Đằng Tiên Bắc Ngạo

Chương 8: Gặp gỡ anh hùng



Nùng bản Thanh nhìn theo cháu, thở dài:

- Là con nhà võ, nhưng con bé lúc nào cũng dễ mủi lòng.

Thừa Lân cột gói hành lý lên lưng ngựa. Tích Nhân cung tay cáo từ Nùng bản Thanh, giắt ngựa ra cổng. Sau khi cung tay giã từ mọi người lần nữa, Tích Nhân nhảy lên lưng, con hồng lô hí lên một tiếng dài, phóng xuống núi.

Dù học cỡi ngựa không bao lâu, nhưng lúc này đã là một cao thủ thượng thặng, Tích Nhân không lo ngại bị té, bị trợt khỏi lưng ngựa gãy tay bể đầu như trước nên ra khỏi Vân trung cốc liền muốn xem khảư năng của hồng lô như thế nào. Chủ muốn xem sức ngựa, ngựa lâu ngày chưa được dịp trổ tài, trên con đường núi nhỏ từ Vân trung cốc ra bờ sông Ngô, có nơi chỉ người ngựa qua lọt, hồng lô vẫn phi như bay và Tích Nhân ngồi trên lưng phải nhanh mắt để lách mình tránh tàng cây nhánh cây có thể đập lên người.

Đến sông Ngô đã vừa trưa, lúc này trời đang giữa đông, nước chảy xiết nhưng trong xanh, Tích Nhân cho Hồng lô uống nước, gặm cỏ, còn mình lấy xôi Tiên Nhi dỡ theo ra ăn. Nghĩ đến cô gái vừa xinh đẹp vừa hiền thục như Tiên Nhi, Tích Nhân thở dài, cho mình không có phước để có một người vợ như vậy. Không có phước vì gặp nàng quá trễ, con tim hắn đã đầy ắp một hình ảnh khác! Không thể yêu Tiên Nhi, nhưng Tích Nhân tự hứa phải chăm sóc nàng, phải thương yêu nàng như một cô em gái, và cũng sẽ làm cho Tiên Nhi xem mình như một người anh thật sự.

Trở lại với Hồng lô, Tích Nhân vuốt ve:

- Ngươi là một con ngựa tốt, từ nay ta và ngươi sẽ cùng nhau bôn ba khắp nơi. Ta hiện cũng không có gì gấp gáp, bây giờ xuôi nam, ngươi cứ thong thả mà đi.

Sông Ngô chảy len chân núi, có nơi nước chảy như thác, nhưng cũng có khúc thuyền bè có thể đi được. Con đường dọc theo sông có nơi có đường sá, có nơi chỉ là một lối mòn xuyên núi. Địa thế và đường sá khó khăn cho thấy con ngựa Hồng Lô sinh và lớn lên giữa vùng rừng núi đã thích ứng như thế nào. Tích Nhân có cảm tưởng nó băng đèo lội suối như trên đất bằng. Tuy nhiên, nửa ngày đường cũng chỉ đi qua ranh giới núi Thượng Lãm .Sợ trời tối, ngựa đói, Tích Nhân để ngựa gặm cỏ ở bờ sông và tìm một gốc cây chuẩn bị nghỉ đêm. Mới ăn hết ống xôi Tiên Nhi dỡ theo, Tích Nhân nghe tiếng ngựa chạy rầm rập từ hướng hạ lưu đưa tới, giây lát sau, một người quần rách rưới, nằm rạp trên lưng ngựa chạy thục mạng, phía sau bị người hò hét đuổi theo. Người đuổi phía sau thỉnh thoảng dùng tên bắn vói theo người chạy phía trước. Con ngựa của người bị đuổi có lẽ đã đuối sức hay trời đã tối không thấy đường nên qua chỗ Tích Nhân ngồi vấp đá vướng hay giây leo ngã nhào. Người bị đuổi có thân pháp mau lẹ, gọn gàng,ï nhảy khỏi mình ngựa hạ chân xuống đất, nắm chặt cây kiếm trong tay sẵn sàng ứng chiến. Tích Nhân thấy người này đã bị thương, trên lưng đang dính một mũi tên, máu chảy đỏ lưng. Bọn người đuổi theo tất cả năm tên, cùng vận võ phục xanh. Thân pháp chúng nhảy xuống ngựa bao vây người thanh niên rách rưới chứng tỏ đều là cao thủ. Bấy giờ Tích Nhân mới để ý dù áo quần xanh, nhưng viền cổ của mỗi tên áo xanh có màu sắc khác nhau. Tên cổ áo màu hồng, khoảng bốn mươi, nhìn người bị bao vây:

- Đến nước này ngươi không chịu ngoan ngoãn đầu hàng còn đợi đến bao giờ?

