Để Em Cưa Anh Nhé!

Chương 35: Đừng Tùy Tiện Uống Nước Suối



Mấy ngày giáp Tết, tôi đã phải dành ra cả ngày để dọn dẹp vệ sinh nhà cửa từ A-Z, vậy mà hai ông tướng trong nhà lại chỉ biết vểnh râu lên xem ti vi hay ôm chặt cái máy tính, chẳng mảy may giúp đỡ tôi lấy một tay, thật bực cả mình! Thế mà hôm trước vừa mới dọn xong thì hôm sau đâu đã lại vào đấy, mùng một, mùng hai Tết, mấy đứa trẻ con cháu nội, cháu ngoại sang phá lanh tanh bành một lúc thì nhà chẳng khác gì cái ổ lợn, rồi chúng nó lại còn hùa nhau lẽo đẽo chạy theo tôi đòi lì xì nữa chứ… Hu hu! Cô trẻ cậu trẻ của tôi ơi! Tôi chỉ là sinh viên đi làm thêm thôi, từ năm mười tám tuổi tôi đã bị cắt suất lì xì rồi, lấy đâu ra tiền mà hầu các cô các cậu chứ!

Nhà tôi có một căn phòng đặc biệt bẩn, đấy là phòng của thằng Quân. Ôi trời ơi! Dọn phòng nó mới biết thế nào gọi là mẫu con trai ở bẩn điển hình, đến cái quần sịp không biết thay ra từ bao giờ rồi nó cũng vứt tuột xuống gầm giường, bốc mùi mốc meo hôi hám, tôi vừa dọn, vừa bịt mũi mà rùng hết cả mình. Dọn được xong cái phòng cho nó thì cũng ốm hết cả người, đầu óc choáng váng, mũi như bị viêm xoang.

Tết nhất mấy năm gần đây cũng không còn được nhộn nhịp như trước, còn nhớ hồi tôi học cấp ba, bác Bằng, bác Liên cứ đến đêm ba mươi là lại ra đầu ngõ kêu gọi mọi người góp đồ luộc bánh trưng, cảm nhận mùi bánh trưng nóng tỏa ra thơm phưng phức, hương thơm beo béo, ngầy ngậy của thịt mỡ quyện lẫn với đỗ xanh ngào ngạt đến nức cả mũi, chỉ nhắc lại thôi tôi đã muốn rỏ rãi rồi… Vậy mà giờ thì truyền thống đó còn đâu. Tết đến, người ta chỉ sang nhà nhau chúc Tết vài câu, lì xì qua lại như để lấy lệ, chẳng còn gì khiến tôi hứng khởi như trước nữa. Vậy nên điều duy nhất mà tôi mong đợi lúc này là mau chóng đến mùng năm Tết này, tôi sẽ lên Hòa Bình thăm mẹ. Thiết nghĩ, ở vùng làng quê thì chắc chắn người ta vẫn giữ được những phong tục truyền thống của ngày Tết, chỉ ở đó tôi mới có thể tìm thấy được cái hương vị mà mình vẫn hằng mong đợi. Tôi đếm ngược từng ngày, từng ngày trôi qua thật dài dằng dặc, cứ mỗi giờ trôi qua tôi lại viết thêm một status mới, cũng phải công nhận dạo này tôi cập nhật status nhiều kinh khủng, một ngày phải đẻ ra hơn chục cái, cứ như facebook là nơi tôi trút hết mọi cảm xúc khi không có ai bên cạnh vậy. Tất nhiên, không chỉ có mình tôi, anh ta cũng thế. Tôi cũng vô tình để ý được một điều kỳ lạ là kể từ đêm ba mươi Tết trở lại đây, Long viết status nhiều kinh khủng, dường như anh ta đang bắt chước tôi thì phải? Tôi cảm nhận thấy thế. Không những vậy, anh ta còn chẳng biết xấu hổ mà mặt dày mày dạn đăng hẳn một status “Mình thích những cô gái biết võ. Hì hì!” lên facebook hôm mùng một Tết nữa chứ. Thật kinh khủng!

