Đại Minh Vương Hầu

Chương 57: Cao sơn lưu thủy



Chu Doãn Văn tiếp tục than thở:

- Hoàng tổ phụ đã dùng võ lập quốc, lại lấy văn trị quốc, từ thời khăn đỏ chống bạo Nguyên, tính ra cũng đã hơn bốn mươi năm. Hoàng tổ phụ cả đời chinh chiến trên lưng ngựa, người hùng tài đại lược, có thể nói là nhất đại thánh minh quân vương. Ta từ nhỏ đã rất sùng kính hoàng tổ phụ, lập chí tương lai cũng muốn trở thành một vị quân vương thánh minh, thống trị, tạo ra một thời đại Đại Minh thịnh thế thiên cổ! Thế nhưng... Ta lại không ngờ được, khát vọng tràn ngập còn chưa thi triển được đã gặp chuyện tiến thoái lưỡng nan như vậy...

- Hoàng tổ phụ có tổng cộng hai mươi sáu người con, cha ta Ý Văn Thái Tử mất sớm. Bát Hoàng Thúc Đàm Vương bởi vì đệ đệ của vợ, Ninh Hạ chỉ huy có liên quan tới đảng án Hồ Duy Dung, sợ bị liên lụy mà tự vẫn. Cửu Hoàng thúc Triệu Vương cùng Nhị Thập Lục thúc đều mất sớm, chư vương còn lại đều được phân phong khắp nơi, tay cầm đại quyền, quân quyền, tự dưỡng quân, thu thuế má, bên ngoài gọi là phòng thiên hạ, kỳ thực đều là nước trong nước. Khi hoàng tổ phụ còn khỏe mạnh, bọn họ còn có điểm cố kỵ, nếu như có một ngày người băng hà, chư vương đều là thúc phụ của ta, bọn họ há chịu nghe ta hiệu lệnh, tôn ta làm chủ?

- Trong số chư vương, đặc biệt là tứ hoàng thúc Yến vương, cùng thập thất hoàng thúc Ninh Vương là mạnh nhất. Yến vương giữ Bắc Bình, Ninh Vương giữ Đại Ninh, cả hai đều gần Bắc nguyên, binh nhiều tướng mạnh tự nhiên không có gì đáng trách. Ta chỉ lo lắng, nhị vị hoàng thúc này tương lai nếu không nguyện ý tôn ta làm chủ, lại lệnh cho đám tướng sĩ đào ngũ, khởi binh tiến về Ứng Thiên, khi đó ta phải làm thế nào?

Chu Doãn Văn nói rất chậm, trong ngôn ngữ thỉnh thoảng còn xen lẫn tiếng thở dài, hiển nhiên, phiên vương chính là nỗi đau lớn nhất trong lòng hắn, loại đau khổ này không phải người ngoài có thể hiểu được. Nếu nói thật ra, người bên ngoài sẽ cho rằng vị thái tôn điện hạ này còn chưa ngồi ấm chỗ đã muốn phế đám hoàng thúc, điều này có chút bất lợi đối với thanh danh của Chu Doãn Văn. Nhưng bản tính của hắn, cũng không muốn hạ thủ với đám hoàng thúc kia.

Tiêu Phàm khẽ khép hờ mắt, lẳng lặng nghe Chu Doãn Văn kể lể. Lịch sử vẫn là lịch sử, lúc này Chu Doãn Văn quả nhiên đã tiên đoán được đám phiên vương kia chính là họa lớn, loại họa lớn này không quá vài năm sẽ chính thức xuất hiện. Mà theo như trong miệng của hắn, Yến vương cùng Ninh Vương chính là đám người đứng đầu trong loạn quân Tĩnh Nan chi dịch, cuối cùng chiếm lấy giang sơn của hắn. Bất kể nói thế nào, Chu Doãn Văn nguyện ý đem loại chuyện mẫn cảm phạm húy này nói cho hắn, trong lòng Tiêu Phàm vẫn rất cảm động. Hắn có thể cảm giác được, Chu Doãn Văn xác thực đã coi hắn là bằng hữu, loại chuyện này chỉ có thể nói với bằng hữu có giao tình thâm hậu, nếu là bằng hữu bình thường, hắn sẽ tuyệt đối không nói tới.