Người ăn mặc rách rưới, mặc mày lem luốc nhưng tiếng nói chứng tỏ còn trẻ, đáp trong giọng cười gằn ngạo nghễ:

- Phạm mỗ đã có thể sống mấy năm nay, thì hôm nay các ngươi cũng đừng hòng động được đến ta.

Người cổ áo màu hồng khoát tay, hai tên áo xanh tuốt kiếm bao vây người ăn mặc rách rưới vào giữa. Hai tên áo xanh không nhân nhượng, kiếm tuốt khỏi vỏ, liền tấn công ngay. Kiếm pháp của chúng làm Tích Nhân cau mày, đây là kiếm pháp được truyền dạy cho hầu hết cao thủ vệ sĩ Hồ Quý Ly, Thiên Long kiếm pháp đã được sư phụ Quý Ly là Sư Đề bồi bổ, biến chế thêm. Khẳng định bọn áo xanh phải là người của Hồ Quý Ly và thấy người bị nạn dù cương cường, nhưng sức đã yếu, đường đao không còn linh hoạt, Tích Nhân quát lên một tiếng phóng mình ra. Đang yên trí sắp hạ người bị thương, hai tên áo xanh bỗng thấy một áp lực rất mạnh đè lên kiếm của mình, và cây kiếm trong tay như bị xoay tít, không thể nào giữ nổi phải thả ra. Mất kiếm chúng vội thoái bộ, thấy trước mắt xuất hiện một thanh niên chỉ độ hai mươi, tay cầm một khúc cây khô mà thôi lấy làm kỳ dị. Tên cầm đầu cau mày:

- Ngươi là ai lại dám can thiệp vào chuyện triều đình?

Đã nghe biết tình trạng thay ngôi đổi chúa trong nước, Tích Nhân cả cười:

- Ngươi nói triều đình nào? Tên của vua các ngươi là ai?

Bấy giờ mọi người nước ta, ngoài các sắc dân thiểu số đều nhuộm răng đen, riêng Tích Nhân lúc nhỏ bị tuyệt chứng, rồi sau đó gia đình tan nát lê thân đây đó nên vẫn còn răng trắng. Bộ võ phục mặc trên người cũng do Nùng bản Thanh mua ở Tô Châu, lại hỏi vua các ngươi là ai làm năm tên võ sĩ nhà Hồ tưởng hắn là người Minh. Lúc bấy giờ sứ nhà Minh là Dương Bột mới sang nước ta dụ dân trong nước cho biết con cháu nhà Trần còn hay không, nhà Hồ có cướp ngôi hay không? Tuy rằng Minh Thành Tổ phong cho Hán Thương làm An nam quốc vương, nhưng vẫn cử người qua lại, hạch sách điều tra, Hán Thương không dám làm phật lòng nên phải nhẫn nhịn, mua chuộc. Vì thế năm tên đưa mắt nhìn nhau, có chút e dè, tên cầm đầu:

- Có lẽ ngài là người của thiên triều phái sang?

Tích Nhân lại cả cười:

- Cái gì là thiên triều? Đây là sự ngạo nghễ của vua Tàu! Ta chẳng phải người Tàu.

Một tên áo xanh:

- Thì ra ngươi chỉ là một tên điên khùng! hãy đi tránh chỗ khác nếu không muốn tìm cái chết.

Bằng một thân pháp quái dị, thân pháp trong Đằng tiên bí kíp, Thái ất mê tung, Tích Nhân bước tới tên vừa mắng và khi Tích Nhân bước lui về sau, thì tên này đã bị một cái tát tưởng chừng như trời giáng, thân thể chao qua một bên, hàm răng gãy đi mấy cái.

Tích Nhân nghiêm nghị, gằn từng tiếng:

- Các ngươi là đều là tay sai trong đội thám sứ của gian tặc Quý Ly. Tất cả đều đáng tội chết , nhưng ta vì lòng hiếu sinh của thượng đế mà tha cho. Nếu không mau chóng chạy đi, thì đây là chỗ chôn thây các ngươi.

Tên đầu đàn thấy Tích Nhân võ công cao diệu, nhưng nghĩ có thể vì chúng không đề phòng mà Tích Nhân mới đắc thủ dễ dàng, nên quát lớn:

- Đừng để tên ngông cuồng này sống sót!

