Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Chương 23: Hôn Ước​



Nơi tôi đang đứng khá là vắng người do đường này toàn các nhà quý tộc ở, từ cổng nhà này sang cổng nhà kia khá xa. Trời vừa sẩm tối, ánh sáng yếu ớt từ chiếc đèn lồng người hầu cầm đứng ở bên cạnh và đèn lồng treo bên đường chiếu sáng khuôn mặt của anh. Tôi nở nụ cười, giọng có chút khàn:

- Sao thế tử lại đại giá quang lâm nơi này?

- Ta đang trên đường đến phủ Hân quận công. – Trịnh Khải trả lời chậm rãi, mắt anh vẫn nhìn chằm chằm vào tôi.

Lúc này tôi đã tỉnh táo rất nhiều, hít vào một hơi thật sâu, nói nhỏ:

- Tôi phải về phủ.

Khi đi ngang qua người anh thì cổ tay tôi bị anh nắm chặt lại, tôi ngẩng mặt nhìn anh, trong đôi mắt đó không biết là bi thương hay phẫn nộ, anh nói:

- Tại sao nàng không thể làm một nữ nhi bình thường? Tại sao không ngoan ngoãn ở trong phủ làm một tiểu thư hiền thục?

Tôi cắn môi, cúi đầu nói rành mạch:

- Thế tử, xin hãy buông tay. Nếu để người khác thấy tôi và người ở đây sẽ nói chuyện không hay.

Trịnh Khải thả tay, tôi cúi đầu đi thẳng lên xe ngựa, không dám nhìn lại.

***

Về phủ, sau khi thay đồ xong, tôi bị quận công và mẹ cả gọi ra gian nhà giữa, quận công lên tiếng trước:

- Ban chiều con đi đâu?

- Con chỉ đi dạo ở phố. – Tôi đáp.

Quận công đập bàn, quát lớn:

- Con dám nói dối. Đi dạo phố lại về muộn như vậy? Đi dạo phố lại uống rượu say đến mức phải nôn ở bên đường?

Tôi sợ hãi, không hiểu sao ông lại biết được, tôi không biết nói gì chỉ mấp máy môi:

- Con…

- Chính mắt ta nhìn thấy, con nói thật đi, con có quen biết thế tử? – Quận công gằn từng từ một.

Ra là ông trên đường về phủ đã tận mắt nhìn thấy tất cả, tôi thật xui xẻo, lúc xấu mặt nhất lại bị Trịnh Khải và quận công chứng kiến. Đây là lần đầu tiên ông giận dữ đến như vậy, tôi cố tránh nặng tìm nhẹ:

- Thưa cha, con uống rượu là con sai. Còn thế tử kia thì con không quen biết, có lẽ là tình cờ thấy nên mới xuống kiệu hỏi thăm. – Tôi hi vọng quận công đứng ở xa sẽ không nhìn thấy Trịnh Khải cầm tay tôi.

Quận công nghe xong hừ một tiếng, nói lớn:

- Một tiểu thư cao quý lại dám đi uống rượu ở bên ngoài, không biết xấu hổ. Người đâu, mang roi da ra.

Tôi hít vào một ngụm khí, trong lòng đã sớm run rẩy. Mẹ cả đưa tay can ngăn:

- Con gái thân thể mềm yếu, ông dùng roi da sao con chịu được?

- Tôi đã cưng chiều nó lâu rồi, phải dạy dỗ nếu không có một ngày nó gây chuyện bên ngoài thì mặt mũi tôi để ở đâu. – Quận công nắm chặt bàn tay để trên bàn.

- Thưa chú, cầu chú tha cho em Đinh Thanh lần này. – Đình Duệ ở đâu chạy vào phòng, kéo tay tôi cùng quỳ xuống.

Đình Duệ nhìn mặt tôi tái mét lại nhìn quận công nói tiếp:

- Cũng là do ban ngày Đinh Thanh bất bình chuyện của Đinh Ngọc nên buồn lòng, có lẽ vì vậy mới uống rượu. Em vẫn còn non nớt cần dạy bảo, xin chú đừng dùng roi vọt, hơn nữa chúng ta là người Đại Việt, không phải người Thanh, sao lại dùng chiêu thức roi ngựa quất vào người.

