Đã Có Anh Trong Nỗi Nhớ Của Em Chưa?

Chương 20



“Cuối tuần tao có việc đột xuất, không đến chơi với mày được rồi.”

Khi tôi khoe với Mai Mít Phong sẽ đến, nó trả lời như vậy, rõ ràng trước đó nói rất rảnh. Nhà nó bán nước giải khát nên phải trông hàng, trời sang thu còn mấy người uống nữa chứ. Tôi xị mặt nhìn nó.

“Mày nói đi, sao mày không muốn gặp Phong?”

“Đâu có. Hắn đẹp trai như vầy, nhìn lác cả mắt còn muốn nhìn nữa, việc gì tao phải tránh?!”

“Không phải, đừng giấu, tao biết chuyện không đơn giản như thế. Phong có hai nhà, có hai người em, hơn nữa, cô Khánh họ Đỗ, em cậu ấy là Trịnh Nguyễn Lâm Anh.”

Mai Mít đáp lời tôi bằng tiếng thở dài thượt.

“Mày nom ngơ ngơ nhưng cũng tinh ý nhỉ. Bố mẹ nó ly dị lâu rồi.”

Tôi giống như người bước hụt, chuyện gì đã xảy ra với gia đình bên cạnh nhà tôi thế? Tôi vẫn còn nhớ mỗi khi bị chú Dương đánh đòn, Phong chạy sang nhà tôi đợi mẹ về, cô Khánh đi làm về muộn nhưng chú Dương luôn nhắc cô mua kem dỗ dành con trai, tôi vẫn được ăn ké nên rất nhớ, nhớ rõ lắm, nếu hôm nào cậu ấy ngủ quên, chú Dương bế về. Phong còn khoe với tôi được đi chụp ảnh gia đình, được đi công viên nước, được đưa đi ăn nhà hàng, được nhiều thứ lắm, sao có thể…

“Thế sao mày còn ghét Phong?”

“Thằng Vũ nãy giờ đứng giữa sân trường tìm mày kìa, nó nhìn về hướng này mãi. Quên mất tao chưa chép xong bài tập về nhà, tao vào lớp chép nốt.”

Tôi vừa đưa mắt ra sân trường quay lại đã không thấy Mai Mít đâu, nó bỏ vào lớp khi câu hỏi của tôi chưa được trả lời. Cảm xúc trong tôi như vỡ vụn, cái suy nghĩ rằng bốn đứa trẻ con tụi tôi luôn hạnh phúc vỡ vụn.

Tôi đi dọc hành lang về lớp, nước mắt ứa ra từ lúc nào. Tôi hiểu rồi, về lí do gần đây mới gặp Phong đi cùng đường về, vì sao khi ông nội đề nghị Phong mời cả gia đình đến nhà ăn cơm cậu ấy im lặng, vì sao Phong không còn hồn nhiên, nghịch ngợm như trước nữa.

“Con bé kia làm mày khóc hả?

Tôi giật mình vì giọng nói của Vũ, chỉ lắc đầu đi tiếp.

“Mày đừng khóc nữa,… sao mày cứ khóc thế?”

Vũ gạt những giọt nước mắt trên khóe mi tôi, chả ai làm tôi khóc cả nhưng sao nước mắt cứ đua nhau rơi như thế.

“Tớ đau lắm…”

Đau muốn nổ tung.

Cậu ấy cho tôi nắm vạt áo và để tôi được khóc.

*

Hai con mắt đỏ hoe, mũi thì sụt sùi dù đã ba tiết học trôi đi, tôi lóc cóc đạp xe về, hôm nay trời mưa lâm thâm.

“Có chuyện gì thế?”

Đến lúc này Vũ mới hỏi lí do, nhưng tôi không muốn trả lời, vẫn im lìm, một lúc mới nói:

“Thôi, bạn về đi, không cần đưa tớ về tận nhà đâu.”

Tôi đạp xe nhanh, bỏ lại Vũ phía sau. Qua ngã tư đèn đỏ, tôi gặp Phong.

“Lâm Anh sao vậy?”