Sau tiếng quát của thủ lĩnh, năm cây kiếm nhất tề phát động. Đối phó với năm cao thủ, trong làn kiếm quang dày đặc, thanh niên rách rưới bên ngoài nhìn xem chỉ thấy Tích Nhân ung dung bước tới, bước lui, ngã người ra sau, chồm người tới trước, khúc cây trong tay như có phép mầu đẩy kiếm của người này đỡ lấy nhác kiếm của người kia và mỗi khi Tích Nhân cười nhẹ, khúc cây trong tay phóng nhanh ra thì nhất định có một tên áo xanh bị mất kiếm và bị đầu cây điểm lên người, mất ngay khả năng chiến đấu. Chỉ trong giây lát năm tên cao thủ đều mất kiếm, kẻ đứng người ngồi sắc mặt đều kinh hoàng.

Tích Nhân vứt khúc cây khô trong tay xuống sông, cười khẩy:

- Các ngươi muốn tên ngông cuồng ta nhất định phải chết nữa hay thôi?

Một tên ấp úng:

- Chúng tôi không biết Thái sơn trước mắt, lỡ chạm oai hùng xin thiếu hiệp tha thứ.

Tên này nói xong biết mình sẽ bị thủ lãnh quở phạt, có thể rơi đầu, lấm lét nhìn các tên khác.

Tích Nhân nhìn tên thủ lãnh:

- Ngươi tên họ là gì?

Tên này cứng cõi:

- Tên một bại tướng cần gì phải hỏi! Muốn giết, muốn mổ cứ tùy ý.

Tích Nhân chắc lưỡi:

- Thật là khí khái! Nếu đem lòng khí khái này vực nước phò vua thì hay biết mấy. Đáng tiếc lại cam tâm làm chó săn cho cha con họ Hồ!

Tên thủ lãnh cười lạt:

- Ngươi còn con nít biết gì việc nước nhà? đương kim hoàng thượng và Thượng hoàng là những bậc anh minh tài trí có thể làm cho dân cường nước thịnh, có đâu như các ông vua hôn ám nhà Trần gây lầm than khổ sở cho dân chúng. Trần có thể theo mệnh trời thay nhà Lý, thì tại sao bọn phù Trần các ngươi lại nhất định phải gây nội loạn. Chẳng những thế còn cam tâm lạy lục nhà Minh cõng rắn cắn gà nhà?

Người thanh niên rách rưới bị thương cất tiếng tháo mạ:

- Ngươi câm mỏm chó của ngươi lại! dân chúng lầm than khổ sở kể từ lúc nào? Phải chăng từ lúc Quý Ly đắc thế, nắm giữ triều chính, ức chế hiếp vua, nay giết người này, mốt diệt người khác, cất nhắc tay chân của hắn nắm giữ uy quyền trong nước là lúc cả nước mới sống trong khổ ải, lo sợ phập phồng. Ngươi lấy sự nhiễu nhương của dân mà trách nhà Trần, sao không thấy đó là tội của tên gian thần âm mưu thoán nghịch đã khuynh đảo kỷ cương? Ngươi làm nha trảo, bán thân cho Quý Ly vì lương bổng hay yêu nước thương nòi? Bọn ngươi theo dõi sục tìm con cháu trung thần để tận diệt cho kỳ hết, tay vấy máu tanh là yêu nước hay thật sự vì mong lập công để được thăng quan tiến chức? Tổ bà mi! nói thế mà nói được.

Tên thủ lãnh kiêu ngạo:

- Ngươi không đáng nói chuyện với ta!

Thanh niên gầm lên:

- Ngươi đã là thứ gì kia chứ?

Tích Nhân cả cười:

- Theo kiếm pháp và võ công mà ngươi xử dụng, nếu ta không lầm, trước kia các ngươi cũng đã từng theo học võ của lão tổ sư Nguyễn Sư Đề, nếu không thì sư phụ các ngươi cũng là học trò của ông ấy. Như vậy các ngươi nghĩ gì về việc thượng tướng Nguyễn Đa Phương, con trai của sư phụ hay sư tổ các ngươi bị giết? Lúc ấy ta còn nhỏ, quá nhỏ để hiểu biết, nếu các ngươi kể lại ta nghe cho thông, nếu ta nhận đúng Quý Lý là người dũng cảm trong trận Ngu Giang, tướng Đa Phương bị buộc phải thắt cổ mà chết là Quý Ly vẫn có tình có nghĩa với sư phu và sư đệ lão, thì ta không làm hại các ngươi một sợi lông. Thế nào? (Chính Sử: Quý Ly học võ với Nguyễn Sư Đề. Nguyễn Đa Phương là con trai Sư Đề. Đa Phương được Quý Ly cất nhắc để làm vây cánh. Tháng 10 năm Kỷ Tỵ, Quý Ly đem binh chống nhau với quân Chiêm, quân giặc chận nước sông Lương rồi đặt binh mai phục. Quân thủy bộ, trên bảy chục tướng lãnh của ta bị giết, Quý Ly bỏ trốn về kinh thành, để Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương ở lại chống nhau với giặc ở Ngu Giang. Nguyễn Đa Phương đã dùng kế nghi binh, cắm cờ xí cho nhiều để quân giặc tưởng quân mình còn đông đảo không dám thừa thế tấn công, rồi đến đêm mới lén rút quân, bảo toàn được quân đội. Sau trận này Đa Phương oán trách Quý Ly. Quý Ly gièm pha với Nghệ Tông việc đánh Chiêm thất bại vì Đa Phương, xin Nghệ Tông xử tử. Nghệ Tông không nỡ, chỉ muốn bắt tội nhẹ, Quý Ly nói: "Đa Phương là người mạnh khỏe, tôi sợ hắn sẽ chạy sang phương Bắc với nhà Minh, hay là chạy vào Nam với Chiêm Thành, thả cọp ra sẽ di họa về sau, chi bằng giết đi là xong. Sau đó hạ lệnh bắt Đa Phương tự tử."

Nghe Tích Nhân hỏi như vậy, tên áo xanh sợ chết vừa lên tiếng xin tha, bật khóc:

- Các vị đại ca! Cái chết của Nguyễn sư bá thật đau thương khôn cùng. Sư phụ tiểu đệ mỗi lần nhớ tới đều không dấu nổi ngậm ngùi.

Tên thủ lãnh cứng đầu:

- Tôn đệ! Ngươi sợ chết đến như vậy sao? Ngươi có biết hai tiếng trung thần là gì không?

Tích Nhân khen:

- Hay! hay lắm! Thế thì Quý Ly là bề tôi mà giết vua, soán ngôi có phải là trung thần hay không?

Người thủ lãnh nghe hỏi, không biết trả lời như thế nào, gã có vẻ thẹn, cúi đầu không nói.

Tích Nhân bất ngờ lướt qua bọn chúng, giải khai huyệt đạo:

- Các ngươi hãy đi đi.

Năm tên áo xanh thấy máu huyết lưu thông, tay chân cử động được đều nhất tề đứng lên. Tên thủ lãnh ngẩn ngơ nhìn Tích Nhân giây lát rồi cung tay:

- Xin cho biết quý tánh đại danh.

Tích Nhân cũng vòng tay:

- Tại hạ họ Lê, tên Tích Nhân.

Tên thủ lãnh:

- Đa tạ Lê thiếu hiệp tha mạng và chỉ điểm. Trương Thanh và anh em sẽ không ai báo cáo việc hôm nay lên cấp trên để gây phiền nhiễu cho mình và làm thiếu hiệp phải mất thì giờ với quan binh sau này. Anh chúng tôi cũng sẽ suy nghĩ để tìm cho mình một con đường thích đáng.

- Trương đại ca đã có ý như vậy thì hay lắm. Hậu hội còn dài sau này chúng ta còn có khi gặp lại. Xin Trương đại ca tự nhiên.

Họ Trương lấy trong người một chai thuốc:

- Tên chúng tôi dùng có độc, xin thiếu hiệp lấy chai thuốc này để dành sử dụng sau này.

Tích Nhân không từ chối. Gã họ Trương cung tay giã từ, anh em lão cũng vậy, chờ bọn chúng lên ngựa ra roi, Tích Nhân quay lại thanh niên:

- Các hạ bị thương nặng lắm không?

Thanh niên:

- Đa tạ ân huynh cứu mạng, mũi tên trên lưng sâu đến xương nên nhức nhối khôn cùng.

- Thấy trời đã tối tại hạ định ngủ ở đây qua đêm, các hạ lại đàng gốc cây kia, tại hạ rút mũi tên và băng bó lại cho.

- Đa tạ ân huynh cứu giúp.

Thanh niên đến gốc cây nằm xuống. Tích Nhân điểm một số huyệt cầm máu quanh mũi tên rồi rút mạnh ra. Mũi tên có ngạnh, nhất là da thịt chung quanh bị độc làm sưng tấy, khi rút ra như vậy đau đớn kịch liệt, nhưng thanh niên chỉ hơi gồng mình lên, không rên la một tiếng.

Tích Nhân thấy thanh niên gan dạ cũng phải khen:

- Các hạ là người gan dạ phi thường. Nằm yên để tại hạ lấy nước rửa máu trên lưng cho các hạ.