- Cha, con sai rồi. – Tôi cắn môi.

- Cha, con sai rồi. – Tôi cắn môi.

Quận công nghe thấy chỉ hừ một tiếng rồi đứng dậy, nói:

- Cấm túc trong phủ, không được bước nửa bước ra ngoài. – Ông nói xong thì quay người đi ra ngoài. Mẹ cả nhìn tôi lắc đầu rồi cũng đi theo.

Đình Duệ đứng dậy, phủi thẳng tà áo rồi đến bên ghế ngồi. Tôi đang quỳ giữa nhà cũng nhanh đứng dậy, đến ngồi ghế bên cạnh, nhìn Đình Duệ:

- Cám ơn anh.

Đình Duệ cười, rót cho tôi một ly nước. Tôi không biết là quận công chỉ dọa cho tôi sợ hãi hay là thực sự muốn đánh đòn tôi. Dù sao tôi từ nhỏ chưa từng bị đánh đòn, tưởng tượng nếu roi da kia quất vào người, da thịt sẽ bị bong tróc ra là lại thấy rợn người. Nhưng sự tự do của tôi đã chấm hết. Tôi chính thức bị cấm túc trong phủ.

***

Vì bị cấm túc, tôi chỉ có thể loanh quanh trong phủ. Ban ngày ngoài ngồi hóng chuyện với người làm bếp thì tôi bắt đầu tập may vá mấy thứ nhỏ nhỏ như túi đựng tiền, buổi tối có thể sẽ ngồi nói chuyện với Đình Duệ.

Khi trời vừa chớm thu, tôi nghĩ đến việc may khăn choàng cổ, trong lúc tôi lục tung kho chứa hàng trong phủ lên để kiếm vật liệu thì phát hiện có một hộp gỗ, bên trong chứa hai cuộn len rất lớn. Len được làm từ lông cừu nên chắc chắn đây là hàng của người nước ngoài. Tôi vui mừng ôm hộp gỗ đi hỏi mẹ cả thì được biết đây là món quà của một thương buôn người Pháp tặng, vì không biết sợi vải đó để làm gì nên cất tạm trong kho.

Sau khi xin phép mẹ cả cho tôi hai cuộn len, tôi bắt đầu sai người chuốt hai cây kim lớn bằng gỗ. Nhớ lại lúc ở hiện đại, tôi từng ngồi hàng giờ nhìn mẹ đan áo, đan khăn, tôi sắp xếp lại hình ảnh trong trí nhớ, bắt đầu tập đan len. Đình Duệ một hôm về giữa trưa nhìn thấy tôi đang ngồi đan khăn thì cười:

- Đinh Thanh, ra em cũng có tài lẻ.

Tôi bĩu môi nói với anh, đợi tôi đan xong chiếc này, sẽ đan tặng anh một chiếc khăn. Đình Duệ cười rất vui vẻ, còn nói sẽ kiếm thêm sợi len về cho tôi.

***

Một ngày cuối thu, mẹ cả gọi tôi ra gian nhà giữa thông báo việc sáng nay đã có bà mối qua ngỏ ý cưới tôi cho công tử Quý Kiệt của nhà Nghĩa Phái hầu*. Ngày mai sẽ làm lễ nạp thái, hai nhà gặp mặt bàn chuyện cưới hỏi. Tôi nghe mà rụng rời tay chân, mẹ cả nói tiếp:

- Chúng ta đã lựa chọn lui tới mới được nhà thích hợp gả con đi. Nghĩa Phái hầu chỉ có một con trai là Quý Kiệt, học vấn hay nhân cách đều tốt, con sẽ không thiệt thòi.

- Mẹ, có thể gả con sau khi anh Đình Duệ lấy vợ được không? – Tôi không muốn bị gả đi nhanh như vậy, tôi vẫn chưa chuẩn bị tinh thần.