“À không, tớ không sao, tớ không hề sao, bụi bay vào mắt tớ.”

Tôi vội vàng che giấu bằng nụ cười tươi rói.

“À…” – Phong ngoái lại phía sau – “Giận nhau hả?”

“Gì cơ? Giận ai?”

Từ trước tới giờ tôi có biết giận ai, Phong nói gì tôi không hiểu, khi quay lại phía sau thì thấy Vũ cúi gằm mặt, quay đầu xe. Tôi vừa nói cậu ấy đi về chứ có gì mà Phong cười như vậy, nhưng nụ cười của cậu ấy khiến tôi đau. Mỗi khi Phong bị bố đánh tôi cũng đau, mỗi khi cậu ấy vui tôi còn vui hơn, giờ nghe tiếng cười cậu ấy, tôi lại không thể vui.

“Tớ nghe thầy Lý kể thầy ấy và thầy chủ nhiệm lớp B1 muốn kéo cậu vào đội tuyển của mình. Cậu lựa chọn chưa? Lý hay Toán?”

“Tớ không định lựa chọn.”

Định nghĩ ra một chủ đề nào đó để nói cùng Phong, nhưng tôi đang hỏi gì vậy, đặt cậu ấy ở giữa hai sự yêu thích?

“Lâm Anh không đi núi với lớp à?”

“Ừm.”

Nó cũng giống như sự lựa chọn, cuộc sống vốn dĩ đã bắt chúng tôi phải lựa chọn.

*

Sáng thứ bảy, tôi dậy từ rất sớm, lau dọn nhà cửa rồi theo mẹ đi chợ, mua nhiều ơi là nhiều, xách nặng trịch.

Hôm nay bà sẽ trổ tài nấu món bánh đa cua, ông nói ngày xưa ông mê bà vì món ăn này nên tôi càng hào hứng học. Bà tôi ngày xưa khéo tay lắm, còn đan được cho các cháu nguyên cái áo len và móc rất nhiều tất chân cho cả nhà, giờ mắt bà đã yếu nên không thể làm được nữa, nhưng hễ nhà có khách bà sẽ trực tiếp đứng nấu. Tôi thì chỉ chạy lăng xăng nhặt rau, bóc hành tỏi.

“Con Chun ra đầu ngõ dẫn thằng Phong vào, tầm này chắc nó đến rồi. Tiện mua chai tương ớt nữa.”

“Dạ!”

Tôi định rong xe thì bị ông mắng, ông bảo tôi lười đi bộ, thời chiến tranh các chú bộ đội còn phải đi bộ từ miền Bắc vào tận miền Nam, huống chi từ nhà đến đầu ngõ có năm trăm mét. Tôi đội chiếc nón của mẹ ra tận ngoài đường lớn, chờ năm mười phút thì gặp Phong.

“Cậu mua cam làm gì vậy?”

Tôi nhìn chằm chằm vào túi cam treo bên ghi-đông xe đạp của Phong.

“Mua để ăn chứ làm gì.”

“Nhưng đến nhà tớ cậu cũng phải mua đồ ư?”

Giọng tôi thoáng buồn, cậu ấy khách sáo với gia đình tôi từ bao giờ hay đã lớn hơn so với cái tuổi mười bảy của mình.

“Thế đợi tớ vòng về nhà cất.”

Phong nói vậy tôi còn cách nào khác để từ chối mấy quả cam sành, đành ngồi ôm vào lòng để cậu ấy đèo vào.

“Mai Mít có việc bận nên không đến được.”

“Ừm.”

“Cậu không vì thế mà thấy buồn chứ?”

“Tớ đến thăm ông bà cậu mà!”

Tôi rụt rè một lúc mới tiếp tục:

“Nhưng cậu bỏ chuyến du lịch với lớp tớ để đến nhà tớ…”

“… Cậu cũng bỏ chuyến du lịch với cả lớp để ở nhà đó thôi.”

“Nhưng… nhưng…”

Tôi nhưng một lúc thì mới nhận ra chẳng biết nói gì. Thế vào đó tôi cười, Phong cũng cười, chúng tôi cùng cười và tận đáy lòng tôi rất vui.