Tiêu Phàm cũng không tiếp xúc nhiều lắm đối với Chu Doãn Văn. Chu Doãn Văn chỉ là một tiểu tử đáng thương, bên cạnh của hắn có đầy rẫy đám lão sư, nho thần miệng giảng nhân nghĩa đạo đức, đầy dẫy dám hoạn quan thái giám a dua nịnh nọt, bên trên còn có một vị tổ phụ Chu Nguyên Chương nghiêm khắc. Đây cũng là hoàn cảnh sống của hắn, trong cuộc sống của hắn có rất nhiều người, thế nhưng lại không có bằng hữu có thể đàm tiếu, có thể hỗ trợ lẫn nhau, là bằng hữu có thể móc gan móc ruột. Sau khi Tiêu Phàm xuất hiện, hắn thậm chí bị đánh chửi, thế nhưng Chu Doãn Văn lại có được cảm giác thân thiết, được người quan tâm chân thành, loại cảm giác thân thiết này không thể có trên người đám nho thần, hoạn quan kia.Tình cảm của nam nhân rất đơn giản, có đôi khi thậm chí vô tình được sinh ra. Tiêu Phàm cùng Chu Doãn Văn chính là như thế.

Nhìn Chu Doãn Văn buồn rầu đầy mặt, Tiêu Phàm có chút không đành lòng, chung quy hắn cảm thấy phải nói chút gì đó.

- Điện hạ, hậu hoạn do phiên vương gây ra xác thực có tồn tại, không biết lão sư Hoàng tiên sinh của điện hạ có đề nghị gì?

Chu Doãn Văn cười cười, khuôn mặt u sầu hơi buông lỏng:

- Hoàng tiên sinh trấn an ta, hắn nói hôm nay bệ hạ vẫn còn khỏe mạnh, thời gian phiên vương làm loạn vẫn còn chưa tới. Hơn nữa binh lực của phiên vương cũng không có nhiều như chúng ta tưởng tượng, nhiều lắm chỉ có tác dụng tự bảo vệ mình mà thôi, vạn nhất có ngày bọn họ thực sự mưu phản, chúng ta dùng đại quân triều đình đánh bại bọn họ, đúng là dễ như trở bàn tay. Hoàng tiên sinh còn nói, Cảnh Đế Hán triều, thất vương phản loạn, Hán Cảnh Đế với Chu Á Phu, Đậu Anh làm soái, chỉ dùng mười ngày liền dẹp loạn thất vương chi loạn, phiên vương triều ta tuy nhiều, người cố kỵ, cũng chỉ có Yến, Ninh nhị vương. Chẳng lẽ chỉ với hai phiến vương mà đại quân triều đình chúng ta còn không đánh bại được sao? Ha ha, tuy là ngữ điệu trấn an, bất quá ta cũng cảm thấy Hoàng tiên sinh nói rất có lý...

Tiêu Phàm thở dài. Có câu hắn định nói nhưng cố nhịn lại, Hán Cảnh Đế anh minh quả quyết, Chu Doãn Văn ngươi có thể so với người ta sao? Dưới tay Cảnh Đế có thiên cổ danh tướng Chu Á Phu, dưới tay Chu Doãn Văn ngươi có ai? Tướng lãnh có thể chinh chiến thiện chiến sớm đã bị gia gia ngươi giết rồi, đám còn sống đều là kẻ tầm thường, có thể tin được sao? Lại nói Yến vương là kẻ hùng tài, chính là thế chi kiêu hùng, há lại đem so với đám thất vương kia?

