Đại Việt Truyền Kỳ

Chương 24: Thông tin Thánh Viện



Mới đó mặt trời đã lên cao, ngồi bần thần cả buổi, cuối cùng Phạm Văn Long đành cười khổ đứng lên, lê chân rảo bước về nhà. 

Những vấn đề bí ẩn kia, với cảnh giới nhỏ bé hiện tại dù có biết cũng chưa hẳn đã là chuyện tốt, nên đành bấm bụng bỏ qua.

Một thoáng, hắn đã về đến cửa nhà. Vừa thấy bóng dáng Phạm Văn Long, Đức Hùng cười ha hả nói:

- Cái tên quái thai nhà ngươi, đêm hôm còn mò ra đó tu luyện, báo hại ta lo lắng một hồi, chạy náo loạn tìm kiếm khắp nơi, về sau nhìn thấy ngươi ngồi đó mới yên tâm. Thôi, lại đây ăn sáng nào! Con mẹ nó, Thánh Viện chẳng khác cái trại giáo dưỡng, việc gì cũng phải động tay động chân, đến ngay cả đồ ăn còn không có.

Phạm Văn Long đưa mắt nhìn, thấy trên mặt bàn có bày biện vài món cơm canh, ngạc nhiên hỏi:

- Không phải có đồ ăn ở đây sao?

Không nhắc đến thì thôi, vừa nghe hỏi Đức Hùng liền nhảy dựng lên, đập tay vào thành ghế, bực tức đáp:

- Mấy lão già trong Thánh Viện mới sáng sớm sai người mang đến, nhưng toàn là mấy đồ tươi sống, chưa qua chế biến. Mẹ kiếp! Thế nên ta phải chui đầu vào bếp nấu nướng. Nghe nói, mấy tên ở bên khu vực cao cấp kia cơm canh dâng tận miệng, không khổ sở như chúng ta sống trong mấy túp lều rách này.

Nghe Đức Hùng phân bua, Phạm Văn Long hơi bất ngờ, nghĩ bụng: “Xem ra Thánh Viện muốn gây sức ép khiến đám học viên Nhân vực cấp thấp bọn ta thấy khó mà vươn lên. Đây cũng là một cách huấn luyện không tệ!” 

Hắn cười đùa bảo:

- Ở quê ta có một câu thế này “muốn ăn thì lăn vào bếp”. Ngươi đã nghe qua chưa?

Nhìn bộ dáng cau có của Đức Hùng, Phạm Văn Long cố nhịn cười, ba chân bốn cẳng chạy ra phía sau.

Đằng sau căn nhà là một khoảng đất nhỏ, có một giếng nước, trên miệng treo một chiếc gầu làm bằng gỗ, hai đầu nối lại bởi một sợi dây thừng dài. Phạm Văn Long đi tới, thả dây xuống dưới, múc đầy gầu nước rồi mau chóng kéo lên. 

Hai tay chụm lại, vốc nước xối thẳng lên mặt vài cái, cảm giác mát mẻ thấm vào da thịt khiến hắn cực kỳ sướng khoái.

Khi quay trở vào nhà đã thấy Đức Hùng ngồi trên bàn ăn, miệng nhai ngồm ngoàm, bộ dáng như như kẻ sắp chết vì đói. Phạm Văn Long trêu chọc bảo:

- Xem ngươi kìa, còn ra dáng đại thiếu gia nữa hay không?

Vội nuốt miếng cơm trôi qua cuống họng, Đức Hùng chửi đổng:

- Con mẹ nó, thiếu gia thì cũng cần ăn chứ? Muốn để ta chết đói à?

Thấy trên mặt bàn có hai đĩa rau cải, một đĩa thịt hấp và một tô cà pháo, cái bụng Phạm Văn Long khẽ reo lên vài tiếng. Ngẫm lại cả ngày hôm qua chưa có hạt cơm nào bỏ bụng, không khách sáo nữa, hắn liền kéo ghế ngồi xuống.

Không ngờ tên Đức Hùng bề ngoài phóng túng, ăn nói lốp bốp như vậy nhưng về tài nghệ nấu ăn không tồi. Cơm canh đạm bạc nhưng khá ngon, rất vừa miệng. 

Nháy mắt, số đồ ăn trên bàn đã nằm gọn trong bụng hai người. 

Dọn dẹp xong xuôi, Đức Hùng bước về gian phòng của mình, một lát quay trở ra, đã thấy quần áo ăn mặc chỉnh tề. 

Thấy lạ, Phạm Văn Long bèn hỏi:

- Ngươi muốn ra ngoài?

Vuốt lại vạt áo cho phẳng phiu, Đức Hùng quay đầu qua trả lời:

- Quên nói với ngươi, sáng nay Thánh Viện còn đưa đến một tấm bản đồ, ta ở nhà buồn chán quá nên tính rủ ngươi đi ra ngoài một chuyến! 

- Được phép đi ra ngoài sao?