“Ông ơi, Phong nè!”

Vào tới cửa nhà tôi chạy tung tăng gọi ông. Trông thấy Phong gia đình tôi vui lắm, nhưng ông làm mặt nghiêm:

“Lọ tương ớt đâu?”

Thôi chết, tôi quên mua mất rồi.

“Ông biết ngay mà, thấy thằng cu Phong là xớn xác, quên hết lời người lớn, đi vào dọn cơm!”

Tôi xấu hổ đến đỏ mặt, chạy tót vào trong bếp, cho đến bữa ăn tuyệt nhiên không ló mặt ra.

Phong ngồi giữa ông nội và bố tôi. Bố không gọi cậu ấy là “cháu” mà cứ gọi “con trai”, kỳ cục chết đi được.

“Bố mẹ con giờ thế nào?”

Tôi đã dặn với gia đình đừng nhắc về chuyện của Phong, tôi không muốn cậu ấy buồn chút nào. Thế nhưng bố vẫn hỏi. Ánh mắt Phong chợt tắt niềm vui.

“Cậu ăn thêm dọc mùng đi.”

Tôi chủ động gắp thức ăn vào bát bánh đa của Phong, thà bây giờ để ông nội chê trách tôi về bất kì chuyện gì còn hơn. Tôi không dám để Phong nhìn thấy ánh mắt của mình lúc này nên giả vờ lấy thêm mì chính.

“Bố mẹ con chia tay rồi.”

Cậu ấy nói bằng chất giọng bình thản sau khi đã kìm nén cảm xúc. Tôi cứ nghĩ bố chỉ hỏi vậy thôi, rồi sẽ chuyển sang chủ đề khác, nhưng bố vẫn tiếp, không hề tỏ ra ngạc nhiên:

“Giờ con ở với ai?”

“Cả hai ạ, cứ hai tháng con sang ở với mẹ, còn lại ở cùng bố.”

“Ấy, bây giờ có dự báo thời tiết, để con bật tivi lên xem!”

Tôi vớ lấy điều khiển và bật ngay lập tức với âm lượng khá to. Nhưng bố vẫn hỏi Phong về việc gia đình, cậu ấy trả lời hết mọi câu hỏi như đang trả lời một bài kiểm tra lịch sử.

“Khi nào không thích ở với bố hoặc mẹ thì sang đây ở với chú, tiện thể kèm con Chun học.”

“Dạ!”

Thế rồi tôi đã thấy bố và Phong nói chuyện rất thoải mái, về vấn đề thời sự bao gồm cả giá xăng dầu.

Tiếng sấm kéo theo cơn mưa rào đổ ập xuống, tôi mê man chạy lên tầng cất quần áo trên sân phơi. Phong cũng chạy lên theo, cậu ấy giúp tôi mang hạt thuốc phơi khô vào trong. Cất xong quần áo thì tóc tôi ướt nhẹp, hắt xì một cái rõ dài và to. Phong rút một cái khăn trong đống quần áo đang ôm phủ lên đầu tôi, hành động đó chợt khiến tôi nghĩ đến Vũ.

Bữa cơm kết thúc, tôi rửa bát, trong khi đó mẹ gọt cam. Mẹ cứ trách Phong bày đặt mua quà đến, nhưng khen cậu ấy chọn cam khéo và nhấn mạnh vụ lần trước mẹ để tôi chọn một quả bưởi ngoài chợ, mua về bổ ra khô không khốc.

Phong và ông bà ngồi xem lại cuốn album cũ, hầu hết toàn ảnh của tôi, có bức tôi bị sún một cái răng cửa, có bức sún cả hai, rồi cả tấm hình một chồng hai vợ một con nữa chứ. Nhưng hồi bé mắt tôi luôn nhắm đúng lúc được chụp hình nên thành ra tấm nào tôi cũng cười toe toét mà chẳng thấy mắt đâu.

“Ngày xưa thằng Phong lùn hơn con Chun thế mà giờ cao hơn nó gần một cái đầu, thời gian nhanh thật!”

