Đàn Hương Hình

Chương 33: Phá thành



Quan huyện ngồi kiệu bốn người khiêng đi về hướng trấn Mã Tang. Để tăng thanh thế, ông đem theo hai mươi lính của huyện, trong đó có mười cung thủ, mười hỏa mai. Ra khỏi thành, kiệu của ông đi qua bãi tập của Thông Đức thư viện, trông thấy hai trăm bốn mươi lính Đức đang tập ở đấy. Lính Đức quân phục tươi rói, thân hình cao lớn, thế trận hùng dũng, tiếng hô vang trời dậy đất. Quan huyện giật mình. Ông giật mình không chỉ thế trận, mà còn vì những khẩu môde trong tay bọn lính, hơn thế nữa, còn vì một dãy mười hai khẩu sơn pháo. Chúng như những con ba ba khổng lồ, cổ ngắn và thô, những bệ, những bánh xích nặng không thể tưởng. Quan huyện đã từng cùng với mấy chục huyện lệnh đến phủ Tế Nam tham quan năm nghìn tân binh được đưa từ Thiên Tân đến nhân dịp Viên Thế Khải đại nhân nhậm chức, khi đó được coi là lực lượng quan sự khả dĩ cân tài cân sức với liệt cường. Nhưng, về trang thiết bị so với đám quân này, quân đội của Viên được sĩ quan Đức huấn luyện chỉ là hạng hai. Người Đức làm sao có thể trang bị vũ khí tiên tiến nhất cho một đối tượng mà chúng định xâu xé? Viên đại nhân, ông thật lẩm cẩm!

Thực ra, Viên đại nhân không lẩm cẩm chút nào, mà người lẩm cẩm chính là quan huyện. Vì rằng, Viên đại nhân không hề có ý đưa tân quân của ông ta đi đánh nhau với các cường quốc.

Hôm ấy, tại thao trường Tế Nam, Viên đại nhân cho bắn thử ba phát đại bác. Đạn pháo bay qua sông, qua một quả đồi, rớt xuống một bãi cát đầy đá củ đậu. Quan huyện và các đồng liêu được tổng chỉu huy pháo binh dẫn đến tham quan chỗ đạn rơi. Quan huyện trông thấy hố đạn phân bố thành hình tam giác, mỗi hố sâu khoảng hai thước, đá nát vụn, những mảnh sắc nhọn bay xa hàng mấy trượng, quật gãy một số cây to bằng bắp tay, chỗ gãy nhựa chảy dầm dề. Các huyện lệnh tặc lưỡi, phục sát đất. Nhưng những khẩu pháo ở Tế Nam hôm ấy chỉ đáng là con của các khẩu pháo ở Thông Đức hôm nay. Quan huyện hiểu ra, vì sao Viên đại nhân liên tiếp nhượng bộ những yều cầu vô lý của người Đức; hiểu ra, vì sao trong vụ Tôn Bính, Viên đại nhân như một ông bố nhu nhược đứng về phía con cái những người quyền quí đã hạ nhục con mình. Con mình đã bị khinh rẻ, ông bố lại bồi thêm một cái tát! Chả trách trong cáo thị hiểu dụ dân Cao Mật, Viên đại nhân nói:… “Các ngươi phải hiểu rằng, người Đức tàu to súng lớn, đánh đâu thắng đấy. Các ngươi sinh sự nhiều thì thiệt nhiều. Há không nghe tục ngữ có câu Hiền lành sống nhăn, sắc sảo chết lăn đó sao? Câu danh ngôn thật chí lí, các người phải nhớ kỹ…”

