Danh Nghĩa

Chương 68



Để phối hợp với câu “đừng đánh thức em ấy” của Lương Ngư, Hứa Kinh Trập đã thật sự nằm trên giường tới gần bảy giờ thì mới không nằm nổi nữa.

Anh bây giờ chỉ cần là khi Lương Ngư ra ngoài làm việc thì cũng sẽ không để bản thân nhàn rỗi. Hoặc là qua thăm, hoặc là giúp mang đồ ăn thức uống tới, dù sao cũng không thể ở mãi trong nhà trọ như kẻ ăn hại được.

Việc thì anh không thể làm vì cái này liên quan tới chuyện đắp nặn nhân vật của Lương Ngư, nhưng anh vẫn biết chăm sóc người khác.

“Cháo” Lương Ngư hỏi quả nhiên là để cho anh. Em gái nhỏ hình như có chút tò mò về quan hệ giữa hai người họ. Người nơi đây quá chất phác, gần như không biết bên ngoài đã thay đổi như thế nào. Ở đây tuyết vẫn là tuyết, cây vẫn là cây, trên trời có mây gió tĩnh lặng, dưới đất có con người nhàn tản.

Lương Ngư nói bọn họ là “bạn”, Hứa Kinh Trập cũng không có gì để giải thích. Dường như là vợ chồng, người yêu, tình nhân, anh em, bạn tốt đều được cả. Anh sẵn sàng đảm nhận bất kỳ vai trò nào trong cuộc đời của Lương Ngư, có thế nào cũng tốt.

Anh ăn xong thì mang nước qua cho Lương Ngư. Hôm nay bọn họ không đốn cây mà đi trồng rừng. Hiện tại nhà nước đang quản lý rất nghiêm khu vực này, rất chú trọng trong việc bảo hộ lâm trường, không thể tham bát bỏ mâm, chỉ có ra mà không có vào.

Lương Ngư đã phơi mình dưới nắng ngắt liên tục mấy ngày, mặt và người đen đi thấy rõ. Thế nhưng màu sắc không hề làm ảnh hưởng tới độ đẹp trai của hắn, phải nói là chính màu da sậm hơn lại càng tôn thêm nét nam tính trên đường nét khuôn mặt hắn.

Hứa Kinh Trập nhìn hắn cùng mọi người trong đội chuyển cây con qua rồi đích thân dùng xẻng trồng xuống, đắp đất, cuối cùng đạp bằng. Bọn họ có một người quản đốc quản lý công việc. Lương Ngư tuy kiệm lời nhưng rất cần cù nên mọi người đều quý hắn, lúc rảnh rỗi sẽ chủ động tìm hắn nói chuyện.

“Anh đóng xong bộ phim này thì em cũng không nhận ra nữa mất.” Hứa Kinh Trập cảm thấy mình đã đau lòng tới chai sạn rồi. Anh sáng đưa nước, trưa đưa cơm, chiều đưa lương khô, cơ bản đều là chạy qua chạy lại bên cạnh hắn. Lương Ngư chê anh làm hắn phân tâm nên đuổi anh về.

“Nắng thế này em ở bên ngoài làm gì?” Lương Ngư mất kiên nhẫn nói, “Hay là em đi chơi cùng Lâm Chước Dự đi.”

Lâm Chước Dự có lúc cũng qua xem Lương Ngư làm việc. Anh ta xem xong thì linh cảm dâng trào bèn chạy về sửa kịch bản. Sửa hết một đêm, hôm sau lại gửi kịch bản mới qua. Lời thoại và tình tiết thay đổi mỗi ngày, khiến Lương Ngư lúc nghỉ ngơi cũng phải cầm kịch bản học thuộc lại từ đầu. Hứa Kinh Trập cảm thấy hắn thuộc trường phái trải nghiệm, càng về sau càng gần sát vai diễn. Đến sát ngày khởi quay chính thức, khi Lương Ngư đứng lẫn trong nhóm người gác núi, Hứa Kinh Trập còn không thể ngay lập tức nhận ra hắn được.

Bộ phim này ngoài Lương Ngư thì còn hai diễn viên gạo cội khác. Một người diễn vai người gác núi tên “Lão Châu”, người còn lại vào vai vợ lão Châu, chị dâu của Lương Ngư, tên “A Nghiên”.

Cả hai diễn viên này Hứa Kinh Trập đều quen biết. Phải nói rằng hồi còn là sinh viên tại Học viện Điện ảnh, anh đã theo học lớp của Chu Cửu Lâm và Mạc Nghiên rồi. Nhậm Thanh và Mạc Nghiên thậm chí còn là chị em tốt mấy chục năm. Lúc nhìn thấy Hứa Kinh Trập, Mạc Nghiên xúc động tới mức mắt nhòe lệ.

“Bao năm rồi cô không gặp em. Thanh Thanh cứ nhắc cô chuyện em tới thăm bà ấy mãi.” Mạc Nghiên thở dài, “Đều bận tối đầu tối mắt, khó gặp được nhau.”

Hứa Kinh Trập cảm thấy hổ thẹn: “Là do em làm biếng, không chủ động tới thăm cô ạ.”

