Đã Nhiều Năm Như Thế

Chương 19: Việc Nhà



Trần Kiến Hạ bất tri bất giác ngồi ngây ra trên bồn cầu quá lâu, tiếng chất vấn của mẹ và tiếng báo tin nhắn của Lý Nhiên vang lên cùng một lúc.

"Mày làm gì trong đấy thế? Đau bụng à?"

Cửa nhà vệ sinh làm bằng kính màu đục, tuy nhìn không rõ, nhưng nếu là ánh sáng màn hình điện thoại thì vẫn sẽ bị lộ. Kiến Hạ vội vã úp màn hình vào lòng bàn tay.

"Táo bón ạ." Cô đáp.

"Mấy bộ quần áo đó của mày mẹ đều đem đi giặt rồi nhé!" Mẹ nói xong liền rời xa khỏi khu vực cánh cửa.

Kiến Hạ chậm rãi thở ra một hơi, lặng lẽ mở khoá màn hình xem tin nhắn của Lý Nhiên.

"Làm cái gì thế, mãi mà không trả lời."

"Ăn cơm cùng người nhà." Cô nhắn lại.

"Cậu về nhà rồi à?"

"Ừ. Khi nào quay lại sẽ đem cho cậu ít đặc sản."

Trần Kiến Hạ bấm nút gửi tin nhắn, đột nhiên cảm thấy kì quái. Vì sao cô lại phải mang đặc sản cho cậu ăn nhỉ? Thị trấn nhà mình và Thành phố chỉ cách nhau mấy chục cây số, thuộc cùng một Tỉnh, có đặc sản gì khác nhau cơ chứ?

Quả nhiên, Lý Nhiên trả lời: "Đầu óc cậu vẫn bình thường đấy chứ?"

Cô cười cười: "Lát nữa nói chuyện tiếp nhé. Bây giờ không tiện lắm."

Trần Kiến Hạ vì việc bản thân có thể bình thản nói ra câu "bây giờ không tiện lắm" mà cảm thấy vui mừng. Hồi cấp Hai cô gần như không bao giờ dùng di động, cũng chưa từng nhắn tin tán gẫu với ai, song hiện tại cô vẫn có thể biểu hiện tự nhiên chẳng kém gì những bạn học suốt ngày bấm phím điện thoại lạch cạch đó.

Cô cảm thấy có chút tự hào.

Ra ngoài phòng khách ngồi với bố mẹ một lát, Kiến Hạ hào hứng kể lại những điều được mắt thấy tai nghe ở Chấn Hoa, đương nhiên là đã bỏ đi phần về Lý Nhiên và Vu Ti Ti. Em trai cũng bê ghế đẩu tới ngồi cạnh một bên, lần đầu tiên chăm chú lắng nghe mà không xen lời vào, đôi mắt sáng bừng nhìn cô không chớp, trong ánh mắt tràn đầy vẻ sùng bái.

10 rưỡi, bọn họ đều đi ngủ, Trần Kiến Hạ liền mở cặp sách ra, ngồi ngoài phòng khách ôn tập cho đợt thi giữa kì. Sau khi Trần Kiến Hạ dọn đi, chiếc bàn học màu trắng sữa ấy cuối cùng cũng bị em trai chuyển vào trong phòng ngủ nhỏ. Chuyện đã trôi qua lâu, cô cũng không còn để ý nữa, mẹ giúp cô lau sạch bàn ăn để cô ngồi học bài ở đó.

Đương nhiên, cô không về phòng ngủ, kì thực còn vì một nguyên nhân khác quan trọng hơn cả đợt thi giữa kì.

Lý Nhiên nói đợi cô trả lời tin nhắn.

Kiến Hạ chờ tới 11 giờ, tiếng ngáy đều đặn của bố mẹ vang lên, cuối cùng cũng có thể yên tâm, rút di động từ túi quần ra, việc đầu tiên làm là chuyển sang chế độ im lặng.

Tiếng bấm phím vang lên trong đêm tối rõ ràng đến kì lạ, tựa như tiếng tinh linh đang nhón chân bước đi.

"Cậu ngủ chưa?" Cô hỏi.

Tin nhắn đã được gửi đi, cô liền nhét di động vào hộp bút, mở quyển đề Hoá học ra. Làm được nửa trang đề, điện thoại vẫn không có phản ứng gì.

