Dạ Lưu Dư Bạch

Chương 11: Họ Không Giống Nhau



Đi chậm thôi, hãy chờ đợi linh hồn, nhưng nếu không có linh hồn thì có thể chạy thật nhanh.

(Lời thì thầm trong đêm)

Vào một ngày cuối cùng của tháng Tư, Lê Dạ Quang “áp giải” Dư Bạch lên máy bay đúng như ý muốn của mình.

Cô biết đây là lần đầu tiên anh đi máy bay nên vừa ngồi vào ghế đã nhắc anh nhớ cài dây an toàn. Dư Bạch đắc ý lấy quyển “Cẩm nang du lịch an toàn” ra cho cô xem: “Anh đã đọc sách, cho nên đã cài dây an toàn từ lâu rồi.” Ánh mắt anh vốn ngây thơ, bây giờ lại càng giống một đứa trẻ, vừa căng thẳng lại vừa háo hức.

Lê Dạ Quang cầm quyển sách lên, cảm giác như đang xem cuốn niên giám “Những trang vàng điện thoại” của thế kỷ trước. Điều đáng sợ hơn người mua cuốn “Cẩm nang du lịch an toàn” này đang ngồi ngay bên cạnh cô, nhưng cô lại không thể thốt ra một câu bắt bẻ nào. Lê Dạ Quang xoa mặt, cố nở một nụ cười giả tạo từ tận đáy lòng: “Trời ơi, anh tìm đâu ra cuốn sách hay thế?”

“Anh mua trong phòng chờ ở trạm xe lửa thành phố Sa. Trong đó còn có cả lịch trình xe lửa cả nước đấy.” Dư Bạch tự hào nói, sau đó cầm lấy quyển sổ tay hướng dẫn bay an toàn từ lưng ghế trước, bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu.

Lê Dạ Quang vẫn không thể tin được rằng anh chàng ngồi bên cạnh mình đã 27 tuổi mà chưa bao giờ đi máy bay: “Hồi nhỏ bố mẹ anh không đưa anh đi du lịch bằng máy bay bao giờ à?” Nhà họ Dư là dòng dõi có tiếng trong giới phục chế bích họa, tuy không so được với đám doanh nhân hay quan chức cấp cao, nhưng cũng là một gia đình giàu có.

Dư Bạch vốn dĩ đang nghiên cứu xem áo phao cứu sinh để ở đâu bỗng sững sờ, im lặng một lúc rồi nói: “Bố mẹ anh mất khi anh còn nhỏ, nên không có cơ hội đưa anh đi du lịch bằng máy bay. Sau này…” Anh ngập ngừng, gượng gạo sờ tai rồi nói tiếp “Tóm lại là kể từ đó anh chưa từng đi máy bay, ông nội anh luôn nói rằng đi máy bay không an toàn, nhà họ Dư bây giờ chỉ còn mỗi mình anh là người nối dõi. Thật ra, không đi máy bay mãi cũng thành quen rồi.”

Trong tài liệu mà Lê Dạ Quang đã xem về đời thứ tư của nhà họ Dư chỉ có vài câu ít ỏi, nhưng cô không ngờ rằng lý do là bởi vì bố mẹ anh đều đã qua đời. Bầu không khí bỗng chốc có phần trầm lắng.

“Vậy những người họ hàng khác…” Cô dừng lại nửa chừng, vì máy bay đã chuẩn bị cất cánh. Dư Bạch nhìn ra ngoài cửa sổ, lẩm bẩm: “Không ngờ lần đầu tiên anh ngồi máy bay lại là đi cùng với em…”

Lê Dạ Quang cười thầm, không tiếp tục hỏi nữa. Dù sao anh cũng đã đồng ý xuống núi giúp cô phục chế bích họa, bản thân cô cũng không nhất thiết phải biết nhiều về anh. Chẳng qua là đang dùng sắc đẹp dụ dỗ anh mà thôi, nhất định không được xao động, quen biết qua loa thì sau này mới dễ bề quên lãng.

Sau khi máy bay đạt được độ cao mười nghìn mét, bên ngoài cửa sổ chỉ còn là một màu trắng xóa. Dư Bạch tiu nghỉu kéo tấm che cửa sổ lên, nhìn sang Lê Dạ Quang, nói: “Nếu đi tàu thì sẽ được ngắm rất nhiều cảnh đẹp…”

“Ồ, vậy à?” Cô cười hỏi một câu lấy lệ. Chuyến bay kéo dài năm tiếng, cô phải ngủ một giấc, kẻo khi đến thành phố C sẽ chẳng có thời gian nghỉ ngơi.

