Đã Từng Bỏ Lỡ

Chương 43



Vài ngày trôi qua, tôi ý thức được việc mình phải nhanh chóng ly hôn. Đơn tôi cũng soạn sẵn rồi. Chỉ đợi bản thân đủ dũng khí để nói ra thôi. Thật lòng, từ lúc bước vào cuộc hôn nhân này tôi đã chuẩn bị tâm lý ly hôn. Nhưng không ngờ, nó lại ồn ào đến vậy. Có lẽ sau này muốn trở thành người nhà bình thường cũng khó.

Tôi không trách chú, có lẽ tình yêu là rào cản lớn nhất của đời người. Để mà nói, chồng tôi hẳn là một người chung thuỷ. Mười mấy năm vẫn quay về với tình yêu đầu. Tôi từng đọc một cuốn tiểu thuyết, nam chính trong đó bảo: “ Nếu không phải là cô ấy thì những người con gái khác đều là tạm bợ.” Có lẽ Hải Tú hay tôi đều là tạm bợ.

Nếu khẳng định bản thân không đau thì thật sự không đúng, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cưỡng cầu là vô nghĩa.

Thức trắng 3 đêm ôm con, tôi mới có thể lấy hết can đảm để đưa đơn ly hôn. Thấy người kia đang đứng trước phòng, tôi liền đặt con xuống giường rồi mang tờ giấy trên bàn ra ngoài.

Chú ngơ ngác nhìn tôi, đôi mắt dường như tăng thêm vài phần thâm trầm:

– Gì đây?

Tôi bình thản đáp:

– Đơn Ly hôn.

– Đây không phải là thời điểm thích hợp để nói vấn đề này.

– Tôi thấy đây mới là thời điểm thích hợp.

– Lo cho Bông trước đã rồi chúng ta nói chuyện này sau.

– Ly hôn với chú chính là cách tôi lo cho con bé đấy.

Chồng tôi vẫn kiên quyết nhét tờ giấy vào tay tôi.

– Đừng giận quá mất khôn, vào phòng với con đi.

Tôi quyết phải ly hôn nên không muốn vào. Nhưng Bông bên trong gọi mẹ quá, bản thân cũng hết cách. Nó mệt, đâm ra thường xuyên làm nũng. Suốt ngày chỉ muốn được ôm. Tôi thương con nên toàn làm theo ý nó. Vào phòng ôm Bông được vài phút thì tôi không thấy gã chồng tồi đâu nữa. Bình thường người kia cũng khá bận, dù ở viện với con nhưng nghe điện thoại liên tục. Nghĩ một cách tích cực là họ bận việc công ty, còn tiêu cực hơn là bị Diệu Linh gọi điện kiểm tra. Nhưng dù vì lý do nào , tôi cũng không muốn quan tâm nữa. Giờ đối với tôi chỉ có con, con bình an, bản thân mới vui vẻ được.

Buổi trưa, tôi lại xuống bếp nấu chút đồ cho con. Lúc đi ngang qua lối cầu thang vô tình nghe được hai cô y tá nói chuyện với nhau.

– Nghe nói bác sĩ Matther bị sốt à?

– Ừ! Tôi vừa thấy truyền nước bên phòng y tế, hình như là làm việc quá sức.

– Khổ, tài giỏi quá cũng chẳng sung sướng gì.

– Thì đấy, bị bệnh mà truyền nước xong lại quay về phòng xem bệnh án, như thế có ngày đột tử mà chết.

– Vậy mới nói, mấy người tài giỏi được mấy ai sống thọ.

– Ừ, cứ như chúng ta lại khoẻ.

– Đúng Đúng.

– Thôi, đi nhanh lên, không kịp phát thuốc cho bệnh nhân, lão trưởng khoa sẽ giết chết chúng ta.

Nói rồi, hai nữ y tá nhanh chóng đi đến khu nhà bên cạnh. Còn tôi thì rẽ hướng xuống bếp.

Đều như vắt tranh, ngày nào tôi cũng đến nấu cháo cho con, thành ra đã quen với gần hết thành viên trong bếp. Mọi người ở đây rất nhiệt tình. Có hôm còn mua ít đồ bổ cho Bông nữa. Ở một nơi xa lạ, gặp những người tốt như thế, tôi lại cảm thấy bản thân thì ra cũng rất may mắn.

Hôm nay, tôi nấu cháo nhiều hơn bình thường nên cô chủ thắc mắc:

– Con nấu cho ai nữa à?

Tôi quay lại, mỉm cười với cô:

– Dạ, con nấu thêm cho một người bạn.

Và người bạn mà tôi nói đến chính là bác sĩ của con. Dẫu sao con tôi có thể khoẻ mạnh lại được hay không, phụ thuộc rất nhiều vào vị bác sĩ này. Thế nên tôi xem như là lấy lòng họ đi.

Nấu cháo xong, tôi ghé vào phòng Matther.

Nghe tiếng gõ cửa, một kẻ máy móc nói:

– Vào đi.

Thấy người vào là tôi, Matther liền hỏi:

– Mẹ của Thiên n, cô tìm tôi có chuyện gì?