Trái tim của Kiến Hạ giống như con lắc của chiếc đồng hồ trong phòng khách, sang trái sang phải, không thể ngừng nổi.

Cô đột nhiên cảm thấy tức giận, vươn tay ra giữ phím tắt nguồn.

Tắt máy chưa được tới hai phút, lại không kìm được mà bật máy lên.

Trần Kiến Hạ thẫn thờ nhìn bức hình đen trắng lúc màn hình chờ khởi động, có chút không lí giải nổi bản thân đang bị làm sao.

Trái tim vẫn luôn đập trong lồng ngực của cô, nguyên cớ gì mà trong một khoảnh khắc lại phiền muộn vì người khác đây.

Sau mấy lần liên tục tắt máy rồi mở máy, Trần Kiến Hạ thô bạo tháo luôn cục pin ở đằng sau ra, thậm chí còn bất chấp tất cả đi vào trong phòng ngủ nhỏ, ném cục pin lên giường của mình, dứt khoát ép bản thân phải dừng lại.

Cuối cùng, với một tâm trạng bừng bừng lửa giận, cô đã làm xong đề Hoá học, mở quyển "Tuyển tập đề thi Đại học 5 năm, đề thi thử 3 năm" môn Tiếng Anh ra bắt đầu ôn tập từ quy tắc sử dụng câu, ngẩng đầu lên nhìn đồng hồ, đã là 12 giờ 15 phút đêm rồi.

Kiểm tra nốt lần cuối, chỉ nhìn một cái thôi. Cô nói với chính mình.

Trần Kiến Hạ rón rén bước vào phòng ngủ nhỏ. Ván gỗ lát sàn đã hơi cũ, trước đây vì bị dột mà còn thường xuyên bị ngâm nước, dù có cẩn thận đến đâu cũng không tránh khỏi làm vang lên những tiếng kẽo kẹt. Cô nín thở, nghiêng người cúi xuống giường cầm cục pin lên, không ngờ đúng lúc này em trai lại ngồi dậy.

Trần Kiến Hạ sợ tới mức tim suýt nữa ngừng đập. Ánh mắt của em trai còn sáng hơn cả lúc ngồi nghe cô kể chuyện hồi nãy, dẹp hết thể diện dịu giọng cầu xin: "Chị, chị nói với bố mẹ đi, cho em cũng lên thành phố học với nhé?"

Hoá ra không ngủ được là vì đang suy nghĩ về cái này.

Kiến Hạ yên tâm, cười với cậu: "Được, chị sẽ xin bố mẹ, nhưng em phải học hành chăm chỉ đấy nhé."

Em trai gật đầu một cái thật mạnh.

"Mau ngủ đi." Cô nói, nắm chặt cục pin trong lòng bàn tay, đi ra khỏi phòng.

Cô lắp pin vào, trịnh trọng bật máy, tim đập thình thịch.

"3 tin nhắn mới đến từ Lý Nhiên". Cảm giác này là gì nhỉ? Giống như hồi nhỏ đạp tuyết ngược gió đi một quãng đường rất xa, cuối cùng cũng về tới nhà, ngâm đôi bàn chân giá băng vào nước nóng. Sau khi sự ấm áp đột ngột khiến người ta run rẩy qua đi, còn lại là một thứ cảm giác đau đớn mà dịu dàng.

Mặt kính của chiếc đồng hồ quả lắc phản chiếu nụ cười của Trần Kiến Hạ. Cô bị sự vui vẻ của chính bản thân doạ sợ, vội vã đè khoé môi xuống.

"Xin lỗi nhé, mình đi chơi bi-a với hội anh em, vì cứ nhìn điện thoại suốt nên bị chúng nó thu mất, không đọc được tin nhắn của cậu. Cậu ngủ chưa?"

"Không trả lời, ngủ thật rồi à?"

"Học sinh giỏi các cậu chẳng phải đều học bài tới nửa đêm hay sao định lừa ai thế cậu đã đi ngủ chưa?"

Tay phải Trần Kiến Hạ nắm chặt điện thoại, nhẹ nhàng áp nó vào ngực của mình, cười tới mức không nén lại được.

Cô không trả lời, giữ lấy chút hờn giận và kiêu ngạo đó, trong lòng tĩnh lặng hơn nhiều, tốc độ làm đề cũng tăng lên rất cao.