Cô gái biết võ? Đằng sau cái ngày định mệnh mà nếu không nhờ tôi thì làm sao anh ta có thể thoát khỏi cái đêm ba mươi hãi hùng ấy chứ? Vậy ngoài tôi ra thì còn ai có thể là “cô gái biết võ” ấy nữa chứ? Đã không biết xấu hổ lại còn bày đặt thích với chả không thích. Mệt người!

À! Còn một chuyện vô cùng kì cục nữa. Bản thân tôi cũng không rõ có phải suốt một tháng qua anh ta lên rừng xuống biển, ăn phải thứ độc dược quỷ quái gì không mà kể từ lúc gặp lại, anh ta cư xử vô cùng lạ lùng, tôi cứ có cảm giác như mình bị đón lõng chứ không phải tự nhiên mà gặp lại vậy. Thế này nhé! Sáng mùng một, anh ta bất thình lình xuất hiện trước cửa nhà tôi, đi qua đi lại chậm rãi từ đầu cho đến cuối ngõ như tập thể dục, thỉnh thoảng còn cố tình liếc mắt nhìn vào trong nhà tôi khiến tôi điên tiết phải đóng sầm cửa lại, khách đến gọi thì mới mở. Rồi tiếp tục, mùng hai, mùng ba, tôi vẫn cứ phải nhìn thấy cái bản mặt đáng ghét đấy! Ức chế nhất là lúc đi ra ngoài mua bánh kẹo, vị trí tập kích của anh ta lập tức thay đổi, mặc dù vẫn giữ khoảng cách đằng sau lưng tôi khoảng tầm chục mét, nhưng tôi hoàn toàn cảm nhận được tà khí ngùn ngụt đằng sau lưng mình. Đã có lúc, tôi thầm tự hỏi “Hay là hắn ta có âm mưu gì với mình? Như là bí mật sát hại để trả thù cho trận đánh đêm ba mươi chẳng hạn!” nhưng rồi suy nghĩ mãi… rồi lại thôi. Cách tốt nhất mà tôi học được từ cuộc sống là im lặng, hoàn toàn im lặng, cứ bơ anh ta đi, coi như không nghe, không thấy, không nhìn, không biết gì hết, phải hoàn toàn tĩnh tâm, đạt đến cảnh giới thượng thừa của sự vô tâm.

Tối hôm mùng bốn, sau khi tôi đăng lên facebook status “Ngày mai được lên Hòa Bình thăm mẹ rồi! Hồi hộp quá! Hí hí!” chỉ vài phút sau, anh ta lập tức like. Một kẻ đã từng hùng hồn tuyên bố là sẽ không bao giờ tùy tiện like theo cảm hứng nữa bây giờ lại lập tức like status của tôi? Đúng là có vấn đề thật rồi! Tiếp tục, tối hôm đó trước khi đi ngủ, tôi lại nhận được một tin nhắn lạ từ số điện thoại tôi lưu trong danh bạ có tên là “một dấu chấm”. Đối với những người thuộc phạm trù quá khứ hoặc chẳng còn nghĩa lý gì trong mắt tôi nữa thì tôi sẽ lưu là “một dấu chấm”, dấu chấm đó sẽ chỉ được thay đổi thành tên khi anh ta làm được điều gì đó có ý nghĩa trở lại trong mắt tôi, mà theo tôi thì điều đó là vọng tưởng. Tối nay anh ta nhắn tin chúc tôi ngủ ngon, bản thân tôi cũng hết sức giật mình khi nhận được tin nhắn đó, không phải chém gió chứ tôi vui thật! Tôi đã mong nhận được những tin nhắn quan tâm, tình cảm như thế này từ phía anh ta từ lâu lắm rồi, nhưng bây giờ thì đối với tôi, điều này chẳng khác nào ngọn gió khẽ lướt qua trên đỉnh núi, lướt qua rồi là không bao giờ quay lại được nữa. Cẩn trọng đặt chiếc điện thoại xuống đầu giường sau khi tôi chỉnh lại giờ báo thức là năm giờ sáng ngày hôm sau, trước khi đi ngủ, tôi vẫn còn kêu meo meo để gọi em Jerry về phòng, nó vẫn cứ ngoan ngoãn như thế, chỉ cần gọi đúng tên một cái là lập tức lò dò xuất hiện đằng sau cánh cửa, đôi lúc giật mình hơn thì sẽ nhảy phắt qua đằng cửa sổ, rồi lặng lẽ bước từng bước một chui tọt vào trong chăn, nằm vo tròn trên bụng sưởi ấm cho tôi ngủ. Tôi hài lòng vuốt ve nó, chạm vào bộ lông ấm áp mượt mà của nó, cảm nhận hơi ấm vừa đủ mà nó mang lại, vừa từ từ nhắm mắt, vừa thầm nghĩ, có khi bây giờ tôi còn mong đợi tình yêu của con mèo này hơn cả người đã mang nó cho tôi nữa.

Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy từ rất sớm, đồ đạc, hành lý, tất cả đều đã được chuẩn bị kỹ càng từ đêm hôm trước, thức ăn ở nhà tôi cũng mua sẵn và viết giấy ghi nhớ lên từng thứ để chỉ bố chế biến cho đúng kiểu. Khoảng năm rưỡi sáng, tôi có mặt tại bến xe buýt trên đường Phạm Ngọc Thạch với chiếc vali to uỵch, nhấp nhổm chờ đợi xe số 21 tới, đợi được hơn chục phút thì chiếc xe mà tôi mong đợi đã xuất hiện, nhanh như cắt, tôi hòa vào đoàn người nhảy phắt lên xe ngay. Biết mình bị say xe, tôi vội vàng chạy xuống hàng ghế cuối cùng, nơi vẫn còn dư hai chỗ trống để còn tiện để vali, rồi ngồi im như thóc, giữ chằm chặp lấy chỗ này. Trên xe hiện vẫn chưa đông người lắm, có lẽ là vì bây giờ đang nghỉ Tết nên hầu hết sinh viên đều đã về quê cả, chỗ bên cạnh tôi vẫn chưa có ai ngồi, thế nên bây giờ trong đầu tôi chỉ nảy sinh một tham vọng nhỏ nhoi là tí nữa đợi hơi say xe, mình có thể nằm kềnh xuống ngủ một giấc cho tới khi xuống bến. Vậy mà chỉ mới hai phút sau, ngay sau khi trong đầu tôi vừa lóe lên suy nghĩ tham lam ấy thì một anh con trai từ đâu bỗng nhiên đường hoàng ngồi phịch xuống, khiến tôi chỉ muốn dựng hết cả tóc gáy.

- Anh làm cái quái gì mà cứ bám theo tôi thế!

- Xe này là của em à?

Anh ta thản nhiên trả lời trước phản ứng dữ dội của tôi, khiến tôi cứng họng chẳng nói được câu nào. Phải rồi, xe này là xe của nhà nước, tôi lấy cớ gì mà đòi đuổi anh ta ra chỗ khác, không chừng làm loạn thêm một lúc nữa chính tôi mới là người phải xách vali cuốn xéo ra khỏi xe ấy chứ. Vậy là tôi đành im lặng, lịch sự nhích mông nhường chỗ cho anh ta, ước mộng viển vông một mình độc chiếm hai cái ghế cũng theo đó mà tan biến.

Hai chúng tôi ngồi trên xe, một kẻ ung dung nút tai nghe nhạc, khóe miệng chốc chốc lại khẽ nhếch lên, mỉm cười một cách khó hiểu, tôi chả hiểu anh ta cười vì cái gì… cười vì bài hát ngớ ngẩn anh ta đang nghe chắc? Hay cười vì bộ mặt không ngừng sưng sỉa của tôi từ lúc nhìn thấy anh ta xuất hiện cho tới giờ. Nói thật là từ lúc anh là mặt dày bán đứng tôi cho bọn côn đồ lưu manh, tôi thật lòng không còn chút luyến tiếc nào với con người bội bạc này hết. Cứ cho rằng anh ta yếu đuối đã đành, đằng này đến cái nhà anh ta còn xây được, há chẳng phải trong mắt anh ta tôi còn chẳng bằng khúc gỗ, chẳng đáng cho anh ta phải gồng mình ra tay? Mặc dù tôi ngồi ngay bên cạnh anh ta, cách nhau chẳng nổi năm ly, nhưng cổ tôi thì cứ vẹo hẳn về cửa sổ, nhiều lúc tôi chỉ muốn nghẹo sang phía anh ta để xoay cổ vài phát cho đỡ mỏi mà cũng không dám vì lòng tự trọng cao vời. Vậy là cuối cùng, nhân lúc anh ta vừa gục đầu xuống ngủ, tôi liền đánh liều nghẹo cổ trong tích tắc, cố gắng làm thật nhẹ nhàng nhưng các khớp xương đã phản lại tôi, vì phải chịu đựng trong một thời gian quá lâu mà chúng kêu lên răng rắc. Lúc nhận thấy anh ta bất ngờ mở mắt, đôi lông mày sâu róm còn hơi chau lại bởi tiếng động khó chịu, tôi chỉ muốn nhảy bổ ra ngoài cửa sổ cho bớt xấu hổ, tại sao anh ta lại tỉnh dậy vào đúng lúc này cơ chứ!