Hoàng Tử Trừng, Ngươi coi hắn là người tốt! Trung thần vẫn chiếm phần nhiều. Liệt kê từng kẻ một, sợ nhất chính là đám trung thần mà ngu xuẩn này xuất hiện trong triều đình. Bọn họ tuy lòng mang trung quân đền nợ nước, tâm tư của đám người này chỉ có hại đế vương mà thôi, những người này so với gian thần càng đáng hận, càng đáng chết hơn! Cuối cùng kẻ làm hại đế vương bị mất giang sơn, đám xuẩn thần còn mang vẻ mặt bi thương ngửa mặt lên trời hô to: "Đây là thiên mệnh. Không phải chiến chi tội..."

Cũng tại bởi vì thiên mệnh, thân là đế vương thần tử, vậy ngươi vội cái gì?

Tiêu Phàm há mồm, muốn khuyên Chu Doãn Văn đề cao cảnh giác đối với đám phiên vương, không nên tin ngôn ngữ trấn an của đám hủ nho bên người, tránh hại nước hại mình, mà lời vừa muốn ra khỏi miệng, Tiêu Phàm đột nhiên đột ngột bừng tỉnh, lập tức nín thinh. Thân phận của mình chẳng qua chỉ là thảo dân, không có danh phận gì khó có thể góp mưu, có mấy lời đại thần có thể nói, thế nhưng thảo dân tuyệt đối không thể nói, cho dù thái tôn điện hạ kết bạn với thảo dân, thế nhưng thảo dân vẫn không thể nói, nếu không sẽ hại chết chính mình. Còn nhiều thời gian, mà đợi sau này có thân phận, có cơ hội, lúc đó khuyên nhủ vị thái tôn điện hạ đơn thuần này cũng không muộn.

Nói ra được khúc mắc trong lòng, tâm tình của Chu Doãn Văn tốt lên rất nhiều, buồn bực bị quét sạch, vẻ mặt lại tràn ngập nụ cười sáng lạn. Có ít người sau khi kể rõ tâm sự với bằng hữu, thật ra không nhất thiết cần bằng hữu gỡ rối, cho ý kiến, mà hắn cần, vẻn vẹn chỉ là một người có thể im lặng lắng nghe hắn mà thôi, nói xong thì tốt rồi, những chuyện không vui sẽ bị quét ra ngoài, cũng không có người tiến hành phân tích nghiên cứu những chuyện phiền não này.

Tiêu Phàm cười nói:

- Điện hạ đã kể xong chuyện rồi, liệu còn muốn nghe chuyện con khỉ nữa không? Hôm nay đến tình tiết rất tuyệt vời, đó là đại náo Thiên cung..

Nhìn qua cửa sổ, mặt trời đang ngả về tây, trên mặt Chu Doãn Văn tràn đầy vẻ nuối tiếc, nói:

- Hôm nay đã muộn rồi, ta còn phải trở về kinh sư, ngày mai đi, ngươi biên thêm vài đoạn gay cấn nữa, ngày mai kể cho ta thêm một chút...

Quay đầu đang định kêu thân quân bãi giá, ánh mắt của Chu Doãn Văn lại không tự giác được nhìn về phía cây đàn dỏm bày trong phòng, sau đó nói:

- Ngươi đặt đàn trong này, chẳng lẽ ngươi biết đánh đàn à?

Tiêu Phàm nhún vai nói:

- Ta chỉ học đòi chút chút mà thôi, nhưng mà vị hôn thê của ta biết đánh đàn. Nàng còn có một nha hoàn tên là Bão Cầm mà...

Chu Doãn Văn cười chỉ chỉ Tiêu Phàm, nói:

- Lại khiêm tốn rồi, ngươi quá khiêm nhường đi, ta sớm đã nhìn ra, ngươi chính là hạng người thâm tàng bất lộ, thê tử biết đánh đàn, ngươi thân là phu quân, làm sao có thể không biết? Hòa tấu cùng ta, chúng ta chơi một khúc Cao Sơn Lưu Thủy của Bá Nha và Tử Kỳ thời Xuân Thu Chiến quốc nào...

Tiêu Phàm gấp đến độ mặt mũi trắng bệch:

- Điện hạ, nếu bàn về chuyện vuốt ve nữ nhân, thảo dân trái lại có phần tâm đắc. Nhưng đánh đàn, thảo dân lại thật sự không biết....