Mặc dù vẫn không kìm được mà liên tục mở khoá màn hình, đọc đi đọc lại từ đầu đến cuối ba mẩu tin nhắn ấy.

Khi đồng hồ chỉ 1 giờ rưỡi, Kiến Hạ cuối cùng cũng không trụ nổi nữa. Cô gập sách lại, chuẩn bị rửa ráy qua một chút rồi đi ngủ.

Lúc đánh răng, ngẩng đầu, cô ngắm nhìn hình ảnh phản chiếu khuôn mặt bình thường của bản thân trong tấm gương.

Trần Kiến Hạ cho rằng ngoại hình của mình cũng xem như thuộc loại tàm tạm trong đám nữ sinh học giỏi thời cấp Hai.

Đương nhiên, định ngữ dài thế này, đã nói lên toàn bộ vấn đề.

Cô nhích lại gần tấm gương, cẩn thận ngắm nghía.

Những nốt mụn trên sống mũi này gọi là mụn đầu đen, cô đã nhờ vào những đoạn quảng cáo muôn hình muôn vẻ trên tivi biết được điều này rồi. Phần trán nhìn khá ổn, thầy tướng nói vầng trán của cô rất đầy đặn, song đáng tiếc là cằm không tròn trịa, tương lai còn cần dựa vào nỗ lực thì mới có thể thành công, thế nhưng phúc về đường gia đình và con cái lại mỏng.

Đương nhiên là cô không tin.

Nước da của Trần Kiến Hạ rất trắng, lông mày rất nhạt, mái tóc cũng có chút ngả vàng, không dày và chắc khoẻ như em trai và bố mẹ. Cô có một đôi mắt hình quả hạnh, không to không nhỏ, hai mí, nhưng tiếc là lông mi không dài. Cánh mũi thon nhỏ, được xem như bộ phận đẹp nhất trên toàn bộ gương mặt. Đôi môi mỏng, lúc nào cũng hơi mím, bởi vì lười uống nước nên thường xuyên bị bong da. Kiểu tóc cũng là cắt bằng đơn giản nhàm chán, chải mượt rồi buộc thành túm đuôi ngựa sau đầu, giống với hầu hết nữ sinh ở Chấn Hoa.

Hồi cấp Hai, có rất nhiều bạn học nữ cực kì mê tạo kiểu tóc. Thời kì mà tóc mái thịnh hành bọn họ thường cùng nhau đi cắt kiểu mái bằng che hết vầng trán, mấy sợi hai bên còn hơi dài hơn. Kiến Hạ cũng từng động lòng, nhưng không dám xin mẹ.

Trong quan niệm của mẹ, con gái cắt tóc chỉ có một tầng ý nghĩa duy nhất là để cho ngắn bớt, không hề bao hàm việc "trở nên xinh đẹp".

Bây giờ không còn giống như vậy nữa. Tia ngưỡng mộ nhỏ nhoi ấy, thời khắc này như kết lại thành sông, mãnh liệt trào dâng.

Thật muốn trở nên xinh đẹp.

Rất nhanh, Trần Kiến Hạ đã biết được nguyên nhân mẹ sống chết giục cô về nhà.

Buổi sáng ngày thứ Bảy, cô ăn xong bữa sáng, vừa lôi một tập đề trong ba lô ra thì mẹ liền đi tìm một chiếc áo khoác gió màu đỏ mới nói với cô, mặc vào thử xem.

Trần Kiến Hạ vui vẻ, lập tức chạy qua khoác lên.

Áo gió hơi to, phần thân rộng thùng thình. Mẹ cau mày đánh giá một lát, nói với cô: "Tạm một tí vậy nhé, hôm nay mặc xong mẹ sẽ đi đổi size nhỏ hơn. Mày thắt dây đai vào đi, chắc là nhìn khá hơn đấy."

Kiến Hạ gật gật đầu, đang định cởi ra thì bị mẹ ngăn lại: "Cứ mặc nguyên đó, chốc nữa chúng ta ra ngoài, đến nhà bà nội mày."

"Đến nhà bà nội ấy ạ?"

"Ừ," Mẹ soi gương chỉnh trang lại đầu tóc, "Mày lên thành phố học cũng hai tháng trời rồi mà vẫn chưa đi thăm bà nội. Hôm nay vừa đẹp, chúng ta tới chơi một lát."