- Em mới qua Thái Lan phẫu thuật đấy à? Con gái gì mà xương khớp cứng răng rắc thế?

Anh ta buông giọng mỉa mai.

- Mặc xác tôi. Còn hơn đồ đàn bà!

Nói xong câu này mà tôi thấy sướng hết cả người, mãi mới nói được một câu chuẩn xác đến thế. Long nghe xong mặt liền khựng lại, ngũ quan của anh ta lập tức cứng đơ ra rồi chảy xệ xuống khiến tôi cảm thấy thích thú vô cùng. Làm gì có tên đàn ông nào lại muốn bị nói là đồ đàn bà cơ chứ! Đồ đàn bà là đồ yếu đuối, nhu nhược, hèn nhát, lắm mồm và nhỏ mọn. Trong mắt tôi anh ta hoàn toàn chính xác với những tính từ đó.

Sau đấy tôi lại thu mình về một góc, cố gắng ngồi im, quyết tâm dù có mỏi cố thế nào cũng nhất quyết không quay sang bên đấy nữa, thế nhưng ông trời không có mắt… cơn say xe của tôi lại bắt đầu ập tới, tôi lo lắng, tai phải cấu tay trái, tay trái cấu tay phải, răng trên cắn chặt vào môi dưới, chỉ thầm cầu mong cho cái cảm giác nôn nao, khó chịu này sớm qua đi. Tôi cũng không biết vì sao mà một đứa khỏe mạnh như tôi lại có thể bị say xe nặng đến mức này, chưa lần nào tôi đi ô tô mà không bị say xe, kể cả taxi. Tôi ngồi trên xe mà lòng nóng như lửa đốt, chỉ mong mau mau chóng chóng được xuống trạm, nhưng lúc hỏi anh tài xế thì anh ấy bảo còn hơn một tiếng nữa mới tới, tôi bất lực đến nỗi chỉ muốn bật khóc trong lòng. Thấy tôi bắt đầu bủn rủn một hồi, chân tay cấu véo không yên, đôi lông mày mờ nhạt cứ hết chau lên lại hạ xuống, mồ hôi cũng bắt đầu chảy ra bết cả vầng trán cao, Long bất ngờ tóm lấy tay tôi, giằng về phía hắn. Tôi giật nảy mình, mở to mắt quay sang nhìn hắn, miệng há hốc không biết phải nói sao, cố gắng giằng tay ra nhưng càng giằng thì Long lại càng nắm chặt. Lúc này thì tôi lại càng chắc chắn là Long khỏe hơn tôi gấp bội. Không giằng được, cũng không đủ sức mà đôi co với tên dở hơi đó, tôi đành phải cam tâm chịu đựng để cho bàn tay “kiều diễm” của mình bị nắm bởi cái bọc rác đáng khinh ấy. Nhưng không hiểu sao, anh ta càng nắm lâu, mồ hôi trong tay tôi tiết ra càng nhiều, tôi không biết Long có thấy khó chịu vì điều đó hay không, nhưng bản thân tôi thì lại thấy rất ổn, càng ra nhiều mồ hôi tôi lại càng thấy dễ chịu, cảm giác ấm áp khi được ai đó nắm tay khiến tôi thấy đỡ bồn chồn, càng thoải mái hơn khi ở bên trong bàn tay anh ta, tôi cứ liên tục cấu véo đến khi nào thấy hết nôn nao thì thôi. Mấy lần bị tôi véo, tôi thấy Long cũng khẽ nhăn mặt nhưng không kêu đau, thế nên tôi lại mặc kệ.