“Đúng vậy.” Dư Bạch không nhận ra sự qua quýt trong lời nói của cô, còn tưởng rằng cô thật lòng đang hỏi mình, nên nghiêm túc trả lời: “Ngồi tàu đi thành phố Sa có thể nhìn thấy sông Hoàng Hà, nhìn thấy núi Kỳ Liên ở phía Tây. Em đã nhìn thấy núi Kỳ Liên bao giờ chưa?”

Lê Dạ Quang lấy bịt mắt ra, suy nghĩ một lúc, hình như là chưa thì phải. Cô nhớ là mình đã khóc suốt quãng đường rời khỏi Tây Bắc, hoàn toàn không để ý phong cảnh ngoài cửa sổ. Sau này cô đi đến rất nhiều nơi, chỉ có Tây Bắc là không muốn đến nữa.

Cô đeo bịt mắt lên, đắp tấm chăn lông, hờn dỗi nói: “Người ta buồn ngủ rồi, muốn ngủ một giấc.” Nói thế này là đủ để anh hiểu rằng cô không muốn tiếp chuyện nữa nhỉ?

Song, Dư Bạch nhìn cô từ trên xuống một lượt rồi tò mò hỏi: “Em ngủ như vậy có dễ chịu không?”

“Làm sao mà dễ chịu được.” Cô đã khó chịu như này rồi, hãy buông tha cho cô đi.

Dư Bạch không thể ngắm phong cảnh nhưng đã tìm được khuyết điểm thứ hai của máy bay: “Đi tàu hỏa có thể ngủ thoải mái, lại còn có cả giường và chăn.”

“Nếu ngồi ở khoang hạng nhất sẽ ngủ được đấy, nhưng bây giờ em không đủ tiền mua vé ở khoang hạng nhất.” Lê Dạ Quang kéo chiếc chăn mỏng lên che mặt, từ chối giao tiếp.

“Vậy sau này sẽ mua được à?” Dư Bạch tiếp tục hỏi, với vẻ mặt háo hức mong chờ, như thể muốn vẽ ra một bản kế hoạch tương lai đẹp đẽ của cả hai: “Hay là sau này anh mua cho em nhé.”

Lê Dạ Quang thầm thở dài nghĩ bụng, đúng là nghiệp chướng. Nếu không phải vì việc phục chế bích họa, cô thật sự không nên trêu đùa chú cún cỏ ngây thơ này. Khi đến thành phố C, cô phải lập tức dẫn anh đến hộp đêm, câu lạc bộ, mỗi ngày đi một nơi để mở mang tầm mắt mới được.

Dư Bạch thấy cô không nói gì, đành rầu rĩ ngồi yên: “Máy bay có gì hay chứ…”

“Nhanh chóng.” Trước khi thiếp đi, Lê Dạ Quang vẫn tận tình trả lời anh.

“Sao cứ phải đi nhanh làm gì?”

Giọng anh rất thanh, còn xen lẫn một thoáng lạc lõng cô đơn và cảm giác mông lung.

Lê Dạ Quang kéo chăn mỏng xuống, tự hỏi anh chàng này đang cho rằng chỉ hôn nhau một cái là đã có chỗ dựa phải không? Có điều, khi cô vừa bỏ bịt mắt ra thì thấy Dư Bạch dựa lưng vào ghế nhắm mắt nghỉ ngơi, vẻ mặt tuấn tú mà lãnh đạm, lông mi dài nhưng không dày, môi mím chặt như thể đang âm thầm bày tỏ sự bất mãn.

Không hiểu sao cô lại nhớ đến con cá do Bát Đại Sơn Nhân(*) vẽ, nét vẽ đơn giản và tĩnh lặng, chỉ có một con cá trên trang giấy rộng lớn, miệng mím lại, đôi mắt trợn ngược, bướng bỉnh nhìn thế giới.

(*) Bát Đại Sơn Nhân (1626–1705) tên thật là Chu Đạp, hậu duệ của Ninh Hiến vương Chu Quyền. Ông cũng là một nhà thi họa nổi tiếng. Ông nổi tiếng về hội họa, là một trong bốn vị tăng ở cuối đời Minh đầu đời Thanh trong lịch sử hội họa của Trung quốc.

Sao cứ phải đi nhanh làm gì?

Lê Dạ Quang phát hiện chính mình cũng không biết phải trả lời thế nào.

