Diểu Diểu Hướng Mộc

Chương 3



Chị Tang Tang bỗng nhiên ngừng kể. Chị đờ người nhìn máy vi tính trước mặt, rồi cười ngây ngô một lúc lâu.

Nói thật lòng là tôi cảm thấy khá bất ngờ: “Vậy hai anh chị là tình thầy trò?”

Chị lấy lại tinh thần: “Cứ coi là vậy đi.”

”Sau đó thì thế nào ạ?” Lòng hiếu kỳ thôi thúc tôi tiếp tục hỏi chị.

”Kỳ nghỉ hè năm lớp mười, anh ấy mới chính thức xuất hiện.” Chị giải thích, “Tam Mộc là một trong những giáo viên thực tập của trường chị.”

Chị đã quen với cuộc sống gần như không có nghỉ đông, cũng chẳng có nghỉ hè. Nhưng nó cũng chỉ là thói quen, thật lòng chị cũng hơi bài xích. Trong vô số hoạt động của mùa đông, học bồi dưỡng là hoạt động chị thích nhất, bởi vì địa điểm, con người đều rất quen thuộc... nói trắng ra là kỳ nghỉ của các lớp bình thường nhưng tập thể lớp tự nhiên ở lại học thêm hai tuần.

Giáo viên trong đội bồi dưỡng là thầy cô dạy toán lý hóa và các giáo sư thân quen của bọn chị. Vốn dĩ thầy chủ nhiệm kiêm thêm làm “bảo mẫu”, ở lại với bọn chị vào ban đêm nhưng trong nhà đột ngột có tang, vậy là trợ giảng Tam Mộc trẻ tuổi, chưa có gia đình phải làm thay thầy.

Sau khi kết thúc chương trình học buổi sáng, buổi tối mang tiếng tự học nhưng thực chất trở thành hoạt động vui chơi giải trí tự do.

Nữ sinh trong lớp ít đến mức đáng thương, nhưng khi chơi trò chơi thì không hề chịu thua nam sinh.

Đám nam sinh dĩ nhiên không phục: “Đánh cược đi! Mấy cậu thua thì tính thế nào hả?”

”Mấy cậu lo bàn bạc mấy cậu thua thì tính làm sao trước đi!” Bọn chị cũng không hề lép vế.

Cuối cùng hai bên cùng ra giai kèo chung: đám nam sinh thua sẽ cởi sạch quần áo, đồng loạt trần truồng về phòng ngủ; còn bọn chị thua, tập thể phải thay phiên tỏ tình với Tam Mộc.

Tam Mộc đáng thương lại bị bọn chị liên lụy...

Kết quả?

Bọn chị thua cuộc. Chị đành kiên trì đến cùng, xung phong chịu phạt đầu tiên.

Chị rón ra rón rén bước đến cửa phòng làm việc khép lại he hé, lâu lâu còn không quên quay đầu lườm nguýt mấy cái bóng ẩn núp trong bóng tối. Đến nơi, chị giơ tay lên gõ cửa.

Tam Mộc lên tiếng: “Vào đi.”

Anh ấy ngẩng đầu lên, có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy chị.

Chị buột miệng nói: “Hi... How are you?” Chị nghĩ thầm, thầy ơi tha thứ cho thói quen dùng tiếng Anh kỳ dị này của em...

”I"m fine, thank you.” Anh ấy hơi giật mình nhưng cũng thản nhiên đáp lại, “And you?”

”I"m...” Chị lúng túng muốn đánh nhanh thắng nhanh, “Thầy, thầy Lư, em thích thầy.”

Vừa mới nói xong, chị lập tức mở cửa chạy ào ra ngoài, để lại tiếng cửa đóng sầm cho anh ấy.

Thế nhưng ngoài cửa đâu còn bóng dáng của đám bạn bè!

Về lại phòng học, chị mới biết thầy chủ nhiệm bất ngờ tới giám sát. Đi ngang qua hành lang phòng làm việc, thầy tình cơ bắt quả tang các học sinh lười biếng ham chơi. Còn chị ban nãy sợ hãi quá mức nên ở cách có một cánh cửa, chuyện lớn xảy ra mà cũng không hề hay biết.

”Tang Diểu, em chạy đi đâu vậy hả?” Bắt gặp chị đi lững thững, thầy chủ nhiệm liền rầy la.

”Em ạ?” Chị thuận miệng nói, “Tìm thầy Lư hỏi bài.”

Dĩ nhiên các bạn học yêu dấu của chị đều cười sặc sụa.

Kể từ sau hôm đó, giờ tự học buổi tối bị dồn ép vào quỹ đạo. Thầy chủ nhiệm không chút nể tình: làm hết toàn bộ đề thi mẫu mới được về phòng ngủ, còn không cứ việc ngủ trong phòng học.

Tuy nhiên canh chừng bọn chị giúp thầy chủ nhiệm vẫn là Tam Mộc tội nghiệp.