Tôi nhanh chóng mang phần cháo có kèm cả muỗng đặt lên bàn làm việc của bác sĩ con:

– Nghe nói bác sĩ đang bệnh nên tôi sẵn nấu ít cháo cho bác.

– Cảm ơn chị.

Tôi chỉ định nói đến đó xong rời đi thôi nhưng vì vị bác sĩ kia hình như không hề để tâm đến phần cháo tôi mang đến. Đối với công sức mình bỏ ra, hẳn tôi sẽ cảm thấy có chút chạnh lòng. Tôi nhắc khéo:

– Cháo còn nóng, bác ăn đi không nguội.

Với cái kiểu làm việc quên ăn uống ấy, tôi xin khẳng định gã bác sĩ này rất giống chồng mình.

– Tôi biết rồi, chị có chuyện bận thì cứ đi đi.

– Tôi rảnh mà. Bác sĩ ăn thử chút đi, xem có hợp khẩu vị không?

Bị tôi thúc ép, Matther đành miễn cưỡng bỏ vào miệng một muỗng. Nhưng đầu lưỡi họ vừa cảm nhận được vị cháo thì đôi mắt xanh lơ giống như là biết phát sáng.

– Phụ nữ Việt Nam đều nấu ăn ngon như vậy sao?

Tôi phì cười trước bộ dạng biểu cảm của Matther:

– Tôi không rõ, có lẽ là đúng thế thật.

Chẳng biết trong lúc nấu cháo, tôi có bỏ nhầm thuốc không mà thái độ của tên này có vẻ vì ăn cháo mà quay phắt 180 độ.

– Này, tôi biết cái này hơi đường đột nhưng mà cô có thể làm mẹ của tôi không?

Trời đất, gã kia vừa nói gì thế? Chả nhẽ tôi sống ở đây lâu quá nên quên luôn tiếng mẹ đẻ nên giờ ngô thành khoai. Vì nghi hoặc nên tôi hỏi lại:

– Bác nói tôi làm mẹ bác sao?

Tên đó thế mà gật gật:

– Đúng vậy. Cô nấu ăn rất ngon. Ăn đồ của cô, tôi cảm thấy như được ăn đồ mẹ tôi nấu. Đã rất lâu rồi tôi không được ăn đồ mẹ nấu, bà ấy sống cách đây 3 thành phố lận.

Cái điều quái gở như vậy mà người này vẫn có thể nghĩ ra được.

– Bác sĩ, tôi với bác cũng không chênh lệch tuổi tác lắm, e rằng làm mẹ bác thì có hơi kỳ.

– Như vậy thì phải làm như thế nào, mẹ của Thiên n mới có thể nấu cho tôi ăn tiếp.

Tình cách vị bác sĩ này cũng quá sức đặc biệt rồi. Vì miếng ăn mà có thể gọi người khác là mẹ.

– Không cần đâu, nếu bác thích. Sau này muốn ăn gì, cứ nói tôi. Tôi sẽ nấu cho bác.

Matther chẳng chút do dự liền đồng ý ngay với tôi. Qua trải nghiệm lần này, tôi thấy bác sĩ phụ trách của Bông có phần hơi dễ dãi thì phải. Nhưng mà xem ra sự dễ dãi này cũng rất đáng yêu.

Từ hôm bị đồ ăn của tôi mê hoặc, bác sĩ nọ có vẻ quan tâm mẹ con tôi đặc biệt hơn. Có hôm còn ôm bệnh án qua chơi với Bông. Tôi biết là họ là nịnh để được ăn nên cũng chẳng phản đối. Dù sao có qua mới có lại, Bông nhà tôi cũng khá thích người bạn mới này.

Từ bé, Bông cũng ít có dịp tiếp xúc với người nước ngoài. Thế nên có một kẻ da trắng, mắt xanh, cái mặt hài hước giống mấy chú hề trong rạp xiếc chơi cùng, con bé tất nhiên là thích thú ra mặt.

Bữa nay, lúc ba vào thăm, Bông còn khoe được chơi với bác sĩ. Tâm trạng của chồng tôi vì đó mà có vẻ không tốt. Ra về cũng sớm hơn bình thường.

Chồng tôi về được một lúc thì bông ngủ. Tôi cũng tranh thủ ra ngoài mua ít đồ. Không may lại gặp trời mưa. Mưa ập tới quá đột ngột khiến cả người tôi đều ướt sũng. Đang không biết phải làm thế nào thì gặp Matther đang lái xe về nhà. Tên kia hạ cửa xuống rồi gọi:

– Mẹ Thiên n.

Tôi nghe vậy cũng dừng bước mà chú ý đến chiếc xe bên cạnh.

– Bác sĩ.

– Chị đi đâu đây.

– Tôi ra ngoài mua ít trái cây nhưng không may gặp trời mưa.

Nghe vậy có người ngỏ lời:

– Chị lên xe đi.