Thật ra trước khi xuống núi, cô đã từng lên chùa một mình, phần còn lại của bức bích họa Đức Phật Lư Xá Na thuyết pháp đã được tu sửa xong. Mặc dù cô đã xem qua rất nhiều bức tranh nhưng lại chẳng biết gì về công việc phục chế bích họa, nhất là công trình tu sửa dài tận ba mét như vậy. Bức bích họa khổng lồ cao đến mức chiếm hết nửa bức tường vẫn là một cú sốc lớn đối với cô khi được tận mắt nhìn thấy.

Bức bích họa đã được Dư Bạch phục chế xong, tuy màu sắc rực rỡ nhưng vẫn giữ được vẻ cuốn hút hoài cổ. Màu sắc tươi sáng cô đọng theo thời gian tạo nên kết cấu độc đáo. Ánh sáng dịu dàng của nhũ vàng khiến tượng Phật Lư Xá Na trở nên lộng lẫy và trang trọng, tạo cảm giác huyền bí của tôn giáo, đồng thời còn mang tính thẩm mỹ của nghệ thuật.

Mười mẫu hoa văn trên áo cà sa phong phú và hoàn hảo đến từng chi tiết, ngay cả hàng người ở cõi trời đang chơi nhạc và rắc hoa, có kích thước chưa đến bảy phân cũng đều được phục chế như lúc ban đầu. Dáng vẻ yêu kiều, ngay cả gương mặt cũng được trang điểm tinh tế, mắt phượng mày ngài, nét mặt thư thái, những hạt cườm nhỏ li ti đính trên vương miện và vòng cổ đều được quét nhũ vàng tỉ mỉ.

Vì vậy, vấn đề khiến Lê Dạ Quang lo lắng không chỉ là “Cứ phải đi nhanh để làm gì”, mà còn là sự băn khoăn đối với Dư Bạch, kỹ năng của anh tuyệt vời là thế, anh còn muốn ở trong núi bao lâu nữa?

Họ khởi hành từ sáng sớm nhưng khi đến thành phố C thì cũng đã là buổi tối. Khi bước ra khỏi sân bay, không khí quen thuộc lập tức khiến Lê Dạ Quang như sống lại, nhất là ánh đèn nê ông và dòng xe cộ tấp nập mang theo nhịp sống hối hả của thành phố. Nhớ lại những ngày sống trên núi, hằng ngày thức dậy khi mặt trời mọc, đi ngủ khi mặt trời lặn, Lê Dạ Quang rất nóng lòng được làm việc.

Dư Bạch không nhớ đã bao lâu rồi mình không đến thành phố. Có vẻ như anh chỉ có dịp ngắm nhìn những thành phố khác nhau trong hành trình của chuyến tàu chạy băng qua núi rừng sâu thăm thẳm và những sa mạc hoang vu. Anh từng về quê một thời gian ngắn để đón Tết cùng với ông nội của mình. Ngôi nhà cũ của nhà họ Dư được xây trên một ngọn núi thiêng. Ngay cả khi về quê, nhà của anh cũng ở trên núi.

Hóa ra thành phố lớn là thế này… Trời tối rồi mà vẫn sáng sủa, náo nhiệt và tất bật. Không ai đi ngủ sao? Không ai về nhà xem TV à?

Trong lúc anh còn đang ngẩn người, Lê Dạ Quang đã nhét anh vào taxi rồi mỉm cười nói với bác tài: “Bác tài, đến Bảo tàng thành phố C.”

Tài xế vừa khởi động xe vừa tò mò nói: “Muộn thế này rồi mà vẫn đến bảo tàng à, bảo tàng đóng cửa rồi.”

Tất nhiên là vào giờ này bảo tàng đã đóng cửa, nhưng đối với Lê Dạ Quang, việc đi đến viện bảo tàng làm việc giữa đêm khuya là chuyện như cơm bữa. Ở trên núi, cô và nhóm người Dư Bạch đã ăn nhiều bánh bao và đồ chay. Bây giờ trở lại thành phố C, cũng nên để anh nếm thử mùi vị “cơm bữa” của cô mới được.

Lưu Dạ Quang lấy di động ra, mở WeChat, gửi một đoạn ghi âm vào nhóm chat: “Tôi đã trở lại thành phố C, bốn mươi phút nữa tập hợp nhé.”

Chỉ một câu ngắn gọn đã khiến mọi người sôi trào.

“Tổ trưởng Lê, cuối cùng cô cũng trở về rồi!”

“Tôi đi thay quần áo rồi đến ngay”

“Tôi bắt đầu đi đây!”

Trong điện thoại di động của Lê Dạ Quang vang lên tiếng nói của bảy, tám người khiến Dư Bạch kinh hãi nói: “Điện thoại... di động của em bị nhiễu sóng.”