Dưới ánh mắt chất chứa thương hại của bọn chị, anh ấy kéo bàn, bày ra một chồng lớn tài liệu và giấy nháp chi chít chữ, rồi cúi gằm đầu...

Đến khi thời gian trôi qua hơn một nửa, nhóm đầu tiên nộp bài, bạn bè thưa thớt rời phòng học, anh ấy mới ngước lên, lia mắt đến bài thi của bọn chị.

Chị ngồi ở bên phải, chếch một góc bốn mươi lăm độ với anh ấy. Lúc đó chị lặng lẽ chờ bạn cùng phòng đang loay hoay làm bài, vừa hí hoáy điện thoại di động, vừa len lén quan sát anh ấy.

Anh ấy nhìn điện thoại di động trầm tư vài giây, sau đó bấm bàn phím.

Không ngờ điện thoại di động của chị lại đổ chuông.

Một tin nhắn đến từ dãy số xa lạ gửi đến di động của chị. Nội dung tin nhắn khiến chị phải trố mắt ra đọc: “Lúc rảnh rỗi nói chuyện với tôi. Lư Duyệt Sâm.”

Lư Duyệt Sâm? Ai chứ?

Chị mau chóng hiểu ra.

Chị khó tin nhìn anh ấy. Bỗng nhiên di động của chị lại có thêm tin nhắn: “Tiểu trợ giảng liên lạc với cậu à? Tôn Du Thánh.”

Thế là chị nghiêng đầu sang bên khác, dùng khẩu hình chất vấn cậu ấy: “Cậu đưa số điện thoại của mình cho thầy ấy làm gì hả?!”

Tôn Du Thánh giả vờ ngây thơ vô tội: “Thầy ấy đòi, mình không đưa được chắc?”

Chị lườm cậu ấy: “Đồ phản bội.”

Quay đầu lại, chị tức tối trả lời tin nhắn: “Lư Duyệt Sâm là ai? Em chỉ biết Lư Tam Mộc.”

Tam Mộc im lặng nhìn điện thoại chằm chằm. Cuối cùng anh ấy dứt khoát bỏ di động xuống, cầm bút chì lên viết gì đó.

Lát sau, chị nhận được một tờ giấy vẽ sơ đồ. Khung bên trái ghi “dương xuân bạch tuyết”, mũi tên chỉ “Lư Duyệt Sâm”; khung bên phải ghi “hạ lý ba nhân”, mũi tên chỉ Tam Mộc. Dưới đó có hai đường nối lại thành mũi tên, em chọn loại nào?

Dương xuân bạch tuyết và Hạ lý ba nhân là hai ca khúc thời cổ đại. Dương xuân bạch tuyết đại diện âm nhạc thanh cao, còn Hạ lý ba nhân đại diện âm nhạc đại chúng. Ý của Tam Mộc là Tang Diểu thích gọi anh theo kiểu thân mật dễ gần hay lịch sự xa cách.

Chị dở khóc dở cười nhìn sơ đồ, rồi lại nhìn anh ấy, đẩy trả tờ giấy vẽ sơ đồ.

Đồng thời, chị cũng lưu thêm một tên mới trong danh bạ di động. Chị đặt tên là Tam Mộc.

Giống như rất nhiều phim truyền hình thần tượng, bọn chị ghi nhớ dáng vẻ của đối phương, cũng chỉ vì một trò đùa. Đến khi hiểu về lẫn nhau, bọn chị bắt đầu gửi tin nhắn qua lại. Lúc ban đầu, chị chỉ chịu thua tính tích cực của anh ấy, về sau chị kinh ngạc phát hiện con người anh ấy rất đơn giản... trò đùa của một con nhóc hơn mười tuổi mà anh ấy lại coi như thật...

Mới đầu, ngày nào anh ấy cũng nhắc nhở chị chăm chỉ học hành, không được suy nghĩ vớ vẩn. Lần nào, chị lần nào cũng hứa hẹn chắc nịch, suýt nữa chị còn hét lên cho cả nước cùng biết. Thấy chị ngoan ngoãn, anh ấy cũng thay đổi đề tài. Anh ấy nói về toán học, về cuộc sống, về những chuyện khác. Đến đây chị lại ngạc nhiên phát hiện, chị và anh ấy có rất nhiều điểm chung: ví dụ như cùng có ba mẹ bận rộn công việc; ví dụ như không chỉ đi học sớm một năm mà còn nhảy vọt một lớp khi học lớp bốn; ví dụ như khi anh ấy ở độ tuổi của chị, anh ấy thi hạng nhất, thể hiện được tài năng; ví dụ như bình thường hay thích đi nhà sách; ví dụ như thích cùng một nhà văn; ví dụ như hay quên viết tên lên bài thi,...

Trước đây chị từng kể lể than phiền với bạn bè thì bây giờ chị lại có tình cảm đặc biệt với môn toán, vừa tan học là lao ngay đi học thêm, cảm thấy đáp án của mấy đề thi không khó chút nào. Hình như bắt đầu từ đó, nhiệm vụ của chị trở thành tham gia đủ loại cuộc thi, vì thế dù đi học hay không, phải giai đoạn thi cử hay không đều chẳng có gì ngoại lệ. Bạn bè chị coi chị như lập dị, thậm chí còn xa lánh chị.