Kiến Hạ kinh ngạc: "Chơi lâu không ạ? Buổi chiều có về nhà không? Nếu không về thì để con còn mang theo cặp sách, tranh thủ học bài."

"Không cần đâu."

Mẹ dẫn cô và em trai xuống tầng ngồi xe bus. Xe đi chầm chậm, liên tục dừng lại đón khách, mất 20 phút mới tới được dưới nhà bác hai. Mấy năm gần đây những khu chung cư Thị trấn xây dựng đều mang dáng dấp của những tiểu khu trên Thành phố, song xung quanh lại là những toà nhà 8 tầng màu xám đứng rời rạc, không có tên gọi, chỉ có số nhà.

Mặc dù khi ở trước mặt bố mẹ vẫn phải gọi là "nhà bà nội", thế nhưng trên thực tế trong lòng Kiến Hạ biết, căn hộ cũ đơn nguyên 3 tầng 7 phòng số 2 sớm đã từ "nhà ông bà nội" biến thành "nhà bác hai".

Từ khi chào đời tới trước khi vào Tiểu học, Kiến Hạ vẫn sống ở đây. Căn hộ rất rộng, thế nhưng thiết kế không khoa học, bước vào cửa lại là hành lang, cửa vào các phòng ngủ ở hai bên, cuối hành lang là nhà vệ sinh, nhà bếp và ban công nhỏ. Bốn phòng ngủ lần lượt là của ông bà nội, nhà bác gái cả, nhà bác hai và nhà Kiến Hạ. Bố Kiến Hạ là con thứ tư trong gia đình, thế nhưng người anh liền phía trước đã chết trẻ năm mười mấy tuổi, bởi thế nếu luận về tuổi tác thì ông phải kém bác gái cả và bác hai tới mười tuổi lận.

Vì không có phòng khách, mỗi lần ăn cơm tất niên cuối năm, bàn đều được kê trong phòng của ông bà nội, 12 người ngồi quây xung quanh một chiếc bàn tròn vô cùng náo nhiệt. Đương nhiên, sự náo nhiệt này chỉ tồn tại bên trong kí ức trẻ thơ của Kiến Hạ, trên thực tế, trong mỗi bàn tiệc năm mới của các đại gia đình Trung Quốc ít nhiều đều khó tránh khỏi những trận chiến ngầm những chị chồng và em dâu, nói kháy, móc mỉa lẫn nhau, chỉ có điều bởi hồi đó vẫn còn nhỏ nên cô chưa hiểu. Đợi đến khi nhà cô đã chuyển ra ở riêng, cô vừa làm bài tập vừa nghe bố mẹ thảo luận về các chuyện trong gia đình, mới hiểu được tranh chấp ẩn bên dưới.

Mà ngọn nguồn của những tranh chấp này, đều khởi đầu từ căn hộ cũ kĩ này.

Kiến Hạ ngẩng đầu ngước nhìn ban công rộng rãi trên tầng 7. Hồi nhỏ là cửa sổ bằng sắt, hiện tại căn hộ đã bị nhà bác hai sửa lại, đổi thành cửa hợp kim sáng loáng, mới cứng, đặt trong tương quan với toà nhà cũ kĩ xám xịt này rất thiếu hài hoà.

Cô nhớ lại một năm rưỡi về trước lúc đám tang ông nội, bố mẹ và nhà bác hai đứng ở chân cầu thang chỉ vào mặt đối phương mà lớn tiếng mắng chửi, cô ôm em trai trốn một bên, trong lúc vô tình ngẩng đầu nhìn thấy bà nội chân đã không còn tốt đang đứng trên ban công nhìn xuống bọn họ, giống như đang gắng sức hét to điều gì, nhưng không ai nghe rõ.

"Nghĩ gì thế! Chị!"

Trần Kiến Hạ bừng tỉnh, rảo bước về phía cổng toà nhà.

Lúc thím hai * mở cửa, người đầu tiên bà nhìn thấy là Trần Kiến Hạ đang đứng gần cửa nhất, vẻ mặt lạnh lùng cũng ôn hoà hơn một chút.

(* Bản gốc là "nhị thẩm" (二婶) - thím hai. Mặc dù biết vợ của chú mới gọi là thím nhưng mình xin phép gọi vợ bác hai là "thím" nhé mọi người, vì nếu để là "bác gái vợ bác hai" thì có vẻ dài dòng quá...)