Quan huyện so sánh đội hỏa mai, đội cung thủ mà ông vẫn tự hào, với quân đội Đức: xấu hổ quá, không muốn ngẩng mặt lên. Đội hỏa mai và đội cung thủ cũng lúng túng như anh gian phu bị bắt đi diễu phố, không mảnh vải trên người. Quan huyện đem theo lực lượng vũ trang đi đàm phán là nhằm khuyếch trương thanh thế của thiên triều, biểu thị sức mạnh với người Đức, nhưng giờ thì ông coi hành động đó là ngu xuẩn, chẳng khác anh mù soi gương. Chả trách khi ông lệnh cho quân lính xuất phát, các tùy tùng anh nào anh ấy cứ trợn trừng trợn trạc. Họ khẳng định là đã đi Thông Đức xem bọn lính Đức luyện tập, khi ấy ông đang ốm. Ông có nghe tùy tùng báo cáo là quân Đức đã kéo vào huyện lỵ, chiếm thư viện Thông Đức làm doanh trại. Lý do chiếm thư viện Thông Đức là ở cái từ “Thông Đức”, nghĩa là “Với Đức là một”, đã với Đức là một thì để Đức đóng quân. Khi ấy, ông chủ trương tìm cái chết, nên bỏ ngoài tai cái tin động trời này. Sau khi tự vẫn không thành, ông bắt đầu xem xét, thấy việc quân Đức chiến đóng thư viện Thông Đức là hành động kẻ cướp, coi thường huyện Cao Mật, đương nhiên coi thường cà sự tôn nghiêm của nhà Đại Thanh. Ông soạn thảo cả một thông điệp lời lẽ nghiêm khắc, sai Xuân Sinh và Lưu Phác đưa đến chỗ Tư lệnh Caclôt, yêu cầu Caclôt xin lỗi dân Cao Mật và lập tức rút quân về địa điểm qui định trong Điều ước Giao –Aùo giữa Trung Quốc và Đức. Khi trở về, Xuân Sinh và Lưu Phác nói, Caclôt bảo quân Đức đóng quân tại huyện thành Cao Mật là đã được sự đồng ý của Viên Thế Khải đại nhân và triều đình Đại Thanh. Quan huyện đang bán tín bán nghi thì Tri phủ Lai Châu sai ngựa lưu tinh chuyển đến văn bản chấp thuận của Viên đại nhân và Tào đại nhân; Viên đại nhân lệnh cho tri huyện Cao Mật phải cung cấp mọi phương tiện cần thiết cho quân Đức đóng tại Cao Mật, đồng thời giục quan huyện nhanh chóng giải cứu con tin bị kẻ phản loạn Tôn Bính giam giữ. Điện văn lời lẽ ý tứ sâu xa:

… Vụ giáo phái Cự Dã trước đây chỉ gây thiệt hại cho tỉnh Sơn Đông qua 1nửa chủ quyền, nay xảy ra vụ bắt giữ con tin này, hậu quả thực khôn lường! Vào giờ phút này, không chỉ quốc gia có thể bị chia năm xẻ bảy, mà gia đình, tính mạng ta chưa hẳn đã còn. Trong giờ phút nguy nan này, các ngươi hãy lấy giang sơn xã tắc làm trọng, không nề gian khổ, phấn đấu hy sinh, nếu kẻ nào chỉ nghĩ đến riêng tư mà coi thường quốc pháp, trễ nải lừng khừng thì nghiêm trị không tha! Bản chức sau khi đi Lỗ Bắc giải quyết vụ quyền phỉ, sẽ lập tức xử lý vụ Cao Mật… … Sau khi nổ ra vụ mồng hai tháng Hai, bản phủ từng nhiều lần điện cho tri huyện Cao Mật, yêu cầu bắt tên đầu sỏ Tôn Bính, phòng tái diễn sự vụ tương tự. Nhưng tri huyện Cao Mật điện trả lời gỡ tội cho Tôn Bính, thật u mê quá đỗi! Cứ để dằng dai như vậy, rút cuộc sẽ thành đại loạn. Tri huyện Tiền Đinh đùa với chức vụ, vốn định bãi chức xử nghiêm, nhưng nghĩ nay là lúc đất nước cần người, Tri huyện Tiền lại là cháu ngoại của trọng thần bản triều, vì vậy không chiếu theo pháp luật mà xử lý, chỉ ghi lại một tội lớn, mong rằng sẽ đới tội lập công, cấp tốc giải thoát con tin, xoa dịu tâm trạng người Đức…

Đọc xong bức điện, quan huyện mở to mắt nhìn phu nhân lúc này vẻ mặt ủ dột, nói:

- Phu nhân cứu ta làm gì?

- Tình cảnh ông hiện nay có gian nan hơn ông ngoại thiếp sau trận thua ở Tịnh Cảng không? – Bà huyện nhìn quan huyện, ánh mắt sắc như dao cau.

