Dịu Dàng Đến Vô Cùng

Chương 2



KHÔNG BIẾT CAROL, phải gắng gượng thế nào cho đến lúc tan học về nhà mà không khóc, cũng không báo cáo cô giáo, mà như không nghe thấy, không có phản ứng gì đối với Lâm. Từ lâu Carol đã biết, có ai đó nói gì với mình, mong mình tức giận, mình càng tức giận thì họ càng vui mừng, nếu mình mặc kệ, người ta sẽ cụt hứng, chán, không trêu chọc gì mình nữa.

Trực giác mách bảo Carol, câu chuyện thằng Lâm nói thì ai cũng thích nghe, nếu nó báo cáo với cô giáo, có thể cô giáo cũng rất hứng thu, liền đi thăm dò. Cứ coi như thằng Lâm kia nói không đúng sự thật, cô giáo điều tra trong lớp học, sau đấy thằng Lâm làm kiểm điểm, xin lỗi trước cả lớp, như vậy càng làm ồn ào khắp nơi. Dù là thật hay không, mọi người sẽ xem Carol là con một người đểu cáng, không ra gì.

Carol không nói gì. Về đến nhà, vừa gặp mẹ, nó không chịu nổi:

- Mẹ, bố thế nào mà mọi người bảo là đểu cáng?

Nó phải cố gắng lắm mới kể lại cho mẹ nghe câu chuyện của thằng Lâm nói, tuy nó chưa hiểu dụ dỗ để ngủ với một cô gái, cái từ nặng nề luật pháp vẫn dùng, nhưng những từ thô tục dễ hiểu như đểu cáng, làm to bụng đi liền nhau thì dù không hiểu trong bụng cũng ngầm hiểu.

Nó cứ nghĩ mẹ sẽ nổi trận lôi đình chửi mắng thằng Lâm nói năng nhảm nhí, nhưng mặt mẹ tái đi, hỏi:

- Ai bảo với con như thế?

- Thằng Lâm.

Nghe đến cái tên Lâm, mẹ suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Có thể bạn ấy là con bác Cương, đồng nghiệp cũ của bố, mẹ không biết nó học cùng với con, để rồi mẹ xin chuyển con sang trường khác.

- Có đúng bố đểu cáng không, mẹ?

- Tất nhiên không phải, là do cô sinh viên kia tự đến với bố. - Mẹ giải thích thêm. - Thật ra cô kia cũng không phải là trẻ con, không thể nói là bị dụ dỗ. Nếu dụ dỗ thì bố đã vào tù từ lâu rồi. Cô ấy cũng là cô giáo, đến trường của bố để học thêm, đều là người lớn cả. Nhưng với việc ấy, người đàn ông không thể chối bỏ trách nhiệm, dù người con gái quyến rũ cũng không thể cưỡng bức người đàn ông làm chuyện kia. Bây giờ mẹ có nói con cũng không hiểu, con lớn lên sẽ hiểu thôi.

- Con lớn lên cũng không thèm hiểu loại người đó. Bố không cần mẹ con ta, vậy mà mẹ còn nói thay cho bố?

- Không phải bố không cần mẹ con ta, chẳng qua chỉ nhất thời sa sẩy. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Một khi đã bén rồi khó mà dập tắt được.

Vành mắt mẹ đỏ hoe, cuối cùng chỉ nói thêm một câu:

- Lớn lên con sẽ hiểu, bố cũng là người đáng thương. Bố rất muốn về thăm con, nhưng cô kia không cho.

Carol không nói gì nữa, tuy còn nhỏ nhưng đồng cảm với mẹ, có cảm giác trong chuyện này mẹ rất hồ đồ, hồ đồ còn hơn cả một học sinh trung học như mình. Carol đối với ông ấy chỉ có thù hận, lập luận của nó cũng rất đơn giản: nếu ông ấy thật lòng yêu hai mẹ con mình thì không yêu cô kia, nếu yêu cô kia, vậy thì ông ấy không yêu mình và mẹ. Tại sao một điều đơn giản như vậy mà mẹ cũng không nhận ra? Lúc nào mẹ cũng nói con lớn lên rồi sẽ hiểu, nếu lớn lên mà ngu ngốc đến mức không biết căm giận ông ấy thì thà rằng không lớn lên còn hơn. Càng lớn càng hiểu đạo lý, không phải càng lớn càng hồ đồ.

- Mẹ không cần chuyển trường cho con đâu. – Carol nói. – Con sắp thi lên trung học phổ thông rồi, con tin rằng mình sẽ thi được vào trường trung học số Một, thằng Lâm sẽ không thể thi nổi đâu.

Đúng như vậy, Carol thi vào được trường trung học số Một, trường điểm của thành phố, còn thằng Lâm không biết đã thi vào trường phế liệu nào đó ở ngoại thành. Nhưng Carol không thể xóa nhòa được cái tên Vương Lâm trong ký ức, nó rất giận thằng Lâm, vì đã làm rối cuộc sống vốn rất bình lặng của nó, dồn nó đến trước một sự việc đau lòng, không mấy ai nhắc đến chuyện ấy với nó. Bây giờ người ly hôn càng ngày càng nhiều, gia đình độc thân cũng không ít. Nhưng là con gái của một người quyến rũ là quá nặng nề, một nữ sinh trung học thật khó mà chịu đựng nổi.

Carol cố gắng ngẩng cao đầu làm người, nó viết lại mọi chuyện trong sự tưởng tượng phong phú: Bố là người đàn ông hiền từ đáng yêu, dạy học xa nhà, bố rất yêu thương hai mẹ con nó. Có rất nhiều nữ sinh viên bày tỏ tình yêu với bố, vì bố cao lớn đẹp trai, phong độ ngời ngời, nhưng bố không hề rung động.

Câu chuyện thêu dệt rất chân thật, có sức thuyết phục, có lúc Carol không phân biệt nổi đâu là sự thật, đâu là câu chuyện tự thêu dệt. Nhưng không có bố ở cạnh bên là sự thật không thể che giấu, ngay cả Carol giàu sức tưởng tượng cũng không thể không thấy, cho nên nó đành phải phát huy sức tưởng tượng, tiếp tục thêu dệt: Bố không may bị ung thư, phải đấu tranh hết sức cực khổ với bệnh tật, cuối cùng không chống nổi bệnh ung thư và qua đời. Carol tưởng tượng tình tiết bố bị ung thư thật sinh động, mấy lần phải rơi nước mắt.

Mấy năm học ở trung học phổ thông, Carol hầu như không bực tức đau khổ vì ông ấy, nhưng bỗng một hôm, cô giáo chủ nhiệm lớp gặp nó, rất lo lắng, nói:

- Cô nghe người ta phản ánh, em có những chuyện riêng với một vài người bạn trai, cô rất lo cho em, em đừng đi theo con đường của bố em.

- Con đường của bố em? – Carol ngạc nhiên hỏi lại. – Thưa cô, con đường nào của bố em ạ?

Cô giáo chủ nhiệm mặt biến sắc, thăm dò Carol một lúc, rồi nói với giọng nghi ngờ:

- Tức là đừng chơi trò tình cảm với mấy người một lúc, điều ấy rất không đạo đức, mà cũng rất nguy hiểm.
Chương trước Chương tiếp
Loading...