Bà nội vẫn còn giữ bảng chiều cao cân nặng của tôi, nghe bà nói tôi hồi bé dễ nuôi lắm, không còi cọc như con Mai Mít hay khảnh ăn như cái Yến, càng không nghịch dại như Phong, chỉ mỗi tội ngơ ngơ hay bị bắt nạt.

Tôi mang cam và dưa hấu ra, đòi ngồi chen giữa, vui ơi là vui, xem lại những bức tranh vẽ con gà, cây cối của tôi và Phong mới thấy khoảng thời gian đó đẹp đẽ đến nhường nào.

“Bí bo!”

“Ai đến nhà vào đầu giờ chiều lúc này?”

Chắc khách của bố, tôi và Phong vẫn tiếp tục tranh luận về bức vẽ con mèo hay con chó của tôi hồi mẫu giáo. Rõ ràng tôi vẽ con mèo mà.

“Cháu hỏi ai?”

“Đây có phải nhà bạn Lâm Anh không chú?”

“Phải rồi, vào đây, sao để ướt sũng người như vậy?”

Tôi ngó xem là ai khi loáng thoáng nghe thấy tên mình.

“Vũ, bạn đến đây làm gì?”

Đặt bức tranh sang bên, tôi vào trong nhà tắm lấy khăn lau tóc mang ra cho Vũ. Cậu ấy mặc một chiếc áo mưa giấy màu đỏ nhưng người bên trong đã ướt như chuột lột. Ngoài trời mưa tầm tã, trắng xóa.

“Ơ kìa con bé này, bạn đến chơi nhà còn hỏi đến làm gì, vào phòng lấy bộ quần áo của bố cho bạn thay, nhanh!”

Tôi vẫn đứng nhìn Vũ với vẻ lạ lẫm, cậu ấy đến nhà tôi để làm gì chứ? Để đến khi mẹ mang áo và chỉ cậu ấy về phía nhà tắm tôi mới tin Vũ đang có mặt ở nhà mình.

“Sao mày ở đây?”

Vũ dừng lại khi gặp Phong.

“Tao đến chơi.”

“Vậy còn chuyến du lịch với lớp tao?... À, ra vậy!”

Vũ quay đầu lại nhìn tôi, giọt nước mưa rơi từ tóc xuống sàn, trông cứ tồi tội.

“Bạn vào thay đồ đi kẻo ướt. Trong nhà tắm có máy sấy tóc đấy.”

Chừng mười lăm phút Vũ bước ra khỏi nhà tắm, cậu ấy vẫn mặc nguyên bộ đồ lúc đến, áo trắng dài tay cùng quần bò. Mẹ tôi bảo sấy quần áo cho khô kẻo ốm nhưng Vũ từ chối.

“Cháu ngồi quạt tý là khô.”

Mẹ không hỏi gì thêm, tôi cảm thấy sự không thích của mẹ khi Vũ tới đột ngột.

“Cháu đã ăn trưa chưa?”

“Cháu ăn rồi.”

“Lâm Anh, vào đun lại thức ăn cho bạn.”

“Ơ nhưng cậu ấy ăn rồi.”

“Cháu tự tìm đường vào đây à?”

Bố không nghe tôi nói, chỉ hỏi Vũ, vậy nên tôi vào bếp đun nóng đồ ăn.

“Vâng.”

“Sao không gọi bạn ra đón, nhà chú lòng vòng khó tìm.”

“Cháu không có số của Lâm Anh. Mà tìm cũng dễ thôi chú, hỏi người xung quanh là ra.”

“Người ướt từ trên xuống dưới còn nói nhà dễ tìm, không có số con Chun thì lưu số ông.”

Nghe ông nói vậy tôi mới ngó từ trong bếp ra, cái áo mưa giấy bị rách một đoạn dài, tóc Vũ rũ xù ra làm nhiều nhánh, làn da trông xam xám.

“Cháu là bạn thế nào của Lâm Anh?”

“Cháu ngồi cạnh Lâm Anh trên lớp. Hôm nay lớp đi du lịch, cháu không đi, ở nhà có mỗi mình nên…”

“Chứ không phải mày thích con Chun nhà ông hả?”