Thanh niên vội chống tay ngồi lên:

- Máu đã chảy xuống tận dưới chân tiểu đệ. Để tiểu đệ xuống sông tắm cho sạch là tốt nhất. Chỉ cần xin ân huynh vài viên thuốc trị độc.

Tích Nhân đưa chai thuốc cho thanh niên, nhưng nói:

- Nhân huynh giữ chai thuốc để dùng sau này, còn lần này nằm xuống trở lại để tại hạ trị độc giúp cho.

Thanh niên nằm xuống, Tích Nhân lấy viên hùng hoàng châu đặt lên vết thương, giải huyệt, vận công lực đẩy máu độc ra ngoài thân thể cho thanh niên. Khi thấy hết máu đen, Tích Nhân thu tay:

- Nhân huynh có thể xuống sông tẩy uế được rồi.

Thanh niên ngồi lên rối rít:

- Y thuật ân công thật kỳ diệu như phép tiên. Chỉ giây lát mà tiểu đệ đã cảm thấy thân thể thoải mái vô cùng.

Thanh niên xuống sông tắm rửa, Tích Nhân thấy thanh niên quá rách rưới, muốn lấy một bộ áo quần mang theo tặng cho, nhưng nghĩ lại đó là ân tình của Tiên Nhi, nàng đã tận tụy từng đường chỉ mũi kim may cho mình, nên thấy không thể trao tặng người khác.

Thanh niên tắm rửa xong, bới lại tóc, Tích Nhân thấy thanh niên cũng trạc độ tuổi mình mày rô mắt tròn, miệng rộng trán cao, thân hình lực lưỡng đúng là một trang tráng hán, trong lòng khen thầm. Trong khi thanh niên tắm, Tích Nhân đã quơ một ít cây đốt lửa và khi gã lên bờ, đưa cho ống xôi còn lại:

- Tại hạ còn ống cơm, nhân huynh dùng tạm.

Thanh niên không khách sáo, dùng bàn tay bớp bể, ăn ngay một vốc lớn:

- Hơn ngày nay tiểu đệ chẳng có gì trong bụng.

Tích Nhân dọ hỏi:

- Nhân huynh vì sao bị cao thủ đại nội truy đuổi?

- Tiểu đệ họ Phạm, tên là Hổ Hùng, bà con cùng họ với Phạm bá bá, Phạm Tổ Thu. Gia phụ không dính líu quan trường mà làm rẫy sinh sống. Tuy nhiên, khi Phạm bá bá tham gia dự mưu tại Đốn Sơn thất bại, thì cả dòng họ Phạm có can dự hay không cũng bị Quý Ly tàn hại. Gia đình tiểu đệ trên mười người đều bị giết. Trong lúc đánh nhau, gia gia vừa chống địch vừa ra nghiêm lệnh buộc tiểu đệ phải bôn tẩu, trốn tránh để giữ chút máu huyết cho dòng họ sau này. Vì nóng trả thù nhà, tiểu đệ lên gia nhập lực lượng Thiết Sơn và làm một đầu mục dưới trướng Nguyễn Nhử Cái. Lực lượng Thiết Sơn ô hợp nên đã chẳng thể chống lại quan binh do Nguyễn Bằng Cử chỉ huy, từ đó tiểu đệ trốn tránh hết nơi này đến nơi khác và khi bị nhận diện tức thời bị truy sát.

Tích Nhân thở dài:

- Hoàn cảnh của Phạm huynh cũng giống phần nào với tại hạ. Gia gia tại hạ là Ngân bút Lê Trung Lương, chỉ vì để cho Bùi Mộng Hoa bá bá ở trong gia trang mà bị họa toàn gia.

Thanh niên kêu lên:

- Ồ! Gia gia tại hạ ẩn cư làm rẫy, nhưng cũng thường nghị luận việc giang hồ với bạn hữu, người thường đề cập đến Lê bá bá và bá mẫu..Thường nói rằng trong thiên hạ ngày nay không ai có võ công tuyệt thế như Đằng tiên lão nhân gia. Không ngờ tiểu đệ hôm nay được cứu mạng và được chứng kiến võ công phi thường của lão nhân gia truyền lại.

Hổ Hùng ăn hết miếng xôi cuối cùng, thở dài:

- Trời đất bao la, tiểu đệ hiện nay chẳng biết ngày mai của mình như thế nào, muốn theo bên mình làm người giắt ngựa cho ân công, nhưng chỉ sợ vói cao và cũng gây phiền phức cho ân công.