Chuyến xe buýt đã đi được gần 60 km, vậy là chỉ còn hơn chục km nữa tôi đã tới được Hòa Bình rồi. Trên đường đi, tôi cứ liên tục ngủ gật, đến khi thức dậy thì lại phát hiện đầu mình đang gác lên vai anh ta từ lúc nào không biết. Những lúc ấy tôi chợt cảm thấy vô cùng xấu hổ, mặt đỏ ửng lên như quả gấc thối, đần độn vì nhận ra nước miếng đã chảy tùm lum trên vai áo của Long, thế mà Long vẫn tuyệt nhiên chẳng kêu ca gì, tự tôi cũng lấy làm lạ, bình thường Long đâu phải người hiền lành như thế?

Cuối cùng thì sau hơn hai tiếng đồng hồ, tôi và Long cũng đến được huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nơi mà mẹ tôi đang sống. Thật ra Hòa Bình không phải quê của tôi, nhưng từ hồi còn trẻ bác tôi đã lên miền núi dạy học, rồi khi đến tuối thì cũng lập gia đình luôn ở nơi này, cuối cùng đây lại chính là nơi mà mẹ con tôi hay lui tới mỗi dịp hè về. Hồi trước hè nào tôi cũng phải về Hòa Bình một lần, nhưng mỗi lần về cũng chỉ ở lại được khoảng một tuần, căn bản con người tôi đã vốn quen với những nơi ồn ào, náo nhiệt như Hà Nội rồi, cuộc sống bình dị, phẳng lặng ở nơi làng quê này tuy khiến cho con người ta thấy tâm hồn thư thái nhưng nếu ở lâu thì lại cảm thấy nhàm chán vô cùng.

Trước khi xuống xe, Long còn chủ động xách vali hộ tôi, và anh ta cũng không quên nhắc nhở.

- Khi nào tới nơi nhớ giặt cái áo này đi cho anh đấy!

Tôi không trả lời, im lặng có nghĩa là đồng ý.

……………

Đã bao lâu rồi tôi không trở lại Hòa Bình nhỉ? Một năm? Hai năm? Ba năm?...

Ồ không! Đã bốn năm rồi. Kể từ hè năm lớp 12 khi tôi bắt đầu biết đi làm thêm thì cũng đồng nghĩa với việc tôi hoàn toàn không có thời gian nghỉ hè, đi du lịch hay là picnic như các bạn đồng trang lứa. Thời gian quanh năm suốt tháng của tôi chỉ dính tới hai chữ “công việc”, “công việc” và “công việc”.

Xuống xe, tôi sững lại trong giây lát để ngắm nhìn ngôi làng mà mình đã từng sống lúc nhỏ, quả thật sau bốn năm nó đã thay đổi rất nhiều, con đường đất trước kia cũng đã được lát bằng phẳng trở thành con đường bê tông trơn láng mà tôi đang đứng, những bãi phân trâu, phân bò bậy tùm lum nay cũng chẳng còn. Tôi hào hứng kéo tay Long chạy theo mình trên con đường đê đầy sỏi đá, băng qua những cánh đồng thơm mùi lá lúa trải dài đến tận chân trời ở hai bên, dẫn thẳng đến ngôi làng mà mẹ và bác tôi đang ở. Đã hơn bốn năm không trở về nhưng trong kí ức, tôi vẫn còn nhớ rõ vị trí của khu vườn mà lúc trước mẹ đã mua để dự định sau này về già sẽ sinh sống. Tôi cùng Long song song đi trên con đường làng gồ ghề sỏi đá, chốc chốc lại phải bịt mũi lại vì mùi phân trâu tươi mới sộc lên, Long khẽ chau mày nhăn nhó, còn tôi thì chỉ thấy buồn cười vì điều này mình đã gặp quá nhiều hồi ở trên Mai Lĩnh. Nói trắng ra thì tôi đã bắt đầu quen với việc phải ngửi mùi phân trâu tươi mất rồi *hu hu*. Tôi đi bên cạnh Long, hớn hở giới thiệu về những gì mình nhìn thấy, căn nhà chòi của bác Bảo là bảo vệ ngôi trường cấp ba xây ngay đằng sau ngọn đồi kia vẫn còn đó, có vẻ như sau bao năm thì bác ấy vẫn quyết định sống trong căn nhà được xây trên mặt hồ phẳng lặng tựa bức tranh treo khung gỗ ấy; rồi cả những cánh đồng lúa màu xanh cốm còn chưa đâm bông kết hạt nhưng đã ngào ngạt mùi thanh mát; những cây xấu hổ mọc chi chít thành từng khóm ở bên đường, lẫn với những khóm tre dại san sát nhau mà chỉ cần khẽ sờ vào chúng cũng co lại như một cô trinh nữ. Đi qua nhà bác Yên, tôi chợt dừng lại ở khu vườn của mẹ tôi, nó cách không quá xa so với mặt đường, thận trọng đứng từ bên ngoài nhìn vào trong đó, tôi lập tức thấy mẹ đang khom lưng ném thóc cho đàn gà ăn sáng, vừa vẩy nắm thóc, mẹ vừa kêu “tục tục tục” nghe thật là buồn cười. Tôi vừa bật cười, vừa khẽ khàng đẩy cánh cửa dặt dẹo được kết từ mấy mảnh thân tre đã bạc màu mốc meo tạo nên tiếng kẽo kẹt khiến mẹ giật mình quay đầu lại. Mẹ ngỡ ngàng nhìn tôi, chết trân trong giây lát, rồi nét mặt bà dần dần dãn ra, hình như vui mừng lắm lắm. Tôi chạy lại nhìn mẹ rồi cười nói.

