Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Chương 14: Quà Sinh Nhật



Sáng ra, mắt của tôi có quầng thâm. Đinh Ngọc nhìn thấy thì thở dài:

- Chỉ là la mắng một câu, em có cần bày bộ dáng thảm thương thế không?

Tôi biết Đinh Ngọc hiểu lầm nhưng cũng không giải thích, mặt xụ xuống rồi nói:

- Em đang hối lỗi mà.

Đinh Ngọc gí tay vào trán tôi, giọng khiển trách:

- Là chị sợ em gặp nguy hiểm, em lại dám về trễ như vậy. – Nói xong, chị quay người bỏ đi.

Tôi bám theo chị, cười nịnh:

- Chị đừng giận em nữa.

Đinh Ngọc vừa đi vừa nói:

- Tối qua chị về, cha mẹ hỏi em đâu, chị đoán ngay em chưa về nhà. Sợ cha mẹ la, chị phải nói dối là chị về trước với Gạo, để em chơi thêm chút nữa sẽ có người đưa về.

Đinh Ngọc liếc tôi, nói tiếp:

- Có điều, cha hỏi chị, ai đưa em về. Chị không còn cách nào, đành nói là Nguyễn Cảnh. Lạ là cha nghe xong cũng không hỏi thêm.

Đến bữa ăn sáng, tôi bị mẹ cả la mắng vài câu, chỉ có quận công là im lặng. Buổi chiều, quận công gọi tôi ra gian nhà giữa. Khi tôi ra đến nơi đã thấy Nguyễn Cảnh đang ngồi bên bàn uống nước. Tôi ngạc nhiên:

- Sao công tử ở đây?

Quận công lên tiếng:

- Đinh Thanh, từ nay Nguyễn Cảnh sẽ dạy con học chữ Nôm. Con nên chăm chỉ học hành.

Tôi nghe mà chấn động trong lòng. Nguyễn Cảnh dạy tôi học? Anh ta là ai chứ, là công tử nhà Hân quận công, sao có thể đi dạy học? Tôi thầm nghĩ, có khi nào quận công đã hiểu lầm tôi và Nguyễn Cảnh không? Dù sao cũng chỉ là dự đoán của tôi chứ không có gì chắc chắn, cứ đợi đến thời điểm mấu chốt, tôi sẽ giải thích với quận công sau.

Sau khi căn dặn vài điều, quận công đi công việc ở phủ Chúa. Tôi ngồi xuống ghế rồi hỏi Nguyễn Cảnh:

- Sao công tử lại nhận lời dạy học cho tôi?

Nguyễn Cảnh cầm ly trà, anh ta cười cười:

- Dạy học rất tốt. Tôi cũng muốn thử một lần làm thầy gõ đầu trẻ.

- Tôi không phải trẻ con. Có phải cha tôi đã ép công tử đến đây? – Tôi nhăn mặt.

Nguyễn Cảnh đứng dậy, đến gần tôi rồi nói:

- Nói đúng hơn, là quận công nhờ tôi đến dạy tiểu thư vài chữ. Nhưng nếu tôi không tình nguyện thì có thể ép buộc được sao? – Nói xong, anh ta mỉm cười.

Tôi gật đầu, Nguyễn Cảnh nói đúng. Thôi thì học chữ với người lạ không bằng học với người quen. Tôi không hỏi thêm gì nữa, bắt đầu ngồi vào bàn, mở giấy trắng ra.

Nguyễn Cảnh là một người trầm ổn, anh ta dạy học rất từ tốn và cẩn thận. Tôi thắc mắc gì, anh ta sẽ trả lời nấy. Sau một canh giờ, Đinh Ngọc mang trà và bánh vào cho chúng tôi.

Lâu rồi tôi mới lại học chăm chỉ như vậy, ngáp ngáp mấy cái, nói hôm nay là buổi học đầu tiên nên được nghỉ sớm. Nói xong, mặc kệ hai người họ ngồi ở bàn, tôi đi thẳng về phòng mình, leo lên giường, ngủ bù cho tối qua.

***

Sáng ngày hôm sau, Nguyễn Cảnh lại đến dạy học. Lần này, Nguyễn Hoàn đi cùng. Nguyễn Hoàn nhìn thấy tôi thì gấp cái quạt đang phẩy phẩy lại rồi cười cười:

- Tôi cứ ngỡ Nguyễn Cảnh đến dạy chữ cho cháu chắt của nhà Huy quận công. Ra người cần học chữ lại là tiểu thư Đinh Thanh. – Anh ta nói xong thì cười lớn.