Tích Nhân vỗ vai Hổ Hùng:

- Chúng ta đều là con cháu nạn nhân Hồ tặc. Tình cờ gặp nhau hôm nay cũng kể là hữu duyên. Anh em chúng ta cùng trang lứa kết tình huynh đệ với nhau chẳng phải là hay hơn?

- Ồ! Đấy là vinh dự rất lớn cho tiểu đệ.

- Cái gì vinh dự với không vinh dự? Việt nữ kiếm pháp của dòng họ Phạm nổi tiếng trong giang hồ cả trăm năm nay. Kết bạn với Phạm huynh cũng là vinh dự của tại hạ vậy.

Hổ Hùng vội quỳ gối:

- Xin đại ca nhận Hổ Hùng ba lạy.

Tích Nhân cản lại:

- Đã kết bạn thì anh em ta phải công bằng, ai lớn làm huynh trưởng.

Hổ Hùng:

- Tiểu đệ sinh tháng Dần năm Ất Sửu, năm nay mười chín tuổi.

Tích Nhân vui vẻ:

- Ta sinh tháng Tý năm Giáp tý, lớn hơn hiền đệ đúng một tuổi. Từ nay anh em chúng ta có phước cùng hưởng, có họa cùng chia.

Hổ Hùng dập đầu:

- Xin ra mắt đại ca.

Để Hổ Hùng lạy ba lạy, Tích Nhân nâng dậy:

- Đại ca rất mừng có thêm một người thân như Phạm hiền đệ.

Bên ánh lửa hồng Tích Nhân và Hổ Hùng tâm sự, kể chuyện cuộc đời mình cho nhau nghe, giây lát cả hai cảm thấy thân mật hợp ý khôn cùng. Nhất là Hổ Hùng cũng tỏ ra không muốn con đường làm quan, cúi đầu cấp trên, hô hét cấp dưới. Nhận thấy Hổ Hùng bị thương, dù rất muốn tiếp tục nói chuyện, nhưng Tích Nhân cũng nhận ra sự mệt mỏi của Hổ Hùng, nên khuyên đi ngủ và Hổ Hùng nằm xuống đất thì ngáy ngay. Tiếng ngáy to như sấm. Nghe tiếng ngáy của Hổ Hùng, Tích Nhân biết người hiền đệ mới của mình có sức mạnh trời sinh, nhưng đã không luyện nội công căn bản của người võ học thượng thừa. Nhìn gân cốt của Hổ Hùng, Tích Nhân biết Lục Dương thần công rất thích hợp với Hổ Hùng, nhưng chưa hiểu Hổ Hùng là người có kiên nhẫn hay không?

Mờ sáng hôm sau, Tích Nhân đánh thức Hổ Hùng dậy. Khi ngồi dậy vết thương làm Hổ Hùng nhăn mặt, nhưng vui vẻ:

- Tiểu đệ chưa bao giờ ngủ ngon được như hôm nay. Đại ca! Chúng ta đi đâu đây?

- Đến thị trấn gần nhất, mua thuốc băng bó để vết thương hiền đệ mau lành. Sau đó rồi tính xem hiền đệ nên theo ta về kinh thành hay lên Vân trung cốc sống với tam muội và tứ đệ một thời gian.

Đã nghe kể về Tiên Nhi và Thừa Lân, sự sắp xếp của Tích Nhân như thế nào, Phạm Hổ Hùng nói:

- Tiểu đệ rất muốn theo đại ca dung rủi, nhưng chắc chắn sự hiện diện của tiểu đệ sẽ làm cho hai anh em ta khó ngày nào được yên. Tiểu đệ mấy năm nay hết trốn chỗ này, mai chạy chỗ kia, tinh thần lúc nào cũng bất định, không có thì giờ tập luyện nội công, thành ra đại ca an trí tiểu đệ thế nào cũng tốt.

- Con ngựa của hiền đệ hôm qua ngã té, chúng ta không để ý đến nó, sáng nay không biết nó đã đi đâu mất rồi!

- Tiểu đệ làm gì có ngựa! Đó là con ngựa cướp của một người đi đường. Hy vọng nó biết đường tìm về nhà chủ.

Tích Nhân gọi Hồng lô, con ngựa chạy đến, Tích Nhân bảo Hổ Hùng:

- Hiền đệ hãy dùng nó đỡ chân, ta đợi hiền đệ ở chợ Vân Quang. Ta sẽ ở khách điếm nào lớn nhất ở đấy cho hiền đệ dễ tìm.