Thế nhưng tâm sự với Tam Mộc những việc này, chị không cần lo nghĩ bởi vì anh ấy hiểu hết.

”Tôi cũng không muốn em miệt mài như cái máy thi cử.” Quả nhiên anh ấy hiểu. Anh ấy còn nói: “Tôi tới cứu em.”

Cứu như thế nào? Không biết.

Vì vậy nghe anh ấy nói, chị chỉ mỉm cười, tiếp tục vùng vẫy thi cử. 

Sau đợt học bồi dưỡng, anh ấy và chị gặp nhau khá thường xuyên trong kỳ nghỉ, chị cũng tận dụng cơ hội này để hỏi bài hoặc làm trợ lý cho anh ấy. Nếu nói rằng chưa thích anh ấy, chị nghĩ không đúng.

Phải diễn đạt như thế nào đây? À, tình trong như đã, mặt ngoài còn e, tình cảm trên mức bạn bè. Dĩ nhiên đây chỉ là cảm giác của một mình chị.

Khai giảng không bao lâu thì đến một loạt các cuộc thi toàn quốc, cũng là thời gian áp lực nhất của lớp tự nhiên. Lớp mười của bọn chị như ngựa non háu đá gặt hái rất nhiều thành tích khả quan. Vì thế bên phía nhà trường và các thầy cô tổ chức ngay một buổi liên hoan cho bọn chị.

Trong buổi liên hoan, thầy chủ nhiệm xem các thành tích chị đạt được, vỗ vai chị nói, “Tang Diểu của chúng ta là nữ trung hào kiệt. Sao nào? Đạt nhiều giải thưởng toàn quốc thế này, em định đánh đến giải quốc tế chứ? Người ta hay nói lớp mười một là bước ngoặt, định hướng đường đi cho cuộc đời.”

Mọi người vui mừng xác định mục tiêu thay chị: đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.

Chị vô thức nhìn dáo dác lớp học hết lần này đến lần khác nhưng không có bóng dáng của Tam Mộc.

Những ngày vất vưởng, u ám trước khi thi trôi qua nhanh chóng một cách khác thường. Khi chị gặp lại anh ấy đã là một tháng sau đó. Địa điểm có vẻ không thích đáng: hội đồng thi.

Ngày hôm đó trời rất đẹp, ánh nắng đầu thu lấp lánh đến hiếm thấy.

Phần thi phụ quyết định thắng thua gồm ba câu. Câu thứ nhất là hình học phẳng, câu thứ hai là bất đẳng thức, sau khi giải xong hai câu khó khằn, chị cảm thấy người mình như bị rút hết sức lực.

Mắt chị nhắm lại rồi mở ra, nhìn những con số nhòe đi đằng trước, chị chỉ cảm thấy buồn nôn.

Đúng lúc này giám thị gác thi đột nhiên cất cao giọng: “Cậu là ai? Cậu định làm gì!”

Bỗng dưng ai đó túm cổ tay của chị, kéo chị đứng dậy, chạy khỏi hội đồng thi.

Chị cứ ngơ ngác chạy xuống tầng ba, băng qua sân tập cùng người đó.

Đến khi chạy tới giữa sân tập, chị mới biết người đó chính là Tam Mộc.

”Thầy ư?” Chị không tin nổi vào hai mắt của mình.

Anh ấy hơi nghiêng đầu, mỉm cười với chị.

Trường học dùng làm hội đồng thi nằm ở vùng ven thành phố, chạy qua mấy ngã tư hướng về ngoại thành là có thể nhìn thấy đồng lúa vàng óng ánh.

Anh ấy và chị cùng nhau bước trên bờ ruộng chật hẹp ở giữa cánh đồng. Gió thổi thơm mùi lúa chín như con thuyền trôi dềnh dàng theo cơn sóng.

Chị định vén lại tóc thì sực nhận ra tay phải của chị cầm bút chì, còn tay trái nắm chặt tay anh ấy.

”Vậy coi như là...” Chị dừng chân, gương mặt của chị đỏ bừng.

Tam Mộc xoay người lại nhìn chị ngại ngùng, anh ấy mỉm cười: “Nghĩ y hệt em.”

”Em nghĩ cái gì?” Chị không chịu kiểu nói lướt đôi của anh ấy.

”Thế thì em nghĩ giống như tôi.” Anh ấy nói.

Câu chuyện này xảy ra hơn mười năm trước, chị cũng đã quên một vài chi tiết.

Thời gian dễ dàng gột trôi tất cả nhưng có một thứ dù trôi qua bao nhiêu lâu vẫn vẹn nguyên như mới.

Khi chị chạy băng băng trên sân tập trong ánh nắng chói chang của buổi trưa đầu thu năm ấy, chị đã nhìn thấy nụ cười đẹp nhất trên thế gian.
Chương trước Chương tiếp
Loading...