Mạc Nghiên lắc đầu: “Thăm cái gì mà thăm. Cô ngày nào cũng đi dạy, còn chưa nghỉ hưu đâu nhé. Em tới tìm cô cũng chưa chắc đã gặp được, tới trường thì có mà tắc tới tận Nam Thiên Môn. Còn thăm cái khỉ gì nữa.” Tính bà rất hào sảng, nói chuyện cũng không quá câu nệ. Hứa Kinh Trập nhịn không được bật cười, còn Mạc Nghiên thì chăm chú nhìn anh.

(Nam Thiên Môn: cổng Thiên Đình trong truyền thuyết TQ)

“Em đúng là càng ngày càng đẹp ra.” Bà than thở, “Hồi trước khi còn đi học mấy đứa nó đặt cho em biệt danh là “Xuân Kiều”, em còn nhớ không?”

(Xuân Kiều là cách gọi những cô gái xinh đẹp tuyệt trần, nhưng ở đây ta cũng có thể hiểu “Xuân” ám chỉ tên thầy Hứa, còn “Kiều” là xinh đẹp)

“………” Hứa Kinh Trập thật rất cũng sắp sửa quên rồi. Trước đây Trương Mạn từng nói với anh về khái niệm “fan tượng bùn” đang phổ biến trên mạng dạo gần đây, nhưng thật ra mấy thứ này cũng không phải giờ mới bắt đầu. Hồi đi học, có cậu nhóc xinh đẹp nào chưa từng bị người khác gọi là “em gái”, là “kiều” chứ. Đương nhiên thời kỳ đầu còn có chút ý chế nhạo, hiện tại trên mạng chỉ đơn thuần là khen bạn đẹp, chỉ có đủ đẹp mới xứng để được gọi là “bà xã”.

Lâm Chước Dự đặt tên cho các nhân vật rất tùy tiện. Vai của Chu Cửu Lâm là “Lão Chu”, của Mạc Nghiên thì là “A Nghiên”. Vai của Lương Ngư tính ra thuộc hàng hiếm có đủ cả họ cả tên, trong kịch bản gọi là “Trần Lương Sinh”. Kết quả vẫn có một chữ “Lương”, lúc quay phim mọi người gọi Lương Ngư là “Lương Sinh” cũng chẳng khác gì gọi chính tên hắn.

Ban đầu Hứa Kinh Trập hoàn toàn không hề hay biết gì về cốt truyện chính của kịch bản. Diễn viên cũng vậy, họ chỉ được cầm phần kịch bản của bản thân họ. Đây cũng là phong cách của Lâm Chước Dự. Anh ta cảm thấy giữa các diễn viên vừa phải “gần gũi” lại vừa phải “xa lạ”. Chính là kiểu mà người diễn viên không nên vì biết được bạn diễn sẽ có phản ứng gì mà suy nghĩ trước xem nên diễn tiếp ra sao. Anh ta yêu cầu một sự chân thật tự nhiên đến quá giới hạn, không thể là cố tình.

Mỗi đạo diễn nổi tiếng đều có thói quen và phong cách của riêng mình, Hứa Kinh Trập có thể hiểu điều này. Ví dụ như Kiều Chân Khiêu lại hoàn toàn trái ngược với Lâm Chước Dự. Ông yêu cầu diễn viên chính phải nhớ hết toàn bộ lời thoại và tình tiết có trong kịch bản. Thậm chí những vai diễn nhỏ như vai quần chúng, nhai đi nhai lại đến mức nát rồi nuốt xuống thì vẫn phải đẩy lên nhai lại. Vì thế lúc ban đầu Kiều Chân Khiêu và kẻ “nửa mù chữ” là Lương Ngư hợp tác vô cùng vật vã.

Sự “phản nghịch” cùng chút “không hợp tác” lạc quẻ của Lương Ngư lại càng gia tăng cái cảm giác “huyền ảo” mà phim điện ảnh của Kiều Chân Khiêu đang thiếu. Hắn khiến cho phim diện ảnh của Kiều Chân Khiêu không còn ngập trong sự cứng nhắc rập khuôn theo kiểu cách tiêu chuẩn, trao cho tài hoa của Kiều Chân Khiêu cái “linh tính” trân quý nhất. Còn khi hợp tác với Lâm Chước Dự, sự “chuyên nghiệp” và “thực tế” của Lương Ngư lại tạo cho phần nội dung quá mức tự do của anh ta một ranh giới ràng buộc. Hắn khiến “tài năng” của Lâm Chước Dự có bệ đỡ để bén rễ và trở nên lớn mạnh.

Có lúc khi nhìn hắn diễn vai “Trần Lương Sinh”, Hứa Kinh Trập có cảm giác nếu anh là đạo diễn và có thể gặp được người diễn viên như Lương Ngư thì có lẽ kiếp trước đã phải thắp hương tám năm dưới chân Phật Tổ, tro hương cũng hóa thành một chữ “Đức” thì kiếp này mới có duyên phận như vậy.