- Ha ha, không phải như ngươi nghĩ đâu. Chỉ là té khỏi cái chỗ rách nát này một lát cho đỡ bực bội thôi, dĩ nhiên vẫn nằm trong phạm vi nội viện. Đây, ngươi tự mình xem đi.

Nói đoạn hắn liền thò tay vào ngực móc ra một tờ giấy, quăng về phía Phạm Văn Long. 

Nhìn ra là một tấm bản đồ, vừa xem qua, Phạm Văn Long hít một hơi thật sâu, cố kìm chế sự ba động đang trào dâng trong lòng. 

Chẳng thể ngờ, Thánh Viện có diện tích vô cùng rộng lớn, mà Hưng Yên Ký Túc này, chỉ như một chấm nhỏ trong đó mà thôi.

Thánh Viện vốn được xây dựng trên một ngọn núi cực kỳ to lớn, phạm vi trải dài đến hàng ngàn dặm.

Ngoại viện được phân bố xung quanh dưới chân núi, tạo thành vành đai ngăn cách với thế giới bên ngoài.

Tiến sâu vào trong sẽ đến khu vực Phạm Văn Long đang ở, bên cạnh đó còn có thêm hơn trăm khu vực ký túc xá khác nữa. Lên cao hơn là những công trình như trường học, thư viện, đấu trường, khu giao dịch, sàn đấu giá. Cao hơn nữa chính là nơi cư ngụ của giảng viên và lớp học viên tinh anh.

Đỉnh núi, bao gồm Thánh Điện và lầu các, cảnh cung dành cho viện trưởng Nguyễn Phong cùng với chư vị trưởng lão Thánh Viện.

Ngồi khoảng một tuần trà, sau khi xem xét tỉ mỉ, Phạm Văn Long xác định một vài địa điểm cần đến. Dù sao không thể mù mờ thông tin được, nhất định phải có những hiểu biết cơ bản về Thánh Viện.

Bàn bạc xong, cả hai liền lập tức lên đường.

Ra khỏi Hưng Yên Ký Túc, hai người cứ nhắm thằng hướng chỉ trên bản đồ mà đi. 

Trên đường, thỉnh thoảng gặp vài đám tân sinh khác, chắc hẳn cũng có mục đích giống như bọn họ.

Đầu tiên Phạm Văn Long quyết định đến thư viện, hắn muốn mau chóng nắm bắt được những nguồn thông tin cần thiết. Đức Hùng không có ý kiến, cất bước song hành cùng hắn.

Nửa ngày sau, cả hai đứng trước một tòa nhà cao lớn, được sơn màu vàng chói mắt, trên nóc có cắm một dãy tinh kỳ, phấp phới bay trong gió. Giữa cửa ra vào tòa nhà có tấm biển đề dòng chữ “An Ký Tây Thư Viện”.

Khi bước vào thư viện, cả hai lập tức bị choáng ngợp trước quy mô hoành tráng bên trong. 

Đâu đâu cũng là sách, số lượng ước chừng lên đến hàng triệu cuốn.

Không gian thư viện được chia thành những hàng lối gọn gàng, bốn vách trường dày đặc những đầu sách được xắp xếp ngăn nắp trên các giá cao.

Có thêm một khu vực đặt mấy chục bộ bàn ghế, trên đó không ít học viên đang ngồi, ánh mắt chăm chú dán chặt vào cuốn sách cầm trên tay. 

Tuy không gian rộng lớn là vậy nhưng cực kỳ yên tĩnh, không hề nghe thấy một tiếng động. Trước khi vào Phạm Văn Long đã thấy qua tấm biển nội quy dựng bên ngoài, có quy định nghiêm cấm học viên gây ảnh hưởng đến người khác, nếu vi phạm lập tức sẽ bị đuổi ra, cấm túc ba tháng không được phép đặt chân vào thư viện.

Phạm Văn Long hiển nhiên không dám hành sự lỗ mãng, nhẹ nhàng theo các biển hướng dẫn di chuyển về phía các kệ sách. Số lượng sách ở đây cực nhiều, thông tin phong phú, đủ thể loại nhằm phục vụ nhu cầu học tập và giải trí của các học viên.

Bên cạnh các cuốn sách dành cho học viên bình thường, Phạm Văn Long còn thấy nhiều bộ chỉ giảng viên hoặc tầng lớp tinh anh mới có quyền lựa chọn. Những cuốn sách đó bên ngoài bao phủ bởi một tầng cấm chế nhàn nhạt, không phải ai cũng có thể tùy tiện đụng tới.

Lơ ngơ nửa buổi, cuối cùng cũng tìm được một quyển sách khá dày, bề ngoài hơi cũ kỹ, tựa đề “Tư Liệu Thánh Viện”. 

Bên trong đó tập hợp tất cả những thông tin cơ bản của Thánh Viện, khiến Phạm Văn Long rất hài lòng.