Chu Doãn Văn không tin, cười to nói:

- Đừng khiêm tốn nữa! Ngươi nói không thật chút nào, ta không tin, mau mau cầm đàn tới!

Tiêu Phàm khổ sở, rầu rĩ đem hai cây đàn bầy trong phòng tới.

- Thái tôn điện hạ, rồi ngươi sẽ biết, ta là người nói chuyện trung hậu thành thật cỡ nào...

Trong phòng, tiếng đàn du dương nhẹ nhàng lan tỏa. Hai tay Chu Doãn Văn gảy hồ cầm, thần sắc chuyên chú, vẻ mặt tuấn tú có phần ngây thơ lúc này bỗng trở nên trầm ổn mà vong tình, mười ngón tay thon dài lướt nhẹn trên dây đàn, một chuỗi âm phù nho nhã êm tai từ mười ngón tay hắn nhẹ nhàng toát ra, bay bổng, như một đám Tinh Linh có mặt khắp nơi, trong nháy mắt tùy ý bay múa trong cả Túy Tiên lâu...

Trong hành lang của Túy Tiên lâu, Hoàng Tri huyện hơi nhắm mắt, thần sắc say mê, xúc động than thở:

- Vời vợi như Thái Sơn, Cuồn cuộn như nước chảy (1)... Nhân sinh gặp tri âm, chỉ dùng khúc xướng thuật, điều thú vị của cuộc đời chính là chỗ này! Hay cho một khúc Cao Sơn Lưu Thủy, thiên cổ có một không hai!

Tiếp đó thần sắc của Hoàng Tri huyện lại trầm xuống, vừa nghĩ tới chuyện thái tôn điện hạ coi tên Tiêu Phàm kia là tri kỉ, lòng hắn lại tràn đầy ghen ghét. Một tên nữ tế của thương hộ ti tiện, hắn có tư cách tài cán gì trở thành tri âm của Thái Tôn? Ngoài ghen ghét ra, Hoàng Tri huyện cũng bắt đầu do dự, vốn muốn xin Lễ bộ Hoàng Thị Lang tương trợ, tới Giang Phổ lật đổ Tào Nghị cùng Tiêu Phàm, hôm nay Tiêu Phàm được Thái Tôn coi trọng, Hoàng Thị Lang có thể động vào hắn sao?

"Chát! Choang —"

Một đạo tạp âm chói tai giống như rock and roll loại nặng ở kiếp trước, lại giống như kim loại va vào nhau phá vỡ tiếng đàn du dương.

Mọi người ở trong hành lang đang mê say thưởng thức, lúc này sắc mặt lập tức tràn đầy hoảng sợ. Mọi người kìm lòng không được rùng mình một cái, đồng thời lui về sau một bước, vẻ mặt nhăn nhó như khỉ ăn phải ớt.

Tiếng đàn trong lầu ba cũng theo đó mà dừng lại, sau đó tiếng đàn lại tiếp tục, lại du dương lan truyền...

Tiếp đó lại một chuỗi tiếng động chói tai vang lên, mọi người một lần nữa lui về phía sau, tiếng đàn lại dừng lại...

Cứ như vậy vài lượt, mọi người dưới sự kích thích vừa hưởng thụ, vừa bị tra tấn, rốt cuộc cũng nghe xong một khúc Cao Sơn Lưu Thủy.

Trong phòng.

Tiêu Phàm vui mừng đắc ý nói:

- Thái tôn điện hạ, thảo dân hòa tấu đánh đàn, điện hạ có cảm thấy hòa hợp không? Thảo dân phát hiện mình mình dần dần tìm được cảm giác rồi...

Chu Doãn Văn lớn tiếng ho khan, sau đó trầm ngâm nói: -

- Cái này... Cái này à ....Ừm, ta trở về ngẫm lại sau đó sẽ trả lời ngươi.

Gãi gãi da đầu đang run lên do tạp âm kích thích, Chu Doãn Văn cũng không kịp nói lời cáo từ mà vội vã bãi giá mà đi.

