bốn mét, chỗ sâu nhất chỉ cao một mét. Nước trong vắt, trên mặt sông có thể nhìn thấy một vài viên sỏi ở đáy sông. Ngoài ra, cách đó không xa có người lớn ở trong ruộng nên trẻ con nghịch nước ở đây tương đối an toàn, chưa từng nghe nói có tai nạn bao giờ.

Nhị Nha nhìn quanh và do dự, cuối cùng khi nhìn thấy Cố Thanh Minh, cô bé mới gật đầu đồng ý, dặn dò cậu đừng chạy lung tung, rồi rời đi.

Cố Thanh Vân dùng một nhánh cây tách con giun đất thành nhiều đoạn, rồi dùng lưỡi câu xuyên qua thân con giun để câu cá.

Phương pháp này tuy truyền thống nhưng rất đơn giản và hiệu quả, đủ để cậu bắt được vài con tôm cá nhỏ.

Chỉ trong một canh giờ, chiếc thùng gỗ nhỏ của cậu đã chất đầy tôm cá nhỏ. Tất nhiên, chiếc túi lưới bị bọn trẻ cầm chơi cũng phát huy tác dụng khá lớn.

Bảo anh hai Cố Thanh Lượng đi gọi Nhị Nha tới, bỏ lại đám trẻ còn đang chơi đùa, Cố Thanh Vân và Nhị Nha về nhà.

Chặt con cá nhỏ và ném cho bảy con gà mái ở nhà ăn, nhiệm vụ hôm nay của Cố Thanh Vân đã hoàn thành. Ở nhà này, nhiệm vụ chính của cậu là cho gà ăn. Để gà đẻ trứng hàng ngày, cậu thường đi tìm giun đất và tôm cá nhỏ.

Trứng là một trong những khẩu phần ăn hàng ngày của cậu cơ mà.

Phương pháp cho gà ăn này đã thấy trong các truyện điền văn, lúc đó cậu còn về quê hỏi bà ngoại thì đúng là như vậy. Chỉ là giun phải được nấu chín, rắc rối hơn một chút.

Thấy những người còn lại trong gia đình vẫn còn bận rộn, Cố Thanh Vân lặng lẽ đến phòng chính, trèo lên ghế đẩu, lấy tờ lịch trên tường xuống, bắt đầu bài tập hàng ngày của mình.

Cậu đang học chữ. Cố Đại Hà đã dạy cậu biết chữ rồi, nhưng chữ mà cha cậu biết không nhiều, có một số chữ do lâu không dùng nên chàng còn quên mất. Số chữ chàng dạy tới lui cũng chỉ có ba mươi chữ, có một số còn rất đơn giản. Chủ yếu là những chữ phức tạp thì chàng không nhớ, chứ đừng nói đến ông nội Cố Đại Hà của cậu.

Cuốn sách duy nhất trong nhà có chữ viết là lịch. Vì vậy trong ba tháng qua, gia đình thỉnh thoảng sẽ thấy Cố Thanh Vân cầm cuốn lịch và lật xem. Những người lớn thấy cậu không xé lung tung thì chỉ cảnh cáo một lần rồi không quan tâm tới nữa.

Cậu có thể hiểu tất cả các chữ trên lịch, cũng lén ghi nhớ các nét bút của chúng. Song có một số chữ tối nghĩa khó hiểu thì cậu đành bất lực.

Sau khi khoa tay múa chân một phen, cậu ôn tập lại những chữ mà mình đã biết. Đừng nghĩ nó rất đơn giản, dù sao thì chữ Hán phồn thể cũng không giống chữ giản thể, để không mắc lỗi, cậu rất nỗ lực học hành.

Lúc này, lão Trần thị từ trong bếp bưng một chậu nước ra.

- Bà ơi, sao ông nội vẫn chưa về ạ?

Dù biết đàn ông không về trước khi trời tối là chuyện bình thường, nhưng Cố Thanh Vân vẫn hỏi. Cậu thấy ở sân trước có thêm hai bó củi, biết cha cậu đã chặt củi rồi trở về, nhưng bây giờ vẫn chẳng thấy đâu cả, ngay cả ông nội và chú hai cũng vắng mặt suốt chiều.

- Ông nội, cha con và chú hai của con đến làm việc ở nhà họ Miêu rồi. Miêu Nhị Lang muốn làm một khung cửi.

Lão Trần thị nở nụ cười trên môi, tiếp tục nói:

- Khi nào có tiền, bà nội sẽ mua kẹo cho con.