Lê Dạ Quang biết được khoảng cách giữa anh và thời đại là rất lớn, cho nên không nói gì, chỉ cười mỉm, cầm lấy chiếc điện thoại cục gạch của anh, gọi vào số mình rồi cúp máy: “Đây là số của em, anh lưu lại. Ngộ nhỡ bị lạc ở đây thì nhớ gọi cho em.”

Dư Bạch cảm thấy đàn ông đàn ang như mình mới là người nên đứng ra bảo vệ phái nữ. Lạc đường ư? Làm sao có chuyện đó được? Ở những nơi như sa mạc mà anh còn nhìn sao Bắc Đẩu để tìm ra phương hướng nữa là.

Tuy nhiên, sự tự tin của Dư Bạch đã tan thành mây khói ngay khi xuống xe. Họ đi vào Bảo tàng C từ cổng sau, khu văn phòng rộng lớn được chia thành nhiều phòng ban, hành lang nào cũng sâu hun hút không thấy điểm cuối, cánh cửa nào cũng giống hệt nhau. Dư Bạch chỉ có thể theo sát Lê Dạ Quang, dù sao ở đây cũng không nhìn thấy được sao Bắc Đẩu.

“Bảo tàng C gồm ba phòng ban và một văn phòng. Em làm việc ở ban Thực hiện và Giám sát dự án. Hai ban còn lại là ban Lưu trữ và ban Giáo dục Xã hội. Phòng tức là văn phòng, chủ yếu là tổ chức và giải quyết công việc hành chính…” Lê Dạ Quang vừa đi vừa giới thiệu với anh. Cô chỉ đang thực hiện nghĩa vụ của mình, càng không hy vọng Dư Bạch sẽ nhớ được.

“Khu triển lãm được chia thành các tổ tùy theo đối tượng như tổ thư pháp và hội họa, tổ kim thạch, tổ bích họa,... Có tổ trưởng chịu trách nhiệm giám tuyển chính, cũng là những người phụ trách thường trực của bảo tàng.”

Nói xong, cô đứng trước cửa chỉnh lại quần áo và tóc tai. Thật ra khi ở trên núi, Dư Bạch luôn cảm thấy bộ âu phục màu trắng cô mặc rất kỳ cục, nhất là khi so với chiếc áo nhà binh của anh, âu phục chói lóa và gọn gàng quá mức. Lúc này, cô đang đứng trong hành lang trống trải, dáng người thon thả phản chiếu trên sàn đá cẩm thạch sáng bóng, phong cách trang trí tối giản nơi đây càng tôn lên bộ vest trắng của cô một cách hoàn hảo. Khí chất và sự năng động của cô vừa hoàn toàn phù hợp với môi trường làm việc khô khan cứng nhắc thế này.

“Vậy em là?” Dư Bạch hỏi.

Lê Dạ Quang quay đầu nhìn anh, nhếch miệng nở nụ cười tự tin: “Em là một trong ba tổ trưởng đó.”

Dư Bạch nghĩ thầm, cô là tổ trưởng giám tuyển, còn anh là đội trưởng đội phục chế, cảm giác cũng không khác nhau mấy.

Khi anh đang vui vẻ suy nghĩ, Lê Dạ Quang đẩy cửa ra, văn phòng rộng rãi sáng trưng, các thành viên tổ bích họa đang đứng thành hai hàng trên lối đi, háo hức chờ cô trở về.

“Chào mừng tổ trưởng Lê!”

Tiếng hô vang với khí thế như dời non lấp biển đập vào tai Dư Bạch, anh còn chưa kịp bình tĩnh lại, nhóm đám người đã vây quanh Lê Dạ Quang. Cô đứng giữa bọn họ, giống như là trung tâm, là nguồn sáng duy nhất trong toàn bộ văn phòng.

Dư Bạch bị dồn vào góc tường, ngậm ngùi nhớ lại kiếp đội trưởng của mình, xem phim truyền hình thì bị chế giễu, ăn diện thì bị cười nhạo, thậm chí có lần anh quên mang lương khô đến chùa, nhịn đói cả một ngày, buổi tối trở về ăn mười cái bánh hấp cũng bị mọi người cười cợt.

Anh đã bao giờ được chào đón như một ngôi sao thế này chưa?

Mặc dù cô là tổ trưởng, còn anh cũng là đội trưởng, nhưng sự chênh lệnh giữa họ là cực kì cực kì lớn.

Dư Bạch hâm mộ đến mức muốn khóc.
Chương trước Chương tiếp
Loading...