Mẹ cả đang uống trà thì ngưng, đặt ly trà xuống, nhìn tôi:

- Đình Duệ đang muốn tập trung lo cho con đường công danh, trước sau gì cũng sẽ lấy vợ. Riêng con đã mười bảy tuổi, bằng tuổi con, Đinh Ngọc cũng gả đi rồi, con còn muốn ở nhà gây thêm chuyện sao?

Tôi cắn môi nói:

- Mẹ, con và người tên Quý Kiệt kia không quen không biết, con không muốn gả cho anh ta.

- Trước lạ sau quen, con về phòng đi, không được nói nhiều lời. – Mẹ cả nói xong không thèm nhìn tôi mà đi thẳng.

Tôi chán nản về phòng nằm, gác tay lên trán suy nghĩ. Tôi chắc chắn sẽ không đồng ý cuộc hôn nhân này, nhưng tôi phải làm sao để quận công và mẹ cả hủy hôn đây?

Lễ nạp thái, lễ vấn danh đều diễn ra tốt đẹp, trong hai lễ đó tôi vẫn không biết được mặt mũi của người tên Quý Kiệt kia ra sao. Hôm nay lễ nạp cát đã xong, cũng đã chọn ngày tốt làm lễ nạp tệ là ngày hai mươi tháng tới. Tôi nghe tin mà trong lòng càng sốt ruột, chỉ còn hơn tháng nữa là lễ nạp tệ cũng tức là đám hỏi, lúc đó thì ván đã đóng thành thuyền, tôi làm sao thay đổi được. Tôi ngày ngày ngồi ở bàn thở dài, đêm đêm trằn trọc tìm cách thoát khỏi cuộc hôn nhân này. Chiếc khăn len đan gần xong bị tôi vứt trong xó đã lâu không đụng đến.

Tôi đã từng suy nghĩ đến một biện pháp là trốn nhà ra đi, nhưng ngặt nỗi từ ngày bị quận công cấm túc, luôn luôn có người hầu đi theo canh chừng tôi. Tôi suy nghĩ sắp đến bạc tóc thì một chiều Đình Duệ về báo tin cho tôi:

- Đinh Thanh, hôn ước của em có lẽ không thành rồi.

- Có chuyện gì? – Tôi mừng rỡ trong lòng nhưng không dám thể hiện ra.

- Nghĩa Phái hầu bị người ta tố cáo không trong sạch, đã bị chúa thượng giáng chức. – Đình Duệ đáp.

- Giáng chức? – Tôi thất vọng, cứ nghĩ là việc lớn nào, nếu chỉ là giáng chức có lẽ đám cưới vẫn diễn ra.

Đình Duệ gật đầu, nói tiếp:

- Nghĩa Phái hầu trước làm Tả Hiệu Điểm**, quyền Phủ sự*** nay bị giáng xuống làm Thừa chỉ Viện Hàn Lâm****, cũng mất luôn tước Nghĩa Phái hầu. Như vậy là từ trên bậc Chánh Nhất phẩm xuống hàng Ngũ phẩm.

- Nghĩa Phái hầu trước làm Tả Hiệu Điểm**, quyền Phủ sự*** nay bị giáng xuống làm Thừa chỉ Viện Hàn Lâm****, cũng mất luôn tước Nghĩa Phái hầu. Như vậy là từ trên bậc Chánh Nhất phẩm xuống hàng Ngũ phẩm.

Tôi nghe một loạt các chức danh thiệt đau đầu, tôi nói vào điểm mấu chốt:

- Có thật là lễ nạp tệ sẽ không diễn ra? Không phải hai nhà đã bàn nhau hết rồi sao?

Đình Duệ nhìn tôi, lắc đầu, không trả lời. Quả nhiên tối hôm đó, quận công và mẹ cả nói đã hủy hôn ước. Việc hủy hôn này nhìn vào sẽ thấy không hay ho chút nào, nhưng với tôi lại là việc cực kỳ tốt. Tôi coi như may mắn thoát nạn lần một, trong lòng vui sướng không ngừng. Thế nhưng tôi cũng nên tiếp tục nghĩ cách, bởi không gả cho nhà Nghĩa Phái Hầu này biết đâu sẽ bị gả cho nhà hầu gia hay quận công khác.Mùa đông năm đó tôi chỉ kịp đan xong một chiếc khăn len, ngẫm nghĩ một hồi bèn cho người mang qua phủ Trang quận công tặng Đinh Ngọc. Nói về Đinh Ngọc thì từ lúc trở lại nhà bên đó cũng không bị gây khó dễ gì, cô vợ lẽ cũng biết chừng mực hơn, tôi đoán nhà người ta cũng là nể mặt quận công nên mới không quá đáng.