Khu vực núi non chỗ này, buổi sáng sương mù dày đặc, cách mấy thước không thể nhìn ra cảnh vật. Hổ Hùng nghe Tích Nhân dặn thì hình dáng của Tích Nhân đã mất trong màn sương, Hổ Hùng phóng lên lưng Hồng lô, vuốt cổ vỗ về:

- Sương mù khó thấy đường đi lắm, ngươi cẩn thận giùm ta, nhưng nếu đi nhanh để kịp gặp đại ca, thì ngươi cũng rán hết sức giùm cho.

Hổ Hùng vừa thúc chân, Hồng lô đã phóng ngay bốn vó. Trong màn sương dày đặc, Hổ Hùng không nhìn xa tới phía trước hơn ba thước, thế nhưng hồng lô như xé sương mà chạy làm Hổ Hùng lo sợ vô cùng, hắn nằm rạp ôm lấy cổ ngựa:

- Cẩn thận! Đừng làm ngươi bị nạn và ta bị đại ca quở trách!

Hổ Hùng ôm cổ năn nỉ, nhưng không thúc chân kiềm hãm, nên Hồng lô cứ tung vó như bay. Khu vực này cũng đi xuyên núi, nhưng đường sá đã rộng nhiều, nên Hồng lô không bị cản trở. Buổi trưa sương mù tan dần, Hổ Hùng có thể nhìn thấy cảnh vật chung quanh, mới thấy con hồng lô có sức dẻo dai và phi nhanh trên đường đèo không có ngựa nào bằng. Đã kính phục võ công nghi biểu của Tích Nhân, cởi con Hồng lô, Hổ Hùng càng kính phục, lòng thầm nhủ trên đời không ai có thể có võ công như đại ca Tích Nhân của mình, thì cũng không có con ngựa nào hay như ngựa của đại ca Tích Nhân của mình cởi.

Ngựa chạy nhanh nhưng cũng không gặp Tích Nhân dọc đàng, Hổ Hùng càng cảm thấy kính phục. Là người học võ, xuất thân từ con nhà võ, Hổ Hùng biết người có khinh công cao có thể phóng qua mái nhà, đọt cây, chạy nhanh hơn ngựa, nhưng cũng chỉ trong giây lát, một khắc, một giờ, không ai có thể có nội lực liên miên, dùng khinh công để thi sức với ngựa trong đường trường. Thế nhưng con Hồng lô phi như tên bắn, đã cả nửa ngày mà không bắt kịp Tích Nhân.

Xế chiều, Hồng lô đã đi vào địa phận phố Vân Quang. Đây là khu vực buôn bán của các sắc dân thiểu số và người Kinh. Ở đây cũng rất nhiều người Tàu sang khai thác tửu điếm, khách điếm, tiệm thuốc. Đã từng ở đây, Hổ Hùng cho ngựa đến khách điếm Vân Quang, khách điếm lớn nhất của phố Vân Quang. Chủ điếm người Tàu và tiểu nhị nửa Tàu, nửa Việt. Người Tàu khai thác khách điếm, hay buôn bán ở miền cao, nói được nhiều thứ tiếng, tiếp được mọi hạng người, sắc dân, và sự tiếp đón rất nồng hậu, giữ chữ tín cho nên dù có ai ghét người Tàu, nước Tàu, cũng đều muốn dùng tiện nghi và buôn bán với họ.

Hổ Hùng dắt ngựa đến Vân Quang, thấy mình rách rưới te tua, trong túi không một đồng bạc, lòng hơi ngại ngùng chưa biết làm sao, thì hai tiểu nhị đã từ trong cửa chạy ra, một tên vồn vã:

- Phạm công tử! Ngài nhất định là Phạm công tử mà Lê công tử đang chờ đợi. Lê công tử đang chờ ngài ở khu biệt xá sau vườn hoa.

Tên tiểu nhị này vừa nắm cương ngựa, thì tên thứ hai lấy gói hành lý của Tích Nhân trên lưng ngựa xuống, vái Hổ Hùng:

- Mời công tử theo tiểu nhân.

Tên tiểu nhị mang giày cỏ, mặc áo bông, tươm tất, còn nhìn mình rách te tua, thấy hắn quá lễ phép, sinh ngượng, gắt:

- Thì cứ đi ta theo! Ta chẳng là công tử gì cả! Đừng rờm lời.

Tên tiểu nhị dạ dạ, đi trước dẫn đường, không dám nói gì thêm với Hổ Hùng nữa.

Vừa đi, Hổ Hùng vừa để ý quan sát, thấy Vân Giang khách điếm phía trước có khoảng mười lăm căn phòng, phía sau vườn rộng và xây bốn căn nhà sàn bằng gỗ riêng biệt nhau, tiểu nhị đưa mình đến một trong những căn nhà sàn này.