Ở thôn Lâm Khê, chi phí đóng khung cửi không coi là đắt, nhưng không phải nhà ai cũng có. Ngoài khung gỗ chắc chắn để người có thể ngồi thao tác, khung cửi còn có các bộ phận như go, con thoi, thanh cuốn vải, bàn đạp,… Những bộ phận này cộng lại lên đến hàng chục chiếc, cuối cùng phải dùng trục và dây thừng để liên kết các bộ phận này lại, cấu tạo khá phức tạp nên số tiền kiếm được sẽ nhiều hơn.

Cố Quý Sơn biết làm việc này, nhưng để tăng tốc độ, thường gọi hai con trai của mình đi làm trợ thủ.

Hầu hết tất cả các khung dệt trong thôn đều do Cố Quý Sơn chế tạo. Một vài người ở các thôn khác cũng gọi ông đi làm việc. Tuy nhiên, hầu hết mọi thợ mộc đều có tầm ảnh hưởng của riêng mình. Thông thường thì người dân trong thôn sẽ nhờ thợ mộc của thôn làm, trừ khi không làm được thì mới mời thợ mộc khác đến. Nếu không tùy ý nhận việc và giành việc thì rất dễ kết thù.

Vì người thợ mộc phải bào ván rất nhiều, mỗi ngày phải dành một khoảng thời gian nhất định hàng ngày để mài rìu, cưa, bào sắt, rất nhiều khói, bụi và tiếng ồn nên xưởng mộc tại nhà được xây dựng trên một khoảng đất trống không xa ở sân sau. Đó cũng là nền nhà của mình, nhưng lại không có nhà, chỉ là một cái lều cỏ dùng gỗ, tre và rơm đắp lên thôi.

Cũng có một số cây thường được chặt từ trên núi xuống, đều cho vào lều cỏ phơi khô.

Khi có việc, Cố Quý Sơn hoặc đến nhà cố chủ để làm việc, hoặc làm việc trong túp lều cỏ để không làm phiền gia đình.

Nghe vậy, Cố Thanh Vân vui vẻ gật đầu, suy nghĩ một hồi rồi giả vờ đau lòng nói:

- Cũng cho ông bà nội ăn nữa.

Những lời này khiến nếp nhăn trên mặt lão Trần thị biến thành hoa cúc, bà thả lỏng một tay xoa xoa khuôn mặt non nớt của Cố Thanh Vân, khen:

- Cháu trai của bà nội thật hiểu chuyện.

Thím hai Lý thị từ trong bếp đi ra, nhìn thấy cảnh này, hai mắt tối sầm lại, vội sờ bụng mình, dừng một chút rồi cao giọng nói:

- Mẹ, bánh khoai mì đã chuẩn bị xong rồi, mẹ xem khi nào thì dọn ra?

- Đây đây, thật là, không có tôi thì chị không biết làm việc sao?

Lão Trần thị lẩm bẩm một câu, sau khi nói vài câu với Cố Thanh Vân thì rời đi.

Bấy giờ Cố Thanh Vân cẩn thận treo tờ lịch trở lại vị trí ban đầu.

Cần một thầy giáo rồi, cậu nghĩ.

Chỉ có thể trông chờ vào ông cả Cố Bá Sơn thôi.

Vì vậy, kể từ hôm nay, khi nhiệt độ tăng lên, sự giám sát của gia đình đối với cậu cũng được nới lỏng. Cố Thanh Vân có nhiều cơ hội hơn để tìm anh em họ của mình chơi, cơ hội ra vào nhà của ông cả cũng tăng lên rất nhiều.

Dù gì thì họ cũng là anh em trong cùng một gia đình. Tuy rằng đối nội, lão Trần thị có đôi câu oán hận với anh cả của trượng phu, nhưng đối ngoại, thái độ bọn họ tuyệt đối nhất trí. Cũng vì Cố Bá Sơn là trưởng một thôn, toàn bộ gia tộc Cố thị, bao gồm cả những người phòng ba có quan hệ huyết thống xa hơn một chút cùng nhau chạy nạn đến đây, tất cả đều coi ông là người đứng đầu.

Mà Cố Thanh Vân cũng rất được yêu thích khi đến nhà họ, bởi vì tuy còn nhỏ nhưng cậu không hề chạy lung tung lục lọi đồ của người khác. Xiêm y trên người luôn sạch sẽ, trên khuôn mặt trắng nõn non mềm không có vẻ bẩn thỉu khi nước mũi chảy ròng như mấy đứa bé khác.
Chương trước Chương tiếp
Loading...