- Tôi cứ ngỡ Nguyễn Cảnh đến dạy chữ cho cháu chắt của nhà Huy quận công. Ra người cần học chữ lại là tiểu thư Đinh Thanh. – Anh ta nói xong thì cười lớn.

Tôi mỉm cười đáp lại:

- Tôi nhớ Nguyễn Cảnh đến dạy tôi học chữ. Còn công tử, không biết đến nhà chúng tôi làm gì?

Nguyễn Hoàn cứng họng, tôi nói tiếp:

- Người đâu, tiễn khách cho ta.

Anh ta nghe thấy thì chạy đến, vừa cúi đầu vừa cười hì hì với tôi:

- Tiểu thư Đinh Thanh, tôi chỉ đùa một chút thôi. Tiểu thư Đinh Thanh hiếu học nổi tiếng, mà sự học là vô biên, tôi nào dám chê bai.

Nguyễn Hoàn thật biết nịnh, tôi liếc anh ta, tiếp tục trêu chọc:

- Vậy thì sao? Công tử không có việc gì ở đây, không phải nên về nhà à?

- Ấy, tôi ở nhà buồn lắm. Tiểu thư Đinh Thanh mở lòng từ bi, cho tôi ở đây, tôi sẽ dốc hết sức mình giúp đỡ tiểu thư học hành.

Tôi trừng mắt với anh ta. Nguyễn Hoàn vội sửa lời:

- À, tôi nào dám dạy chữ tiểu thư, là lúc tiểu thư học mệt mỏi, tôi sẽ giúp nàng bớt căng thẳng.

Tôi bật cười, quay người đi vào gian phòng học, Nguyễn Hoàn chạy ríu rít theo. Nguyễn Cảnh và Đinh Ngọc che miệng cười, đi theo sau.

Đến lúc học chữ tôi mới nhận ra trình độ chữ Nôm của Nguyễn Hoàn cũng không hơn tôi là bao. Nhiều chữ anh ta còn lẫn lộn khiến chúng tôi cười lăn cười bò. Đinh Ngọc nhẫn nại ngồi một bên xem tôi học hành, thỉnh thoảng chị sẽ đến cùng thảo luận chữ với Nguyễn Cảnh.

Buổi trưa, mẹ cả mời cả hai ở lại ăn cơm. Nguyễn Cảnh và Nguyễn Hoàn sau bữa cơm trưa thì nằm nghỉ tại một phòng khác ở gian nhà giữa, sát ngay phòng chúng tôi học.

***

Đến chiều, khi mọi người đã ra gian phòng học nhưng tôi vẫn không thấy Nguyễn Hoàn đâu. Nguyễn Cảnh nói Hoàn đang ngủ chiều, vẫn chưa chịu dậy. Tôi cười thầm, quả nhiên công tử này không chỉ thích ra vẻ, thích trêu đùa người khác mà còn lười biếng nữa.

Tôi cầm cây bút lông đi qua phòng nghỉ bên cạnh phòng học thấy Nguyễn Hoàn đang ngủ trên chiếc ghế nằm. Tôi rón rén tiến đến, cầm bút lông, tô đậm hai hàng lông mày của anh ta. Lông mày của Nguyễn Hoàn quá giống con gái, còn đẹp hơn của tôi, tôi ganh tị đã lâu.

Sau khi vẽ hai đường ngang đè lên hai hàng lông mày của Nguyễn Hoàn, tôi chợt nhớ đến nhân vật Shin – Cậu bé bút chì, tôi gắng gượng nín cười. Ngay khi quay lại phòng học, tôi liền bật cười vui vẻ. Nguyễn Cảnh và Đinh Ngọc nhìn tôi bằng ánh mắt thắc mắc.

Học được một lúc thì Nguyễn Hoàn tỉnh giấc, đi vào phòng học. Tôi nhìn thấy gương mặt anh ta thì lăn ra cười, không cách nào nín được. Ban nãy anh ta ngủ, tôi đã thấy buồn cười. Bây giờ anh ta đang đứng ở cửa, mắt mở to, nhìn càng sinh động đáng yêu.

Nguyễn Cảnh trợn mắt nhìn Nguyễn Hoàn. Đinh Ngọc cầm khăn tay che miệng cười run cả bả vai. Nguyễn Cảnh lên tiếng:

- Chú đang định đóng tuồng à?