Năm Canh Tý 1780, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41.

Đêm giao thừa, tôi nài nỉ Đình Duệ cùng đứng xem pháo nổ, cùng ăn bánh chưng. Tết năm nay trôi qua coi như không buồn tẻ như năm ngoái, lệnh cấm túc đối với tôi cũng được dỡ bỏ.

Xuân năm nay lại có lễ hội đua thuyền, Đình Duệ nói sẽ đưa tôi đi xem, tôi nửa muốn đi nửa không. Lí do là nó khiến tôi nhớ lại lễ hội năm nào còn vui vẻ đi cùng Đinh Ngọc và anh em Nguyễn Hoàn, cũng là ngày phát hiện ra thân phận thực sự của anh. Nhưng tôi bị cấm túc lâu ngày trong phủ thực sự cũng rất buồn chán.

Sáng ngày hội đua thuyền diễn ra, tôi ngồi xe ngựa cùng Đình Duệ ra bến Tây Long. Đình Duệ đưa tôi đến ngồi ở một quán trà hai tầng nằm sát bên bờ sông, chúng tôi lên lầu trên ngồi gần cửa sổ nhìn ra lễ hội nhộn nhịp bên ngoài. Trong quán lúc này đã có khá đông người, tôi có thể nghe ra mọi người đang bàn xem đội thuyền nào chiến thắng, họ còn đặt cược với nhau.

Tôi cầm chén trà, xoay xoay trong tay, mắt nhìn sông Nhị Hà rực rỡ màu sắc của cờ lọng, đông đúc thuyền bè dưới sông và chật cứng người xem trên bờ. Từ đây có thể nhìn thấy toàn cảnh lễ hội nhưng lại không cảm giác được không khí lễ hội như khi đứng ở dưới đó. Tôi mở miệng hỏi Đình Duệ:

- Sao chúng ta không ngồi thuyền hay đứng trên bờ sông xem?

Đình Duệ cười:

- Em không nghĩ ở đây tốt hơn sao? Không phải chen chúc mà còn có tầm nhìn bao quát lễ hội.

Tôi gật đầu, mặc dù tôi thích ngồi ở dưới bến kia, nhưng tôi cũng đồng ý với Đình Duệ là ngồi ở đây có thể nhìn rõ toàn cục cuộc đua thuyền. Tôi đưa mắt tìm kiếm chiếc thuyền lớn xa hoa của phủ chúa nhưng không thấy.

- Chúa thượng năm nay không ra xem lễ hội sao? – Tôi hỏi Đình Duệ nhưng mắt vẫn tìm kiếm dưới sông kia.

- Chúa thượng dạo này sức khỏe rất yếu nên không thể đi được. Năm nay để một vị Thượng thư bộ Lễ* làm chủ lễ hội. – Đình Duệ giải đáp thắc mắc của tôi.

Ra vậy, nếu thế thì người mặc áo bào đỏ kia có lẽ sẽ không xuất hiện ngày hôm nay. Tôi thở dài, không biết là hụt hẫng hay cảm thấy may mắn. Thuyền còn chưa bắt đầu đua thì một tên lính vào nói nhỏ bên tai Đình Duệ, anh vừa nghe vừa nhíu mày.

- Đinh Thanh, em ngồi ở đây xem lễ hội xong hãy về. Xe ngựa chờ ở bên dưới. Chú cho gọi anh vào phủ chúa có việc gấp. – Đình Duệ nói vừa đủ để tôi nghe thấy, xong anh đứng dậy đi thẳng xuống dưới.