Thái Tôn rời đi, Hoàng Tri huyện cùng Tào Nghị cũng trở về nha môn.

Trong Túy Tiên lâu, lão Thái nhe răng trợn mắt nói:

- Chưởng quỹ, Thái tôn điện hạ đánh đàn lạ thật...Lúc đầu ngài đánh thật dễ nghe, thế nhưng đoạn giữa hơi khó nghe một chút...

Tiêu Phàm tức giận trừng mắt liếc hắn một cái, nói:

- Ngươi biết cái gì! Nghe tiếng đàn mà luận người, từ trong tiếng đàn mà người gảy có thể biết được người đó nghĩ gì, tính cách ra sao, đây là chuyện mà người văn hóa thích nhất...

Lão Thái ngơ ngác không hiểu nói:

- Chưởng qũy, từ tiếng đàn của thái tôn điện hạ, ngài luận ra điều gì?

Sắc mặt của Tiêu Phàm trở nên ngưng trọng, trầm tư nói:

- Từ trong tiếng đàn của thái tôn điện hạ, ta cảm giác được...Hắn đang cần bằng hữu!

**************************************

Trên đường trở lại kinh sư, hiệu úy Viên Trung tiến lên nịnh nọt nói:

- Điện hạ, cầm kỹ của ngài càng ngày càng thành thạo rồi. Thuộc hạ là người thô kệch không hiểu cầm nghệ, nghe xong cũng cảm thấy vong tình, điện hạ thật sự cao minh.

Chu Doãn Văn cười nói:

- Nghe đàn luận người, cổ nhân thường nói "Nghe thấy huyền ca biết nhã ý", ta hôm nay ta mượn Bá Nha Tử Kỳ, chính là vì dẫn dắt tri âm, cũng giống như dẫn dắt ý chí bình sinh vậy. Tri âm gảy hồ cầm, có thể từ trong đó suy ra tâm tình của hắn, như thế chẳng phải diệu ư? Chẳng phải nhã ư?

- Điện hạ đã luận ra điều gì từ tiếng đàn của Tiêu Phàm vậy ạ?

Chu Doãn Văn nghe vậy, sau khi trầm mặc nửa ngày, ngửa đầu ngóng nhìn bầu trời, mặt đầy vẻ hiu quạnh, thật lâu sau hắn mới mới mở miệng:

- Từ bên trong tiếng đàn của Tiêu Phàm, ta cảm giác được... Hắn quả nhiên không biết đánh đàn!

(1): Cao sơn lưu thủy" gắn liền với điển tích Sở Bá Nha - Chung Tử Kì. Tương truyền, hơn hai nghìn năm trước Bá Nha hay đàn bản "Cao sơn lưu thủy", nhưng chỉ có một mình Chung Tử Kì biết thưởng thức. Một lần Bá Nha gảy đàn, chí tại non cao, Tử Kì liền bảo "Thiện tại hồ cổ cầm, nguy nguy hồ nhược Thái Sơn" (Đánh đàn hay thay, vòi vọi tựa Thái Sơn). Bá Nha chí tại vực sâu, Tử Kì nhận ngay ra rằng "Đăng đăng hồ nhược lưu thủy" (Cuồn cuộn như nước chảy).

Khi Tử Kì lâm bệnh chết, Bá Nha chỉ gẩy đàn thêm một lần duy nhất trước mộ người tri âm rồi đập đàn vào tảng đá, không bao giờ cầm đến cây đàn nữa.

Bản "Cao sơn lưu thủy" lưu truyền ngày nay chủ yếu là bản do Xuyên Phái đời Thanh gia công và phát triển, được Đường Di Minh đời nhà Thanh ghi lại trong "Thiên văn các cầm phổ" (năm 1876). Ông đã hết sức phát huy các thủ pháp cổn, phất, xước, chú, khiến hình tượng núi cao, nước chảy thêm rạng rỡ, nên mới có danh xưng "Thất thập nhị cổn phất lưu thủy".