- Ông ngoại phu nhân chẳng đã nhảy xuống sông tự vẫn sao?

- Đúng, ông ngoại thiếp cũng đã tự trầm mình - Phu nhân nói – Nhưng sau khi được bộ hạ cứu sống, cụ quyết tâm phấn đấu, chỉnh đốn binh mã, dựng lại cơ đồ, kiên trì bất khuất, chịu đựng muôn vàn gian khổ, cuối cùng đánh chiếm Nam Kinh, diệt tận hang ổ quân tóc dài, dựng nên đại nghiệp lưu truyền dang thần thời trung hưng, cột trụ của nhà nước, phong hiệu cho vợ, tập tước cho con, tiếng tăm lừng lẫy, thờ tại miếu đường, lưu danh muôn thuở.

- Bản triều dựng nước hơn hai trăm năm, mới có một người như Tăng Văn Chính Công! – Quan huyện ngước nhìn chân dung Tăng Văn Chính Công treo trên tường, nói như hụt hơi – Ngài tuy cao tuổi nhưng vẫn không mất đi vẻ đường bệ. Bản quan tài sơ học thiển, ý chí bạc nhược, phu nhân còn cứu sống ta cũng chẳng làm nên trò trống gì! Phu nhân, tiếc cho phu nhân con nhà khuê các, lấy phải đồ giá áo túi cơm như ta.

- Phu quân, hà tất phải sỉ vả mình như thế? – Phu nhân nói, giọng nghiêm chỉnh – Ông chữ nghĩa đầy bụng, thao lược cùng mình, thân thể cường tráng, võ công hơn người. Thấp kém hơn người bấy lâu chẳng qua là chưa gặp thời, chứ không phải ông bất tài.

- Vậy bây giờ thì sao? – Quan huyện cười mỉa – Thời cơ đã đến chưa?

- Đương nhiên là đến rồi. – Phu nhân nói – Nay bọn quyền phỉ quậy phá, các cường quốc lăm le xâu xé; Tôn Bính tạo phản, người Đức nổi khùng, đất nước như trứng để đầu đẳng. Phu quân trổ tài thao lược giải cứu con tin, bắt giam Tôn Bính, tất sẽ được Viên đại nhân trọng thị, vừa hóa giải chuyện dữ vừa rồi, vừa được người ta trọng dụng. Chẳng lẽ đó không phải là thời cơ dựng nên nghiệp lớn đó sao?

- Lời bàn của phu nhân khiến ta sáng mắt – Quan huyện nói rất thực lòng, không hề có ý mỉa mai – Nhưng chuyện Tôn Bính có nguyên do của nó.

- Phu quân, ông ta vì vợ bị làm nhục mà đả thương người Đức, về tình thì đúng. Người Đức đòi trả thù cũng là chuyện bình thường. Lẽ ra, Tôn Bính phải bình tĩnh, chờ ngày phán xử của quan trên. Đằng này ông ta lại đi câu kết với bọn quyền phỉ, tự ý lập thần đàn, tụ tập hàng ngàn người đánh phá lều trại đường sắt, bắt giữ con tin, không còn kủ cương phép nước gì nữa! Phu quân, đó không phải giặc cỏ là gì? – Phu nhân nghiêm sắt mặt – Ông ăn lộc nhà Đại Thanh, làm quan triều Đại Thanh, gặp lúc nguy nan không tận lực vì quốc gia thì chớ, lại tìm cách giúp đỡ Tôn Bính, thoạt nhìn có vẻ đồng tình, nghĩ sâu hóa ra dung túng; thoáng qua, có vẻ yêu dân, thực tình thông lưng với phỉ. Phu nhân đọc sách hiểu lẽ thánh hiền, sao lại lầm lẫn đến như vậy? Chẳng lẽ vì một con bán thịt chó sao?

Aùnh mắt phu nhân sắc như dao, quan huyện hổ thẹn cúi mặt.