Tiểu nhị lên cầu thang, kính cẩn:

- Thưa Lê công tử, Phạm công tử đã đến nơi.

Tích Nhân mở cửa mỉm cười với Hổ Hùng:

- Nhị đệ!

Đã từng ở nhiều khách điếm với Thu Hà trước đây, Tích Nhân đã cho tiền tiểu nhị rất hậu hỹ nên chúng rất lễ độ và cung phụng như vậy. Đón lấy gói hành lý từ tay tiểu nhị, Tích Nhân cho một đồng bạc thủy ba, dặn:

- Chuẩn bị cơm nước, rượu thịt sớm hơn cho ta một chút.

Tiểu nhị:

- Sẽ mang đến ngay cho công tử.

Hổ Hùng vào trong thấy nhà có phòng giữa rộng rãi có thể nằm ngồi những mười người, hai bên là hai căn phòng. Tích Nhân chỉ căn phòng bên trái:

- Hiền đệ ở phòng bên đó. Ta tạm mua cho hiền đệ thuốc cao trị thương, hai bộ võ phục và đôi giày vải, đế da. Hiền đệ tắm rửa, dịt thuốc cao, thay áo quần..

Tích Nhân cười khà, vỗ vai Hổ Hùng:

- Đã là hiền đệ của ta, từ nay cấm không được ăn mặc rách rưới nữa.

Hổ Hùng cảm động, giọng nghèn nghẹn:

- Tiểu đệ cũng nhất định không để người hà hiếp nữa.

Tích Nhân khen ngợi:

- Có chí khí!

Hổ Hùng vào phòng lấy quần áo, xuống nhà tắm rửa, khi lên tưởng chừng một người hoàn toàn khác, và Tích Nhân cũng đang ngồi đợi trước một bàn cơm nóng năm bảy món ăn:

- Hiền đệ nhất định đã đói.

Hổ Hùng ngồi xuống ghế:

- Mấy năm rồi hôm nay tiểu đệ mới nhìn thấy được bữa cơm như thế này.

Tích Nhân rót rượu:

- Chúng ta cùng cạn chung mừng ngày kết nghĩa.

Hổ Hùng nâng ly:

- Kính đại ca!

Sau khi cạn chung rượu họ cầm đũa, Tích Nhân bảo:

- Ta không gọi nhiều rượu, vì hiền đệ đang bị thương.

Hổ Hùng vừa ăn vừa cười:

- Cuộc đời nhiều việc buồn phiền cũng đã làm cho tiểu đệ thành một thứ Lưu Ly, nhưng cái bụng tiểu đệ hiện giờ đang cần cơm thịt hơn là rượu.

Trong khi ăn uống chuyện vãn, Tích Nhân nói cho Hổ Hùng biết ý định của mình, họ sẽ ở lại Vân Giang mười ngày. Trong mười ngày này Hổ Hùng sẽ phải tập trung ghi nhớ khẩu quyết Lục Dương thần công, còn ban ngày sẽ tìm chỗ để trau dồi lại Việt nữ kiếm pháp. Sau mười ngày họ chia tay, Tích Nhân xuôi nam còn Hổ Hùng lên Vân Trung Cốc tiếp tục luyện võ với Tiên Nhi, Thừa Lân.

Thời gian thấm thoát trôi qua, hàng ngày được Tích Nhân phân tích những chỗ hay, chỗ yếu của Việt nữ kiếm pháp, rồi cùng thực tập, bổ cứu đã làm cho cây kiếm trong tay Hổ Hùng khác trước rất nhiều. Hổ Hùng rất chuyên chú trong việc luyện tập, hết sức khắc chế bản thân, có nhiều khi cử động quá sức làm vết thương rách ra chảy máu, cũng không để ý đến đau đớn. Nhưng nhờ hàng ngày Tích Nhân bắt uống thuốc và thay thuốc dấu đều đặn, vết thương của Hổ Hùng khi họ chia tay nhau cũng đã kín miệng, kéo da non.

Biết Vân trung cốc có nhiều ngựa quý, nên khi Tích Nhân đề nghị mua cho, Hổ Hùng không bằng lòng, cho rằng mình cũng không có gì gấp, đi bộ vài ba ngày tốt hơn. Sáng hôm ấy, Hổ Hùng đưa Tích Nhân đến bờ sông bịn rịn chia tay nhau. Khi Tích Nhân dắt ngựa lên thuyền dùng đường thủy để đi về Nam, thì Hổ Hùng đứng trông theo cho đến khi chiếc thuyền khuất hẳn tầm mắt, mới quay bước lên đường lên Vân trung cốc.
Chương trước Chương tiếp
Loading...