Tôi nghe chữ “tuồng” thì càng cười lớn. Nguyễn Hoàn nhăn mặt, tỏ vẻ không hiểu gì cả. Nguyễn Cảnh nói với một người hầu gần đó mang chiếc gương đến.

Những người nhìn thấy mặt anh ta, trai gái già trẻ trong phủ đều ôm bụng cười. Nguyễn Hoàn mặt lại càng nhăn nhó khiến hai đường lông mày to đen thui càng dính lại thành một đường thẳng. Tôi cười đến đau cả ruột.

Đến khi chiếc gương tới tay, Nguyễn Hoàn nhìn thấy mặt mình trong gương thì tức giận đỏ cả mặt. Trước đó Đinh Ngọc đã sai người mang đến một chậu nước và khăn mặt. Anh ta vẩy nước lên mặt, cố kỳ cho sạch vết mực.

Sau khi tẩy sạch vết mực trên mặt, Nguyễn Hoàn quay qua nhìn tôi, ánh mắt bắn ra cả tia lửa:

- Tôi biết chỉ có nàng làm thôi.

Tôi cố gắng nín cười, nghiêm túc hỏi lại:

- Có chứng cớ không?

Nguyễn Hoàn hừ một tiếng trong họng:

Nguyễn Hoàn hừ một tiếng trong họng:

- Chỉ có nàng mới bày trò.

Tôi làm vẻ mặt thản nhiên:

- Được, coi như là tôi làm. Thế nhưng không phải công tử đã nói, cái gì mà lúc tiểu thư học mệt mỏi, tôi sẽ giúp nàng bớt căng thẳng.

Nguyễn Hoàn trợn mắt, tức giận, chỉ tay vào mặt tôi, nói không thành câu:

- Nàng… nàng…

Anh ta nói không được, phẩy tay áo, quay người đi thẳng ra cổng. Tôi chạy ra cửa phòng, gọi lớn:

- Nguyễn Hoàn.

Anh ta nghe thấy nhưng vẫn không thèm quay mặt lại, chỉ phăm phăm đi thẳng ra ngoài. Lần này Nguyễn Hoàn giận tôi đến ba ngày. Từ đó tôi không dại dột làm trò ngu ngốc nữa.

***

Tôi nằm bực bội trên giường.

Đã ba ngày rồi, Trịnh Khải vẫn không có tin tức gì. Anh vẫn chưa đến tìm tôi. Tôi cứ ước có chiếc điện thoại, a-lô là biết được người ta đang làm gì, người ta đang ở đâu.

Đã ba ngày rồi, Nguyễn Cảnh một ngày một buổi đến dạy học nhưng Nguyễn Hoàn thì vẫn không thấy bóng dáng đâu. Làm cách nào để anh ta hết giận đây?

Đã ba ngày rồi, tôi mỗi ngày ngoài ở phủ học chữ với Nguyễn Cảnh thì thời gian còn lại bị mẹ cả bắt phải học đàn với Đinh Ngọc. Xưa nay tôi vốn không có năng khiếu âm nhạc, tôi còn không thể nghe ra được đâu là nốt nhạc nào thì làm sao có thể đánh đàn được, mà còn là đàn nguyệt.

Tôi ôm bực bội đi vào giấc ngủ.

***

Ngày hôm sau, Nguyễn Cảnh nói, hôm nay Nguyễn Hoàn tròn mười bảy tuổi, gia đình anh ta tổ chức tiệc chúc mừng tại nhà. Nguyễn Cảnh hỏi chúng tôi có muốn đến tham dự không. Tôi tất nhiên không bỏ qua cơ hội này.

Buổi chiều, tôi và Đinh Ngọc được mẹ cả đồng ý cho ra ngoài. Thật là một công hai việc, đi chúc mừng sinh nhật Nguyễn Hoàn, tôi vừa thoát khỏi việc học đàn lại còn có cơ hội bày tỏ sự hối lỗi của mình.

Ban đầu, tôi cứ ngỡ là tiệc chúc mừng được tổ chức ở phủ Hân quận công. Nhưng Nguyễn Cảnh đã dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà lớn khác, nói đây là nhà của Nguyễn Hoàn. Ra cha mẹ của Nguyễn Hoàn có tiệm buôn vải vóc rất lớn ở Thăng Long nhưng anh ta từ nhỏ đã thích đi theo Nguyễn Cảnh, cha mẹ anh ta lại bận rộn công việc, vì vậy để Nguyễn Hoàn qua phủ Hân quận công ở.