Tôi đang nêm thử gia vị suýt thì cắn phải lưỡi.

“Bố đừng nói đùa bọn trẻ như thế.”

Mẹ gằn giọng nhìn tôi bưng đồ ăn mang ra, tay cứ run run, đặt lên bàn.

“Tương ớt với nước me chua, không biết cậu ăn thế nào nên tớ mới cho một xíu.”

Ban đầu tôi tưởng Vũ không thích, nhìn bát bánh đa cua một lúc rồi mới ăn, nhưng sau đó nhận ra rằng cậu ấy đang rất đói. Tôi ngồi nhìn Vũ ăn mà cảm thấy mình cứ ác ác thế nào, cậu ấy đội mưa đến nhà mà tôi không nhiệt tình lắm, thêm nữa cậu ấy nói thích mà tôi không hề đáp lại. Ơ mà tôi đang nghĩ gì vậy?

Ông bà nội đi ngủ trưa, ngồi với chúng tôi một lúc thì bố mẹ sắp sẵn áo mưa.

“Bố mẹ định đi đâu vậy? Trời còn mưa mà.”

“Hôm nay công ty có lịch làm tăng ca, các con ở nhà chơi.”

“Mưa to lắm, hay bố mẹ chờ thêm tý nữa.”

Tôi ngó đồng hồ mới biết không còn sớm gì, bố mẹ tôi cùng làm trong xưởng may mặc, dạo này họ phải đi làm thêm ca thường xuyên, có khi tới tối muộn mới về. Trước khi tôi tìm ra vị trí của chiếc ô, Phong đã bật nó và chạy ù ra mở cổng, như thể cậu khao khát được làm việc ấy vô cùng, trong khi nhiều lần phải đi làm sớm, biết tôi hay ngủ nướng, mẹ toàn ném chìa khóa vào trong.

Khi trở lại Vũ khoanh tay nhìn Phong hằm hằm. Tôi nhìn bát ô tô sạch bong trước bàn, lên tiếng hỏi:

“Vũ còn đói nữa không? Nhà tớ còn nhiều bánh đa…”

“Không!”

Vũ đưa đôi mắt như con dao sắc lẹm sang bên tôi, cảm giác như bị chiếu tướng vậy. Ngoài những lúc hiền hiền dễ gần, thi thoảng cậu ấy đổi gió khiến tôi lo sợ.

“Trời tạnh rồi, mày về đi!”

Trời ạ, tôi mới là chủ nhà chứ có phải Vũ đâu mà cậu ta đuổi Phong đi.

“Ừm, tao cũng định về đây… nhưng trông thấy mặt mày như vầy nên không muốn về nữa.”

Phong khoanh tay nhìn Vũ, cậu ấy ngả hẳn người dựa lưng vào ghế. Tôi tự đặt câu hỏi rốt cục mình có phải chủ nhà không?

“Mặt tao làm sao? Mày không thấy mình vô duyên khi ở đây à?”

Ai vô duyên hơn ai chứ?

“Tao không.”

Tôi rõ ràng bị coi như con ruồi bay vo ve xung quanh, vì thế tôi ủng hộ câu trả lời của Phong.

“Ha ha, thôi tao về.”

Phong nói rồi đứng dậy luôn, cậu ấy còn vỗ vai Vũ.

“Ơ, cậu về ư? Sao cậu phải về?”

Tôi đứng dậy theo Phong, còn rất nhiều kỷ niệm chờ được đánh thức của hai đứa, như con lợn đất cả hai cùng góp được năm nghìn, hồi đó Phong cứ đòi đập ra nhưng tôi nhất quyết không cho, đợi đến khi nào lớn. Cậu ấy về lúc này chẳng quá sớm hay sao?

“Tớ còn về trông Lâm Anh, lần sau tớ lại đến.”

Tôi rất muốn nói rằng mình muốn đến chơi cùng em cậu ấy nhưng rốt cục không lên lời, đành ngậm ngùi đưa cho Phong một cái ô cho dù trời đã ngừng mưa.