- Mẹ mới dậy đấy à!

Lúc này đã là tám giờ sáng, thường thì khi ở Hà Nội giờ này mẹ tôi vẫn còn chưa dậy. Mẹ tôi là thế, không cần dậy sớm, chỉ cần kịp đi chợ trước giờ ăn trưa là được. Có lần còn mẹ tự hào vỗ ngực nói với em trai tôi rằng sau này vợ nó mà về ở với mẹ thì chỉ có sướng, khỏi cần phải dậy sớm chợ búa làm gì, cứ ngủ nướng đến khi nào mẹ dậy cũng được. Thế mà bây giờ đây, mẹ lại trả lời tôi bằng một câu xanh rờn.

- Không! Tao chẳng dậy từ lâu rồi ấy chứ! Ai ngủ nướng như mày.

Tôi há hốc miệng, cứng đơ cả ngũ quan, rồi bỗng nhiên, mẹ thay đổi thái độ, từ từ quay sang nhìn Long, săm soi hết một lượt từ đầu đến chân rồi cất giọng nghi ngờ hỏi.

- Ai đây?

Tôi giật bắn cả mình, vội vàng liến thoắng đáp trước khi anh ta kịp nhảy vào họng mình.

- Anh kết nghĩa của con ạ! Anh ấy tiện đi công tác qua vùng này nên đi cùng con.

Tôi vừa cười vừa nói, nhưng cũng không làm sao đánh tan được vẻ nghi hoặc hiện rõ trên khuôn mặt mẹ. Mãi về sau này tôi mới biết, thật ra ngày hôm đó mẹ chau mày không phải là vì mới gặp Long lần đầu không biết Long là ai, mà là vì đã từng gặp anh một vài lần trong bệnh viện nhưng không hiểu sao anh lại lặn lội đến tận vùng này để thăm mẹ tôi.

Thật ra mẹ tôi là con người phóng khoáng, cũng không hay để ý đến những chuyện tiểu tiết, vì vậy sau khi đủng đỉnh chạy ra giếng múc cho chúng tôi hai vầu nước mát, mẹ liền lập tức đi thẳng vào vấn đề chính, không một chút câu nệ.

- Hai đứa tới đây thì tốt quá! Mẹ đang muốn xây lại càng chuồng gà cho tử tế. Cháu là con trai chắc cũng biết xây chuồng gà chứ! Hở! Hở!

Tôi thấy Long cười khổ sở, định huých tay đánh ý với mẹ là “vừa phải thôi” nhưng không ngờ Long lại bất ngờ đồng ý. Thế là ngay trong sáng ngày hôm đó, còn chưa kịp nghỉ ngơi gì, tôi và anh đã lại phải tiếp tục lên rừng đốn củi.