Lúc quay cảnh đêm, người gác núi đều ở trong vọng gác dưới chân núi. Dù đang là mùa hè ở Mạc Hà nhưng nhiệt độ buổi đêm vẫn xuống dưới mức 10o. Xung quanh cây cỏ um tùm, muỗi cứ vo ve trước mặt người. Chu Cửu Lâm tuổi đã cao, trước khi ghi đều phải học lại lời thoại một lần.

Lâm Chước Dự quay cảnh “Trần Lương Sinh” ở cửa vọng gác trước. Ngoài hai diễn viên thì những người khác đều là người bản địa được kéo tới làm diễn viên tạm thời. Hứa Kinh Trập ở bên ngoài nhìn Lâm Chước Dự di chuyển ống kính. Một cảnh quay rất dài, không có lấy một câu thoại, “Trần Lương Sinh” khoác một chiếc áo bông rách rưới màu xanh lá. Chiếc đèn treo trước thềm vọng gác bị gió thổi lung lay khiến ánh sáng mờ nhạt chốc chốc lại soi xuống mặt hắn.

“Trần Lương Sinh” đợi một lúc, sau đó móc bao thuốc từ trong túi ra. Hắn lấy một điếu ngậm vào miệng rồi lần mò tìm hộp diêm.

Có người đồng nghiệp từ trong vọng gác bước ra. “Trần Lương Sinh” bước sang bên cạnh để nhướng đường rồi ngước mặt nhìn qua.

“Cho tẹo lửa?” Hắn nói bằng tiếng địa phương chuẩn chỉnh.

Đồng nghiệp lấy ra chiếc bật lửa rồi châm thuốc cho hắn.

Hứa Kinh Trập cũng không rõ Lương Ngư rốt cục có biết hút thuốc không, nhưng động tác hút vào phổi của hắn thì rất thuần thục, phải mất một lúc, khói thuốc mới từ mũi thoát ra.

(Động tác hút vào phổi: Là động tác sau khi hút thuốc thì người hút sẽ hơi hé miệng hút cả khí vào chung, để đưa phần khói thuốc xuống dưới phổi, phần khói thuốc không hít vào được sau đó mới bị nhả ra.)

Đầu điếu thuốc lập lòe những đốm lửa. “Trần Lương Sinh” hút xong một hơi thì duỗi tay, đặt cánh tay lên trên đầu gối. Khói thuốc lượn lờ trước mặt hắn, bóng đèn trên đầu vẫn đang lung lay.

Lâm Chước Dự mãi chưa hô cắt. Thật ra anh ta không hề cho diễn viên biết cụ thể nên diễn thế nào, trước đó chỉ nói chung chung rằng tối nay “Trần Lương Sinh” và “Chu Lão” trực ban, cậu em chờ anh lớn tới. Với một bối cảnh cụ thể như thế thì tất cả đều do Lương Ngư tự mình phát huy. Ngồi chắn cửa, mượn lửa hút thuốc, mỗi hành động của hắn đều như thể trong kịch bản có viết như vậy và hắn đang diễn theo. Mãi có tới khi Chu Cửu Lâm đi tới, “anh lớn” quở trách hắn: “Sao ngồi chồm hỗm trước cửa thế này, vào trong đi.”

“Trần Lương Sinh” đứng dậy. Hắn phủi bừa phần đất dính trên mông rồi tính ném điếu thuốc xuống đất.

“Lão Chu” tiếp tục mắng hắn: “Sao có thể vứt bừa như thế, lỡ cháy thì sao?”

“Trần Lương Sinh” rất thành thật rụt vai lại. Hắn dập tắt thuốc, nắm chặt trong lòng bàn tay rồi ngẩng đầu lên, xấu hổ cười cười.

Lâm Chước Dự cuối cùng cũng hô lên một tiếng “Qua”.

Nhân viên thu dọn trường quay dọn sạch các đầu thuốc lá. Lâm Chước Dự đi qua nói chuyện với Chu Cửu Lâm, hai người họ thảo luận về lời thoại tiếp theo. Lương Ngư thì vẫy tay với Hứa Kinh Trập đang đứng bên ngoài.

“Em đi ngủ trước đi.” Lương Ngư bảo, “Hôm nay phải quay cả đêm cơ.”

Hứa Kinh Trập không chịu: “Em ở lại cùng anh được mà.” Anh nhìn lòng bàn tay Lương Ngư, phát hiện có thể do điếu thuốc vừa nãy chưa tắt hẳn nên lòng bàn tay hắn có vết đầu thuốc nho nhỏ.

“Anh học hút thuốc từ lúc nào vậy?” Hứa Kinh Trập hỏi.

Lương Ngư: “Vừa học hút tạm một hơi. Em không nhận ra về sau anh không hút nữa à?”

Hứa Kinh Trập có phần sửng sốt: “Em còn tưởng anh cố ý diễn vậy cơ.”

“Đương nhiên không phải rồi.” Lương Ngư bĩu môi. Hắn làm bộ nôn khan, thành thật nói, “Hút thêm hơi nữa là anh sẽ ho khan. Như vậy đâu có được, mất mặt lắm.”

Chương trước Chương tiếp
Loading...