Bản nhạc này được phân thành 9 đoạn và một vĩ thanh, cụ thể là 4 bộ phận lớn: khởi, thừa, chuyển hợp. Phần khởi (đoạn 1 đến đoạn 3), thông qua giai điệu thâm trầm, hồn hậu, uyển chuyển và âm bội sáng rõ, đã biểu hiện được những cảnh tượng kì diệu của núi cao trùng điệp, suối chảy khe sâu một cách rõ ràng, tươi sáng.

Phần thừa (4 và 5), dàn trải không dứt, giai điệu đậm màu sắc ca hát, giống như những giọt nước chảy trong khe suối tập hợp thành dòng nước mạnh. Phần chuyển (6 và 7), nhờ vào khúc điệu có thứ tự bội âm đi xuống và âm giới của 5 thanh đi lên, âm hóa với xung động mạnh, kết hợp với các thủ pháp cổn, phất, như một dòng thác chảy ào ạt xuống, dồn vào sông biển cuộn trào sóng lớn. Phần hợp (đoạn 8 và vĩ thanh), vận dụng một phần âm điệu của phần thừa và phần chuyển tạo thành hiệu quả hô ứng, tạo nên dư âm như sóng trào trên sông biển, khiến người nghe có thể cảm nhận dư vị hết sức ngỡ ngàng, thú vị.

Thời nhà Đường, "Cao sơn lưu thủy" phân ra thành hai khúc, không phân đoạn. Đến thời Tống lại phân cao sơn thành 4 đoạn, lưu thủy thành 8 đoạn, thiên về lưu thủy, khiến cho người nghe có cảm giác biển lớn đang vỗ sóng bên tai, âm vang mãi không thôi.

Lưu thủy hữu tình

Lắng nghe khúc nhạc, nếu thật sự không nhập tâm và tinh tế thì chúng ta không thể thấy hết cái hay cái đẹp của nó. Khúc nhạc bắt đầu bằng những thanh âm nhẹ nhàng và chậm rãi. Tiếng đàn đưa ta đến một không gian cao, rộng và thoáng đãng và mơ màng. Ta như thấy lại hình ảnh Bá Nha năm nào đang đưa người theo điệu nhạc, đôi mắt nhắm lại và mơ về một nơi xa nào đó. Chỉ có đôi tay người nghệ sĩ lướt nhẹ trên phím đàn khi trầm khi bổng, dặt dìu, êm ái. Xung quanh là con sông chảy hiền hòa ôm vào lòng nó những dãy núi mù sương... Có lẽ đây là không gian mà ta gọi là "Cao sơn".

Rồi bỗng nhiên, nhịp đàn nhanh dần, réo rắt những dịp dồn dập nhau. Tưởng chừng như cả trái tim người nghệ sĩ cũng rung lên với nhịp thở gấp gáp. Ta lại như thấy mình giữa một khung cảnh sơn thủy hữu tình, một ngọn núi xa xa, một dòng thác chảy mạnh mẽ. Dòng nước cuộn sóng tung bọt trắng xóa. Con nước chảy từ trên cao hòa mình vào dòng nước lớn. Khung cảnh ấy có thể hình dung là "lưu thủy". Kết lại bản nhạc vẫn là những điệu âm réo rắt rồi nhỏ dần nhỏ dần như dòng chảy đang dần về một nơi xa lắm.

Bản nhạc không chỉ hay ở giai điệu mà còn đẹp như một bức tranh hữu tình. Đôi khi giữa dòng đời hối hả, dành ra một khoảng để lắng nghe "Cao sơn lưu thủy", ta lại thấy tiếng đàn như rót vào tim những thanh âm trong trẻo nhất. Một chút gì đó hoàn toàn thanh khiết không vướng bụi trần. Đó là tinh hoa của trời đất, của tình người tri cố, của những tâm hồn cô độc tìm thấy nhau giữa cuộc đời nhiều oan trái. Để rồi mỗi sáng thức dậy sẽ lại thấy lòng mình thanh thản và nhẹ tênh. Và lại thấy như có tiếng đàn vẫn réo rắt, du dương ngay trong chính tâm hồn mình...
Chương trước Chương tiếp
Loading...