Tôi chống cằm nhìn ra khung cảnh bên ngoài, ngồi một mình thì không còn vui vẻ chút nào. Bỗng một bóng người ngồi xuống ghế đối diện, là ghế ban nãy của Đình Duệ. Tôi quay mặt qua nhìn người kia, mắt nhỏ dài nhưng rất sáng, hình như đã gặp ở đâu đó rồi. Người kia mang một bộ màu đen từ trên xuống, búi tóc được cột bằng dây vải đen, anh ta nhìn tôi, mỉm cười:

- Tiểu thư Đinh Thanh không biết còn nhớ tôi hay không?

Tôi nhíu mày cố nhớ lại xem đã gặp ở đâu nhưng vẫn không nhớ ra được.

- Quang Bình. – Anh ta gợi ý.

- A, công tử là người đã giúp đỡ tôi lần trước. – Tôi nhớ ra, anh ta chính là người đã cứu tôi thoát khỏi bọn thuộc hạ của Đặng Lân.

Quang Bình nở nụ cười hài lòng:

- Chúng ta đúng là có duyên gặp lại. Tôi vừa vào quán đã nhận ra nàng ngay.

Tôi cười đáp lại. Quang Bình vẫy tay gọi thêm một ấm trà đen, sau đó quay qua tôi hỏi:

- Nàng chỉ đi một mình?

- Tôi đi cùng anh họ nhưng anh ấy có việc đột xuất nên đã đi trước. – Tôi thành thật trả lời.

Quang Bình nhấp một ngụm trà, mắt vẫn không rời khỏi tôi, đột nhiên hỏi:

- Nàng đã có hôn ước chưa? – Gương mặt Quang Bình lúc này rất nghiêm túc.

Tôi há hốc miệng, thời này cũng có người đề cập vấn đề thật thẳng thắn. Tôi nhấp một ngụm trà, nói:

Tôi há hốc miệng, thời này cũng có người đề cập vấn đề thật thẳng thắn. Tôi nhấp một ngụm trà, nói:

- Tại sao tôi phải nói cho công tử biết?

Quang Bình suy nghĩ một lát rồi lên tiếng:

- Hay vậy đi, chúng ta cược xem trong các thuyền đua dưới kia, thuyền nào thắng cuộc. Nếu tôi đoán trúng, nàng phải trả lời câu hỏi của tôi, nếu tôi đoán sai, nàng tùy ý sai bảo.

Tôi nhìn những chiếc thuyền đua dưới kia, phải đến hơn hai mươi chiếc, anh ta tự tin mình sẽ đoán trúng thuyền nào thắng cuộc sao? Tôi gật đầu đồng ý. Thuyền đua sẽ bơi đến mốc cờ giữa sông sau đó quay đầu lại, thuyền nào về lại điểm xuất phát đầu tiên sẽ chiến thắng. Quang Bình sẽ bắt đầu cược sau khi các thuyền đã đi được một phần tư chặng đường.

Tiếng tù và vang lên, trống cũng đánh giòn giã, thuyền đua nhanh chóng lướt nước lao về phía trước. Được gần một phần tư chặng đường, thuyền cờ đuôi nheo màu đỏ sọc xanh đang dẫn đầu, cách xa chiếc thuyền thứ hai đến một đoạn khá xa. Tôi đoán Quang Bình sẽ cược vào thuyền cờ đỏ sọc xanh nhưng anh ta lại nói:

- Tôi cược thuyền đuôi nheo màu đỏ sọc trắng sẽ chiến thắng.

Tôi ngạc nhiên, quay qua tìm chiếc thuyền có cờ đỏ sọc trắng mà anh ta nói. Trong rất nhiều thuyền đua dưới kia, chiếc thuyền cờ đỏ sọc trắng đang dẫn đầu tốp giữa, phía trước nó có khoảng năm chiếc thuyền khác. Tuy quãng đường còn hơn một nửa, tôi vẫn không tin chiếc thuyền đó sẽ chiến thắng, nhưng nhìn ánh mắt kiên quyết của Quang Bình thì tôi không dám nói gì.