- Thiếp không thể sinh nở, phạm một trong bảy lỗi phải rời khỏi nhà chồng, may được phu quân ra ơn mà không đuổi, thiếp xin cắn cỏ ngậm vành – Phu nhân thoáng buồn – Việc này xong xuôi, thiếp sẽ kiếm cho phu quân một cô gái nhà lành, sinh con đẻ cái, hương khói phụng thờ. Nếu như phu quân vẫn si mê con bé họ Tôn, không ngại lấy vợ thừa của tên đồ tể, thì có thể lấy nó làm vợ bé, thiếp sẽ đối xử tử tế. Nhưng tất cả những cái đó là chuyện sau này. Nếu như phu quân không giải cứu được con tin, không bắt được Tôn Bính, thì vợ chồng mình sẽ chết không có đất chôn, con bé họ Tôn dù sắc nước hương trời đến mấy, ông cũng không được hưởng.

Tiền Đinh toát mồ hôi, ấp úng nói không nên lời.

Quan huyện ngồi trong kiệu, tình cảm lúc sôi sục, lúc lạnh tanh. Qua kẽ mành trúc, ánh nắng lúc chiếu trên tay, lúc nhảy sang đùi ông. Nhìn qua kẽ mành, ông thấy mồ hôi đầm đìa trên gáy phi kiệu. Người ông nhún nhẩy cùng với nhịp lắc của kiệu, không dừng lại ở chỗ nào. Khuôn mặt đen nhẻm nghiêm nghị của phu nhân, khuôn mặt kiều mị của Mi Nương, tiếp nối trong đầu ông. Phu nhân đại biểu cho lý trí, con đường của kẻ sĩ và công danh mũ cao áo dài, Mi Nương đại diện cho tình người, cuộc đời và tình yêu nam nữ. Cả hai đều không thể thiếu đối với ông, nhưng nếu như phải chọn một, thì… thì… chỉ mỗi cách là chọn phu nhân. Không cần bàn cãi gì nữa, cháu ngoại Tăng Văn Chính Công hoàn toàn đúng đắn. Nếu không giải thoát con tin, nếu như không bắt Tôn Bính qui án, tất cả sẽ hỏng bét. Mi Nương, cha nàng là cha nàng, nàng là nàng, vì nàng mà ta phải bắt cha nàng, bắt cha nàng cũng là vì nàng mà bắt!

Kiệu qua cây cầu bằng đá trên sông Mã Tang, men theo con đường đất vào Cửa Tây trấn Mã Tang. Mặt trời đã lên cao mà cửa vẫn đóng im ỉm, trên đầu tường cao cao chất đầy gạch đá, rất nhiều người tay cầm binh khí đứng trên đó. Trên vọng lâu của cổng lớn cắm một lá cờ đại màu vàng hoa hiên, chính giữa thêu chữ “Nhạc” to tướng, đứng bên bảo vệ cờ là mấy thanh niên đầu đội khăn đỏ, thắt lưng đỏ, mặt bôi đỏ.

Kiệu dừng lại trước cổng, quan huyện chui ra. Từ trên vọng lâu có tiếng hỏi sang sảng:

- Ai đấy?

- Tiền Đinh, tri huyện Cao Mật.

- Ngài đến có việc gì?

- Gặp Tôn Bính.

- Nguyên soái chúng tôi đang luyện công, không tiếp khách lạ.

Quan huyện cười nhạt, nói:

- Vu Tiểu Thất, đừng có ra vẻ thần thần thánh thánh với ta! Năm ngoái ngươi tụ tập cờ bạc, bản quan thấy ngươi còn mẹ già tuổi đã bảy mươi, nên tha cho ngươi bốn mươi lượng chắc ngươi chưa quên?

Tiểu Thất dẩu môi, nói:

- Tui nay đội tên tiểu tướng Dương Tái Hưng.

- Ngươi có đội tên Ngọc Hoàng Thượng Đế thì cũng vẫn là Vu Tiểu Thất! Mau gọi Tôn Bính ra đây, nếu không ta sẽ bắt ngươi về huyện đánh đòn.

- Vậy quan lớn đợi một chút – Tiểu Thất nói – Để tui vào thông báo.

Quan huyện nhìn tùy tùng đứng bên cạnh hắn, kín đáo mỉm cười, bụng nghĩ, chà, thì vẫn là đám đông phu hiền như đất!

Tôn Bính mặc áo bào trắng, đầu đội ngân khôi, trên mũ cắm hai chiếc lông chim dùng cho diễn kịch, tay cầm gậy gỗ táo, đứng trên vọng lâu.

- Tướng nào đến dưới chân thành, mau xưng tên họ?