“Chào ông bà và bố mẹ cậu giúp tớ.”

“Ừm. Cậu nhớ đường ra chứ?”

Phong lên xe đưa tay chào tôi rồi đi. Trí nhớ cậu ấy tốt nhật, chứ tuy là nhà mình nhưng hồi mới chuyển tới tôi phải mất năm sáu bảy tám lần đi nhầm ngõ khác. Đợi bóng cậu ấy xa tít tôi mới vào, Vũ đang xem cuốn album của tôi.

“Bạn không đi du lịch với lớp?”

“Ờ.”

Vũ đáp bằng giọng thờ ơ. Cậu ta đúng là sáng nắng chiều mưa. Tôi chỉ ngồi nhìn Vũ lật qua lật lại những bức ảnh.

“Sao chụp với thằng Phong nhiều thế?”

Hỏi hay thật, có máy ảnh thì chụp chứ sao, máy của chú Dương, tôi chạy loăng quăng sang nhà Phong một buổi sáng chú nháy tới chụp kiểu không nhiều mới lạ.

“Thích thì chụp.”

“Lâm Anh đừng nghĩ về quá khứ mà quên mất hiện tại. Tôi đã không nghĩ bạn lại dối tôi.”

Vũ chỉ đưa mắt qua tôi đúng một giây ngắn ngủi. Cậu ấy lại đang nghĩ gì thế?

“Tớ dối chuyện gì?”

Vũ chẳng nói, tôi chẳng biết. Việc tôi nói rằng họp gia đình nhưng không phải ư? Vốn dĩ bữa cơm nhà tôi đã có năm người, hôm nay thêm Phong nữa, đó đâu phải nói dối.

“Trước đây tôi quen một ai đó vì nói chuyện hợp, hoặc vì người đó nổi bật. Lần đầu tiên gặp Lâm Anh tôi chỉ nghĩ bạn là một đứa ngốc nghếch, bị bắt nạt nhưng không dám trả thù. Tôi cho bạn ngồi cạnh vì nghĩ rằng bạn sẽ rất hữu ích trong giờ kiểm tra để qua mặt phụ huynh. Tôi tưởng mình chuyển về đây vẫn phá phách như xưa vì bản tính của tôi là vậy, nhưng bạn ngờ nghệch lắm, tôi đứng ra bênh vực bạn lần một, lần hai mà bạn vẫn để người khác cưỡi lên đầu mình. Thế đấy, càng ngày tôi càng muốn bảo vệ bạn hơn, càng ngày tôi càng muốn đi học để gặp bạn, tôi không muốn gây sự với bất kì ai để không ảnh hưởng đến bạn, tôi tự thấy mình đã thay đổi ít nhiều vì bạn. Vậy nên đừng để tôi thấy sự thất vọng.”

Đó là lần đầu tiên tôi nghe Vũ nói nhiều như vậy. Vũ đứng lên và nhắn tôi chào gia đình giúp.

Tôi mở cổng cho Vũ vừa suy nghĩ về sự thất vọng của cậu ấy, tôi đã làm gì để Vũ thất vọng? Năm ngoái khi ngồi cạnh thằng Tuấn, nó nói thích thật lòng bao nhiêu người, nhưng thực sự có thích ai đâu. Tôi đã nghĩ Vũ cũng vậy, chỉ trêu đùa nên chưa từng nhìn nhận nghiêm túc về những gì cậu ấy nói.

Đắn đo một hồi, tôi ôm lấy cổng sắt hỏi nhỏ:

“Vũ,… cậu có tình cảm với tớ thật à?”

Tôi vẫn thường gọi Phong là cậu vì cậu ấy quá đỗi thân thuộc với mình, giờ đây, tôi đã dùng từ đó để nói chuyện với Vũ.

“Lâm Anh nghĩ rằng tôi đùa Lâm Anh sẽ thấy vui ư?”

Sau câu nói đó Vũ lên xe.

“Mà đi lối nào ra?”

Tôi đuổi theo chỉ cho cậu ấy lối về, trong lòng ôm mối ưu tư.
Chương trước Chương tiếp
Loading...