Sau khi chiếc thuyền đua đầu tiên vừa quay đầu để đến đích thì những chiếc thuyền sau cũng bắt đầu dần đuổi kịp nó. Chiếc thuyền cờ đỏ sọc xanh càng ngày càng đuối sức, ban đầu là bị rút ngắn khoảng cách với chiếc thuyền thứ hai, sau đó lại tụt về hạng ba. Trong khi đó, chiếc thuyền cờ đỏ sọc trắng lại vươn lên không ngừng, vượt qua một lúc hai chiếc thuyền, chuẩn bị vượt qua chiếc thuyền cờ đỏ sọc xanh.

Tôi hồi hộp, cầu trời cho nó không đuổi kịp hai chiếc thuyền đang dẫn đầu. Nhưng vừa qua khỏi ba phần tư chặng đường, thuyền cờ đỏ sọc trắng không những giữ vững phong độ lao mạnh về phía trước mà còn có phần tăng tốc hơn. Rất nhanh, nó đã chiếm vị trí thứ hai, chỉ thua chiếc thuyền dẫn đầu nửa con thuyền.

Tôi quay qua nhìn Quang Bình thấy anh ta đang cười nhếch mép. Một giọt mồ hôi lăn từ trên thái dương xuống má của tôi. Ngay khi chỉ còn cách đích chưa đến hai mươi mét, thuyền cờ đỏ sọc trắng đã vượt lên và giành chiến thắng.

Quang Bình bật cười lớn, anh ta đã thắng. Tôi cảm thấy không phục, bĩu môi:

- Chỉ là may mắn mà thôi.

Quang Bình ngưng cười, nhìn tôi:

- Nàng không phục sao?

Tôi gật đầu. Quang Bình nói từ tốn:

- Nàng xem, chiếc thuyền có cờ nheo đỏ sọc xanh kia chỉ mới nửa chặng đầu đã ra sức vượt xa các thuyền còn lại vậy thì chắc chắn sẽ đuối sức khi đua chặng về. Các thuyền ngay sau đó tuy cố giữ sức nhưng vẫn không muốn bị bỏ xa nên cũng đua theo chiếc thuyền có cờ đỏ sọc xanh. Tôi để ý chỉ có chiếc thuyền cờ đỏ sọc trắng là luôn giữ tốc độ đều đặn từ đầu, người đánh trống cũng rất nhịp nhàng, không vội vàng cũng không chủ quan. Do đó tôi đặt cược vào nó.

Tôi nghe anh ta nói mà há hốc miệng, mắt mở to. Quang Bình nhìn thấy biểu cảm ngạc nhiên trên mặt tôi thì bật cười:

- Thực ra tôi cũng không hoàn toàn chắc chắn, nàng nói đúng, tôi vẫn là gặp may.

Tôi bĩu môi, móc ra năm hào đặt lên bàn nói:

- Tôi trả tiền ấm trà của tôi. – Nói xong tôi liền đứng dậy đi ra khỏi bàn.

Quang Bình ngạc nhiên, cũng nhanh tay móc tiền đặt lên bàn rồi đi theo tôi ra khỏi quán. Vừa ra khỏi quán, Quang Bình đã đứng chặn trước mặt tôi, nói:

- Nàng thua cược. Vậy hãy trả lời câu hỏi của tôi.

Tôi nhìn gương mặt nghiêm túc của Quang Bình thì bật cười, nói vừa đủ để anh ta nghe thấy:

- Muốn cưới tôi thì mang voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao đến.

Quang Bình nghe xong thì bật cười lớn, sau mới đáp rằng:

- Rất tiếc nàng không phải Mỵ Nương, tôi cũng không phải Sơn Tinh. Vậy nên tôi không cần tìm voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.

Tôi lại bị anh ta làm cho há hốc miệng, quả nhiên Quang Bình không dễ đối phó chút nào. Tôi lè lưỡi làm mặt xấu với anh ta rồi nhanh chân leo lên xe ngựa đậu gần đó. Quang Bình bị tôi làm cho ngạc nhiên, bất động trong một phút rồi sau đó bật cười lớn tiếng. Xe ngựa chạy được một đoạn, bên tai tôi vẫn nghe được tiếng cười hào sảng của anh ta, không biết là hư hay là thực.
Chương trước Chương tiếp
Loading...