Đối với những người tu luyện, khả năng tiếp thu thông tin là cực nhanh, nên chỉ cần nhìn thoáng qua sẽ lập tức nhớ được ngay.

Hơn một canh giờ sau, bóng dáng Phạm Văn Long bước ra, hướng về phía khu vực giao dịch đi thẳng.

Vừa đi, Phạm Văn Long vừa cố gắng tiêu hóa mớ thông tin hỗn độn trong đầu.

Thánh Viện, hình thành từ rất xa xưa, do một người xưng hiệu Hùng Vương sáng lập ra. 

Hùng Vương bản lĩnh cực lớn, nghe nói cảnh giới đã đạt đến Thần cấp, sở hữu nhiều phép thần thông quảng đại. 

Người ngao du bốn biển, cuối cùng đặt chân đến nơi đây thấy khí hậu ôn hòa, sinh linh phong phú, linh khí dồi dào liền cho xây dựng lên Thánh Viện.

Núi này ngày trước vốn có tên Lạc Vân, ý chỉ núi ngập trong mây, nhưng về sau, danh tiếng Thánh Viện ngày một vang xa nên chẳng mấy ai nhớ cái tên khi xưa nữa.

Trải qua bao năm phát triển không ngừng, Thánh Viện càng trở nên nổi tiếng, vang danh khắp An Ký Tây đại lục, được coi là thái sơn bắc đẩu trong lòng người tu luyện.

Thánh Viện không ngừng bồi dưỡng các thế hệ trẻ, vì vậy lớp nhân tài nhiều vô số kể, tất cả đều xuất chúng phi phàm. 

Nói lại, không lâu sau Hùng Vương lão tổ đột nhiên biến mất, cho đến nay không rõ tung tích.

Xuân qua hạ về.

Thu sang đông đến.

Trải qua nhiều sóng gió, Thánh Viện vẫn giữ vững ánh hào quang năm xưa, đến hiện tại do viện trưởng Nguyễn Phong lãnh đạo.

Về chương trình đào tạo, Thánh Viện chia học viên thành ba cấp bậc chính: Tiểu học, trung học và cao học.

Tiểu học bao gồm những người có cảnh giới Nhân vực, trung học cần đạt đến Linh cấp, còn cao học dành cho Vương cấp. 

Đến cao học, bất kỳ học viên đều có quyền đăng ký thi tốt nghiệp, sau khi vượt qua có thể rời khỏi hoặc ở lại tu luyện trong lãnh địa Thánh Viện.

Thế mới biết tiềm lực Thánh Viện khủng bố đến mức độ nào, rất nhiều cường giả tại Linh Chiểu Tinh từng là học viên ở đây, vậy nên chỉ cần Thánh Viện hiệu triệu, mọi người sẽ lập tức có mặt, sẵn sàng nghe lệnh.

Về cơ bản vẫn là nơi giảng dạy, truyền thụ kiến thức tu luyện, nhưng Thánh Viện không có ý định gò ép học viên đi theo giáo trình khuôn mẫu có sẵn. Ngoài việc mỗi tuần lên giảng đường hai buổi, thời gian còn lại đều được phép tự do hành động.

Xem ra cuộc sống cũng khá thỏa mái!

Một điều nữa khiến Phạm Văn Long chú ý, đó chính là mỗi cấp học còn có một không gian cấm địa riêng, cho phép học viên đi vào tu luyện.

Bao gồm từ thấp đến cao: Tây Nguyên, Vịnh Hạ Long và Hoàng Sa.

Hai cấm địa đầu dành cho học viên cấp tiểu học và trung học, còn Hoàng Sa là cấm địa cao cấp nhất, chỉ dành cho cường giả Vương cấp tiến vào.

Hoàng Sa vốn là một quần đảo nằm trên biển, cách xa đại lục. Nghe nói nơi đây bốn bề đều là hải thú, bản tính cực kỳ hung hãn, chỉ cần sơ sẩy đôi chút sẽ bị chúng tấn công, vô cùng nguy hiểm. Mặt khác, Hoàng Sa còn có sự tồn tại của bang phái Hoa Hãn Hội. Bọn chúng giống như cường đạo, chuyên tổ chức cướp bóc, đuổi giết những người tu luyện. Mà cách hành xử hung bạo, không khác đám hải thú bao nhiêu, khiến người người nhà nhà cực kỳ oán hận.

Hoa Hãn Hội thanh thế rất lớn, đứng đầu là một tên trung giai Thánh cấp.

Thánh Viện từng vài lần ra tay nhằm tiêu diệt Hoa Hãn Hội, nhưng giống như rết có nhiều chân, chặt mãi vẫn không đứt. 

Người của Thánh Viện vừa rút đi, chúng lại tập trung về, ngang nhiên hoành hành.

Do đó, Hoàng Sa được xếp vào cấm địa tu luyện bậc cao nhất, bởi mức độ nguy hiểm là rất lớn.
Chương trước Chương tiếp
Loading...