Từ cổng vào đến trong sân nhà lớn đều có treo lồng đèn đỏ, trong sân được bày biện bàn ghế, khách đến chúc mừng vừa là họ hàng, vừa là bạn bè và khách làm ăn của cha mẹ Nguyễn Hoàn.

Tôi thầm nghĩ, quả nhiên là nhà giàu, tiệc sinh nhật lại tổ chức lớn như vậy. Nguyễn Hoàn mặc một bộ đồ xanh rêu đang đứng nhận lời chúc mừng của khách đến dự, khi thấy tôi, mặt anh ta biến đổi không ngừng. Đầu tiên là biểu cảm ngạc nhiên, tiếp đến là lạnh lùng, sau là tức giận.

- Sao nàng lại đến đây? – Nguyễn Hoàn trừng mắt nhìn tôi.

Con trai sao mà giận dai như vậy? Tôi chỉ dám nghĩ trong đầu, không dám nói ra, dù sao hôm nay tôi đến là để xin lỗi anh ta. Tôi cười:

- Tôi có món quà tặng công tử.

Nguyễn Hoàn hỏi:

- Quà đâu? Tôi thấy nàng đi tay không đến, quà ở đâu?

Tôi che miệng cười:

- Quà này đặc biệt, tôi muốn tặng riêng cho công tử.

Nguyễn Hoàn tò mò:

- Quà gì vậy?

- Quà gì vậy?

Tôi làm tư thế nghiêm túc rồi nói:

- Đợi đến cuối buổi tiệc tôi sẽ tặng.

Nguyễn Hoàn nhăn mặt nhưng vẫn tỏ vẻ chịu đựng. Tôi cứ để cho anh ta tò mò, càng thú vị. Nguyễn Cảnh và Đinh Ngọc đứng bên cạnh chỉ cười. Đến khi ngồi vào bàn, Đinh Ngọc quay qua hỏi tôi:

- Em lại bày trò gì vậy? Ngày vui của người ta, đừng chọc ghẹo.

- Em đâu có chọc ghẹo. – Tôi quay qua cười với Đinh Ngọc.

Đến cuối buổi tiệc, khách đã về gần hết, Nguyễn Hoàn không nhịn được nữa, chạy qua tìm tôi:

- Đinh Thanh, quà của tôi đâu?

Tôi nhìn quanh, khách chỉ còn vài người. Tôi kéo tay áo của Nguyễn Hoàn qua vườn hoa nhỏ bên cạnh sân. Đi đến dưới cây đào lớn, tôi buông tay. Mùa này mới chớm thu, đào vẫn chưa ra hoa, lá xanh đầy cành. Tôi bắt đầu lấy giọng, nhìn Nguyễn Hoàn, vừa vỗ tay vừa hát:

“Happy birthday to you, happy birthday to you, happy birthday, happy birthday, happy birthday to you.”

Tôi hát xong đứng mỉm cười nhìn Nguyễn Hoàn đang đứng ngơ ngác ở đó. Tôi nói:

- Chúc công tử sinh nhật vui vẻ.

Nguyễn Hoàn vẫn đứng sững không lên tiếng. Tôi kéo kéo tay áo anh ta, anh ta mới nói:

- Đinh Thanh, nàng hát tặng tôi sao?

- Phải. – Tôi gật đầu. Tuy tôi hát không hay nhưng không đến nỗi nghe không ra chứ?

- Nàng hát bằng tiếng gì vậy? Tôi nghe không hiểu nhưng nó rất mới lạ, rất hay. – Nguyễn Hoàn nói.

Tôi bật cười trả lời:

- Đó là bài hát chúc hạnh phúc. Thế nào, có hài lòng với món quà của tôi không?

Nguyễn Hoàn gật đầu:

- Rất hay.

Tôi cười, muốn một công đôi việc:

- Vậy còn giận tôi không?

Nguyễn Hoàn nhìn tôi, trước khi quay lưng trở lại sân thì bỏ lại một câu:

- Tôi giận lúc nào?

Tôi cười, chạy theo anh ta, vui vẻ trở lại sân. Đinh Ngọc thấy tôi và Nguyễn Hoàn cùng trở lại thì không tỏ vẻ gì khác. Nhưng đến lúc về phủ, Đinh Ngọc mới hỏi tôi:

- Em có ý với Nguyễn Hoàn?

Tôi trợn mắt, lắc đầu:

- Không có, em chỉ xem anh ta là bạn, là bằng hữu đó.

Đinh Ngọc thở dài, không nói gì thêm, trở về phòng.
Chương trước Chương tiếp
Loading...