Trên con đường dẫn tới khu khai thác gỗ đằng sau ngôi làng, tôi và Long phát hiện ra một cái thác khá lớn, nước từ thác chảy xuống tạo thành dòng suối trong vắt, nước suối cuốn quanh những tảng đá lớn gồ ghề trên mặt nước trông uyển chuyển vô cùng. Vừa nhìn thấy suối, trong đầu tôi lập tức nghĩ đến một chuyện quan trọng, thế là tôi liền bảo Long đứng chờ ở đây một lát, tôi đi trước giải quyết công chuyện rồi sẽ về.

Khoảng chục phút sau, tôi quay lại, nét mặt căng thẳng đã giãn ra rất nhiều, rồi mới hồ hởi huých tay Long giục đi tiếp. Chúng tôi đi thêm một đoạn nữa thì thấy một dãy cầu thang được tạo bằng đất đá tự nhiên dẫn thẳng lên trên núi, trời sáng nay vừa mưa lâm thâm xong nên mặt đường hơi trơn, vừa đi, tôi vừa phải bám thật chặt vào tay Long cho khỏi ngã. Con đường mòn trên núi này dẫn tới một khu khai thác gỗ, nếu đứng từ bên trên nhìn xuống thì sẽ thấy toàn cảnh của ngôi làng trải dài đến tận chân núi bên kia, nhìn bạt ngàn xa tít tắp, tạo cảm giác hào hứng vô cùng, ngay ở bên dưới là khu quân sự, thế nên có khi khu khai thác gỗ này cũng là của các anh bộ đội sống dưới kia. Nghĩ thế, tôi liền chạy lại dẻo miệng hỏi.

- Em chào các anh ạ! Các anh có phải là bộ đội không ạ!

- Không em ạ! Thế em gái xinh đẹp lên đây có chuyện gì thế! Em đi du lịch à?

- Dạ không! Em đi kiếm củi về cho mẹ ạ. Anh này… anh có thể cho em mua lại ít gỗ được không?

Vừa nói, tôi vừa niềm nở cười, còn nháy mắt ra hiệu “Ok?”

Anh thanh niên bỗng phì cười, rồi quay lại hỏi mấy anh còn lại, một lúc sau mới “bí mật” trả lời tôi.

- Này! Mấy anh kia bảo em xinh nên cho em một ít đấy! Em cứ mang về đi, không cần trả tiền đâu!

- Thật ấy ạ! Nhưng mà em ngại lắm! Thôi hết bao nhiêu anh cứ cho em trả!

- Bọn anh đã nói cho là cho mà! Em không phải ngại đâu, có đưa bọn anh cũng không lấy.

Tôi giả vờ xị mặt, nài nỉ thêm lát nữa rồi “miễn cưỡng” mang củi miễn phí về, Long nhìn thấy cảnh đó, chỉ bụm miệng chứ không dám cười, rồi đợi đến lúc đi xa khuất hẳn mới phì cười nói.

- Đúng là mấy thằng dại gái!

- Người ta dại gái mới là đàn ông. Ai như anh!

Tôi lại mỉa mai.

…….

Trên đường trở về, chúng tôi lại đi qua con suối ban nãy, nghĩ đến những gì mình vừa làm, tôi quyết định cố nhịn rồi về nhà uống nước chứ nhất quyết không uống ở đây dù đang rất khát. Mặc dù vậy, Long vẫn kiên quyết đặt bó củi xuống rồi lao tới dòng suối, vục mặt xuống rửa, rồi táp nước lên miệng, uống mấy hồi trông vô cùng khoan khoái. Nhìn thấy Long uống nước vô cùng sảng khoái, tôi chẳng nỡ nói ra khiến anh ta mất hứng, nên đợi đến khi Long giải khát xong hoàn toàn, tôi mới thỏ thẻ khai thật ra những gì mình đã làm ban nãy.

- Long này! Anh có biết vừa nãy lúc em bảo anh đứng lại cho em đi giải quyết, là em giải quyết ở đâu không?

Long nghe tôi nói xong, lúc đầu thì còn cười xuề xòa kêu không biết, phải mãi vài phút sau, anh ta mới chợt khựng người lại, rồi đần mặt quay về phía tôi, nói gần như khóc.

- Em… không… đùa… anh… đấy… chứ…….
Chương trước Chương tiếp
Loading...