- Tôn Bính ơi là Tôn Bính – Quan huyện giễu – Ông diễn xuất hay đấy!

- Bản soái không đập chết kẻ vô danh, mau xưng rõ họ tên?

- Anh chàng Tôn Bính bán trời không văn tự nghe đây, ta là Tri huyện Cao Mật nhà Đại Thanh, họ Tiền tên Đinh, tự Nguyên Giáp.

- Thì ra là Huyện lệnh Cao Mật nhóc! – Tôn Bính nói – Ngươi không ngoan ngoãn làm quan tại huyện, đến đây có việc chi?

- Tôn Bính, ngươi có để ta yên đâu mà làm quan?

- Bản soái chỉ quan tâm đến đại sự diệt Tây, không rỗi hơi ngó vào một tên Huyện nhóc!

- Bản quan đến gặp ngươi cũng vì đại sự diệt Tây đây, mau mở cửa cho ta vào, nếu không, đại quân mà tới thì ngọc nát vàng tan!

- Có chuyện gì cứ đứng ngoài đấy mà nói, bản soái nghe thấy hết.

- Chuyện kín, bản quan muốn trực tiếp bàn với nhà ngươi.

Tôn Bính trầm ngâm một lúc, nói:

- Chỉ cho một mình ông vào.

Quan huyện chui vào kiệu nói:

- Khiêng vào đi!

- Phu kiệu không được vào!

Quan huyện vén rèm, nói:

- Ta là mệnh quan của triều đình, ngồi kiệu mới phải lẽ.

- Vậy chỉ cho phu kiệu cùng vào.

Quan huyện bảo các đầu mục đứng sau:

- Các ngươi đợi ở đây.

- Bẩm đại nhân – Xuân Sinh và Lưu Phác vội giữ đòn kiệu lại – Đại nhân không nên vào một mình.

Quan huyện cười:

- Yên tâm, Nhạc nguyên soái là con người thấu tình đạt lý, không hại bản quan.

Cánh cổng rít lên kin kít, mở ra. Kiệu quan huyện ngất ngưởng đi vào. Lính hỏa mau và cung thủ định xông theo, nhưng gạch đá trên tường thành ném xuống như mưa, định bắn trả thì quan huyện quát lui.

Kiệu quan huyện diễu qua chiếc cổng gỗ thông được gia cố bằng một lớp tôn, dầu thông tỏa mùi thơm gắt. Nhìn qua rèm, ông thấy hai bên đường có đến sáu lò rèn, bễ thổi phì phò, lửa lò rừng rực, tiếng đe búa chan chát, hoa lửa bay tứ tung. Đám phụ nữ và trẻ con đi lại trên đường, người bê bánh mới ra lò, người cầm hành củ đã bóc vỏ, ai nấy khó đăm đăm, mắt lấm lét. Một thằng bé đầu để trái đào, bụng tròn xoay, tay cầm cái vò đất màu đen bốc hơi nghi ngút, cất giọng hát một điệu Miêu Xoang: Rét căm căm tuyết phủ đầy trời, gió tây bắc luồn trong tay áo… Cái giọng cao vút non choẹt khiến quan huyện thích thú, nhưng ngay sau đó là nỗi buồn tê tái. Quan huyện nhớ lại cảnh diễn tập bắn đạn thật của lính Đức ở bãi tập Thông Đức, rồi nhìn lại đám dân quê ở Mã Tang bị yêu thuật của Tôn Bính làm cho mụ đi. Ý thức trách nhiệm trước dân trào lên trong ông. Ông lẩm bẩm như tuyên thệ: phu nhân nói có lý, trong giờ phút nguy nan này, vì nước hay vì dân thì cũng không được tự tìm đến cái chết. Lúc này mà tự tìm đến cái chết là hành động đớn hèn, vô liêm sỉ. Đại trượng phu thời loạn nên noi gương Tăng Văn Chính Công, không từ nguy hiểm, cứu muôn dân thoát khỏi lầm than. Tôn Bính, ngươi là tên tồi tệ, vì thù riêng mà ngươi lôi kéo hàng nghìn dân Mã Tang vào cảnh nước sôi lửa bỏng! Bản quan phải bắt ngươi!
Chương trước Chương tiếp
Loading...