Nước mưa đã thấm vào người nên mấy luồng gió khiến tôi bị lạnh. Như thế này thì bệnh mất, bệnh rồi sẽ không có ai chăm con nên tôi đành mở cửa xe, ngồi vào.

Matther rất chu đáo chỉnh điều hoà trên xe nên tôi cũng cảm thấy thoải mái hơn.

– Giờ chị tính đi đâu?

– Tôi về bệnh viện.

– Với bộ dạng ướt sũng này?

Tôi nhìn quần áo mình một lượt, đúng là không tiện thật. Dù bản thân mặc đồ khá dày nhưng mà đồ ướt thì rất bó sát. Tôi chột dạ ôm ngực.

Thấy tôi làm vậy, Matther nhanh chóng bổ sung:

– Tôi đồng tính. Mấy đứa bánh bèo vô dụng không có cửa với tôi đâu.

Câu nói này quả thật đã làm tôi nhẹ nhõm hẳn. Nhưng để chắc ăn thì tôi vẫn hỏi lại:

– Bác sĩ nói thật à?

– Tất nhiên.

Để tăng thêm độ tin tưởng, có kẻ liền múa quạt cho tôi xem. Thôi thì tạm tin họ vậy. Với cả nếu không phải thì tôi nghĩ Matther cũng là người tốt. Mà nếu không tốt thì tôi cũng biết chỗ họ làm việc cơ mà. Dám đụng đến tôi, tôi sẽ kiện lên bệnh viện.

– Dưới nhà tôi có một cửa hàng giặt là. Hay chị đến đó đi, tầm một tiếng là có đồ khô rồi.

Tôi lớn cỡ này rồi, tất nhiên luôn có sẵn sự phòng bị:

– Bác sĩ tính dụ tôi đến nhà làm việc xấu à?

Matther lại tiếp tục múa quạt:

– Tôi là đồng tính.

Và dưới sự kiên trì múa may đó, tôi đã bị thao túng tâm lý. Về đến nhà Matther, một kẻ cũng rất biết ý đưa cho tôi áo của mình để thay ra. Sau khi tôi bỏ đồ vào túi lại đem đến tiệm giặt là luôn. Thế nên trong nhà chỉ có mình tôi.

Đang chơi game giết thời gian thì điện thoại có người gọi đến. Là chồng tôi. Không phải mới gặp nhau ở bệnh viện à? Giờ còn gọi tôi làm gì?

Nhấn nút nghe, tôi áp tai vào điện thoại:

– Có chuyện gì mà chú gọi tôi giờ này?

Không biết từ khi nào, cứ nói chuyện với chồng là tôi lại cảm thấy bốc hỏa. Chắc buổi tối không còn mấy người qua lại nên tôi ra ngoài ban công đón gió cho hạ hoả.

Người kia không chút do dự đề nghị:

“ Chúng ta gặp nhau đi. Tôi có chuyện muốn nói.”

– Chuyện gì để ngày mai hẵng nói. Tôi đang bận.

Thật ra tôi đang bận thật, trò tôi đang chơi vì sự câu giờ của một kẻ mà sắp thua đến nơi rồi.

“ Không thể nói bây giờ sao?”

Điện thoại lập tức thông báo tôi đã thua cuộc nên trong lòng có chút tức giận.

– Không! Chú phiền quá đấy.

Đối lập với sự nóng nảy của tôi, một người vẫn rất nhẹ nhàng nói:

“ Tôi hiểu rồi.”

– Hiểu cái gì mà hiểu, chú có biết vì chú mà tôi đã…( thua game rồi không?)

Nhưng những chữ kia tôi còn chưa kịp nói hết ra thì đã bị chồng cướp lời.

“ Mục đích thật sự khiến em muốn ly hôn là gì?”

Tôi ngập ngừng không biết trả lời sao. Thoả thuận giữa tôi và Diệu Linh cũng không thể nói với họ. Rồi một ý nghĩ độc ác chợt lóe lên trong đầu. Họ có thể vì một người phụ nữ khác mà huỷ hoại gia đình thì tôi chẳng lẽ không thể.

– Tôi có người khác rồi.

“ Người đó có tốt không?”

– Tốt hơn vạn lần tên chồng tồi như chú.

“ Xin lỗi.”

Hai chữ này thật sự đã làm tôi có chút chấn động. Theo sự hiểu biết của tôi về người đàn ông cao ngạo này thì hẳn nó rất khó nói. Thậm chí suốt mười mấy năm quen biết, tôi chưa từng nghe qua họ thốt ra chúng.

– Chú xin lỗi tôi vì cái gì?

“ Vì tất cả.”

Đột nhiên tôi cảm thấy chuyện này rất lạ. Không lẽ chú ta đã thấy gì. Tôi nhìn điện thoại của mình, chợt nhớ ra nó đã bị định vị từ trước. Không lẽ họ biết tôi đang ở đây. Chiếc áo trên người tôi nữa, quả nhiên muốn nghĩ tốt cũng không được.

Từ bên kia đầu dây, một giọng nói không cảm xúc cất lên:

“ Tôi đồng ý ly hôn.”
Chương trước Chương tiếp
Loading...