"Tiểu Hạ về rồi đấy à?" Thím hai khó nhọc cong khoé miệng lên, mở cửa cho bọn họ vào nhà.

Hai trong bốn căn phòng ngủ đã được thông với nhau, sửa lại làm phòng khách, bà nội Trần Kiến Hạ đang ngồi trên sô pha xem tivi. Trên sô pha chất đầy chăn và gối dựa, giống như đã bị cải tạo thành một chiếc giường cho người già bị liệt nửa người. Trong phòng thoang thoảng mùi cơ thể người già và mùi thuốc, Trần Kiến Hạ cảm thấy tâm trạng mình cũng bị thứ mùi khiến người ta khó chịu này làm cho tụt dốc.

Bà nội lúc tỉnh lúc lẫn, vài lần gặp Kiến Hạ gần đây bà đã nhận nhần cô thành mấy người hàng xóm hoàn toàn khác nhau, lần này lại kéo tay cô, hỏi cô tình hình làm ăn gần đây có tốt hay không.

Mẹ Kiến Hạ lại dùng giọng rất lớn nói với bà ngoại: Lại lẫn rồi à? Đến cả cháu gái cũng không nhận được ra nữa? Có cần cháu gái hay không? Có cần cháu trai hay không? Con trai mẹ ngày nào cũng nhắc tới mẹ đó ạ, ăn thứ gì ngon cũng đều nói, lần sau nhất định phải mua cho mẹ. Mẹ nói xem con trai út có phải là ngoan nhất hay không?

Thím hai không hề che giấu mà ho nhẹ một tiếng, thế nhưng bà nội chỉ dùng ánh mắt mơ màng nhìn mẹ Kiến Hạ, khoé miệng chảy nước miếng, lúc gật lúc lắc.

Kiến Hạ bối rối rụt tay về, co cụm vào một góc sô pha. Em trai thì đã quen đường thuộc lối mà đi vào phòng ngủ của anh họ bật máy tính lên chơi.

Mẹ Kiến Hạ hỏi mãi không dừng, thím hai không nhịn nổi nữa, từ xa hét to với em trai: "Anh Đại Huy nói lần trước có mấy thứ quan trọng trong máy tính đều bị cháu xoá mất đấy, đừng có mà nghịch lung tung!"

Mẹ Kiến Hạ cười lạnh: "Tiểu Vĩ, nhà chúng ta cũng đâu phải là không có máy tính, con sờ vào của nhà bác ấy làm gì, hại anh Đại Huy lại không tìm được công việc, đều tại con cả đấy!"

Mặt thím hai đỏ lựng. Lúc đàn ông trong nhà không có ở đây, trận chiến giữa những người phụ nữ mới toả ra mùi thuốc súng nồng nặc nhất.

Kiến Hạ lặng lẽ đứng dậy, giả vờ đi vệ sinh, sau đó ngẩng đầu nhìn trần nhà mà âm thầm thở dài.

Chính vì căn nhà này. Chính vì "nhà phải để lại cho cháu trai".

Ông nội bà nội không thích Trần Kiến Hạ, vì cô là con gái. Thế nhưng dù sao con trai nhà bác hai Trần Chí Huy cũng đã 7 tuổi, nhà họ Trần coi như đã có người nối dõi, Kiến Hạ không cần gánh vác quá nhiều trách nhiệm nữa, còn căn nhà này, thuận lí thành văn mà sẽ thuộc về nhà bác hai.

Kiến Hạ chưa từng đào sâu suy nghĩ vì sao nhà lại xem như lẽ đương nhiên mà để lại cho cháu trai.

Ít nhất thì cô không quan tâm. Sống ở đây nào thoải mái dễ chịu được bằng sống trong căn nhà nhỏ bốn người của mình. Hồi còn sống, ông nội rất thích chơi mạt chược, hễ dựng bàn mạt chược lên là không biết đến bao giờ mới cất đi, Kiến Hạ không thích, mà ông nội bà nội cũng không thương yêu cô, qua lại giữa hai bên.

Song, đại đa số những sự phân tranh trên thế giới này đều bắt nguồn từ những thứ đạo lí nhìn bề mặt thì có vẻ là hiển nhiên.

Nhà để lại cho cháu trai, thế nếu gia đình này có tận hai cháu trai thì phải làm sao?
Chương trước Chương tiếp
Loading...